TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Tên thật là Nguyễn - Thị - Mỹ - Nữ.
. Bút hiệu: Nguyễn - Mỹ - Nữ, Huyền - Minh, Phương - Quỳnh.
. Sinh ngày 24- 12- 1955
. Tại Lại Xá, Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam .
. Hiện sống với nghề Viết văn, Viết báo tại Huỳnh-Thúc-Kháng, Qui- Nhơn, Bình- Định

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Mắt núi- Tập truyện ngắn- Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 2004.


. GIẢI THƯỞNG :

· Giải ba với truyện ngắn: " Bộ bài" của báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam( 1998- 2000)
· Giải nhì với bài: " Chiếc rương của mẹ" (cuộc thi "Nét bút kỷ niệm"của báo Hoa học trò, 2002)
· Giải ba với: " Bài học năm chữ" (cuộc thi "Ơn thầy" của báo Tuổi trẻ, 2002)
· Giải tư với truyện ngắn: " Hàng xóm" của Tạp chí Văn nghệ quân đội(2001- 2002).
· Giải khuyến khích với truyện ngắn: " Khoảng trời nhỏ của ông" (Cuộc thi " Chân dung tuổi mới lớn", báo Mực tím, 2003)
· Giải tư với truyện ngắn: " Nhà khóc dành cho một người" của tạp chí Văn Nghệ quân đội (2005- 2006)
· Và một số giải thưởng khác của Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, báo Bình Định…










Tranh của họa sĩ Dương Bích Liên






LOANH QUANH BỘ BÀI

L úc ấy, giải phóng cũng đã được dăm năm nhưng lòng người còn quá lắm những ngẫm nghĩ, phân vân… Mùa hè tôi được nghĩ dạy về nhà và đắm mình vào thứ đời sống, không khí rất là lửng lơ và nhiều nghi hoặc. Nửa cũ kỹ, nửa mới mẻ, nửa quen thuộc, nửa lạ lẫm… Cứ như thế nào ấy ở chính nhà mình. Ở ngay chỗ ở của mình. Ở các mối quan hệ. Ở cái gia đình anh Hai, thuê phòng bên nhà bác Chính sát cạnh.

Anh chị Hai khi ấy đã có bé Thanh, bé Tuyền và chị đang có chửa đứa thứ ba. Chắc cũng sắp tới ngày sinh vì bụng đã to lắm, cao vượt mặt rồi. Dù vậy, mỗi ngày chị vẫn phải mấy lượt đi về. Chị có nghề gội đầu, se lông mặt ở chợ. Anh thì làm ăn tại nhà. Đồ nghề chả có gì, chỉ có mỗi bộ bài. Chẳng là anh có nghề xem bói. Mà sao những năm ấy có nhiều người đến nhờ anh thế chẳng biết. Đa phần là những người có ý định vượt biên. Sau nữa là những bà vợ có chồng mèo mỡ, các gia đình thường xảy ra những chuyện oái oăm cần được giải quyết. Hầu hết đều là phái nữ. Thôi thì đủ loại người, đủ cở tuổi, đủ các nơi.

Thi thoảng có việc, tôi cũng hay sang bên anh chị và cứ phải cười thầm, khi chứng kiến một ông thầy bói ở trần trùng trục, mặc cái quần xà lỏn cũ xì, vừa chia bài vừa lẩm bẩm: "Ờ… ờ tháng sáu đi không được đâu. Để coi, chậm đã nghe…" vừa quát con ào ào: "Mày có ngồi im hay không? Ở đó mà phá cho hung vô…" Vừa mới đọc xong câu thần chú, chưa kịp phán ra lời nào cho thân chủ, đã vội chạy ra sau bếp xem nồi cá kho hay ù vào nhà cầu lấy cái bô cho con nó "ị". Vậy mà anh vẫn xem đúng ra phết. Ấy là mấy người đi xem bảo thế. Còn dân trong xóm thì đoán mò, dựa vào lượng khách nườm nượp suốt ngày đêm.

Tối đến, mọi người từ các ngôi nhà quanh đây đều túa hết ra ngoài đường và ngồi túm tụm ở những khoảng sân phía trước. Trong nhà nóng quá, lại đang lúc khó khăn mấy ai dám đụng đến cái quạt máy. Trong số ấy chẳng mấy khi thiếu mẹ con chị Hai. Chị đã có vẻ nặng nề lắm rồi. Cái dáng đi lệt bệt, một mình đã thấy mệt nhọc lại còn vác thêm cái con bé Tuyền. Đến rõ khổ. Mẹ tôi vẫn hay hỏi chị:

- Vẫn chưa đến ngày nằm ổ hả Hai?

- Chưa mợ ạ! Chắc là con trai vì con thấy khác lắm.

- Ừ, khéo thằng cu thật. Cái bụng mầy thế kia…

Anh chị vẫn hay gọi theo cách bên nhà tôi. Gọi là cậu mợ như kiểu một số gia đình ngoài bắc. Cũng có lúc anh chị gọi là ông nội, bà nội. Ông bà nội của con Thanh, con Tuyền, của thằng "Môrít". "Môrít" là tên chị Hương của tôi đặt sẵn cho cái bầu của chị Hai. "Thế nào chị cũng đẻ con trai. Đẻ đứa này thì thôi hẳn chị nhé!", chị Hương vẫn hay nhắc chừng chị như thế. Chị Hai chép miệng:

- Chứ còn ức hiếp gì nữa hả cô?

- Ai mà biết được?

- Ừ! Cũng dám lắm, nếu chị lại sinh tiếp con gái.

- Thế thì em chả thèm đặt tên đâu!

Vào những đêm chuyện trò nhăng cuội ở trước cửa như thế, giọng bác Chính bao giờ cũng to nhất, rõ nhất. Những gì bác nói ra toàn là những chuyện bới móc, chỉ trích. Lại về những người vắng mặt mợ tôi sợ đôi co phiền phức, nên cản ngay và cứ một điều, hai điều: "Thôi em xin bác. Chấp nê nhau làm gì với lại cùng là hàng xóm láng giềng. Nói thế có khác gì nói xấu, e rằng không phải". Cậu tôi dàn hoà: "Sao bác không nói nhỏ lại một tí cho. Với lại còn khối chuyện hay ho khác. Việc gì… bác nhỉ?". Anh Sang luôn cãi lại bác Chính bằng cái giọng khe khẽ, rin rít nhưng không kém phần rắn rỏi của mình. Khi anh có việc phải đứng dậy, thể nào bác Chính cũng nói vụng: "Cái loại đàn ông môi mỏng. Nói mà mồm không hở thế kia…". Tôi hay nghĩ bụng, cánh đàn ông đến là phiền. Chả được như các bà các cô, tuy chỉ lẳng nhẳng những chuyện rau cà mắm muối, nhà cửa, con cái… thế mà vui vẻ ra trò. Tiếng cười khanh khách, khanh khách…của mợ tôi mới rõ là ấn tượng chứ! Có hôm bực quá cậu tôi phải gắt lên: "Cái bà này. Tiếng với chả tăm. Nghe đến chối cả tai!"Vào lúc khuya, khi đã hết khách và chỉ còn lại trên sân dăm ba người thì thể nào anh Hai cũng sồng sộc từ trong nhà bước ra. Và vẫn cứ thế: ở trần trùng trục, quần đùi cũ xì, điếu thuốc vắt vẻo trên môi, chửi thề luôn mồm và nhổ nước bọt liên miên. Nghĩa là đầy đủ, chỉ thiếu có mỗi bộ bài.

Sau khi bác Chính bán nhà cho chú Linh và dọn vào Nha Trang, anh chị Hai sang bên tôi ở. Bà nội tôi chẳng thích, cậu mợ tôi cũng có ý ngại nên khi anh chị mở lời chỉ ậm ừ cho qua nhưng chị Hương của tôi cứ khăng khăng như thế. Lúc này chị Hai đã sinh xong. Đúng là một thằng "Môrít" thật. Đồ đạc anh chị chẳng có gì nên dọn nhà cũng gọn. Mợ tôi giao hẳn mấy căn trên lầu nhưng anh chị chỉ thu xếp có hai phòng. Một để ở và một để anh tiếp thân chủ. Nhìn anh bưng cái bàn thấp bé có phủ tấm khăn dày lên cầu thang, tôi cười: "Sót bộ bài sao anh Hai?" Anh bỏ bàn xuống, vỗ nhẹ lên túi ra vẻ rất nghiêm trang và lần đầu tiên thấy anh mặc áo.

Theo anh lên phòng, tôi thấy anh xếp trên bàn nào là trái cây, bánh ngọt, hoa tươi. Bộ bài được đặt trịnh trọng trên một cái đĩa. Rồi anh thắp hương đứng khấn vái rất lâu và chừng nửa tiếng sau đó, anh có người khách đầu tiên ở nhà tôi. Anh bảo đó là một bà vừa mất một món tiền rất to. Bà ấy nghi người lấy ở hướng tây nhưng anh nhất quyết ở hướng đông. Tôi ngồi đùa với cái Tuyền, nghe anh nói và ngẫm nghĩ: thế là bộ bài của anh đã lăn sang bên này. Chắc sắp tới nhà mình sẽ bị phiền hà đây, vì dễ gì công an họ để yên cho. Ngày còn ở bên bác Linh, anh đã mấy lần bị đưa ra tổ dân phố kiểm điểm đấy thôi. "Kệ", tôi chậc lưỡi. Biết thế nào bây giờ? Cũng đến là khó nghĩ vì gia đình tôi rất thương quí anh chị và các cháu, lại đang lúc gia đình anh kẹt chỗ ở mà nhà tôi lại quá dư giũ. Nhà rộng mà ít người nên trống trải quá thể.

Đúng như tôi dự đoán. Ở bên nhà tôi chưa được nửa tháng thì chiều ấy độ chừng bốn giờ, công an khu vực lên tận trên lầu, bắt quả tang anh đang tiếp thân chủ. Bộ bài sờ sờ ra đấy! Khách ngồi chờ cả phòng. Rồi lận dưới cái khăn trải bàn là tiền. Cũng kha khá. Thế thì chối làm sao được? Công an hỏi: "Tiền xem bói một ngày đây phải không? Cũng bộn đó chứ!" Anh lúng túng ngay. Anh vẫn có cái lệ buồn cười như thế đấy. Tiền quẻ nào đút ngay vào tủ quẻ ấy thì đã chẳng việc gì. Đằng này anh bảo: "Cứ dồn lại đến cuối cùng hãy lấy mới hên, mới có khách nhiều, mới "vô mánh" đậm. Cứ cất tiền lẹt xẹt xui bỏ mẹ". Xui đâu chưa thấy, đây thấy ngay trước mắt. Công an làm biên bản thu bộ bài, thu tiền và mời anh về đồn làm việc. Anh tất tả đi theo công an, vừa đi vừa cài cúc áo. Lần đầu tiên tôi thấy anh mặc cái quần tây dài mà thương. Đến tối anh về, người căng thẳng, phờ phạc. Cũng vẫn chửi thề nhưng có phần thưa thớt, còn nước bọt thì không thấy nhổ. Chắc phải nói nhiều nên cổ họng anh bị khô. Vừa về đến nhà, anh đã vội vào ngay phòng của chị em tôi. Đang nằm xem truyện, tôi bật ngay dậy:

- Thế nào anh Hai?

- Căng lắm!

- Họ hỏi những gì? Làm khó dễ anh lắm hả?

- Không. Nhưng bắt viết tường thuật rồi kiểm điểm. Tui "đếch" viết được, họ cho về. Mai lên viết tiếp.

- Chứ hồi anh ra tổ dân phố thì sao?

- Hồi đó nói dễ òm. Thì xem bói là mê tín dị đoan. Là nếp sống không văn minh lành mạnh. Tôi xin chừa không bói toán gì nữa, là xong.

- Thì anh cứ viết như nói ấy.

- Nhưng mà "đếch" được. Khó thấy bà. Cô bày tôi nghen.

Tôi đã dành cả buổi tối hôm ấy để hướng dẫn anh viết rồi bắt anh học thuộc. Chị bế thằng "Môrít". Con Thanh, con Tuyền lếch thếch theo mẹ, nhìn anh bò lăn bò càng trên cái bàn viết của tôi để múa may chữ nghĩa, nhăn răng cười. Anh la um lên: "Sướng lắm sao cười? Lên lầu ngủ mẹ nó đi cho tôi nhờ". Ở với nhau riết, chị cũng quen cái kiểu ăn nói cộc cằn, bổ bả của anh. Mà không cứ gì chị. Cả nhà tôi, cả xóm này ai cũng hiểu anh ăn nói như thế nhưng chả có tâm địa gì, rất tốt nữa là đằng khác. Tôi chỉ bảo cho anh từng ly từng tí, thế mà loay hoay gần hai tiếng đồng hồ anh chỉ mới xong cái phần viết. Đến phần đọc mới đau đầu tôi chứ! Anh đọc đã vấp lên vấp xuống mà còn thêm cái câu chửi thề cố hữu của mình nên câu cú chẳng còn ra cái thể thống gì. Giả dụ như: "Tôi cũng biết (chửi thề) xem bói là một việc làm (chửi thề) sai trái nhưng vì hoàn cảnh (chửi thề) rất khó khăn (chửi thề)…" Mợ tôi đứng trước cửa phòng nhìn vào cười khanh khách, cũng vẫn rõ to. Còn cậu tôi đi bách bộ ngoài đường luồng, tủm tỉm: "Này, bố thằng "Môrít". Anh đọc cái bài gì mà cậu nghe chẳng thủng được cái lỗ tai". Của đáng tội anh không có tự ái. Vẫn kiên nhẫn học nhưng mãi chẳng thuộc, thế là điên tiết chửi thề, nói: "Đi ngủ" rồi đùng đùng quay lưng, khiến tôi ngồi thừ người ra vì bực và đâm băn khoăn cho bộ bài của anh. Đang ở đâu chẳng biết!

Thêm một niên khoá nữa trong cuộc đời đi dạy của tôi. Rồi thêm nữa một mùa hè. Tôi lại được trở về nhà. Lại có những buổi tối trời oi nồng, ngồi trước khoảnh hiên chuyện vãn, dù hàng xóm bây giờ chẳng còn đông vui như năm trứơc. Có những người đi vượt biên. Có những người đi nơi khác. Bọn thanh niên nam nữ lớp vào đại học, lớp đi làm ăn xa. Anh chị Hai vẫn còn ở với gia đình tôi và việc di chuyển địa điểm để hành nghề của anh, kể ra cũng trót lọt cả năm trời. Anh gầy thêm. Chắc do hút thuốc nhiều và lo lắng. Bộ bài mới chỉ lăn theo anh trên bước đường mưu sinh… gần gần. Bởi anh cũng chỉ loanh quanh trong thành phố này là chính và không "đóng đô" ở một nơi nào quá lâu, để tránh sự theo dõi của công an. Anh cũng đi ra các thị trấn, về các huyện, lên tận Gia Lai nhưng không thường xuyên. Và bộ bài lại theo anh, cùng anh ra bến xe, lên đường. Anh bảo ngán lắm, chỉ muốn làm ở nhà cho khỏe xác. Chị Hương của tôi đốp ngay: "Thì làm". Chị Hai cũng a dua theo. Và thế là một hôm tôi lại thấy anh bưng cái bàn thấp bé có phủ tấm khăn dày ra lan can và bày biện trên ấy nào là hoa, trái cây, bánh ngọt. Dĩ nhiên, không thể thiếu "nhân vật chính". Bộ bài được đặt rất trịnh trọng trên một cái đĩa kiểu xinh xinh. Lại trông thấy anh thắp hương rồi xì xụp khấn khứa. Rồi thấy anh tất tả đi có đến cả tiếng đồng hồ. Lúc anh về, mắt trước mắt sau thăm dò chừng một chốc, thì thấy hai thân chủ kéo nón sụp xuống tận mặt, lù lù xuất hiện và đi rón rén thầm vụng lên lầu. Đang ăn trưa, trông thấy thế tôi phì cười đến sặc cả cơm. Cậu tôi lừ mắt. Bà nội tôi bảo: "Con gái con lứa thế à?" Mợ tôi mắng tiếp: "Rõ dơ". Biết là không phải nhưng tôi không sao đừng cười cho được. Và thế là bộ bài lại cùng với anh, sau gần một năm tha phương cầu thực, đã thật sự trở về nhưng rồi sẽ được bao tháng, bao ngày? Chịu. Chả ai mà biết được.

Đêm ấy, lúc cả nhà tôi sắp đi ngủ thì công an, tổ trưởng dân phố… có đến dăm bảy người, đùng đùng kéo vào. Chẳng còn trở tay kịp nữa rồi. Mọi hôm, chị vẫn bế "Môrít" hay bé Thanh, bé Tuyền đứng lớ ngớ ở dưới nhà để trông chừng cho anh. Chắc do khuya nên chị và các cháu chủ quan bỏ đi ngủ hết, mới sinh ra cớ sự này. Anh bị tạm giữ tại đồn đến mấy ngày liền. Tôi có đem thức ăn đến thăm anh. Trông anh hốc hác quá. Anh bảo chả muốn ăn uống gì. Chỉ thấy thèm thuốc lá và lo quá rồi oà lên khóc như trẻ con: "Tôi mà bị đưa đi cải tạo thì mẹ con thằng Môrít đói mất". Nghe anh nói. Tôi la toáng lên: "Cái ngữ còm nhom như anh, vào trại để người ta nuôi cơm à? Với lại tội của anh có gì ghê gớm đâu mà sợ thế". Tôi bỏ ra ngoài mua cho anh gói "Mai", loại thuốc mà anh vẫn hút. Lúc quay vào, thấy bộ bài – chắc là của anh – đang ở trong tay mấy anh công an, trong một ván tiến lên sôi nổi (đang là giờ nghĩ mà). Tôi đứng nhìn vào, bần thần một lúc rồi thầm nghĩ: "Thì ra bây giờ đã ở đây. Đi xa, đi gần cho lắm vào rồi cũng lăn đến chốn này. Sao mà hay thế nhỉ?"

Rồi những ngày sóng gió cũng qua đi. Chị lại ra chợ. Lại trở về với những khuôn mặt, mái tóc của quí bà, quí cô như thuở nào. Lại gội đầu, se lông mặt. Nghe nói mới kiêm thêm làm móng tay. Công việc nhiều quá, làm một mình không xuể phải gọi hai đứa em của chị đến phụ. Tôi cũng mừng cho gia đình anh. Còn anh đã có những ngày mới. Những ngày vẫn chiếc quần đùi cũ xì, cởi trần trùng trục. Anh cắp thằng "Môrít" lê la khắp xóm. Vừa nói chuyện tào lao vừa chửi thề ầm ĩ không quên nhổ nước bọt tứ tung và ho lên khùng khục. Ngày nào cũng thổi cơm muộn và mang cơm cho vợ muộn. Cái hình ảnh anh ngồi sau cái bàn thấp bé, cầm bộ bài múa may được thay thế bằng hình ảnh anh loăng quăng với công việc gia đình, con cái và chơi đùa, trò chuyện với những người trong nhà và láng giềng. Anh có tật đùa dai, còn bà nội của tôi mà chửi ai thì chửi đến "chết cây, gãy cành". Ngày nào anh cũng bị bà tôi chửi, nhưng chỉ là chửi…. thương. Tính nết anh bông phèng như thế, ai mà ghét cho được.

Rồi chẳng biết nghe ai xúi bẩy, anh lại cầm đến bộ bài nhưng chỉ coi cho những thân chủ ruột. Có khi ở nhà trọ, có khi ở trên phòng của anh nhưng ý tứ, dè dặt và thận trọng lắm. Nhưng chỉ được lúc đầu. Sau thấy anh cũng đề phòng qua loa và sau nữa thì cứ y như chẳng có gì. Thân chủ ngồi chờ ra cả ngoài hành lang. Anh xem bói từ sáng sớm đến tối mịt, không kịp cả ăn cơm nhưng cà phê thì uống liên tục, hết ly này đến ly khác và có người mang đến tận nơi. Chị cũng làm miệt mài. Khách đông quá thể, có những ngày phải nhờ cả chị Hương của tôi ra giúp. Thật khuya, chị mới bế thằng "Môrít" ở bên ngoại về. Thằng bé đã ngủ khì trên vai mẹ và chị vừa nói đớt nựng con, vừa cười rất tươi. Bà nội tôi bảo:

- Có tiền thì thế đấy mà!

Chị trả treo ngay:

- Nội nói đúng đấy. Chúng con đang gặp thời, đang có nhiều tiền. Nội có mượn không?

- Chị có lắm tiền thì mược kệ nhà chị, tôi việc gì phải mượn nào? Có cái "ông sáu tấm" thì đã đóng rồi, chỉ chờ ngày chui vào thôi!

- Thế thì nội mượn để đem xuống âm phủ, có tiền mà tiêu!

Nói xong chị cười hềnh hệch. Tính chị là vậy. Chị thuộc loại người bụng để ngoài da, chả dấu ai được gì. Chả thế mà chị cứ khoe mãi với mợ tôi:

- Con để dành được mấy "cây" rồi đấy mợ. Làm qua vụ tết này, trang trải mọi chi phí xong chắc cũng dư kha khá.

Mợ tôi gật gù:

- Phải thế chứ! Mợ thấy mày cũng còn nhiều chuyện tiêu hoang. Bỏ bớt đi Hai ạ! Còn phải dành dụm để mua lấy một cái nhà, be bé cũng được.

Hôm anh chị dọn về nhà mới, tôi không có ở đây. Tính ra cũng đã trên chục năm rồi, kể từ ngày ấy. Căn nhà hồi mới mua tuềnh toàng lắm. Sau làm ăn có tiền, anh chị đổ mê lên lầu, trông cũng khang trang. Tầng trệt chị mở tiệm. Lúc đầu làm chung với mấy đứa em. Sau chúng nó có chồng kịp lúc cái Thanh, cái Tuyền lớn không đi học nữa nên ở nhà làm với mẹ. Anh chiếm một phòng sát bên gian thờ để hành nghề. Anh chị đã có thêm, một bé gái nữa – con bé út – và các cháu nhà anh đều xinh, ngoan, ngoại trừ thằng "Môrít" chỉ được cái mã. Ỷ là con trai độc nhất, lại thêm chị quá cưng chiều, thằng bé ngày một thêm hư. Cùng với thời gian, thêm nhiều tuổi đời, anh đã ra vẻ… lịch sự. Nghĩa là đã mặc pijama hẳn hoi khi tiếp thân chủ, đã hết nhổ nước bọt, chửi thề thì vẫn còn nhưng ít hơn. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hài lòng và vẫn nhắc nhở mỗi lần anh em được gặp nhau:

- Con trai, con gái anh đã lấy vợ lấy chồng được rồi. Chẳng lẽ hồi đi làm sui, anh vẫn cứ như thế à?

- Đâu mà… bậy bậy. Cô chỉ lo tào lao.

Và tôi hình dung ra ngay hình ảnh anh mặc đồ vét, đàng hoàng đứng bên chị: "Thưa hai họ, (chửi thề) hôm nay ngày lành tháng (chửi thề) tốt. Họ nhà trai (chửi thề) đem sính lễ (chửi thề) đến hỏi con gái (chửi thề) chúng tôi (chửi thề)…" rồi phá lên cười khiến mợ tôi phải mắng: "Ơ! Hay nhỉ? Cái con bé này. Rõ là điên nhé!". Anh vẫn có lệ đi đâu cũng nhớ xẹt qua nhà một tí, để thăm mợ tôi. Bà nội tôi đã mất, nên anh chuyển hướng sang đùa với mợ tôi. Vẫn hay đùa dai như ngày trước. Được cái mợ tôi không chửi như bà nội. Chỉ cười. Vẫn rõ to. Chị ngày một béo ra. Nghe nói cao huyết áp. Thi thoảng tôi tạt vào, chị vẫn bắt tôi ăn thứ này thứ khác, rồi nước mắt ngắn, dài kể chuyện thằng "Môrít". Mấy năm sau nầy, chị làm ăn cũng chẳng ra sao. Có quá nhiều tiệm mới mở và tay nghề của họ vững vàng hơn mẹ con chị nhiều. Đã thế, phòng ốc của họ sang trọng, tiện nghi mà giá cả chênh nhau chẳng đáng là bao. Thế là tiệm chị ít khách dần. Thân chủ đến với anh có hồi rộ, hồi thưa. Thưa ngắn ngày, anh rãnh rang chơi cây cảnh. Thưa dài ngày, anh và bộ bài lại ra ga, vào nam. Anh bảo: "Xe giờ hay tai nạn. Đi tàu bảo đảm hơn". Ở trong nam anh làm được lắm. Rồi cứ vậy, anh đi đi, về về. Bộ bài lại theo anh rong ruỗi đến bao nhiêu là nơi chốn mới. Vợ chồng đứa cháu của tôi ở quận Tân Bình, trong một lần về thăm gia đình kể chuyện. Có lần anh đến chơi nhà, nó bảo bà chủ: "Bác ấy xem bói được đấy". Thế là bà ta đề nghị anh xem cho một quẻ. Chẳng rõ đúng, sai như thế nào mà sau đấy những người trong nhà bà, rồi đến người trong xóm ùn ùn kéo nhau đến nhờ… thầy. Anh phải ở lại nhà nó đến mấy hôm mới xem hết cơ đấy.

Khi anh nói với tôi đã bán nhà, tôi không hề thắc mắc. Chuyện đổ nợ của chị, tôi có nghe loáng thoáng từ lâu. Mà nào phải có mình chị. Khiếp! Sao mà cái thành phố này, mấy năm gần đây có lắm người đổ nợ đến thế không biết! Nhưng tôi vẫn cứ lấy làm ái ngại. Cũng do chị đeo đuổi ba cái chuyện huê hụi nên mới ra nông nổi này. Anh bảo: "Hết cách rồi". Anh tính toán, trang trải xong nợ nần cũng còn một ít. Vào Sài Gòn mua lấy một cái nhà. Nhỏ, xấu cỡ nào xũng được để gia đình có chỗ chui ra chui vào. Anh đã xin được việc ở trong đó. Làm bảo vệ cho công ty của một người bạn. Cái Tuyền, cái Thanh thì có sẵn đồ nghề đấy, cứ thế mà xoay sở. Tiền cha con kiếm được, chắc cũng đủ lo cho gia đình. Lúc này anh hay lên nhà, ngồi chơi với mợ tôi cả buổi. Đã bớt nhiều cái tật bông lơn, chớt nhã hồi giờ. Đã có vẻ trầm ngâm. Biết anh sẽ đưa cả gia đình đi xa, mợ tôi buồn lắm:

- Mày đi xa thật à, bố thằng "Môrít"?

- Chứ mợ xem, con còn cách nào nữa đâu!

Tôi nghe, lòng ngậm ngùi quá thể. Vậy là anh đã không thể thực hiện được những dự định trước đây: khi già, không làm nữa, có con chúng nó nuôi. Chỉ việc đi chỗ này chỗ nọ, hay lên núi kiếm mấy giống cây lạ về trồng rồi chăm sóc cho vui. Nhưng mừng. Mừng quá thể bởi anh đã rời bỏ hẳn được bộ bài mà suốt những năm qua vẫn phải đi kèm với nó. Đã cùng nó lăn lóc hết cả một chặng đời dặc dài ở sau lưng với Sài Gòn, Cần Thơ, Châu Đốc… và nơi này. Đã cứ phải đi lui, đi tới, đi qua, đi lại, đi quẩn, đi quanh… Chỉ với anh và duy nhất bộ bài. Một con người, một món đồ. Tình cờ dính chặt vào nhau trong một kết hợp khập khểnh, buồn cười để rồi từ đó đã vỡ ra biết bao nhiêu điều, đâu hẳn là vụn vặt…





© Tác Giả Giữ Bản Quyền.




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC