|
|
|
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
BƯỚC RA KHỎI ĐỘNG.
Suy nghĩ từ tập truyện ngắn "Người ăn gió và quả chuông bay đi"- của Nhật Chiêu
T hế là Từ Thức đã bước ra khỏi động, bước ra khỏi hai ngàn lá trắng của cuộc đời mình để đánh lên những hồi chuông thức tỉnh ban mai trong từng con chữ trong từng triết lý vốn cũ xưa như đôi vú của nhân loại nhưng vô cùng hấp dẫn.Bắt Mộng- Hành Trình- Trò Chơi-Huyền Ảo là các chủ đề lớn của tập truyện.
Mỗi chủ đề lại chứa những câu chuyện đủ để ta suy gẫm khi đêm về.
Mỗi truyện ngắn là những dụ ngôn triết học sâu sắc.
Tôi thích cái "lá trắng"( trong truyện Động Từ Thức) mà tác giả ví cho mỗi ngày của mỗi cuộc đời. Giá như mỗi ngày của cuộc đời ta là những chiếc lá trắng thì những ký ức thời trước động đâu có làm khổ đau nhân loại.
Và chiếc lá trắng ấy chính là bạn- vốn rỗng ran và biến ảo.Vốn tẩy xóa và tan rã trước mỗi khái niệm, trước mỗi trò chơi. Ba phạm trù luôn hình thành trong tập truyện phảng phất hương vị của Linh sơn- Cao Hành Kiện nhưng đã được tác giả đóng dấu ấn của mình vào đấy.
Trong "Động Từ Thức", Tôi- Phố Đông- Phố Tây, Tôi- Con Chó- Cụ Già,. Tôi-Trai –Gái, Tôi- Chàng Trai- Người Tự Tử, Tôi- Cô Gái- Ảnh Của Tôi, Tôi- Chùa- Đứa Bé Sơ Sinh, Tôi – Em Bé Và Mẹ Em Bé, Tôi- Gấu- Anh Hề, Tôi- Mi Và Mi, Tôi –Linga Và Yoni, Tôi- Khóc -Cười … là các khái niệm hết sức bình thường nhưng lại vô cùng lý thú khi được tác giả chạm vào. Các phạm trù ấy đủ đẩy ta ra khỏi hai bầu trời triết học Đông Tây. "Tôi không có ảnh và có thể cũng không có bóng. Vì thế đôi trai gái tiếp tục làm tình, tôi tiếp tục đi, rời công viên"-trang 9
Tôi ở đây là MA – MAYA- MA-DA.
Đọc kỹ mỗi truyện ngắn, ta thấy tác giả rất tinh tế trong việc sắp xếp cấu trúc câu chuyện, cấu trúc từ, kỹ thuật chơi chữ và kỹ thuật trình bày.Mặc dù hầu hết các truyện ngắn trong tập truyện có vẻ như không có cốt truyện, không có tứ. Mỗi truyện ngắn đều là phản chiếu ký ức của tác giả về tinh hoa của các tác phẩm lớn và cũng là chính là tinh chất mà tác giả đã lọc được qua hai ngàn lá trắng.
Ở truyện Động Từ Thức cái tôi khởi sự ở Phố Tây và kết sự ở Phố Đông.
Khởi sự cũng ở MI và kết sự cũng ở Mi. Đó là một vòng tròn khép kín miên viễn, đầy lý thú.
Mỗi truyện ngắn hầu như đều có sex, đều có tự tử, đều có Maya, đều có vú, đều có bóng dáng của cái chết. Các yếu tố ấy đã được tác giả đẩy đến mức kỳ ảo.
Mỗi một truyện ngắn là một hành trình tự thân. Mỗi một truyện ngắn là một hứng khởi từ lòng thực tại và tình yêu vô bờ đối với văn chương của Nhật Chiêu.
Trong truyện "Mây", nhân vật " Mi" đã từng hẹn với "Mây", với từng nguời con gái trong mỗi cuộc hành trình đã trở thành một bóng ma, trở thành một với "Mây".
Suốt một hành trình, "Mi" đã từng làm tình với bao nhiêu người con gái để tìm một cái "Không Mi".
" Rừng không, mây trắng cùng ta hẹn hò."
Đây chỉ là một ước vọng. Một ước vọng đớn đau. Biết bao giờ "Mi" có cái rừng không để "Mi" gặp mây trắng.
Mỗi truyện ngắn của Nhật Chiêu đều mang bút pháp thực tại biến khởi. Chính nó làm mới lại những cái cũ rích.
Mỗi cái tên của một nhân vật, của một địa danh trong truyện đều có những hàm ý sâu sa như Thành Trung Hải, Siêu Biển, H, Du…
H là Hương, là Hĩm, là Hoa, là Hồn, là Hòm, là ….H là ảnh của bạn, là phóng chiếu của bạn. Chính mỗi sự vật vừa là có vừa là không này mà Nhật Chiêu đã đẩy cái thực tại biến khởi này vào từng câu chuyện, vào từng nhân vật.
Du là đi, là di, Du là ta, Du là Nguyễn Du, Du hóa thân vào Chiêu, Chiêu hóa thân vào Du để đi tới từng hiện cảnh của cuộc đời một cách trọn vẹn nhất để trả lời cho câu hỏi: Người lớn là gì? Người lớn có biết chơi không?
Du đã đưa ta vào nghĩa địa, vào động đĩ, vào trung giới, vào Casino, vào Thiên Đàng….Du đã đưa ta vào ta, Du đã giết chết ta và giết chết Du trên hành trình của Du.
Theo tôi, tập truyện ngắn của ông đều có một chìa khóa để đọc: đó là bút pháp thực tại biến khởi. Thực tại này là đối chiếu, là biến áo, là hợp thể của tất cả các điều kiện. Thực tại này không có bản chất cố định.Vi nó là như thế nên ta có thể liên tưởng, có thể nhìn thấy H là H, là Hương, là Hĩm, là Hoa, là Hồn, là HXH, là ni cô, là bà phủ, là kỹ nữ…
Có thể liên tưởng K 1, K2, K3…là một K, là cốc, là K của KafKa, là K của Nhật Chiêu.
Tác giả thật tài tình khi thi vị hóa từng triết lý khô khóc của hai nền triết học Đông- Tây thành những câu chuyện đầy chất thơ trong tập truyện.
" Đã có thật tôi
Lại còn tôi giả
Cứ thế mà chơi"
Chính cái bộ ba này làm nên tất cả:
Tôi Giả
Tôi Thật
Trò chơi
Chơi hay không chơi thì bạn vẫn đang tự tử đấy thôi. . Im lặng hay lên tiếng bạn vẫn ở trong ma trận. Trong cái ma trận của trò chơi đó, ngàn câu hỏi tại sao cho những điều vô lý bật ra.Bạn sẽ mệt mỏi vô cùng cho việc đi tìm lời giải đáp trong khi chơi, bạn muốn dừng chơi, bạn muốn mất tích.Thế thì bạn hãy đọc truyện "Mất tích" trong tập truyện. Mất tích chính là một khát khao có thật của mỗi người trong cuộc chơi làm người, chúng ta muốn có mặt ở đấy nhưng trong tình trạng mất tích để không nặng nề trước những trúc trắc, trước những cái tát tay của người đời. Mất tích cũng là một cảm giác thoát khỏi ưu phiền, đau khổ, thoát khỏi những hẹn hò quy ước.
Truyện ngắn của Nhật Chiêu rất nhẹ nhàng nhưng nó là những trái phá vào những thành trì cổ hủ. Nếu như không đủ sức "giết chết" chính mình, đạp đổ chính mình thì không bao giờ ta trưởng thành và ta sẽ trở thành hù lậu như bà hội trưởng trong Cung Thành ở truyện "Trần Trụi Ban Mai", thậm chí độc ác như thầy pháp Ba nở giết chết một Se Sẻ đầy sức sống chỉ vì hắn sợ chính hắn sẽ phải chết khi Se sẻ tồn tại. Có gì đẹp hơn khi một chiếc lá rụng xuống để nuôi dưỡng màu xanh cho cây. Thế mà….
"Người ăn gió và quả chuông bay đi" là một tập truyện ngắn chứa đầy những hạt ngọc của tư tưởng nhân loại. Sẽ không uổng khi nó được gió đặt vào kệ sách nhà bạn.
Tháng 4/2007- viết xong.
3/08/2007 – đánh máy xong.