TRANG CHÍNH THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM



MỘT CÁNH CỬA HỘI NHẬP VĂN CHƯƠNG

(Nhà báo Phong Điệp trò chuyện cùng nhà văn Từ Vũ)

 

Ảnh: Phong Điệp

 

Tuyển truyện 4 tác giả nữ đã mở màn cho một tủ sách mới có tên Việt Văn Mới. Và một thông tin chắc sẽ khiến nhiều người náo nức: Tủ sách  sẽ tiến hành chương trình xuất bản sách của các nhà văn Trong Nước tại Nước Ngoài bằng ngôn ngữ bản xứ (Anh, Pháp, Nhật...) . Đây có phải  cánh cửa mở ra để nguồn văn  chương Việt Nam hội nhập văn chương Thế Giới?

 

·  Thưa ông Từ Vũ, tôi có thể gọi ông là gì: dịch giả? nhà văn?...

 

-    Trước hết xin cứ gọi tôi là  " anh " vì theo tôi biết trong văn chương thường gọi nhau bằng "anh, chị, em.." cho dù tuổi tác đôi khi cũng khá chênh lệch . Xin  Phong Điệp gọi tôi giản dị là Từ Vũ hay là một người “cầm bút". Tôi viết nhiều thể loại khác nhau tùy theo " tình thế ": có thời giờ nhiều hay ít; nguồn cảm hứng cuả một việc gì, nhân vật nào bất chợt đến trong hoàn cảnh tôi đang hiện diện ...Tôi nghĩ đây là một "đặc ân" mà tôi có so với nhiều người cầm bút khác vì tôi  tự do dể có thể đóng những vai trò dịch, viết ... khác nhau.

 

·  Vâng, tôi sẽ gọi giản dị là anh “Từ Vũ”. Chúng ta đều là những người cầm bút và cùng chia sẻ với nhau câu chuyện văn chương. Thưa anh, website Newvietart – còn gọi là Việt Văn Mới đã hình thành như thế nào?

 

-         Tất cả là từ một chữ Tình mà ra . Việc khá dài dòng nhưng tôi xin cố gắng thuật lại : Vào tháng 4 năm 2004, lần đầu tiên sau gần nhiều năm " tha phương xứ người "  tôi trở về Việt Nam theo điều mà người ta thường hay nói  “ nước chảy về nguồn". Tôi đã được gặp lại được một trong số những người bạn đã chia xẻ với tôi một quãng đời văn chương (vào thời đó tôi làm thơ, viết văn kiểu tài tử rồi bỏ nghề vì...sợ đói, trong lúc đó những người bạn của tôi vẫn can đảm tiếp tục và họ đã là những nhà văn, nhà thơ thực sự có tên tuổi) : nhà văn Nguyễn Mai. Tôi hỏi anh là có còn viết không thì anh trả lời mau mắn : Còn, tao có cầm về đây một số bản thảo ( anh đang sống với nghề làm rẫy ở Daklak ) vì nghĩ rằng tao đưa cho mày cùng 3 số báo Văn Tuyển mà  tao với Phạm Viêm Phuong, Cù An Hưng, Triệu Từ Truyền, Nguyễn Khôi, Nguyễn Hiệp...tụi tao đã phải bán cả quần áo để thực hiện, biết đâu mày sẽ làm được điều gì đó cho những công trình tim óc như vậy . Tôi ngậm ngùi cầm những bản thảo anh viết tay và 3 quyển Văn Tuyển bỏ vào vali nhưng lúc đó cũng chưa biết tôi sẽ làm được gì mà chỉ  nói  "càn"  với anh Nguyễn Mai : Tao sẽ cho xuất bản...

    Hơn 2 tháng sau tôi quay trở lại Pháp và cũng thật tình cờ, khi đợi máy bay tại phi trường Đài Bắc, trong bối cảnh của nó , chợt cảm hứng "cầm bút" trở lại với tôi từ sau khoảng 40 năm khi tôi từ bỏ Nguyễn Mai, Thiên Hà, Trương Đạm Thủy, từ bỏ nghề làm " văn sĩ, thi sĩ "  ở căn gác nhỏ tý gần  Ngã 6 Sài Gòn : Tôi rút cây bút ra rồi cứ thế cặm cụi trong sự im vắng về đêm của phi trường, cặm cụì viết, cứ thế viết trên mặt sau của những tờ giấy in giờ giấc phi cơ đi, đến từ Hồ Chí Minh về Charles De Gaule Paris : Lãng đãng tại Đài Bắc - đánh dấu cho sự trở lại văn chương của tôi.

 

    Về đến Pháp tôi nghĩ là phải làm một " cái gì "  cho mình , cho người bạn mình và cho Văn Chương. Nhưng làm "cái gì " bây giờ ?

     Thật tình cờ tôi làm quen với máy vi tính và  Internet trong khi chờ về hưu trí...Tại sao mình không làm một Website để phổ biến văn chương của bạn mỉnh và những nhà văn, nhà thơ trong tờ Văn Tuyển  (số in thật giới hạn 1, 2 trăm cuốn) ? Thế là tôi  cặm cụi tự làm lấy website với cái tên Vietart . Sau nhiều ngày vất vả, website đã thành hình  và hiển nhiên những  bài đăng đầu tiên tôi rút từ bài vở của Văn Tuyển và nhà văn qúa cố Nguyễn Mai .

    Nghề dạy nghề, ban đầu Vietart chỉ là một web khiêm tốn với những bạn hữu yêu chuộng văn chương nghệ thuật đếm được trên đầu ngón tay, bài vở thì gần như 3,4 ngày mới có được 1 bài mới đấy là tôi chưa dám nói đến chất lượng của bài …Vietart khôn lớn theo ngày tháng nhất là với cộng tác của nhiều nhà văn trong nước để biến thành Việt Văn Mới như hiện nay.

    Nhân dịp này thay mặt cho toàn Ban Biên Tập tôi xin chân thành tưởng niệm anh Nguyễn Mai và ngỏ lời cảm ơn các văn, thi hữu đã tiếp sức cho Việt Văn Mới.

 

 

·  Vậy tiêu chí của những người làm Việt Văn Mới là gì?

 

- Rất giản dị 3 T  :

 Trên :  từ Tình Yêu để vươn lên  Tình Người.

 Trước : làm văn chương nghệ thuật phải là người của Sáng Tạo, phải đi trước,  

              phải khai phá.

Tương Lai : Xây dựng cho Văn Chương Việt .

 

·     Anh vừa nhắc đến hai chữ Tương lai. Đó là một chặng đường dài, mà sức con người ta là hữu hạn...

 

- Điều  này rất đúng nhưng sau tôi, tôi tin tưởng sẽ có người nối tiếp việc làm của Việt Văn Mới

 

·  Trong tay tôi đang có Tuyển truyện 4 tác giả nữ do Việt Văn mới đảm trách nội dung. Ý tưởng về cuốn sách này đã hình thành như thế nào vậy?

 

-Ý tưởng này đã có từ năm 2006, tại Sài Gòn tôi đã ủy thác cho anh Nguyễn Mai, nhà thơ Thiên Hà, nhà văn Trương Đạm Thủy  chuẩn bị mọi việc  để cho ra mắt những văn, thi phẩm nhưng việc nửa đường thì nhà văn Nguyễn Mai đột ngột qua đờị (tháng 8.2006) và tôi đã không còn cảm hứng gì để tiếp tục công việc mặc dù đã có giấy phép.  Sau gần 1 năm, nhân dịp sắp đến ngày giỗ đầu của anh Nguyễn Mai, tôi bàn với người bạn đồng hành của tôi, chị Nguyễn Thị Dị, thực hiện việc ra mắt Tuyển Truyện để tưởng nhớ đến người bạn đã cống hiến cuộc đời anh cho văn chương mà ước mơ cũng là được nhìn sách của Việt Văn Mới xuất hiện.  Ý của tôi là  sách tượng trưng  cho một cuộc hội ngộ, phải nói là hạnh ngộ , của 4 người viết nữ Việt Nam mà còn rất ít người biết đến họ , đang sống ở 4 phương trời  và chúng tôi  tạo điều kiện để họ kết hợp lại với nhau : đây cũng là hai chữ Tương Lai mà tôi vừa nói ở trên,Tương Lai là như vậy, là sáng sủa, là kết hợp, là xây dựng,  là xoá bỏ những đố  kỵ ngờ vực... xa lắc xa lơ cũ kỹ mà một số người vào cỡ tuổi tôi vẫn còn muốn níu giữ.

 

·  Việc các tuyển tập xuất hiện khá nhiều, đến mức có người phải kêu lên là “thời kì bão hoà các loại tuyển tập” - sự xuất hiện tuyển truyện 4 tác giả nữ của Việt văn mới liệu có điều gì đặc biêt ?

 

- Việc các tuyển tập xuất hiện nhiều theo tôi không phải là điều đáng phàn nàn mà trái lại là điều đáng mừng cho cà Người Đọc lẫn Người Viết . Người Đọc có để Chọn Lưạ, Người Viết có để đến làm quen, gặp gỡ với Người Đọc. Tuyển Truyện 4 Cây Bút Nữ hơi khác với những Tuyển Truyện khác đã xuất bản ở Trong Nước  : đây là một công trình liên kết của Việt Văn Mới mà trụ sở đặt tại Pháp với Nhà Xuất Bản Văn Học và Công Ty Truyền Thông Hà Thế . Về phần nội dung như tôi đã trình bày ở trên : Lần đầu tiên tụ hợp 2 cây bút TRONG nước và 2 Cây Bút sống  NGOÀI Nước  (nhà văn Việt Kiều : tôi xử dụng tạm những từ này). Rất có thể chúng tôi đã tình cờ làm công việc mở đường cho những tác phẩm liên kết của nhiều cơ sở khác với nội dung tương tự.

 

·  Anh nghĩ sao về nhận xét: truyện ngắn của 4 tác giả nữ trong tập, chỉ “thường thường bậc trung”?

 

-  Nhận xét này cũng có thể hữu lý tuy nhiên mới đầu phải ở  "bậc trung" sau đó mới bước lên "bậc cao " và nhất là đây là những tác giả mới mà Việt Văn Mới tạo cơ hội để người đọc làm quen rồi sẽ  "thân" với những cây bút này .  Đôi khi cao, thấp tùy người đọc, văn chương mà !   Điều quan trọng như câu nói của Nikos Kazantzaki , một văn hào Hy Lạp :" Văn chương là những hạt muối để cuộc đới bớt hư thối " thì tôi tin chắc rằng Tuyển Truyện 4 tác giả nữ cững là một vài hạt muối .

 

 

·   Và Việt Văn Mới sẽ không chỉ dừng ở một tập sách này ?

 

-         Việt Văn Mới cỏn một vài chương trình nho nhỏ như :

 

. Tiếp tục việc liên kết xuất bản những tác phẩm ( Tuyển Tập nhiều tác giả hay 1 tác giả )   theo định kỳ chẳng hạn Tuyển Truyện 8 Nhà Văn (lần này thì nam phái theo tuyến đường số 1 từ Nam Quan đến Cà Mau) vào những  tháng sắp đến.

 

.  Tiến hành chương trình xuất bản sách của các nhà văn Trong Nước tại Nước Ngoài bằng ngôn ngữ bản xứ (Anh, Pháp, Nhật...) vì chính đây mới là cánh cửa mở ra để nguồn văn  chương Việt Nam hội nhập văn chương Thế Giới.

 

·     Tôi xin phép được dừng ở ý này. Một ví dụ đơn giản , nhưng khá buồn thế này: Trong khi chúng ta ồ ạt dịch văn học Trung Quốc, có tác phẩm nào mới bên đó, ở ta cũng gần như có mặt đồng thời. Nhưng chiều ngược lại thì thật đáng buồn. Vậy theo anh  nên nhìn nhận thế nào: văn chương của chúng ta chưa tạo ra hấp lực với bạn bè thế giới? Hay tiếng Việt quá khó đề các dịch giả hành nghề?

 

 

- Tôi thấy tiếng Việt không khó cho dịch giả nào muốn dịch sang tiếng nước ngoài, ở đây chỉ là vấn đề “muốn “ hay “ không muốn “ muốn thì người ta sẽ làm được – chính đây là điềm thứ 2 trong tiêu chí : Trước – chúng tôi phải đi Trưóc.

 Tôi có được đọc mấy quyển sách mà nội dung là  một số truyện của vài tác giả Việt Nam gọi là nổi tiếng trong nước do người Pháp xuất bản sau khi đã chuyển ngữ nhưng sau đôi ba lần thì họ ngưng không làm nữa lý do là… không có người đọc. Tôi nghĩ : rất có thể khi chọn  tác phẩm để dịch người ta đã chọn đúng những tác phẩm chỉ có tầm cỡ  …“thường thường bậc trung”.

 

Đề cập đến Hấp Lực cần phải đề cập đến  cả hai phiá : Người Viết và nhà Xuất Bản - Nếu viết mà không được xuất bản thì làm sao mà có hấp lực với người đọc. Nếu xuất bản mà tác giả viết không hay thì cũng chắng  thể nào có hấp lực được. Phần nhà xuất bản phải dám  “ chấp nhận” – chấp nhận thua lỗ khi xuất bản sách của những tác giả Việt Nam để người đọc nước ngoài dần dà biết đến mình.

Người viết có tên tuổi hay chưa có tên tuổi  không phải là sự kiện quan trọng đối với chúng tôi khi xuất bản một quyển sách .

 

 Pháp là nơi   nhà văn Gao Xingjian (Cao Hành Kiện) Pháp gốc Trung quốc đoạt giải Nobel Văn chương năm 2000, nơi mà việc xuất bản, dịch thuật thật dồi dào với đủ thứ ngôn ngữ trên thế giới thế mà chúng tôi chưa hề biết đến những cái gọi là 8X, 9X …”huyên náo” như bên Việt Nam mình hiện nay. Ở điểm này theo tôi thì ta phải dùng câu “ thời kỳ bão hoà dịch sách Trung quốc”  mới đúng. Tôi nghĩ đây cũng chỉ là “phong trào”, nó bùng lên theo thị hiếu trong việc làm ăn kinh doanh văn chương … rồi nó cũng sẽ xẹp xuống . Văn hoá Trung quốc cũng chỉ là một trong những văn hoá của thế giới với cái Hay và cái Dở của nó.

 

 

 

·  Tôi chắc rằng các nhà văn sẽ rất phấn khởi khi nghe thấy anh nói điều này : Tiến hành chương trình xuất bản sách của các nhà văn Trong Nước tại Nước Ngoài bằng ngôn ngữ bản xứ (Anh, Pháp, Nhật...) . Nhưng sẽ là ai ? tiêu chí nào được lựa chọn giữa hàng nghìn người cầm bút hiện nay ?

 

-         Trước hết cũng xin phải nói thật rõ về điểm này để tránh những sự hiểu lầm : Trước tiên chúng tôi cho chuyển ngữ những tác phẩm văn chương của những cây bút tham gia trên diễn đàn hội ngộ văn chương Việt Văn Mới – Newvietart rồi sau đó với điều kiện cho phép chúng tôi mới dám nghĩ đến việc chuyển ngữ những tác phẩm của những cây bút khác.Theo tôi nghĩ chắc chắn chúng tôi không phải là những người “cô  đơn" khi thực hiện công trình này.

 

 

·  Làm bộ sách này đồng nghĩa với với Việt Văn Mới bị lỗ?

 

 - Ngay từ buổi đầu tiên thành lập, Việt Văn Mới đã  có quan niệm rõ rệt : Việt Văn Mới không thể và không bao giờ là một "đầu nậu" văn chương. Việt Văn Mới không làm thương mại Với văn chương hoặc Bằng văn chương  nên việc được hay thua không là điều suy nghĩ .     Hơn nữa hạnh phúc mà cá nhân tôi đang có, luôn luôn có,  là được phục vụ Cho Văn Chương Việt Nam mà không phải lo nghĩ đến "nợ áo cơm".

 

·  Nếu có một tác giả tìm đến với Việt Văn Mới để có cơ hội tham gia vào tủ sách của Việt Văn Mới, ông sẽ tiếp đón ra sao?

 

- Tôi sẽ nói : Thay mặt Ban Biên Tập, Từ Vũ hân hoan chào mừng anh (bạn, chị, em...) đến hợp tác với  Việt Văn Mới.

 

·           Còn nếu họ nói : Việt Văn mới ơi, tôi có bản thảo đây, hãy in cho tôi một cuốn ? Xin anh lưu ý rằng : lực lượng  cầm bút hiện nay của chúng ta rất đông đảo.

-         Tôi sẽ nói : vâng, xin cho tôi được tìm hiểu nội dung xem có thích hợp  với tiêu chí của Việt Văn Mới hay không và  tôi sẽ thông tin kết quả trong vòng 15 ngày sau . 

 

·  Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này

 

 

Gặp mặt, giới thiệu sách. Từ trái sang: Võ Thị Xuân Hà, Vũ Quang Tần, Nguyễn Thị Dị, Đoàn Thị Diễm Thuyên

(Ảnh : Phong Điệp)

 

 

Điểm báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ số 29
 






TRANG CHÍNH THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ LIÊN KẾT