à người rất thích đọc tác phẩm Văn Học nhất là những tác phẩm văn chương mới: truyện ngắn, thơ…nhưng khổ nỗi tôi có cái tội mau quên tác giả chỉ nhớ đến những đoạn văn hay và vài câu thơ mình yêu thích. Ví dụ:
Đêm nằm nghĩ mãi không ra
Tại sao người đó lại là nhà thơ…
Đôi khi tôi đọc những bài viết bình thơ của một tác giả nào đó để ngẫm nghĩ đinh hướng cảm xúc và học hỏi cách cảm nhận ít khi tranh luận.. Thế mà qua 2 số tạp chí Văn Nghệ Ninh Thuận -số 49 & 50-2007 có 2 bài viết giới thiệu về một tập thơ “Chân Dung Ảo – Nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến” Tôi thấy dường như người viết có “vấn đề” hay nói rõ ra là văn chương “ngu ngơ như thằng làm thơ”vậy!
Tôi chưa gặp tác giả viết cảm nhận phê bình của cả 2 bài viết (Chân Dung Ảo của Lê Hưng Tiến – VNNT 49 -2007- tác giả Nguyễn Trọng Tạo và “Chân Dung Ảo” khi thơ nhìn nghiêng – VNNT 50-2007- Tác giả Hồng Công Tâm), cũng chưa vinh dự diện kiến mặt mũi đứa con tinh thần và nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến nó ra làm sao. Vái trời nhà thơ đừng tìm tôi để tặng “Chân Dung Ảo” Bởi vì khi đọc 2 bài viết này tôi đã “tẩu hoả nhập ma” mấy tháng liền .
Tác giả Nguyễn Trọng Tạo đã tinh tế cho biết: Nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến không điên khùng thì làm sao sáng tạo ra cái thứ “ngôn ngữ quái đản” và tác giả khẳng định:“…Tôi thấy anh (Lê Hưng Tiến) chẳng mô phạm tí nào. Anh thay dấu cho các từ. Anh thêm dấu cho các từ. Anh kéo dài các từ. Anh thổi nó bay lên như bong bóng bòng bong…” Làm thế để làm gì nhỉ? À hiểu rồi. Không điên khùng thì chẳng ai dại gì mà đi làm cái chuyện đêm con chữ ra làm trò vớ vẫn ấy! Rồi tác giả dẫn “Và anh hoan ca trong lăng kính cầu vòng”. Nguyễn Trong Tạo còn nhắc lại chữ “cầu vòng chứ không phải cầu vồng… ”làm như hai chữ “cầu vòng” nó quan trọng với thơ của riêng thơ Lê Hưng Tiến, thật ra nó cũ rích lãng xẹt. Đơn giản chiếc cầu nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến viết không phải khúc xạ của ánh sáng hơi nước hay hình ảnh của một ống nhòm mà là chiếc cầu cụ thể dùng để đi vòng vòng( lòng vòng số 8) Khi bạn đọc nhỡ ngộ nhận vì lỗi chính tả tra tự điển Tiếng việt chỉ thấy có chữ “Cầu vồng” nó chẳng còn có nghĩa nào khác nữa mà khen “lạ”?. Lê Hưng Tiến đã thổ lộ “Anh muốn tìm mình trong ngôn ngữ chính nghĩa” vì anh đang “điên khùng” để làm thơ.
Vâng tất cả ngôn từ mà tác giả dẫn ra từ bài thơ, tập thơ Chân Dung Ảo của Lê Hưng Tiến chỉ một mình tác giả hiểu được nó “lạ” còn tôi thì “chịu” không thể chấp nhận sáng tạo theo kiểu ngu ngơ học đòi làm thơ!. Tôi chẳng có điều gì ác cảm với tác giả Nguyễn Trọng Tạo hay với nhà thơ Lê Hưng Tiến, tôi có biết mặt mũi họ ra làm sao. Họ là nhà thơ, nhà phê bình, nhà ngoại cảm gì gì thì tôi thấy sao cứ nói vậy đúng tư cách của người “mê văn chương”. Nói công bằng là tôi “Dị ứng” các con chữ không rõ nghĩa hay nói cách khác chữ thơ của Lê Hưng Tiến quá tối nghĩa, cà lăm nói lắp ngọng nghiệu vô hồn. Nguyễn Trọng Tạo bảo đọc thơ Tiến thấy lạ ?! Ừ thì lạ. Vì cấu tứ chữ thơ (thay, thêm, kéo dài) bất hợp lý “Cầu vồng” bỏ đi dấu mũ thành “cầu vòng” thế thôi “như bong bóng bòng bong” có ai đi sáng tạo như vậy bao giờ,“Lạ” đến nổi rối tung lẫn lộn chưa chắc tác giả đã hiểu hết “ngôn từ chính nghĩa”.?
Chưa hết bàng hoàng về bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Tạo tháng trước thì số tiếp theo (VNNT số 50-2007) lại cho đăng một bài viết mới về tập thơ “Chân Dung Ảo” do Hồng Công Tâm viết có cái tít hướng đạo “Chân Dung Ảo - Khi Thơ Nhìn Nghiêng” . Nghiêng thì nghiêng, nghiêng ngữa gì cũng nhìn rõ mặt con chữ ngay hàng thẳng lối xếp trên mặt giấy, trái đất nghiêng 23 độ 5 thì bất cứ điều gì cũng có thể… Nhưng khi đọc bài viết này chắc các bạn cũng như tôi không thể không ôm bụng mà cười. Xin trích câu này “Cái cảm nhận đầu tiên là tập thơ Đẹp. Đẹp từ cái bìa do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trình bày cho đến cách dàn dựng bên trong”. Ôi một lời mở đầu tán tụng logic giống như “Bộ Tam” ăn ý nhau diễn tả cái hình dáng của một tập thơ như…ảo chưa thấy đã biết nó Đẹp cỡ nào rồi (!). Tôi cố hình dung hình hài của nó nhưng không tài nào tưởng tượng vẻ đẹp từ trong ra ngoài, có lẽ nó… Thôi vì nó được in bằng công nghệ hiện đại khó phân biệt thật giả, cứ cho là nó “đặc biệt” một chút cũng chẳng sao!?.
Rồi tác giả Hồng Công Tâm lôi ra dẫn chứng những từ, những chữ thơ của Lê Hưng Tiến viết “chiều khong khỏng khong khỏng khong khỏng” nhìn đã thấy ngay “một trời” lỗi chính tả trong con chữ điệp khúc ấy, có nói lên được hình ảnh gì trong buổi chiều thơ?!. Và âm thanh trong câu thơ nào đó cứ như con heo đang ăn sặc cám: “ấc ấc/ Ấc ấc/ …ăng ắc” thế mà khen là lạ, là mới, là hay và nếu người biểu diễn thơ bị cảm cúm ngâm nga câu chữ ấy, cái giọng nghẹt nghẹt không rõ ràng…Tôi không mô tả chắc các bạn cũng hình dung nó tục tỉu đến độ nào, âm thanh rên rỉ “ấc ấc/ Ấc ấc/ …ăng ắc” của người hay của thú (?)
Bài viết thứ 2 này có vẻ nâng lên vẻ huyền bí sang trọng của một giọng điệu thơ “chẳng giống ai”của nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến. Tác giả viết bài rõ là một người bơm hót, hà rứa chứ có biết gì về cấu từ thơ Lê Hưng Tiến mà viết cảm nhận phê bình, như thế nào là mới, như thế nào là lạ để hướng người đọc nhìn nhận cách cảm chung. Tác giả bài viết này cũng đã thú nhận: “…Người cũ như tôi không thể nào hiểu nổi 1 từ ”. Trời đất! Không hiểu nổi một từ mà đi “bình thơ mới” là chuyện còn lạ hơn người làm “thơ lạ”.
Qua 2 bài viết trên càng làm cho bạn đọc như tôi bị dị ứng với thơ mới của thế hệ gọi là …X. Tôi chưa đọc tập “Chân Dung Ảo” nhưng có cảm giác nó không có gì mới lạ đáng phải quan tâm mở lối cho nền thơ trẻ, bởi những câu từ được xem là mới lạ đã lộ rõ một cách viết “điên khùng” như tác giả Nguyễn trọng Tạo đã dẫn.
Theo cách hiểu của tôi nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến tự bỏ tiền ra in thơ là một chuyện bình thường của những ai yêu thơ biết làm thơ có gì to tát đâu mà phải gọi là “dũng cảm”?. Điều cơ bản là thơ anh có được đi vào lòng người yêu mến hay bị phản cảm dị ứng. Cần trả lại cho diễn đàn văn chương sự bình yên chiêm nghiêm cảm thụ, không nên đăng đàn vì những mục đích phi nghệ thuật của những tác giả chuyên viết thuê bài lăng xê vô bổ./.
______________________________________________________________________
Thường Bất Bình