TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





BĂNG SƠN








ĐOẢN VĂN



NIỀM YÊU






TRUYỆN NGẮN



VỀ LÀNG XƯA



















































 













NIỀM YÊU


Quanh ta có muôn ngàn cái đáng yêu như có người bạn chân tình, một nhà thơ có tài đồng thời tràn nhân cách, người hàng xóm tốt bụng, một con sông mênh mang có lá buồm xuôi ngược. Song có lẽ chỉ có tình yêu hai giới nam và nữ là cấm cùng một lúc đem tình yêu san sẻ cho vài ba bốn người, người chính người phụ, người công khai, người bí mật. Mà cái cấm này thì cũng do chính con người đặt ra mà thôi, còn thuở mông muội, ăn lông ở lỗ, chắc “thoải mái” lắm, nhất là nó nghiêm ngặt từ khi có hôn nhân đối ngẫu (một vợ một chồng).

Nói yêu người ta cứ hay nghĩ luôn đến một người đàn ông và một người đàn bà, từ:

Tình trong như đã mặt ngoài còn e

Đến đầu mày cuối mắt, nắm lấy bàn tay, đôi môi chạm nhau rồi trao xương gửi thịt, rồi sống để dạ, chết mang theo... Không hoàn toàn chỉ có thế. Đúng tình yêu trai gái là sâu nặng thiết tha gắn bó, nhưng duy nhất thì không. Làm gì có thứ tình yêu nào sâu nặng, thiêng liêng như tình cha mẹ yêu con. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết:

Yêu từ khi thai nghén trong lòng.

Cha mẹ vắt kiệt sữa, kiệt máu cho con, làm lụng sôi mồ hôi để nuôi con, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ, từng bước đi, từng lời nói... xuất phát từ tình yêu nơi trái tim đằm thắm thiêng liêng mà thôi. Không cha mẹ nào đẻ con ra đã mong cậy nhờ đứa con trứng nước ấy. Chuyện sẽ sinh ra sau nhiều chục năm, cái mầm ấy mới mọc thành cây trong ý nghĩ...
Bao nhiêu bà mẹ chờ con đến bạc lòng, bạc đầu, bạc thời gian. Nào thắp sẵn ngọn đèn để con biết đường mà tìm về, nào ngóng con chim khách ngoài vòm tre, nào thắp nén nhang để nguyện cầu con mình chân cứng đá mềm, nào đặt chiếc áo của con lên gối vì còn thoảng mùi mồ hôi của nó ngày nào... Trăm cay nghìn đắng mẹ đều chịu được để chờ con. Chỉ có tình yêu mới cho mẹ cha sức mạnh phi thường đến thế, dũng cảm, bền bỉ, thiêng liêng đến thế...
Nghìn trang viết của nghìn danh nhân chắc cũng không thể nào diễn được tình yêu ấy, tình mẫu tử và tình phụ tử. Tình yêu làm hành trang của mỗi con người một đời vừa dằng dặc vừa ngắn ngủi, vừa hạnh phúc vừa đau khổ này...
Công bằng mà nói cũng có rất nhiều người con chí hiếu, đáp lại ân tình của cha mẹ một đời hết lòng hết sức. Cô Kiều bán mình chuộc cha. Nguyễn Đình Chiểu khóc mẹ đến mù đôi mắt. Ngay quanh ta, bên hàng xóm, căn nhà trước mặt, thiếu gì những con người như thế. Chúng ta phương Đông, không có tục lệ và thói quen gửi cha mẹ già đến nhà dưỡng lão. Gia đình ba bốn thế hệ là bình thường.
Ông bà cha mẹ già vẫn luôn là cái nóc nhà, cây cột cái, chỗ dựa vững chắc cho thế hệ sau. Chỉ có tình yêu sâu nặng mới có thể có nét đẹp như thế, không cần ai giục giã hay pháp luật, chính quyền đến tận nơi can thiệp... Bởi nói chung, Tình yêu đâu có cần đến điều này điều kia, khoản bao nhiêu A hay B... mà chỉ là xuất phát từ sâu thẳm, có khi còn sâu thẳm hơn lòng đại dương hay cao hơn đỉnh Hy Mã Lạp Sơn Chín nghìn thước...
Tuy vậy, ca dao có câu:

Mẹ cha bú mớm nâng niu
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng.

Thiêng liêng và cao cả là tình máu mủ. Nhưng lẽ tự nhiên con người trưởng thành phải có một nửa của mình. Đó là yêu, yêu theo nghĩa tình trai yêu gái, tình gái yêu trai, vợ chồng, đầu gối tay ấp, nói như tục ngữ:

Anh em quen tiếng vợ chồng bén hơi.

Nhắm mắt nghe anh em nói, cũng nhận ra ngay. Nhưng bén hơi thì quấn quít hơn, sâu nặng hơn, chan chứa hơn, tình tứ hơn. Đó là chim liền cánh, cây liền cành, là một đời không thỏa, còn tìm nhau ở kiếp sau để tiếp tục yêu thương và yêu đương như anh Trương Chi hóa thân, cô Tấm đầu thai, chuyện Trầu Cau huyền thuyết...
Một loài dân ca ở 49 làng Quan họ là gì nếu không phải là tình ca, là dùng dằng, nhớ nhung, là thiết tha, hò hẹn... là lưu luyến ròng ròng, là con sào chờ đợi giữa chênh vênh.
Đến ngay bài ca Vọng Cổ phổ biến toàn Nam Bộ cũng bắt đầu từ một tình yêu: Người vợ nghe tiếng trống giữa đêm khuya nên nhớ chồng qua cái tai nghệ sĩ Sáu Lầu mà thành tình ca bất tử. “Dạ cổ hoài lang” hay chính là tâm sự riêng, ông Sáu Lầu phải chia tay người con gái ông thiết tha... nên đòi đoạn xé lòng mà nẩy ra tiếng sầu than muôn kiếp, có Nam Bộ có chút Chàm, có ly quê, có nức nở... thì ra đâu chỉ có một dân tộc biết yêu thôi, còn dân tộc khác là củi khô lá mục.
Không! Tình yêu là toàn thế giới, bất cứ màu da, tiếng nói, tín ngưỡng, tập quán... có phải không hỡi ông nhà thơ vĩ đại Xếch Pia, người khai sinh ra Romêô và Giuliet khai sinh ra Ôtelô và nàng Đesdêmôna bất tử?
Con người là sinh vật biết suy nghĩ nhất trong các loài động vật. Nó biết yêu cha mẹ, lứa đôi, nhưng vượt lên trên, nó còn biết yêu nơi nó được sinh ra, nơi nó lớn lên nơi có mảnh đất quen thân có cây đa, bến nước, con đò, có con đường mòn, có bông hoa gạo mùa xuân, mái đình cong vút đầu đao, có cánh đồng lúa chín, có ngọn núi Hoàng Liên, có bãi cát trắng phau, có chiếc vó bè kiên trì kẽo kẹt, có thấp thoáng bóng cò đỗ vào cánh võng, có miếng cơm thơm chiều mùa đông, có mùi nhang thơm ngày Tết... mà ta gọi là Quê hương, Tổ quốc.
Nhà văn Liên Xô (gốc Do Thái) từng viết: “Tình yêu Tổ quốc là gì nếu không xuất phát từ mảnh sân nhà, con đường làng, chiếc giếng nước, hàng cây...” và quân Phát Xít từng đánh g iá mỗi trang viết của ông có sức mạnh như một sư đoàn ông Êrenbua ấy.
Nếu không có tình yêu Tổ quốc như thế thì sao có thể có một chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, có những Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, Nguyễn Viết Xuân và hàng triệu người con trai, con gái ra đi mãi mãi không về suốt bao năm như vậy.
Tình yêu đúng là một thứ tình kỳ lạ trong 7 thứ tình (Thất tình) của con người. Nó muôn hình vạn trạng, nó lấp lánh biến ảo, nó hào quang và âm thầm, nó lung linh và chắc nịch, nó nguy nga nhưng chi tiết, nó thẳm sâu mà mênh mông... ai cũng có, ai cũng tràn đầy, ai cũng nồng cháy... nhưng không ai giống ai. Người này thổ lộ. Người kia im lặng. Người khác âm thầm.
Yêu là báu vật trời cho loài người. Biết yêu, được yêu là hạnh phúc to lớn để làm một con người đầu đội trời chân đạp đất. Nhưng cũng vì thế mà có trăm nẻo đường yêu. Có kẻ tự yêu mình là đầu tiên, là trên hết thì cũng là chí nguy. Hắn sẽ bị toàn bộ ghét bỏ, nói theo nhà Phật: Nhân nào quả ấy. Hắn không yêu ai thì chắc sẽ không ai yêu hắn, gieo gì thì gặt nấy mà thôi. Nói như dân gian: Yêu trẻ trẻ đến nhà, yêu già già để tuổi cho.

4-2004



BĂNG SƠN


TRANG CHÍNH TRANG THƠ TRUYỆN NGẮN BIÊN DỊCH ÂM NHẠC