TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN


. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 2


























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI


KỲ THỨ 2


LẦM LỖI


B a tôi khốn khó nuôi bốn đứa tôi. Mẹ tôi đi biền biệt không về. Tất cả gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền và cả sự nhục nhã, đơn chiếc đè nặng lên ba tôi. Nhiều hôm nhà tôi hết gạo, chúng tôi đành nấu cháo bí ngô hoặc rau, củ, khoai sắn gì đấy lõng bõng một nồi, ăn chống đói ; gặp cảnh nhà ông bà nội tôi đông đúc chú, cô nên chẳng giúp chúng tôi được gì ngoài những trận đòn từ ông nội, từ chú giáng xuống đầu anh em tôi và những lời chì chiết, cạnh khoé độc ác của bà cô bị chồng bỏ. Mà chị em tôi chỉ phạm những tội vụn vặt như tội ăn chùng cá, thịt, củ khoai, củ sắn trong gát-măng-rê bên bếp nhà nội. Nhiều khi bên nội mất cái trứng gà trong ổ, chú tôi xộc sang nhà tôi lôi chúng tôi tra hỏi. Chúng tôi có bốn cái miệng, nhưng nào biết miệng nào đã ăn? Cuối cùng cả bốn đứa đều bị đánh, tôi luôn là đứa bị đánh nhiều nhất. Ba tôi đi làm về đã mệt, nghe cô tôi nặng nhẹ, ông tôi chửi: “Cha cô bà, đẻ con không dạy!”. Ba tôi nổi điên lên, lôi chúng tôi ra đánh tiếp và tôi cũng là đứa bị đòn nhiều vì con trai lớn trong nhà. Cuộc sống của chúng tôi do không mẹ luôn bị chèn ép, đói khổ, đòn roi đến ù lỳ. Tôi thường bỏ học cầm đầu tụi bạn cùng lứa lang thang chơi ngoài sân trường. Mười tuổi tôi đã biết ăn hiếp bạn lấy vài viên bị, mười ba tuổi học lớp 8, tôi đã nổi tiếng “đầu gấu” trong sân trường, đứng ra can thiệp, giải quyết những vụ học sinh lớp lớn “chấn lột” học sinh lớp nhỏ một cây viết, cái mũ…

Một hôm, ba tôi đạp xe đạp dẫn về nhà một phụ nữ dong dỏng cao, ngồi chễm chệ trên chiếc Honda. Cô ấy cho tôi một gói bámh ngon, lướt đôi mắt lồi quan sát nhà tôi rất kỹ; sau đó hỏi chị tôi, chuyện cơm ăn, áo măc, học hành và hỏi ba anh em tôi còn nhớ mẹ tôi không? Chị tôi tình thật trả lời thay: "Tụi cháu rất nhớ mẹ cháu, em út cháu không có mẹ sớm quá nên bây giờ nó cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn hoài, cô ạ - Chị tôi khóc - Cô à, cháu là con gái, cháu rất cần mẹ!...''. Cô ấy cũng rớm nước mắt, âu yếm xoa đầu thằng Út: "Tội nghiệp con tôi!". Cô thành dì tôi như thế.

Dì lấy ba tôi khi dì ba mươi chín tuổi. Với tuổi này, thời gian đã gọt giũa đến nguội lạnh những háo hức, khát khao chuyện chồng con của người phụ nữ. Dì đang sống ổn định và bình lặng với nghề gõ đầu trẻ. Gặp ba tôi, dì cám cảm cảnh gà trống nuôi con, thương chúng tôi đầu xanh không có sự chăm chút bàn tay nguời mẹ và ngán cảnh quạnh quẽ, lẽ loi quá lâu của dì. Dì nhảy bừa vào làm vợ ba tôi, mặc anh chị dì hết lời can gián. Ba tôi đem tới cho dì chùm hạnh phúc muộn màng nhưng lúc lỉu trái đắng con đông! Dì vui vẻ chấp nhận, cùng ba tôi đi dưới bóng nợ nần, cùng với gia đình tôi chung chia gian nan nghèo khó. Tôi thương dì lắm! Cả bốn chị em tôi đều xưng con, gọi dì bằng tiếng "mẹ" thiêng liêng mà chúng tôi mất tự dạo nào. Còn ba tôi, tôi biết ba yêu dì không xốc nổi, tha thiết như thời trẻ trung đối với mẹ tôi, nhưng thắm thiết, đậm đà, thuỷ chung tình chồng vợ. Ba tôi đến với dì, ban đầu với ý nghĩ tìm mẹ cho chúng tôi, sau đó thương dì vì dì yêu ba với lòng dũng cảm vì đã dám lấy ba tôi.

Dì tôi tên Hạnh, chị em tôi gọi: "mẹ Hạnh" để phân biệt với "mẹ Yến", mẹ ruột tôi. Mẹ Hạnh khổ người cao to, đi dứng hậm hụi, trông vất vả. Bởi vậy, mẹ thích ăn mặc chải chuốt, làm tốt bằng kính trắng, lắc, nhẫn, dây chuyền, đồng hồ. Những phụ tùng ấy không giúp mẹ bớt thô tháp, mà giảm phần trí thức của cô giáo. Đó là lời ba tôi "góp ý" về sự ăn diện thái quá của mẹ. Mẹ Hạnh lý sự :

- Phụ nữ không trang điểm không phải là phụ nữ!

- Đồng ý - Ba tôi cười rộng lượng - Nhưng tô điểm nhẹ nhàng thôi và không nên khoe của. Người sống giản dị là người khiêm tốn, đức hạnh. Họ trang điểm không vì cứu cánh mà phương tiện trong giao tiếp, đối đãi.

Ba tôi nói vậy, mẹ Hạnh cãi qua loa rồi vâng lời. Đó lạ cơ hội duy nhất ba tôi phàn nàn mẹ, sau này cả nhà tôi quá chật vật, mẹ bán dần những đồ trang sức ấy, tôi nhìn cổ tay, ngón tay mẹ còn lưu lại trên hai vòng trắng mà thương mẹ quá; và tôi mơ hồ thấy ba tôi vừa khó tính vừa ích kỷ. Mẹ hết sạch của nả, tôi tưởng gia đình tôi sẽ xào xáo chuyện tiền nong, nhưng ba mẹ tôi vẫn đầm ấm và thuận thảo hơn nhiều. Tôi mừng lắm!

Nhà tôi sau nhà nội, đi chung ngõ. Một bữa cơm trưa, tôi nghe ồn ào bên nhà nội. Thím Phương sang báo:

- Mấy đứa ơi! Mẹ Yến về nơi tề.

Hai thằng em tôi bỏ cơm, chạy sang la :

- A...a...mẹ về!

Trong bụng tôi mừng lắm, nhưng không dám nhảy cỡn lên như hai thằng em. Mẹ Hạnh lặng lẽ bỏ chén cơm xuống mâm, giọng buồn buồn giục chị tôi và tôi :

- Để mẹ dọn, Ni, Nô qua mừng mẹ đi.

Những người thân trong gia đình và bạn thân của tôi thường gọi tôi là Nô. Tôi còn có một tên khai sinh với đày đủ họ tên là Nguyễn Bảo Hoàng.

Gần mười năm mẹ Yến tôi về, chỉ với một túi xách áo quần. Không hiểu sao mẹ sống một thân một mình mà nghèo thế. Khi đi mẹ Yến thanh cảnh, nhu hoà, giờ béo trắng, phục sức màu mè và ăn nói lấc cấc như trẻ gái. Mẹ Yến ôm chị tôi, nhưng không nhận ra tôi, hỏi tôi là ai!? Tôi buồn lắm, lủi thủi về nhà trong khi mẹ và chị tôi ôm nhau khóc! Một lát mẹ Yến dẫn chị và hai đứa em tôi sang nhà thăm ba và mẹ Hạnh tôi. Mẹ Yến cố tạo dáng nghênh ngang, sang trọng khi gặp ba và mẹ Hạnh tôi đón ở cửa:

- Chà, anh mập ghê.

- Không bằng cô - Ba tôi chào mẹ Yến.

Mẹ Yến ngồi đối diện với ba và mẹ Hạnh, nói giọng Sài Gòn:

- Chị cám ơn Hạnh đã nuôi các con của chị.

- Trách nhiệm mà - Mẹ Hạnh cố giữ bình tĩnh - Cái đạo người đàn bà với nghĩa vụ làm vợ mà thôi.

Ban đầu sơ ngộ, hai bà mẹ tôi ai cũng xưng "chị". Sau đó hỏi tuổi nhau. Cuối cùng giả vờ xem nhau như bạn, gọi nhau bằng tên và xưng tên. Cuộc hội ngộ diễn ra khá tẻ nhạt và đầy nước mắt hối hận muộn màng của mẹ Yến.

Mẹ Yến ở lại nhà nội chơi hơn một tuần. Ngày nào mẹ cũng hút thuốc, uống rượu và khóc. Mẹ Yến nhắn ba tôi cho mẹ gặp riêng. Mẹ Hạnh không cho, đi đâu mẹ Hạnh cũng bám riết lấy ba tôi. Cực chẳng đã, ba tôi bảo mời mẹ Yến sang nhà nói chuyện. Mẹ Yên uống rượu ngà ngà rồi sang.

Ba tôi và mẹ Yến ngồi trách nhau chuyện cũ, mẹ Hạnh ngồi nghe, thỉnh thoảng xen lời bảo vệ cho ba, dù mẹ Hạnh chỉ nghe lời họ hàng bên ba tôi nói lại. Tôi đứng một góc thương mẹ Yến, tội nghiệp mẹ Yến. Mười năm trước, mẹ Yến cương quyết lôi ba tôi ra toà ly hôn, ba tôi đã năn nỉ hết lời, xin mẹ đừng bỏ ba kẻo tội con, vậy mà mẹ Yến khăng khăng: "Tôi không sống với anh được, tôi không thể vì anh mà cực cả đời tôi. Anh hãy buông tha cho tôi làm phước...". Quyết định ly hôn toà ký cho ba và mẹ Yến hai bản. Bản nào cũng có nói mẹ Yến phải phụ cấp hàng tháng cho ba tôi nuôi con. Và mẹ Yến phải nuôi thằng Út. Nhưng mẹ Yến không gửi cho ba tôi đồng nào, hay một nhúm gạo cho chị em tôi ăn trong những năm tháng đói khổ. Bây giờ ba tôi lấy vợ, mẹ Yến tôi lại tiếc. Hạnh phúc trong tay mẹ, mẹ không biết chịu cực, chịu khổ giữ lấy, khi vuột rồi mới quay cuồng đau khổ! Ai đúng ai sai thì đã rõ. Tôi thương xót cho mẹ Yến nhưng chỉ biết buồn mà thôi...

Sáng hôm sau tôi và chị tôi đưa mẹ Yến lên tàu. Chị tôi lột sợi dây chuyền mẹ Hạnh mua tặng sinh nhật thứ mười bảy cho chị tôi đưa cho mẹ Yến làm lộ phí vào Nam. Mẹ Yến mừng, cầm sợi dây chuyền, dặn :

-Hai con đừng gọi bà Hạnh là mẹ nghe chưa, bảo với hai em bây cũng vậy, gọi dì là được rồi.

Chúng tôi "dạ" cho mẹ Yến vui lòng trước lúc chia xa.

Tàu chạy, hai chị em tôi đứng chơ vơ giữa đám đông người đưa tiễn người thân lên tàu! Chi tôi khóc ngất…:

- Mẹ...mẹ ơi... mẹ sẽ về nơi đâu ?...


 

    CÒN TIẾP....


 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC