TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Quê gốc: Đà Nẵng
. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn (TP.HCM.)
. Cử nhân ngữ văn Việt & cử nhân Anh văn
. Giáo viên Trường Ngoại ngữ Không Gian TP.HCM.

. Dịch giả Anh - Việt & Việt - Anh: đã biên dịch hơn trăm tập sách (có đầu sách gồm 5, 7 tập).

. Sáng tác Truyện Thiếu Nhi:

. Chuyện Cổ Tích Của Vườn - tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác của Nxb. Trẻ Tp.HCM.

. Văn Học Thiếu Nhi Vì Tương Lai Đất Nước , lần thứ nhất, 1993.

. Nhạc Giữa Trời , đoạt giải A Nxb. Kim Đồng, 1995.







TRUYỆN


NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Nhất (1, 2,3)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Hai (4, 5,6)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Ba (7, 8,9,10,11)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Tư (12, 13,14,15)

























NHẠC GIỮA TRỜI


Kỳ thứ 4


Đá Dế Búng Tai

Tém ngồi dậy, nhìn quanh quất. Nhông hãy còn ngủ, nhưng Phi đã ra ngoài rồi, có lẽ nó đang lùa bò tới nơi có cỏ ngon. Tém lò dò lại chỗ đôi trâu đứng chờ chủ, tội nghiệp, chúng muốn đi mà không dám…

Tém giựt giựt bàn chân Nhông:

-Dậy, dậy thả bò nè Nhông!

Trời đã hơi chếch bóng, Tém ước chừng giờ này khoảng hai giờ, chắc con Bông sắp lùa bò lên tới đây.

Con Bông cũng bằng tuổi bọn Tém nhưng nó được đi học đàng hoàng. Sáng sáng, nó diện áo cánh trắng quần “xoa” đen, mang dép lẹp xẹp đi ngang nhà Tém. Thấy sang ác! Có điều, hễ nó đi học thì phải nhốt bò cho tới hai giờ chiều lận, bò mà nhốt nhiều trong chuồng thì lâu lớn lắm…

Đứa nào cũng mong con Bông tới, gởi bò cho con Bông đặng chơi đùa thỏa thích. Bông hiền, ai nhờ gì cũng vui vẻ giúp, cho nên tụi nó rất mến Bông. Kìa, con Bông lên tới rồi đó, nó đi sau bầy bò năm con lông trắng.

Mới chạm mặt, Bông đã hỏi:

-Hôm nay sao tụi bây qua đây ngủ vậy?

Cả ba tranh nhau kể chuyện con rắn trên cây bằng lăng, thằng Nhông “nổ”:

-Tao “bay” xuống đất, lượm đại khúc cây, bắt đầu rình nghe. Con rắn ngóc cái đầu lên, định mổ mù mắt thằng Tém nha. Tao phóng tới, quất một cú. Con rắn văng luôn cái… lỗ mũi, sợ hãi quá, chuồn mất để lại một vũng nước đ…

Bông cười ngất, mấy cái răng cửa trắng tươi thiệt đẹp. Phi càu nhàu:

-Thôi đi cha, “nổ văng miểng” tùm lum rồi đó. Mày muốn giống anh Bình của mày thì cứ việc, xin mời.

Tém trề môi:

-Có “nổ” thì chừa tao ra giùm một cái.

Nhông cười hề hề:

-Thì tao giỡn cho con Bông cười chớ bộ. Đó, thấy hông, cái miệng nó cười có “diên” ghê hông?

Bông đỏ mặt:

-Định nhờ điều gì thì nói đại đi cha.

-Coi bò giùm nghen Bông, tụi tao đi kiếm dế đá chơi cho đỡ buồn.

-Ừa, đi đi.

Tém quanh quẩn một lát, tìm không được con dế nào, chợt nhớ tới con dế lửa hồi sáng bỏ trong túi quần. Chắc nó chết queo râu rồi! Tém cẩn thận mò tay vô túi, lôi ra. À, nó vẫn còn sống mới “xịn” chớ! Tém cầm ngửa con dế chu miệng thổi phù phù lên mặt nó. Nhột quá, nó đập cánh vù vù, gáy “réc… réc… réc…” thiệt là ác chiến. Tém la lên:

-Tao cũng có dũng tướng rồi nghe tụi bây.

-Vậy mình xung trận luôn.

-Khoan. Ai thắng, ai thua tính làm sao đây?

-Búng tai đi!

-Búng tai hả? Cũng được. “Chơi” luôn.

Dế của Tém và dế của Nhông so tài trước. Võ đài là lon sữa bò đựng muối đậu đã sạch bách trong bữa cơm hồi nãy.

Hai con dế đi lần quần mấy vòng, có một con chợt “ách xì” dữ dội: mùi muối đậu hắc quá trời!

Tém phản đối:

-Dế tao sắp bị bịnh rồi. Mày có nghe nó “ách xì” không?

Nhông cãi:

-Bịnh cái con khỉ! Đưa lỗ tai cho người ta búng đi ông! Một – Không.

Tém né đầu:

-Khoan đã, chờ chút coi.

Dế của Tém bắt đầu sung lên, nó làm mặt ngầu lừ đừ đi tới khiến đối thủ phải lùi bước. Nhanh như chớp, nó nhào tới bóp cổ đối thủ rồi đá thêm ba cái vào mông con kia. Dế của Nhông đau quá, lật đật bỏ chạy…

Thừa thắng xông lên, dế của Tém xông vào đối thủ thứ hai, định xơi tái nó. Nhưng nó chựng lại. Dế của Phi là một con dế trũi bự tổ cha! Tém phản đối:

-Ăn gian. Ai mà chơi dế trũi?

Phi lém lỉnh:

-Ủa, miễn nó là dế thôi chớ.

Dế của Tém nháy nháy mắt với con dế trũi, định “móc ngoặc” cho hai đứa huề. Nhưng dế trũi lắc đầu, ngầu ngầu đi tới, sắp sửa ra chiêu. Bí quá, dế lửa nhào lại “quính” đại mấy cái rồi bỏ chạy. Coi như thua!

Khi ba đứa trở về chỗ cũ, Bông hỏi:

-Tụi bây chơi cái gì mà la ó dữ vậy?

-Chơi đá dế mà hỏi hoài.

-Tao nghe miệng thằng Nhông hú lên như còi xe lửa. Lớn lên đứa nào dám lấy mày?

Nhông đe dọa:

-Ừa, không có đứa nào thèm lấy tao thì bắt buộc mày phải lấy tao đó nghen Bông. Cả bọn cùng cười. Con Bông liếc thằng Nhông một cái bén như dao. Lạ thiệt, mà con gái nó liếc qua liếc lại sao hay ghê!

Sấu Dại Bên Đường

Khi mặt trời xuống dần tới ngọn núi đằng xa kia, lũ trẻ lần lượt cho trâu trở về theo con đường vòng phía sau đồi. Trâu, bò đi trước, con nào con nấy bụng căng phồng, gõ móng lộp cộp trên đường đất đỏ gập ghềnh. Bốn đứa đội nón lá đi sau, cười nói huyên thuyên, thật là vô tư. Bông kể chuyện nó đi học, vô lớp ngủ gục bị thầy giáo khẻ tay cho tỉnh. Phi bất bình, lớn tiếng:

-Nếu tao là thầy, tao cho mày ngủ đã.

-Gì kỳ vậy? Vô lớp thì phải học chớ bộ vô lớp ngủ hay sao?

Phi vẫn cãi:

-Thầy phải hiểu là mình đi chăn bò suốt ngày rất mệt, nhiều khi tối còn phải chong đèn soi cá, soi ếch nữa. Vô lớp mình ngủ gục, thầy phải thương mình chớ…

Tém dàn hòa:

-Mày nói theo ý nghĩ của mày, còn nhà trường thì phải nề nếp kỷ luật đâu vô đó. Nếu tao là thầy, thấy mày ngủ gục, tao cũng khẻ tay mày luôn!

Phi lè lưỡi:

-Hèn chi hồi nhỏ tao sợ đi học thất kinh!

Nhông xen vào:

-Tao thích đi học lắm. Thầy “quính” tao một trăm cái, một ngản cái tao cũng hổng nghỉ.

Bông tò mò:

-Vậy tại sao mày nghỉ ở nhà?

Tự nhiên Nhông nổi quạu:

-Bộ mày hổng thấy ba tao bịnh sao? Chân tay ổng yếu xìu, bước đi còn hổng nổi…

Bốn đứa cùng lặng thinh, mỗi đứa nghĩ về hoàn cảnh của mình, hoàn cảnh của bạn, lòng nặng trĩu. Một lát sau, Bông nhìn Nhông:

-Tao xin lỗi nghen.

-Đâu có gì. Tại tao ham đi học mà hổng được nên tức vậy thôi. Mày cũng đừng giận tao.

Tém nói lảng đi:

-Ê, lại coi cây sấu có trái nào chín không? Mấy bữa trước tao thấy có trái hườm hườm rồi đó.

Nghe nhắc tới sấu, cả bọn chợt thèm, vội “sọp” cho trâu bò dừng lại rồi tấp tới cây sấu liền. Quả nhiên, trên những nhánh cao đã có rất nhiều trái chín.

Dân gian có câu: “Nghèo ăn sấu, giàu ăn măng”. Trái sấu có khác gì trái măng cụt đâu? Khi bóp mạnh, vỏ sấu nứt đôi, bên trong là một chùm múi trắng nõn nằm chúm chím. Kê miệng vô cắn từng múi một, vị chua chua ngòn ngọt thấm vào từng hột lưỡi, từng chân răng. Hột sấu to tướng. Mấy đứa nhỏ thường “nuốt trộng” luôn cho gọn, nhả hột uổng lắm! Nhưng phải cẩn thận nghen, coi chừng dễ nghẹn họng đó.

Con Bông đứng dưới lượm sấu chín bỏ vô nón lá. Nó nâng niu từng trái một, lấy vạt áo lau sạch sẽ những trái bị dính cát. Lâu lâu nó ngước cặp mắt đen láy lên nhìn “ba con khỉ” đang chuyền cành. Cây sấu này tuy già, gốc to, nhưng ngọn không cao, cành lá vươn ra tứ tán. Theo kinh nghiệm làm vườn, cành nhánh càng nhiều thì trái càng lắm, nên người ta phải ngắt ngọn khi cây còn nhỏ…

Con Bông theo dõi ba thằng bạn, thỉnh thoảng nó nhắc chừng:

-Coi chừng té nghen tụi bây.

Nó chia đều số sấu vào bốn cái nón lá rách rồi đưa mỗi đứa một phần. Cả bọn tiếp tục cho đàn bò bước đi. Có miếng bỏ miệng, dường như tụi nó thấy con đường ngắn lại rất nhiều…

Mọi Nước Thần

Đã thành thông lệ, mỗi lần đi ngang qua ruộng lúa của chú Tư Đứng là bọn trẻ phải dừng lại uống nước. Sau một ngày dang nắng khô khốc cả người, không có gì quý hơn một vốc nước giếng trong veo, ngọt lạnh… Nhưng nước của chú Tư Đứng không phải là nước giếng, mà là nước ở “mọi” chảy trào ra.

Tém ít học, đầu óc đơn giản ngây thơ của nó không thể giải thích cho câu hỏi của em Dọn: “Tại sao có mọi nước?” Ừ nhỉ, tại sao có “mọi” cạn như vậy?

Cả một vùng đất rộng bao la này, muốn có nước tưới ruộng tưới dưa, ai cũng phải đào giếng riêng. Tùy chỗ cao thấp mà giếng sâu hay không sâu. Chỉ có chú Tư Đứng là “khỏe re như con bò kéo xe”. Trên miếng ruộng của chú, sát bìa đường, bỗng dưng có một cái mọi nước. Nó chỉ là một cái lỗ nhỏ, nước ngọt từ đó trào ra như suối, chảy suốt đêm ngày, nhìn thấy mà tiếc đứt ruột.

Chú Tư Đứng thử đào sâu xuống coi dưới lỗ mọi này có gì, bởi ai cũng chọc chú xài “nước cống ông Địa”. Nhưng nào có gì đâu? Càng đào, nước từ trong mọi càng tuôn ra ồng ộc, thiệt sướng con mắt! Từ đó, ai đi ngang ruộng chú cũng dừng lại để xin miếng nước uống thử, nhiều lần thành ghiền, khát hay không khát cũng ghé qua múc một ca. Bọn thằng Tém gom trâu bò lại một chỗ, ào xuống bờ ruộng. Bên cạnh mọi nước, chú Tư Đứng đóng một cây cọc tre, treo toong teng cái ca mủ. Bông lanh tay gỡ sợi dây, ngồi thụp xuống, lần lượt múc nước đưa cho từng thằng bạn. Nó uống sau chót, lấy tay quẹt miệng rồi cột sợi dây lại chỗ cũ.

Vừa lúc đó, trên đường, phía xa, một bà điên thất thểu đi tới. Cả bọn nép vào nhau, quan sát bà ta. Tụi nó không lạ gì bà này, bả ở xóm trong, gần chân núi, làm chủ một ao sen rộng.

Chao, chưa có loại hoa nào đẹp và thơm như hoa sen. Màu sen hồng phơn phớt. Khi nở, hoa ngửa mặt lên trời mặc kệ bầy nòng nọc bơi lội chung quanh… Sen trổ hoa quanh năm nên người mua sen ra vô nườm nượp. Họ cắt sen đem bỏ mối những chợ xa. Đông nhất là những ngày giáp rằm, giáp mùng một, cả chục chiếc xuồng cứ loay hoay giữa ao…

Tới mùa sen có hột, lũ con nít xúm tới chầu rìa quanh bờ ao để xin gương sen lép. Nói là “lép” chớ cũng moi được dăm ba hột tròn vo, nhai giòn rụm, thơm phức…

Năm ngoái, hai đứa con gái sinh đôi của bà lén chèo xuồng ra giữa ao hái bông sen chơi. Chẳng hiểu hai đứa chèo chống ra sao mà xuống lật. Từ đó tới nay, bà điên điên khùng khùng, cứ nhìn mặt từng đứa con gái một trong xóm. Bà ta lại gần Bông, vén tóc nó lên, dòm nó một chút rồi nói:

-Má khát quá. Con múc cho má ca nước.

Bông lẳng lặng bưng ca nước lại. Bà ta đón lấy, uống ừng ực ngon lành. Nước chảy xuống cằm ròng ròng làm bà ta phải khum bàn tay hứng. Những ngón tay sần sùi, dơ bẩn, dính cát đen thui.

Nhìn theo dáng bà đi xiêu vẹo, tụi nhỏ cảm thấy buồn buồn. Đàn bò lại gõ móng xuống đường. Chiều bâng khuâng.

Suối Mơ

Về đến ngã ba: một đường về xóm, một đường rẽ ra đầm nước, Tém chia tay bạn. Mấy đứa kia cho bò về thẳng nhà, còn Tém dẫn cặp trâu tới đầm tắm táp.

Đánh hơi thấy mùi nước, con Bính và con Bỉnh mừng quính nhanh chân bước. Hai con trâu khoan khoái đầm mình xuống làn nước. Nước mát làm tiêu tan hết bao nhọc nhằn, nóng nực của một ngày.

Tém dịu dàng nhìn đôi trâu một lát, rồi nó lững thững đi dạo quanh quanh cho trâu của mình được tự do. Trong đầm, cặp trâu vẫn ung dung kỳ cọ, tắm rửa. Con Bỉnh tính tình khôn lanh, cất giọng nhờ cậy:

-Anh làm ơn chà lưng giùm tui. Đất đóng trên lưng khó chịu quá, ngứa quá.

Bính tốt bụng giúp bạn. Nó chĩa đôi sừng cong cong, quào quào lưng cho con Bỉnh. Bỉnh lim dim mắt, thưởng thức cái khoái trá đã ngứa như người ta được nhổ tóc sâu. Sau đó Bính nhờ lại bạn thì Bỉnh xấu bụng giở trò làm biếng:

-Mệt quá anh Bính ui, tui nhấc chân nhấc tay hổng nổi nữa. Xương cốt nhức mỏi quá. Anh thông cảm đi anh Bính ui!

Bính không cố chấp. Nó im lặng hụp xuống, chỉ chừa cái mũi và cặp sừng ló lên mặt nước mà thôi. Nó thích đầm nước như vầy. Nếu như ngày nào không được dẫn ra đây, nó cảm thấy nhơ nhớ kỳ cục lắm. Nó đưa mắt tìm người chủ nhỏ, có lẽ Tém đi chơi loanh quanh…

Trời về chiều. Nắng tắt hẳn rồi nên Tém gọi trâu về. Đôi trâu miễn cưỡng bước lên, phô hai bộ lưng sạch sẽ trơn tru lắm. Tém ngắt hoa dâm bụt đỏ gài lên đầu con Bỉnh rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo: -Hi hi, con Bỉnh là cô dâu!

Bính chẳng hiểu gì hết, nó thản nhiên quay đầu nhìn Tém rồi chầm chậm đi theo con Bỉnh. Chúng chầm chậm gõ móng trên con đường quen thuộc. Lát lát, con Bỉnh ngoái đầu luyến tiếc cảnh cũ. Nó gởi lòng thương nhớ suối mơ…


CÒN TIẾP ......






© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC