© VIỆT VĂN MỚI

phóng sự văn chương



chân dung nhà thơ Bùi Giáng



VƯỜN THƠ
- NƠI HỘI NGỘ THÂN THƯƠNG -


C ó một khuôn viên tư gia nho nhỏ là nơi gặp gỡ thâm tình của nhiều người say mê văn thơ trên miền cao nguyên xứ sương mù. Nơi đây sinh hoạt thường nhật của nhóm Thơ tài tử đã 5 năm rồi như ngôi nhà chung nhưng ít người biết đến. Chẳng ai mời tôi cứ đi, mặc dầu chuyến đi chỉ là thăm các bạn văn nghệ vì lâu lắm rồi tôi cảm thấy nhơ nhớ. Nghĩ thế nhưng để “cho chắc ăn”tôi điện thoại cho Võ Hạ: “chỗ ông có gì vui vui cho tôi tá túc vài hôm tìm cái cảm giác mùa thu …chút đỉnh”. Thế là Võ Hạ cùng các bạn văn nghệ ở Đức Trọng-Lâm Đồng: Trinh Huyền, Diệp Vi, Minh Thy, Nông Quy Quy…đưa tôi tới “Vườn Thơ”. Nơi đây có lắm điều thú vị.

Nơi Hội Ngộ Thân Thương.


* Bạn bè văn nghệ - Tư gia Lâm Ngọc Duy

Vườn thơ. Nằm trong con hẻm 553/28. QL 20 Kp4 thị trấn Liên Nghĩa-Đức Trọng-Lâm Đồng. Chủ nhân “Vườn Thơ” là anh Lâm Ngọc Duy (1941) làm nghề chụp ảnh.

Ông Duy tuổi đã cao nên trao lại nghề chụp ảnh dịch vụ cho cô con gái Lâm Ngọc Thu Nhi(1976). Ngày ngày ông lặng lẽ gom từng viên sỏi tạo nên một không gian thơ mộng nơi sân vườn làm bạn với ký ức thời gian. Lúc chúng tôi đến, Thu Nhi bận chụp đám cưới ngoài thị trấn chỉ có ông Duy ở nhà một mình ngồi đọc sách. Căn nhà gỗ 4m x 6m lợp tôn chỉ chuyên dụng trưng bày những tác phẩm lưu niệm : hình ảnh, bức hoạ thơ tư pháp của các bạn thơ xa gần đến và đi lưu lại bút tích. Cũng chính nơi này đã hội ngộ những người yêu thơ văn trong thị trấn Liên Nghĩa, các bạn văn nghệ cùng đi cho tôi biết nơi này là cái nôi của Nhóm Thơ thuộc chi hội Thơ Đức Trọng Hội Văn Học Tỉnh Lâm Đồng.

Đến đây tôi như bị hút vào những cây hoa và các tác phẩm ghép bằng những viên sỏi nhỏ như quả trứng gà thành hồ cảnh, chậu hoa, bàn ghế sắp đặt trong khuôn viên nên thơ đầy hoa đẹp. Năm 1996 khi trở về lại Đức Trọng định cư, ông Ngọc Duy không còn làm nghề mà tiếp tục giao nghề nhiếp ảnh đứa con gái Lâm Ngọc Thu Nhi, không gian quanh nhà có hoa, có hồ cảnh mục đích là tạo nên cảnh vật cuộc sống điền viên vui tuổi già. Ông ra sông suối nhặt từng viên sỏi rồi gùi mang về dùng xi-măng ghép thành hình mà khi nhìn tôi có cảm giác như một nghệ nhân rất kỳ công, lẵng lặng tạo cho cái khuôn viên nên thơ này không chỉ vì mục đích mưu sinh mà chính ông Lâm Ngọc Duy đã ôm ấp có nơi để chưng bày những kỷ vật của nhà thơ Bùi Giáng.

Bây giờ thì nơi đây trở thành địa điểm hội ngộ thân thương của bạn hữu yêu thơ văn xa gần. Căn nhà gỗ xềnh xoàng chứa đựng nhiều kỷ niệm của khách văn nghệ, nhất là ai yêu thơ của Lão thi sĩ họ Bùi một thời đi vào lịch sử văn chương. Theo ông Duy đã 5 năm rồi nơi này các anh em văn nghệ trong Nhóm Thơ thị trấn Liên Nghĩa cứ đến ngày mồng 7 tháng 10 là tổ chức “cúng giỗ” Bùi Tiên Sinh.

Lâm Ngọc Duy và Những Điều Chưa Biết.

Ông Ngọc Duy đã dành cho tôi một chút riêng tư, ông kể: Ông là người Quảng Ngãi, sinh ra và lớn lên ở huyện Tư Nghĩa. Trước năm 1975 ông đã học nghề chụp hình rất đam mê sáng tác, ông có 2 tác phẩm ảnh nghệ thuật “Ray rứt” và “Yêu” triển lãm tại Mỹ quốc.

Năm 1968 nhà nhiếp ảnh Trần Cao Lĩnh có nhận xét viết bài in sách về Lâm Ngọc Duy nhưng sau ngày giải phóng đất nước do hoàn cảnh gia đình “bi đát” ông bỏ thất lạc mất, riêng bức ảnh “yêu” đã tìm lại được.

Người mẫu trong ảnh đến bây giờ ông còn nhớ tên là Dung nhưng không biết lưu lạc nơi nào?

Nghe tiếng thi nhân Bùi Giáng đã lâu nhưng mãi đến năm 1986 ông dẫn vợ con vào Sài Gòn làm ăn mới gặp, năm ấy cô bé Lâm Ngọc Thu Nhi mới 10 tuổi. Với Ngài thi sĩ họ Bùi thời gian đó ở Sài Gòn rất dễ nhận biết “Gã điên hay nhảy múa trên đường phố”. Lâm Ngọc Duy gặp “thần tượng” lần đầu tại Bùng binh-Trương Minh Giản liền nhẩy vô chào, làm Lão thi sĩ họ Bùi bất ngờ ôm chặt hai cha con lôi vào con hẻm. Ngủ một đêm với Bùi Giáng và được Bùi Tiên Sinh lượm lặt vài mẫu giấy vụn đề tặng thơ

“Còn nguyên phố thị hội đàm

Với trăng châu thổ muôn vàng dưới kia (đã xa)"

- Thân tặng Lâm Ngọc Duy người Quảng Ngãi-tôi người Quảng Nam-Ký tên Bùi Giáng)

Gần 11 năm sống mưu sinh tại đất Sài Gòn đôi lần ông gặp Bùi Tiên Sinh, được Bùi Giáng tặng thơ và ông Ngọc Duy cũng nhiều lần chở Lão thi sĩ trên chiếc xe đạp cà tàng vào quán rượu và rồi trả “dùm” tiền. Ông Ngọc Duy ghi lại được một số hình ảnh về “thần tương” của mình những ngày Lão Thi Sĩ lang thang nơi Đất Sài Gòn, mặc dù lúc ấy bỏ tiền làm một bức ảnh đối với người chạy gạo bữa như thì quá khó nhưng vì quá yêu mến thần tượng nên ông không tiếc. Nhìn bức ảnh đen trắng phóng to cỡ 40cm x 60cm cô bé Lâm Ngọc Thu Nhi đứng cùng Bùi Giáng tôi ngỡ …bình thường như ông nội chụp với cháu nhưng nó khác thường vì không thể có bức thứ hai.! Trong căn nhà ông Lâm Ngọc Duy ngoài những bức thư pháp thơ, đá ghép thành bàn ghế, đá cảnh, hình ảnh…còn có đến 10 bức ảnh về thi sĩ họ Bùi phóng to lồng khung kính treo trang trọng. Vào đây chẳng thấy một thứ gì hiện đại giàu có, bởi ông chấp nhận cuộc đời thầm lặng sống với kỷ niệm.

Một điều đáng buồn là năm 2003, có ông Bùi Hiến tìm đến nhà ông Lâm Ngọc Duy xưng “danh bà con chú bác” với ngài Bùi Giáng “đã mượn tạm” một số hình ảnh cùng một viên đá cảnh đi biền biệt không thấy mang về.

Tôi chỉ trọ lại nhà ông được một tối để nghe ông đọc thơ Bùi Giáng. Hôm sau chia tay, ông nhắn: Ngày 7/10 nhớ quay lại giỗ Bùi Tiên Sinh cùng với anh em văn nghệ ở Đức Trọng!. Tôi hứa!

Võ Tấn

© Hình Ảnh Chân Dung Thi Hào Bùi Giáng là Tư Liệu của nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Duy.
© Cấm Sao Chép, Xử Dụng nếu không được sự đồng ý của Tác Giả và Việt Văn Mới.



Biên Tập Thơ & Nhạc Văn & Truyện Chuyển Ngữ Biên Khảo Nhận Định Âm Nhạc Kịch Nghệ Ấn Phẩm Liên Kết