TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Tên thật là Nguyễn - Thị - Mỹ - Nữ.
. Bút hiệu: Nguyễn - Mỹ - Nữ, Huyền - Minh, Phương - Quỳnh.
. Sinh ngày 24- 12- 1955
. Tại Lại Xá, Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam .
. Hiện sống với nghề Viết văn, Viết báo tại Huỳnh-Thúc-Kháng, Qui- Nhơn, Bình- Định

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Mắt núi- Tập truyện ngắn- Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 2004.


. GIẢI THƯỞNG :

· Giải ba với truyện ngắn: " Bộ bài" của báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam( 1998- 2000)
· Giải nhì với bài: " Chiếc rương của mẹ" (cuộc thi "Nét bút kỷ niệm"của báo Hoa học trò, 2002)
· Giải ba với: " Bài học năm chữ" (cuộc thi "Ơn thầy" của báo Tuổi trẻ, 2002)
· Giải tư với truyện ngắn: " Hàng xóm" của Tạp chí Văn nghệ quân đội(2001- 2002).
· Giải khuyến khích với truyện ngắn: " Khoảng trời nhỏ của ông" (Cuộc thi " Chân dung tuổi mới lớn", báo Mực tím, 2003)
· Giải tư với truyện ngắn: " Nhà khóc dành cho một người" của tạp chí Văn Nghệ quân đội (2005- 2006)
· Và một số giải thưởng khác của Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp, báo Bình Định…










Tranh của họa sĩ Dương Bích Liên






CÔ GIÁO CỦA MẸ

N gay từ hồi còn bé, tôi đã thắc mắc vì thấy mẹ chẳng bao giờ chịu đọc một thứ gì. Đã thế mà áng chừng như khi nhà có thư hay giấy tờ gì đấy, lại nhờ đến các anh chị. Hỏi, mẹ cười và ỡm ờ… “ Tự tôi lười, chị ạ!”. Chẳng tin được! Vì ở nhà mẹ vốn là người siêng làm nhất. Từ sớm mai cho đến khuya khoắc, có lúc nào thấy mẹ được ngơi tay. Thế là tôi hỏi nữa, hỏi nữa… Hỏi mãi rồi cũng có câu trả lời của mẹ. Một câu trả lời rất là…lửng lơ, so với lứa tuổi của tôi ngày đó: “Thì mẹ còn phải chờ con dạy cho mẹ đã chứ!”.

Phải qua lớp ba, tôi mới biết mẹ chưa bao giờ được đi học. Và tôi đã ngây thơ… đề nghị: “Con sẽ dạy cho mẹ, mẹ nhé!” vào một buổi tối thích thú vì được mẹ tuốt trứng chí, gãi lưng, xoa tai. Để rồi mắt lim dim, chìm sâu vào giấc ngủ và quên mất.

Mẹ bảo chỉ muốn tôi bày thôi. Vì tôi là út ít, còn bé và rất hay gần gũi vói mẹ. Bố, mẹ chả dám. Với các anh, mẹ ngại mà với các chị mẹ lại ngượng. Không biết chữ rất thua thiệt, chẳng khác gì người mù và lắm khi còn bị bố mắng . Dù tôi có ý muốn quên nhưng mẹ cứ nhắc mãi với lại thấy thương mẹ và muốn ra oai với cả nhà, nên tôi quyết làm cô giáo một phen. Cô giáo đây chẳng phải như cô giáo đồ hàng. Cô giáo của những trò chơi trẻ con đâu nhé! Là cô giáo thật hẳn hoi. Cô giáo của mẹ.

Buổi học thứ nhất trôi qua rất căng thẳng, cho cả mẹ lẫn con. Tôi gò lưng viết rất đẹp mấy dòng o, a bằng viết chì. Rồi nắm lấy bàn tay to bè, thô ráp của mẹ để đồ lên. Cứ tưởng là dễ ai dè sao quá khó và chưa hết dòng đầu đã gẫy ngay hai cái ngòi bút lá tre, rồi còn rách cả giấy. Đã thế tay mẹ lẫn con lấm láp những mực là mực. Tự mẹ chứ ai! Nhìn tôi phụng phịu với khuôn mặt nhiều thất vọng, mẹ ra chiều biết lỗi: “Tự mẹ dốt quá mà. Thôi cố thêm với mẹ một tị, nhé!”. Nói xong, tủm tỉm cười. Mới rõ chán!

Thế là tiết đầu lên lớp của tôi coi như hỏng. Nghe ra, tôi đã hết hào hứng với việc làm cô giáo của mẹ nhưng rồi bị các anh chị chòng ghẹo, thêm nữa mẹ đôi hồi cũng có nhắc. Khiến tôi tự ái và quyết kèm cho được học trò mẹ biết chữ mới thôi. Dạy viết khó quá tôi xoay sang dạy đọc. Mất có đến cả tuần cả mẹ lẫn con đánh vật cùng những i tờ, o, a… vẫn chẳng thu lượm được gì. Dạy mẹ trước mẹ quên sau. Quên ngay lúc ấy chứ nói gì đến mai mốt. Học trò mẹ dường như cũng hiểu được tình huống éo le của cô giáo con. Phán ngay câu này: “Thôi! Cô giáo cho mẹ nghỉ nhé!” và cứ thế mà cười lên khanh khách. Cười chán rồi chép miệng thở than: “Có học rồi mới hay! Mới thấy thương người đi học. Khó khổ còn hơn làm lụng chân tay nữa ấy chứ!”. Tôi có buồn vì kết quả giảng dạy của mình không ra sao nhưng cũng đủ tinh quái để chộp ngay vào câu nói ấy của mẹ để vòi vĩnh. Ngày nào tôi cũng mè nheo và ngày nào tôi cũng được mẹ dấm dúi cho hồi món này, khi món khác. Cũng chẳng có gì đáng kể chỉ là quả chuối, củ khoai, cái bánh đa vì ngày ấy gia đình tôi còn nghèo.

Mẹ con tôi tiếp tục làm học trò và cô giáo thêm một thời gian nữa thì nghỉ hẳn. Vì tôi đã chán mà mẹ lại rất ngán. Ngẫm lại lớp học được duy trì, chỉ để mẹ biết viết được vỏn vẹn có mỗi một vần và gạch ở dưới. Học ký tên ấy mà! Là hết. Thành tích chỉ có thế mà mẹ rất mừng và tôi cũng rất vui sướng lẫn hãnh diện dù bị cả nhà xúm vào riễu cợt, chê bai. Sau khi mẹ mất, tôi thường xúc động đến lặng người mỗi khi thấy lại chữ ký thật đơn sơ và non nớt của mẹ. Chắc chẳng có ai trên đời có được một chữ ký rất lạ và thật vụng như là chữ ký của mẹ tôi.

Hình ảnh mẹ gồng người trên trang giấy mở, bàn tay lóng ngóng cầm bút, run rẩy và nhọc nhoài nguệch ngoạc theo từng con chữ. Và khó khổ đọc theo tôi từng âm, từng âm không ngờ cứ theo tôi mãi. Rưng rức hết cả lòng. Ngày ấy, tôi đâu ngờ chính sự chịu khó, nhẫn nại… của mẹ, đã dạy cho tôi bao bài học ý nghĩa. Khi nản chán, tôi nhớ lại những giọt mồ hôi rịn ướt trán, mẹ vẫn kiên trì đánh vần tới, đánh vần lui. Khi muốn buông xuôi, tôi nhớ đôi môi mím lại đầy quyết tâm của mẹ lúc chật vật với cây viết cùng những o, a, c, b… Nhớ, để dặn lòng mình phải vượt qua cho bằng hết những trắc trở, thử thách của cuộc đời.

Ngày làm cô giáo cho mẹ với chỉ duy nhất nỗi ao ước là có thể dạy mẹ biết chữ, tôi đâu có ngờ đời mình lại luôn gắn bó với những con chữ như thế này. Tôi đâu hay mình cứ phải đeo bám lấy những con chữ bất kể sớm, tối, ngày, đêm. Những con chữ mẹ học hoài vẫn không biết đọc và viết. Còn tôi cú bắt ngợp người khi phải lặn sâu thêm. Cái cảm giác chống chếnh, hoang mang… luôn luôn là thường trực. Con chữ nào mới thật của mình? Con chữ nào là mượn vay? Con chữ nào làm mình vui? Con chữ nào khiến mình buồn? Con chữ nào hành hạ mình đến mất ăn, mất ngủ? Con chữ nào đưa mình thoát xác, bay cao? Con chữ nào nhẹ tênh, sao dễ bắt níu. Con chữ nào cứ mãi lững lơ, vời xa…

Mỗi ngày đắm mình cùng chữ. Tôi lại đau đáu thương mẹ cặm cụi học chữ, một thủa nào. Và câu hỏi này, luôn lập đi lập lại. Một câu hỏi cứ khiến mình trở trăn: Sao ngày ấy tôi không cố thêm khi dạy mẹ? Và lúc này, sao tôi không thể cố thêm???





© Tác Giả Giữ Bản Quyền.




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC