TÁC GIẢ
TÁC PHẨM




ĐỖ THỊ
HỒNG VÂN



. Sinh ngày: 12-11-1958
. Tại : Hải An - Hải Phòng

. 1980 : tốt nghiệp CDSP - khoa Văn- Hải Phòng.

. Hiện cư ngụ tại Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng

. Nơi đang công tác: Trường Trung Học Võ Thị Sáu - Hải Phòng






THƠ


NẾU…!!

NHỚ !!!

TÌNH KHÚC BÊN BỜ BIỂN





TRUYỆN NGẮN


KARAOKE ... XÓM PHỐ

CÁNH CHIM LƯU LẠC

MỴ CHÂU ĐÃ HẠNH PHÚC

CÔ GIÚP VIỆC KÉN CHỒNG

TRUYỆN TÌNH NHÀ GIÁO

CHÂN TRỜI

GHEN

BỐ CON ANH HOẠCH

THEO QUY LUẬT !!!

CƠN GIẬN

Ô HAY ... !

NGÁP PHẢI RUỒI …!!

KHÁT VỌNG ÊM ĐỀM











































Tranh của Phạm Quốc Hưng






KHÁT VỌNG ÊM ĐỀM


H ắn cố lạng tay sang phải, tránh ô tô phía sau, đồng thời phanh xịt xe lại. Nhưng không kịp, chiếc xe máy trong ngõ lao ra như phát rồ. Nó loằng ngoằng tông vào mỏm trước của chiếc xích lô. Xoạt!... Xoảng!... Cả người lẫn xe nhào sang một bên. Những chiếc bình sứ lăn tuột xuống đường, vỡ loảng xoảng. Hắn lóp ngóp bò dậy: “Đ… mẹ! Thằng kia, đứng lại!”. Nhưng tên thanh niên chỉ liếc xéo một cái, vù ga phóng tiếp, chòm tóc hoe đỏ trên đỉnh đầu dựng ngược lên. Vài người đang ngồi uống nước trong quán nói vóng ra: “Thằng Tư Sẹo đấy! Đánh bỏ mẹ nó đi!” Mặt tái xanh tái xám, hắn đờ đẫn nhặt từng mảnh bình vỡ, vứt lên xe. Đường phố những ngày giáp Tết đông nghịt. Người ta hối hả đi lại như mắc cửi, con mắt ngó lơ một thằng cha đầu bù tóc rối, quần áo lấm lem đang loay hoay, lóng ngóng bên đống hàng lỏng chỏng. Một cô gái mặt bịt kín, đạp xe chầm chậm. Cô dừng lại nhìn hắn, nhìn cánh tay khòeo của hắn rồi dựng chiếc xe đạp cà tàng bên mép đường, giúp hắn thu dọn bãi chiến trường. Cô hỏi han bằng cái giọng nằng nặng:

- Rõ khổ! Đi đứng thế lào mà lại thế lày ? Người có sao không?

Mặt hắn méo xệch, mép trái khẽ giật giật làm chỏm ria nhấp nhổm theo:

- Tôi đúng đường, thằng chó ngộ ở ngõ lao ra bị mù! Mẹ kiếp! Tôi sẽ cắt tiết nó! Cảm ơn cô, tôi không sao!

Hắn nhìn vào ngõ, nhảy lên xe, lật bật đạp tiếp. Máu đầu gối rỉ ra, dính bết vào ống quần bò bạc phếch. Sau khi gặp chủ hàng gốm sứ Giang Tây Trung Quốc, hắn tạt vào ngõ Cây chuối, bán chiếc xích lô, gia sản cuối cùng có giá trị nhất…

Tên hắn là Hoan. Người ta gọi là “Hoan khoèo”, đúng nghĩa với cánh tay phải khòng khoèo của hắn. Cổ tay vặn về phía trước, bàn tay ngoảnh hẳn ra sau. Khi đi, cả cánh tay vung vẩy, khua khoắng tít mù. Mọi người kể lại rằng, hồi đẻ hắn, bà mẹ có chót thề độc là sẽ bán cả ông giời để chữa tay cho con. Có lẽ ông giời đã trút giận xuống đầu hắn: Bố chết tai nạn, mẹ ung thư dạ con. Hai đại tang nối tiếp nhau đè lên vai khi hắn bước sang tuổi hai mươi. Trong họ, có người thương hại, bảo về ở cùng. Hắn đỏ mặt, vặc lại ông chú vốn trước đây vẫn lạnh nhạt với mẹ con hắn: “Chú bảo cháu bán nhà đi à? Không đời nào! Đây vẫn còn một tay, hai cẳng. Vẫn có thể đá tung đít kẻ nào dám khinh thường thằng này!”. Hắn quyết kiếm việc làm, nhưng chỉ nhận được những công việc lèng phèng: hết dán nhãn mác cho các quầy hàng, lại nhận in tiền vàng mã. Ngồi gù lưng cả ngày, tỉ mẩn tì mần, in in, quệt quệt, chỉ đủ mấy miếng nhét vào mồm. Hắn chán nản, cáu kỉnh. Giọng mụ chủ béo chua như dấm luôn chọc bên lỗ tai: “Mày làm ẩu! Nếu in lệch, mực nhòe, họ trả lại, tao sẽ trừ lương!” Hừ, lương với chả lậu! Cả tháng bằng bữa nhậu của một thằng bụng phệ. Hôm cuối năm, nhìn mụ vạch vạch, soi soi xấp tiền vừa in, hắn nóng mắt đứng dậy, đá xoạt cả khuôn dấu lẫn giấy in vào xó nhà, phủi đít quần: “Thanh toán! xin kiếu!”.

Hắn xoay ra đạp xích lô thuê, khu phố hắn ở gần ngoại thành, đường không cấm, nên sau một năm gò lưng tôm, dù chỉ có một tay, hắn cũng dành dụm, thửa được chiếc xích lô mới. Tết này, chịu khó chở hàng, sẽ mua một cái ti vi nho nhỏ. Đêm giao thừa, nằm khểnh ở nhà cho giãn xương giãn cốt, xem khắp nơi người ta đón tết như thế nào. Hắn vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm dự tính, ấy thế mà…

… Hắn thất thểu đi bộ về nhà. Cả tiền định mua ti vi và bán cái xích lô được có triệu rưỡi. Còn nợ chủ hàng ba triệu nữa… Móc đâu ra bây giờ? Chỉ tại cái thằng điên lao từ ngõ kia ra. Nó làm như không can hệ gì. Hừ… ông phải tính sổ với mày! Hắn giắt con dao găm vào lưng quần, tợp thêm hớp rượu. Mấy năm lao động khổ sai, cơ bắp rắn đanh lại. Cái cánh tay khoèo quằn thêm, đen như kèo nhà bếp. Quai hàm lúc nào cũng bành bạnh , nổi cục lên bởi những ngôn từ tục tĩu lượm lặt được từ khắp các đầu đường, xó chợ. Khệnh khạng đi vào ngõ, chát!.. huỵch! chiếc xe đạp trong ngách phụ bất thần xồ ra làm hắn loạng choạng va vào tường. Cổ hắn lại nổi cục lên. Hừ! Ngõ ngách đ…éo gì bằng cái …rạng đái, loẳng ngà loẳng ngoẳng… Nhà Tư Sẹo nằm thụt vào sau một khoảng sân ẩm ướt. Một tấm mành trúc che kín cửa buồng trong. Thoáng thấy cái ông quai hàm đang bạnh ra kia, Tư Sẹo hiểu ngay sự việc, phản ứng rất nhanh:

- Ông anh làm gì mà hầm hố thế! Đường đông, thằng em đang vội, có việc gấp. Biết thừa thế nào bố cũng mò đến bởi món hàng vỡ. Nào, vào nhà, anh em mình nói chuyện…

- Mẹ kiếp, chẳng chuyện trò cái con c… gì hết! Xì ngay ra năm triệu đền tao!

- Thì năm triệu, chuyện nhỏ như con thỏ! Năm mươi triệu cũng có… Vào đây làm chén với thằng bờm này cho vui. Uống rượu không có bạn, chán mớ đời... Ông có biết loại gì đây không? Ngày xưa, chỉ có vua chúa mới được dùng đấy!

Cha chả! Qủa thực hắn chưa bao giờ được dùng thứ ma men nào lại bốc đến vậy. “Khà…”, một luồng hơi nóng, cay từ họng bò lan, toả khắp các dây thần kinh. Môi ướt mèm, lưỡi tê tê, vành tai từ từ đỏ tía lên. Ý định hùng hổ ban đầu giờ trùng xuống. Ừ, đời là cái chó gì! Cũng chỉ đến ngây ngây thế này là cùng!. Đàn ông buồn thì gục đầu vào chai rượu! Đàn bà buồn thì gục vào vai đàn ông! Chứ còn biết làm gì? Cơ mà…còn món nợ. Thằng cha nhà hàng gốm sứ doạ sẽ cắt tiết nếu không trả đúng hẹn. Hắn cười khổ sở:

- Thí hủi cho thằng anh khố rách này món tiền đi chú em, để anh còn…

Tư Sẹo cười bả lả:

- Tiền hả! Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của ông già… Hơ…hơ… Sẽ có, sẽ có… nhưng ngặt nỗi hiện chưa có tiền mặt. Nếu ông anh chịu khó đưa gói hàng nhỏ xinh này đến đúng địa chỉ an toàn thì không những được trả năm triệu mà còn được thưởng thêm năm triệu nữa!

Mặt ngay thồng thỗng, nhưng chỉ thoáng chốc, chợt hiểu đó là hàng gì, hắn tỉnh hẳn:

- Nếu đây không làm?

- Thì chẳng xu mẹ nào cả! Ai biết được cái đám mảnh sành của ông đáng giá chó bao nhiêu. Chẳng qua, thương tình thấy tay chân ông khòng khoèo, bày cách cho mà kiếm tí chút. Ông có đạp xích lô đến thụt r… cả năm cũng không bằng một lần của bọn này.

Hắn gãi gãi cái đầu đinh lởm chởm. Mẹ kiếp! Đúng thật. Bây giờ không nhận lời thì nó cũng chẳng thí cho đồng mẹ nào. Đời nào nó thương mình. Ai lại đi cầu xin tình thương của quỷ sứ. Có mà được cái búa đinh! Nhưng nhận lời cũng thấy kinh kinh. Hắn nhăn nhó:

- Tao không quen làm. Nhỡ ra…

Tóc đỏ vỗ vỗ vai hắn:

- Dễ thôi, như đi dạo mát. Vào trong buồng này cho thằng em thưa bẩm…

Chưa hề bị công an điểm mặt, lại thêm cái cánh tay lủng lẳng, giãy giụa một cách đáng thương, hắn đưa hàng trót lọt. Cầm mười triệu trên tay như người mê ngủ. Trả nợ xọng, hắn vác luôn một cái ti vi 29 in, sắm sáp thêm mấy bộ quần áo, mua một cuốn lịch tờ chụp toàn các cô gái mát mẻ, ngắm cho sướng mắt.

Từ đó, ma đưa lối, quỷ dẫn đường, hắn lấn sâu vào mấy tổ quỷ. Lần nào xong việc, cũng thề: chuyến này nữa là thôi , lần này, thôi hẳn… thôi hẳn. Nhưng mỗi lần định “thôi” như thế, Tư Sẹo và đồng đảng lại tâng bốc hắn lên tận mây xanh, và để cho cái cảm giác sung sướng ấy lên đến tột đỉnh, chúng dụ hắn hãy thử chơi với “nàng tiên nâu”. Hắn cũng biết sợ mũi kim, chỉ mới hít thử một hai lần rồi bỏ. Nhưng gái thì hắn nghiện, không thể bỏ được, mà chơi gái tốn tiền. Hắn cũng muốn lấy vợ, một người đàn bà biết thu vén gia đình, chứ không phải loại ca ve lười chảy thây, chỉ biết tiêu tiền giỏi. Nhưng liệu có cô gái tử tế nào muốn lấy hắn? - Một thằng đàn ông tàn tật, không cha không mẹ, không công ăn, việc làm, kiếm được đồng nào chỉ để mấy con mắt xanh, mỏ đỏ bòn rút. Kiếp khòeo cứ thế trượt dài trên dốc tội lỗi nếu không có một hôm…

…Hắn vào quán cơm bụi, gọi mấy món ăn, cố ý bê đến một chiếc bàn rộng mới có một cô gái đang ngồi cắm cúi bên đĩa cơm đạm bạc. “Một con bò lạc” - Hắn nghĩ và giấu tay khòeo ra phía sau. Nhưng đôi mắt tròn của cô chợt dừng lại trên chính cái tay tàn tật ấy. Hắn làm ra vẻ lễ phép:

- Tôi ngồi đây được chứ cô?

Cô gái ngẩng lên:

- Nhà hàng, ngồi đâu chẳng được. Anh cứ tự nhiên… - Cô nhìn thẳng vào mặt hắn - Không phải lần đầu chúng ta gặp nhau đâu!

Hắn chưa hết ngạc nhiên thì cô gái nói tiếp:

- Sau cái vụ đổ xe đó, anh làm ăn ra sao?

Hắn “À” lên một tiếng rồi rối rít:

- Thì ra là em… Thật không ngờ… Em đúng là quý nhân phù trợ anh rồi!

Mặt thoắt đỏ bừng, lòng hắn chợt run lên. Kể từ khi mẹ mất, chưa bao giờ hắn được nghe một lời quan tâm, săn sóc. Nghĩ thế quả cũng hơi phụ lòng mấy cô, bác tổ dân phố, nơi cư trú. Họ cũng có hỏi han đến tình hình sức khoẻ, công ăn việc làm. Nhưng hắn thừa biết họ chỉ hỏi lấy lệ cho qua chuyện. Lạ gì mấy cha cụm trưởng với chả tổ trưởng, ăn tục, nói càn như quân mõ, viết có cái thông báo ba dòng mà cũng sai lỗi chính tả be bét. Chẳng qua khi họp tổ dân phố, chuyên trị to mồm, thắc mắc chuyện chó ỉa bậy, mèo đái vạ, rồi tự dưng được bà con bầu lên làm tổ nọ, trưởng kia. Mà không thì cũng chẳng ai chịu làm, họ đùn đẩy nhau. Bảo chẳng hơi đâu ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng. Tháng được thêm tí tiền phường cho nhưng nghe chửi đầy lỗ tai. Nào là: năm nào cũng đóng tiền an ninh nhưng đêm đêm, trộm đi rình rịch trên nóc nhà, khều từ cái quần bò cho đến đôi dép rách. Nếu cái “của quý” mà không dính vào người thì trộm cũng xách cha nó mất! Cái nhà mới chuyển đến, cậy có loa thùng to, mở hết cỡ, gào thét karaoke như phát dại. Công an phường lập biên bản, phạt vài lần rồi đâu lại đóng đấy. Dân tình sang góp ý thì cả thằng bố lẫn thằng con quay ra chửi tục, doạ sẽ cho gẫy cẳng, bố ai còn dám nói gì, đến cảnh sát khu vực cũng còn bó tay nữa là... Nào là: có mỗi cái chuyện đánh số nhà mà mấy năm nay, không làm nổi. Bao nhiêu gia đình khóc giở, mếu giở về cái chuyện này vv và vv… Từ khi thấy hắn gò lưng tôm đạp xích lô, các cán bộ có vẻ yên trí về cái thằng “khó chịu” nhất phường này. Nửa năm nay, không một ai biết đến hắn nữa. Một mình một bóng, đi đêm, về hôm. Cả một khu tập thể rộng lớn mênh mông này, ai hơi đâu mà để ý đến hắn. Trong thâm tâm, hắn vẫn hy vọng, muốn làm lại cuộc đời, bắt đầu từ đâu cũng không rõ...

Hắn chớp mắt. Xuân - tên cô gái - vẫn ngồi đây với những cử chỉ vụng về, những lời hỏi han ngập ngừng, chân thật, như một gáo nước mưa, dội mát thân cây sắp chết khô chết khát là hắn. Nhưng những phút giây như thế này sẽ còn kéo dài được bao lâu? Hắn nhếch mép:

- Anh ối việc! Cũng kiếm được…đủ tiêu.

Cuộc tình giữa trai giang hồ với gái ve chai diễn ra thật chóng vánh. Chẳng bao lâu sau, hắn cưới vợ. Giường đệm Đài Loan, ga gối màu hồng, màn cánh tiên mốt mới nhất. Xuân rơm rớm nước mắt:

- Em cứ ngỡ số phận mình mãi dính với kiếp giẻ rách. Hai ta côi cút gặp nhau chắc do trời định đoạt.

Hắn phồng mang, trợn mắt:

- Em không phải đi làm gì cả. Ở nhà, cơm dẻo, canh ngọt là đủ.

- Ăn không ngồi rồi, buồn lắm, em không chịu được. Anh đi làm gì? Cho em theo với! Khổ mấy em cũng không sợ.

Hắn đánh trống lảng: - Làm gì em không cần biết, miễn có tiền là được, anh muốn bù đắp cho em…

Xuân im lặng, nhìn chồng khó hiểu. Chẳng bao lâu, cô đã biết hết “công việc” của hắn. Tuy bị sốc, nhưng vẫn cố bình tĩnh lựa lời can ngăn:

- Anh này, lếu như phải tiêu những đồng tiền treo trên án mạng của anh, thì em không thể…

Hắn trợn mắt:

- Tiền nào chẳng là tiền. Tiền của bọn tham ô ăn cắp hàng tỷ đồng sạch sẽ chắc.

- Nhưng chí ít ra, chúng không trực tiếp giết người bằng cái thứ quỷ quái ,đáng sợ đó! Không sợ nhiễm bệnh à? Không sợ vào nhà đá ư? Người ta tuyên truyền, cổ động khắp nơi, anh không thấy sao?

Hắn trố mắt : Ghê quá! Y như cán bộ tệ nạn! Hắn nhếch mép:

- Tôi còn lạ đếch gì cái bọn đánh trống thổi kèn! Đứa nào sống vẫn sống, đứa nào chết vẫn chết. Tôi không chích choác đâu mà lo, nhưng cần phải có tiền.

Hắn quay mặt vào tường, nhắm nghiền mắt, nhớ lại hồi lớp 9. Lớp hắn được phân công đóng vở kịch “Đường xuống địa ngục” trong dịp tuần lễ tuyên truyền phòng chống ma túy. Cô giáo chủ nhiệm giao luôn cái việc kịch cọt ấy cho nhóm con Loan, Thúy, Hạnh, Liễu. Toàn những con nhà lành, ngoan từ trong trứng ngoan ra. Ấy thế mà đứa thì đóng vai thằng nghiện, mặc bộ quần áo giống hình cái xi lanh to tướng, đầu nhọn hoăn hoắt. Đứa thì đóng vai thần AIDS, đầu bìu ra những cái gai như quả dứa… Nghe nói vở kịch diễn thành công lắm, được Thành Đoàn xếp loại A. Là nghe nói thôi chứ thực ra, hôm các trường thi biểu diễn, hắn với bọn thằng Phi “trọc”, Tam “hấp”, Tuynh “thọt” có được xem đâu. Bí thư Đoàn nhăn mặt: “Mấy tướng này ở nhà! Các ông đứng trong hàng quậy phá, không ai bảo được, rồi lại bị trừ điểm thi đua.” Ồ, nghỉ càng thích! Trong khi các “cháu ngoan” đứng nghe tuyên truyền thì bọn hắn, rủ nhau về nhà thuê băng “con heo” xem cho đã đời. Hết cấp hai, hắn chỉ đỗ vào trung học phổ thông Bán công, một cái trường ven ngoại, tập trung toàn những con nhà nghèo, lại lười học, ngổ ngáo. Giáo viên dạy hợp đồng, sợ học sinh hơn sợ cọp, chỉ dạy cho xong nghĩa vụ. Được bố, mẹ thương vì tàn tật, hắn lang thang, lêu lổng, bỏ học giữa chừng…

Thấy chồng im lặng, vẻ đăm chiêu. Xuân lại tấn công tiếp:

- Khu này dân đông, hàng quán nhiều nhưng chưa ai bán bánh đa cua. Chúng mình thử xem sao nhé! Anh cứ để em lo!

Đôi tay hay lam hay làm của Xuân nắm chặt bàn tay tàn tật của hắn, lắc lắc. Lòng se lại, nước mắt trực trào ra. Đời hắn côi cút, nếm bao tủi nhục đắng cay. Gặp Xuân, hắn như mụ đi trước hạnh phúc bất ngờ. Cô gái quê nghèo khổ, đơn côi đến với hắn như giọt sương ban mai hiếm hoi đậu trên tàu lá héo hon, nhàu nhĩ. Hắn chẳng mong muốn làm lại cuộc đời đó sao? Choàng ôm tấm thân trẻ trung của vợ, hắn cười thật hiền:

- Được rồi! Từ nay em sẽ là cái “cột trụ” trong nhà! Anh sẽ là phụ tá đắc lực cho bà tướng!

Xuân cốc vào cái đầu đinh của hắn:

- Có thế chứ! Nào đi chợ!

Từ hôm đó, vợ chồng hắn tíu tít bán quà sáng. Cô vợ má đỏ hây bên cái bếp lò nóng rực, luôn tay nhúng bánh, chan canh cua, thêm hai miếng chả lá lốt thơm đậm, vài cọng rau rút xanh mượt phủ lên trên. Khách hàng vừa ăn vừa thổi, nóng bừng cả người. Bát canh chưa kịp nguội thì đã hết. Anh chồng rửa bát, bốc rau, thái ớt… Cái miệng rộng luôn pha trò khiến quán lúc nào cũng ngập tiếng cười. Ông Toán, người khó tính nhất xóm, mỗi lần bê bát canh lại xuýt xoa: “Thằng này tốt phước, vớ được cô vợ rõ đảm!”. Hắn hỉnh mũi cười, cái đầu nghênh nghênh đắc ý ra trò.

Được một tuần lễ.

Cú huých từ phía sau làm xe đạp của hắn loạng choạng. Hắn chống vội chân xuống đất, quay lại. Chỏm tóc đỏ của Tư Sẹo đâm xỉa vào mặt hắn:

- Chào ông anh! Chóng quên bọn này quá. Sao lại ra đi không kèn không chống thế? Vào đây làm chén đã.

Hắn không thèm đáp, tiếp tục đi, nhưng Tư Sẹo túm chặt ghi đông xe:

- Đồ con lừa bám váy đàn bà. Nếu không đi theo tao, e rằng mụ vợ ở nhà có chuyện đấy.

Hắn chột dạ, lẳng lặng vào nhà Tư Sẹo, xuống giọng:

- Chúng mày tha cho tao đi! Tao đã có vợ. Thiếu gì thằng khác.

- Nhưng mày làm tốt hơn cả. Có vợ càng cần tiền. Làm thằng đàn ông mà để con vợ dắt mũi thì sống làm đếch gì nữa!

Hắn tức khí:

- Kiếp khòeo như tao rất cần vợ dắt mũi. Bố mày đây không cần thằng nào dạy khôn cả. Không làm là không làm! Muốn gì?

Tên ma cô vỗ tay hai cái, hai tên đồng đảng từ ngách cửa nhảy ra. Sẹo hằm hè:

- Cần dạy cho thằng này một bài học. Mày có muốn gẫy nốt tay kia không?

Cú đá nhanh như chớp của hắn hạ gục ngay một thằng. Qủa đấm như trời giáng giành cho Tư Sẹo. Nhưng ba đánh một, chẳng chột cũng què. Cuối cùng, hắn vẫn bị trói gô lại. Mắt trái tím bầm, đỏ sọc như miếng tiết. Môi nát giập, sưng vếu lên. Tư Sẹo lớn tiếng:

- Đánh tốt lắm. Nhưng đa số vẫn thắng thiểu số. Thế mày có hiểu rằng: Nếu không bắt tay với bọn tao thì mày sẽ là thằng đầu tiên vào nhà đá không? Xem đây!

Tư Sẹo bật băng hình lên. Hắn trố mắt nhìn hình ảnh mình đang xem hàng, đang nhận những bánh thuốc chết người từ tay Tuấn Béo, Hà Róm…Toàn những tay anh chị trong đường dây buôn bán ma túy. Tư Sẹo cười khùng khục, đểu giả:

- Bọn đồ đệ của tao cũng rất thích con bồ câu ngoan của mày, nó xứng đáng được bọn đầu trâu, mặt ngựa thưởng thức, nếu như mày cứ đội váy nó lên. Thế nào, có chịu không?

Hắn uất nghẹn cổ. Chúng đã nhằm vào chỗ hiểm nhất của: Âý là Xuân. Hắn oằn mình:

- Được, tao đồng ý!

Cả đêm không ngủ. Hai vợ chồng bàn đi tính lại. Xuân kiên quyết:

- Anh ra đầu thú đi. Người ta đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại. Dù anh có ngồi tù, em sẽ đem cơm cho anh, chờ anh mãn hạn, chúng mình làm lại cuộc đời.

Tim hắn nhói lên. Cái giá phải trả cho những năm tháng ngông cuồng và giồ dại của hắn thật là đau đớn. Nước mắt nghẹn trong tim. Hắn thổn thức:

- Xuân à, anh thề từ nay sẽ làm tất cả vì em, vì gia đình mình. Nhưng giờ, ngặt nỗi mình trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, mình anh không thể chống lại bọn chúng…

Hắn chưa dứt lời thì có tiếng chuông điện thoại.

- Chúng tôi là công an quận MX, mời anh lên quận đối chứng những lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Tư.

Hắn vã mồ hôi hột. Phen này chắc chết. Xuân nhỏ nhẹ:

- Anh cứ đi, khai đúng, đừng sợ. Em sẽ đi cùng anh…

Chưa đầy hai năm sau, hắn được ra tù trước thời hạn vì cải tạo tốt.

Con trai hắn đã bi bô tập nói. Thằng Khôi giống bố đôi mắt to với hàng lông mày đen, xếch lưỡi mác, giống mẹ khuôn mặt bầu bĩnh, cái miệng tròn vo líu lô suốt ngày. Đi đâu, hắn cũng bồng thằng bé theo, kiệu lên vai, mồm “nhong nhong” giả làm ngựa.

Sáng sáng, cả xóm phố này lại xúm xít vào hàng bánh đa cua, vừa ăn vừa nghe hắn ba hoa chích chòe đủ mọi thứ chuyện. Cô vợ má đỏ ửng, luôn mỉm cười, xinh đến là xinh.

Trung tâm Bồi dưỡng Viết Văn Nguyễn Du

Hà Nội , Tháng 6/2007




ĐỖ THỊ HỒNG VÂN


© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWVIETART

TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC