TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





VIỆT HÀ

. Tên thật: Nguyễn Ngọc Thắng
. Sinh : Tháng 7 năm 1964
. 1986 qua Tiệp Khắc làm Thực Tập Sinh ngành Lọc Hoá Dầu tới năm 1990 qua Đức làm việc và định cư tại đây.

. Hiện nay là một chuyên viên kiểm tra hàng mẫu xuất khẩu và nội địa tại hãng sản xuất linh kiện, động cơ xe hơi, xe cơ giới và máy bay...

- Thơ văn như một cái Nghiệp - cái Nghiệp giống bao người vốn dĩ không thể làm kế sinh nhai, nhưng cái Nghiệp ấy như người bạn đồng hành, tâm giao để cùng chia sẻ, tư duy... trong mọi hành trình tha hương...


TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Tuyển Tập CỤM HOA TÌNH YÊU tháng 10-2004; tháng 11-2006 do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản
. Tuyển Tập Thơ Tân Hình Thức 2006 do Tan Hinh Thuc Publishing club –USA xuất bản cùng nhiều Thơ, Văn đăng tải trên các sách báo và văn đàn hải ngoại.



 






Người Bán Diều Tranh của họa sĩ Lê Thương






NHỮNG ĐỨA CON
TỘI LỖI


  KỲ THỨ 3  

XI

Nhà trường đã quyết định đuổi học con Ly Hương vì nó vắng mặt vô lí do nhiều tháng liền. Vợ chồng Chuyên và bố mẹ Ly Hương đã vận động cả khu chung cư cùng ký vào thỉnh nguyện thư rồi chuyển tới Hiệu Trưởng trường, nơi con Ly Hương đang học, nhưng Hội đồng kỷ luật của trường đã kiên quyết từ chối. Phía gia đình con Ly Hương sau mấy tuần tìm kiếm mà vẫn biệt tin con, đã buộc phải báo cảnh sát. Thằng Việt từ hôm nghe tin con Ly Hương mất tích nó như người mộng du. Sau giờ tan trường nó về nhà, đóng kín mít cửa phòng cho tới bữa ăn nó cũng chỉ quáng quít rồi lại đóng cửa im ỉm. Vợ chồng Chuyên thấy con như vậy càng tỏ ra ái ngại. Nhưng hễ gặng hỏi thằng Việt điều gì là nó quát toáng lên, nên vợ chồng Chuyên đành sống trong nỗi phập phồng lo sợ. Bố mẹ con Ly Hương đã phải nhượng quán để lo việc tìm con. Phía cảnh sát sau nhiều tuần thẩm tra những người liên quan và tìm kiếm cũng chưa xác định được động cơ mất tích của Ly Hương. Hàng xóm lại được phen bàn tán:

- Chắc nó đi chỗ khác để nạo thai rồi về thôi.

- Chỉ sợ nó xấu hổ, rồi nghỉ quẩn, làm liều thì khổ.

- Có khi nào nó không chửa mà bị dính heroin không? Bị thứ ấy, tới cữ là chết cũng phải mò tới.

- Con bé nhà Tài ngày xưa, nếu không phát hiện kịp thời thì cũng đi tong rồi. Mọi người còn nhớ không? Con bé lúc ấy dính ma túy nên bị nhà trường đuổi học. Về nhà lại bị bố mẹ hắt hủi nên con bé cùng đường làm cả vốc thuốc ngủ. May bữa đó nó quên không khóa chặt cửa, bằng không giờ đã xanh cỏ rồi.

- Khổ thế đấy. Đẻ con xứ người tưởng con cái có tương lai, nên ông nọ, bà kia rồi sau này bố mẹ được nương cậy. Nào ngờ chưa kịp dựa vào chúng thì trăm chuyện đã đổ lên đầu rồi.

- Con cái vậy là mất nết. Phải tay tôi, tôi đánh tuốt xác chứ không phải làm bậy rồi đùng đùng bỏ đi, điều tiếng xấu để bố mẹ hưởng.

- Đẻ con xứ này chẳng khác gì đánh xổ số. Mươi đứa may được một hai ra hồn. Lúc chúng còn bé thì mong ngóng nó trưởng thành. Khi tận mắt nhìn chúng lớn, chưa kịp vui thì đùng một cái nó dắt thằng Tây, con "đầm" về nhà, xì xồ giới thiệu. Vậy là mất con. Nhiều khi con mình đẻ ra bằng thật, nhớ con, nhớ cháu, muốn tới thăm chúng cũng phải gọi điện, rồi xin cái hẹn. Con cái tử tế thăm nó còn mát lòng. Lắm đứa hợm chất Tây, nhìn thấy bố mẹ là xua như xua tà. Rõ khốn nạn! Ai đời nhớ con, nhớ cháu phải lặn lội đường xa tới thăm vậy mà còn bị chúng nó mắng cho mất mặt. Lắm đứa sỗ miệng còn bảo từ giờ ông bà đừng thăm cháu làm gì. Nhớ thì gọi điện là đủ chứ mỗi lần ông bà tới thăm, nhìn ông bà nhếch nhác, đen đủi các cháu nó sợ, mất ăn, mất ngủ cả mấy ngày trời.

- Láo toét. Con cái ngữ ấy là tôi từ.

- Dào ôi! Vậy mà trong nước lại đua nhau mối lái, gả con, gả cháu cho Tây. Rõ là ngược đời.

XII

Con Ly Hương mất tích đã được hơn một năm. Thằng Việt học hành sa sút hẳn. Tính khí của nó cũng trở nên lì lợm, cục cằn. Thằng Việt để râu, ria, vài cọng nham nhở và cắt đầu trọc lốc. Người ngợm nó cũng săm trổ những hình hài quái dị. Nhìn thằng Việt chẳng ai dám ho he hoặc tới gần. Ly, mẹ con Ly Hương từ ngày mất con gái trở nên buồn, dằn vặt và sống trong hoảng loạn. Dần dà bệnh tình của Ly trở nên trầm trọng tới độ mọi người phải gửi nàng vào viện tâm thần. Bố con Ly Hương thường ngày vốn tính trầm lặng. Từ ngày mất con, bỏ quán, anh sống như một cái bóng. Hàng ngày ăn uống qua loa rồi lại vào viện, thăm vợ, lắm hôm tối mịt mới thấy thờ thẫn về nhà. Phía cảnh sát dường như bất lực. Nhiều tin đồn thất thiệt rằng con Ly Hương đã bị bắt cóc trên đường đi học về rồi bị hãm hiếp, giết hại, và thủ tiêu xác; có tin cho biết đã tận mắt nhìn thấy con Ly Hương bị bán vào ổ điếm; lại có nguồn tin khẳng định đã nhìn thấy ảnh con Ly Hương bị bán đấu giá trên mạng Internet... càng khiến cho các nhà chức trách thêm đau đầu...

XIII

Sáu Năm Sau

Vợ chồng Chuyên gà gật đáp chuyến tàu nhanh Hamburg - Mannheim trở về nhà sau khi tiễn thằng Việt sang Afghanistan làm nghĩa vụ quốc tế. Thằng Việt có lẽ vì oán giận bố mẹ, phần vì chán đời sau vụ con Ly Hương mất tích nên tốt nghiệp trung học xong nó không chịu thi vào đại học mà xin vào lính rồi theo học lớp đào tạo lính chuyên nghiệp. Tốt nghiệp ra trường thằng Việt lại cùng lũ bạn tình nguyện ngay sang Afghanistan làm nghĩa vụ quốc tế. Nhìn con cứng cỏi trong bộ quân phục lính, vợ chồng Chuyên cũng thấy phần nào ai ủi. Thằng Việt ôm chầm cả bố lẫn mẹ trong vòng tay mình dặn đi dặn lại:

- Con qua đó chỉ xin bố mẹ một điều...

Vợ chồng Chuyên nhìn con bùi ngùi:

- Có chuyện gì con nói đi. Bố mẹ có tiếc gì con đâu.

Thằng Việt nhoẻn cười:

- Bố mẹ phải hứa nếu có tin tức gì của Ly Hương, bằng mọi giá phải thông báo cho con ngay.

Vợ Chuyên ôm con vào lòng, khóc nấc...

Tàu dừng bến, đón khách. Tiếng bánh tàu nghiến ken két trên đường ray khiến vợ chồng Chuyên tỉnh giấc. Một thiếu phụ trẻ, vận áo choàng đen, tóc nhuộm màu hung vàng khá cầu kỳ, dắt tay con, đứa bé chừng 7-8 tuổi bước lên toa, tìm chỗ ngồi. Nhìn thấy vợ chồng Chuyên thiếu phụ hơi sững lại. Cô tính dắt con sang toa khác nhưng nghĩ sao lại kéo đứa bé trở lại, ngồi đối diện với vợ chồng Chuyên. Thấy vợ chồng Chuyên để ý, thiếu phụ trẻ khẽ kéo tấm khăn kim tuyến và gọng kính đen ép vào sát mặt rồi kéo con, ôm chặt nó vào lòng, nhìn ra khung cửa số. Thấy vợ mình nhấc nhổm tính hỏi chuyện người đối diện, Chuyên khẽ bấm tay vợ, ra hiệu im lặng, rồi anh hắng giọng hỏi nhỏ thiếu phụ một câu tiếng Đức:

- Entschuldigung! Sind Sie Vietnamesin?(5)

Thiếu phụ trẻ thoáng giật mình. Cô đẩy gọng kính đen lần nữa sát vào hốc mắt, tiện tay kéo luôn vành khăn che thêm vào khuôn mặt thanh tú đang ửng hồng.

- Yes ! Oh, no. Sorry ! What’s matter with you, Sir?

Tình thế ngoài dự kiến khiến Chuyên mặt đỏ bừng, anh nhìn vợ, rồi nhìn thiếu phụ, ấp úng:

- À không...! Tôi thấy... Chuyên còn định nói điều gì đó bằng tiếng Đức nhưng chưa kịp sắp xếp thì vợ anh đã khẽ đá chân.

- Xin lỗi cô! Có lẽ chúng tôi hơi tò mò. Nhìn cô có dáng nét của người châu Á? Tôi nghe cháu bé nói chuyện với cô bằng tiếng Việt nên đoán cô là người Việt Nam?

Thiếu phụ ôm chặt con, khẽ lừ mắt ra hiệu cho thằng bé im lặng.

- Xin lỗi cô - Chuyên tiếp lời vợ - chẳng là chúng tôi nhìn cô giống một người quen quá...

- Oh, no. I’am sorry, Sir. We must get out now. Bye …

Chưa dứt lời thiếu phụ nọ vội nhổm dậy, kéo nhanh hành lý rồi nắm chặt tay con, lôi tốc thằng bé ra phía cửa toa. Vừa lúc này tàu vào ga đón khách. Thằng bé ngạc nhiên trước sự vội vã và có phần giận giữ của mẹ. Nó ngoái cổ nhìn lại nơi vợ chồng Chuyên cũng đang nhổm dậy. Thằng bé giơ bàn tay nhỏ xíu, khẽ vẫy vẫy vợ chồng Chuyên rồi nói một câu tiếng Anh khá chuẩn:

- My name is Anh Quân. Bye...

- Anh Quân? - Vợ chồng Chuyên sững người và cùng thốt lên khi nghe thằng bé nhắc tới cái tên thân thuộc ấy (Anh Quân là tên một người đàn ông giờ chỉ còn là một cái bóng. Cái bóng ấy vẹo xiêu hằng ngày ra vào thăm nuôi một người bệnh). Bất giác cả hai cùng nhổm dậy, chạy vội ra cửa toa nhưng không kịp. Tàu đã dần dần chuyển bánh. Chuyên và vợ cùng chạy vội tới khung cửa sổ, nơi ấy họ loang loáng nhìn theo người thiếu phụ tay dắt con, tay kéo hành lý vội vã ẩn vào dòng người đông đảo trên sân ga.

Ghi chú:

1.Tại sao?
2. Cảnh sát 3. Cứu tôi! Tôi lại bị bố đánh
4. Điều đó ông phải tự hỏi mình
5. Xin lỗi! Cô là người VN?







© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả và Việt Văn Mới .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC