TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





TỪ NGUYÊN TĨNH

. Tên thật là Lê Văn Tĩnh .
. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1947
. Tại Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
. Hiện sống tại Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa,
. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994).
. Tổng Biên Tập Tạp Chí Xứ Thanh- Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh Hoá .

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Hàm Rồng ngày ấy (ký sự viết chung, tập 1 in 1984, tập 2 in 1978);
. Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn, 1991);
. Gã nhà quê (tập truyện ngắn, 1992);
. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết, 1993);
. Không thành người lớn (tiểu thuyết, 1995).

. GIẢI THƯỞNG :

- Giải thưởng văn học: Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn)
- Giải thưởng Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn;
- Giải thưởng văn học tỉnh Thanh Hóa - Mẹ (truyện ngắn),
- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Sông Hương 1993;
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1993; Gã nhà quê (tập truyện)
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1994. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết)
















CÕI NGƯỜI


CHƯƠNG 56 - 60



56

Những ngày đầu đời lính với Bản vô cùng gian khổ ? Muốn hòa đồng để sống thanh thản cùng đồng đội, sao mà khó khăn. Họ đều rất trẻ, học chưa hết phổ thông, tập luyện và hăm hở được ra mặt trận. Liên hệ với nỗi khổ cực của cha mẹ bị địa chủ phong kiến bóc lột, có người cảm động, xụt xịt khóc. Bản tin đó là tình cảm thật thiêng liêng. Bản thèm được cuộc sống hồn nhiên ấy. Được ôm ấp đồng đội và nô đùa sau mỗi buổi tập luyện.

Nhưng hình ảnh người bố, dì Út Thường và lá thư ám ảnh Bản không buông tha... Tại sao bố lại làm điều ấy ? Có phải là sự trốn chạy để lại nỗi khổ cho vợ con không. Thà bố đương đầu chịu đựng. Bao người còn nặng nề, dính líu sâu nặng hơn tưởng có thể nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn qua được. Họ là Phó Lý, Lý trưởng... Họ ngồi trên chõng tre cho phu làng hồ đội lên đầu mà qua hồ, đi hát ả đào... Họ bị phơi trần ra trước cuộc đời... Đó là hành vi bạo ngược, tha hoá không thể tha thứ được. Họ quay lại làm người nông dân, chả hiểu có ý thức về tội lỗi không, nhưng cam chịu, họ vẫn tồn tại, sự tồn tại ấy là mấu chốt, nìềm tin cho con cái họ ra đi. Cái khổ và thử thách cao hơn, phải trả giá gấp nhiều lần, mà con em dân cày phải bỏ ra. Bản muốn bộc lộ, kể cho người đời nghe về người cha. Nhưng cái sợ đã không cho Bản có bản lĩnh kể ra sự thật. Liệu có ai tin Bản nữa không ? Xoan, Hiên và những đồng đội đang nằm ngáy kia. Họ cho Bản là con của kẻ thù, đã chạy về phía kẻ thù đang cầu viện ngoại bang đem bom đạn ra bắn phá, ra giết chốc gia đình và đồng loại. Nói ra lúc này, Bản sẽ bị loại khỏi hàng ngũ người lính cách mạng. Ai có thể minh chứng người cha của Bản trong ấy không gây ra tội ác. Không đeo lon, đội mũ mở những cuộc hành binh đi giết chóc đồng bào ? Nguy hiểm nữa, có khi còn liên lụy đến cả Nguyên, đứa em sinh đôi của Bản. Dù đã có sự bao bọc của dượng Xuyền, nhưng mang dòng máu của Ấm Vệ... Bản tự nhiên trở thành âu tư, khi hiểu và muốn được thử thách. Tự nhiên trở thành nề nếp, cẩn thận và cảnh giác với chính mình. Sợ một chút sơ hở nhỏ cũng lộ đuôi ra ? Là con của kẻ đào tẩu... Là kẻ thù của giai cấp, của nhân dân.

Trong những ngày ấy, ngoài thì giờ luyện tập, Bản ghi thư cho Xoan, Hiên và Nguyên... Ghi thư cho mẹ mà trào nước mắt vì thương mẹ...Tại sao mẹ lại khổ thế... Đến quá khứ cũng không nói ra được. Có ai hỏi đến cha là giật thót sợ hãi. Bản viết thư cho em sinh đôi, động viên Nguyên hãy học thành tài. Bây giờ cả nhà này chỉ còn trông chờ vào em thôi. Có lẽ đời của Bản khó mà có thể bước chân vào ngưỡng cửa đại học... chiến tranh có thể hy sinh... Còn sống biết ông Pôn La Hà ở đâu để hiểu rõ được tông tích, hành vi của ông ấy, để thanh thản mà thi vào đại học... Bản nói với Xoan rằng hãy vì những đứa bạn thuở ấu thơ mà học.Học cho Bản, cho Hiên để boã những ngày cậm cụi nơi gốc thị nhà mình... Bản nhận được thư mẹ... Mẹ cẩn thận không nhắc đến người ấy... Mẹ bảo, mẹ vẫn nghe tiếng hát của bác Di đâu đây... Có hôm mẹ ngủ mơ thấy bác trèo lên cây thị, quả chín thì không hái lại hái quả xanh mà ăn... Bỏ quả thị vào miệng thì có người giơ tay ra cướp mất... Mẹ nhờ lão Lật thầy cúng cúng cho oan gia mà bác con phải ganh chịu... Nếu sống thì ăn lá sung lá ổi... Nếu chết thì mùa thị, mùa ổi bác con lại về. Mẹ mong cho con và Nguyên vượt qua bom rơi đạn lạc lại về với mẹ... Mẹ bảo cố gắng cho bằng anh, bằng em, ông ở suối vàng cũng ngậm cười... Hiên thì bảo đơn vị thanh niên xung phong của em san lấp hố bom ở Hàm Rồng Thanh Hóa, mai kia sẽ vào Hà Tĩnh, Quảng Bình... Gian khổ lắm, nhưng vẫn tranh thủ dạy văn hóa cho các bạn chưa học hết cấp hai. Họ đều rất quý mến Hiên... Những ấn tượng mà Hiên nghĩ và lo bị phân biệt đối xử đã xua tan, lại còn được bầu xuất sắc và giới thiệu đi học lớp cảm tình của Đảng... Hiên rất phân vân, không biết có nên đi không... Nhìn thấy tháp nhà thờ Hiên rất muốn vào đó, nhìn ảnh của Chúa mà cầu nguyện cho mình và đồng đội tai qua nạn khỏi, nhưng không dám, vì sợ bị hiểu lầm. Bản biết đấy, Hiên đã được nhìn và đi lễ nhà thờ nào lớn nào đâu ? Nhưng thôi, chắc Chúa lòng lành không phụ lại lòng yêu mến của Hiên... Hiên mơ ước, ngày trở về cùng với Bản... Có phải không nào... Hiên sẽ chụp ảnh và gửi cho đỡ nhớ... Lại có tiếng kẻng báo động rồi... Bọn máy bay vào đánh rồi... Hiên ra mặt đường đây...

Bản được cử làm báo tường cho đại đội. Tranh thủ giờ nghỉ trưa ngồi trong lán kẻ cái tên nghe rất kêu ''Quyết Thắng''. Bản như trăm ngàn người lính trẻ, văn hóa dù cao hay thấp, nhưng vào bộ đội là đều làm thơ, cả đại đội tân binh đều là ''nhà thơ''. Bản chọn những bài thơ hay của đồng đội sửa lại và chép vào báo Tường. Bản mô phỏng lại động tác luyện tập trên thao trường vẽ lại hình ảnh đồng đội... Báo tường của đại đội Bản được đánh giá là đẹp và hay. Nhà báo Quân đội và Đài tiếng nói Việt Nam đến đơn vị ghi lại... Thật bất ngờ, tiết mục ''Thơ chiễn sĩ'' làm Bản và đồng đội của mình nghe mà xúc động, không tin nổi là tác phẩm ẩy của ''Nhà thơ đại đội'' mình.

Những ngày đầu đời lính làm cho Bản tự tin, rằng Bản cố gắng nhất định sẽ vượt qua. Sự thật trước khi sinh ra trên cõi đời này, Bản đâu biết mình sẽ sinh ra là con ai, ở đâu... Cả đến sống thế nào đây để khẳng định mình... Nghĩ thì vậy, Bản tin là như vậy, nhưng sự việc xảy ra hàng ngày lại khác xa... Ngay như Bản cũng phải chịu sức ép của nhiều phía. Có người lính văn hóa thấp, chỉ mới qua lớp bốn lớp năm thì thấy Bản ''văn hay chữ tốt'', tỏ ra ngài ngại, xa cách... Cho rằng Bản chắc là con nhà có máu mặt mới được đi học, mới có văn hóa cao... Cũng có vài anh chàng học cấp ba, cho rằng ''cùng cảnh ngộ'' không được vào trường này trường nọ, đẩy vào lính với ''quân vô học'' nên có vẻ bất mãn, bất cần. Họ thành một tốp gắn bó với nhau, hay tỏ ra tâm sự, chia nhau từng mẩu thuốc, đọc chia sẻ với nhau từng dòng thư. Thực tình thì Bản không có khả năng làm một kẻ khôn lõi, hơn người. Tâm lý sợ, làm cho cậu phải cảnh giác với mọi biểu hiện của chính mình. Chỉ cần cậu thiếu cố gắng tỏ ra bạc nhược, biết đâu đấy, người đời chẳng coi ra cái thá gì. Lại nhớ lời chú Phách dặn với tư cách của lãnh đạo xã, với tình thân mà Bản cho là chân thành. Cháu được đi lính là may đấy, nghĩ đến tình xưa của nhà này mà chú đành nhắm mắt làm ngơ cho... Chứ bố mày biệt tích, nghĩ theo cách nào mà chả được. Bảo là chết rồi cũng xong. Đi lấy một con vợ nào đó ở miền núi, rồi mang họ khác rồi cũng nên. Hay cùng với dì Út mày làm chuyện gì động trời. Bên ngoại nhà mày có mấy người ở trong Nam, biết đâu đã chắp nối cho vào đó, sướng cái thân còn mặc mẹ con mày? Kể nhà mày cũng khổ thật. Nhưng đằng nào cũng học hết cấp ba rồi, có văn hóa hơn con nhà người ta. Ai tin nhà mày khổ? Để cho đi thanh niên xung phong là chiếu cố rồi... Cho đi lính biết đâu chả lại tiến bộ... Nếu làm ăn được, chớ có lên mặt với tao đấy ?

Cái khổ của thời thơ ấu làm cho Bản cảnh giác với chính mình. Biết đâu đấy lại không gặp những người như Phách, thì thật khủng khiếp. Bản biết làm sao được, cố gắng, lao vào tập luyện, làm Bản quên đi khoảng cách và mặc cảm dằn vặt trong lòng. Trong những ngày đầu đời lính ấy, Bản vô cùng biết ơn chú Căn, đã dẫn Châu đến thăm Bản. Châu đeo quân hàm trung úy, trẻ măng ăn nói lại rành rọt, làm cho cả đại đội tân binh của Bản vui cả tháng trời, khi Châu đã ra về.

Chú Căn đèo cả gạo nếp của mẹ và gà đến tận nơi đóng quân, chưa thấy người đã thấy tiếng:

- Bản... Châu được nghỉ phép từ Vĩnh Linh ra, chú đưa nó đến thăm cháu đây này !

- Chú Căn,... Châu được về phép lâu không mà chú lại đưa đến thăm cháu?

- Nó được phong hàm, lại được cử đi học xa... Chú nghĩ phải đến thăm cháu... Động viên cháu.

Châu ôm lấy người anh họ thư sinh vào lòng. Đối với Châu, xa nhà là chuyện đơn giản. Từ nhỏ Châu đã vào Thiếu sinh quân, nhưng với người anh họ lại rất khó khăn. Bố của Châu đã nói lúc Châu mới về. Chuyện gia đình nhà bác, bác trai mất tích, còn bác gái và chị út, chuyện ra đi của anh Bản. Châu thật thà nói với bố, vượt qua được khó khăn quả là khó. Bố bảo đi thăm Bản, Châu đã sốt sắng nhận lời. Chắc anh ấy có nhiều lo nghĩ lắm, con sẽ đi cùng bố, động viên anh ấy...

Đồng chí chính trị viên đại đội xem giấy tờ của Châu trình, rất vui quên cả cái tội của Bản lộ cho gia đình nơi đóng quân, nói: Tốt quá đồng chí có thể nói chuyện về tinh thần vượt qua gian khổ, anh dũng chiến đấu của quân và dân Vĩnh Linh cho đơn vị tôi nghe được không ?

- Báo cáo đồng chí... Thật ra đó không phải là chức trách của tôi... Nhưng nếu các đồng chí cho phép... Tôi chỉ tâm sự với tư cách đồng đội... Châu khiêm tốn trả lời.

Bản thật sự xúc động nghe người em họ của mình kể chuyện chiến đấu ở Vĩnh Linh. Châu đã trải qua những ngày bom đạn đe dọa đến tính mạng, vẫn bám đất từng ngày. Từ trong bom đạn, một tình cảm gắn bó cùng nhân dân Vĩnh Linh. Châu có người yêu là cô gái dân quân ở nơi ấy... Họ thề nguyện sau chiến tranh, đất nước thống nhất sẽ tổ chức đám cưới bên cầu Hiền Lương... Cũng từ hôm chú Căn và Châu đến thăm mà nơi ánh mắt mọi người đã giành cho Bản sự gần gũi, thiện cảm.

Đêm ngủ với Bản, Châu đã dặn đi dặn lại : - Dù hoàn cảnh nào cũng không được đầu hàng, phản bội lại tổ quốc...

Bản ghi nhớ lời của đứa em, có địa vị như là một thủ trưởng, đã giúp cho Bản có quyết tâm vượt qua những ngày luyện tập căng thẳng.

57

Mẹ viết thư kể cho Bản biết chuyện nhà chú Căn. Mẹ bảo, nếu ông mà còn sống thì không để đâu cho hết vui. Có khi còn mổ cả trâu bò mà ăn tiệc chứ lại. Mới ngoài hai mươi tuổi mà cấp bậc lại cao, được thưởng cả huân chương. Được cử sang Liên Xô học... Thế cũng thơm lây cho nhà ta con ạ ! Bọn Phách cũng đến, lại còn tỏ ra thân mật nữa . Đằng nào chả là ông chủ tịch xã, và bà con mà lại. Cái thằng Châu chả bù cho chú Căn một tí nào, ăn nói hay đến mức lão Phó Cáy cũng cứ là trầm trồ bảo, có dễ nó còn phải phát tướng... Mẹ thật vui con ạ ! Chả gì nó cũng là con chú Căn... Lâu rồi mới có cuộc vui lớn như vậy... Thím Bân thế mà có phúc, chả phải lo toan gì nhiều mà con cứ lên như diều gặp gió. Người ở xa thì bảo, sướng thật, người ta đang phải chịu bom đạn mà nó lại sang Liên Xô để học chỉ huy. Tuổi thì trẻ chắc lúc về phải lên chức to lắm... Chú Căn nói với mẹ, kể mà lo cho nó một con vợ thì đẹp. Châu nói, không thể lấy vợ được, chiến tranh biết lúc nào mới xong, làm khổ người ta... Con có biết sao không, có chiếc xe con đến đỗ ngay ở ngõ. Ai mà đi xe con hỏi thăm nhà Căn nhỉ... Chắc là đơn vị của Châu đến đón đi đây...Thật không ai ngờ, trên xe xuống là một cô gái đẹp. Tiếng nói như chim. Có dễ đẹp chả kém gì cô Tuyết, dì Út con đấy... Con có biết ai không ? Người yêu của thằng Châu nhà mình đấy... Nghe bảo đi báo cáo thành tích ở Hà Nội, nhớ Châu không chịu được nên đến thăm nhà cửa và gia tộc.

Chú Căn bàn, mẹ thấy có lý. Cho cưới quách đi trước lúc nó sang tây sang tàu học. Chú bảo chú ghét nhất là cái giọng nói cứ xì xồ khó nghe. Chú hỏi cô gái, có chịu làm lễ thành hôn trước lúc Châu lên đường. Cô cứ vào trong đó công tác cho chán đi, lúc nào về thì về. Đời mà có số thì còn gì phải lo... Cô ấy đồng ý, cái thằng Châu nhà mình lại cách mạng quá , cứ bảo để ngày thống nhất... Mẹ thương cho cô gái thật, đẹp, giỏi giang bỏ cả gia đình đi làm cách mạng. Lại lấy chồng xa nữa chứ. Mẹ cũng vun vào, cứ cưới đi, trong lúc cái may đang tới. Cái tay Phách thế mà ghê, hắn bảo Châu không cưới là phải, chuyện học hành, đi xa, biết đâu vì vợ con mà ảnh hưởng đến phấn đấu. Ngay như nó, đi họp hành về là vợ con đã khảo rồi. Chú Căn mày lại được dịp đãi đằng, mẹ và cô Tuyết, cái Lành cũng được xúm tay lo... Mẹ vui lắm, kể cho con nghe. Con nhớ cho mẹ điều này. Bác con, bố con, chú Căn cùng do một bố mẹ sinh ra nhưng mỗi người một số phận... Chú Căn sống thật đơn giản mà lại hưởng phúc. Con đừng lo gì nhiều, đừng lo cho mẹ và em. Chắc con cũng không phải chịu khổ đâu, mẹ đã khổ rồi, lẽ nào ông trời lại không thương con ?

Bản đọc thư mẹ không khỏi ngậm ngùi. Mẹ viết được ra điều ấy, chắc phải vượt qua bao đắng cay, tủi cực... Chắc bố không nghĩ được điều này... Tại sao bố bỏ mẹ con mình để ra đi... Làm sao Bản có thể hiểu được điều ấy ?

58

Chiến tranh với Bản là một thử thách nghiêm túc. Được thể nghiệm những suy nghĩ mà học được của người đi trước, làm nên lịch sử của dân tộc. Chống lại sự đè nặng bởi bất công mà con người đáng lý ra không phải gánh chịu. Bản tin, dù ngây thơ vào sự cao đẹp mà mình ấp ủ. Đứng trước cái sống và chết con người bình đẳng như nhau. Anh từ đâu tới, là con nhà ai thì trong bom đạn đều chịu chung một số phận. Bom đạn có mắt hay sao mà tránh người này, nhằm vào người kia. Ở nhà kia, làm nên con ông nọ, cháu bà kia. Làm nên giàu và nghèo. Làm nên giai tầng, ở đó có người bị bóc lột và kẻ bóc lột. Kẻ bóc lột có thể có truyền thống, từ trong huyết quản, đã có lòng tham và chứa luôn cái ác; tích tụ mãi, đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác, cao như núi, sâu như vực thẳm không bao giờ lấp cho đầy... Cũng có kẻ vì một cơ hội nào đấy mà đổi đời, mà có cơ hội để làm kẻ bóc lột, còn chính trong sâu thăm thẳm của ý tưởng sống không hề có... Còn người nghèo kiết xác, bị bóc lột thì sao ? Cái đời, nghèo, ngu dốt không bao giờ tạo cơ hội cho họ ngóc được đầu dậy. Họ chẳng có gì để trang bị cho mình có vũ khí để làm cuộc đảo lộn. Bán sức khỏe, đời này qua đời khác, nghèo túng lại càng trở nên nghèo túng hơn, đã nô lệ lại càng lún sâu vào con đường nô lệ, đời cha và đời con không tài nào gỡ ra được. Lấy gì mà gỡ khi trong tay và khối óc không có gì cả... Lệ thuộc vào chúa đất, vào sự bố thí của chủ để sống qua ngày... Nhiều người có cơ hội thành tốt, lắm kẻ trở thành cơ hội và lưu manh bởi họ không vì mục đích giải phóng con người mà để trả thù cho sự khốn khổ của mình. Không tiêu diệt cái ác, mà kích thích cho cái ác được dấu kín, có cơ hội để trả thù. Thay sự bất công này bằng sự bất công khác, ít bài bản mang nặng chất lưu manh hơn. Chính Châu người em họ của Bản chỉ ra cho anh điều này. Châu cũng nói như đùa, con cái bọn bóc lột phải trả nợ truyền kiếp cho cha ông vì sự ăn trên ngồi tróc, bóc lột dân lành. Thế tại sao có kẻ hèn kém, lưu manh lại có cơ ngoi lên như Phách chẳng hạn ? Vì tiến trình sống bao giờ cũng có kẻ hở cho đứa tiểu nhân, cơ hội ngoi lên. Sự thiếu hụt về văn hóa là bạn đồng hành với chất lưu manh sẽ hủy diệt nó, ở một lúc nào đấy. Điều cần thiết của cuộc chiến đấu và lãnh đạo xã hội, đòi hỏi một đội ngũ trong sạch và có trình độ. Thiếu gì người không có trình độ vẫn có vị trí đấy thôi. Đó chỉ là nhất thời. Quá trình họ thao tác phận sự đã đào thải mình rồi. Ai sẽ là trọng tài, là người ''cách mạng'' họ... Vì thế cần có đội ngũ trí thức tiên tiến từ trong lòng nó. Rũ bỏ điểm xuất phát của mình, là thành phần gì, giai cấp gì nhưng đến và được giác ngộ, có phải là chung lý tưởng không nào ?

Thế Châu thì sao - Bản gặng hỏi.

Chỉ khác Phách ở chỗ được giác ngộ. Phách được nhặt trong đám hòn cuội, của vùng đồi quê mình. Có thể là cơ hội để giác ngộ, và có thể là cơ hội để bộc lộ sự lưu manh tích tụ từ bản năng... Thế Bản thì sao ? Anh cũng vậy, có thể vì không gặp may mà anh sẽ tìm cách trả thù lại cái sai vô thức của người khác... Và như thế sẽ là một sự kế tiếp liên miên, không bao giờ dứt ra được để nhìn cho sáng tỏ... Có thể chú chỉ là người gặp may thì sao... Ranh giới của sự việc có thể xuất phát như nhau, nhưng chỉ tạo ra khác biệt để có điểm đột khởi, khác với cùng loại là chỗ người ta vẫn gọi là may và rủi đó. Cái may làm cho người ta chân chính phát triển, cái may làm cho kẻ cơ hội có cơ thực hiện cái cơ hội thành hình... Cái rủi có thể hủy diệt và cũng có thể phát triển, có cơ hội để thử thách con người... Tôi, thì sao ? - Bản hỏi Châu ? Anh không sao cả... Anh có đủ phẩm chất văn hóa, học vấn và nghị lực để hình thành người lính chân chính... Có nghĩa anh không nhìn đời tăm tối, thù oán, ơn huệ và làm ra điều ác... Trong cuộc chiến mà tôi trải qua ở Vĩnh Linh cũng như xóm mình, cũng như cuộc cải cách... Có kẻ đáng chết, có kẻ chết oan, có kẻ đào tẩu và có kẻ cơ hội... Muốn đẩy đồng đội xuống hố để ngoi lên. Đã là đồng chí mà còn có tâm địa xấu xa ấy sao ? Anh lại quay về lúc đầu đặt ra rồi... Điểm xuất phát, trái tim được ném ra bãi hoang, cũng là từ người mẹ và bố truyền sang nhưng lại kỳ dị thế đấy ? Nếu tôi bị sự nhìn nhận bất công này đến già thì sao ? Thì anh sẽ là người từng trải, có thể nhìn nhận sự vật đúng hơn, chứ không phải nó giúp anh làm cái này hay cái khác; làm người chỉ huy hay bị người khác chỉ huy... Bác Hoa mẹ anh đấy thôi, anh có thấy tốt không ? Tốt. Nhưng chịu khổ có phải gấp hai người khác... Vì sao thế, người khác đưa cái khổ đến với bà Hoa hơn người là tiếp nhận nó từ không tự giác đến tự giác. Anh hãy tiếp nhận sự bất công đi nào, chiến tranh là một sự bất công cao nhất... Ta có muốn choảng nó đâu... Vậy mà phải choảng thật sự... Tôi hơn anh và Phách, Nguyên và bọn trẻ cùng xóm là được rèn luyện,, đến phút này có thể gọi là may hơn, nhưng ngày mai ai sẽ biết được...

Bản nằm mà không sao yên ổn được... Bản vừa tiếp nhận ở người em sự mới lạ. Lại thấy như đó là lý thuyết của kẻ đã thành đạt, đã mon men đến con tàu chở vinh quang... Còn Bản vẫn là kẻ trong tay chưa có gì để nói với đời. Gánh nặng của quan niệm, cuộc rút chạy của người cha, không sao khỏa lấp đi được. Không sao thanh thản cho giấc ngủ. Muốn chống được nó, không bị ngã gục vì nó Bản phải bỏ ra cái gì đây... Lòng trung thực, dũng cảm và... có lẽ là xương máu... chỉ có xương máu mới chứng minh được anh là ai... Còn nói hay, cũng chỉ là điều nghe vậy, chấp nhận được là khó... khó đấy Bản ạ !

Bản thiếp đi... giấc ngủ mệt mỏi... Bản mơ, gặp ông đương cưỡi con ngựa bạch. Ông nói gì đi chứ, sao lại phi như thế hở ông... Ông cầm cây gậy phang vào lưng Đỏ Cao... Đỏ Cao đá đít con nhà Hách... Ông lại bị cái thằng tây thò lò mũi lõ, mắt mèo đá cho lộn nhào từ lưng ngựa xuống úp mặt vào bãi cứt chó. Ông nhìn thấy bác cả Di đang trèo trên cây thị, trèo tuốt lên ngọn nhánh cao không ai dám trèo lên, cầm quả thị ném xuống cho Phách. Phách nhỏ xíu, mắt mũi dẹo dọa, cười rất tươi mà không sao dấu nổi nụ cười xu nịnh. Bác Di nhảy từ cành này sang cành khác hát:

Quả thị là quả thị chín... thơm vàng vàng

Cho anh hái... anh tặng... anh tặng chứ... Cô nàng... anh yêu

Này em... cởi vạt... cởi vạt chứ yếm điều

Bắc cái nhịp cầu... cho anh... thì anh đến

Chứ anh thời...nói liều... với mẹ cùng cha...

Tre ngà... anh thời... anh thời làm chiếc kiệu hoa

Đón em... anh đón... chứ mà... dù cho... đường xa...

Chớ... em chớ... ngại ngần...

Bỗng chốc bác Di biến mất, bố của Bản hóa thành con khỉ bế dì Út Thường cũng là một con khỉ nhảy chuyền từ cành cao xuống thấp, ở dưới mẹ của Bản hai tay huơ huơ lên cao, giọng đau khổ: Các người ! Đừng bỏ mẹ con tôi mà đi ! Đừng đi !Lão Đỏ Cao từ trong bụi nhảy ra bế xốc mẹ của Bản mang đến cây rơm gần đó, lột trần cả quần áo ra, Bản đến cứu mẹ thì bị Đỏ Cao đạp vào mặt: - Này... Tao phải trừng trị cho lũ ăn thịt người lao động... Đồ chó đẻ hôi hám... Đồ chó... Bố và dì Út Thường đứng ở trên cây cười hì hì nhảy chuyền từ cành này sang cành khác hát:

Ô... là... ô hô... cho quân lòng dạ bất lương

Mới hay là hay... hết... là hết đường dung thân

Hỡi quân... ăn thịt... nhân dân...

Chạy đâu... chạy đâu cho thoát... lột trần chúng ra

Phen này... Phen này... ta quyết... lột lột da...

Bản thét lên:

- Đừng giết... Tôi xin khai... Tôi xin khai... Tôi xin khai tất cả... Bản mở mắt ra... Ôi thật là mừng... Không ai nghe được lời nói của Bản cả. Nỗi day dứt về câu nói trong lúc mê man, về hình ảnh mẹ la kêu cứu, bác Di, bố và dì Út Thường hóa thành khỉ, cứ ám ảnh không nguôi trong lòng Bản.

59

Bản đã cùng đồng đội đi bộ suốt ba tháng ròng. Xuất phát từ phía tây La Hà. Tập luyện ở đồi sim Mã Cọp. Không còn là đồi hoang lúp xúp sim mua như ngày nào Bản và Hiên rủ nhau ra chơi. Chơi lúc nhỏ đi tìm, hái sim bắt tổ chim sâu, những quả trứng nhỏ như chiếc kẹo vừng mẹ đi chợ mua cho. Đi chăn trâu cùng chú Phách chơi trò chơi ''cứt lộn lên đầu''. Lấy những cục bùn đông keo lại, có màu vàng như phân người. Nắm thật chặt lại cho sùi ra từ hai ngón trỏ và cái giống như cục phân. Đầu đứa nào bị nhiều sẽ phải cõng đứa đứa ''ỉa'' lên đầu quan lớn. Hiên không được chơi trò này, ngồi ôm quần áo và giữ sim của làng chăn trâu hái được liên hoan lúc xong cuộc. Phách bao giờ cũng ỉa được nhiều lên đầu cả bọn. Bao giờ hắn cũng giành được làm vua, vỗ vào đít tụi nhỏ mà hét ''nhong nhong... ngựa ông đã về cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn''.

Mã Cọp, phút chốc đã được máy ủi san phẳng nhìn ngun ngút tận núi Na xa xôi. Người ta sẽ mở sân bay chiến lược ở đây. Từ đây về quê La Hà chỉ vèo một cái là tới. Máy bay địch có thể thả bom vào sân bay mà lạc về tận quê Bản.

Bản cùng đồng đội tập đội ngũ. Tập chiến thuật, lăn lê, bò, tiến. Tập đánh công đồn... Quan trọng là tập hành quân, đeo nặng từ mười ki lô gam lên mười lăm, hai mươi, rồi ba mươi ki lô gam. Đi xa cứ tăng dần lên từ năm ki lô mét, đến ba chục ki lô mét. Những ngày đi thật gian khổ. Ở nhà tuy có lúc tinh thần bị dày vò, nhưng chưa bao giờ Bản phải mệt mỏi về thể xác đến thế. Chưa bao giờ Bản bị phồng rộp, xưng tấy chân lên như vậy... Vết trượt va chạm vào giầy làm toác máu chân. Quân y hướng dẫn cho đồng đội của Bản ngâm nước nóng có pha chút muối. Bản nằm xuống là đã ngáy. Thay vì sự âu tư, Bản đã tìm thấy giấc ngủ ngon lành. Bản đã xác định được rõ rằng, hãy đi chiến đấu vì tổ quốc của mình. Để khẳng định tấm lòng của mình, để mẹ và người thân yêu được tự hào vì mình. Chứng minh rằng Bản có trái tim yêu nước như bất cứ người yêu nước nào... Để còn sống, gặp và hỏi người ấy tại sao lại đối xử với mẹ con tôi như vậy... Ông có phải là kẻ thù của dân tộc không ? Không à ? Vậy tại sao lại ra đi... Cả dì nữa, không biết thương tôi thì cũng phải thương mẹ tôi, chị của dì chứ... Không phải là kẻ thù hả... May cho các người đấy. Nếu là kẻ thù thì sao nhỉ... Bản đọc đươc trong một cuốn sách ,một cô gái hoạt động ở vùng địch hậu trong kháng chiến chống Pháp đã sử tử cha mình,vì đã gây tội ác vơi nhân dân. Liệu Bản có làm đươc như cô gai ấy không ?

Tuổi trẻ, lòng ham mê chiến đấu đã đặt Bản ngang hàng với đồng đội... Bản ra đi và hành quân từ La Hà qua Nghệ An, Hà Tĩnh và đến tận miền Tây Quảng Bình. Bản đi qua lán thanh niên xung phong làm đường cố gắng hỏi thăm đồng hương... Cố tìm xem bóng dáng của Hiên ở đâu, mà không hề bắt gặp... Bản chỉ biết tin Hiên qua lá thư cuối cùng của mẹ nhận được ở nông trường Quyết Thắng. Lá thư mẹ cũng gửi hú họa cho đoàn dân công hỏa tuyến, vậy mà Bản đã nhận được. Bản thật nghẹn ngào khi biết tin, Hiên đang san lấp hố bom ở ngã ba Đồng Lộc... Sau này ở chiến trường qua đài bán dẫn của đại đội, Bản biết tin đơn vị và mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đã ngã xuống trong một trận bom của giặc... Bản phải hàng ngày nghe bản tin, chờ xem có đọc đến Hiên, Mai Hiên của Bản không...

Hành quân qua nước bạn Lào, từ Lào qua đất Cam Pu Chia, về phía tây Đại Lộc - Quảng Nam... Bản không thể nào tin là mình có thể vượt qua chặng đường dài dằng dặc ấy. Bản từng đọc thơ văn, nói về Trường Sơn, từng hát bài ca Trường Sơn... Bản đã đến với Trường Sơn và gặp đói, rét; sốt rét của Trường Sơn đến mức rụng cả tóc và lông mày... Đói, một ngày hai lạng, rồi một lạng gạo. Hàng ngày đi theo bước chân giao liên, không nhìn thấy mặt trời. Có lúc Bản hoang mang tưởng mắt bị mù.

Nhưng rồi được ăn uống, nghỉ ngơi một đêm, mắt đã nhận ra ánh sáng. Bản mừng rỡ như bắt được cuộc đời khác, không phải của mình. Bản không khỏi ngạc nhiên vì mình lại có thể vượt qua hàng ngàn cây số đường rừng, bom đạn, đến được miền Nam. Nhắc đến hai tiếng ấy lòng Bản dào lên bao niềm cảm xúc lạ lùng... Chuyện đã lâu rồi, lúc đó Bản còn bé tí, tàu thuỷ cập ở biển quê hương và đoàn người ăn mặc với đủ kiểu áo quần lên bờ. Bản theo bạn bè đi bộ vài chục cây số đón Bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc. Người lớn nói thế. Bản cảm nhận được sự khác lạ, anh bộ đội miền Nam qua giọng nói, nằng nặng và dẻo dẻo. Họ là những người cà răng, sau này học lên cấp hai, cấp ba, Bản biết họ là người Tây Nguyên. Họ chơi đàn T'rưng. Họ hát và múa, điệu múa và giọng hát thật nhớ nhung quê nhà. Bản nghe mà chảy nước mắt... ở bộ da của họ rám nắng màu đồng.

Lại đơn vị khác đến, giọng trọ trẹ, giọng nói mênh mang vùng sông nước. Bản nghe tiếng hát vọng cổ. Buồn và nhớ nhung làm sao. Cô Tuyết từ quán nhỏ bên miếu thờ, cũng biết hát vọng cổ. Cô bỏ nghề đàn hát cô đầu từ lâu rồi. Cô hát vọng cổ là thử hát nghe cho vui, hát một mình về mỗi buổi chiều buồn. Bản đi chăn trâu trên đồng lùa trâu về nghe cô hát. Không biểu ai dạy cô nhỉ. Bản không dám hỏi. Bản chỉ là đứa trẻ vậy mà cô bảo, có anh bộ đội tập kết có đứa bé gái chừng tuổi Bản yêu cô. Muốn kết duyên trăm năm cùng cô... Cô kể về cuộc đời cô cho người ấy nghe... Anh thương cô lắm. Anh bảo cô Tuyết không có tội. Cô Tuyết còn là người tốt nữa, dám yêu bác cả Di của Bản. Dám sống với đời mình mà không biết sợ. Nhưng nếu lấy cô, ảnh hưởng đến tín bộ thì sao ? Người ấy bảo, là cô có dám yêu người ấy, vì cả đứa con gái đã mất mẹ, làm người mẹ là chấp nhận được... Bản rất muốn nói với cô Tuyết hãy yêu chú ấy đi. Bản được học cùng Lan cô gái miền Nam năm ấy một lớp. Bản thấy vấn vương mỗi khi nghe Lan trò chuyện... Có lúc Hiên và Xoan chả trêu chọc, không khéo cô thì được chồng mà cháu cũng được vợ... Bọn họ trêu Bản... Bản đâu có nghĩ được gì xa xôi... Chỉ mong cô Tuyết có được gia đình nho nhỏ...

Đến được miền Nam rồi... Có bao đứa bạn đã đào ngũ nhỉ... Chuyện ấy như mới ngày hôm qua thôi. Tiểu đội của Bản có chín đứa. Cũng đủ các kiểu thành phần. Bần, cố, trung nông... Tất nhiên không có con cái nhà địa chủ lọt vào đây rồi. Tiểu đội trưởng đi trước Bản chừng hai năm. Quê ở tận Thái Bình, nghe nói từng chiến đấu ở Thành phố Vinh với máy bay Mỹ rất anh dũng. Bị thương nằm viện quay về đơn vị cũ họ đã đi Nam, liền xin đi theo đơn vị mới, rất may anh lại được chuyển về đơn vị Bản làm khung huấn luyện. Ít nói và nghiêm khắc. Tính không thích khoe khoang, có cái tên không hợp với khuôn mặt gồ ghề của anh một tí nào: Ngoan. Ngoan bảo, quân đội là trường đại học tổng hợp, là môi trường cho sự tiến bộ của mọi người. Ai phấn đấu mà tốt đều được ghi nhận... Đừng nghĩ nhiều về thành phần làm cái quái gì... chả là có đứa thì thào: Bản, Thế và Khái là trung nông lớp trên. Là địa chủ trong cải cách mà lại. Ngoan nghe được đã chủ động gặp ba đứa xác định rõ ràng như vậy. Chả hiểu hai cậu kia thế nào, Bản thật sự thấy buồn. Bản làm sao khắc phục được quá khứ nặng nề, khảm vào ký ức của Bản ? Sính, Bông, Tiểu, Loan... là thành phần cơ bản, văn hóa có thấp, nhưng vưà qua lớp học tân binh đã được đi dự lớp cảm tình... Sính có văn hóa nên được chỉ định làm tiểu đội phó... Sính nói như một lính cựu trào: Đường ra trận vui như trẩy hội... Không có chỗ cho kẻ hèn nhát... Phản lại tổ quốc... Chuyện thật buồn, đến được làng Bưng miền tây Quảng Bình, một đêm Thí và Sính chủ động mắc võng châu vào đầu của Bản. Tiếng ngáy sau một ngày hành quân mệt mỏi. Miền Bắc đã ở sau lưng... Đêm mai đơn vị của Bản sẽ có mặt ở miền Nam. Lòng ai cũng xao xuyến. Bản không hề phân vân... Sính khẽ lào thào vào tai Bản. Tớ được phân công theo dõi cậu đấy... Cậu có vết hả... cải cách bị quy lên địa chủ này. Bóc lột, mẹ cái quân bóc lột... Bay cưỡi lên đầu lên cổ tụi tao hả ? À nói cho vui cho hả miệng, chứ mày tuổi còn ít hơn tao, cưỡi làm sao nổi. Cậu làm sao ngóc đầu dậy được... Tao bàn với thằng Thí rồi, nó cũng đi lộn ủng của thực dân. Cải cách cha nó bị cột vào cọc, họ bắn trượt mà thoát chết đấy. Nó bảo nếu đến được bên kia nó vù sang với các cụ bên ấy...Thằng thế mà có chí... Nhưng liệu có đi nổi vào trong đó không ?... Có đúng không hở Thí... Thằng Thí nói nhỏ vào tai Bản, Mậu Thân (1968) vừa rồi chết hơi nhiều... Ác liệt lắm... Tao có ông chú di cư năm năm tư (1954) định vào đó rồi nhảy sang phía kia... Nhưng sợ lắm... Lỡ lão Sính nó thử thì sao ? Mày biết cóc gì... Lão xoen xoét cái miệng để được đề bạt chứ lúc bị máy bay oanh tạc ở phà Long Đại sợ vãi cả đái ra... Run cầm cập mà miệng vẫn hô: Bình tĩnh... Bình tĩnh... Cậu thật ngây thơ... Bản trả lời, không thể quay trở lại. Bản không thể... con đường sống của Bản không mở ra ở phía ấy... Sính và Thí chửi Bản là đồ ngu. Ai cần đến cái loại nửa nạc nửa mở mà hoếnh hoáng... Không quay thì im cái miệng, lộ ra sẽ bị cho vào bì dìm sông nghe chưa ? Bản không dám báo cáo với ai... Bản sợ họ trả thù, không hiểu sao Bản lại nghĩ được, họ có đi cũng chả làm được điều gì có lợi... Cứ để cho họ đào tẩu khỏi vướng bận người khác... Sáng ra có lệnh thu quân lên đường, tiểu đội phó Sính và Thí không còn trên võng. Họ ra đi từ đêm. Được cán bộ đại đội gọi lên hỏi, Bản trả lời không hề biết. Hỏi họ có rủ Bản không, Bản định nói , họ có vận động nhưng sợ bị quy kết nên trả lời không. Thật may, nếu Bản trả lời có biết, họ có rủ Bản, Bản không nghe. Ai có thể chứng minh cho sự trung thành của mình, cái tội biết không báo cáo còn đáng sợ hơn nhiều... Bản thấy tự hào, không là kẻ đào tẩu, vượt qua được con đường dài dằng dặc, cái sống và cái chết cận kề là bạn đồng hành của nhau...

60

Hiên không chết. Cô không trong số những người bị bom vùi ở ngả ba Đồng Lộc. Được đưa về tuyến sau, sức ép của bom làm đôi tai Hiên ù đặc. Hiên không nghe được tiếng chuyện trò của bạn bè. Những ngày đầy tuyệt vọng đó, cô nhận được thư của Lành, em đã viết thư cho Hiên. Nói ở quê cũng chịu nhiều trận bom oanh tạc. Người đi cấy bên cây cầu sông Đào, cũng bị bom vùi. Chết có tới sáu người. Có người Hiên nhớ, có người nhớ mang máng. Vui nhất là chuyện cô Tuyết đã lấy chồng. Cô lấy anh bộ đội miền Nam, có cô con gái học với Hiên. Anh bộ đội đem lòng yêu cô Tuyết từ dạo đóng quân ở La Hà, học tập chính sách xây dựng quân đội. Anh về làm công nhân Sao Đỏ, mở nông trường ở Mã Cọp. Có cậu con trai được hai tuổi rồi. Họ sống thật hạnh phúc. Cô Lan con gái riêng của chú Dực đã vào đại học Y khoa được ba năm rồi. Dịp hè có ghé qua thăm mẹ con Lành. Nói rằng sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào bộ đội về quê chiến đấu... Đọc đến đấy, Hiên trào lên niềm xúc cảm. Hiên mừng cho cô Tuyết quá. Cuộc đời không phủ phàng với cô, nghe nói cô đang phụ trách một đội văn nghệ của nông trường Sao Đỏ. Những ấn tượng cay đắng của quá khứ chỉ thực sự được đẩy lùi, khi gặp được trái tim lớn như chú Dực. Lành bảo, cũng có nhiều người dèm pha, không muốn cho cô Tuyết là sở hữu của một người. Họ muốn ngắm nghía cô, thèm khát cô, nhưng dơ tay ra cưu mang cô thì không có bản lĩnh. Nghe nói ông thủ trưởng của chú Dực ban đầu cũng phản đối rất dữ dội. Cho rằng chú Dực là lãng mạng, không phải kiểu. Thiếu gì người mà phải vá tấm thân rách nát của cô Tuyết. Chú Dực đã khảng khái, nói chú đi chiến đấu là để giải phóng cho mỗi cuộc đời. Cuộc đời cô Tuyết cũng cần được giải phóng... Một bộ mặt và tâm hồn như thế không thể xấu được. Thủ trưởng không tin thử tiếp xúc xem ? Ông thủ trưởng lúc gặp cô Tuyết mặt khó đăm đăm, gặp rồi tươi tỉnh, bảo con nhỏ được, cậu không nhìn nhầm. Lấy nhau rồi, phải giữ được lòng quý trọng của người lính...

Lành kể cho Hiên nghe chuyện Châu con chú Căn về liên hoan đi học Liên Xô, cả làng vui. Lần đầu tiên La Hà có người đi học nước ngoài. Chỉ vắng có Hiên và Bản là không có mặt. Nguyên cũng từ trường đại học Kinh tế Kế hoạch về, kể ra anh Bản và chị có nhà thì vui lắm... Cái ông Phách học hành thì lùn tịt mà gặp may, nghe nói lòng thòng với con gái đầu Đỏ Cao khi ra trực chiến bắn máy bay ở cầu Quan. Huyện gọi lên, tưởng là kỷ luật, đi học có ba tháng, quay về để đi B, đã đeo quân hàm Trung uý. Phó Cáy đi khắp làng phét lác, cái mã nhà lão Kết mà lại... Không làm sao thằng Phách mặc quần thủng đít lại đeo lon quan hai ? Chị Xoan thấy bố và Phách ngồi uống rượu, khoe khoang thì buồn lắm. Chị bảo, chắc ông trời không có mắt mới cử cái thằng Phách ăn cơm lấy tay cạo ngờn răng đưa lên mũi ngửi... Nhưng chị Hiên ơi... Sao mà anh Bản nhà em khổ thế không biết... Phách lại được cử đi thẩm tra ly lịch anh Bản cho đơn vị ở trong đó gửi ra, thế có chết người ta không ? Có khổ không hở chị... Em viết thư nói với anh Bản xin chuyển đi đơn vị khác. Mẹ em bảo ở gầm trời này không ai tránh được kiếp nạn đâu... Chắc nó phải khổ là trả nợ cho cha con, và kiếp trước làm điều gì ác... Em bảo với mẹ, thế kiếp trước của lão Phách là bụt chắc. Mẹ cười, thì mẹ cũng nghe người ta nói vậy... Thôi thì, mẹ chịu khó đi chùa để xin trời Phật mở lượng từ bi cho anh mày thoát nạn.

Hôm Phách về lấy quân và thẩm tra lý lịch của anh Bản em, nói: Gầm trời này sao mà hẹp thế... Mình có muốn gặp nó đâu, thế mà lại lù lù dẫn xác đến. Chán quá. Bà vợ Phách mới cho một trận, ông tưởng mặt ông là tiên chắc, không có mẹ tôi đỡ đầu cho, làm sao ông có được ngày nay ? Học hành thì dốt nát, không có manh quần lành lặn mà mặc. Mẹ thì ngủ bờ ngủ bụi, đàn bà mà nát rượu, bê tha... Ra trực chiến thì hú hí với con gái lão Cao. Còn may đấy, nó mà nhờ được người bắt trói ốp lưng vào nhau ở bãi ngô thì xong cái đời. Còn đâu mắt tròn mắt dẹt... Ai cho cái ngữ anh đi lính, lại có lương cao, không một ngày tập tành ? Thầy, mẹ tôi đấy... Bây giờ anh đủ lông đủ cánh lại ra điều... Anh đi hỏi khắp làng xã xem nào, Phó Cáy có tuần chay nào nhà ông Cuông lại không có nước mắt... Kể tội, biết đâu cha con, chú cháu anh, có ít à ? Làm kẻ thất đức thì dễ thôi... Còn con anh đấy... Phách cười hì hì bảo, em yên chí anh không nâng đỡ cậu ấy thì thôi, chứ ai lại làm khổ nó. chả gì ngoài mặt trận có đứa người cùng làng mà sai vặt, đỡ đần thì còn gì bằng. Tuy xa quê cũng đỡ hiu quạnh... Lành nói, anh Bản đợt này đi B vào tận Tây Nguyên và Nam Bộ không biết lúc nào mà về quê được, khuyên em có lớp học nào, trung cấp chẳng hạn đi cũng được, có điều kiện gần gũi đỡ đần cho mẹ. Chị thấy anh Bản nói vậy có phải không ? Góp ý cho em với ?

Hiên chưa kịp viết thư cho Lành, cho Bản cô đã bị bom vùi ở Ngã Ba Đồng Lộc... Hiên được chuyển đi bệnh viện giả chiến. Tai của cô không tài nào nghe được. Muốn nói gì với Hiên phải ghi vào giấy. Ban đầu Hiên buồn lắm




CÒN TIẾP ....



TỪ NGUYÊN TĨNH

© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC