THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT


VIỆT VĂN MỚI
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


 






NGUYỄN HẢI THẢO
&
MƯỜI BỐN NĂM ÂM VANG CỦA SÓNG

T ừ “Nỗi đau thời gian” tập thơ “đứa con đầu lòng” của Nguyễn Hải Thảo xuất bản năm 1992 đến nay trải dài 14 năm anh mới lại cho ra đời tiếp tập thơ thứ hai: “Âm vang của sóng” (NXB. Văn Nghệ – 2006). “Âm vang của sóng”, có lẽ đó là một tập thơ ẩn chứa nhiều tự sự nhất của tác giả khi anh bắt đầu bước vào cái tuổi mà người xưa thường bảo đó là lứa tuổi… “tri thiên mệnh”. Đó là lứa tuổi chưa phải già song cũng không còn trẻ nữa để có cái nhìn vừa bình tỉnh lại vừa xao động hơn về bản thân mình cũng như chuyện nhân gian…. Điều đó có thể thấy rõ ở ngay trang mở đầu bài thơ Âm vang của sóng như thay cho lời tựa tập thơ để tác giả thổ lộ tâm tình: “Sóng vỗ vào lòng ta/ Một thời lãng mạn/ Em chạm vào tim ta/ Bằng vòng tay của cát/ Bằng đôi mắt của đêm/ Bằng đôi môi mặt trời/ Một ngày/ Đôi mắt của đêm biến – mất/ Đôi môi mặt trời chìm – khuất/ Vòng tay của cát buông – xuôi/ Để em cũng theo sóng trôi đi – trôi xa…/ Ta lại trở về ta/ Của tháng năm nào hiu quạnh/ Đêm đêm/ Dạo những khúc bi ca/ Một thời lây lất/ Vô tình quên/ Mặt trời đã ngủ cuối chân mây/ Ta còn gì/ Ngoài âm – vang – của – sóng?!”.

Thơ Hải Thảo rất thật như con người thật của anh, đó chính là sự cô đơn hiu quạnh. Nhà Thảo ở Tân Phú, chỉ ở một mình. Có lần Thảo kể cho tôi nghe về mối tình của anh với người phụ nữ mà anh yêu dấu. Nhưng mối tình nồng say đó chỉ như hoa phù dung sớm nở tối tàn và cô ấy ra đi bỏ anh ở lại nửa vòng trái đất. Bây giờ anh mới hiểu ra cái mong manh, vô thường, dễ vỡ của những ân tình “vòng tay của cát, đôi mắt của đêm, đôi môi mặt trời”. Vòng tay của cát nên cát lại theo sóng trôi đi, môi mặt trời nên môi sẽ chìm khuất sau đám mây dông, mắt của đêm nên mắt dễ nhòa sau khoảng tối… Những câu thơ thật buồn…

Tôi quen Nguyễn Hải Thảo trên 10 năm nay. Anh sống bằng ngòi bút. Anh viết cho các chuyên san Gia Đình – Tình Yêu – Hạnh Phúc dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Anh viết văn xuôi chẳng phải vì để có những tác phẩm văn xuôi mà Thảo dùng nó để lấy ngắn nuôi dài, lấy văn xuôi để nuôi “đứa con cưng” là THƠ của anh.

Phải thấy Hải Thảo chăm chút từng bài thơ của anh như thế nào mới hiểu được thứ tình yêu đến… “điên rồ” mà anh dành cho nó. Thơ trước khi gởi đăng báo, anh tự đánh máy, chọn lọc từng từ, từng câu, từng ý, sửa lỗi chính tả kỹ như nhà khoa học soi vi trùng dưới kính hiển vi. Rồi bài thơ được in lên báo, nếu lỡ bị sửa sai “mo – rát” một dấu, một từ anh buồn cả tháng. Còn khi chuẩn bị in thơ, anh luôn dành làm người sửa bản in, sửa tỉ mẩn, cần cù, sửa đi sửa lại đến nỗi nhiều thợ nhà in phải lắc đầu kêu khổ. Nói như thế, để thấy Thảo dành cho Thơ không phải xem đó là… “cuộc chơi” như nhiều người thường bảo, mà Thơ đối với anh là một ngôi đền thiêng.

Thơ Hải Thảo chẳng hề triết lý cao siêu, nơi đó anh lộn trái lòng mình để tự mình nhìn thấy rõ nó, tự mình nghe nó. Trong bài “Khúc ru” có âm điệu như gọng hát xẩm lê thê, chơi vơi giữa đêm làm người nghe nao lòng: “Ta ru đời ta/ Bằng những giấc mơ/ Bằng đôi chân mỏi/ Từng buổi đi về/ Đường trần khúc khuỷu/ Tình ai quanh co/ Trái tim trót gởi/ Một mối duyên hờ/ Tình đến như gió/ Tình đi như mưa/ Tình không chợt có/ Tình có vụt xa/ Nên ta ru ta/ Từng chiều hiu quạnh/ Nên ta ru ta/ Những khuya đơn lạnh/ Nên ta ru ta/ Nửa đời lận đận/ Nên đời ru ta/ Trăm năm giá buốt”. Đó là một khúc ru tình buồn, như người say không tri kỷ nửa khuya gõ chén mà hát…

Tôi biết chàng thi sĩ nầy làm thơ thật, không màu mè, bởi người đàn ông ở ngưỡng năm mươi sống một mình tự nấu ăn, tự giặt giũ, tự chăm sóc cho mình những khi trái gió trở trời… thì làm gì mà chẳng ru từng chiều hiu quạnh, từng khuya đơn lạnh như thế?

Chẳng hiểu anh chàng nhà thơ nầy đã có mấy cuộc tình và vì sao “cứ sắm được con sáo nào là con sáo ấy lại xổ lồng bay đi?” : “Xưa lỡ cho con sáo sổ lồng/ Vô tình thả trái tim đi lạc/ Con sáo buồn – lặng câm – bay mất/ Để chiều nay tôi – đứng – tiếc – tôi” (Mượn). Hay như trong bài Hát Xuân lại thấy có hình bóng một con sáo khác cũng lại sổ lồng: “Ngày xuân ai hát Huê tình/ Riêng ta ngồi hát một mình – bâng quơ/ Hết À ơi đến Ầu ơ/ Ta ru ta giọng “lơ tơ mơ” buồn/ Mặc ai hát khúc Nam Xuân/ Ta ru ta điệu lý còn bông lông/ Tình bằng con sáo sang sông/ Mình ta ở lại tiếc công đưa đò/ Ầu ơ… À ơi… Ầu ơ…”.

Tội nghiệp “ông lão đưa đò” Hải Thảo, ông cứ chèo chống mãi trên dòng đời đơn độc, cứ sắm được con sáo nào là con ấy lại sổ lồng bay xa…. Buồn vậy mà chẳng Ầu ơ, À ơi, Ầu ơ hoài sao được? Tâm trạng cô đơn, đó là nỗi ám ảnh thường trực dễ khiến người ta nhận ra ở Hải Thảo cuộc sống nội tâm của anh vốn không phẳng lặng, yên bình. Chính vì thế thơ anh có những bài làm người đọc mủi lòng cảm xúc. Thử đọc bài “Đôi khi” của anh qua thể điệu lục bát: “Đôi khi giữa phố thưa người/ Bỗng dưng thêm một chuổi cười ban mai/ Đôi khi ngồi ngắm mưa bay/ Chợt nghe trong gió buồn lay lắt buồn/ Đôi khi thèm một môi hôn/ Ru ta ấm lại nửa hồn rét căm/ Đôi khi nhớ một chỗ nằm/ Ngày xưa mình đã dung thân giang hồ/ Đôi khi thèm một giấc mơ/ Đưa ta trở lại bến bờ hồn nhiên/ Đôi khi tỉnh – đôi khi điên/ Đôi khi nhớ – đôi khi quên… một mình!”.

Con người “nửa nhớ nửa quên, nửa điên nửa tỉnh” ấy nay đã gánh trên vai một nửa thời gian của một đời người, vậy mà anh vẫn lủi thủi giữa ngôi nhà thiếu vắng một tiếng cười của con trẻ, thiếu vắng một bàn tay nội trợ cho những bữa cơm, thiếu vắng một tình yêu cho mình vun đắp…. Sống buồn như vậy mà làm sao chẳng điên, chẳng tỉnh khi tấm thân giang hồ còn thiếu một hơi ấm cho cái chỗ để náu thân?

Tiếng thơ của Hải Thảo không réo rắt, vút cao mà u trầm như một tiếng sương rơi trên lá khô, tiếng viên sỏi lăn xuống vực tối của những hoài nghi, ngờ vực: “Hình như đã cuối một ngày/ Con chim lẻ bạn vừa bay đi rồi/ Hình như tôi với riêng tôi/ Ngồi im một bóng tự soi đời mình/ Hình như có một chút tình/ Nằm lăn lóc chỉ tôi nhìn ra thôi…” (Hình như)

Một chút tình lăn lóc, một chút tình ám bụi mà chỉ có người ngồi độc thoại với mình trong bóng đêm mới chợt thấy ra, mới chợt buồn tênh…

Hơn 10 năm tôi quen Hải Thảo, quen từ “Nỗi đau thời gian” quen đến… “Âm vang của sóng” thì đời anh vẫn vậy, vẫn những cuộc đi-về buồn hiu, những bữa rượu chưa uống đã say. Đi đâu trong cặp lúc nào cũng mang theo một… “tủ thuốc gia đình”, lý do: anh sợ bệnh. Vì bệnh một mình khổ lắm, cơm cháo có ai lo? Vì thế mà lúc nào thuốc cũng phải kè kè một bên, phòng bệnh hơn là… đợi bệnh, như lời anh tự sự. “Âm vang của sóng” hay âm vang của một nỗi lòng đã có quá nhiều giông tố. Sự cô đơn, trống vắng của người đàn ông năm mươi là thứ men dễ làm dậy nỗi buồn, nỗi bi quan…. Nhưng may thay, suối nguồn của thơ trở nên ào ạt chính là từ những “ hạt sầu” nho nhỏ đó góp lại mà thành.

Thơ “Âm vang của sóng” của Hải Thảo buồn, sâu lắng mà xôn xao…. Tuy nhiên đó không phải là những cơn sóng dữ lật thuyền, mà là những tiếng sóng bổ ghềnh, ầm ào vỗ trong lòng biển của những đêm đông hiu hắt. 14 năm sau “Nỗi đau thời gian”, Hải Thảo mới lại cho ra mắt công chúng với 52 bài thơ trong tập thơ “Âm vang của sóng” như để kết thúc một quãng lặng khá dài của một tấu khúc sắp bị lãng quên. Có lẽ những ai ở tuổi… “nửa đời hương phấn” sẽ là những độc giả dễ cảm thông và chia sẽ những xúc cảm với nhà thơ Hải Thảo, người thơ nửa đời vẫn còn một trái tim hiu quạnh…



 

THƠ & NHẠC ĐOẢN VĂN TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC KỊCH NGHỆ ẤN PHẨM LIÊN KẾT