TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





TỪ NGUYÊN TĨNH

. Tên thật là Lê Văn Tĩnh .
. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1947
. Tại Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
. Hiện sống tại Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa,
. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994).
. Tổng Biên Tập Tạp Chí Xứ Thanh- Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh Hoá .

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Hàm Rồng ngày ấy (ký sự viết chung, tập 1 in 1984, tập 2 in 1978);
. Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn, 1991);
. Gã nhà quê (tập truyện ngắn, 1992);
. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết, 1993);
. Không thành người lớn (tiểu thuyết, 1995).

. GIẢI THƯỞNG :

- Giải thưởng văn học: Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn)
- Giải thưởng Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn;
- Giải thưởng văn học tỉnh Thanh Hóa - Mẹ (truyện ngắn),
- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Sông Hương 1993;
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1993; Gã nhà quê (tập truyện)
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1994. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết)
















CÕI NGƯỜI


CHƯƠNG 61 - 65



61

Bản không ngờ lại gặp Sanh, con cô Cánh giảng văn có tiếng ở trường huyện. Sanh cùng đậu vào cấp ba với Bản. Nhưng do em đông, mẹ của Sanh lại ốm đau quặt quẹo mà đi ngang. Có lớp tuyển giáo viên cấp hai cấp tốc, chỉ sau sáu tháng Sanh đã trở thành thày giáo. Về kiến thức thì khỏi nói, cô Cánh là người tài hoa, người ta bảo cô học không nhiều nhưng hiểu biết rộng, tự học mà thành giáo sư. Quê cô ở đâu tận Hà Tĩnh hay Huế không rõ. Tiếng nói đã pha đặc Bắc, đến khi đọc thơ văn mới lộ ra cái chất ngọt thật lạ lùng. Sanh cũng thừa hưởng của mẹ phẩm chất ấy. Nhưng sống từ thời thơ ấu với dân bản địa nên chả khác là mấy. Chỉ khi nhập vai vào nghề nghiệp thì mới toát ra cái vẻ khác người...

Bản đang ngơ ngác trước cảnh vật rừng núi, tiếng pháo bầy dội ầm ầm không dứt. Tiếng động cơ máy bay hòa lẫn vào không gian gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi và buồn ngủ. Quan sát các thủ trưởng ở mặt trận, thảy đều gày gò, xanh xao... Mắt thâm quầng, nhưng lóe ra những tia thật đặc biệt. Ông thủ trưởng, chắc là cao nhất trong đoàn của mặt trận tay bắt, miệng hỏi: Đi đường mệt không? Được chiến đấu ở mìên Nam phấn khởi chứ ? Bản cũng như những người lính khác, dạ vâng trả lời... Các cán bộ đi theo ông thủ trưởng, cũng bắt tay các chiến sĩ vừa hành quân hàng ngàn cây số vào mặt trận. Một người nhỏ lách ra khỏi đoàn cán bộ, reo lên:

- Kìa ...thằng Bản...Có phải thằng Bản không đấy?

- Anh... anh là... Bản chưa nhận ngay ra Sanh. Thói quen từ ngày vào bộ đội, Bản luôn gọi những cựu binh hoặc cấp trên là thủ trửơng hoặc là anh. Có thể đó là sự thế thủ hoặc Bản không dám coi người từng trải là bằng vai phải lứa với mình.

- Cái thằng... Tớ là Sanh ở thị trấn Vạn đây ?

- Trời ơi.....Sao lại ở đây.... Ông đi dạy ở miền núi rồi cơ mà? Bản ngạc nhiên. Thoắt mừng rỡ vì không ngờ được lại gặp Sanh.

- Chuyện còn dài.... Mình đã có mặt ở đây từ hai năm rồi! Sanh cười.

- Báo cáo thủ trưởng cậu Bản cùng quê với em...

- Vui hỉ.... Mình ưu tiên cho cậu ấy về đơn vị cậu đấy !

- Ồ... Vâng ! - Sanh vui vẻ trả lời. Thế là Bản thành lính trung đội của Sanh. Sanh bảo, tớ làm nhân viên trên mặt trận. Lính mình thì tếu quá nên được cho xuống đơn vị. ở đơn vị có cái thích nhưng ác liệt đấy. Không ngờ lại gặp nhau phải không. Mình dạy học đựơc hai năm. Bằng cấp thì không được đào tạo qua trường. Ông già nhà mình bảo, có dịp lướt qua thôi. Cái chủ yếu là biết làm nghề. Với lại nhà mình đông các em quá. Mẹ mình lại ốm đau. Cũng muốn qua đại học, nhưng đành chịu ....Hai năm dạy giỏi, tớ được đề bạt là hiệu phó, phụ trách chuyên môn và đựơc kết nạp vào Đảng. Kể ra thì có thể yên ổn mà dạy học. Chờ cho ông Hiệu trưởng được điều lên phòng, chân hiệu trưởng chắc là đến tay mình thôi. Ông cụ nhà mình có quen biết cả một lô mấy ông ở Ty mà...Nhưng cậu biết không... Tớ lại yêu cậu ạ... Tớ yêu cô bé về thực tập ở trường...Em là người bên Mía ra trường là nàng xin về dạy cùng trường. Giáo viên thiếu lắm, lại có sự can thiệp của ông già nữa...Mẹ mình cũng vui lắm...Con bé đến là hay. Bà cứ tấm tắc khen với mấy bà giáo cấp ba... Chuẩn bị rồi, chuẩn bị mai kia là tổ chức cưới. Nàng lại chính là người cùng quê với mình, gia đình ra ngoài này từ lâu rồi. Cha nàng là người làm Phòng thuế có thâm niên. Khắt khe với bọn con trai đến gặp nàng như người nhìn con buôn; nhìn ở đâu cũng như người gặp buôn lậu trốn thuế. Vậy mà với tớ con cô giáo Cánh có tiếng nói chuyện Kiều hay lại tỏ ra cởi mở, ưng thuận. Tớ đã bỏ ra cả một kỳ nghỉ hè cùng nàng về quê em và quê tớ để trình diện họ hàng. Thật chẳng để đâu cho hết niềm vui...ở quê mình người ta khen nàng đến mát dạ. Con giáo Cánh lấy đựơc đứa vợ thật là khéo... Đến quê của nàng bên con sông Lam dù đã xảy ra chiến tranh rồi, nàng cũng được họ hàng chở đi bên dòng sông lên thượng nguồn chơi. Cậu có biết nàng đã thổ lộ với tớ gì không? Nàng bảo, yêu tớ thì có yêu đấy. Nhưng mê nhất là bà cụ nhà mình. Cụ giảng văn hay lắm. Nàng hy vọng sẽ học đựơc nhiều ở tài bình Kiều của mẹ mình. Ban đầu mới nghe có vẻ có lý lắm. Nhưng ngẫm lại thấy thật buồn. Mẹ mình đâu có lỗi chả lẽ vì bà có tài mà mình lại ghen tức với bà đựơc ư? Nhưng mấy lần ngồi quan sát nàng nghe ngoại khóa mẹ mình giảng thì mình thật khó chịu. Ở ánh mắt của nàng nhìn thật là lạ... Mình quyết định xin nhập ngũ. Đi tìm tình yêu đích thực của cuộc đời. Mình phải tìm thấy niềm hy vọng vào tình yêu do chính bàn tay của mình. Mình nói với cô nàng. Em là một cô gái tuyệt vời. Nhưng anh không thể là người đền đáp lại tình yêu của em, chia tay nhau thì hơn. Anh sẽ lên đường nhập ngũ đợt này. Nàng bảo, không nên để cho hai gia đình thất vọng. Điều kiện phấn đấu của anh thật là tốt. Biết đâu cái chức vụ Hiệu trưởng của một trường đang chờ đợi nay mai. Ta cứ cưới nhau thôi. Mình thấy chưa đủ tự tin để làm người chồng. Nhất quyết chia tay. Ra đi lúc này, mẹ và các em của Sanh cũng buồn lắm. Ông cụ cũng khuyên can, mình không thể nào nói hết đựơc với cha mình. Nhưng nhất quyết không thể là người hèn ở cõi đời này.

Mình đã nhập vào đội ngũ những người lính vào mặt trận. Cậu bảo có ác liệt không hả ? Nếu cường điệu lên là giữa cái sống và cái chết cận kề nhau. Bảo là cái chết luôn luôn ập đến thì sao qua Mậu thân (1968 ) mà tớ vẫn còn sống. Nhưng chết dễ như chơi. Cậu vào đến đây được là tốt rồi...Từ đây vào Đà Nẵng không xa, vài chục cây số là gặp hàng rào điện tử rồi đó. Cậu đã nghe đến tên sông Thu Bồn và Vu Gia chưa ? Nghe rồi hả... Thật là thơ mộng và hiền hòa. Nó từ rừng đại ngàn chảy theo hai nhánh về gặp nhau ở Giao Thủy rồi lại tẽ ra thành nhiều nhánh về Hội An có tên là Trường Giang, về góp nước để chảy ra sông Hàn... Nó như dòng sông Tra, sông Cái quê mình gặp nhau ở Vạn, ở ngã ba Bông đổ ra Hà, ra Hội...Những năm qua tớ ở nhiều đơn vị. Từ anh tân binh đánh nhau trong trận tổng tấn nổi dậy. Tớ đã trở thành cán bộ tiểu đội rồi trung đội...Rồi phái viên. Tớ đi hết cái miệt cát của sông Vu Gia đánh vào quận lỵ ái Nghĩa. Về vùng cát Gò Nổi bám trụ cùng dân xây dựng du kích ở sáu xã. Đi qua Đại Lộc về xóm nhỏ Thu Bồn. Nhìn lại xóm nhỏ Thu Bồn, chợ Phú Đa lại nhớ phố huyện nhà mình. Nơi chợ phủ bò cái ngày nhập học ta ra cây đa có nhiều trâu bò cột ở đó. Có trạm thu thuế ở cạnh cửa hàng mậu dịch. Ăn một bát bún bò còn nồng nặc mùi vôi, lơ thơ vài sợi lông bò chưa cạo sạch đã thấy ngon. Tớ đã nằm chết lịm trong hầm ở An Hòa, ở Duy Hòa, Duy Tân bao lần rồi. Nhớ đến bát bún bò nồng nặc mùi vôi. Lạ thế tớ nhớ đến cậu đó, không phải nói điêu đâu. Thấy cậu vào đơn vị mà kể bịa. Đói lắm, sau cái đận vào thành phố ấy mà... Tớ đã nhìn thấy mình chết rồi...Cậu có tin không?

Tớ chết trăm phần trăm là khác... Cậu có định đào ngũ không? Trên đường vào đây có thiếu gì những nơi có thể quay được. Vào được đây rồi, cậu làm sao có thể ra đựơc. Lấy gì mà ăn. Cậu chưa kịp ra đến nơi có khi chết đói ở dọc đường. Tớ đã chứng kiến có cậu chết khô trên ngọn cây. Có lẽ hắn sợ cọp, sợ biệt kích, sợ cả bên mình mà trèo lên đó. Nằm trên chạc của ngọn cây. Lúc leo lên thì dễ. Sợ hãi mà có thể hắn liều mạng trèo lên đó. Nhưng lên được đến nơi thì thần hồn nát thần vía không tài nào xuống đựơc nữa. Xác khô dính vào cây. Như thể là thân cây khô khốc, rắn lại không tài nào mà tách ra đựơc...Tớ đã gặp rồi. Không cường điệu để cậu sợ đâu...Dạo ấy mới vào. Các đơn vị thiếu người lắm. Xuất ăn thì giảm dần. Hai lạng một ngày, còn một lạng, rồi đứt bữa. Đơn vị cử người đi lấy gạo, nghe tin lấy gạo đã mừng. Nhưng đi lấy đựơc gạo có khi không về nổi. Gặp biệt kích. Hoặc thủ kho mà thương cho tăng thêm vài ba vốc. Ban đầu thấy nhẹ, càng đi càng lả ra. Mà làm sao có thể thổi nấu nơi rừng già. Nhai gạo. Ban đầu ngọt lắm. Càng nhai càng đói. Bụng căng cứng lên lúc nào không hay. Nằm là ngủ. Không thể nào mà dậy nổi. Cái thằng mà bị dính trên cây ấy cũng ở trung đội tớ đấy. Ban đầu nó cũng hăng lắm. Nhưng có lần nó mới hỏi dò tớ. Giả sử nếu cho cậu ra Bắc. Một mình cậu có nhớ được đường không. Tớ thừa biết cậu ta đang dò bụng người. Mới hỏi lại, cậu ra nổi một mình được sao. Hắn bảo, hắn nghiên cứu địa lý rất tỉ mỉ. Trèo lên mà nhìn ngọn cây. Lá ở hướng mặt trời bao giờ cũng xanh hơn và dày hơn. Tớ nghĩ bụng còn xa mới trèo lên được ngọn cây mà nhận ra phía mặt trời mọc. Thằng cha thế mà ghê thật. Hắn bảo thà chịu khó mà đi lao động cải tạo một vài ba tháng còn hơn ở trong này mà chết. Không chết vì bom đạn thì cũng bị chết đói, chết khát. Hắn bảo ngoài đó đã có người nhà làm cán bộ ở tỉnh. Thế nào cũng cạy cục đựơc. Tớ mà ưng, hai thằng đi cho có bạn. Tớ nói không ra được, vì hận người yêu. Còn mặt mũi nào mà nhìn thấy con người ấy. Hắn cười mũi tớ. Loại đàn ông đàn ang gì mà bận vì đàn bà. Hắn hỏi tớ, táy máy được con trời đánh ấy chưa? Chưa mà chết kể cũng tiếc. Hắn bảo, nhìn thấy những chàng trai chưa vợ mà chết thì thương lắm. Tớ đốp lại, làm sao mà nhận ra là con trai chưa có vợ. Hắn nhìn mặt tớ như kiểu mấy bác lái đò ngoài chợ Phủ. Cái ngữ này mà đòi trở thành anh hùng kia à ?

Hồn người có vợ khi đi hai chân khạng nạng, vì quá sức mà trời đày. Kẻ chưa qua làm đàn ông còn khát khao lắm...Lần đi lấy gạo ấy nó vù thật. Tớ bị chết hụt ở đấy. Hắn tên là Ngoan. Chà cái tên mới đánh lừa người đời. Mấy ông trên khi nghe nó phát biểu liên hệ về gia cảnh thì cảm động, tin sái cổ. Hắn bảo bố mẹ hắn đi ở cho địa chủ. Vì không trả đựơc nợ mà năm nó lên bảy phải gán cho nhà địa chủ để trả nợ. Địa chủ không cho ngủ. Lấy que mà chống mi mắt lên. Khốn nạn nhất là bọn chó đẻ ấy bắt quạt cho chúng ụych nhau. Một lần vì không chịu nổi ngủ gật, không quạt. Chúng mới bắt nhịn ăn. Cho một chiếc nồi đất vào chày bắt đứng mà giữ không cho rơi chày xuống cối...Văn hóa hắn thường thôi. Đâu lớp hai lớp ba gì đó. Nhưng được cử làm tiểu đội phó. Chia cơm ăn rất khéo. Bao giờ cũng dấu một ít cháy non, nói rằng để hàng tháng nấu nước, nhưng đêm nằm rí rửm nhai...Tớ khốn khổ vì thằng Ngoan báo cáo với cấp trên chép thơ tình trong sổ tay...Đến dạo bị địch đuổi đánh, bị đói nó hành mới lòi cái mặt ra. Thằng khốn đó phản mình thì chết. Tớ mới đốp lại, dù chết quyết không quay...Ba đứa vào đến kho gạo ở Kỳ Sanh thì tối. Bữa ấy đựơc ăn no. Anh chàng thủ kho hào phóng cho đổ gạo đầy bồng. Ngoan bảo, tranh thủ quay trở về đơn vị kẻo ở nhà bọn nó đang đói. Cái thằng, bụng dạ đểu thật.

Đi được chừng nửa đường thì trời tối. Đêm ở vùng ven có khác chi là ngày. Đại bác bắn. Máy bay thả pháo sáng. Tiếng súng rộ lên...Ngoan mới bảo:

- Ta nghỉ thôi các cậu!

- Sao bảo đi suốt đêm về đơn vị ? Tớ hỏi lại .

- Ngu lắm... Không nói; lão thủ kho hắn tiếc đòi lại gạo thì sao? Ta ngủ cho cái bụng nó ngót rồi hãy đi.

- Cắt nhau gác chứ ? Thằng Đấu hỏi lại.

- Thôi hai đứa mày ngủ đi...Tao gác cho.

Lâu rồi mới được bữa chắc dạ lại tham mớ cháy khô, tớ ních căng bụng, uống nhiều nước vào nên đau bụng không tài nào mà nhắm mắt đựơc. Tớ đi ngoài, chắc là lị nó hành. Ngoan mới bảo, để hắn kiếm cho ít thuốc nam. Tớ cũng tin vào sự khôn ngoan, hiểu biết của Ngoan.

Hắn bảo cố nhai nuốt đi là khỏi liền, ai ngờ chưa nuốt hết nắm lá thì người lịm đi, không tài nào mà dậy nổi. Tớ chết đến cuống họng rồi...Không còn biết trời đất là gì ...

Mày biết không, ba ngày sau không thấy tổ đi lấy gạo trở về. Đơn vị mới cử một nhóm khác đi lấy gạo tiếp. Họ vào kho hỏi, thủ kho mới nói toán của Ngoan, Sanh, Đấu và Khiêm về cách đây đã gần tuần, ai cũng đoán chắc là bị biệt kích tóm gọn rồi. Không ai có thể nghi ngờ bọn này đào ngũ. Ngoan, miệng dẻo quẹo, mới được đề bạt trung đội. Các đợt sinh hoạt chính trị đều được biểu dương là tích cực. Làm nội vụ bao giờ hắn cũng là đứa nhanh nhất. Chả thế, có lần Ngoan đã cạnh khoé rằng phải chống lại tư tưởng tiểu tư sản trong chiến đấu. Nó móc mách tao đấy, mày hiểu chứ. Chẳng gì cũng là con em nhà cán bộ giáo viên, nhà giáo mà lại...Với Sanh thì không ai nghi ngờ là đào ngũ, sau này các cậu trong đơn vị cũng cả quyết như thế. Đại đội báo lên tiểu đoàn, tiểu đoàn cũng tin vào bọn này. Hẵng khoan báo cáo lên mặt trận. Có thể bị địch bắt, hoặc vớ phải mìn nghẻo rồi. Nhưng phải điều tra cho kỹ. Có hàng ngàn lý do mà.

Mày biết không, tổ đi lấy gạo đó cũng quyết tâm vượt chặng đường ác liệt về để đơn vị có gạo ăn. Ai cũng chờ đợi, đến mỏi mắt vì cánh này, lại thêm tổ đi sau nữa...Họ cắt rừng mà đi. Nói thật cho mà biết, cánh lính trước Mậu Thân, còn được thằng nào thuộc lòng rừng núi, sông suối ở nơi đây. Chỉ quân lạ hoắc hoặc tân binh mới vào là lớ xớ ăn đạn. Chúng nó đi theo đội hình của tổ ba người, cách nhau một tầm bắn, có gì còn có thể viện trợ được cho nhau....Định đi qua đêm, nhưng mệt quá họ đành căng võng châu đầu vào nhau mà ngủ. Mệt, lại được ăn lưng lửng cái bụng, nên các chàng lính nằm ngủ quên cả cảnh giác. Các cậu ấy giật mình vì nghe tiếng kêu khóc. Không phải tiếng khóc của vượn mẹ nhớ con vì bom đạn, hoặc cánh lính săn để cải thiện đâu...Khóc rỉ rả, lại còn nói cả tiếng người nữa...ối... cha mẹ... ơi...Tiếng kêu khóc thoảng trong gió...ở rừng đêm mà nghe thì sợ lắm. Chuyện ma quỷ mà cái lão Ngoan kể bây giờ mới ngấm, làm sợ có dễ són đái. Nhưng chả lẽ ma khóc mãi được sao? Họ mới quyết định thu dọn tăng võng, để lại bòng gạo, lên đạn tìm nơi phát ra tiếng khóc. Cái sợ phải nhìn thấy cho rõ, cứ hối thúc. Họ đã tìm ra cái nơi phát ra tiếng khóc. Ban đầu ai cũng tưởng là con vật kêu. Thì ra là một đống lù lù, bị trói vào một khúc gỗ. Bọn chuột rừng đã xơi một miếng vào mông, to bằng cái bát B52 ấy.

Cũng may nó chưa đánh đứt cái khoản kia . Vì sao có trời mà biết được. Sau này mới đoán già đoán non, chắc là có gạo và lương khô nên lũ chuột mới không muốn nhấm. Cái miệng thì vẫn la ối ...cha ...mẹ ...ôi... Nhưng tâm thần không còn nhận biết gì nữa. Mặt thì sưng húp cả không ai nhận ra cái thân xác của kẻ khốn nạn. Phút cảnh giác là cần thiết qua đi. Xác định đây là người mình mới cởi dây trói ra. Thì quần áo, dây võng là bộ đội mà lại. Họ nhận ra tao thằng Sanh thầy giáo mà lại. Họ kiểm tra giấy tờ, đúng thẳng cẳng là thằng Sanh. Một miếng giấy viết mấy chữ: Sanh - Không thù oán gì cả...Nếu chết chớ oán, mà sống được cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi...Họ phải cáng tao về, phải một tuần nằm điều trị ở quân y thì mới lấy lại sức. Tao phải cố mà nhớ ra câu chuyện. Còn vết chuột cắn phải hàng năm trời mới đầy được cái hố ở mông đít. Những đêm mệt mỏi, tao vẫn nhận ra những chiếc răng sắc lẹm của chuột rừng gặm muốn xé nát mông mình ...

Nhìn thấy bộ mặt ngơ ngác của Bản, Sanh phì cười: Bản đừng ngại, cậu sẽ quen với chiến trường mau thôi... Có điều không được hèn nhát... Đừng mặc cảm về chuyện này nọ...

- Thế chuyện của cái cô giáo ấy thì sao? - Bản hỏi Sanh .

- Không động đến làm gì cho rầu lòng ... Không muốn kể nữa ... Thật mà , nói làm chi cho buồn hả Bản .

- Còn tay Ngoan có chuồn thoát không ? Bản háo hức muốn biết chuyện .

-Thôi, không nói nữa... ở ngoài đó, tình hình máy bay, máy bò ra sao ... Cậu có kể cho mình nghe được không ?

62

Có thể cả đời Bản sẽ không gặp lại Hiên nữa đâu. Cuộc chiến tranh này biết bao điều chắc trở sẽ xảy ra. Có thể Hiên lại ngã xuống nơi hậu phương trong tay chỉ có cuốc, xẻng để tự vệ. Hậu phương, ai bảo không ác liệt. Ai bảo không bất chắc, kề cận giữa cái sống và cái chết. Và có thể Bản sẽ ngã xuống nơi mặt trận đầy ác liệt này. Hàng ngày, máy bay gầm rú. Tiếng pháo bầy, pháo chụp, tiếng pháo bắn cầm canh. Ăn đói, mặc rét Hiên không nhận ra được gian khổ của người lính chiến thực thụ đâu. Họ nằm sốt liên miên ngày này qua ngày khác. Chống chọi với sốt rét. Với thiếu thốn. Họ tin vào cái gì nhỉ ? Trời phật trong chùa bảo họ, cho họ có đức tin ấy chăng ? Hay đức chúa của Hiên cho họ niềm tin cao cả ấy? Họ không biết các ngài ấy. Họ chưa từng chịu lễ rửa tội như Hiên đã dắt Bản trốn ở góc nhà nguyện nhìn trộm cha nàng làm lễ đâu. Họ cũng không có cái may của Bản cùng với Phách trốn ở trong chùa Hoa, nửa đêm thức dậy giật mình nhìn thấy mọi tượng thờ đều nhìn mình một cách nghiêm khắc. Muốn nghiền nát người Bản ra vì cả gan dám nằm ở giữa bục chùa cùng Phách, cái thằng con trời ấy. Nó dám cưỡi lên các tượng vừa lau mặt cho các ngài, vừa hát những câu phỉ báng thần thánh; trót nghe và nhớ được của mụ Thển lúc say rượu, váy tốc ngược trơ ra những thứ tục tằn... Bản được người chú họ bày cho bao trò tinh nghịch mà không sao dứt bỏ được tính nhút nhát, hèn kém. Vậy mà khi nỗi khổ ập đến, hất tung gia cảnh nhà lại thành đứa bé sớm âu tư, trì lợm. Biết im lặng không hé răng ra cùng ai. Tận lúc cô Tuyết đưa cho Bản lá thư của cha, Bản bàng hoàng sợ hãi. Có phải mọi cơ hội tự khẳng định làm người đã tuột khỏi tay Bản rồi chăng ? Không hiểu Bản gặp được Sanh, bạn học thuở nào là may hay rủi đây? Có thể có cả hai thứ. Nếu Bản mà vượt qua được sự hèn nhát, Sanh sẽ là người chấp nhận cho tấm lòng của Bản. Điều ấy có thể tin được, vì Sanh cũng đầy lòng tự trọng. Sanh không muốn núp dưới danh của người cha để lấy vợ. Sanh từ chối người vợ tương lai để đi vào chỗ chết. Sanh đã hỏi thẳng Bản đêm ngủ đầu tiên về đơn vị. Mày có gan thì nhằm vào kẻ thù mà bóp cò. Nếu bỏ chạy thì cái sợ nó đuổi theo sau lưng. Như người đi đêm sợ ma, càng ngoái lại phía sau, càng thấy có ai đang đuổi theo mình. Cố mà vượt qua, khống chế nỗi sợ hãi. Đạn không có mắt, nhưng biết tìm kẻ hèn nhát. Đạn cũng tới lúc nào, ai mà biết được. Sanh thác quần lên chỉ vào bắp chân cười nhăn nhở, nước da xanh mai mái nhìn mà thương: Bị thương đấy. Nó chen vào lúc nào không hay... Sanh nói với Bản chuyện cái thằng cha làm bị thương để được ra tuyến sau chưa nhỉ ? Hắn lấy cái mũ cho vào chân giơ lên cao lại thụp xuống, kiểu như chú lính vụng chạy trong công sự, chỉ muốn đạn nó chạm vào mấy ngón chân thôi. Ai ngờ nó cắt gọn cả đầu gối... Có ra Bắc được, cậu bảo cái ngữ ấy làm sao có thể thành người lương thiện?

Hiên biết không, Bản thật biết ơn cậu Sanh đấy. Cái thằng bé, loắt choắt ngày xưa ấy nay đã thành thủ trưởng của mình rồi. Bản cho rằng đã gặp may. Sanh kể cho Bản biết cơ man nào là chuyện. Kể nhiều làm cho Bản có lúc lại tưởng mình cũng là một người lính thật sự. Bản hỏi , vào trong này Sanh đã yêu cô nào chưa... Con gái miền Nam nghe nói mặn mà lắm. Sanh cười, làm sao có thể phân biệt được, so sánh được lòng tốt của người phụ nữ đất Quảng. Sanh bảo, có một tình yêu mà có thể nói còn lớn hơn tình yêu nữa kia . Vậy nó là cái gì kia chứ?

Một lần đơn vị đi đánh càn. Đánh lui được quân lính đi càn vào chợ Phú Đa. Lúc rút ra thì không may gặp trời sáng. Ông Tánh cái người mà cùng Sanh đón tiếp bọn Bản ở vùng B Đại Lộc đấy. Lúc đó là đại đội trưởng trực tiếp của Sanh mà. Sanh là chú liên lạc đại đội. Ngoài lo chuyện sự vụ hàng ngày lúc chiến đấu có nhiệm vụ bảo vệ thủ trưởng. Rút ra, không may cho Bản bị ngay một viên AR 15 nó nhằm vào bắp chân mà chui. Đau đớn và giận vì liên luỵ đến thủ trưởng. Sanh nói, thủ trưởng Tánh cứ đuổi kịp đơn vị đi, mặc em. Ông ấy không nghe. Cõng sang đến thôn Phú Đa 2 thì một cánh quân khác đến tiếp viện cho bọn đi càn. Bọn bay phục nơi chiếc cầu kia, còn tụi bảo an khoá lấy đuôi cho chặt không được để cho chúng chạy thoát. Bọn địch đuổi gấp quá. Phen này chắc là chết thật rồi. Sanh nói em nổ súng thu hút tụi địch. Thủ trưởng phá vây chạy ra lối ruộng hóp, chắc thoát. Thủ trưởng cần hơn em. Thiệt mà. Đang trong lúc không biết trốn vào đâu, có một người phụ nữ kéo tay, nói: Mấy anh đi theo lối này. Thật may, xuống hầm thì trên đầu đã nghe tiếng la. Tụi nó chạy vào lối này. Tiếng đạn chiu chíu trên đầu. Tiếng bước chân rầm rập... Chúng cho gọi cả xe ủi tới cày trên đầu. Tiếng pháo hết lượt này đến lượt khác. Tình hình thật bi đát. Căn hầm nhỏ, giành cho hai người, mà nay lại nhét tới bốn người. Thiếu phụ, mà không người con gái đó còn trẻ cậu ạ. Chết thật, có tiếng trẻ nhỏ khóc, thì ra còn đứa trẻ, có lẽ chưa đầy hai tuổi. Nó khóc làm cho mình và thủ trưởng Tánh giật mình. Ông mới nói , giọng không khỏi rầu rĩ : Cô ơi , chắc là đứa bé nghẹt thở... tụi này lấy hết không khí của cháu mất rồi !

- Ráng chịu đi mấy anh... Tụi giặc chắc sắp rút quân về rồi! Người mẹ nói chưa dứt lời thì đạn pháo nổ như muốn khui lật nắp căn hầm. Tiếng đứa bế khóc thét lên chắc vì chấn động, hoặc người mẹ không đủ sức cho em bé bú nữa rồi. Qua chiếc đồng hồ dạ quang của thủ trưởng Tánh, biết lúc này đã tám, chín giờ sáng. Trên nóc hầm lạo xạo tiếng bước chân bọn lính lùng sục. Có thể bọn lính nghe được tiếng đứa bé khóc mà tập trung lại để khui hầm chăng ? Không biết được. Nhưng phải chuẩn bị tinh thần. Nếu bọn địch mà phát hiện được hầm bí mật thì dù chết cũng phải bảo vệ bằng được hai mẹ con. Thủ trưởng Tánh nói thầm vào tai Sanh : Cậu sẽ nhảy lên miệng hầm bắn địch từ phía đông nam, còn mình sẽ khống chế địch ở đông bắc, chụm lưng vào nhau, dù chết cũng phải bảo vệ cho được hai mẹ con cô gái. Từ lúc vào hầm cũng chưa hỏi tên cô ấy là gì. Không tiện hỏi, mà nói cậu không tin đâu, phải tiết kiệm từng tí không khí. Căn hầm quá chật chội chỉ cần cựa quậy một chút là có thể ép làm cho đứa bé ngạt thở. Tiếng khóc của đứa bé nghe như sát muối trong ruột. Người mẹ xụt xịt nói rất khẽ, nhưng ai chả nghe thấy: Con trai ơi! Nín đi mẹ cho ậm nè! Nó vẫn khóc, nhả núm vú ra mà khóc ngoặt ngẽo. Thủ trưởng Tánh moi từ trong bồng ra gói lương khô dúi vào tay người mẹ: Cô ... nuốt lấy chút ... Có sữa cho cháu!

Thằng bé khóc gắt . Trên đầu tiếng bước chân đi lại như muốn làm cho đổ sập căn hầm bí mật. Chừng chập chiều thì bọn địch rút. Người mẹ nói : Mấy anh tung nắp hầm lên đi ... Tung được nóc hầm lên thì người mẹ bợt bạt mặt mày ôm lấy đứa bé, miệng nó cắn chặt lấy núm vú. Thằng bé không còn thở nữa. Có thể bọn này đã hớp mất không khí của nó. Cũng có thể để bảo vệ cho hai người lính mà nàng đã làm cho nó tắt thở mất rồi ...

Đó ... người đàn bà mà mình yêu từ dạo vào trong này là chị ... Bây giờ không hiểu cô ta ở chân trời nào ?

63

Sau lần theo Sanh đi điều nghiên ở Ái Nghĩa về, hắn nói một câu cộc lốc : Mày cũng được đấy. Không như mấy đứa học sinh mồm miệng thì dẻo quẹo mà nhát. Không quan sát cho kỹ là chết oan đấy. Mình chết thì rõ rồi. Đừng để người khác chết vì sự hèn nhát của mình. Mày bảo tao có sợ không chứ gì . Không nhìn thấy nó, nó vô ảnh, vô hình xuất hiện như con ma, mình không biết mặt, chứ giáp mặt thì không ai kịp hỏi mình "tồn tại hay không tồn tại","sống hay là chết " ....

- Thủ trưởng có tìm thấy người mẹ ... Mà cái cô đã cứu sống hai người ấy không ?

- Tìm chứ ... Qua vùng Gò Nổi thời ấy thật khó khăn ... Dân bị càn quét , bị dồn lại lập ấp, nên bụng thì thương mà bên ngoài phải làm giả chối bỏ mình, che mắt địch mà lại ... Tìm hoài, không gặp được người mẹ ấy. Thủ trưởng Tánh có hỏi khắp nơi, có lẽ chị ấy đã chuyển đi nơi khác mất rồi ... Mà khi có hai đứa , mày chớ câu nệ gọi là thủ trưởng .

- Nhưng làm thế sợ đồng chí khác bảo tôi dựa dẫm đồng hương thì mất hay.

- Đã vào được đến đây... Đồng hương đồng khói gì nữa... Tớ không lấy cái cô giáo ấy là đúng cậu ạ! Cô ta chỉ vì quý mẹ mình, muốn phát triển nghề nghiệp mà đồng ý lấy, thật ra mình chưa đủ phẩm chất làm người đàn ông đàng hoàng. Tôi thấy thủ trửơng Sanh đĩnh đạc ra phết. Bản thú thật với Sanh sự cảm phục. Sanh cười thành tiếng, chuyện. Tớ vào đây trứơc cậu tới ba năm. Trải qua cái sống, cái chết từng ngày... Qua lần mẹ con người mẹ cứu mình, nói thật với Bản, tớ dặn lòng, không thể là thằng hèn nhát dù có phải hy sinh, chứ nhất quyết không chịu đầu hàng kẻ địch...

- Thế cái thằng Ngoan có chuồn thoát không hở thủ trưởng ?- Bản hỏi bạn.

- Cái thằng... Tớ sẽ không khoan nhượng với cậu sự hèn nhát đâu nhá !

- Thì qua chiến đấu, tôi cũng học tập được....Nhiều điều... Bản định nói, gặp đựơc Sanh là điều may mắn, nhưng kịp kìm lại... sợ Sanh hiểu lầm về động cơ của mình. Dù sao Sanh cũng cùng lứa tuổi là bạn học thuở cấp hai ở quê nhà. Bản dù sao cũng phải giữ lòng tự trọng.... Có nên nói với cậu ta về chuyện ông ấm Vệ không nhỉ ? Lỡ cậu ấy báo cáo lên trên thì nguy. Chắc Bản sẽ không đựơc tiếp tục đi chiến đấu. Bản làm sao thanh minh về sự ra đi đó. Tình hình bên này lại rất căng thẳng.

- Cậu làm sao mà mặt lại thộn ra thế ? Nhớ cái Hiên chứ gì?

- Đâu có... Nghe nói nó bị thương được chuyển về tuyến sau rồi... Điều trị ngoài Nam Hà.

- Cái Hiên có phải ở xứ Bách Phượng không cậu ?

- Bách với La Hà cùng rẻo đất Cõi cả mà... Cái dạo ấy lao động vét sông ông không nhớ sao... Nhà nó qua con sông có cây cầu khỉ ấy...

- Ơ mà cậu hỏi tớ chuyện cái thằng Ngoan ấy hả ?

- Vâng !

- Bản không hiểu tại sao lại có thể dạ, vâng với Sanh một cách tự nhiên như vậy.

Lòng thấy thèn thẹn, cũng không hiểu đựơc do lòng kính trọng, hay địa vị của Sanh mà mình đã trở nên dè dặt và lễ phép.

64

Một lần tớ cùng một tổ cắt rừng sang vùng B Đại Lộc, chọn con đường ít có người qua lại mà ngược lên phía Trà Mi. Thực tình có thể len vào đừơng mòn mà đi. Đó là những người thạo đường, nắm vững hoạt động của định chứ lớ ngớ là bị biệt kích nó xơi ngay. Đi ngày thứ nhất, vẫn còn cơm nắm để ăn. Nước hết thì có nước suối. Cậu bảo đi làm chi hả. Đó là lần đi đón tân binh hụt. Thấy nói có lính bổ sung là ai cũng thấy mừng rồi. Đói ăn thì rõ rồi. Nhưng thiếu quân thì làm sao trụ nổi. Đi đánh càn thì có thể nghi binh lực lượng; công đồn, lực lượng mỏng khó mà áp đảo được địch. Lúc này bọn chúng đang hý hửng mà. Quyết tâm không cho việt cộng đứng chân ở vùng ven, vùng đồng bằng... Tất nhiên, phải có thời gian cậu sẽ quen với địa hình nơi này. Loáng cái sẽ trườn ra sông Thu Bồn, có thể về Vu Gia qua vùng Gò Nổi hoặc lên Ái Nghĩa. Đầy tiếng pháo đanh bắn, đó là vùng An Hòa, Đức Dục đấy... Tại sao có thể nghe và phân biệt được hả...Nằm xuống đất đi, áp tai xuống đất là có thể nhận ra được... Chả thế mà thủ trưởng Tánh có lần đã nói quá, khen tớ là sinh ra đã có năng khiếu trận mạc, làm cho cái cậu đó nó ghen... Cái thằng cha Ngoan đó...Nó chết rồi... Đi không thấu được con đường qua Căm Pu Chia, sang Lào... Nó trèo lên cây, ngồi ở chạc cây mà chết. Hắn ngủ. Ngủ một mạch rồi không bao giờ dậy được nữa. Gạo trong miệng trương lên làm cho hắn tắc thở. Không biết được. Người khô đét như thể là khối u của thân cây. Lạ thế....Bọn này khốn khổ mới tách được hắn ra. Làm sao mà biết được hắn hả... Không dễ gì đâu... Nhưng chứng minh thư của hắn may mà chưa bị mại hẳn. Do ép nhựa mà lại. Hắn ngồi ở chạc ba. Súng vẫn bòng trong lòng. Dính chặt vào cây....Xác không bị sâu bọ ăn mất. Lạ thế. Sau này kể lại, có người bảo có lẽ cây đó tiết ra cái nước gì đó mà diệt đựơc ròi bọ. Xác của hắn đã dính liền vào cây. Y như thể được nhà điêu khắc tạc hình người ngồi bồng súng. Một chân co, một chân duỗi ra. Mấy cậu ấy bảo, nếu có máy ảnh mà chụp lại thì chắc có tầm cỡ thế giới...Bọn này thật khốn khổ vì phải loay hoay đẽo tách nó ra khỏi cái cây người....Làm sao mà tìm ra hả ? Đêm ấy tụi này cơm nước xong. Lấy ít lá chè rừng cho vào bi đông nấu uống. Cái món chè xanh rừng uống đã quen, vậy mà hôm đó uống nhiều, đặc nên mất ngủ. Hai cậu kia nó trẻ, vô tư nằm là ngáy liền. Tớ không tài nào mà nhắm mắt nổi. Hết gà gáy, lại nghe tiếng vượn hú tìm bầy. Đêm ấy trong rừng sâu tối lắm. Âm âm khí rừng thật nặng nề. Xưa các cụ nói. Khí núi hồn sông, mình học thấy xa lạ. Dù có giảng kỹ đến mấy cũng không tài nào tửơng tượng đựơc. Bây giờ khí núi nặng tưởng với tay ra là nắm đựơc. Đang chà tơí đè lên ngực, lên mặt. Một mùi ẩm có dễ hàng ngàn năm mới có dịp được mở nút ra đè vào mũi mà xông. Tớ choáng cả đầu óc, mặt mũi... Chập chờn đôi cánh của màn đêm xà tới, nhấc bổng ta lên mà bay... cha mẹ ơi... Cái gì vậy... Cái thằng Ngoan đào ngũ nó cứ lao vào ta... Nó cười nhăn nhở. Định nói cái gì không biết. Muốn đánh thức hai cậu kia mà không tài nào đánh thức nổi. Với cánh lính trẻ không được làm cho chúng sợ... Thấy mặt cái thằng Ngoan ấy rõ mồn một. Da nó trắng trẻo, cái miệng dẻo lắm. Bữa mới vào môi đỏ chót như con gái. Thế mà bây giờ thâm xịt. Sốt rét, thiếu thốn đã nhuộm một chàng trai thành già nua. Có lúc rất giận, rồi lại thương một cách xót xa....Con người ta, có lúc hào khí bị lấy mất, còn lại sự hèn nhát. Nó đã trói ta vào gốc cây, bỏ ta xuýt bỏ mạng, nếu không được cứu kịp thời.... Vậy mà mi đã về được ngoài đó chưa ? Mi có kể chuyện chi với cánh nhà báo hóng chuyện, thêu dệt mi thành một nhân vật anh hùng. Biết đâu chả có người bị mi lừa mà dựng thành anh hùng. Bắt những người không biết về sự hèn nhát của mi học tập. Ừ thì không biết về cái xấu của mi thật. Mi tưởng ta cũng bỏ mạng rồi sao ? Nếu mi có dã tâm đó, ta thề nếu còn sống ta sẽ vạch mặt mi nghe chưa ?

Lạ thế, cái thằng cứ nhắm mắt lại, thiu thiu ngủ thì nó lay dậy. Nó khóc nó cừơi, nó nhảy nhót xung quanh. Lại còn đánh đu kéo võng của ngừơi ta nữa. Tớ đã kể lại tâm sự này với thủ trưởng Tánh - Ông bảo, có lẽ hàng ngày sống với nhau sâu nặng mà tưởng tượng ra.

Tớ bảo thấy rõ ràng, mồn một từ đó đến sáng không tài nào mà bình tĩnh, ngủ lại đựơc. Thằng Ngoan đến đầu võng cầm tay, nhìn bộ mặt thật đáng sợ. Thật tình không muốn giết mày đâu, Sanh ạ! Tau chỉ muốn maỳ cùng đi. Mày thạo đừơng đất đưa bọn tau về đất Lào, là có thể về được đến nhà an toàn. Có phải đi lao động cải tạo, cũng chịu được. ở đây chịu đói, đánh đố với cái chết, biết có về gặp lại ngừơi thân đựơc không. Bộ mặt nó mới đáng sợ làm sao....Đánh thức hai cậu lính dậy. Đi theo mùi xú khí ấy. Đến gốc cây thì bóng của hắn biến mất. Chờ cho sáng cũng đến chín mười giờ. Ở trong rừng đại ngàn mặt trời lên cao cũng chưa có ánh sáng. Phải khó khăn lắm mới đưa được hắn xuống lấy chiếc tăng quấn lại khâm liệm cho hắn ở ngay gốc cây hắn đã trèo lên. Ở rừng sâu phải xếp đá lên kẻo muông thú nó đào mất. Tớ phải trình bày với thủ trửơng Tánh. Dẫu sao thì Ngoan cũng là một cán bộ trung đội. Có thành tích đánh nhau. Chỉ vì gian khổ không chịu đựơc đã làm chuyện dại dột. Đằng nào nó cũng đã chết rồi. Không nên để những đứa con của nó ngoài đó phải chịu tiếng là có người cha hèn nhát, đào ngũ. May mà mặt trận chưa gửi giấy về địa phương. Ông Tánh bảo, chuyện này không được nói lộ ra, kẻo ảnh hưởng đến tinh thần của bộ đội . Tại sao lại nói ra cho mày nghe hả. Không muốn cho mày lại hèn nhát. Có một người bạn cùng quê đã quý, nhưng thêm một đứa cùng quê lùi bứơc là mất mát lớn lắm... Lạ thật, cũng từ hôm ấy ngủ nghê cũng ngon giấc hơn. Chắc thằng Ngoan nó yên lòng nằm ở đó. Chắc người chết cũng rất cần người sống thấu hiểu cho tấm lòng của mình.

65

Người đời hay nói ra lúc chia tay, là trái đất tròn. Hứa hẹn sẽ có ngày gặp lại. Gặp lại trong sự may mắn. Bản từ lâu vào chiến trường cũng mong gặp được đồng hương. Bản thả những lá thư cho người ra Bắc, mong đến được người thân. Gửi cho mẹ , cho Nguyên, cho Hiên và cho Xoan. Bản tin vào những người đã gặp ở dọc đường. Họ cũng có sự khao khát mong đựơc gặp người thân, nên không nỡ vứt những lá thư của Bản. Bản thương mẹ, thương em. Ngày trở về gặp mẹ và em chắc còn xa xôi. Nhưng Bản vẫn hy vọng... Có bao nhiêu người có hoàn cảnh éo le như Bản. Chắc họ cũng phải cố gắng rất nhiều, cố gắng để chứng tỏ mình là người đi chiến đấu có ý nghĩa. Bản hàng ngày phải xua tan sự nặng nề trong ý nghĩ. Lại phải cố quên đi hình ảnh người cha ra đi ngày nào. Bản lo hơn người khác, bởi sự biệt tích của người cha. Bao lần Bản toan cởi mở với Sanh, cầu cứu nơi bạn của mình. Lại ngại ngần, e sợ. Lại sợ bị quy kết...Tại sao ông ấy không cùng với mẹ chịu đựng sự thật ấy nhỉ. Có bao người cũng vượt qua được, sống yên ổn với mảnh vườn tược cấy cày. Nhác lười thì vẫn có thể cắp tráp ra đi. Khối người trong làng xã vẫn cứ nhắc đấy thôi. Cắt tóc như Ấm Vệ mới đáng đống tiền. Ông ấy cạo kỹ tới mức rát cả gáy. Lại còn đọc cho người ta nghe chuyện Tam Quốc, Thuỷ Hử....Ông ấy đã bỏ đi. Đi sang phía bên kia ... Bản làm sao vượt qua được thử thách này. Oán trách ông ấy ư? Bản nào biết thực hư gì về ông ta. Ông ấy làm gì. Cả dì út Thường nữa, tại sao dì dám ra đi cùng ông ấy? Nếu gặp ông ta, cầm súng phía bên kia, Bản có dám tuyên chiến cùng ông ta không. Hay mà ngả lòng chạy sang bên ấy? Liệu những người thân của Bản có đủ sức chịu đựng được gánh nặng này không?

Một sự ấm áp mà Sanh đã đem đến cho Bản, Sanh kể lại những trận chiến đấu đã trải qua với sự hồn nhiên, xúc động. Sanh coi Bản như người bạn thuở nào. Sanh đã nâng tầm của Bản lên lúc nào không hay. Bản cũng thấy tự tin hơn qua mỗi trận đánh. Sanh khích lệ cho Bản dám nhìn vào sự non nớt của mình qua mỗi trận đánh. Đặc biệt Sanh không hề nhắc đến gia cảnh của Bản, Sanh không xoáy vào nỗi ám ảnh mà Bản phải đeo trên lưng. Phải rất lâu nữa, có nghị lực mới có thể nhìn nhận như một điều tất nhiên của cuộc sống... Sanh đọc cho Bản nghe những vần thơ mộc mạc, lúc mới vào chiến trường. Chỉ vẽ cho Bản cách tìm phương hướng trên bản đồ và thực hành. Bản thầm cám ơn cuộc sống, dẫu có khắc nghiệt vẫn có thể gặp được điều tốt lành trên trần gian này...

Bản đang suy nghĩ miên man, thì có tiếng gọi của trực ban:

- Đồng chí Bản lên gặp đại đội.

Đêm tối mịt mùng nuốt lấy Bản, chờ cho quen mắt Bản theo đồng chí liên lạc, hỏi dò.

- Đại đội có gì gấp mà cho gọi tôi ?

- Biết sao được...Chắc có việc gấp...Tôi thấy thủ trưởng Sanh đang trao đổi ý kiến với đồng chí mới ở trên đoàn xuống .

Bản không khỏi hồi hộp khi được gọi lên gặp đại đội giữa đêm hôm thế này. Mới vừa gặp Sanh lúc chiều không thấy nói gì. Hay có đứa nào thấy mình hý hoáy viết thư, lại nói này nọ... Bản đang phân vân thì cái bóng cao kều tiến lại. Tiếng từ cái bóng tối phát ra làm Bản run bắn cả người.

- Bản ...đấy hả ?- Tiếng hả kéo dài. Cái bóng cao kều ấy tới gần .

- Thưa... Tôi có mặt! Bản thấy run run trong giọng nói của mình. Bản xỉ vã, cái đồ hèn. Đã chết hay sao mà mi sợ. Một động tác vô thức. Đưa tay sờ vào đầu gối. Bản thầm tự trách, tại sao lại nhớ đến câu chuyện đẩu đâu, mấy đứa trong tiểu đội nói ...Vào trận mà sợ hay không, đưa tay sờ xem quần có ướt không thì biết.

- Không ngờ phải không ? Cái bóng đổ dài xuống phía Bản.

- Thủ trưởng...Bản xưng hô dè dặt, nghi thức giọng nói nghe quen quen nhưng chịu, không thể nhận ra là ai.

-Khoẻ...còn đồng chí? - Lại vẫn từ cái bóng ấy, chiếu ra từ ngọn đèn bảo phát ra tiếng nói

- Thưa... Em vẫn bình thường ạ...Dạo mới vào chiến trường bị ngã nước, sốt rét làm cho rụng hết cả tóc ạ!

- Có hay được nhận thư từ của gia đình không ? Vẫn từ cái bóng xa lạ đổ về phía Bản tiếng nói. Bản tập trung cố nhớ ra, cái giọng quen quen ở đâu đó, không tài nào nhớ được, chả lẽ... Người này lại cùng quê, vùng đất Cõi. Không thể được, Châu con chú Căn đang học ở Liên Xô, ông Chồng Cô Vẹt bố vợ của Phách đang là cán bộ to ở tận Hà Nội... Sao thế nhỉ, chả lẽ cái người kia là ấm Vệ, cha của Bản... Ông ấy mà đi theo kháng chiến, mà làm cán bộ thì phúc ở cả bầu trời đã đổ xuống cây thị nhà mình. Nhưng không thể được. Người ta kể, bố của Bản to cao, cái đầu tròn như chiếc ấm, nhưng không tài nào nói được cho rõ chữ ấm mà người đời vẫn gọi là Ẩm Vệ... Ông làm sao mà có thể mò vào đội ngũ phía bên này? Bản cố trấn tĩnh. Chờ xem sự thể ra làm sao.




CÒN TIẾP ....



TỪ NGUYÊN TĨNH

© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC