TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN


. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1


























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI


KỲ THỨ 1


LẦM LỖI


T ôi nhớ rõ ngày bị bắt! Hôm ấy năm giờ chiều, hai người công an đến tận xưởng cơ khí đọc lệnh bắt tôi. Dù lâu nay, tôi luôn lo sợ giờ phút này sẽ tới! Nhưng tôi cũng bàng hoàng đứng run. Một người công an lạnh lùng còng tay tôi giải tôi đi. Bước vào phòng giam, tiếng đóng cửa sau lưng tôi nghĩ ngay đến gia đình, đến người vợ chưa làm giá thú của tôi. Thương em quá! Anh đã làm khổ em rồi! Em sẽ sống ra sao khi không có tôi?... Bỗng dưng, tôi khóc ồ... ồ...

Mới đây, tôi vui vẻ làm việc. Thỉnh thoảng nói chuyện tếu với kíp thợ hàn. Giờ tinh thần tôi suy sụp trầm trọng. Cổ họng tôi khát đắng. Đầu óc tôi căng thẳng như muốn nổ tung ra. Cuối cùng quá mệt mỏi quá, tôi ngủ lịm đi... Khi tỉnh dậy, tôi biết tôi ngủ một giấc từ chiều qua đến sáng nay và khi ngủ tôi vẫn khóc bởi nước mắt tươm ướt tóc, ướt má. Có lẽ khi con người bất ngờ bị rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng thường ngã dụi vào một giấc ngủ muội mị để quên thực tại. Mấy tiếng xột xoạt, hé mắt nhìn quanh, tôi mới biết trong phòng có hai người, tôi là người thứ ba. Gần trưa, mẹ tôi mang mì, nước và thức ăn đến thăm tôi. Tôi thấy không bơ vơ như lúc vừa bị bắt. Xế trưa, người ta còng tay tôi, hai người công an đi kèm bên, dẫn tôi lên xe U-oát chạy ra Huế. Trông tôi như tên tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đi giữa bao ánh mắt chằm chằm nhìn tôi. Tôi xấu hổ cúi đầu lê bước trong tủi nhục! Ngồi trong xe, tôi cố ngắm thị xã thân thương, quê hương thứ hai của tôi lần cuối và thầm mong thấy vợ tôi đi đâu đó. Xe chạy càng lúc càng xa, những con đường quen thuộc ngày nào tôi cũng đi qua, những mái ngói san sát ngày nào tôi cũng thấy khi tôi đi làm vun vút lướt qua, lùi khuất sau lưng tôi và dần mất hút. Niềm xót xa, ân hận bắt đầu cấu xé tôi!

Thành phố Đà Nẵng là nơi tôi thường đi qua, ghé đến, khi thì uống ly cà phê; khi loanh quanh bên dòng sông Hàn lộng gió, trộm nhìn con gái đô thị khoẻ khoắn, lộng lẫy và năng động những bộ cánh xì tin. Từ lâu, tôi nể phục những bước nhảy vọt của Đà Nẵng trên nhiều lĩnh vực. Nhưng yêu một người con gái ở đây, tôi ngại tôi kém cỏi tiền tài, kể cả những chuỵện ăn chơi ma mãnh, nên tôi không dám đèo bồng, mơ cao ắt té nặng! Giờ này, thành phố đang phố đông vui, nhà nhà nguy nga, tráng lệ lướt qua bên ngoài khung cửa xe, nhưng lòng tôi vẫn trì nặng một nỗi u uất, lo lắng, không thể gượng được một nụ cười, cho dù chỉ cái nhếch mép méo mó! Xe lên đèo Hải Vân, cảnh vật thiên nhiên thật rực rỡ bao la. Ba tôi đã viết một bài thơ Qua Hải Vân: “Xe lên ngỡ đụng vô thường/ Vào vùng cổ tích lạc đường trần gian/ Xuống đèo tụt tận ngàn xanh/ Nắng biêng biếc nắng ươm tràn tứ thơ/ Có đôi mắt thoáng buồn mơ/ Đọng trong anh chút vu vơ lưng đèo/ Qua đèo gió hút heo theo/ Anh thành chiếc lá ai treo giữa trời/ Rừng đây xanh thấm lòng người/ Biển kia trải rộng lời mời mênh mông”. Cảnh non nước hữu tình của Hải Vân Quan càng làm tôi chua xót hơn! Xe xuống Lăng Cô - thị trấn biển gìơ đây đang vươn mình từng năm tháng, đường qua thị trấn được thảm nhựa thênh thang và những khu nhà khang trang sang trọng ; đằng xa, dưới chân núi là cửa hầm thông đèo, công nhân đang tranh thủ thi công. Tôi nghe người ta nói Lăng Cô là nàng công chúa ngủ quên ngàn năm, nay bừng giấc thiên thu lồng lộng không xiêm áo bên bờ biển thắm. Quả thật, nhìn sự trổi dậy mạnh mẽ của nơi bắt đầu đô thị này, chúng ta có quyền tin tưởng một ngày mai xán lạn của nó. Xe giảm ga, rẻ vào quán ven đường ăn cơm, lúc đấy đã hơn bốn giờ chiều. Một anh công an bưng cho tôi một dĩa cơm rất ngon và ly trà đá.

Tôi cầm ly nước, từ chối cơm. Anh công an khuyên:

- Hãy cố ăn đi! Chuyện đã vậy rồi, cố ăn để giữ gìn sức khoẻ.

Từ khi anh áp giải tôi lên xe, anh im lặng, không hỏi han tôi lấy một lời, tôi nghĩ: “Cha ni khó gần!”. Khi nghe anh bảo tôi ăn cơm với giọng săn sóc, tôi thiện cảm với anh. Tôi thấy vết thương trong tôi mới vỡ ra, giờ được băng bó lại. Tôi vâng lời anh, bưng đĩa cơm cố nuốt từng miếng. Một đĩa cơm có cá, có thịt, đồ xào ; miếng thịt nạc to gần nửa bàn tay khi còn ở nhà tôi rất thích, giờ đắng nghét? Ở trong quán ăn, tôi cũng bị bao ánh mắt quan sát, nhưng những cái nhìn ấy khác ở thị xã. Trong đó, họ sợ và thầm vui như khi thấy một tên cướp nguy hiểm bị bắt ; ở đây họ nhìn do tò mò, muốn biết tôi bị tội gì mà công an phải dẫn độ. Tôi nghĩ, ánh mắt của bà con xóm biển này nhẹ nhàng hơn nhờ sự chăm sóc của anh công an đối với tôi. Xong bữa ăn, xe lại lăn bánh trực chỉ thành phố quê tôi. Sau bốn năm tôi trốn lệnh truy nã, thành phố thay đổi nhiều. Thành phố sầm uất và hiện đại, nhà cao tầng mọc san sát. Những khu chợ cũng đổi khác. Xe cộ cũng tấp nập, rộn ràng và nhiều xe mới toanh. Những con đường mới mẻ. Hai bên đường hai dãy nhà lầu, nhà nào cũng cửa cao rào kín. Tôi tự hỏi: "Chỗ này là chỗ nào nhỉ?". Thật sự, tôi bàng hoàng trước cảnh đổi thay của nơi chốn mình sinh ra! Xe đã quẹo vào trại tạm giam. Tôi ớn lạnh khi đứng trước cánh cửa sắt. Sau khi các anh công an nhanh chóng làm thủ tục bàn giao. Tôi bị đưa vào một phòng giam cửa màu xanh, cửa được hàn chắn bằng tôn năm ly, có một lỗ nhỏ bằng gói mì hảo hảo, dưới chân tôi là nền xi măng lám nhám, chân tường cũ kỹ rêu xanh. Khi tôi nghe tiếng cây sắt kéo qua, tiếng khoá đánh tách một tiếng, tôi sợ cảnh "Tù nay cai tù mai". Nhưng không ai hạch hoẹ, đánh đập tôi, mấy người vào trước chỉ hỏi tôi qua loa về tội trạng, quê quán... Tôi ngồi bó gối nhìn quanh. Đập vào mắt tôi là những hàng chữ trên tường của những người ở trước và những dấu máu của những con muỗi làm lịch ghi ngày, tháng. Trong phòng có một thằng nhỏ nằm ỳ trên đường vào phòng tắm, hắn đứng lên khi tôi đi vào toa-lét. Hôm sau, hắn kể cho tôi nghe, hắn tên Lụt ở dưới vạn đò, phạm tội trộm cắp, nhỏ hơn tôi chừng bốn tuổi mà trông hắn đen đúa, già giặn, tay chân chắc nụi. Có lẽ hắn sớm lăn lộn cực khổ từ bé nên trông mặt hắn lỳ lợm phong trần.

Cuộc sống của tôi đã mất tự do! Tôi phải cố tập thích nghi, chứ không sẽ “bức sô” chịu không nổi. Nghĩ thế, tôi lừng khừng đi tắm. Những gáo nước lạnh mát giúp tôi tỉnh táo. Vừa đứng kỳ cọ vừa ngước mặt lên trần màu vôi trắng mốc meo và bốn góc tường đầy mạng nhện. Những bút tích ai đó nguệch ngoạc: "Nhớ mãi ngày… ngày...tháng...năm...". Dưới mái nhà bê tông có 8 lỗ thông gió, trơ trơ 5 cây sắt phi 14 đỗ xuyên. Ngay trong phòng tắm có một bô cầu màu xanh dương cũ và một bể chứa chừng 1,4m3 nước, có tấm bê tông đậy lên, chừa một lỗ bằng can đựng hai lít nước. Ôi ê chề quá! Tắm xong, tôi nhũn ra như con thú hiền lành, đi lên nằm dài trên ca rê, tôi lại nghĩ đến gia đình, đến vợ và con sắp chào đời. Không biết giờ đây em làm gì? Gia đình tôi ra sao? Chỉ một phút thiếu suy nghĩ đã làm khổ bao người! Người đau khổ hơn cả là vợ tôi. Em là một người con gái hiền lành. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động bình thường nhưng đạo đức. Em yêu tôi say đắm. Em đâu ngờ quá khứ tôi tệ hại vậy. Tôi không cho em biết tôi trốn lệnh truy nã. Em biết, chắc em vẫn thương tôi vì em vốn hiền lành. Tháng năm tù tội sẽ đến, làm sao tôi tạo cho em hạnh phúc như tôi từng hứa. Tôi tự xỉ vả tôi: “Đồ lừa dối! Đồ độc ác! Mi đã hại đời con gái trong sáng thơ ngây của em!”

Ba mẹ tôi bỏ nhau khi tôi lên tám tuổi, chị tôi mười tuổi, hai em tôi, một đứa bốn tuổi và thằng Út mười mấy tháng tuổi. Ngày cha mẹ tôi chia tay là một ngày nắng, nhưng tiềm ẩn cuồng phong vùi dập đời bốn chị em tôi. Hôm ấy, ba và bà nội tôi đưa chúng tôi xuống toà, cho tụi tôi gặp mẹ, tôi rất mừng. Mới nhìn thấy mẹ, bà toà đã gọi mẹ và ba tôi vào làm việc. Mẹ ngồi bên ba tôi, đối diện cái bàn và bà tòa. Hàng ghế sau còn có cô tôi và mệ Quy - dì ruột mẹ tôi. Bà ngoại tôi mất khi mẹ chưa lấy ba tôi. Chúng tôi chạy chơi trong sân toà án, bất chợt thấy ba và mẹ cùng đi ra hàng lang. Ba tôi quỳ xuống lạy mẹ. Chúng tôi chạy đến, nghe:

- Đừng bỏ anh, tội con!

- Anh buông tha nhả nhớm cho tôi với!

Lúc ấy, mệ Quy đã đi tới thấy ba tôi đang quỳ, mệ an ủi:

- Thôi về lo làm ăn rồi cũng lấy được vợ, để con Yến đi làm, có tiền nó gửi về cho mà nuôi con.

Mắt mẹ long lên:

- Chó mà lấy !

Toà lại gọi ba mẹ tôi vào. Khi ra, mẹ cầm tờ giấy pelure mỏng, cười nói gì đó với mệ Quy. Ba tôi ủ rũ, ngồi xuống ôm chúng tôi khóc... Mẹ tôi bồng thằng Út lên xe. Thằng Út loay hoay trong lòng mẹ với mặt khờ khờ! Chị tôi chạy theo nắm áo mẹ, mẹ gỡ ra :

- Mai mốt mẹ về may cho mỗi đứa một bộ đồ mới.

- Không con ưa mẹ ở nhà với con thôi! – Chị tôi nói.

Xe xích lô đành đoạn chở mẹ và em tôi đi. Chị tôi chạy theo một đoạn mới đứng bên lề đường thút thít quyệt nước mắt. Ba tôi nắm tay tôi và thằng em kế tôi đứng nhìn chiếc xích lô mất dạng vào dòng xe cộ ngược xuôi...

Mấy tháng sau chú Khánh bạn ba tôi làm nghề tài xế, ghé nhà nói với ba tôi :

- Tao thấy thằng con mi bò dưới đất ăn cơm với chó. Mụ Quy chẳng đoái hoài. Mi vô đem nó ra cả tội!

Bà nội tôi cũng nghe được. Mắng mẹ tôi:

- Đồ đàn bà đoản hậu, một đứa con nuôi không xong!

Ba tôi tức tốc nhảy tàu vào xin thằng Út ra nuôi. Bốn chị em tôi đoàn tụ. Nhưng cả nhà tôi khổ vì nó. Đêm nào nó cũng khóc nhè nhè. Ba tôi phải bồng nó ra đường đi lui đi tới dưới bóng đèn điện giữa khuya cho nó nín. Nó khóc trong nhà, ông nội tôi ngủ không được, ông lại chửi : “Cha cô bà, không cho ai ngủ ai ngáy chi hết!”. Xóm làng bảo nó bị giun, ba tôi không dám xổ khi nó chưa đủ hai tuổi. Một ngày ba tôi đi làm, nội tôi xổ cho nó. Eo ơi, cái bụng ỏng ẻo bi lớn vậy mà chứa một nùi giun đũa, nội tôi đếm đúng 39 con, thấy mà ghê! Xổ sán xong, da thịt nó vẫn bệu bạo, ngồi đâu, ngồi đù một cục, cười cười ngơ ngẩn, trông đau xót lắm! Bà nội tôi lại nói:

- Con mẹ mi đem nó đi làng chà làng hói, nên hư sự ra rứa.

Thêm thằng út, ba tôi càng còng lưng trên chiếc xe đạp, ngày rảo rểu khắp nơi chụp ảnh dạo. Chiều về, trước ghi đông xe lủng lẳng một gói cá nục, hay nửa ký thịt mỡ hoặc mắm muối và luôn có lạng thịt nạc hay quả trứng, bồi dưỡng cho nó.

Bụng dạ nó vẫn ỏng ẻo, vài đêm lại ị mế trên giường. Giữa khuya, ba tôi dựng chị tôi và tôi dậy bưng đèn lọ mọ ra giếng múc nước dội cho ba rửa, giặt chiếu, mền... Tôi cả ngày ham chơi, đêm bị thức dậy nửa khuya, bớ sớ lẫn lộn, làm cái gì không vừa ý ba, lại bị ba cú vào đầu đau điếng! Việc ấy chưa cực bằng đưa nó đi học và dạy nó học. Đúng là nó bị "não đất sét!" học không vô. Năm tám tuổi, mới xin cho nó vào lớp Một. Cả nhà ai cũng mừng, chỉ hơn một tháng, mấy lần thầy hiệu trưởng gọi ba tôi đến văn phòng, vì nó không chịu ngồi trong lớp. Thầy hiệu nói:

- Anh đem nó đi khám, bác sĩ xác nhận không tâm thần tôi cho nó học.

Ba tôi đành nhận tiền xây dựng Ban giám hiệu trả lại. Trong đại gia đình tôi, ba tôi còn phải chịu lời mắng chửi của ông nội tôi. Ông thương cháu không cân phân, con chú tôi lớn hơn thằng út vẫn đựơc ông yêu chiều. Còn con chúng tôi làm gì sai. hỏng là bị ông đánh đập! Ông còn đợi ba tôi ló mặt về, chửi! Ba tôi lặng lặng nuốt hết bao lời cay đắng. Tôi hiểu bọn tôi không mẹ bênh, không tiền thi thoảng dấm dúi cho ông, mới bị ruồng bỏ thế. May, chúng tôi còn có bà nội lén cho chúng tôi khi củ khoai, cái bánh hoặc tô cơm nguội. Ba con tôi cầm cự, đắp đổi qua ngày tháng...Ngày sinh nhật thằng Út ba tôi viết bài thơ tặng nó: "Đi như thằng say rượu/ Chỉ không cầm cái chai/ Mặt trông rất ba gai/ Và lười như chú Cuội/ Thấy ba về loay quay/ Đảo vòng như chong chóng/ Đất cát đầy hai tay/ Mặt mày mũi dãi đọng/ Mẹ đi cũng chẳng cần/ Ăn nhiều, ăn nhiều nữa/ Ba sẽ là ngọn lửa/ Thắp sáng đường con đi"


 

    CÒN TIẾP....


 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC