TÁC GIẢ
TÁC PHẨM



HỒ TĨNH TÂM



Tên thật : Hồ Xuân Tâm

Sinh ngày 11 tháng 11 năm 1952
Tại : Triệu Bình, Triệu Phong, Quảng Trị
Bút danh : Hồ Du, Nguyễn nguyễn, Lê Duy Hồ…

Năm 1977 học tại Trường Đại học Cần Thơ-Khoa Văn. Từ năm 1987, chuyển về dạy Văn, rồi dạy Nhạc tại Trường Trung học Sư phạm Cửu Long, sau đổi thành trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long.

Hiện nay là giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục Quốc phòng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long.


CÁC TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN


- VỀ VĂN HỌC

. HIẾN DÂNG – Tập truyện ngắn năm 1991
. DÒNG SÔNG LẤP LÁNH – Tập truyện in chung nhiều tác giả
. BÀI CA ÂM VANG – Tập truyện ký in chung nhiều tác giả
. VỀ NƠI CÓ NHỮNG TẤM LÒNG – Tập truyện ký nhiều tác giả
. CÔN ĐẢO ĐAU THƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG – Tập ký nhiều tác giả
. TỪ ĐỊA NGỤC CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ- Tập ký nhiều tác giả
. KÝ AN GIANG – Tập ký nhiều tác giả
. VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VĨNH LONG 20 NĂM – Nhiều tác giả
. THƯƠNG NHỚ TRÀ VINH – Tập thơ nhiều tác giả
. TRUYỆN NGẮN ĐỒNG BẰNG – ( Hội nhà văn Việt nam ) - Tập truyện nhiều tác giả
. TRUYỆN NGẮN ĐBSCL( 2 tập) – Tập truyện nhiều tác giả
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN HAY 1996 ( Hội nhà văn ) – Tập truyện nhiều tác giả
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN HAY 1996 ( Nhà xuất bản quân đội) – Tập truyện nhiều tác giả.
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN HAY 1997 ( Hội nhà văn ) – Tập truyện nhiều tác giả
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN HAY 1998 ( Hội nhà văn ) – Tập tryện nhiều tác giả
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN HAY 1999 ( Hội nhà văn ) – Tập truyện nhiều tác giả
. MIÊU CẨM ( Hội nhà văn – 1999 ) – Tập truyện nhiều tác giả
. CHẺ CHỌC ( Hội nhà văn – 1999 ) – Tập truyện nhiều tác giả
. VĂN XUÔI TRẺ CUỐI THẾ KỶ 20 ( Hội nhà văn ) – Tập tuyện nhiều tác giả
. TUYỂN THƠ VĨNH LONG – Tập thơ nhiều tác giả
. TUYỂN TRUYỆN NGẮN VĨNH LONG – Tập truyện nhiều tác giả
. NGƯỜI LÍNH VỀ QUÊ – Truyện dài nhiều kỳ đăng trên báo
. MÙA TRĂNG – Truyện dài nhiều kỳ đăng trên báo

- VỀ ÂM NHẠC

. CÁM ƠN ĐẤT NƯỚC – Tập ca khúc
. GIAI ĐIỆU QUÊ HƯƠNG ( Chi hội nhạc sĩ ĐBSCl ) – Tập ca khúc nhiều tác giả
. BÔNG SỨ TRẮNG – Tập ca khúc nhiều tác giả
. NẾU KHÔNG ĐẾN CÙNG ANH – Tập ca khúc nhiều tác giả
. HƯƠNG TÌNH – Tập ca khúc nhiều tác giả
. NẮNG XUÂN TÌNH NGƯỜI – Tập ca khúc nhiều tác giả
. NÓI VỚI ANH – Tập ca khúc nhiều tác giả
. ĐỢI CHỜ – Tập ca khúc nhiều tác giả
. 50 NĂM CA KHÚC ĐỒNG THÁP – Tập ca khúc nhiều tác giả
. 25 NĂM CA KHÚC VĨNH LONG- Tập ca khúc nhiều tác giả
. HOA TÌNH YÊU – Tập ca khúc nhiều tác giả
… VV …VV…

. Năm 1990: Giải nhì ký văn học , bài BÁC HỒ CHA CỦA CHÚNG CON, do Đài tiếng nói nhân dân T.P. Hồ Chí Minh tổ chức.
. Năm 1991: Giải C truyện ngắn, tập truyện ngắn HIẾN DÂNG, do Uy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng. - Giải nhất truyện ngắn HIẾN DÂNG tỉnh Cửu Long. - Giải nhất ca khúc NGHE LẨY KIỀU CHẠNH NHỚ TỐ NHƯ tỉnh Cửu Long. - Giải ba thơ, bài CÂY BẦN QUÊ HƯƠNG tỉnh Cửu Long.
. Năm 1992: 2/2 truyện ngắn được xếp giải B trong đợt khảo sát văn xuôi ĐBSCL của Hội nhà văn – CON CHIM XANH ĐỊNH MỆNH, DÒNG SÔNG ĐÊM LẶNG CHẢY
. Năm 1993: Giải nhì ký văn học, bài QUÊ TA DẤY LÊN TỪ ĐẤT tỉnh Trà Vinh.
. Năm 1994: Giải nhì ca khúc NHỚ LỜI RU CỦA MẸ tỉnh Vĩnh Long. - Giải nhì ca khúc VĨNH VIỄN LÀ MÙA XUÂN tỉnh Vĩnh Long. - Giải khuyến khích ca khúc TÌNH YÊU VỚI NGƯỜI GIEO HẠT tỉnh Vĩnh Long.
. Năm 1995: Huy chương đồng kịch bản phim truyền hình ca nhạc HOA LỤC BÌNH, Liên hoan phát thanh truyền hình Việt Nam.(Cộng tác chung với Đài PTTH Vĩnh Long ).
. Năm 1996: Giải nhất truyện ngắn hay tháng 9 , Tuần báo văn nghệ Việt Nam.
. Năm 1997: Huy chương bạc kịch bản truyền thanh ĐẾN VỚI TIẾNG VẠC SÀNH, Liên hoan phát thanh truyền hình Việt Nam.( Cộng tác chung với Đài PTHH Vĩnh Long ).
. Năm 1999: Giải nhì ca khúc QUÊ HƯƠNG BỐN MÙA XUÂN, Sở VHTT Vĩnh Long-Hội VHNT Vĩnh Long.

















CHUYỆN TÌNH
CỦA
NGƯỜI LÍNH


Kỳ Hai

ĐÊM TRẮNG

C ô gái tên Út. Khi Luân và Út về tới nhà cô thì canh gà đã gáy rộ. Hai người vừa lạnh vừa đói. Cả nhà đã ngủ, chỉ còn bà ngoại vẫn thức đợi cháu. Vừa nghe tiếng mở cửa lạch xạch, ngoại cô Út đã lên tiếng:

- Mồ tổ bây! Cả nhà lo muốn hụt hơi. Bộ máy hư dọc đường sao con?

Ngó thấy Luân, bà già trớ ra, đưa mắt dò hỏi cháu gái. Út hiểu ý.

- Ngoại à! Anh Luân đây là bạn cùng đơn vị với anh Tèo.

Mới nghe chừng đó, bà già đã nắm tay Luân, kéo vô nhà. Vừa kéo anh lại bộ ngựa, bà vừa hỏi dồn dập:

- Cậu với thằng Tèo là bạn à? Thằng Tèo có mạnh giỏi không? Chừng nào nó được về thăm nhà? Mà cậu tên gì? Người gốc gác xứ nào?

Không chờ Luân trả lời, bà đã hối cháu gái:

- Út! Kêu thằng Tửng dậy hâm đồ ăn con! Có tộ canh chua cá lóc, để hồi chiều tới giờ, nguội ngơ nguội ngắt còn gì.

Không đợi Út phải kêu, thằng Tửng đã tốc mùng ngồi dậy, thả lỏng thỏng hai cẳng chân xuống gần chạm đất. Nó vẫn còn ngái ngủ, cứ đưa cả hai bàn tay lên dụi mắt lia lịa. Chừng tỉnh hẳn, nhận ra Luân là bộ đội, nó mừng quýnh quáng. Không đợi ai biểu thêm một tiếng, nó vọt lẹ xuống bếp, khua soong nồi rổn rảng. Rồi thì nó nhóm bếp, chụm lửa đùng đùng.

Mẹ Út cũng đã thức. Thấy con gái và khách bị ướt, bà hối con đi kiếm đồ khô cho Luân thay đỡ. Nhà chỉ có một ông già của Út là đàn ông, lục mãi mới được bộ đồ tương đối gọi là kha khá đưa cho Luân. Vận bộ đồ ấy vào, coi bộ Luân hiền khô như anh dân quê chính cống. Ông già Út vừa chăm trà ra ly mời Luân, vừa nói:

- Má con Út nướng giùm mấy con khô cá chạch để tui với chú Ba lai rai vài ly cho ấm bụng.

Thằng Tửng bưng tộ canh chua bốc khói nghi ngút từ dưới bếp lên, hí hởn đế thêm một câu:

- Còn con lóc bông. Nướng trui nghen nội?

Ông già Út vừa gật đầu với cháu, vừa cười với Luân.

- Con thằng Năm đó. Hai vợ chồng nó làm việc trên tỉnh. Qua xin riết róng lắm thằng nhỏ mới được về quê nghỉ hè. Chú coi, ở quê mát mẻ như vầy, lại sẵn tôm cá ngoài bưng ngoài ruộng, ở chi trên thành hít khói xe hơi. Phải vợ chồng thằng Năm chịu, qua nuôi luôn thằng nhỏ dưới này. Sống ở thành, bắt chước đua đòi ăn chơi, dễ hư lắm!

Thứ rượu cất bằng gạo nếp rặt, lại ngâm với chuối cơm nướng, uống không chê được chỗ nào. Uống tới đâu, ấm nóng râm ran tới đó. Mới hai ly, Luân đã thấy lâng lâng sảng khoái. Tự nhiên, Luân cảm thấy muốn nói chuyện. Anh kể chuyện về Tèo, kể chuyện về đơn vị. Bà ngoại của Út và thằng Tửng nghe như nuốt từng lời.

Đang vui chuyện, bỗng dưng có người đờn bà xồn xồn hớt hãi chạy vào.

- Dượng Ba, dì Ba ơi! Làm ơn đưa giùm ông nhà tôi lên huyện. Ổng bịnh gì mà co quắp cả chưn tay, nằm ôm bụng quằn quại, đổ tháo mồ hôi như tắm.

Nói được bấy nhiêu, người đàn bà phát ra khóc hù hụ.

Má Út lật đật chạy vô buồng, thu gom mấy thứ gì đó, bỏ vô giỏ lác, rồi quày qủa trở ra, kéo tay người đàn bà đi như bay như biến ra ngoài ngõ. Ngoại Út nói buồn rười rượi:

- Tội nghiệp! Nhà vừa nghèo vừa neo đơn, lại gặp bịnh nghiệt như vầy, không biết con Sáu nó xoay trở ra sao!

Vậy là tiệc rượu phải ngưng nửa chừng. Thằng Tửng phải lui cui giúp nội bơm đèn măng xông để thấy đường trét chai hàn mũi ghe. Còn Út và Luân thì hối hả lau chùi chiếc cô le bảy. Xong xuôi đâu đó, Luân với Út giựt máy chạy tốc qua nhà thím Sáu. Hai người chật vật lắm mới đưa được chú Sáu đang bịnh khật khừ xuống ghe.

Trong đêm, tiếng máy nổ phành phành, đánh thức hết thảy lũ chó cáu kỉnh vì mất ngủ trong xóm. Chúng đua nhau sủa ngậu xị. Có nhiều con còn tru lên, như tuồng tiếng máy sắp giết chúng chết ráo tới nơi.

Trên bờ thì vậy, dưới ghe lại càng thê thiết. Chú Sáu đắp tấm chăn chiên nằm co quắp, người run bắn từng cơn. Còn thím Sáu, lúc nào cũng rên rẫm có mỗi một câu: “Ông ơi! Ráng nghen ông!”. Mùi dầu nóng bốc nồng nặc. Ánh đèn măng xông tỏa sáng bùng bùng một vùng sông. Mũi ghe xé sóng ào ạt. Hai lằn nước cuộn lên, bắt ánh đèn hừng hực như hai vệt lửa. Vậy mà Luân vẫn cảm thấy chiếc ghe chạy chậm. Mỗi lần ngoái nhìn về phía sau, Luân có cảm giác như đôi mắt, gương mặt và toàn thân Út như đang căng ra vì lo lắng; tưởng chừng như cô sắp nổ tung ra từng mảnh.

Lối bốn giờ sáng, chiếc ghe mới cặp được vào chiếc cầu dẫn lên viện đa khoa của huyện. Trong khi Út chạy lo thủ tục nhập viện, Luân và thím Sáu được một người câu tôm giúp đưa chú Sáu lên bờ. Khi chú Sáu đã yên vị đâu đó, người câu tôm lôi bịch thuốc giồng mời Luân, vừa mời vừa nói:

- Dám chừng ổng đau ruột thừa lắm nha! Hồi nẵm bà xã tui cũng đau y hệt như vầy. Tới nơi, bác sĩ cho biết, chậm chút xíu là vô phương cứu chữa. Mà thiệt ổng đau ruột thừa, họ cắt cái rụp là xong liền hà! Bác sĩ huyện mình, hồi này nhiều người giỏi lắm! Còn trên thành phố, nghe đâu họ mổ được cả tim, thay được cả thận, nối được cả bàn tay đã đứt lìa ra. Giỏi hết biết luôn!

Qủa đúng như người câu tôm dự đoán, chú Sáu bị đau ruột thừa, bệnh viện đã mổ xong xuôi đâu đó. Khi Út cầm tờ bệnh án đưa cho thím Sáu, thím khóc mếu máo.

- Vậy là ổng không sao há cô Út? Vợ chồng tui đội ơn cô Út với chú Ba đây, biết chừng nào mới trả hết.

Nghe Út kể về gia cảnh thím Sáu, Luân thấy gia đình thím Sáu sao mà giống với gia đình mình. Đã nghèo lại đông con. Ba má Luân sanh được cả thảy bảy người con. Người anh Hai leo chơi cầu khỉ, vuột tay té xuống nước, chết yểu năm lên chín. Luân con thứ, trở thành con trưởng. Năm đứa em còn lại, đứa lớn nhất năm nay mới bước vào tuổi mười tám; Luân nhập ngũ, nó trở thành trụ cột của gia đình. Nhà nghèo, hết việc đồng áng thì nó đi làm thuê làm mướn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có lúc đi mị lên miệt Châu Đốc. Kiếm được đồng nào nó cũng dành dụm đem về. Luân cũng vậy, suốt từ nhỏ tới giờ, chưa bao giờ anh dám cầm đồng tiền vô nhà hàng uống lon bia cho biết nó đắng, nó ngọt ra làm sao. Vậy mà nghe đâu, có người, một tiệc nhậu với vài ba người bạn, dám chi bạc triệu ngọt xớt. Càng nghĩ Luân càng thấy thương thím Sáu. Khi Út trở vô phòng bịnh phụ giúp thím Sáu mấy việc lặt vặt còn lại, Luân thả bộ ra phố chợ, tìm mua bốn hộp sữa ông thọ với ký đường cát. Chỉ bấy nhiêu mà thím sáu cũng trào nước mắt.

Nghĩ ở đời, người nghèo sao mà nhiều nước mắt làm vậy!

CÒN TIẾP....



HỒ TĨNH TÂM

© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của Tác Giả và Việt Văn Mới - Newvietart.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC