|
|
|
TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
![]()
CẢM NGHĨ VỀ THƠ HOA VĂN
C ho dẫu anh đổi bút hiệu từ Anh Hoa qua Hoa Văn cho ý nhị với cuộc đời thi nghiệp của anh, thì Cao Mỵ Nhân vẫn kêu anh là Anh Hoa như thuở nào, những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi tôi từ trung ương đổi lên Quân Đoàn II vùng 2 chiến thuật, để tập sự công tác xã hội nơi doanh trại Pleime ấy.Người ta nói với tôi, có ông thi sĩ Anh Hoa ở phòng tâm lý chiến QĐII, nhưng lúc tôi được chị Thế dẫn lên phòng Tâm Lý Chiến để giới thiệu tôi là cán sự xã hội mới ra trường, thì lạị chỉ được gặp thiếu tá Hồ Hồng Nam, còn ông thi sĩ ngồi cười mỉm chi, hiền dịu nơi chiếc bàn phụ tá cạnh đó.
Hẳn ông thi sĩ Anh Hoa cũng có nghe một lần nào Cao Mỵ Nhân này làm thơ lâu rồi, như nhà văn Uyên Thao nhận định qua “Lược Khảo Về Thơ” hồi ấy, thì Cao Mỵ Nhân vẫn chưa tìm cho mình một lối đi riêng, còn thi sĩ Anh Hoa đã nổi danh ngay từ khi thơ chưa xuất bản thành sách, và đã tự vạch cho ông một con đường thơ đầy phong cách riêng tư.
Tất nhiên một sĩ quan Tâm Lý Chiến muốn làm thi sĩ hay thành danh thi sĩ, không phải ông ta hướng tâm hồn vào bích chương, biểu ngữ, truyền đơn, hô khẩu hiệu tuyên truyền, mà chính vì những lời lẽ ngọc châu tình tự, óng ả, hoa mỹ, hay chính vì tiếng nói của trái tim đã có và đang rung động mãi mãi kia, đó là thơ, và là thơ riêng của mỗi thi sĩ.
Anh Hoa Văn cho phép tôi viết bạt nơi tập Thơ Và Thời Gian này, lại được gọi là một Kỷ Vật Tinh Thần. Vâng, một cái bạt đúng nghĩa, nên chi, có nó hay không, không thành vấn đề, nhưng có nó trong số những bài tựa bài bạt khác... với Kỷ Vật Tinh Thần, thơ Hoa Văn mang rất nhiều ý nghĩa, vì thi đại huynh vốn ở Đường sơn Pleiku xưa đã có rất nhiều tri âm, tri kỷ.
Song le, viết bạt cho thơ, mà cứ tán dương kỷ niệm quanh thi sĩ thì thật lan man, nên tôi cần phải trưng dẫn ra những lời thơ Hoa Văn hiếm thấy như một mạch thơ cuồn cuộn không ngừng, có lúc dâng trào ào ạt, giống lũ rừng băng núi không thể ngăn nổi:
Tạ ơn những lúc bể dâu
Thâm thù bỏ lại giữ mầu vị tha
Tạ ơn tình có hôm qua
Hôm nay còn lại hương hoa cuối ngày
(Tạ Ơn)
Từ đó, tôi mang 2 cảm nghĩ về thơ Hoa Văn.
1/ Cảm nghĩ thứ nhất: Từ ngữ mới lạ trong thơ Hoa Văn.
Với cái mạch thơ cuồn cuộn dâng trào không ngơi nghỉ trong một giây phút nào, thì quả Thơ Và Thời Gian đã được quấn vào nhau thành một chuỗi ngôn từ lạ lùng, bất tận, trong suốt bề dày tập thơ, đặc biệt nơi những bài lục bát.
“Những bài lục bát bác học” nghĩa là không dân giả kiểu vè. Thơ lục bát của Hoa Văn mang bản sắc riêng ngay từ ý tứ và lời lẽ của nó.
Lời câm cuối nẻo hương nồng
Đêm lên rước nụ mơ hồng áo buông
Bâng khuâng tiếng gọi miên trường
Tình gần mấy cụm hoa đường tóc baỵ
(Gọi Lối Mơ Hồng)
Nếu bảo thi sĩ Hoa Văn trau chuốt, làm duyên cho thơ ông chút gì để khác thường, thì không, bởi lẽ làm dáng cho thơ là thấy ngay khi son phai phấn lạt, tình ý sẽ chẳng còn gì ưu tú. Thi sĩ Hoa Văn viết như là cách nói riêng của ông vậy : ý từ phong phú tài hoa ...
Nỗi buồn cồn gió, cụm mây
Khuya mưa ừ ậm mắt đầy phố xa
Nói chi lối cũ trăng nhòa
Thì trăm năm chỉ như là khói sương.
(Một Góc Đời Riêng)
Hai nhà thơ Kim Tuấn và Diên Nghị đã viết nhiều về thơ lục bát của Hoa Văn, nhưng mỗi vị thi sĩ nhìn thơ bạn một cách khác nhau. Thơ lục bát có hồn, hình như chỉ cần hai yếu tố đơn giản: lời và âm điệu.
Nếu lời dùng chữ quá cao siêu, thâm sâu quá và phá bỏ âm điệu bằng những dấu chấm đặt giữa câu, gạch tréo, cắt đôi ngôn ngữ, thì khó mà chuyên chở tình cảm tự nhiên được.
Ở Hoa Văn không có những biến cố thơ như nêu trên, chẳng phải ông ở tuổi thu vàng, không chấp nhận điều cải cách ngôn từ như số ít người làm thơ trẻ trung thời nay chủ xướng, khám phá, song thơ Hoa Văn vẫn đầy lạc quan trước thế giới thơ hiện đại. Hoa Văn vẫn giữ luật thơ 6/8 rất chính đạo, chan chát luật, niêm, vần điệu, dù là lúc làm thơ bên bàn rượu:
Trà thơm ướp cánh hoa nhài
Nhớ giây phút tỏa u hoài sông mê
Vân phong kín nẻo đường về
Chút duyên hội ngộ tứ bề trăng soi
(Nguyệt Hồng)
2/ Cảm nghĩ thứ hai:
Thơ Hoa Văn mang chút âm hưởng “Đoạn Trường Tân Thanh”
Tôi không dám cao hứng để ví von thơ Hoa Văn với các áng thơ Việt Nam đã vang danh trên thế giới như Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du, bởi lẽ đã có người mê thích thơ bạn mình đến nỗi đã ví von là thơ bạn với thơ Kiều giống y nhau
Nhưng, tôi dám nhủ thầm: Thơ Hoa Văn có chút gì để nhớ thơ cụ Nguyễn Du
Bao đêm nhìn ánh trăng sầu
Ngày trông xe lũ, rầu rầu ngó sông
(Năm Năm)
Cung thương để lịm hồn thơ
Bao giờ cung hỉ bấy giờ hoa bay
Buồn về năm tháng đầy tay
Đợi cung lưu thủy những ngày hoàng hôn
(Cái Còn Cũng Không)
Càng đọc 6/8 Hoa Văn, càng thấy âm hưởng Đoạn Trường Tân Thanh đồng vọng, Hoa Văn mang tâm hồn tri kỷ cùng thơ cụ Tiên Điền, Hoa Văn còn canh cánh nỗi buồn của khách tài hoa Tố Như, toàn bài 6/8 Đam Mê nghe tưởng một đoạn Kiều. Tới bài Cõi Sáng thì có khác nào cảnh chiều tà, chị em Kiều đứng trước mả Đạm Tiên:
Tìm trong cõi sang địa đàng
Mộ xanh cửa trước mộ vàng cửa sau
Mộ ta muôn sợi cỏ sầu
Mưa phai tình mỏng nắng đau lá vàng
(Cõi Sáng)
Chẳng phải bây giờ, mà từ lâu rồi trước 1975, thơ Hoa Văn đã ngát hương Kiều.
Lòng trời đổ trận mưa sao
Phím ngà ai gẩy má đào ai hoen
Tóc ai xõa lạnh góc thềm
Mắt ai chuốc vạn ưu phiền cho ai
Tình ai cười trắng đêm dài
Tâm tư ngây ngất chưa vơi nỗi niềm
(Bâng khuâng)
Để chấm dứt lời viết Bạt... mạng này, không gì hơn là tôi đan cử những cặp 6/8 rất tiêu biểu trong thơ Hoa Văn, từ đó, kính mời quý thi hữu và khách yêu thơ tiến thẳng vào cõi thơ Hoa Văn qua cảm nghĩ của tôi, xem có chút gì đồng điệu:
Ta đi giữa chốn bụi hồng
Trăm năm rồi cũng một vòng mây tan
...............
Trong tay từng đóa ngậm ngùi
Cầm như nghiệp chướng luân hồi mai sau
...............
Quẩn quanh trong cõi ta bà
Chỉ xuân trong cái gọi là đêm mơ
...............
Sắc không trong cái vô vàn
Nghiêng ly thấy cái điêu tàn trong ta
...............
(Chốn Bụi Hồng)
Hawthorne 18/3/2002