TRANG CHÍNH THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


 

Hoạ Sĩ Biếm NOP

“TÔI DÙNG NGÔN NGỮ TRANH NÓI HỘ CỘNG ĐỒNG”

H oạ sĩ Nop tên thật là Hà Xuân Nồng, gốc Huế nhưng sinh tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Khoa lý luận phê bình mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hiện công tác tại Tuần báo trào phúng Làng Cười và là cộng tác viên thường xuyên của nhiều báo.

* 30 năm gắn bó với nghề vẽ tranh biếm, bằng cảm quan của người nghệ sĩ luôn “sốt” theo những vấn đề xã hội, anh thấy “căn bệnh tiêu cực”thời anh mới cầm cọ và bây giờ có gì khác nhau?

- Thời đó không “trầm trọng” và nhiều như bây giờ. Đó là một dạng “bệnh” rất khó chịu, kiểu “bình cũ rượu mới”, trở thành đề tài nhức nhối của xã hội, tạo “đất” cho hoạ sĩ biếm vẽ. Chỉ tiếc, một số ít người lạm dụng tranh biếm hoạ, giành quyền được nói nhiều quá về nhũng nhiễu, tệ nạn xã hội. Một vài nhà báo muốn giới thiệu về tôi theo kiểu đao to búa lớn tương tự và tôi đã từ chối. Tranh biếm hoạ thật ra là tranh trào phúng, tranh hài hước, tranh hí hoạ được hiểu theo cách chống tiêu cực.

* Có vẻ như “bệnh tiêu cực” bị… “nhờn thuốc”. Anh có tin một ngày nào đó con người sẽ có cách nghĩ, cách làm tốt hơn?

- Nhiều đề tài chống tiêu cực suốt 30 năm tôi vẫn còn vẽ. Đừng đòi hỏi quá cao ở sự cải thiện một sớm một chiều mà cần thời gian sàng lọc, loại bỏ tiêu cực từ nhiều phía, trong đó có một phần nhỏ của tranh biếm hoạ. Chính suy nghĩ này đã giúp tôi cầm cọ tốt hơn.

* Làm cách nào để “ngôn ngữ tranh”của anh luôn là tiếng nói của cộng đồng, của cuộc sống?

- Dù muốn dù không, tranh biếm hoạcũng là ngôn ngữ của hội hoạ được quảng bá rộng rãi trên sách báo. Tôi xác định vẽ tranh trào phúng là một cái nghề, thu nhập không cao nhưng sống được. Như một diễn viên hài kịch, tôi dùng “ngôn ngữ tranh” nói hộ cộng đồng về một sự kiện hay một vụ án mà họ quan tâm (nhưng không biểu đạt được bằng lời). Phải chắc chắn rằng tranh đạt chuẩn cười… mỉm chi đến cười…hết cỡ.

* Tranh biếm hoạ chưa có vị trí tương xứng với những gì nó đã thể hiện, dù rằng vẽ tranh biếm với anh không phải là nghề phụ?

- Hầu hết tranh biếm hoạ xuất hiện trên các báo đều mang tính thời sự, nó chỉ tồn tại một thời gian nhất định. Nhiều hoạ sĩ biếm gắn bó với báo chí trên dưới 30 năm nhưng chưa được công nhận là hội viên Hội Nhà báo, cũng chưa có một giải thưởng báo chí nào dành cho tranh biếm hoạ (mặc dù ngày nào cũng có tranh biếm xuất hiện), trong khi đó một tin vắn lại nhận được giải. Tôi nêu suy nghĩ của mình về điều này và luôn chờ sự phản biện nhưng tất cả đều rơi vào khoảng không. Đáng buồn hơn là ở Việt Nam ngoài Satế chưa ai dám làm album hay sách biếm hoạ (nhiều biếm sĩ trên thế giới thành danh nhờ tự phát hành album), người ta chỉ thưởng thức biếm hoạ trên báo như một “món gia vị” chứ chưa phải là một “món ăn chính”, dẫu có muốn ra album cũng chỉ là in cho vui, dành để tặng chứ không có giá trị kinh tế.

* Tranh hí hoạ Việt Nam vàø tranh hí hoạ khu vực Đông Nam Á có gì đáng nói, và để khắc phục tình trạng vừa nêu, anh có đề xuất gì?

- Cho đến nay chưa có một cuộc giao lưu hay một thông tin nào liên quan đến hí hoạ các nước thuộc khối Asian, thậm chí trong nước cũng chưa có một cuộc hội thảo nào về lĩnh vực này. Hiện nay, Hội Biếm hoạ Đông Nam Á đã hình thành (trụ sở tại Malaysia) nhưng hoạ sĩ biếm Việt Nam rất ít người biết.

* Nhiều bậc thầy biếm hoạ tại TP.HCM được nhiều người biết đến và cả sự tiếc nhớ như cố hoạ sĩ Choé, hoạ sĩ Ớt. Đồng nghiệp và cá nhân anh có học tập được gì ở hai bậc đàn anh này?

- Hoạ sĩ Việt Nam chủ yếu tự mày mò học… không qua giáo trình. Khi còn học cấp II, tôi tự học, cảm thụ gián tiếp qua cách biểu hiện của anh Choé và Ớt- hai người anh mà tôi ngưỡng mộ.

* Anh có sợ đụng chạm đồng nghiệp, bạn bè, thận chí bị ghét bỏ vì ngẫu nhiên nhân vật trong tranh của anh lại giống trường hợp, gương mặt của một người nào đó?

- Tôi vẽ chân dung các nhân vật theo trí tưởng tượng, không hề chủ định vẽ một ai đó. Thế nhưng vẫn gặp nhiều rắc rối ở một số trường hợp, đáng nhớ là khi tôi vẽ bức tranh Giáo dục, gương mặt trong tranh được suy diễn là rất giống… một trưởng phòng! Thậm chí giống cả động tác ráy tai, thế là tôi bị nhắc nhở, khiển trách, còn tờ báo thì bị đình bản! Còn bức tranh Bia ôm, không hiểu bạn tôi nhìn thế nào lại bảo cái gã trong tranh giống y chang anh ta, tôi giải thích thế nào bạn cũng không tin. Sau nhiều tai nạn nghề nghiệp tôi bỗng ngộ ra câu nói của ông cha thật chí lý: Có tật giật mình.

* Người ta thường nói, xem thơ biết người, xem văn biết ruột gan tác giả. Còn tranh biếm thì sao, thưa anh?

- Tôi ý thức rằng, bản thân chưa được hoàn thiện về…nhân cách, nhưng hằng ngày vẫn phải sống bằng nghề châm biếm thói hư, tật xấu của người khác. Khi cầm cọ vẽ tôi luôn thấy nhân vật trong tác phẩm có một phần là… của mình! Nghề biếm họa tự nó đã là tự trào, cũng là cách tự chiêm nghiệm để sống tốt hơn.

POX riêng: Những gì dễ mẫn cảm thường dễ động tâm. Nhiều tranh biếm của hoạ sĩ Nop như: Thề bỏ nhậu, Tiên học phí, Nơi an nghỉ của những trách nhiệm vô danh, Cầu trời cho con đừng bị thanh tra…thì đúng lá cười … ra nước mắt, vì nó “thọc lét” đúng chỗ… đáng buồn!                                                               



__________________________________________________________

 


TRANG CHÍNH THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ LIÊN KẾT