TÁC GIẢ
TÁC PHẨM








. Sinh quán Hà Nội

. Tốt nghiệp các Đại học :
- Đại Học Sài Gòn.
- Đại Học ngoại ngữ Tokyo.
- Cao Học Giáo Dục Đại Học Tokyo.

. Hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.







THƠ



PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 5
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 6
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 7
PHÓNG DỊCH THƠ ĐƯỜNG 8 : NHỮNG BÀI THƠ TRƯỜNG TƯƠNG TƯ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI 9
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ HẠ
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - THƠ LÝ THƯƠNG ẨN
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 1
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 2
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 3
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI - MÙA XUÂN 4
PHÓNG DỊCH ĐƯỜNG THI : THƠ ĐỖ PHỦ
THÁNG SÁU
BUỒN THÁNG SÁU
ĐƯỜNG THI
NHỚ
TÌNH CÁT
KOKUBUNJI





ĐOẢN VĂN & TRUYỆN



CĂN NHÀ CÓ BỐN PHÒNG

KỶ NIỆM VỀ TẾT

CON MÈO ĐÃ SỐNG MỘT TRIỆU LẦN 

TRUYỆN NGƯỜI ONMYOJI 

BA CỦA Y






BIÊN DỊCH



CHUYỆN PHIẾM VỀ 12 CON GIỐNG


















 















BA CỦA Y

  Khi con ngã mẹ liền chạy đến
Mẹ dịu dàng vội bế con lên
Mắt rưng rưng ướt đẫm lệ hiền
Xoa cuống quýt chỗ da trầy sứt

*

Khi con ngã cha liền tới hỏi
" Có sao không ? " " Đứng dậy xem nào ?"
" Giỏi ! " " Mình ơi, thuốc đỏ để đâu ...? "
Rồi cha dẫn con đi chơi tiếp

( Cha - Mẹ, Quỳnh Chi )

 

Trong bài thơ này, Quỳnh Chi viết câu " Mình ơi, thuốc đỏ để đâu ?" có lẽ vì đó là câu hỏi cửa miệng của nhiều ông chồng Nhật - khi cần thứ gì cũng hỏi vợ " Em ơi, cái đó ở đâu "- , chứ ba của Y thì ít khi hỏi như vậy, vì tủ thuốc cũng là một trong những thứ trong chiếc túi phù thủy Doraemon của ông.

Doraemon là tên một con mèo có nhiều phép thuật trong bộ truyện tranh cùng tên, mà trẻ em Nhật rất say mê. Truyện này sau đó đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, tựa đề Đô ra ê môn. Mỗi tuần đến ngày truyện phát hành đều có không biết bao nhiêu người, từ trẻ em tới các cụ già, tức các ông Nội và ông Ngoại, đứng xếp hàng để chờ mua. Mèo Đô ra ê môn là người bạn rất thân của cậu bé nhân vật chính trong truyện. Chú mèo này chỉ cần thò tay vào trong chiếc túi trước bụng là lấy ra đủ mọi thứ dụng cụ để hoá phép thần thông biến hoá, làm vui lòng cậu bé. Con trai của Y cũng một thời say mê truyện tranh Đô ra ê môn, khi ba Y tới ở chơi được ít lâu nó liền đi khoe với các bạn ở trường rằng nhà nó có Đô ra ê môn tới chơi, ông Ngoại là " Đô ra ê môn ở nhà tớ ". "Đô ra ê môn ở nhà tớ " quả là có nhiều phép thuật...

Khi Y còn bé, gia đình mới di cư vào Nam, trong lúc đang chờ về nhiệm sở mới, chưa thể sắm sửa ngay những thứ rồi sẽ không thể chở theo, trong nhà cũng vẫn có đi văng thay giường, ghế ngồi v.v. Đó là những thùng gỗ đựng đồ đạc gửi vào Nam đã được ba Y gỡ ra.. hoá phép thành những thứ ấy để dùng tạm. Phép thuật đầu tiên này đã làm Y phục lăn ba mình.

Kìm búa, tuốc nơ vít, cờ lê, mỏ lế? ...là những thứ trong túi phù thuỷ Đô ra ê môn của Ba. Mà đôi khi có cần chi dụng cụ, chỉ hai bàn tay của Ba cũng đã có thể hoá phép được, như làm cho cái máy đánh chữ thảo ra một bức thư, mọi thứ xe cộ chạy đi được. Nếu xe hư hỏng, chết máy, một lúc sau Ba làm cho nó chạy lại được. Đồng hồ, máy ảnh, quạt máy v.v..nói chung là hầu hết đồ điện máy móc trong nhà, có thứ gì bị hỏng hóc nằm lì một chỗ, cứ qua tay Ba là sẽ khỏi bệnh. Máy móc bị bệnh qua tay Ba là khỏi liền, còn con cái bệnh thì Ba có từ thuốc đỏ tới thuốc sirop, thuốc viên, thuốc dán v.v.. Ba cho uống thuốc, bôi thuốc, mổ xẻ vài cái mụn nhọt nho nhỏ. Thuốc có nhiều loại và Ba có cả một nghệ thuật dỗ dành trẻ con chịu uống thuốc, nhất là ngày xưa thuốc thường đắng ngắt vì chưa được đựng trong các capsule như ngày nay. Mỗi tuần một lần vào cuối tuần, mấy chị em Y đứng xếp hàng há miệng cho Ba khám răng, coi thử có cái răng sữa nào sắp thay chưa..Đứa nào có răng đang lung lay thì hồi hộp giống như sắp bị lên đoạn đầu đài...Thế nhưng thực sự thì giây phút đó bao giờ cũng diễn ra vô cùng nhanh chóng và êm ái, chẳng có gì là đau đớn, nhờ bàn tay phù thuỷ của Đô ra ê môn đã thoắt một cái lấy cái răng sữa ra như lấy kẹo trong túi. Răng hàm trên thì Ba giả bộ vứt xuống gầm giường, răng hàm dưới thì giả bộ vứt lên mái nhà, nghe đâu là để cho chiếc răng vĩnh cửu sau đó biết đường mà theo hướng đó mọc lên thật thẳng. Nhờ vậy mà bầy con đứa nào cũng có hàm răng trắng bóc xếp hàng thẳng băng, và ngày bé hầu như chẳng có một chiếc răng sâu nào. Tới tuổi đi học, chị em Y đứa nào cũng xì xồ một hai tiếng Pháp tiếng Anh làm bè bạn- ở một thị xã nhỏ - hơi lác mắt..Chẳng có gì lạ cả, ba Y đã dậy cho biết cách phát âm. Đọc sách lịch sử địa lý thế nào chẳng gặp mấy danh từ riêng tên đất tên người, nên Ba dậy cho biết sơ qua để phát âm cho đúng, chẳng đợi chờ lên trung học mới học sinh ngữ. Vẽ bản đồ ư, dễ lắm, lại đây ba cho cái thước kẻ dài mà vuông để kẻ ca rô lên hình vẽ bản đồ trong sách, thế rồi vẽ lại theo phương pháp truyền chân. Cũng nhờ vậy mà Y kẻ ô ca rô lên mọi hình vẽ để vẽ lại đủ thứ hình mình thích. Chị em của Y thì có người tài vẽ côn trùng ếch nhái, bài học thường thức bao giờ cũng có những hình vẽ thật đẹp đựơc thầy cô chọn làm vở mẫu cho các học sinh khác xem. Y thích vẽ người và phong cảnh hơn. " Con muốn vẽ phong cảnh à ", Ba Y liền nheo mắt cầm cái bút chì đưa ra trước mặt, bày cho phương pháp viễn cận và đánh bóng. Đây chỉ là những bài học vẽ cơ bản ở trung học, nhưng cũng đủ làm lũ con của Đô ra ê môn phục lăn ba mình.

Có một lần cô giáo ra bài tập thủ công về nhà: nặn quả ớt. Chuyện này, nói hơi ngoa ngôn ngoa ngữ một chút, thì đó là đã khiến giữa hai cha con chợt bùng nổ một sự va chạm giữa hai trường phái. Chiều tối hôm ấy, cả nhà ngắm nghía qủa ớt của Y, ai cũng ôm miệng cười vì quả ớt cong queo sắp muốn gẫy. Ba Y bảo " Để Ba nắn lại cho con kẻo nó gẫy mất ". Nhưng nửa đêm Y bỗng lo lắng cho số phận tác phẩm của mình, bèn chạy ra bàn học xem ..Hỡi ôi, quả ớt đã bị Ba nắn cho thẳng lại, mà dưới mắt của Y lúc đó thì như vậy là không đúng với hình ảnh những quả ớt cong cong theo sự quan sát và khiếu thẩm mỹ của cô. Sáng ra cả nhà đều trố mắt ngạc nhiên vì quả ớt đã bị Y uốn cong trở lại, và bây giờ thì thực sự đã có thêm một vết nứt. Nhưng sau một đêm, đất sét đã khô cứng, không thể nào nắn cho liền trở lại được nữa.

Trong công việc cũng vì tính tình cương trực (không thích cái gì cong quẹo !) , có một dạo ba Y đã bị trù giập, bị thuyên chuyển về một thị xã nhỏ.

Vừa dọn nhà tới thị xã, trước hết Ba gọi thợ đến, chỉ cho thợ cách sửa sang. Căn nhà lá thuê của ông nông dân bỗng có thêm cửa sổ, có hiên gạch, có mái hiên để treo một dẫy lồng chim, có một vườn hoa truớc cửa, một dãy chuồng chim bồ câu trong sân, một giàn quả su su sau bếp, chuồng lợn biến thành kho than củi ..Trong nhà ngoài bầy con nít khá đông còn có thêm bao nhiêu là động vật nào chó mèo nhồng yểng bồ câu ngan ngỗng vịt gà. Khu nhà sân vườn, bụi tre bao quanh khoảng sân sau rất rộng và chuồng trâu của ông nông dân vẫn gửi ở đó, cả lối đi sâu vào trong xóm bỗng thành một trang trại nhỏ, một khu rừng theo trí tưởng tượng của trẻ thơ. Ba dậy con yểng biết nói, Ba biết cách trồng hoa thựơc dược nở đúng vào dịp Tết. Ba biết cách tháp cây ghép cành. Ba còn tham gia văn nghệ tài tử, chơi đàn, diễn kịch thơ, Ba đóng vai chính là tráng sĩ gì đó, nhưng kịch này Y không được đi xem, và cũng sau vở kịch này, có một chị thật đẹp cứ đến làm quen với Y để hỏi thăm về Ba. Y chỉ được xem một lần khi Ba đóng vai vua An Dương Vương trong kịch thơ Trọng Thuỷ Mỵ Châu, mà lần này nghe đâu Mẹ nhất quyết không cho Ba đóng vai Trọng Thuỷ.

Ở thị xã nhỏ làm sao còn được Ba đem về cho những hộp sô cô la ngọt lịm, những con búp bê biết chớp mắt với cả tủ quần áo thay đổi, những chiếc tàu thuỷ thả chạy trong chậu tắm, những bộ đồ hàng chơi nấu bếp bằng nhựa có đủ nồi niêu xoong chảo, những chiếc đèn kéo quân chạy đuổi nhau như ở phố hàng Mã. Cũng hết rồi những ngày theo Ba đi xem hội xem thả thuyền hoa trên sông Hoài, xem diễn xíếc với màn đi xe ly tâm ngay trên bãi đất trống trên đường Cường Để gần ngã tư Lê Lợi.

Nhưng thay vào đó, mùa xuân Ba sẽ chọn đem về một cành mai vàng và sẽ hoá phép cho hoa nở đúng vào ngày mồng một tết, mùa hạ Ba vót tre làm diều hoá phép cho diều bay vút lên trời với ống sáo nhỏ gắn ở đuôi diều, mùa thu làm lồng đèn xếp, đèn dán giấy bóng kính đủ hình dáng. Nhớ những đêm trăng khi Ba tập cho mấy chị em Y tập xe đạp, Ba vịn phía sau xe ít lâu rồi dặn cứ yên tâm nhìn thẳng và đạp đều, đừng quay lại. Y nghe lời Ba và thế là chiếc xe nhẹ nhàng lướt đi theo từng vòng đạp dưới đôi chân nhỏ bé của Y. Cứ nghe lời Ba dặn, dường như Ba đã hoá phép cho chiếc xe nặng nề bỗng như chắp cánh đưa Y đi theo ánh trăng sáng vằng vặc, Y như đang bay đi, bay đi mãi... Mùa đông đến, những buổi tối rét mướt, mưa dầm không thể ra sân ngồi ngắm sao trời chờ đợi một ngôi sao đổi ngôi hay chờ bắt gặp một con đom đóm bay vụt ra từ bụi tre sau nhà, thì bên ánh đèn dầu ấm cúng đôi khi Ba sẽ xoè bàn tay hay chắp tay lại, làm hình những con chim, con ngựa hay đôi cánh bướm chập chờn cho lũ con nhỏ xem. Ba ngày Tết, trẻ con sẽ đựơc phép chơi cờ cá ngựa. Ba chấp các con một bước đầu, nhưng cuối cùng đứa nào cũng sợ con ngựa của Ba sẽ được hoá phép cho phi nước đại và thường hay đá bầy ngựa của bầy con ngã lăn chiêng trước cổng chuồng.

Thế rồi con cái lớn dần, theo thời gian Ba bận rộn hơn, không còn ngâm thơ đóng kịch, cây đàn hầu như cũng bị bỏ quên. Đô ra ê môn hầu như đã bỏ quên túi dụng cụ làm phép thuật của mình. Lúc này đôi khi cha con còn tranh luận một vài vấn đề, lúc tâm đầu ý hợp, lúc mâu thuẫn gay gắt, không khác chi ngày xưa lúc Y nặn quả ớt, cha và con mỗi người một ý.

Rồi ba Y về hưu. Con cái đã lập gia đình, Ba có cháu nội cháu ngoại. Thế là Đô ra ê môn lại lôi chiếc túi mầu nhiệm của mình ra. Nhà nào đồ chơi của trẻ con bị hư hỏng cứ đem về chờ Ông sửa: búp bê sẽ lại chớp mắt, điện thoại lại reo, đồng hồ có hình Mickey Mouse lại chơi mười hai bản nhạc báo thức, xe đua hay máy bay nhỏ điều khiển từ xa lại chạy xông xáo khắp nơi hay lại bay vi vút trở lại. Cháu nào sợ uống thuốc à, để đó cho Ông. Khi Microsoft quảng cáo sắp tung Windows ra thị trường, các báo viết bài chế riễu có những người đàn ông trung niên cứ tưởng Windows cũng như một cái máy chữ hiệu Olivetti hay Brothers, nên đã vội tới xếp hàng chờ mua, mà không biết rằng còn phải cần máy computer và cài đặt v.v..

Đến tuổi này Y cũng có khác chi mấy người đàn ông trung niên đó, lại vốn dân ban C dở máy móc. Bấy giờ Y cũng có một chiếc computer do cậu em đem tới tặng, nhưng rút cuộc chỉ để trẻ con rủ bạn tới chơi game cho tới khi máy chết đứng. Thế mà một ông già đã về hưu là ba Y sau đó đã đến sửa máy và gắn thêm linh kiện, cài đặt các soft cần thiết và dậy cho Y cách sử dụng. Y thấy cách dậy của Ba còn dễ hiểu hơn là những lời giải thích của cậu em trai. Lúc đầu khi còn lúng túng, có lần Y chống chế: " Chắc là vì con giống Mẹ, vì xe đạp mà Mẹ cũng không biết đi nữa là ! ". Thật sự là trong nhà thì chỉ có Y là giống mẹ hơn cả. Nhưng chẳng mấy chốc Y đã hiểu hết những điều Ba dậy và đã có thể sử dụng computer thành thạo. Ba có vẻ vui lắm.

Một hôm ba Y thấy một con ốc nhỏ đã gần rỉ mà Y vẫn còn cất giữ trong chiếc hộp nhỏ đặt trong ngăn tủ mà chưa chịu vứt đi, vì nghĩ chắc nó rơi ra từ một cái máy nào đó. Ba Y cầm lên xem xét rồi bỗng bật cười và nói một cách thú vị:

- Con giống Mẹ nhất nhà, nhưng con vẫn là con Ba !

  (16/6/2005)






© Tác Giả Giữ Bản Quyền.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC