TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





TỪ NGUYÊN TĨNH

. Tên thật là Lê Văn Tĩnh .
. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1947
. Tại Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
. Hiện sống tại Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa,
. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994).
. Tổng Biên Tập Tạp Chí Xứ Thanh- Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh Hoá .

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Hàm Rồng ngày ấy (ký sự viết chung, tập 1 in 1984, tập 2 in 1978);
. Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn, 1991);
. Gã nhà quê (tập truyện ngắn, 1992);
. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết, 1993);
. Không thành người lớn (tiểu thuyết, 1995).

. GIẢI THƯỞNG :

- Giải thưởng văn học: Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn)
- Giải thưởng Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn;
- Giải thưởng văn học tỉnh Thanh Hóa - Mẹ (truyện ngắn),
- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Sông Hương 1993;
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1993; Gã nhà quê (tập truyện)
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1994. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết)
















CÕI NGƯỜI


CHƯƠNG 66 - 70



66

Phách nói tao làm chủ tịch xã. Có trong mơ ông Phó Cáy nhà này cũng chỉ là ngồi chầu rìa đánh rắm vặt, mẹ kiếp, tau mà không nghèo hèn, có ông bố quét chùa thì mày bảo làm sao mở mặt ra được với thiên hạ. Thời thế nó xoay vần phải không? Mà, thằng Sanh được học hành tử tế, ai bảo không làm được hơn tau, tại sao họ không giao. Họ không tin chứ gì. Thằng Sanh đó thôi, con ông giáo học có tiếng. Hàng huyện, mà hàng tỉnh người ta biết đến tên mà lại. Nó lý tưởng quá trong tình yêu đấy. Thì có can chi mà bực mình vì người ta phục tài ông bố bà mẹ mà lấy mình. Bỏ cả một tiền đồ. Người ra đi nườm nượp mấy chốc mà lên tỉnh làm ở Ty. Ra đến ngõ là người ta chào thầy ran ran như vào đám. Đánh nhau với địch thừa sống thiếu chết mà mới lên được cái chức đại đội. Tau có muốn vào đây không hở ! Đi thì đi, người đời làm đựơc chả lẽ lại không dám à? Người ta truất bỏ như chơi. Đôi mắt của Phách khi tìm được sự biểu cảm, mới lồi ra, chực bay khỏi hố. Người không hiểu về Phách thì hết hồn, co lại chờ đợi. Có phải đó là sự phẫn nộ không...Phách cười:
- Đấy... Đỏ Cao bị thịt rồi
- Vì tội gì hử chú ? - Bản hết sức ngạc nhiên.
- Hắn khoẻ như con trâu dái... Vác nổi cả chiếc cối đá hàng tạ, ăn hàng nong cơm, vậy mà.!
- Sao bảo ông ấy được chú đưa ra làm chủ nhiệm rồi ?
- Im cái mồm... Thì thế mới chết.... Người sinh ra con trâu là để kéo cày chứ không phải là làm nhạc sỹ để đánh đàn. Sinh ra thằng đóng gạch không phải là họa sỹ... Bản lại nghĩ thầm... Thế ông sinh ra ở đâu... Bà Thển gói ông trong tã lót, không có người cưu mang còn đâu mà phét lác ở đời này.
Đỏ Cao mới đi ngựơc bè. Chả là quen thân với mấy tay lâm khẩn mà. Mua luồng nứa chở về hồ bán cho dân. Tốt rồi. Cái hầu bao ngày một cứng ra. Miệng cạp hai chiếc răng vàng đỏ choé. Lấy gạch từ lò ở tận Đầm , Tứ Trụ về xây căn nhà ngói to chuỳnh ở gần cửa hàng cho con gái hắn ra bán. Chà phi thương bất phú mà lại. Mày bảo tao có táy máy con này không chứ gì. Cái dạo cải cách Đỏ Cao cũng muốn dùng nó đánh úp Phách này, may đời tao thoát, nếu không không ngồi mà hót với mày ở chốn bom đạn này...Mày có biết không hắn một chữ cắn làm đôi không biết mà đi học lớp quản lý ngoài huyện, cái ông cán bộ ngòai tỉnh đi xem xét cống thuỷ lợi tưới tiêu ở đồng Ngào. Ông cụ ăn trầu, lại gặp Đỏ Cao cũng ăn trầu. Quần chúng ấy mà...nhận ra cái lão to kềnh gác cho mình nói chuyện ở căng bóng. Hỏi ra thì Cao đang làm chủ nhiệm HTX đất Cõi, ông phẩy tay gọi chú mày đến. Mới hỏi han tình hình tổng quát của La Hà, biết không là bạn chiến đấu của bố vợ tau đấy. Mẹ vợ nhà này đã ngồi ngon lành ghế trưởng ban tổ chức rồi. Tau xưng chú cháu, ngọt lừ. Cụ bảo cái đất La Hà cụ từng hoạt động ở đó. Có nhắc đến ông và cha mày nữa. Mới vỗ bịch vào lão Cao bảo, đồng chí xem những người họat động cũ như đồng chí Cao mà bị thiệt thòi. Có ai mà dám trái lệnh trên được. Chú đành phải để cho cái thằng trời đánh ấy đi học quản lý, đành để cho nó làm cái chức chủ nhiệm báu bở đó. Nhưng cháu biết đấy, con người ta có số cả. Có bắt cóc nhái lên đĩa bằng vàng, bảo ông cứ ngồi yên trên đó, cái đĩa đắt lắm. Nhái nó phải nhảy chứ. Hắn như cóc nhái thôi. Sẽ tăm tối chỉ quen việc nặng làm sao tính toán nổi. Cầm cái bàn tính, ngón tay như quả chuối làm sao mà gõ đựơc. Nhưng việc chạy chọt thì hắn giỏi. Ngồi trên chiếc Phượng Hoàng cứ thế mà lao đi. Người ta chào ông Chủ nhiệm, hắn khoái lắm. Lại chở gạch kìn kìn từ bên sông về mà xây nhà. Cho đứa con gái lớn xuống thị xã uốn mái tóc bồng như cái nơm. Biết là ghét mặt cha con nhà nó nhưng làm sao đựơc. Giây vào là hắn có thể gặp ông cụ ăn trầu hôm xem thuỷ lợi đồng Ngào mà nói xấu. Chú đành phải làm bộ mặt niềm nở. Cũng đôi lần nói có trời, uống rựơu với nhà nó. Phó Cáy nhà này đã cảnh cáo chú. Anh xem chừng cái ghế chủ tịch đi tong đấy... Đỏ Cao rững mỡ quan hệ với con mẹ nạ giòng có mang bên Quần. Người ta thấy hắn và con mẹ đó lai nhau xuống thị xã ngồi giữa chợ mà ăn bún bò. Tau biết trong bụng Đỏ Cao không phục tao đâu. Hắn phá cái nhà chó iả, xây nên một căn nhà to ở vườn cũ . Ngoài hợp tác, tao đã nói cho con gái ở đó. Người nghèo có mà mơ cũng không có mà ở. Người ta nói hắn, chắc quan Bá Khai dẫn âm binh về làm hộ. Họ chửi đểu đấy. Đời ông cụ kị thì quan lớn, quan bé đời con cháu là cái thằng đánh nhau thuê. Mấy đứa con nhà nó áo quần xếnh xáng. Bọn bay đi hết nên chúng nó cũng đựơc cử đi học. Cơm nước chính phủ vào, nước da đen nhẻm cũng được thay bằng bộ da mới, trắng nõn. Chú cũng gọi lên ủy ban. Chả nói dấu gì cháu, chú cũng phải tỏ ra gần gũi kẻo người đời lại vu cho là quan liêu. Mày nhăn mặt hả, mày khổ thế. Ai bảo mày không tốt. Nhưng có được đi học ở đâu không? Ai bảo là xã sai? Bọn nó đi học trung cấp, đại học ai bảo xã cắt cử sai? Bây giờ tau nói chuyện với mày. Mày văn hoá có cao hơn tao không?
Tao và mày làm toán nhá. Tau chịu thua. Mày ra kia mà hô hào xem có ai nghe không. Không ai nghe mày cả vì không giao cờ cho mày phất. Chỉ một đoạn đường rất ngắn , mà tại sao không đến mà cầm được. Mày có thể nghĩ tại sao chú lại dân chủ với cậu chứ gì ? Tao hỏi mày vào tận đây mà có đứa cháu đi theo có gì thú vị hơn không? Ngày mai sẽ thế nào, nếu hôm nay không biết soi xét công việc? Thôi không tranh luận nữa, chỉ mình tao nói, chán chết. Tao nói chuỵên nhà quê cho mày nghe. Lỡ cái chết có ập đến thì cháu cũng hiểu cho can tràng của chú. Đỏ Cao hắn cũng lo cho bọn con gái có tấm chồng. Nói thật với cháu , có lúc chú toan gặt đứa con gái đầu nhà nó. Phổng phao mà bắt chước được cha nó cái khoẻ như trâu. Mẹ kiếp. Chú thật là mâu thuẫn phải không. Ai bảo lại sinh ra tao làm gì ... Bao giờ thì cháu có vị trí như chú. Vì thế cứ cho cháu giỏi văn giỏi võ đi. Có gột cũng không hết đựơc cái bã của phong kiến mà mày mang trong ruột ấy... Có nằm mơ cũng không với tới, ừ thì cứ cho là văn hay chữ tốt đi nào, phỏng không có ích gì... Chú chỉ qua mù chữ thôi... Mày bảo sao, số bở. ừ thì cái số của chú tốt hơn cháu chắc ? Mà cũng có lý đấy. Nếu ông nội mày mà cho mày làm con nuôi cho cô Quyên biết đâu bây giờ đang ngồi ở ghế nhà trường. Mày đang loay hoay với mớ triết học, đụng đến nó đã làm chú nhủn cả đầu, hoa cả mắt. Nhưng mà ông Cuông lại nghĩ khác. Dẫu sao cháu cũng là con đầu của Ấm Vệ. Thì sao ông bố vợ tao rủ rê lại không dám đi. Chịu khổ ai muốn. Muốn nằm đọc sách, cắp tráp đi đó đi dây. Xoay đầu dân chúng lấy tiền tiêu. Giả thử cái lão ngông cuồng đó nó xuống tàu vào Nam, đeo lon sỹ quan ngụy, tìm cách liên lạc, mày có qua đó không ?
Bản ngồi chết lặng nghe Phách thuyết giáo. Trong lúc Phách cao hứng mà Bản được nghe chuỵên về quê nhà. Biết được bao đổi thay của đất Cõi. Xoan đã ra trường, về làm cán bộ của huỵên... Lão buột miệng nói ra hay nghe được tin tức gì của ông bố mình. Không nói ra được sự thật, Bản cũng cũng đau khổ lắm nhưng nói ra liệu Bản có đựơc chiến đấu hay phải rời vị trí này, mà Bản phải vượt qua bao thử thách, từng ngày, làm một người lính yêu nước?
Mày đi đâu, chuyển đơn vị khác sao? Thì từ quê mình vào đây nào có, ít đường đất ư. Đi bộ dòng đã hai ba tháng trời. Vậy mà bàn tay của vô tình đã dang tới đây. Chú biết buổi gặp cháu đầu tiên, mày rất đau khổ. Tau cũng thương mày. Chỉ cần mủi lòng mày sẽ hỏng bét... Ngược lại tau cũng trên cương vị, mà khách quan với người đời. Chú với mày đều không thể rút chạy... Tau không còn là thằng Phách, dưới con mắt bọn thủ cựu của đất Cỏi, họ cho ta là cái giẻ lau, bẩn thỉu và ngu xuẩn. Ngay cả cái lão Phó Cáy cũng thế thôi. Coi thường ta và chỉ muốn lợi dụng ta mà thôi...Tao nghĩ kỹ rồi, mày là cái quái gì mà chú thèm hại. Tướng tá chắc. Nhưng phải thực sự giác ngộ, cái mặt bớt nặn ra sự đau đớn đi, cụp xuống như cái đuôi chó ấy... Trên đời này, người ta ghét nhất là cái gì nào? Làm ra vẻ khác người, biết hơn đời, có hơn đời? Mày tưởng tao là đứa ưu việt của La Hà chắc? Không ai ngó tới. Nằm bụi nằm bờ... Mẹ mày cũng đã hoạn bộ quần áo của bố mày cho vừa vặn, cho ra vẻ là thanh niên. Tao biết... Lẽ ra sau này tao phải hàm ơn, nương nhẹ cho nhà mày, trái lại tao càng thù hơn? Vì sao ư ? Vì trái tim tao đau đớn vì thân phận nghèo hèn. Vì tao từng đói lã như chó ngoài đường, được Ấm Vệ cho bát cơm nguội. Ngồi ăn không dám ngẩng mặt lên nhìn người. Tao từng phải rửa, miếng thịt của Đội Oánh và Ấm Vệ nôn ra mà ăn. Phải nhắm mắt nhắm mũi lại mà không nuốt trôi mùi khẳm, lộn mửa. Nhìn thấy mày khó chịu mỗi khi tau đưa tay lên cạo ngờn răng mà ngửi. Hoặc tao và mày đi ỉa ở vườn quan, lấy lá lau chưa sạch, lại ngửi vào tay có còn mùi không... Tao nhận ra. Tao nhận ra con mắt khinh rẻ của tụi chúng mày. Tao biết chúng mày khinh ra mặt, cho là đồ chó má, cặn bã, dân ngu khu đen chứ gì? Thừa biết, nhưng tại sao lại cứ làm, cụp cái đuôi cao ngạo, lờ để làm ra vẻ không nhận ra. Tao cũng coi khinh vẻ trịch thượng cao ngạo của chúng mày. Cái lũ, có dịp tao có quyền sẽ cho biết tay...Bây giờ mà cái quân bóc lột nó nắm được chính quyền nhỉ, chú mày sẽ ra sao hở Bản? Trong dòng máu của chúng mày sặc sụa tư tưởng, bóc lột, ăn cắp. Đè đầu cưỡi cổ người khác, cho người khác cũng chỉ là bố thí, của thừa mà thôi... Tại sao đè đầu người ta thì đựơc, không biết ghê cái mông đít. Đến khi người ta tấn công lại cụp đuôi xu nịnh. Lại điêu toa khai cho kẻ khác, đổ tội cho kẻ khác mà không ngẩng cao đầu, nhận lấy phần tội lỗi đã gây ra... Mày bảo tao đào đâu ra cái ý nghĩ đó hả... Do có những đêm rét căm căm, cạo lông lợn, vặt lông gà mà có được ý nghĩa đó đấy. Mày không nhớ lúc tao chăn trâu cho nhà Phó Cáy hả. Lão là gì với tao nào. Bác ruột ư ? Thế sao lại chèn ép cha tao, đuổi ông ra ở chùa ? Là bố tao hả...Tại sao không dám nhận. Do cái sĩ diện hảo huyền mà thôi. Đánh không chết mà. Lão đá đít, bạt tai không biết bao lần. Khi tao có tí chức vụ, lại xu nịnh, tự hào. Chả gì cái thằng con rơi này cũng mở mày mở mặt cho lão...Có kẻ bảo tao túm râu lão lúc đấu tố hả.... Nghĩ đến cái khổ, bị đàn áp người ta có thể làm được điều đó. Ai là kẻ thất đức... tại sao người mẹ khốn khổ của ta lại phải chịu sự đè nén của lão ? Lão mà có năm bảy đứa con trai, chắc lão chẳng coi tao là cái thá gì....Không có cuộc đổi đời tao vẫn là kẻ theo đóm ăn tàn mà thôi....
Lâu lắm Bản mới chứng kiến bộ mặt tái dại của Phách. Sự phấn khích làm cho Phách nói hăng, Bản không tài nào chen được lời nào. Bản cũng cảm nhận ra đựơc một điều. Thời gian thật ngắn ngủi, Phách đã tìm đựơc cho mình một triết lý sống. Sự lam lũ đã giúp cho Phách một khả năng không hề biết sợ. Sự đày ải của cuộc sống làm cho Phách có sự suy xét một cách láu cá. Cặp mắt dẹo dọ kia, làm cho ngừơi đời tưởng nó đang nhắm vào nơi khác, không phải là nhằm vào mình...
Phó Cáy, mà không riêng gì lão, phe nào có lợi là họ chạy theo. Bữa trước xui cho Quyền Du, chánh Tào tẩn bọn khố rách áo ôm. Chia rẽ các làng ra để ngồi giữa viết đơn thư lấy lợi. Nay lão lại quay lại, xúi giục, vì đằng nào cũng có ta là cháu làm chủ tịch mà lại. Bữa đi ủng cắp ô chạy theo tri phủ cũng có phần, mà ông chính quyền nhân dân về cũng có lợi. Ta biết nếu sĩ vả lão thì nhân dân sẽ cho ta là thất đức. Cái sai đã dẹp lại, đã sửa, bắt tay đoàn kết xây dựng quê hương. Đến bác nó còn không tha huống chi là người đời. Ta không có ai là chiến hữu cả. Bọn bay ư ? Những đứa trẻ con nhà thành phần láo toét. Làm sao cho người đời tin được. Nhưng cháu có biết điều gì không. Ôi...Thật khốn khổ cho người dân, thời nào họ cũng nể sợ người có chức vụ. ít, rất ít kể dám quá quấy, dù đó là kẻ bần cùng, chưa lún sau vào tội ác. Ta nhận ra thói cơ hội của người đời qua người bác của ta. ít học ừ thì ít đấy nhưng quyết không để cho người đời bảo là ngu dốt... Ta đi B, mày bảo sao? Có sợ chết không hả ? Ông cháu ơi! Thằng Châu con Ấm Căn nhà này, đánh nhau với tàu bay tàu bò trong Vĩnh Linh. Được học ở trường võ bị đi lính lúc còn nứt mắt, mà mới đeo lon trung uý, tao là cái thá gì. Mấy tháng học chưa qua đường căn bản thế mà... Cái hôm mặc áo bốn túi, đeo quân hàm về La Hà, mày bảo sao. Đâu chỉ riêng Phó Cáy hoa mắt, cả làng xã. Bọn con gái còn hơ hớ cũng cứ là liếc mắt theo. Tiếc có tiếc thật nhưng thử hỏi không nhờ phía bên vợ làm sao tao qua được số phận của con quét chùa...Đỏ Cao ngày nay hắn dựa vào ai nào? Vẫn là người có quyền thế. Mày cười tao dùng chữ sai hả? Chữ nghĩa của riêng nhà mày à? Nếu của riêng nhà mày tại sao bác Cả Di nhà mày một bồ chữ mà hoá dại, xã hội có sao đâu? Cả lão Ấm Vệ nữa cắp con dì út nhà mày ra đi. Phỏng ai đứng ra chịu cho mẹ con nhà mày. Có cho qua chuyện đó được không. Cuộc đời có thật nặng nề không nào. Rồi mày vẫn học qua cấp ba. Lẽ nào lại tiếp tục vào đại học để mặc con em người ta ít chữ ra đi, chịu hòn tên mũi đạn. Bay cầm lấy cái bằng đủ thứ biện luận tăm tối....Lại cưỡi cổ người nghèo. Sướng mà còn biết thương ai?
Phách tức tối như phải đấu với con trâu dái hắn phải cương ra giữ lấy mũi con trâu. Phách dậm chân đầy dậm doạ. Hùng biện dáng điệu mà Bản bắt gặp thời Phách còn làm xã đoàn, sợ người khác không chịu phục mình vì thiếu tài năng. Bản hoảng hốt trước sự thay đổi của Phách. Chiếc cằm tự nhiên nhọn ra , râu mọc lên tự lúc nào. Tự dưng Bản thấy thương hại cho Phách. Phách rất sợ người lính coi thường khả năng chiến đấu của mình. Bản ấp úng định nói một câu cho Phách yên lòng.
- Chú... chú... !
- Mày bảo... Tao có làm điều gì sai sót trong trận đánh vừa rồi không?
- Cháu đâu dám ngĩ thế ?
- Tốt... Thằng Sanh nó có nói với mày điều gì không phải về chú?...
Bản ngậm ngùi, thương cho đồng đội còn rất trẻ. Họ đã ngã xuống trong trận chiến đấu tối qua. Họ mới vào trận cùng với Phách. Quân của khung huấn luyện theo Phách vào đây. Trận đấu mà Sanh gay gắt cho rằng không nên đánh khi chưa nắm đựơc thông tin điều binh của địch từ nguồn tin của ta báo về... Phách không nghe. Đằng nào cũng là người có quyền cao nhất của đại đội mà. Bản nhận ra vẻ lo lắng của Sanh khi nói lúc chia mũi tấn công:
- Cái cách điều nghiên như thế này, còn khổ lính!
Thật là nguy hại. ông ấy cứ giữ gịt lấy Bản mỗi khi vào trận. Biết đâu đấy, số phận ?

67

Xoan viết thư báo cho Bản biết mình đã ra trường về phòng nông nghiệp của huyện. Muốn được ra trận như Phách, như Hiên mà không được. Trên bảo nhà con một là con gái nên không ai chịu nhận. Hiên sau khi bị thương ở khu 4, chuyển về điều trị ở Nam Hà, an dưỡng một thời gian đã vào đại học rồi. Chắc Bản đã biết, nhưng Xoan vẫn báo tin. Mừng cho Hiên, Xoan mong sao cho Bản lành lặn trở về, chắc Bản rồi cũng vào đại học.
Quê mình bây giờ thay đổi nhiều lắm. Con đường lộ qua làng được đắp to lên tận Mã cọp. Sân bay chiến lược được đặt ở đồn điền nhà ông mình đấy. Máy bay của ta lên xuống rì rầm suốt ngày. Xoan chứng kiến nhiều trận không chiến của máy bay ta và máy bay Mỹ rất ác liệt. Thấy cháy, nói thật không biết của ta cháy hay địch. Nhưng mà vui, mình không còn kém cỏi như cái dạo đánh nhau với Pháp nữa. Có đêm nhớ các bạn, cái Lành nó rủ ngủ luôn lại nhà Bản đấy. Nhớ đến cái dạo còn rủ nhau lên ổ rơm nằm, chuyện trò suốt đêm không chán. Không hiểu Bản và Hiên có nhớ đến mình không. Xoan động viên cho cái Lành cố học, bây giờ người ta tuyển sinh rộng lắm ! Mẹ Bản cũng bảo thế. Có khổ mẹ cũng chịu được, anh ở xa chắc cũng mong cho con vào đại học. Lành bảo, hoàn cảnh nhà khó khăn. Mẹ thì già yếu, có lẽ em phải đi ngang. Học lấy một nghề gì đấy để giúp mẹ. Bản mà viết thư về hãy động viên em một tí.
Chết cười, nằm ngủ ở nhà Bản mà mình không sao quên được ngày còn dì út ở đây. Tính của dì thật dễ chịu, vậy mà khổ. Bây giờ không biết ở phương trời nào. Mẹ Hoa của Bản bảo, chắc gì đã còn sống....báo chí nói nhiều đến hội nghị Pa ri về Việt Nam. Nếu mà thành công thì tốt Bản nhỉ. Cậu sẽ mau chóng về quê....
Chú Phách nhà này được cử làm quan đấy. Ông phó nhà này cứ ra vào nhấp nhẳng, vuốt râu. Có lúc cụ lại cười khẩy cái ngữ thằng ấy, lạ thật. Mẹ của Bản cũng có lời với ông chú trái khoáy ấy mà, có gì chú giúp cháu. Phách ta có vẻ biết điều, rằng bây giờ người ta không định kiến với bất cứ ai, miễn là có tinh thần yêu nước, thương nòi. Cái tay Phách, học lóm cũng nhanh, nói cứ như người ta mở đài ấy cậu ạ.... Mình nẹt Phách một trận. Chú nhớ cho mà đối xử với Bản. Tôi nói với đất Cõi này không nhìn mặt chú nữa đâu. Là mình nói thế sợ vì Bản chịu đựng không nổi lại có lời bất phục, nó thiệt đến mình. Ông bố mình lại nhấp nhẳng; lạ thật, lạ thật tại sao người ta lại cử cái thằng Phách nhà này vào cái đơn vị có thằng Bản nhỉ ? Có phải là điềm trời không nào. Ở miền Nam có thiên lũng nơi cần đánh nhau. Thế mà nó lại vào đó. Xoan nghĩ đằng nào thì Bản không còn nhỏ dại như ngày nào, vả lại dẫu thế nào Phách cũng không thể đối xử tệ với Bản được, còn có anh em đồng đội nữa, phải không hở Bản?
Không nói, Xoan lại quên mất điều này, Nguyên người em sinh đôi với cậu ấy mà. Học giỏi nghe đâu người ta giữ lại trường làm cán bộ phụ giảng đại học đấy. Thế cũng mát mặt cho ông bà tổ tiên ta rồi. Hôm liên hoan Phách đi Nam làm cán bộ, nhà mình có tổ chức liên hoan, Xoan can là thời buổi chiến tranh, trong làng có bao người con cái đi xa, kẻo điều tiếng. Ông Phó nhà mình bảo mặc kệ. Cứ lẩm bẩm trong miệng, thằng Phách chó không ngửi được thế mà khá. Có ẩn tướng làm quan. Ai bảo nó không phải quan hai, có phải thời đế quốc nó bắt cả làng này nằm rạt xuống sân đình mà lạy. Được thể Quỳ Cốc Tiên Sinh cứ lắc đầu như tế mà há hốc miệng ra cười. Rõ ràng Xoan thấy nước mắt chảy ra mà ông ấy cười được chứ...Quỳ Cốc bảo cái khí của đất Cõi như kiểu người ta dồn vào quả bóng. Tụ ở đâu thì nhà ấy được. Đậu vào ai thì người ấy được phần. Không giữ được thì nó lại bay đi như nước ở trong hồ. Có đánh dấu đựơc ở chỗ nào đâu. ấy vậy mà tôm cá nó lại thích sống ở bờ bên này chứ không phải bên kia. Mùa này thì lại nằm ngủ ở bên kia lại ăn ở bên này... Cái vận rủi nó rơi vào ai thì người đó chịu...Mụ Thển, mẹ của Phách đỡ cho cậu phải không, mặt mày có hơi rượu vào cong như cánh buồm. Đi đâu cũng vênh váo, ai bảo mẹ cú đẻ con tiên...Cụ Kỵ, nhà bà cũng là con dòng cháu giống cả đấy. Được sung được sướng thì nhà bà đâu kém chi ai..
Kể cho Bản chuyện của xóm làng, có làm cho vui được chút nào không. Bộ đội các cậu chắc gì đã có những chuyện buồn cười ấy nhỉ. Ông Cao bị mất chức chủ nhiệm rồi. Đánh nhau với mấy tay buôn bè ở Đầm. Người ta nói mắc mớ chính là chuỵên buôn thuốc phiện. Cái lão ấy gan lắm. Cho vào ống nứa dấu dưới bè. Không hiểu sao về đến đập Thạch Bàn thì có đứa nẫng tay trên. Còn báo cho công an bắt quả tang Đỏ Cao đang giao thuốc phiện ngay trên mui bè. Mất toàn bộ gia sản, con gái đầu ra bán hàng chả biết tí tởn với ai mà lòi ra đứa con....Ngừơi đời độc miệng lắm, bảo âm binh của cụ kỵ nó về hành đấy. Đỏ Cao bị bắt và nhốt vào trại cải tạo của huỵện rồi. Cái chức chủ nhiệm của lão bị mất. Nhà thì xung vào cho tập thể làm cửa hàng mua bán. Ông Phó Cáy nhà mình cứ vuốt râu hoài nói giọng bõ hờn, thật là tức lộn ruột. Cái quân ăn điêu nói thừa ấy, gặp quả báo là phải rồi. Ông nhớ đến cái vụ Đỏ Cao là dân quân thích đầu gối làm cho lăn đùng ra ở căng bóng ấy mà. Hôm Phách liên hoan lên đường chả hiểu rượu vào, đốc chứng mới kéo ở đâu câu chuyện từ đời cố hoắng ra kể. Bá Khai, cụ Kỵ nhà Đỏ Cao có phép điều khiển âm binh đi đánh giặc. Âm binh mới làm được chứ người trần mắt thịt thì làm sao mà làm nổi. Cắt hình nhân bằng giấy xanh đỏ thành từng đôi một. Đọc thần chú vào cho quân lính đem đi đánh trận. Đi đến đâu đội quân ấy biến thành người, đánh nhau như người thật. Quân địch không sao mà địch nổi. Đánh thắng trận, thu quân lại cho vào một hộp cả hằng hà xa số là quân lính. Không ai có thể nhận ra được hành trang của đội quân. Một lần bà vợ của Quan Bá Khai quét dọn nhà thờ. Không hiểu sao cán chổi mới đập vào chuông. Quan quyền mới hiện ra hỏi:
- Thưa ngài... Ngài có việc gì sai bảo vậy? Thấy quân quyền nhiều quá. Trên trời dưới đất chật cả. Bà vợ Bá Khai mới hoảng hồn và nói rằng: Thầy bảo bây giờ thầy không nuôi được các con nữa...Liệu mà lo kiếm sống lấy. Từ đó Bá Khai đi đánh trận không thắng được nữa. Quân quyền không nghe theo lời thần chú. Con cháu Bá Khai đời đời không phát được nữa. Âm binh nó oán giận, phản lại thầy đấy...Phách, anh chàng cuội ấy, bộ mặt buồn rầu hỏi cha mình. Lâu rồi Xoan mới nhìn thấy bộ mặt của hắn có vẻ buồn rầu. Không hiểu Phách sợ chết hay sao. Có lẽ sợ chết thật rồi. Không bỗng dưng lại nói ra câu ấy...Cái ngữ cháu ngờ đâu lại được làm quan...Thôi thì khấn trời khấn phật thoát được hòn tên mũi đạn, lành lặn mà trở về. Chắc chú Mảy nhà này cúng bái gì đó cầu may cho Phách. Quỳ Cốc tiên sinh dài lưỡi ra, đoán cho Phách, rằng hắn thuộc loại ẩn tướng, tướng chó mà được hưởng lộc chứ khối người học hành tử tế, mặt mũi phương phi mà không được gọi ra làm quan. Có phải bữa trước Phách đã cho một trận vỡ mặt, nhưng lúc ấy bộ mặt thộn ra. Phách lo thật đấy, Quỳ Cốc tiên sinh không hiểu có ai báo cáo với công an mà bị bắt đi cải tạo ở Trại Cao, ông Phó Cáy nhà này bảo thế mà thâm, chơi xỏ lại Quỳ Cốc. Nhưng có người lại nói, tại lão bói toán ăn tiền. Con người ta đi B lại bảo chết, không ngờ nó lại lù lù về phép.... Xoan mà nói dông dài vì lâu ngày không gặp đựơc Bản để Bản biết chuỵên quê mình đấy... Chắc Bản không ngờ lại gặp Phách phải không? Vòng đời có vẻ luẩn quẩn nhưng Xoan tin Bản không lấy thế làm buồn. Chúc cho Bản vượt qua được khó khăn gian khổ ngoài trận mạc....
Bản cảm thấy buồn cười, mặt trận ở xa làng hàng ngàn cây số, vậy mà vì có Phách, có thư của Xoan, chuyện của Bản cứ như là chưa dứt ra khỏi đất Cõi. Chỉ lúc nghe tiếng đạn bom, mới biết đó là mặt trận. Chiến tranh là gì, có phải đó là nhận thức về cái sống và cái chết. Thật may, vẫn còn có người như Sanh nhận ra sự phân vân của Bản hay sao mà nói như đe nẹt: - Bản ạ ! Nói cho cậu biết, cuộc đời là do cậu quyết định cả đấy....Định hỏi lại, bằng cách nào lại ngại ngần...

68

Thời gian không còn làm cho dì út Thường gìa đi. Mái tóc cắt ngang vai. Bộ quần áo bà ba màu hoa cà rất vừa vặn. Chiếc cặp tóc làm lộ vầng trán thông minh rắn rỏi. Thoạt nhìn rất giống bà Hoa, nhanh nhẹn, nụ cười rất tươi. Pha chút âu sầu của nỗi khổ trải qua. Nhìn lâu lại có vẻ gì đó giống với cô Đào Tuyết Tuyết. Tưởng ở da toả ra một mùi thơm cám dỗ người khác giới.
Dì út đi về phía sông, nơi đồng đội và Bản vẫn nằm, chờ đêm đến tập kết vào căn cứ An Hoà và Đức Dục. Xuôi theo dòng Vu Gia là về tới Giao Thuỷ. Một nhánh chảy về sông Trường Giang về mãi tận Hội An, lại ra được cửa biển Kỳ Hà. Một nhánh chảy về phía Đà Nẵng. Bản thấy rõ ràng dì đi lên từ chiếc ca nô mà tụi địch đi tuần rà soát thuyền, đổ đạn vào phía bờ sông, nơi mà chúng nghi ngờ là nổ súng. Bản không muốn hỏi trước. Trong bụng ứa ngẹn sự uất ức. Nghĩ đến sự chịu đựng của mẹ mà muốn gào lên: "Cút đi... Cút ngay đi cho"... Nhưng kịp kìm lại vì sợ người khác đánh giá mình là lố bịch. Thì hãy chờ xem sự thể ra làm sao chứ. Biết đâu, cuộc gặp gỡ bất ngờ này chả là điều may. Hơn mọi lời thanh minh với tổ chức. Nhất là với Phách. Ông ta sẽ hết cách nói nhẹ nói nặng; nói xa nói gần về hoàn cảnh nhà Bản. Chắc gì bà dì đã nhận ra đứa cháu khổn khổ này. Ai bảo cho bà ấy biết là Bản ở đây, ở đơn vị chủ công này nhỉ... Bản nhìn quanh quất, muốn dò hỏi mọi người, hỏi mọi người xem sự thể ra làm sao? Phách, cái ông ấy kỳ quặc thật. Vô tình hay cố ý đưa móng tay lên cạo ngờn răng đưa lên mũi ngửi. Chắc là ông ấy giễu cợt Bản đấy.
Bây giờ dì út Thường đến gần lắm rồi. Chả trách nhà chú Phách kia mê dì là phải. Cái miệng tại sao lại cười như thế. Hai con mắt có phải đang cãi nhau không. Rõ ràng là đang lườm nguýt nhau mỗi khi có điều gì đụng đến vong hồn .Phách lướt qua mặt dì út. Bàn tay của chú ấy khẽ sờ vào bao súng ngắn. Thật là oách. Có lúc Bản giả ngủ để được nhìn chú ấy làm dáng. Cái mũ tai bèo trễ nãi sau lưng. Súng đập vào mông. Chú Phách thật kỳ dị. Có cái gì đó kiêu căng thoả mãn, lại pha một chút thẹn thùng. Phải là người tinh ý lắm mới phát hiện được ra. Có lẽ chú nhận ra chức vụ này của ai đó chứ không phải của mình. Nó rơi xuống đầu mình bất ngờ quá. Như hôm nảo hôm nao đi lặn hụp ở hồ La Hà sau trận mưa. Một cụm bèo phủ lên đầu, bất ngờ và thích thú. Chính vì lẽ đó mà chú phải cương cái mặt lên cho nó được việc. Lúc ấy chú có thể lấy ví dụ một cách tuỳ tiện. Bạ đâu chú sẽ nói đó. Cái thằng nào nằm trong tía mắt của chú là chú lấy ra làm dẫn chứng. Đôi lúc đang ưu điểm rõ ràng, chú phân tích thành khuyết điểm. Như thể đó là kẻ địch. Biết đó là quá lời, chú lại lái kiểu như người ta cởi áo. Lộn trái ra, đột ngột bất ngờ.
Có lần Bản suýt bị chú đưa ra tẩn như dạo nào ở quê. Chú làm cho hết mọi lời thanh minh với bạn bè. Bản nghĩ, chắc là đi tong rồi. Tất nhiên có gì mà bảo đó là sự nghiệp. Thực tế đánh đấm mà đề bạt cho Bản thôi. Trung đội phó, kể cũng là oai rồi. Lúc thì ba tiểu đội, khi thì bốn. Thay nhau chia ra các mũi tấn công. Khi Sanh đi theo trung đội của Bản thì còn khá, ông Phách mà đi theo thật là rầy rà. Bản không tài nào nhận ra bộ mặt hèn nhát hay dũng cảm ở chú ấy cả. Kể ra tháo được quan niệm của chú ấy, đồng ý để đề bạt Bản đã là cả một kỳ công. Chả thế mà chú ấy cứ nhắc mỗi khi có dịp, cậu là gặp may đấy. Ít ra tao là cái lá chắn cho đấy. Bản miệng ngậm bồ hòn làm ngọt. Chả lẽ chuyển đi đơn vị khác. Hèn thế là cùng. Ông ấy làm gì chả nói đuổi theo, có chạy đằng trời....Phách dẫn dì út Thường đến, quả là kỳ quặc. Họ gặp nhau từ khi nào mà mặt mày hớn hở thế không biết. Chả lẽ dì út Thường của Bản đã trở thành một người hoạt động bí mật. Là cơ sở của ta vào đây nằm vùng như câu chuyện ly kỳ mà Bản đựơc nghe Sanh kể hoặc đã đọc ở đâu đó thời còn đi học. Bản cố nhớ mà cứ lộn rối tung cả lên. Nếu quả đó là sự thật thì còn gì để nói nữa đây? Cái mặt chú Phách kia, sao mà đáng ghét làm vậy. Mới cách đây vài năm hắn làm khổ mẹ con Bản. Mà cách đây có lâu gì cho cam, Phách còn nói mát Bản, rằng hắn ghét tư tưởng địa chủ tư sản không chịu bộc lộ ra, không chịu cải tạo, chờ thời. Bản làm mặt khinh khỉnh không muốn bắt chuyện với hắn. Cả dì út Thường nữa, tại làm sao không chịu hiểu cho nó rõ ràng sự thể. Chính lão Phách hành tội chị mình và cháu mình. Lại còn làm bộ mặt niềm nở với hắn nữa mới đáng ghét. Kìa, ai như ông Ấm Vệ, cha của ta đấy ư ? Ông đã thay cái cháp đựng tông đơ bằng chiếc xà cột da từ bao giờ ? Lại còn tay bắt mặt mừng với các chiến sỹ y hệt người thủ trưởng mặt trận hôm đón bọn Bản bổ sung từ khung huấn luyện ngoài Bắc vào. Caí dáng to cao kia không thể lẫn được trong đám tuỳ tùng giản ra nhường lối cho cho ông. Trời ơi! Ông còn nhớ đến đứa con của mình bị bỏ rơi hay sao? Thế hoá ra lời đoán bản mệnh của Quỳ Cốc tiên sinh là đúng. Ông là người có mệnh lớn trên cõi đời này. Ông khuynh loát thiên hạ. Làm rạng danh cho cha con ông Cuông thật sao? Tay bắt mặt mừng, uý lạo những thương binh nặng. Xoa đầu mấy chàng trai trẻ tuổi. ánh mắt ông để ý đến ta rồi. Đứa con rứt ruột đẻ ra suýt bị bỏ rơi. Suýt nữa bị ném tùm vào nỗi nghi vấn oan ức, đầy mặc cảm. Có lẽ không bị tình cảm gia đình chi phối mà Ấm Vệ đến với Bản sau cùng. Mắt ông rân rấn Bản phải cố kìm mới không hét lên vì sung sướng. Thốt ra lời: Cha ơi ! Con Bản của cha đây...Có ngờ đâu, gia đình ta lại gặp nhau ở chiến trường ác liệt này. Có lúc nào đấy, con đã nghi ngờ cha là kẻ phản bội lại nòi giống. Làm tay sai cho ngoại bang, gây ra cái khổ cho con người vô tội. Con oán hận cha đã để lại hậu quả cho gia đình ta, mà cụ thể là mẹ và con. Cha hãy đừng tin vào tay Phách kia nhé. Xun xoe vậy đấy mà nó thay đổi lúc nào không biết được đâu. Chính con đây đã chiến đấu để không hổ thẹn với người ngã xuống. Có lúc nào đó con định đi tìm cha không? Ý định đó thôi thúc con, đi tìm xem con người bội bạc ấy sống ra sao. Đi tìm xem chân trời này là hẹp hay rộng...May quá, dù ác liệt nhưng không rơi vào tuyệt vọng. Không đầu hàng để khỏi uổng công cha phải đi tìm. Cha không bị xúc phạm bởi hèn nhát của con... hôm nay cha không phải ê mặt vì sự ngộ nhận do đứa con mang lại. Ai biết đựơc sự chứng kiến này nhỉ. Ai đã đem lại sự gặp gỡ kỳ lạ này cho cha con mình ? Chắc biết được người mẹ tội nghiệp cũng sẽ tha thứ cho việc ra đi của cha thôi...
Bản chìm ngập trong ý nghĩ. Một niềm hạnh phúc vô bờ, ào ạt tràn đến, bóp ngẹn trái tim lâu nay bị kìm nén. Nước mắt lâu nay bị nén chặt có dịp trào ra. Bản cảm thấy được nó hay sao, như mưa rơi trên cánh đồng khô khát.
Bản nhận ra nét mặt của Ấm Vệ, râu mép được tỉa rất mảnh, có thể thổi được, thổi bay đi mất. Bản rất muốn đưa tay sờ vào đó xem là râu thật hay râu giả. Nhưng tay bị trói không tài nào cử động nổi. Bộ mặt của Ấm Vệ rất dửng dưng không thèm tỏ thái độ thân thiện với Bản. Không nói rõ lý do tại sao lại gặp Bản ở chiến trận này. Cũng không giải thích sự ra đi, sự vắng mặt hơn chục năm qua. Sợ toát mồ hôi hột, khi nghĩ hoá ra hai cha con Bản đã cùng một chiến tuyến. Dì út Thường thoắt cái đã mặc áo bờ lu trắng, tay cầm chiếc kéo cắt sắt của lão thợ rèn ở đường vào làng, chỗ dốc sông có chiếc giếng cổ quái, người ta lát bờ bằng những phiến đá vuông vức. Phách bảo mạch giếng này thông mãi ra tận kinh đô. Ông vua đội mũ có cái cánh cũng có cái giếng như thế. Bắt người ta đào để lấy nước từ vùng gò đồi mới chịu ngự chè.... Dì út bảo với đám người có mặt:- Cắt thôi... Phải cắt cánh tay của nó.... Phách, Ấm Vệ, Phó Cáy liền nhảy vào trói nghiến lấy Bản. Bản hét lên, van xin: Không được đối xử với ta như thế...Lũ giết người độc ác!
Đỏ Cao nhăn hàm răng chó ra cười. Móc trong đủng quần ra tung lên trời những chiếc máy bay cắt bằng giấy. Bản sợ quá, có lẽ hắn đã học được cụ tổ nhà, làm hình bằng giấy mà gọi hồn hay sao, chỉ trong phút chốc tất cả máy bay giấy thành máy bay thật, ném bom xuống cánh rừng có bộ đội trú ẩn. Tiếng nổ làm Bản sực tỉnh, nhìn thấy Sanh đang cúi xuống nhìn mình. Bên cạnh là cô y tá mặc áo bờ lu trắng. Sanh gọi:
-Bản ơi! Cậu nhận ra tớ không?
- Ơ... Sanh... Mà thủ trưởng đến từ bao giờ? - Bản hốt hoảng muốn ngồi dậy. Sanh giữ cho Bản nằm yên, nói để bạn yên tâm.
- Bản vượt sông bị trúng đạn... Tưởng không qua nổi.... Anh em phải phá vòng vây đưa ra?
- Thế các cậu ấy đâu cả rồi....
- Cứ yên tâm mà điều trị.... Vừa rồi cậu nói mê làm ai cũng sợ.
- Sanh đã đến lâu chưa ? Bản lo ngại trong lúc mê man nói ra điều gì. Lại rất muốn cho Sanh hiểu được lòng mình.
- Cậu làm sao đấy?
- Không... Tôi có làm gì để cấp trên phật lòng không?... Bản rất muốn diễn đạt ý nghĩ của mình mà không dám. Bản nhớ lại lời Phách khi triển khai nhiệm vụ đã nói bóng nói gió. Rằng trong chiến đấu phải đảm bảo tính nguyên tắc, tập trung và dân chủ. Thảo luận bàn bạc rồi, phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh. Có lúc ông ấy chả không nói rõ ra là Sanh tuy là đại đội trưởng, nhưng ông ấy là chính trị viên, là bí thư chi bộ, là người chịu trách nhiệm cao nhất ở đơn vị. Các người đừng tưởng có kinh nghiệm chiến đấu mà phớt lờ sự chỉ đạo. Bản rất ngại Sanh là bạn đã dìu dắt Bản từ ngày đầu vào đơn vị. Phách thì cố chấp, không cặn kẽ thì ông ấy cho là phớt lờ. Biết đâu chả có thái độ thiếu khách quan trong việc đánh giá Bản. Ông ấy mà nói ngảng ra thì không ai có thể xoay chuyển được. Mà không sử sự khéo léo, bạn bè và đồng đội sẽ khinh thường Bản. Cho rằng Bản ôm chân ông Phách. Ước gì Bản có thể kể ra hoàn cảnh của mình được nhỉ? Nhưng thật ra Bản cũng không biết chuyện ra đi của cha và dì út Thường. Bây giờ họ sông chết ra sao? Thôi cứ nói là biệt tích từ dạo mới hoà bình, ai hiểu thì hiểu. Cũng như ông Phách nói với Bản đó thôi, người ta nói Ấm Vệ nhà này chết bờ chết bụi cũng được. Mà cứ nói phóng lên làm gì để thanh minh. Bản chỉ còn nói một câu mà đã thuộc lòng, tôi xác định đi chiến đấu là rõ rồi. Còn ai nghĩ về quá khứ thế nào là tuỳ họ. Tôi cũng không mưu cầu gì lớn cả...
Bản không ngờ việc đánh vào quận lỵ Điện Bàn lại khó đến thế. Bản cùng nhóm với Sanh đi trinh sát dễ đến thuộc lầu. Vậy mà địch đã thay đổi cách bố trí, thật may thấy một tốp chạy ra cánh đồng, Bản định nổ súng, hoá ra là tốp của Sanh. Cũng vì ngần ngừ mà Bản bị ngay một loạt đạn AR 15 của đám phản kích chặn đường lui của ta.... Trong lúc bàn bạc cách đánh, Bản đã mắc mớ với ông Phách. Đã phản đối cách chia nhỏ lực lượng ra của Phách. Bản nói bây giờ quân ta không nhỏ như dạo năm sáu tám sáu chín, phải lấy trung đội làm mũi chính. Phải nắm thật chắc mới đánh. Bản nhớ trận đánh vào nhà dài trên cao điểm bốn lăm hôm nào. Chỉ thiếu cặn kẽ mà đơn vị thương vong không cần thiết. Phải lội sông mới qua được hoả lực địch. Phách bảo, đã điều nghiên rồi. Chính ông ta đã trinh sát với Bản và các đồng chí rồi . Đánh thôi...
- Ông Phách cũng rất ân hận về việc nặng lời với cậu - Sanh bóp nhẹ vào bàn tay bị thương của Bản.
- Không...Tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuỵện ấy... Mà chỉ nghĩ đến việc cách nhìn người... Không thể nhìn người mà không qua việc, đại trưởng ạ! Mỗi khi nói đến công việc, Bản bao giờ cũng gọi Sanh bằng chức vụ với sự tôn trọng của mình. Đó là điều xuất phát từ sự khâm phục của Bản. Không có Sanh, biết đâu Bản đã xin đi một đơn vị khác. Biết rằng, ở đâu cũng có bầu trời, dẫu sao được thanh thản vẫn hơn.
- Mình cũng báo để Bản vui... Trên đã duyệt rồi... Bản đã có quyết định kết nạp vào Đảng rồi. Chỉ chờ Phách đi họp về là tổ chức lễ thôi.
- Thật sao?... Bản không thể tin được trong lúc mê man bất tỉnh, Bản mơ thấy cha của mình. Ấm Vệ lúc thì mũ tai bèo, lúc lại đeo mai vàng trên cổ. Bản thấy thật xót xa, không hiểu Bản vui hay buồn khi nghe Sanh báo tin, được kết nạp vào Đảng. Bản lại bao biện cho cái lý của mình, đã thành hằn sâu trong tiềm thức: Thôi đi... Ta phải khẳng định mình. ý chí sống của mình...Không ai khác, chính Phách đã phải thừa nhận. Cái người từng làm cho tuổi thơ của ta vui, buồn và đau khổ, cái người có thể đặt điều ấy, phải chấp nhận... Nhưng sự thật ta phải trả giá bằng máu của mình.Và chuyện vào Đảng của ta có điều gì không sòng phẳng đây?...
- Cảm ơn... Mình thật sự cảm ơn...Không hiểu lơi của bản co gì là xã giao không.Nhưng trong sâu lăng của con tim thì nghẹn ngào,xúc động.

69

Mỗi một ngày trôi qua, Phách thở phào biết mình vẫn còn sống. Tự so sánh với thằng Phách ở quê, ít học do xô đẩy của cuộc sống, sớm đã có chức vụ. Dù thế nào đi nữa cũng đã gặp may rồi. Hơn chán vạn người cù bất cù bơ. ào một cái như người ta phải đi bằng tay, mình lại được người đời trọng vọng, xu nịnh, xin xỏ. Những lúc làm sai, ai dè đó là cơ hội để Phách rời xa điểm xuất phát của gã nhà quê ít học.


CÒN TIẾP ....



TỪ NGUYÊN TĨNH

© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC