TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN


. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 2
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 3

























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI


LẦM LỖI

KỲ THỨ 3


M ười mấy năm không mẹ chúng tôi vẫn lớn. Chị tôi thành cô thanh nữ mắt ướt, môi hường, đi đứng uyển chuyển. Tôi trong tấm gương tủ, một chàng trai mặt câng câng quen thuộc hiện ra! Thằng em kế tôi qua thời lóc chóc nuôi cá thia lửa bán lấy tiền dành mua sắm sách vở. Giờ đi đâu, nó cũng cầm cuốn sách dáng suy tư, ngẫm ngợi. Thằng Út vẫn dở dở ương ương vậy! Ba tôi không làm nổi ngọn lửa nhỏ thắp sáng đời thằng Út như lời thơ mừng Út lên hai! Dù vậy, nó vẫn lớn như cây cỏ, Không hề biết mình dại ngộ. Thường ngày, cả nhà chẳng ai dám cho nó động đến việc gì, hễ rửa ly, bể ly; rửa chén, bể chén. Nó ăn rồi đi ra, đi vào, đêm nào cũng đi tới mười một, mười hai gìơ mới lò dò về. Nó thường lang thang ở các quán cà phê, ngoài công viên, lâu lâu bị tụi bụi đời đánh, vác mặt máu sưng vều về nhà. Ba tôi đánh có, phạt có, không cho ăn cơm, trói, xích, đủ cả, nhưng hễ lơ một chút nó đi liền. Hình như có người gọi thầm rủ rê trong lỗ tai nó vậy. Ba tôi đành để cửa cho nó về ngủ. Mẹ Hạnh tôi đưa nó đi viện đo điện não đồ. Bác sĩ tâm thần kết luận nó bị tâm thần phân liệt, cấp thuốc miễn phí. Mỗi lần cho nó uống thuốc một nắm thuốc, ngày hai ba lần, đến nổi thấy thuốc nó vái dài luôn. Mẹ Hạnh phải thuê hai ngàn nó mới uống. Nó uống đâu được mấy tháng, thân hình mập đù, da thịt béo trắng ra, đi đứng chậm rãi, nhiều buổi ngủ li bì, đôi lúc tay run run, cầm cuốn vở cũng rơi, bắt ấm nước lên bếp cũng lệch, đóng vòi nước không kỹ, nhưng nó không còn sức đi rong nữa. Tôi nói:

- Nó có phá tán, có ở lỗ chạy bậy ngoài đường mô mà mẹ bắt nó uống thuốc độc bảng A mãi. Con nguời ta đang linh lợi uống thuốc vào ngồi đù một đống, thấy đau con mắt! Dẹp thuốc!

Nghe tôi nói vậy thằng Út được nước cầm nắm thuốc vất. Mẹ Hạnh nạt:

- Mất dạy !

Tôi nghĩ mẹ Hạnh bảo tôi vì tôi vừa to tiếng. Hơn nữa, từ khi chia tay với mẹ Yến, tôi luôn nhớ cảnh mẹ tôi khóc nức nở khi tàu ăn bánh… Tôi thương mẹ tôi đã lớn tuổi rồi con bơ vơ, không biết nương dựa vào đâu? Ngôi nhà ba tôi tạo dựng lên cũng có công sức bốn đứa tôi lượm từng viên sỏi, cục đá dồn bao năm, dù không to lớn nhưng cũng là một nơi an cư, ổn định mà mẹ ruột tôi không được hưởng. Mẹ Hạnh ở đâu tới lại toàn quyền sử dụng. Trong tôi đã dấy lên niềm ác cảm với mẹ Hạnh. Nhiều hôm, đi học về thấy mặt mẹ Hạnh tự dưng mặt tôi lầm lỳ, sực sực muốn gây sự. Tôi hấc mặt hỏi lại:

- Bà nói ai mất dạy?

Mẹ Hạnh cũng tức thái độ hỗn láo của tôi lâu nay, hét:

- Ai mất dạy tau nói! Mi quyền chi mà không cho nó uống thuốc?

Tôi ở trên giường nhảy xuống giựt gói thuốc trong tay mẹ Hạnh dụt ra mương nước sau nhà, nói:

- Quyền chi à? Bà là cái thá chi mà bày đặt phách lối.

Ba tôi ở bên nhà mệ nội nghe ồn chạy về, thấy mẹ Hạnh ngã sõng soài giữa nhà do khi tôi nhảy xuống va mạnh vào vai mẹ. Ba tôi tưởng tôi đánh mẹ Hạnh nên cầm đùi ruợt đuổi tôi. Hôm đó tôi bỏ học, bỏ nhà đến ở với Thức, bạn thân của tôi. Mẹ Hạnh mấy lần sai chị gái tôi đến nhà Thức gọi tôi về đi học lại. Nhưng vì tự ái tôi không về. Hơn nữa gặp lúc bố Thức xây nhà cần thợ phụ, tôi phụ thợ nề lấy tiền tiêu xài, thích chi làm nấy tự do nên tôi không về ngôi nhà mà thời gian gần đây tôi coi như tù ngục và chán ngán bởi ngày ngày chứng kiến cảnh ba tôi săn sóc thằng em khác mẹ của tôi một cách thái quá! Khi nhà xây xong, mẹ Thức hay phàn nàn chuyện tiền nong, nợ nần và rầy la Thức không tiết kiệm. Tôi biết dụng ý bà vắt chanh bỏ vỏ, coi tôi gánh nặng. Tôi đành về nhà những lúc không có ba và mẹ Hạnh, tôi lục cơm nguội ăn, hoặc nhờ sự tiếp tế của chị gái tôi. Đêm đêm tôi ngủ nhà các bạn. Những tháng ngày sống lang thang, tôi quen Phia bán bia ôm ở nhà hàng ông Đệ. Tôi bảo kê cho Phia, sẵn sàng chận đánh những lão già máu gái, dê xồm uống bia chạy làng và cả khi ông Đệ ức hiếp Phia. Phia yêu tôi vì thế! Tôi chỉ thương hại cho đời kỷ nữ của Phia. Phia bao tôi sống, bao phê pháo, ăn nhậu. Dần dần tôi lún sâu vào con đường trác táng và ăn chơi suốt ngày tháng mà không biết đang tụt dần xuống vực thẳm. Cho đến một buổi sáng tôi và Phia cùng một số thanh niên vào rừng thông uống rượu cho mát. Gần chỗ Phia và tôi thuê phòng trọ có một khu rừng thông. Hồi tôi còn nhỏ, bọn con nít xóm tôi thường lêu lổng lên ngủ ở đây, đợi khuya rình trai gái yêu nhau. Sát ngoài rừng thông có một cái phủ, xưa kia dành cho vua chúa làm nơi chay tịnh trước lúc đăng đàn cầu nguyện quốc thái dân an. Ban đầu chúng tôi định uống rượu trong rừng thông, nhưng nắng lên, mấy đứa đề nghị vào đó uống cho mát. Khi qua cổng, chúng tôi xin anh bảo vệ. Lúc đó khoảng hơn mười giờ, chúng tôi uống gần hết "tiệc" thì một người cao to đi vào. Ông đứng chống nạnh, quát:

- Mấy thằng nhỏ ở đâu mà vào đây uống rượu, tụi bay có “dẹo” đi không. Đ... M…. nhóc con cũng bày đặt uống rượu. Chặp nữa không dẹp tụi bay biết tay tau!

Thằng Huynh bạn tôi, chú nó làm ở Viện Kiểm Sát mời ông ngồi chơi nhưng ông hầm bỏ đi. Tôi nghĩ cha này ở đâu tới mà phách lối, liền đứng dậy:

- Ông làm cái thớ gì mà bảo tụi này dẹo? Ông có phải kiểm lâm không?

Nghe tôi nói vậy, ông ta quay lui:

- Tụi bây có ngon ngồi đó tau đi kêu công an!

Đầu óc tôi đang tưng tưng vì rượu, nghe vậy tôi vụt đứng dậy, chạy đuổi theo người đàn ông đó. Huynh cũng chạy theo. Tôi chặn đầu xe ông và hỏi:

- Ông là ai mà phách lối?

Huynh chạy tới, đấm thẳng vào mặt ông ta. Ông chúi xuống và tiếp tục rồ ga chạy. Có sự kích thích của Huynh tôi điên cuồng rượt theo ông. Tôi kéo xe ông ngã xuống. Ông chạy vào một quán bún bên đường. Ông và tôi đuổi nhau quanh một cái bàn tròn. Tôi với lấy cây dao trên tủ thức ăn chém ông một nhát ngang lưng. Tôi thấy ông chúi xuống đất, máu chảy ướt áo. Thấy máu, tôi lia dao vào đống rác rồi đi ra ngoài đường. Nhìn từ xa thấy bóng công an đến, tôi liền băng qua đường xóm tẩu thoát...

Tôi chạy bộ một mạch đến vạt cồn mồ dưới chân núi mới vừa đi vừa thở. Đến gần bến xe, tôi nhớ đang đi chân đất, ghé quán mua tạm đôi dép nhựa, thuê xe thồ chạy về huyện đón xe vào mẹ tôi. Lên xe, tôi vẫn phập phồng sợ công an đón bắt và sợ người đàn ông chết. Ông ấy mà chết, đời tôi tàn! Xe lên đỉnh đèo nghỉ, tôi vào bưu cục :

- A lô, ba à? Có ai hỏi con không?

- Không! Con đang ở đâu ?

- Ở Đà Nẵng.

- Sao không về nhà?

- Con học nghề cửa sắt ở trong ni. Không ai hỏi con thiệt không ba?

- Không!

Tôi yên tâm cúp máy. Khi xe xuống đèo qua trạm gác tôi vẫn sợ bị công an đón bắt. Đến Đà Nẵng tôi lên xe buýt vào thị xã. Năm trước, ông ngoại tôi chết, mẹ tôi ở thành phố Hồ Chí Minh về thọ tang và đâm đơn kiện bà mẹ kế mẫu của mẹ, đòi nơi thờ tự cho ông và bà ngoại tôi. Bà ngoại kế không chịu, bảo rằng ngôi nhà này do bà làm năm 1972, bà đứng tên nghiệp chủ. Mẹ tôi cạo trọc đầu ra toà cãi: “…Bà kế mẫu của tôi không con, khi bà bán nhà, bát nhang cha mẹ tôi không biết thờ đâu…”... Toà xử, bà kế mẫu của mẹ tôi bồi thường cho mẹ mười lăm triệu. Mẹ tôi mua lại chái bếp của mệ Hai trong hẻm nhỏ, sửa thành hai phòng, phòng ngoài lập bàn thờ ông bà ngoại tôi và nơi tiếp khách ; phòng sau nơi ngủ, nấu ăn, tắm giặt và công trình phụ. Hồi mới có nhà, mẹ tôi ra nhà dẫn tuốt bốn đứa tôi vào ở. Gần một tháng mẹ đã bán hết áo quần để đong gạo và ngày nào cũng cãi lộn với chị tôi chuyện tiền nong, cơm áo. Cuối cùng, mẹ tôi phải đem ba đứa tôi ra trả cho ba tôi. Giữ lại chị tôi đang tuổi rực rỡ nhan sắc mà mẹ nhờ cậy được. Thế mới biết ba tôi cực khổ chừng nào, khi một mình ông chạy vạy nuôi đàn con dại bao năm! Tuy không muốn ở với mẹ, nhưng trong thế kẹt tôi không biết nương thân vào đâu? Nhưng trốn trong nhà mẹ, tôi không chịu nổi cảnh mẹ tôi ngồi hút thuốc liên miên bói bài cho khách và chiều nào cũng bù khú nhậu nhẹt, hát ca với đám đàn ông trẻ có, già có. Bực mình, tôi cùng thằng bạn gần nhà rủ nhau vào Long Khánh lao động ăn công nhật cho một đơn vị đường sắt. Khi Cung đường hết việc, tôi thẳng xuống Ô Môn ở với chú ruột tôi. Ở đây, tôi đi làm thuê cho lò đường mút trong rạch sâu, làm đâu ngủ đấy. Chiều chiều nhìn sông rạch, cây lá mênh mang mây khói, tôi nhớ nhà, nhớ những ngày niên thiếu vất vả, đói thiếu nhưng được ở trong một mái nhà ấp áp với ba, với chị em tôi. Khi lò đuờng hết mía, tôi về ở nhờ nhà chú. Một bữa, chú tôi đổ tội tôi đánh con chú, chú không cho tôi ở, tôi lại về ở với mẹ tôi. Khi về, chị gái tôi đã lấy chồng. Chồng chị con liệt sĩ, mẹ anh rể tôi lấy chồng khác sinh được con trai, anh rể tôi bị ra rìa. Một lần anh rể tôi đánh lộn với ông dượng, mẹ anh đuổi anh và chị tôi ra khỏi nhà. Anh chị tôi trắng tay ngay bước khởi đầu mới lấy nhau, phải ở nhờ nhà mẹ tôi. Lần này trở về tôi đã thấm khổ cực trong những ngày trốn chui trốn nhủi, nằm đêm không an giấc, cứ sợ công an ập vào bắt, nên không dám đá động chuyện mẹ tôi ăn nhậu với đám đàn ông dối vợ lừa con. Nhiều khi tôi muốn về trình diện, nhưng tôi còn chần chừ đợi kiếm việc, làm có tiền về bồi thường cho người bị hạị, để ông ta bại nại cho tôi nhẹ tội. Trước đây, ba tôi gửi lệnh truy nã tôi kèm theo lá thư khuyên tôi về trình diện đến địa chỉ của mẹ tôi, thư có đoạn :

“Sau khi nghe điện thoại của con, thì anh Cảnh công an khu vực đến nhà hỏi con, ba mới biết con chém ông Bằng phải may hai mươi mốt mũi. Anh Cảnh bảo ba xuống bệnh viện thăm ông Bằng, lo bồi thường thuốc thang đầy đủ cho ông. Anh Cảnh còn hỏi con ở đâu, ba tình thật nói là con có khả năng ở nhà mẹ con ở thị xã và cũng có thể ở với bạn bè đâu đó. Anh Cảnh ghi địa chỉ nhà mẹ Yến nhưng hôm sau anh lại sang nhà, nặng nhẹ với ba : “Chúng tôi điện vào, công an trong đó nói không có bà Yến ở địa chỉ đó. Anh biết Nô ở đâu gọi về, chúng tôi đề nghị giảm nhẹ cho. Anh che dấu chấp chứa nó, anh cũng phạm tội”. Con lo về trình diện để được khoan hồng. Theo ba biết, tội con dưới hai năm. Ông Bằng đã ra viện. Có điều, ông đòi bồi thường tiền thuốc thang và cả tiền công vợ ông nghỉ làm xí nghiệp chăm sóc ông. Ông tính sơ sơ gần năm triệu. Ba không có tiền. Con chạy đâu đó ra đền cho người ta. Đi tù về chí thú làm ăn cũng chưa muộn con ạ”

Tôi hỏi mẹ tôi vì sao công an không biết mẹ ở đây? Mẹ tôi cười:

- Tau đâu có hộ khẩu, cái nhà này đứng tên dì mi. Hơn nữa, tau mua cái bếp nhà mệ Hai, nên nhà vẫn còn đứng tên Mệ Hai mà.

Tôi nghĩ công an không biết cũng phải. Mệ Hai ở một mình trong ngôi nhà to rộng, giữa vườn chuối và cau. Mẹ tôi lại thường ra Đà Nẵng làm ăn với mệ Quy, đóng cửa nhà giao chìa khoá cho chị gái tôi giữ. Hoá ra, nhờ mẹ tôi sống lang thang mà tôi thoát truy lùng.

Trở về thị xã, tôi xin vào làm xưởng cơ khí tư nhân. Sáng đi tối mịt mới về nhà ngủ.Trong những ngày lễ lớn, tôi cùng anh rể tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự tổ, khu vực, được Uỷ ban cấp giấy khen. Tôi có việc làm ổn định và thời gian này tôi quen em, rồi cưới em khi em chưa vừa mười bảy tuổi, không đăng ký kết hôn được. Cha mẹ vợ bảo tôi ra nhà xin giấy chứng nhận độc thân để vào đăng ký kết hôn. Tôi bảo, vợ con chưa đủ tuổi ra xin vào cũng uổng công. Đám cưới mẹ tôi tổ chức sơ sài bằng tiền tôi và em dành giụm đưa cho mẹ. Ba tôi không vào dự đám cưới tôi, tôi biết ông không thể nhẫn tâm tố cáo tôi khi thấy tôi, chi bằng ông không hay biết về tôi là tốt nhất. Bà nội tôi có tham dự đám cưới của tôi. Gia đình bên vợ tôi vẫn ngỡ tôi là người tốt. Tôi ở rể nhà em cùng xóm nhà mẹ tôi. Tôi có cuộc sống hạnh phúc nên không muốn đầu thú.

Nằm trong trại tạm giam, tôi thấy thương nhớ em vô cùng. Trước đây, vắng em một chút tôi đã thấy nóng ruột. Những khi tôi đi làm về tôi mong đi về cùng em và vào bếp giúp em. Còn bây giờ tôi ở đây, em ôm sầu chờ đợi! Ước gì tôi có phép bay về bên em! Không biết em biết tôi bị đưa ra đây chưa? Bụng mang dạ chữa em đi đứng khó lắm không? Có một điều tôi chắc chắn em khóc nhiều. Tôi nhớ rất rõ dáng mạp mập, tròn tròn của em mà tôi luôn ghẹo "Hột mít của đời anh". Bây giờ, chỉ nhắm mắt thiêm thiếp một chút là cái hột mít đời tôi lại hiện về trong tâm trí. Mở mắt ra, lại thấy nguyên một thực trạng ê chề làm tôi muốn khóc. Anh nhớ em nhiều lắm Hằng à. Anh thật có lỗi với em. Em phải đau khổ vì một thằng chồng như anh. Mong em tha thứ cho anh! Đêm xuống lúc nào không hay. Tiếng xe rù rù ngoài đường, tiếng nhạc nhà ai, tiếng dép lẹt xẹt của mấy người tự giác đi lên đi xuống và cả tiếng côn trùng vọng buồn thê thiết. Tôi trương mắt nhìn cánh cửa thép lạnh lùng. Đèn điện xuyên qua song sắt đổ những sọc đứng im lìm xuống “phi đạo” làm căn phòng nhờ nhờ sáng. Tôi lồm cồm ngồi dậy, đứng lặng bên cánh cửa nhìn trời đêm, lắng nghe tiếng ai đó hát bên phòng bên. Giọng hát không hay nhưng lời buồn quá, thật đúng tâm trạng của kẻ bị giam cầm! Nhìn vào phòng tôi thấy thằng Lụt vẫn nằm ngủ, hình như hắn đang khóc thì phải, bởi tôi nghe tiếng sụt sịt từ mũi hắn phát ra. Buồn quá, tôi cũng hát để ngăn những giọt nước mắt trong lòng tôi đừng chảy ra ngoài nữa. Tôi hát say sưa, hát như để cho em nghe. Bầu trời ngoài song sắt càng lúc càng sáng lên, những ngôi sao lúc nảy bị che khuất sau lớp mây lì chì của buổi chạng vạng giờ lung linh nhấp nháy. Tôi thầm nhủ: "Có than khóc chi cũng không thể biến đổi được hiện trạng này, chấp nhận nó là điều hay nhất". Tôi lui vài bước đến chỗ ngủ. Đặt lưng xuống định ngủ thì mọi chuyện từ khi bị bắt lại hiện ra…làm mũi tôi cay cay. Tôi phải cố gắng lắm, nước mắt mới không trào ra! Làm sao cho tôi tịnh tâm một chút. Tôi nhớ lời dặn của ba. Muốn tịnh tâm phải ngồi kiết già, hít vào nhiếp tâm ở huyệt đan điền, nín thở, cố căn một cái rồi thở ra để tâm ở huyệt long truyền. Thở vào ra thư thái, nhẹ nhàng, tư tưởng theo hơi thở qua các luân xa... Vậy là tôi ngồi thiền được chừng hai mươi phút, tôi xả thiền quyết nằm ngủ. Trước khi ngủ, tôi cũng cầu nguyện cho gia đình và cho tôi được bình an, may mắn. Nhưng tôi vẫn khó ngủ vì những hôm bị bắt giam đến nay, tôi đã ngủ ngày quá nhiều, ngủ để quên thực tại, chớ thức là thấy mình ở tù. Bây giờ thừa ngủ phải nằm trằn trọc! Đây là một cực hình đối với những người mới vào tù. Tôi tin cảnh khó ngủ này còn phải nếm đi nếm lại nhiều nữa vì ở đây ai cũng quá rỗi rảnh.

Sáng dậy, tôi cố tập thể dục rồi xuống tắm để hâm nóng tinh thần lẫn thể xác. Ba tôi thường dặn: “Tập thể dục và tắm buổi sáng sẽ thức tỉnh sinh lực, làm phân chấn tinh thần và có thể xua nỗi muộn phiền để đón ngày mới với niềm hy vọng. Mẹ bây bỏ ba, ba nhờ tắm và tập thể dục buổi sáng mới có sức khoẻ gượng đứng lên vượt qua đoạn trường và chịu được gian khổ mà nuôi tụi bây”. Tắm xong, thấy trong người tươi tỉnh, tôi lên xé mì ra ca chờ nước sôi. Nước sôi ở đây do mấy người tù tự giác dậy sớm, lọ mọ chẻ củi, nhen lửa nấu cho bọn tôi. Chúng tôi ngủ tới bảnh sáng, đưa bình nhựa ọp ẹp ra cho họ chế nước vào. Chúng tôi đổ mì, pha trà và để dành dùng uống buổi sáng ; trưa lãnh nước sôi dành uống tới khuya. Ăn xong tô mì, tôi lại ngồi nhìn bốn bức tường và đọc những dòng chữ ghi trên đấy. Toàn những lời hối hận của những người đã ở đây viết lại. Tôi đọc tới đọc lui thế là hết buổi sáng, đến giờ chờ cơm trưa mới thôi. Tôi nghĩ, chúng tôi y như một con vật nuôi, chờ chủ cho ăn. Có tiếng ai gọi tôi từ buồng một. Buồng một là buồng đã có án. Ở đó có một thằng bạn tôi, có lẽ nó mới hỏi tự giác nên biết tôi. Bạn tôi, hỏi tôi bằng cách chuyền lời qua từng phòng. Bạn hỏi tội trạng của tôi? Tôi có vợ con chưa? Làm nghề gì? Tôi cũng trả lời từng câu theo cách nhờ phòng kế bên chuyền lời. Vậy mà chúng tôi thông tin với nhau rất đầy đủ. Thật là một cuộc trò chuyện lạ đời và thú vị. Con người bị vất vào một hoàn cảnh bất khả kháng vẫn cố tìm cách thích ứng hoàn cảnh một cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu thường nhật của mình. Cũng có thể bọn tù chúng tôi rảnh quá, ăn ngồi không, không có việc gì làm mới nghĩ ra kiểu trò chuyện độc đáo ấy. Bọn tôi hỏi qua hỏi lại ồn ào khiến tự giác phải nhắc nhở mới chịu im miệng. Trong khi đó cơm đã đặt ngoài cửa. Cơm tù, vỏn vẹn một thau cơm và một thau canh lạt lẽo. Trong thau canh vài tóp mỡ heo nổi lềnh bềnh. Cửa mở, tù tự giác đưa cơm vào rồi đi thẳng xuống toa - lét. Hình như anh ta kiểm phòng rồi đi ra đóng cửa lại. Tôi ăn phần cơm canh lạt lẽo này với hai tô mì Hảo Hảo mà ngon ghê! Bọn tôi ăn xong khoảng hơn mười giờ, căn phòng trở lại im lặng. Sau bữa cơm tù đằm bao tử, tôi lại nằm xuống ngủ trưa cho đỡ suy nghĩ lung tung. Giấc ngủ lại chập chờn bao ý nghĩ thật khó ngủ. Lại thêm, mấy người tự giác nói chuyện ở buồng bên làm tôi không ngủ được. Tôi tự nhủ im lặng là tốt, không khéo mình lên tiếng tụi nó trù dập mình thì khổ. Buổi chiều cũng thế, ngồi ngó bốn bức tường và đọc lại những dòng “bút tích” của những bước chân lầm lạc sa thân vào chốn này. Đọc chán, tôi lại nằm và nghĩ lại vụ việc cho thuộc làu để chuẩn bị công an gọi ra chất vấn.

Ngày Chủ Nhật, tôi tưởng công an nghỉ cuối tuần, ai ngờ tự giác gọi tên tôi ra hỏi cung. Vậy là tôi được ra ngoài. Bên ngoài không khí thật mát mẻ, tôi cố hít thở thật nhiều như muốn để dành chút nữa vào phòng giam phải hít thở không khí nặng hơi người ấy. Người thụ án vụ án tôi là một ông đại uý. Ông chừng ba lăm, ba sáu tuổi, vóc người hơi nhỏ con, da trắng, tóc hơi xoăn, mắt đeo kính cận. Tôi ngồi trên một băng ghế sát cửa sổ, đối diện với ông đại uý luôn có vẻ mặt không vui, không buồn. Điều tôi lo nhất là ông ta không hề bày tỏ một sự khoan dung nào. Ông thản nhiên, chậm rải soạn hồ sơ, giấy bút rồi nhỏ nhẹ hỏi lý lịch của tôi… Sau đó, ông khéo léo hỏi lại vụ việc. Tôi khai đúng như tình tự tôi đã nghĩ khi nằm trong phòng giam. Xong buổi cung, tự giác đưa tôi lại nhà bàn xoát người tôi rồi đưa về phòng. Vừa ngồi xuống, mấy đứa trong phòng bu lại hỏi tôi khai ra sao, công an điều tra có đánh đập không? Tôi trả lời qua loa và nói:

- Không đánh đập mới sợ. Họ đánh bầm dập cả người rồi cho về mình cũng chịu.

Tôi ngồi bó gối suy nghĩ toàn bộ lời cung, xem có chỗ nào không khớp và tựđịnh tội tôi, nhẹ lắm cũng bốn năm. Thế thì em chờ tôi lâu quá ! Tôi lại khóc và cầu nguyện điều may mắn cho tôi và em! Chủ Nhật chầm chậm qua. Phòng tôi ảm đạm bởi bốn bản mặt nhàu nhò, đau khổ, khó ai nặn được một nụ cười cho dù khả dĩ. Tôi chợt nghiệm ra, nỗi buồn của những kẻ tù tội giống nhau, không phân biệt tuổi tác, địa vị, học vấn, tất cả đều mang một tâm trạng hoang mang lo sợ. Tôi cùng Lụt ngồi hát nghêu ngao đủ các loại nhạc và rình bắt muỗi. Ba lần trật. Một lần trúng! Xác con những con muỗi tôi dùng gạch trên tường ghi ngày tháng, tên tuổi… Những ngày kế tiếp cũng lạnh lùng trôi. Sáng, ngồi chờ nước sôi, chờ cơm trưa, cơm chiều, ngủ và nhớ em ; nhớ những món ăn ngon ngoài đời, những lần vui chơi, nhậu nhẹt với bạn bè và hối hận mình ngu ngốc, nông nổi... Một hôm, khoảng chín giờ, tôi giật mình nghe tự giác đọc tên tôi ngoài cửa. Tôi nhận được một tờ giấy từ tay anh tự giác. Đọc trong tờ giấy thăm nuôi tôi thấy nét chữ mẹ tôi. Đọc tên những thứ mẹ gửi tôi ký và gửi ra cho mẹ. Theo lịch thăm vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Hôm nay ngày 10, tôi được thăm lần đầu nên cán bộ giải quyết. Tôi vui khi nhận áo quần, kem đánh răng, xà phòng tắm…. nhưng buồn là chưa được gặp người thân.

Dù vui buồn, dù hối hận hoặc ăn năn hay hối tiếc, ngày đêm vẫn ì ạch trôi qua đi lạnh lùng ngoài song cửa sắt. Một buổi sáng, tự giác đem vào cho tôi một tờ giấy bảo tôi ký thêm một biên bản tạm giữ hai tháng. Chiều đến, tôi và thằng Lụt cùng với một thằng ở Quảng Bình nghe tự giác gọi tên, bảo chúng tôi dọn đồ chuẩn bị chuyển phòng. Tôi lệch thếch ôm thùng mì và xách đồ ăn đi trước. Đi qua bên dãy nhà bên kia, ở đấy được gọi là “ca sô” dành riêng phạm nhân chờ ra toà. Thằng vào phòng bốn, phòng đó phạm nhân đông hơn bên tôi vừa ở, khi tự giác mở cửa, tôi thấy người ngồi, đứng lố nhố. Tôi vào phòng mười. Đúng là ca sô vì lối vào có hai nắp, bên trong còn có rào chắn. Phạm nhân cũng đông. Vừa mở cửa, tôi thấy bốn người tóc tai bù xù, thân hình phì phèo mỡ. Căn phòng hơi tối, đồ đạt và áo quần treo nhiều. Cánh cửa vừa đóng lại, cả bốn người trong phòng chằm chằm nhìn tôi. Tôi bình tỉnh ngồi chờ chuyện gì xảy ra. Một người trong bốn người hỏi tôi bị tội gì? Bị bắt ở đâu? Người khác cũng chen vào hỏi tôi, những câu quen thuộc như ngoài đời có chi khác hay không? Tôi ở đâu? Đang làm nghề gì? Có vợ chưa? Tôi cũng thành thật kể cho họ nghe hoàn cảnh tôi khi con ngoài đời. Nghe xong, họ vui vẻ làm quen với tôi. Chúng tôi thông cảm nhau ngay từ phút đầu tao ngộ, chứ không có kiểu tù nay cai tù mai. Năm anh em cùng ăn cơm chiều và tắm rửa rồi ngồi uống nước lạnh tâm sự về quá khứ từng người. Tôi thấy mỗi người mỗi số phận, mỗi cảnh đời, nhưng giống nhau ở chỗ ham chơi, không chịu cực và cực kỳ liều lĩnh.

Phước và Nhã cùng tôi phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Thằng Sơn ở Quảng Bình và chú Vang cùng phường với tôi can tội “Trộm cắp tài sản công dân”. Ngày ngày, năm anh em ngồi trò chuyện cho đã rồi nằm hát ; hát đã, lấy những hạt nhãn ra chơi ô ăn quan. Chơi chán, lăn ra ngủ, đêm nào cũng thức! Chú Vang bày trò nằm kể chuyện. Tới phiên ai phải kể một chuyện đời mình. Thằng Sơn kể chuyện mánh mung, trộm cắp. Anh Nhã kể chuyện tục giảng thanh. Tôi kể chuyện đi bụi, đánh lộn và bốn năm trốn lệnh truy nã. Còn chú Vang kể chuyện sang Lào tìm trầm, bị “cà rặt” chấn hàng, cơm áo, cúp rựa. Anh em kéo một đoàn mười tám người mặc quần đùi, đi chân trần luồn rừng băng núi về Việt Nam. Còn Phước kể chuyện vì sao Phước vào đây như một chương tự truyện. Trong phòng, tôi rất thân Phước. Bởi Phước không xảo ngầm như anh Nhã, không cùn mằn ngu tối như thằng Sơn, không lừ lừ vác cái mặt đau đáu sự đời như chú Vang. Tôi mến Phước không chỉ Phước có đôi mắt thật đen, mày đậm, khuôn mặt khá điển trai mà con thầm phục ý chí của Phước, khi biết mỗi khi nhận thăm nuôi, Phước lột những tờ giấy gói bánh, trái ra để dành học, vì đấy là những trang của cuốn tự điển Anh văn. Tôi tin ngoài đời Phước là một sinh viên tốt nếu không nổi điên tạt a-xít loãng vào mặt người yêu. Cũng nhờ anh em thay nhau thì thào “kể chuyện đêm khuya sau giờ giới nghiêm” mà đêm đêm tôi ít trằn trọc, ít nghĩ đến ngày mai đen tối của mình và cảnh con sắp ra đời không có tôi bên cạnh, mỗi lần nghĩ đến, tôi khóc thầm không ngủ được!

Phước kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng cổ kính ven dòng sông thơ mộng. Làng tôi nghèo, nhưng người làng đối đãi với nhau chan hoà tình người. Gia đình tôi gồm bố mẹ và bốn người con. Tôi là anh đầu, dưới tôi còn ba em, hai trai một gái. Gia đình tôi nghèo, nhưng nhờ bố mẹ cần cù tiết kiệm, nên không túng quẫn lắm. Bố mẹ tôi rất yêu con. Anh em tôi thương yêu nhau. Cả nhà là một mái ấm hạnh phúc. Bỗng bất hạnh to lớn đến với gia đình tôi! Ba tôi lâm bạo bệnh qua đời! Tất cả mọi vất vả của cuộc sống anh em tôi đều dồn một gánh nặng lên đôi vai gầy yếu của mẹ tôi. Lúc đó, tôi còn nhỏ, chỉ biết cố gắng học và phụ giúp cho gia đình bằng những công việc vụn vặt trong nhà cho mẹ tôi đỡ vất vả thôi, để mẹ còn hơi sức mà toan lo chạy vạy mưu sống nuôi cả nhà. Tôi đậu đại học. Tôi cầm giấy báo trong tay, lòng nửa mừng nửa lo, không biết lấy đâu ra tiền đi học? Tối hôm đó tôi đem tờ giấy báo đỗ đại học cho mẹ:

- Mẹ à, con không đi học đâu!

Mẹ tôi ngạc nhiên :

- Sao vậy con? Bộ con khùng à?

- Thấy mẹ lam lũ suốt ngày cũng không đủ ăn. Con thấy mẹ khổ quá con không nở bỏ mẹ như vậy mà đi học được. Hơn nữa gia đình mình làm sao có tiền cho con ăn học, tiền học của con một tháng gần cả triệu bạc lận mẹ! Mẹ tôi liền cầm tay tôi vỗ về:

- Mẹ biết con có suy nghĩ như vậy là mẹ mừng rồi. Nhưng mẹ muốn con cứ đi học, cực khổ mấy mẹ cũng chịu được cả. Mẹ sẽ tìm cách vay mượn cho con, con đừng bận tâm đến việc đó, việc của con chỉ lo học là đủ. Con là anh đầu con phải làm gương cho các em sau nữa. Con hãy nghe lời mẹ! Trong làng chỉ mình con đậu đại học, mẹ rất tự hào về con!

Sợ mẹ buồn tôi không dám cãi. Hơn nữa ở nhà quê người ta xem trọng việc danh tiếng lắm. Đêm ấy, tôi thức dậy giữa khuya thấy mẹ tôi nhìn trên bàn thờ ba tôi khóc nức nở...làm tôi xa xót tim gan!... Vài ngày sau tôi vào nhập học tại Khoa Công nghệ Thông tin. Ngay những tháng đầu tôi phải lăn lộn vừa học vừa làm thêm. Nhờ nổ lực, đời sống tôi cũng tạm ổn. Người xưa nói, trong hoạ ẩn phúc, trong phúc ẩn hoạ. Tôi ngẫm cũng đúng với tôi. Vào đại học tôi quen Châu từ năm thứ nhất. Châu là con gái cưng của một gia đình tư thương giàu có. Châu mảnh mai, duyên dáng, tâm hồn ngời ngợi như vầng mười sáu. Tôi yêu nhất là đôi mắt trong sáng của Châu trên khuôn mặt thuần hậu như tượng Phật bà Quan âm. Chính nhờ yêu Châu như yêu Phật bà mà suốt bốn năm đại học tôi giữ nguyên vẹn cho Châu. Nhưng tôi biết bố Châu không hạ cố làm sui với một gia đình nghèo kiết xác như nhà tôi. Tôi cố học để chứng minh cho ông thấy, nhiều tiền lắm của cũng không bằng sự hiểu biết. Còn Châu hồn nhiên vui chơi, yêu đương và ăn học cho đến khi cả hai đứa tốt nghiệp cử nhân Công nghệ Thông tin với tấm bằng loại khá, giỏi. Đùng một cái, Châu tránh tôi. Tôi đến nhà châu, Châu không tiếp. Tôi gặp ông bố mặt lạnh như tiền và ánh mắt khi dễ của mẹ Châu. Tôi cũng đón được phần nào và vì sao Châu muốn lãng tánh tôi. Một bữa Châu phải chường mặt, nghiêm trang cho tôi biết, bố Châu bắt Châu lấy chồng. Tìm hiểu, tôi biết Châu sắp đính hôn với anh chàng Việt kiều từ Mỹ về. Tôi lại tìm gặp Châu:

- Anh yêu em chân thực sao em nỡ bỏ anh!?

- Ông già Châu đã quyết, Phước quên Châu đi!

Rất nhiều lần tôi thuyết phục Châu cùng tôi trốn vào Nam. Tôi sẽ làm tất cả vì Châu. Châu cho tôi thiếu thực tế, ảo tưởng. Trước hôm Châu làm lễ đính hôn tôi nghĩ, “Uổng công xúc tép nuôi cò! Nếu tôi rắp tâm chiếm đoạt, giờ đây Châu là của tôi”. Tôi đã xuẩn ngốc chặn đường tạt a-xít vào mặt Châu...

Còn chú Vang, tôi tường tận mọi ngóc ngách nhà chú. Nhà chú ở xóm dưới, tôi xóm trên. Tôi tóm tắc chuyện chú Vang: "Hồi xưa, nhà chú Vang thuộc loại khá. Ông Bàng cha chú Vang từng chủ xe khách đường dài. Vợ chết, ông Bàng lấy hầu, cùng vợ hầu theo xe thu tiền, một hôm ông cầm lái cho tài xế ngủ lấy sức chạy đêm. Ông lái qua cầu, lệch tay lái, xe rơi tõm xuống sông, chết người! Ông bán xe bồi thường nhân mạng và thiệt hại của hành khách trên chuyến xe định mệnh ấy. Đúng là đời tài xế, sáng tài chiều xế! Ông Bàng thành lão nát rượu, chết vì trúng gió trong cơn say quắt cần câu, trên đường láng cháng về nhà. Chú Vang quen thói ăn chơi xả láng, khi lâm cảnh túng quẩn, thấy vợ còn chút nhan sắc, chú bắt vợ “cặp địa” lấy tiền cho chú tiêu xài. Mấy bà sồn sồn trong xóm tôi thường túm tụm vào nhau xì xầm khi thấy chú rượt đánh thím Hồng vợ chú. Họ nói, chú bắt vợ làm đĩ nhưng khư khư giữ lưng quần vợ, thế mới quái đản! Mỗi đêm trước khi chở vợ thả xuống công viên, bến xe, nhà ga giả làm người lở đường chú đã khâu vạt áo thím với lưng quần Jean. Về nhà múi chỉ đứt, chú vật ra đánh! Thím Hồng chịu không nổi đâm đơn ra Toà ly dị chú. Bà toà thụ án ly hôn, gọi chú bảo: “Không vì mấy đứa nhỏ, tôi truy tố anh ra toà hình sự!”. Vợ chú bỏ chú và vất ba đứa con cho chú. Chú bán mảnh đất còn lại thuê nhà trọ ở nuôi con. Một thời gian, hết sạch tiền chú liều mạng ra cồn mồ dựng một túp lều tranh, tre, nứa lá, cho bốn cha con đụt nắng, núp mưa. Công an khu vực ngao ngán không biết xử lý ra sao, đành vận động chi đoàn thanh niên tặng chú một chiếc xích lô, khuyên chú chạy xích nuôi con. Chú chạy một thời gian rồi bán xích lô sắm cùi cơm gạo theo “xâu” tìm trầm, mong một ngày trúng đậm đổi đời. Nhưng chú lếch thếch bên rừng núi Lào suốt sáu, bảy tháng, toàn “ột !” hoặc “đủ gạo” đi nối sau. Cho đến một hôm, chú lơn tơn cùi qua gềnh đá, là người cuối cùng trong một xâu mười ba người, chú sẩy chân rớt xuống vực. Xâu cùng đi trầm với chú, tưởng chú bị lạc, họ cứ tiếp tục đi. Chú bị cây xóc lủng bàn chân đi không được, phải lết về đung của nhóm sơn tràng. Khi còn sức, chú bò chặt những cây chuối ngã xuống quanh đung, để dành lúc đói gặm đỡ. Chú nằm đó nửa tháng, một anh đi “đạp cội” phát hiện thấy chú còn thoi thóp nên vận động anh em gánh chú về. Từ đó chú bỏ nghề đi trầm. Vừa rồi, chú ăn trộm một chiếc xe đạp, bị chủ xe rượt đuổi, cái chân cà thọt chạy không thoát, chú bị bắt vào đây ngồi tù với chúng tôi”

Dù đêm rồi tôi thức khuya nằm nghe chuyện đời của Phước. Sáng, tôi vẫn dậy sớm hơn mọi người. Tôi đứng lặng nhìn ra cửa sắt, nơi có cây dừa nằm ngoài hàng rào. Những trái dừa non bu chi chít dưới mấy búp bông dừa úp úp như những chiếc ngà voi đâm thẳng lên bầu trời bịn rịn sương mai. Bình minh cố vén bước màn sầu muộn của mùa đông để điểm tô cho bầu trời chút tươi rạng ngày mới! Có tiếng mấy người tự giác lục đục nấu nước ở dưới bếp. Dãy ca sô còn lặng lờ chìm trong không khí se lạnh. Thêm một ngày buồn lại bắt đầu! Tiếng Minh tự giác cầm xâu chìa khoá leng keng đi đến phòng tôi mở cửa đưa kem bóp đánh răng. Tiếng rầm của cánh sắt khiến mọi người trong phòng giụi mắt ngồi dậy sắp xếp chăn màn. Nhận kem bóp từ tay Minh đưa qua song cửa sắt, tôi đi tắm rửa. Xong, lên xé mì ra thau to đủ năm người ăn và ngồi chờ nước sôi, chờ ngày mới…

Ở đây đông người vui hơn. Ai cũng có tội, cũng có cảnh ngộ và đang cố gìn giữ sức khoẻ để cầm cự kiếp tù lâu dài. Nhất là rèn giũa lý trí thật tỉnh táo để đối phó với cán bộ điều tra. Từ khi qua phòng này, tôi thấy người tôi nặng nề hơn, có lẽ do ăn không ngồi rồi, không hoạt động và thiếu ánh nắng. Ở ca sô lâu ngày mới thấy giá trị của mưa, nắng ngoài đời. Khi trong phòng có chút ánh nắng hiếm hoi của mùa đông chiếu vào, chúng tôi chia nhau người một chút vạt nắng ấy. Khi được hưởng nắng mưa thừa thải, mấy ai biết quý trọng, nâng niu ánh nắng như bọn tù chúng tôi. Người đời, ai thèm ánh nắng chắc sẽ bị cho rồ. Ánh nắng cũng như không khí, khi ta được ban cho quá mức thừa mứa, lại không biết quý trọng, cũng không thấy sự hằng có hết sức quý báu của nó trong đời sống thường nhật. Không khí còn quý hơn kim cương, hồng ngọc và mọi thứ quý giá trên đời này. Ngồi trong tù nghĩ tới không khí, tôi nhớ lại hồi một lần ba tôi giảng cho chị, em tôi về thiền. Một vị đệ tử cùng tắm sông với một vị thiền sư. Vì đệ tử băn khoăn về thiền đã lâu, nay có dịp gầnếư phụ, nên hỏi:

- Bạch Tổ, thiền là gì?

Vi thiền sư không nói không rằng, bất thần ngài dận nước vị đệ tử. Rồi bảo:

- Thiền là vậy đó!

Tôi không hiểu ba tôi kể chuyện đó để làm gì? Chẳng ăn nhập chi việc ba tôi bắt mấy đứa tôi ngồi kiết già, lưng thẳng, cổ thẳng, hít sâu, thở chậm. Giờ đây thân trong tù, tôi mới ngộ ra rằng, thiền chính là không khí. Không có không khí con người không sống được!

Ngày mai lại là ngày thăm nuôi. Tôi đoán sẽ gặp được người thân, nhưng chưa biết gặp ai? Đêm nay không ai thiết kể chuyện nữa bởi hai lý do, một là hết chuyện kể. Hai là, mai thăm nuôi, anh em thích nằm tưởng tượng những món ăn ngon do gia đình đưa tới. Ai cũng nằm thở ngắn than dài, trăn qua, trở lại không ngủ được! Một đêm dài lê thê cũng qua. Anh em trong phòng dậy sớm hơn thường lệ, tranh thủ tắm rửa, gom góp những gói ni lông, những hộp nhựa để trả lại cho người nhà. Mọi thứ gọn gàng đâu đấy. Rồi ngồi bó gối chờ thăm nuôi. Anh Nhã biết vợ đến sớm, anh đã mặc áo quần chỉnh tề, đùm thêm mấy cái hộp không, ngồi chờ gọi tên. Vợ anh bán bánh kẹo bên chợ. Thăm anh xong chị về dọn hàng. Đúng như vậy, chưa sáng anh Nhã đã được gọi ra gặp gia đình. Thấy anh Nhã ra, lòng tôi cồn cào, nôn nao không biết lúc nào mình mới được ra đây? Thời gian thăm gặp trong vòng mười phút. Tự giác đưa vào phòng lại. Anh Nhã mang vào phòng nào thức ăn, bánh kẹo, trái cây... và hai thùng mì cua, bày đầy trên ca rê. Tôi hỏi anh ra được gặp những ai, vợ con anh có khóc không? Sau cùng là một câu ăn ủi anh cũng như khuyên tôi:

- Thôi đừng buồn nữa anh Nhã. Đã vậy cố chịu cho qua anh hèo.

Bữa ăn trưa đó đầy đủ thức ăn hơn mọi ngày. Ăn xong, anh em lại gọn gàng áo quần trại, nằm thiêm thiếp trên ca rê chờ tự giác gọi tên. Tôi tự an ủi: "Thôi ngủ đi chiều thế nào cũng được gặp gia đình". Ngủ dậy, tôi khoác cho mình một bộ đồ trại mới chờ thăm nuôi. Đúng như dự đoán, mới đầu giờ chiều tôi được gọi ra thăm nuôi. Tự giác dẫn tôi ra theo lối nhiều cây gỗ to đã được bóc vỏ để chụm. Vừa rẻ phải một đoạn đã thấy mẹ tôi ngồi khóc… Bên mẹ tôi là bà nội tôi, hai mắt nội cũng mờ nhoè sau lớp kính lão. Cổ họng tôi nghẹn lại! Tôi cố nhìn xem vợ tôi đâu? Em núp sau lưng mệ nội mà khóc… Mệ nội kéo em ra, hai con mắt em đỏ hoe, mặt húp nhiều. Sau lớp áo đông tôi thấy bụng em to hơn trước. Tôi biết em đang nuôi giọt máu của tôi! Nghẹn ngào quá nhưng tôi cố nén cho nước mắt đừng rơi! Ai cũng khóc thương tôi. Tôi sung sướng vì thấy mọi người thương tôi. Từ khi tôi bị bắt, mẹ tôi hơi ốm. Vậy mà tôi đã không làm tròn bổn phận làm con của mình khi sống gần mẹ. Tôi cố gắng tạo vẻ bên ngoài của tôi thật điềm tỉnh nhưng trong lòng tôi khóc rất nhiều. Cầm tờ giấy ghi hàng quà thăm nuôi của gia đình, tôi đọc qua và ký vào đó. Tôi cố nhìn những người thân yêu của tôi một lần nữa rồi đi vào phòng giam. Những ánh mắt người thân cứ đeo dính tôi cho đến khi tôi rẻ trái dãy nhà. Tôi đau đớn biết chừng nào khi gặp mẹ, gặp nội và vợ mà không nói được gì. Nỗi đau ấy chỉ có những người bị tù như tôi mới thấu hiểu được mà thôi! Vào phòng, tôi ngồi thần người ra tưởng tượng lại giây phút quý báu vừa qua. Hình dáng thân yêu của vợ tôi giờ như xa tít tầm tay, nét mặt hao gầy của mẹ và mái tóc xen lẫn nhiều sợi bạc của bà nội, kèm những lời an ủi của mọi người như văng vẳng bên tôi. Tôi ngồi nghĩ ngợi lẩn thẩn như thế cho đến khi có tiếng tự giác gọi tên phạm nhân khác ra thăm nuôi. Các cánh cửa sắt dãy ca sô lại mở đóng rộn ràng. Cứ như thế cho đến xế chiều. Ngày thăm nuôi, tù nhân được mừng vui gặp mặt người thân, được ăn uống no say như ba ngày Tết đã hết. Khu vực nhà tạm giam trở lại lặng lẽ thê thảm! Tối đến anh em vui vầy bên bánh, kẹo, trái cây, xôi thịt, bún cháo mới nhận từ sự trợ cấp của gia đình. Ngày hôm sau, tôi được gọi ra làm việc. Tôi cũng khai như lần trước. Gần một giờ được hít thở không khí bên ngoài, cũng đỡ cho buồng phổi, nhưng đầu óc quá căng thẳng vì phải vật lộn từng chữ, từng ý với một ông đại uý điều tra viên khá điềm tỉnh. Khi vào phòng anh em xúm lại cùng tôi bàn tán, đoán già đoán non, co kéo vụ việc. Không biết ai đúng ai sai. Tội lỗi của tôi sẽ ngã ngũ sao đây?

Chú Vang cũng được gọi ra hỏi cung. Trở lại buồng giam mặt chú tươi rói. Bọn chúng tôi hỏi chú trả lời ra sao, chú kể lại để chúng tôi “luận tội” chú sẽ bị giam bao lâu. Chú kể rằng, anh công an hỏi cung chú chưa tới ba mươi tuổi, mặt mày thông minh sáng láng. Trong khi làm việc với chú, anh công an nọ hỏi hoàn cảnh hiện thời của chú và các con chú giờ ai nuôi? Chú bảo chú gửi cho vợ chồng thằng em. Hồi trước chú đi làm ăn xa chú cũng mua gạo cho đứa con gái lớn của chú tự nấu ăn cho mấy đứa em. Đồ ăn thì nhờ em dâu chú mua giúp có tiền chú thanh toán lại. Mấy đứa con của chú cũng quen ở một mình. Ngay hồi chúng còn nhỏ, nhà hết dầu hoả, chú đi về thấy trong nhà tối thui và im re, chú tưởng chuyện không may! Chạy vào mở liếp cửa, té ra mấy đứa con chú sợ ma, trùm mền ôm nhau ngủ quên ăn cơm tối. Anh công an xúc động, nói: “Hoàn cảnh anh đã vậy sao anh không chịu khó làm ăn để gần con, giờ bị nhốt ở đây, các con anh có mệnh hệ gì anh ân hận cũng không kịp”. Chú nói với bọn tôi:

- Tau khai, sáng hôm đó tau đi xuống làng Xuân hỏi ông chủ thầu có việc làm để tau xin đi phụ nề. Anh công an hỏi chủ thầu tên chi. Tau nói, cán bộ về dưới làng Xuân hỏi ông Thọ thợ nề ai cũng biết.

- Chú gan thiệt dám khai khống. Chú không sợ cong an về làng Xuân?

Tôi biết chú khai dối bởi mấy hôm trước chú kể cho bọn tôi nghe, chú theo dõi nhà chú ăn cắp hụt chiếc xe đạp hai buổi sáng, lần thứ ba chú mới hành sự. Nên tôi mới hỏi chen ngang vậy. Chú Vang trả lời:

- Bộ cán bộ khùng sao mò tận dưới làng Xuân mà sưu tra. Tau dựng ra một ông Thọ dưới làng Xuân với ý đó - Thôi để tau kể tiếp cho bọn bây nghe - Khi tui đi ngang nhà đó, thấy cửa mở, nhà không có người, trong đó có chiếc xe đạp. Trong đầu tui nghĩ lấy chiếc xe đạp này về bắt thêm yên sau đi thồ nuôi con. Anh công an hỏi tau có quan sát trước sau không? Tau biết, tau khai đã theo dõi thì tội nặng thêm, tau nói: “Không, tui đi ngang, tui thấy, tui nổi máu tham”. Anh công an lại hỏi, chiếc xe trở ghi đông ra đường hay trở vô trong nhà, cách đường bao nhiêu mét và có khoá không? Tau nghĩ anh công an mới ra trường nên mới hỏi tỉ mỉ thế, tau trả lời xe trở ghi đông ra đường, không khoá và chỉ cách đường hơn mét rưỡi. Tau “luộc” anh công an đó bằng những lời khai và những giọt nước mắt cá sấu của tau. Vậy mà, anh tin tau lắm. Tui bây thấy tội tau nặng hay nhẹ?

Chúng tôi hỏi chú khai có y như lời khai trong “Biên bản phạm pháp quả tang” ở phường không? Chú bảo: “Tau khai như lần ở công an phường”. Chúng tôi ngồi bàn tán với nhau, theo lời khai của chú Vang thì chú không có ý đồ trộm cắp từ trước: “tui đi ngang, tui thấy, tui nổi máu tham”. Dù chú là dân “đua xế điếc” chuyên nghiệp nhưng mới bị “Tổ trác” lần đầu, có thể chú bị toà kêu sáu tháng. Ai ngờ mấy hôm sau chú được gọi: “Lấy hết đồ đạt ra, về! ” Quá mừng chú khóc hu… hu… vừa khóc chú vừa lạy trời lạy đất như tế sao, lạy cả cái phòng đã giam chú hơn hai mươi ngày. Chúng tôi kết luận, chú nhờ mấy đứa con mà thoát nửa năm tù.

Chú Vang được tha, chú cuỗm luôn đôi dép Lào mới cứng của tôi, thiệt là cái chú miệng ăn nói to tát, bốc phét, mới nghe ai cũng tưởng chú là “dân chơi” thứ thiệt, vậy mà ăn cắp vặt vạnh! Vài hôm sau phòng tôi có thêm một “em” không mời vẫn đến đăng ký chung sống với bọn tôi. Phòng chúng tôi lại đủ năm người, năm người ngày ngày ngồi chờ ăn và nhìn mặt nhau đến thuộc những cục mụn bọc, mụn cám, râu ria của nhau.


 

    CÒN TIẾP....


 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC