THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


 



CHUYỆN BÚT HIỆU CỦA NHÀ THƠ


M ỗi người sáng tác có cách đặt bút hiệu cho mình rất đa dạng, đôi lúc ngộ nghĩnh nữa. người viết đã sưu tầm được vài cách đặt bút danh của các nhà thơ:

Dựa theo tên gốc để đặt bút danh như nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính - Như vậy Nguyễn Bính đã bỏ chữ lót của mình để làm bút danh. Cách đặt này khá phổ biến như nhà thơ Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu (bỏ họ) hay nhà thơ Huy Cận ( Cù Huy Cận)

Cách đặt theo lối chơi chữ: ví dụ bút danh nhà thơ Thế Lữ là cách nói lái tên Nguyễn Thứ Lễ, hay nhà thơ Trần Huyền Trân tên thật là Trần Đình Kim, có người yêu cũng họ Trần nên lấy họ Trần làm bút danh Trần Huyền Trân ( hai chữ Trần). Một nhà thơ tiền chiến khác cùng thời với Trần Huyền Trân cũng đặt tương tự như thế đó là nhà thơ Huyền Kiêu sinh năm 1915 tên thật là Bùi Lão Kiều. ( Huyền Kiêu = Kiều ).

Cách lấy theo địa danh quê hương để đặt cũng khá phổ biến như nhà thơ Tản Đà, tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1889 tại tỉnh Sơn Tây lấy tên ngọn núi con sông quê hương để đặt: núi Tản Viên- sông Đaø. Còn nhà thơ Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) thì dựa vào các thắng cảnh Hà Tiên (quê hương ông) để đặt bút danh: trong Hà Tiên thập cảnh thì Đông Hồ là cảnh đẹp thứ bảy Đông Hồ ấn nguyệt ( từ chợ Hà Tiên nhìn ra biển)

Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình

Non non nước nước gẫm thêm xinh

Đông Hồ – Lộc Trĩ luôn dòng chảy…

Nhà thơ của Bài ca chim Chơrao Thu Bồn thì lấy tên con sông ở Quảng Nam quê hương nhà thơ để đặt. Trước khi mất, nhà thơ từ quận 5- TP HCM về suối Lồ Ồ định cư đặt tên cho tệ thất mình là Thu Lý viên ( lấy họ người vợ là nghệ sỹ Lý Bạch Huệ ghép cùng chữ Thu mà đặt- Lý Bạch Huệ có thời gian cuối những năm 78 công tác tại Sở Văn Hóa Thông Tin Tây Ninh). Nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà nổi tiếng với bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím những năm 60 cũng lấy nơi sinh của mình để đặt ( Rạch Giá- Kiên Giang là quê hương của Hà Huy Hà).

Có người còn đặt một cách bí hiểm làm thiên hạ tò mò thắc mắc cho đến tận bây giờ như trường hợp nhà thơ T.T.kh thời tiền chiến làm ngẩn ngơ mọi người với bài thơ Hai sắc hoa TiGôn:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

Tôi chờ người đến với yêu đương…

Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa biết tên thật ? Có người nói đó là người yêu của nhà thơ Thâm Tâm nên lấy bút hiệu T.T.Kh ( tức là Thâm Tâm -Khánh ? ) có người cho rằng bà tên là Trần Thị Khánh? …. Hiện nay nhà thơ còn hay mất không ai rõ? Đây là một sự kiện thơ của Việt Nam ở thập kỉ 30.

Cách đặt theo lối chiết tự có nhà văn tiền bối Khái Hưng - tên ông là Trần Khánh Giư , chữ Khái Hưng chiết tự ra từ chữ Khánh Giư – hoặc nhà thơ J. Leiba tên nghe như người Pháp, ông sinh 1912 quê ở Yên Bái tên thật là Lê Văn Bái chữ LeiBa xuất xứ từ chữ Lê Bái… về sau nhà văn Nguyễn Hữu Ngư cũng làm theo cách này: Nguyễn Ngu Í (chiết tự từ chữ Nguyễn )

Còn một số cách đặt khác khá lạ như lấy tích xưa mà đặt của nhà thơ Nguyễn Đình Thư ( sinh năm 1917 Huế ) thuở nhỏ nhà nghèo nhà thơ nhờ ngoại nuôi cho đến khôn lớn nên đặt tên Thư lấy ý đời xưa có ông Ngụy Thư khôn lớn cũng nhờ bên ngoại.

Nhà văn Hoàng Đạo ( em ruột nhà văn Nhất Linh ) tên thật là Nguyễn Tường Long – bút danh Hoàng Đạo là một giờ rất tốt theo Kinh Dịch – 12 giờ trưa người ta thường gọi là giờ hoàng đạo, lại lấy bút danh khác nghĩa ngược lại là Tứ Ly (một quẻ rất xấu trong Kinh Dịch).

Bút danh nhà thơ Hồ Dzếnh là do cách phát âm vì nhà thơ là người Tàu ( Quảng Đông- Trung Quốc) tên thật là Hà Triệu Anh, tiếng Quảng đọc Hà Triệu Anh là Hồ Síu Dính bỏ chữ đệm còn Hồ Dính đọc trại ra thành Hồ Dzếnh…

Còn ở Tây Ninh cũng có vài giai thoại về cách đặt bút danh.Ví dụ nhà thơ Vũ Mậu Tý không phải là tuổi tý, chỉ đặt cho đối lại với nhà thơ Phan Kỉ Sửu ( Đài Phát thanh - Truyền hình ) sau nầy đổi lại bút danh Vũ Tịnh Biên ( huyện Tịnh Biên – Đồng Tháp quê hương nhà thơ ). KhaLy Chàm có thời gian lấy bút danh Nguyễn Ngọc Hân ( là tên con gái đầu lòng)

La Ngạc Thuỵ tên thật La Hồng Thới. Ngạc Thuỵ là lấy tên người con trai để đặt - Nguyễn Quốc Đông, thường viết phê bình âm nhạc với bút danh Nguyễn Nhạc Cụ. Vì nghề nầy cũng chịu nhiều áp lực dư luậnï nên tác giả lấy chữ Nhạc cụ cho chắc ăn : nhạc công lên Nhạc sỹ, Nhạc sỹ lên Nhạc sư, Nhạc sư lên… Nhạc Cụ (điếc không sợ súng). Nguyễn Nhạc Cụ


NGUYỄN NHẠC CỤ


 

THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT