THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


 



TRIỆU TỪ TRUYỀN
VÀ NHỮNG DÒNG LỤC BÁT

R ất ít có ai như nhà thơ Triệu Từ Truyền, tuy ở độ tuổi sáu mươi anh vẫn còn đam mê mãnh liệt với thơ. Và hiện nay anh là một trong những gương mặt sáng giá của dòng thơ đương đại Sàigòn.

Cách đây hơn bốn mươi năm tôi đã đọc thơ anh (tập thơ Đêm lên cơn dài – NXB. Bộ Lạc Mới – 1965). Và từ đó đến nay phong cách thơ của anh, nhất là thơ Lục Bát, luôn gây cho tôi sự thích thú bởi anh có phong cách riêng thể hiện một cấu trúc thơ mới lạ mà hồn nhiên, hồn nhiên mà cực kỳ chắt lọc. Gần đây hơn, tức từ năm 1994 với "Mảnh vở hồn nhiên" (NXB. Trẻ), năm 1999 với "Va chạm hư không" (NXB. Văn Học) và 2006 với "Mặt cắt cõi ngoài" (NXB. Thanh Niên) thơ Truyền đã trở nên hiện đại hơn, trí tuệ hơn và triết lý hơn với dòng thơ mới. Như ngay cái tựa "Va chạm hư không", "Mặt cắt cõi ngoài" cũng đã cho thấy Triệu Từ Truyền luôn muốn làm mới mình, muốn chống lại sự "lão hóa" của lối mòn thơ cũ. Anh cho thơ mình khoác tấm áo mới với nhiều họa tiết ẩn dụ, lắm lúc xa xôi và bí ẩn. Thí dụ như bài "Dòng sông đứng" : "… cá nỡ xa nguồn theo lũ, bơi theo phù sa em đi/ lớn lên trong đục dòng đời chia xa nơi cha yên phận/ nơi kia ấm nồng mùa cưới bình lẫn hoa vui buồn búp/ chỗ nọ gió chướng cuồng cây chồi mừng lá giận/ dòng sông đứng rồi dòng sông nằm/ chu kỳ của đi và bơi" cho thấy Triệu Từ Truyền đã vượt qua thơ vần điệu để đi về phía ý tưởng. Chụp bắt những ý tưởng xuất hiện và xâu chuỗi lại cho đến khi ý tưởng chấm dứt và bài thơ dừng lại. Điều đó chứng tỏ Truyền vẫn còn đủ nội lực đua với sức trẻ trên dòng thơ hiện đại. Song việc nầy làm tôi vừa mừng lại vừa lo: Mừng vì thấy dù trải qua một thời gian trên 40 năm khởi đầu "nghiệp thơ", nhà thơ họ Triệu vẫn còn nguyên đó niềm yêu thơ say đắm và hơn nữa anh còn có những xúc cảm có chiều sâu hơn, "nhức nhối" hơn. Nhưng lo là lo biết đâu do vì quá say sưa cùng "người tình mới" là "nàng thơ" trí tuệ và triết lý mà Truyền quên mất cái vốn sở trường là thơ truyền thống lục bát của anh.

Nhưng may quá, điều tôi lo không thật sự xảy ra, cầm tập thơ "Mặt cắt cõi ngoài" tôi tưởng đâu như thơ lục bát sẽ bị… "chìm vào dĩ vảng" thì vẫn xen giữa những bài thơ gần như … "va chạm" hẳn với văn xuôi vẫn còn đó một lục bát ngất ngây, một cõi riêng đầy "kỳ hoa dị thảo" của một nhà thơ khó lẫn vào ai. "Con đò trái tim" là một thí dụ: "mùa xuân tan chảy thành dòng/ trào tuông mê mải tây đông đôi bờ/ trái tim là mỗi con đò/ thanh xuân chảy xiết người chờ qua đây/ bờ đông đánh tráo bờ tây/ suốt đời qua lại ngất ngây nổi chìm". Vẫn là những câu thơ nhiều ẩn nghĩa, nhưng dòng lục bát của Triệu Từ Truyền vẫn mang đến cho người yêu thơ những phút giây "truyền âm nhập mật" cực kỳ thi vị. Dẫn thêm một bài thơ nữa, bài "Sầu riêng": "cây sầu riêng ló nụ mầm/ hoa tươi tiền kiếp khổ tâm thành mùa/ trái tương lai ngọt xuân xưa/ góc gai trên nhánh đổ thừa đa đoan". Mượn trái sầu riêng để dẫn chuyện đời, triết lý về cõi nhân sinh, buông cái nhìn xa xăm vào thế sự. Vẫn trên nền lục bát "rêu phong cũ càng" nhưng ngôn từ, vần điệu của nhà thơ họ Triệu lại hết sắc mới mẻ tân kỳ, ngắn gọn mà bao la…

Có người cho rằng Triệu Từ Truyền mãi mê rong chơi giữa các "trường phái" triết học nên thơ thiếu sự mẫn cảm của con tim. Thật ra, có lẽ trong thơ lục bát Truyền mới bộc lộ hết sự rung cảm của nhà thơ đối với thơ và sự tài hoa trong cách xử lý ngôn từ: "níu mưa buông nắng lững lờ/ anh chào đời giữa mơ –hồ giao nhau/ rát lưng gay gắt nỗi đau/ tìm mình sớm gặp bản sao dị người…". Chính ở thể loại lục bát Triệu Từ Truyền mới biểu lộ hết tài năng và bản lĩnh của anh. Chỉ là "Tháng sinh nhật" thôi mà họ Triệu đã dàn trải được cả tự sự, tâm tình, chỉ trong 4 câu thơ đơn giản mà ý tứ lại muôn trùng…

Gần đây hình như những nhà thơ (cả trẻ lẩn hết trẻ) rất ít khi chịu làm thơ theo thể loại lục bát. Vì với câu sáu câu tám nối nhau rất dể tạo nên một lối mòn, sáo ngữ. Làm thơ mới hay còn gọi là thơ hiện đại sẽ dể dàn trải ý tứ, tha hồ bay lượn ngôn từ, buông bắt câu thơ như làm xiếc. Vì thế, thể thơ lục bát gần như bị thất sủng, hoặc vì người làm sợ mình không vượt qua được cái thể thơ vừa cực dể làm mà để làm hay quả là điều không dể chút nào!.

Tôi lo nhà thơ Triệu Từ Truyền cũng sẽ đi dần hướng theo cái mới mà phai nhạt với chính cái sở trường của anh. Nhưng đó chỉ là do tôi lo xa, còn người thơ họ Triệu thì biết mình phải làm gì với lục bát vốn là…"độc chiêu" của mình. Trong tập thơ mới nhứt của anh, tập "Mặt cắt cõi ngoài", với cái tựa đầy tính triết lý, ta vẫn thấy Truyền "thả" những câu thơ lục bát rất lung linh chứa chan tâm sự: "anh căng buồm hướng về đông/ mắt em là chiếc thuyền không bến bờ/ trôi lui trôi tới lững lờ/ gió xoay mất hướng dại khờ buồm giương/ mắt em mắc cạn trùng dương/ sóng tâm linh cuộn nỗi buồn bão giông" (Căng buồm). Dù vẫn ưng dùng câu chữ một cách rất mới song Triệu Từ Truyền vẫn cho thấy bản lĩnh của anh khi sử dụng "ngữ điệu" lục bát trong thơ mình một cách biến hóa tài tình.

Truyền giống như một người ham lãng du, thường đi chơi về những miền đất lạ song anh vẫn luôn nhớ về "mái nhà" lục bát mộc mạc mà thân thiết của anh. "Mái nhà" lục bát tuy đơn sơ dân dã nhưng là một nơi thân yêu một chỗ đi về mỗi khi… đường xa ngựa mỏi. Vì vậy trong các tập thơ "Mảnh vỡ hồn nhiên" (NXB. Trẻ 1994), "Va chạm hư không" (NXB. Văn Học 1999) cho đến "Mặt cắt cõi ngoài" (NXB. Thanh Niên 2006) tuy vẫn dong cương trên đường thơ hiện đại, song thỉnh thoảng trong các tập thơ "trí tuệ và triết lý" ấy Triệu Từ Truyền vẫn có những cuộc "trở về lục bát" bằng trái tim với những… mảnh vỡ hồn nhiên đầy tâm trạng. Tôi lại muốn đọc tiếp một bài lục bát cuối cùng trong tập thơ "Mặt cắt cõi ngoài", bài "Đối tác" : "em nâng chén thấy rỗng không/ anh cầm muỗng xới nồi đồng đầy cơm/ anh mang đại đóa ngát thơm/ em ôm bình rỗng chờ đơm hoa đời/ ly vàng đá anh chạm môi/ hóa ra chưa rót đầy lời của em". Bài thơ nầy làm tôi ray rứt mãi…

Trở về "mái nhà xưa lục bát" Triệu Từ Truyền mới thật là… Triệu Từ Truyền, mới thấy anh trút bỏ hết những gió bụi đường xa để thư nhàn mắc võng bên hàng cau ngắm đêm trăng sáng của chốn quê nhà, chốn quê của lục bát….



TRƯƠNG ĐẠM THỦY

 

THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT