TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Tên thật là Nguyễn - Thị - Mỹ - Nữ.
. Bút hiệu: Nguyễn - Mỹ - Nữ, Huyền - Minh, Phương - Quỳnh.
. Sinh ngày 24- 12- 1955
. Tại Lại Xá, Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam .
. Hiện sống với nghề Viết văn, Viết báo tại Huỳnh-Thúc-Kháng, Qui- Nhơn, Bình- Định

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Mắt núi- Tập truyện ngắn- Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 2004.


. GIẢI THƯỞNG :

· Giải ba với truyện ngắn: " Bộ bài" của báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam( 1998- 2000)
· Giải nhì với bài: " Chiếc rương của mẹ" (cuộc thi "Nét bút kỷ niệm"của báo Hoa học trò, 2002)
· Giải ba với: " Bài học năm chữ" (cuộc thi "Ơn thầy" của báo Tuổi trẻ, 2002)
· Giải tư với truyện ngắn: " Hàng xóm" của Tạp chí Văn nghệ quân đội(2001- 2002).
· Giải khuyến khích với truyện ngắn: " Khoảng trời nhỏ của ông" (Cuộc thi " Chân dung tuổi mới lớn", báo Mực tím, 2003)
· Giải tư với truyện ngắn: " Nhà khóc dành cho một người" của tạp chí Văn Nghệ quân đội (2005- 2006)
· Và một số giải thưởng khác của Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, báo Bình Định…










Solitaire tranh của Phi Lộc






CƠN MƯA

CHIẾC CẦU VỒNG

T ôi viết câu chuyện này cho em đây, cậu nhỏ ở Nha Trang. Cho buổi chiều tôi gặp và quen em ở biển. Cho cơn mưa, chiếc cầu vồng rực rỡ hiện lên ở chân trời mà tôi và em đã nhìn ngây say với nhau. Cho nét đẹp em tiều tụy, ngày tôi rời thành phố ấy, vào một ngày hè sắp hết.

Ngại đến nhà người quen, gõ cửa khi họ đang ngon giấc buổi trưa nên từ bến xe, tôi đi bộ ra bãi biển. Hẳn, em biết tôi xúc động như thế nào khi bước chân qua những con đường cũ, mắt ngó lại biển thân yêu. Mỗi năm, tôi đến thành phố này chỉ một lần nhưng tôi có cảm tưởng Nha Trang rất gần gũi với tôi. Tôi ăn ngon lành bữa trưa ở đó, một mình. Có gì đâu em, chỉ một gói xôi mẹ tôi đã dúi vào xách tay lúc ở nhà.

Thành phố của tôi cũng có biển. Biển thật thân thiết với tôi nhưng tôi không hiểu biển. Làm sao biết được những cơn điên của biển mùa đông và làm sao theo kịp những con sóng hiền của biển, mùa hè. Biển buổi sớm đâu là buổi trưa và rất khác biệt, khi đêm về. Dựa đầu và lưng vào một thân cây, duỗi dài chân trong tư thế thoải mái, tôi nhìn bãi và lắng nghe biển nói chuyện. Em có thích trong đời sống của chúng ta được đôi lần nghe gió hát, cây cối kêu rêu và biển thì thầm. Tôi đã ngủ quên, phải không? Nhưng sao em nỡ thức tôi dậy. Tôi đang ngon giấc cơ mà. Mở choàng mắt, tôi thấy em với một cành cây nhỏ đang cầm trên tay. Rõ ràng em đã dùng cành cây đó để đập vào chân tôi. Em cười nhưng tôi trừng mắt “chơi” em ngay:

- Con nít Nha Trang sao mà hổn quá!

Tôi thấy môi em mím lại có vẻ tức nhưng tôi còn tức hơn. Em nhỏ xíu có lẽ bằng tuổi các em tôi (nếu tôi có em) và tôi nói thật: nếu em là em tôi, tôi sẽ tặng cho sự du côn, dù rất dễ thưong của em vài cái tát. Chúng ta nhìn nhau như hai đối thủ sắp lao vào vòng chiến. Tôi nhìn kỹ em hơn và dù nghiêm khắc đến đâu, tôi cũng không thể chối bỏ được điều này, là: em đẹp và rất dễ thương. Một vẻ đẹp vừa trẻ con vừa người lớn được kết hợp thật hài hòa trên khuôn mặt em. Với đôi mắt to và sáng, khuôn mặt vuông, sống mũi cao xinh xắn, mái tóc mềm rũ lòa xòa trên vầng trán rộng (em để tóc dài và cắt rất khéo). Còn đôi môi? Coi bộ cứng cỏi, nhất là lúc này, khi em đang mím chặt. Tính hăm tôi hả? Tôi không hiền đâu. Chả đôi mắt nào chịu nhường đôi mắt nào. Đôi mắt em và đôi mắt tôi. Ai sẽ là người thua đây, cậu nhỏ? Em nói:

- Bộ lớn lắm hả? Có giấy tờ làm bằng chứng không đó?

- Em định coi giấy tờ của tôi? Ngon à!

- Bộ tôi hỏi không được sao? Tôi muốn hỏi để biết ai là con nít ở đây...

- Chắc chắn là em chứ không phải tôi đâu.

- Ai là em?

- Em!

- Xấc xược vậy hả?

- Ừ!

- Tức quá, tôi phải về nhà để lấy giấy tờ.

- Về đi, tôi chờ.

- Chứ không phải sợ thua, chờ tôi về rồi lủi hả?

- Em đâu có dại mà tôi cũng đâu có hèn.

Hai đối thủ tiếp tục nhìn nhau. Em chưa thắng mà đã cười khinh khỉnh làm tôi ứa gan. Tôi móc túi đưa cho em cái chứng minh. Tôi thấy trán em hơi nhăn và tôi biết ngay em là người thua cuộc:

- Tuổi thiệt của Oanh đó hả?

- Chứ không lẽ giả?

- Oanh đi dạy rồi à?

- Chứ bộ còn bám váy mẹ nữa sao? Hết làm con nít từ khuya rồi, đâu như em!

- Làm tàng hoài.

- Người lớn không biết làm tàng.

- Đừng nói chuyện người lớn, con nít ở đây. Đừng hòng bắt tôi kêu chị. Không đời nào tôi thèm kêu con gái là chị.

- Em lạ chưa? Tôi đâu bắt em kêu chị. Em biết tên tôi rồi mà.

- Oanh có muốn biết tên tôi không?

- Không.

- Vì sao vậy?

- Vì không thích.

- Kiêu thật đó. Mà phải rồi. Tên tôi xấu xí lắm, biết làm gì. Đâu có được tên đẹp như Oanh!

- Mỉa hả?

- Đâu có. Nhưng đừng nói chuyện cái kiểu như vậy. Nhức đầu.

- Em đang bị đau, phải không?

- Sao biết hay vậy? Ừ, bị cảm cúm. Uống thuốc cả tuần nay mà đâu có bớt.

- Em nhỏ tỏi đi. Rồi ăn cóc, uống nước chanh nhiều vô.

- Oanh nói kiểu gì mà giống chị người ta dữ vậy? Ừ, để về thử coi.

- Mà…hỏi thiệt nghen. Bộ em hay chọc thiên hạ lắm hả?

- Đâu có. Tại thấy Oanh hay hay nên ưa ưa. Mà sao Oanh tỉnh ngủ dữ vậy? Thấy Oanh thức, tôi mất hồn. Tính bỏ chạy rồi đó chứ! Ai dè, bị Oanh chọc quê, tôi ngồi lì luôn cho biết.

Chúng ta toàn nói chuyện gì đâu buổi chiều hôm đó. Chẳng hạn nói về những nơi chốn trên Đà Lạt. Em nói em mới lên Đà Lạt làm tôi nhớ quay quắt. Cũng như em, tôi rất mê Đà Lạt. Em lượm một cái que nhỏ trên bãi. Khỏa cát cho phẳng và hí hoáy viết gì đó. Lát sau em chỉ cho tôi thấy mấy chữ này: Dạ Oanh: kiêu, buồn, đẹp, nghịch. Tôi nhìn em cả chặp lâu rồi bỗng buồn và em thì trầm ngâm. Chúng ta cùng im lặng nhìn ra biển xa. Ở đó có những cánh buồm. Ở đó có đàn chim hải âu bay về, đậu trên sóng nước…Ở đó, chúng ta dõi mắt tới, đôi khi, để ước ao một điều gì đó tốt đẹp cho đời mình…? Trời bỗng như muốn mưa. Biển đục hẳn. Mây đen sà tới thật nhanh. Tôi giục em:

- Về đi em, mưa kìa!

Chỉ chiếc xe đạp mini của mình bên cạnh, em nói:

- Để tôi chở Oanh về.

Vừa dứt câu thì mưa ào xuống. Những hột to và mạnh. Em và tôi chạy lúp xúp trên bãi, dáo dác kiếm cho ra một chỗ núp. Chiếc xe dắt bên cạnh làm bước chân của em lảo đảo, nghiêng nghiêng. Không khéo em sẽ đau nặng hơn nữa. Và tôi cũng sẽ đau mất thôi, em. Chúng ta tông hẳn vào nhau khi cùng chạy vội đến một thân cây xòe lá rộng và cùng bật lên cười, thật to. Em nói:

- Tóc Oanh ướt hết rồi kìa!

- Bộ em không ướt sao? Cơn mưa quái đản thật.

- Dễ thương chứ sao quái đản?

Câu nói bắt tôi phải nhìn sâu vào mắt em. Ở đó, ánh lên một điều gì dẫu mơ hồ nhưng tôi cũng có thể hiểu được. Em nhường tôi một chỗ đứng ít dột hơn. Tôi nhìn ra ngoài trời, con đường phía trước: những biệt thự, công sở, những thân cây, bụi lá mờ xóa trong mưa. Cả biển, dường như cũng mờ đi trong cơn mưa dữ dội. Tôi thấy mình nhỏ lại. Trong mưa, tôi thấy tôi lẻ loi vô cùng. Cơn mưa làm tôi nao lòng, làm tôi đau nhói. Cơn mưa dẫn tôi tới đâu đó chứ không phải nơi này. Có em ở bên và có biển. Em nhìn tôi chi dữ vậy? Tôi giật mình khi bắt gặp cái nhìn em chăm chú và kỳ lạ. Từ hồi nào vậy, cậu nhỏ? Mới đó mà đã khác sao, cái nhìn em khi nãy, khi tới chọc phá tôi, vào lúc trời hãy còn nắng gắt.

Mắt em thẩm lại. Khuôn mặt có vẻ tối hơn với những giọt mưa lấm tấm trên trán, trên môi. Em run lạnh hả, cậu nhỏ? Em không còn nhìn tôi nữa nhưng liếc khẽ qua vai và mái tóc em để dài, tôi cũng biết em đang buồn. Tại sao vậy? Em thấp hơn khi đứng kề bên nhưng khi tôi nói ra điều đó, em lầm lì chỉ đôi guốc cao tôi mang mà không nói gì. Tôi trợn mắt. Em cũng ghê đó chứ! Cơn mưa tắt nhanh như khi vội đến. Chúng ta sắp bước ra khỏi chỗ trú thì em bỗng kêu lên: “Nhìn kìa, Oanh”. Tôi dõi theo hướng tay chỉ của em. Và ở đó, phía chân trời, chiếc cầu vồng hiện lên với bảy sắc màu rực rỡ. Chúng ta ngẩn ngơ nhìn, như là bị thôi miên. Trời ơi! Đẹp quá. Em ơi! Đẹp quá! Tôi quay qua nhìn em. Em bây giờ cũng đẹp quá đi với đôi mắt mở to hân hoan, đầy ngạc nhiên và thán phục. Tôi tưởng như nghe được trong mắt em những tiếng “ồ”, “ồ” thích thú. Tạo hóa thật tuyệt vời, phải không em? Khi cho chúng ta những đêm trăng, những chiều mưa, sáng nắng, những ráng đỏ hoàng hôn và những lần cầu vồng xuất hiện thật tình cờ.

Chia tay nhau cùng với chiều về muộn. Em hỏi chỗ ở và tôi lắc đầu. Em: “Sao vậy? Bộ tôi biết để tới chơi không được hả?”. Tôi không đồng ý. Vì sao ư? Vì không thích. Chỉ vậy. Tôi thích những điều đến bằng sự tình cờ hơn. Như em gặp tôi ở đây. Chúng ta đã quen nhau và như vậy là đủ. Đừng bước thêm kẻo té đau, người bạn nhỏ! Tôi chào em và rời bãi. Đứng trên hè đường và đón một chiếc xích lô. Không ngờ em vẫn đứng bên. Tôi hỏi với vẻ không vui:

- Sao em chưa về?

- Để Oanh về đã, chưa tối mà.

- Đừng đi theo tôi nghe.

- Oanh là gì mà đòi cản?

- Tôi đâu dám. Chỉ yêu cầu thôi, được không?

- Bộ Oanh không cho tôi biết địa chỉ thật hả?

- Nhất định.

- Oanh khó tính quá.

- Nhiều người cũng nói tôi như vậy. Có sao không?

Vừa lúc chiếc xích lô tôi vẫy ngừng lại. Tôi bước lên, giơ tay chào em và nói địa chỉ, đâu biết em còn đứng chần chờ ở đó. Tôi nghe tiếng em la vui:

- A, biết rồi! Vậy mà giấu.

- Cũng đâu có sao. Tôi có nhiều nhà quen, thay đổi địa chỉ mấy hồi.

Không ngờ câu nói ấy lại làm phiền tôi. Em đạp xe lẽo đẽo theo tôi hoài. Lúc nào ngó ra phía sau, tôi cũng nhìn thấy mái tóc em, mềm bay như con gái. Người xích lô không biết dừng ở đâu, theo lời tôi cứ đạp lòng vòng. Chúng ta đang lao vào vòng chiến ở hiệp hai đây mà. Hoặc em thua, hoặc tôi thua. Nếu kẻ bại trận là tôi thì chúng ta huề. Nếu là em thì tôi và em: 2 – 0. Tôi thấy vui vui với ý nghĩ ngộ nghĩnh này. Không ngờ mình bị rắc rối dữ vậy, trong khi tôi cần về nhà bạn để tắm rửa, thay đồ, ăn uống rồi đi chơi. Kịp lúc xe chạy qua sân ga, khiến tôi nảy ra một ý mới và nói người xích lô ngừng lại. Vừa trả tiền xong, em đã thắng xe đạp ngay bên cạnh. Tôi vênh mặt:

- Bây giờ tôi ở đây. Em về được rồi đó.

- Bộ tôi nhỏ nhít lắm hay sao mà bị phỉnh vậy? Tôi sẽ không làm phiền Oanh nữa đâu. Giọng em đanh lại, tức giận. Tôi vẫn chưa yên tâm, còn bắt em hứa và đưa tay cho em nghéo. Em nhìn tôi với vẻ buồn rầu và có một cái gì đó, thật khó diễn tả, hiện lên trong đôi mắt, khiến tôi không hề tiếc mình đã nghịch dai và nghĩ thầm: “Cậu nhỏ này cũng ghê đó chứ!”. Em nói, rất ra vẻ người lớn: “Oanh đừng lo tôi theo phá Oanh. Ai lại đi làm vậy”. Giọng em lúc này cũng thật khác khi nói ương chướng với tôi, hồi mới làm quen. Nó mềm ra một chút, run và trầm. Tôi thở dài, nhìn em đi xa khuất một góc đường, mới lững thững đi bộ về nhà. Câu chuyện của tôi và người bạn ở một cái quán cà phê Nha Trang đêm ấy, có vui buồn lẫn lộn. Một chút trào phúng: riễu và cay. Người bạn hỏi về cuộc tình của tôi lâu nay. Tôi làm ra vẻ hài hước - hài hước đến trầm trọng - khi nói mà như muốn thở phào:

- Vừa ra khỏi tình.

- Bị tống cổ hả?

- Nếu được vậy đã hóa hay!

Tôi thấy mình buồn thấm thía cho câu nói vừa rồi và trầm ngâm suốt khoảng thời gian còn lại trong quán. Trên đường về, tôi lặng im. Người bạn hỏi nhỏ, dịu dàng:

- Buồn hả?

- Không.

Bởi trả lời như vậy nên tôi cố nén tiếng thở dài. Những nhắc nhở, dẫu một cách khôi hài nhất, vẫn làm buồn lòng sao đâu. Hồi nhỏ, người ta ưa thổi phồng nỗi buồn mình lắm em. Buồn bằng nắm tay vẽ to ra bằng thân người. Lớn lên, tự nhiên thích thu nỗi buồn của mình nhỏ lại. Thu xếp sao đó cho chỉ còn một chút xíu, để có đủ can đảm mà cười vui và sống tiếp. Cũng bởi thế, tôi và đám bạn ngày một cà rỡn hơn về đủ thứ chuyện trên đời. Như trong chuyện tình yêu. Như trong chuyện chia tay. Như câu hỏi của bạn tôi, lúc nãy: “Bị tống cổ hả?”. Câu nói nghe như đùa mà sao lắm xót cay. Nét hài hước lóe lên có chút xíu rồi giấu mặt, biến mất. Còn nỗi xót cay theo hoài, khiến bắt ù tai và làm cho vùng ngực bé nhỏ của tôi dội lên những cơn đau, nhói buốt.

Tôi phải về Cam Ranh vài ngày sau đó và lên lại Nha Trang vào buổi chiều. Vội đến cơ quan người bạn để mượn chiếc xe. Thấy tôi, nó bấu lấy và la lên: “Tội mày tày trời nghe Oanh. Mày làm gì cho con người ta khổ sở dữ vậy, hả?”. Tôi không hiểu và nó kéo ngay ra cái quán cóc gần đó. Bạn tôi chậm rãi kêu hai ly nước. Chậm rãi uống và chậm rãi kể…Tất cả, đủ, để cho tôi chậm rãi buồn. Té ra là em. Sao nỡ nuốt lời hứa với tôi, cậu nhỏ. Tôi lấy xe đứa bạn và đi chơi suốt buổi chiều. Đầu óc không yên khi chợt nghĩ về em. Em sao vậy? Thì ra những điều tôi mơ hồ cảm nhận được, đã trở thành sự thật. Chúng ta không cùng lao vào vòng chiến ở hiệp ba, vậy mà tôi thua em. Lý trí tôi thua tình cảm em. Kinh nghiệm tôi thua em ngơ vụng. Tỉnh táo tôi thua em mê mệt và cái vốn hiểu biết của tôi cũng thua nốt một em non yếu. Thua, bởi em tìm ra được chỗ ở của tôi. Đã ngày đêm dõi kiếm tôi. Tôi cũng ngồi ở biển chiều ấy, nhưng giật mình khi nghĩ em có thể ra đây. Có thể gặp lại tôi. Dù rất mong muốn làm tàn rụi chút tình vừa nhen lên, bùng cháy trong em nhưng tôi hiểu đã muộn. Mấy hôm nay em còn cảm không, cậu nhỏ? Cơn mưa hôm ấy chắc làm em ốm nặng thêm. Bạn tôi nói có đêm em đứng suốt trước cửa nhà. Trong bữa cơm, người nhà nói em đến kiếm mấy lần. Tôi giục người bạn ăn mau, sửa soạn nhanh để rời khỏi nhà. Bạn tôi hiểu ý, nheo mắt, cười:

- Trốn cậu nhỏ hay trốn tình cậu nhỏ?

- Cả hai.

Khi vừa ra khỏi nhà, chúng tôi bỗng thấy em ở đầu phố. Tôi kéo tay người bạn vòng qua một con đường khác để tránh. Chúng tôi dừng lại ở một góc tối và nhìn theo em. Quả thật, em đã đi ngang qua ngôi nhà tôi ở rất nhiều lần. Em đã thấy cửa đóng kín và khóa chặt. Chắc em buồn lắm hả cậu nhỏ? Tôi thấy em tội làm sao! Hai tay thọc sâu vào túi quần, đầu cúi thấp, bước đi chầm chậm, ngập ngừng. Đâu rồi bước chân em nhanh nhảu. Nụ cười, đôi mắt em sáng rỡ, tinh nhanh. Tôi đã làm cho em đến nông nỗi này sao, cậu nhỏ? Tôi đã làm cho em khổ rồi sao? Những bước chân em quẩn quanh và cái dáng em héo úa, là lời tố cáo tôi thầm lặng, phải không? Nào tôi có muốn vậy? Và tôi biết làm gì cho em vui, giờ? Sao em nghịch chi cậu nhỏ? Lấy cây đập vào chân đánh thức tôi dậy chi? Sao em không chạy trốn đi, khi tôi choàng tỉnh. Sao lại có với chúng ta cái lối làm quen ngổ ngáo và dễ thương đến vậy hả em? Tôi thở dài mà em thì buồn ngơ ngẩn. Phải chi em đã lớn, đã trưởng thành, đằng này…Hẳn em còn đi học? Chắc em chưa rời trường? Sao vậy, cậu nhỏ?

Tôi không vui nổi suốt buổi tối. Sáng hôm sau tôi lên đồi La San. Trưa, về và được biết thêm em tới kiếm tôi rất nhiều lần. Tôi nghĩ ngay đến việc rời nơi này, trở về thành phố của mình vào ngày mai. Cậu nhỏ, nghe tôi nói điều này: hãy nghĩ tôi đã lỡ dại mang đến cho em ít nhiều tai ương, thôi thì chúng ta cùng nhau ráng chờ cho nó đi qua, em nhé! Tôi đi mua vé xe, vào nhà thờ xem lễ rồi ghé thăm mấy người quen. Trời sẫm tối, tôi vẫn còn ở biển. Tôi muốn nhìn biển Nha Trang buổi chiều và đêm sắp tới. Mai tôi đi rồi em.

Sau bữa cơm, tôi xách cây đàn ghi ta ra phòng khách. Đàn dỡn và hát thật thà. Tôi nghe mình ngân nga “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Công Sơn thật hay, rất buồn và nhớ da diết như có ai đó vừa đi qua đời. Chỉ nên hát một lần trong đời bài hát này thôi em. Bởi tội nghiệp quá, cho những ai còn phải rưng rưng với ca khúc này đến những hai lần hay nhiều hơn thế nữa: “Ừ thôi em về. Chiều mưa giông tới. Bây giờ anh vui. Hai bàn tay đói. Bây giờ anh vui. Hai bàn chân mỏi…”. Nhưng biết làm sao được hả em? Khi chia tay người tình đầu, mắt thẩm với đêm sâu. Xòe cho rộng hai tay mình để che kín mặt và thổn thức: “…Một linh hồn rỗi. Tình yêu xứ này…Sầu thôi xuống đầy…”. Ai biết được mình còn hát thêm nữa lần một, lần hai rồi lần ba…Ai mà biết được khi nào tình yêu đến? Ai mà đoán được hồi nào tình đi?

Sao em đến nửa chừng tôi đang hát? Sao em không gõ cửa mà lặng câm? Sao em nhìn tôi chi lạ vậy? Cái nhìn vừa ngước lên, bắt gặp, tôi đã hiểu hết rồi. Hai tay nắm song sắt cửa sổ, em nhìn tôi như vậy từ hồi nào: say đắm, muộn phiền và sao đó, khó nói hết…Mới có mấy ngày mà em thay đổi quá chừng. Em đã khác hẳn đi. Gặp lại em, tôi thấy gợi lên trong mình nhiều hơn những hối tiếc, ăn năn. Tôi ghé chi đời em, cậu nhỏ? Tôi có cầu mong được trở lại không? Một lần đến Nha Trang cũng vào cái ngày tôi đã đến nhưng không ra biển, dựa lưng vào thân cây ngủ ngon lành. Em nào gặp được tôi? Không cần nhỏ tỏi như tôi bày, không cần uống nước chanh, ăn nhiều cóc. Cứ uống tiếp những viên thuốc, em cũng khỏi được cảm cúm thôi mà. Và em vẫn cứ học hành, rong chơi, mơ mộng cùng bạn bè.

Tôi mở cửa cho em vào nhà. Sao em cho tôi cái nhìn nhiều nhớ thương dữ vậy?

- Oanh tránh né tôi.

- Không, tôi tin em giữ lời hứa.

- Tôi muốn lắm nhưng không được…Tôi…

Thôi em đừng nói tiếp. Bộ em không thấy được trong mắt tôi những cầu khẩn, van nài sao em? Giữ luôn cho mình đi em. Lời thú tội không cần nghe, tôi cũng biết. Chúng ta cùng lặng im. Bây giờ tôi mới né em đây, cậu nhỏ! Né những ánh mắt em nhìn si mê. Né những câu nói có thể dẫn đến điều em bắt buộc phải xác nhận. Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt trở đi. Và bằng cái nhìn em dành cho tôi rất thật, bởi chưa biết đậy điệm dấu che. Mai này khi đã lớn, không chừng em biết sử dụng cả cặp mắt nhìn, như người ta đã sử dụng những từ ngữ để phỉnh phờ và bao lời nói để lọc lừa, dối gạt lẫn nhau. Em nói:

- Mặc bộ đồ trong nhà, ngó Oanh nhỏ xíu.

- Nhưng em đồng ý là tôi không nhỏ xíu chừng nào…

- ….

- Em đã bớt cảm cúm chưa?

- Làm như Oanh bày mà đâu có hết.

- Tối nay em có đi đâu không?

- Nếu đi được với Oanh thì thích quá. Không thì thôi.

- Rất tiếc tối nay tôi không rãnh.

- Chừng nào Oanh về?

- Mai.

Em mở to mắt:

- Thật hả?

- Tôi đã mua vé rồi mà.

Khuôn mặt em mới có vui một chút, bỗng tối sầm lại và sao mà ủ dột quá chừng. Em ngước nhìn và qua đôi mắt mở to, tôi cảm như có một cái gì đó trong em, vừa vỡ vụn. Cứ thế, em cúi đầu - đứng lặng: mái tóc rũ buông và đôi môi mím chặt. Trông em rất đáng ghét và lại cũng vô cùng đáng yêu, ngay lúc này đây. Tôi phải xin lỗi em rất nhiều lần vậy mà em vẫn không chịu về. Cho đến khi bạn tôi từ trong nhà bước ra và gay gắt nói: “Trễ rồi. Vô thay đồ rồi đi chứ Oanh”. Tới lúc đó em mới chịu đứng dậy. Mang dáng vẻ của một đứa trẻ lẫy hờn khi bị rầy la, em cắm cúi bước ra sân, không cần biết tôi cũng đi theo. Ra đến hết vỉa hè, em quay lại và nhìn thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn hung bạo, thách thức. Và em nói như là ra lệnh vậy: “Oanh đừng trốn mắt tôi, có được không?”. Trời đất! Nếu không phải chính tai tôi nghe, chắc tôi không tin nổi đó là câu nói của em. Cái cách - kiểu của em mới đó mà sao lớn dữ vậy? Tâm sâu, hồn đầy và sống chín, nào đã cần thiết ở tuổi của em. Nhưng cũng từ đó, từ rất nhiều chuyện đã biết và cảm được, ở em, tôi thấy lóe lên trong mình điều thú vị mới mẻ này: Em hẳn sẽ là người đàn ông nguy hiểm cho phụ nữ vào năm em ba mươi tuổi, chẳng hạn. Em có hiểu từ “nguy hiểm” ở đây không, cậu nhỏ? Tôi ít bị lầm lẫn về trực giác trong việc xét đoán: anh chàng A này: quyến rũ, anh chàng B nọ: nhạt nhẽo nhưng rất tốt và anh chàng C kia: nguy hiểm…

Tôi tuân thủ điều em yêu cầu nhưng em buông thỏng hai tay, run lên cầm cập và không dám ngước lên ngó tôi lấy một chút. Trong sự run rẩy của em, tôi cảm thấy bất lực với cái vốn hiểu biết mình có sẵn. Tôi thua. Quả thật, tôi thua trước tình cảm em vẹn nguyên và tràn đầy. Em thắng bởi em không biết khôn ngoan. Em run, run đến thảm hại và vùng chạy ngay, sau khi ngước lên ngó tôi một giây: cuồng si, thảng thốt và nói trong hơi thở gấp gáp, cứ như là sắp chết đuối đến nơi. Những âm nghẹn đặc vì xúc động quá, không kềm giữ nổi: “Oanh! Tôi yêu lần đầu. Tôi yêu Oanh!”. Tôi không còn tha thiết được la cà rong chơi. Tôi thấy mình không còn xôn xao với phố xá chờ đợi ngoài kia. Tôi muốn được ở nhà. Một đứa bạn rất đào hoa của tôi, nói: “Hãy im lặng nửa giờ khi nghe ai đó tỏ tình”. Còn tôi, với lời tỏ bày của em còn mới mẻ, tôi chỉ muốn im lặng suốt tối này. Bởi em đã nói em yêu lần đầu và tôi tin em nói thật. Bởi em còn rất nhỏ và bởi tôi biết đã lỡ làm rơi vãi trong tâm hồn em những mầm đau thương đầu mùa. Mầm đau thương rồi sẽ đâm chồi, mọc rễ. Biết sao giờ hả em?

Tối đó tôi rủ người bạn bỏ những con đường đông vui, xuống biển nằm trên cát. Ngửi hơi nước mặn tanh, nghe sóng vỗ và thông hát rì rào. Ngắm những vì sao lồng lộng trên bầu trời. Tâm người ta bớt chật chội khi gần gũi với thiên nhiên. Hai đứa ghé một quán kem trên đường về và ngồi mãi. Người bạn có vẻ muốn nấn ná dù người chủ quán đã ra chiều sốt ruột. Quán chỉ còn hai đứa chúng tôi bỗng dễ thương với vẻ tẻ lặng, buồn buồn. Con đường phía trước thật vắng. Chỉ còn những hàng cây rũ nghiêng, hắt xuống lòng đường những ánh điện vàng hoe. Hai đứa còn kéo nhau đến một cái xe nước mía vỉa hè, ngồi, nhìn ngắm loanh quanh mấy ngã đường gần đó. Ở đấy, cũng còn vài người như chúng tôi. Họ lặng lẽ uống thứ nước giải khát rẻ tiền và lặng lẽ trông sang con đường phía trước: một mình. Mỗi người chọn một ngã tư mà trầm ngâm hướng đến. Với những ngã tư, ngã năm gì đó ở nơi này, chẳng ai chọn được cho mình một người cùng hướng. Tôi nghĩ đến em. Chúng ta cũng vậy thôi, cậu nhỏ! Tôi nghĩ tới người tình mình vừa xa. Tới người tình mình yêu lần đầu. Cũng vậy thôi. Nào có khác gì. Một mình. Suốt đời mình. Đi hoài, dù rất mệt. Dù đã có bao lần thèm muốn được đứng lại, dừng chân. Với ai đó trông sang một con đường có những nhánh lá và bông hoa nở đẹp. Lúc khuya đêm, được trở về một chỗ cùng nhau. Người này đi để cho người khác tới, cuộc tình hôm nay tàn để cho cuộc tình mai mốt nở hoa. Sum vầy, chia xa, tan vỡ và gặp gỡ. Hạnh phúc rồi khổ đau. Lịch sử tình yêu không bao giờ chấm dứt, phải không em? Như em yêu tôi hôm nay ngơ vụng, để mai sau yêu một người khác khôn ranh. Tình yêu nhiều lời lắm tiếng, dù chỉ vỏn vẹn có hai chữ tình yêu.

Nơi ngã năm vắng ngắt, tôi lại trông thấy em. Sao giờ này em chưa ngủ, cậu nhỏ? Em đau nặng thêm thôi. Em hút thuốc nữa kìa. Tôi nhìn thấy đốm lửa trên môi em mà. Em mới tập hút thuốc, phải không cậu nhỏ? Bởi buổi chiểu bên em ở biển, em có kể với tôi về những ngày ở Đà Lạt:

- Trên đó lạnh ghê. Thèm một điếu thuốc mà chưa dám hút. Để hồi nào đã.

- Ừ, lúc buồn thật buồn, hút một điếu thuốc cũng có lý lắm đó.

- Vậy là Oanh biết hút thuốc rồi?

- Chứ chẳng lẽ chưa?

- Vậy là Oanh đã buồn thật buồn.

- Ừ! Mấy hồi thất tình ấy mà.

Em cười chúm chím, ngó lém lỉnh làm sao.

- Vậy thì tôi sẽ hút thuốc khi nào tôi thất tình.

- Em còn nhỏ mà. Có yêu và thất tình cũng còn lâu.

Em lắc lắc đầu, nói ngập ngừng:

- Để coi.

Và tôi cũng đã được “để coi” rồi đó! Bằng những bước em bơ vơ, khuya lắc lơ, đi một mình, hút thuốc, mái tóc để dài rũ ra, phủ lòa xòa. Khuôn mặt cúi thấp, ngó bước chân và cái bóng mình. Tôi thở dài, chỉ em cho người bạn thấy. Em cứ đi, đi, đi cậu nhỏ. Suốt đêm nay cũng được. Em đã lớn rồi đâu còn sợ lớn nữa. Có ghét tôi, cứ ghét cho nhiều vào vì tôi đã khiến em ra làm vậy. Đúng không?

Tôi đi một mình vì không muốn người bạn bị phá giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, tôi đã cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi đánh răng, rửa mặt, chải tóc rồi viết vài dòng từ biệt người bạn. Nhìn lại đồng hồ lần nữa, tôi biết mình còn đủ thời gian, để đi bộ ra bến. Ghé đến góc đường mua ổ bánh mì, vừa đi vừa ăn.Chuyến xe bị trục trặc nên không thể khởi hành ngay. Hành khách không dám đi xa nên chỉ xuống xe, đứng túm tụm quanh đấy. Tôi cũng kiếm một cái quán cóc, ngồi. Nhâm nhi ly cà phê sữa và ngắm nhìn nhịp sống nơi đây: một cái bến xe với rất nhiều gấp gáp, mạnh mẽ và nồng nặc. Từ hình ảnh, mùi vị cho đến những thanh âm. Tính tôi là thế. Em có hay? Rất thích để ý và ngóng nghe: một đám cãi nhau ở hàng xóm, một bông hoa nở từ khu vườn lạ, một dãi mây cắt ngang trên bầu trời…

Xe sắp rời bến, tôi mới thấy em. Khuôn mặt ngơ ngơ. Thảm và tội. Tôi không đặt nổi cho mình, một câu hỏi nào ngoài điều này: sao em đẹp chi…ác ôn vậy, cậu nhỏ? Một - nét - đẹp - tiều - tụy, tôi được trông thấy vào ngày rời Nha Trang, khi hè sắp hết./.





© Tác Giả Giữ Bản Quyền.




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC