TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh năm 1954
. Quê quán: Thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
. Hiên cư ngụ tại : quận Hoàng Mai, Hà Nội

. Đại Tá Quân Đội Nhân Dân
. Hiện là chuyên viên văn học Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
. Phó chủ tịch chi hội nhà văn Quân đội

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

- Kể về một mối tình (tập truyện ngắn)
- Quà bất tử (tập truyện ngắn)
- Trên bến sông Trà (tập truyện ngắn)
- Đêm nổi bão (tập truyện ngắn)
- Biển cạn (tập truyện ngắn)
- Bên sông Trà Lý (tiểu thuyết)
- Cõi đời hư thực (tiểu thuyết)

GIẢI THƯỞNG:

- Giải thưởng truyện ngắn (Trung ương Đoàn phối hợp Tuần báo văn nghệ)
- Giải thưởng Bộ Quốc phòng.
- Giải thưởng truyện ngắn của Báo Người Hà Nội
- Giải thưởng Lê Quí Đôn lần thứ 3.








Tiểu Thuyết CÕI ĐỜI HƯ THỰC







CÕI ĐỜI HƯ THỰC

2

Ô ng Bí thư Đảng uỷ xã đeo chiếc xà cột đen bên hông, đầu đội mũ bê rê màu đất, giọng rất quan trọng. "ở miền Nam đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa lính Mỹ và chư hầu vào; đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng làm lung lay ý chí và quyết tâm của nhân dân ta trong nhiệm vụ giải phóng miền Nam, và để củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Bởi vậy đợt này, các đồng chí lên đường sẽ là người đánh bại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ".

Ông nói hay như đài, nhưng Củng chả hiểu mấy, chỉ cảm thấy mình quan trọng thật. Những cụm từ "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ" Củng cũng có nghe sơ sơ trong những buổi mít tinh ở trường. Hình như nó ghê gớm lắm. Chả thế mà hôm qua Chủ tịch xã đã ký giấy lệnh cho Hợp tác xã Mua bán bán cho bảy anh em nhập ngũ đi đánh bại chiến tranh cục bộ mỗi người năm bao thuốc lá Tam Đảo. Trời ơi, sướng run. Cả xã này có năm trăm hộ, cả năm chỉ đến Tết Nguyên đán mỗi hộ mới được phân phối một bao thuốc lá. Vậy mà Củng được những năm bao lận. Củng cảm nhận được ánh mắt thèm khát của bạn trai, ngưỡng mộ của bạn gái. Thằng Khiêm tiến đến bên Củng, mắt gườm gườm, rít vào tai: "Tao sẽ tố cáo mày gian lận". Trời! Củng lạnh toát người. Thế này thì hỏng to rồi... Củng sẽ bị loại ra khỏi danh sách nhập ngũ và, mặt Củng sẽ trở thành mặt mo để bạn bè chế giễu. Sự thực, hôm đi khám tuyển nghĩa vụ trên huyện, Củng đã thuyết phục Khiêm khám hộ phòng số một.

- Tao chỉ nhờ mày mỗi việc đó thôi. Các phòng còn lại tao đủ tiêu chuẩn. Chỉ có chiều cao, cân nặng thì tao thiếu một tý. Mà mày lại thừa.

Thằng Khiêm lưỡng lự:

- Ông Xã đội trưởng lúc nào cũng ngồi ở phòng một. Ông ấy mà tóm được tao sợ lắm.

- Mày không lo. Tao sẽ mời ông ấy ra ngoài và giả vờ hỏi việc gì đấy. Khi họ gọi tên tao, mày nhanh chóng cầm phiếu sức khoẻ của tao vào khám. Nhanh thôi mà.

Củng đứng ngoài cửa chờ m•i. Thằng Khiêm mặt tai tái cầm chiếc phiếu khám sức khoẻ run run. Chờ đến gần lượt, Củng tiến đến bên bác Xã đội trưởng:

- Bác ơi, bác ra đây cho cháu hỏi một chút.

Củng khích vào người Khiêm khích lệ, rồi kéo bác Xã đội trưởng ra đầu nhà với vẻ mặt bí mật:

- Bác ạ, bố cháu bảo kiên quyết chống lệnh không cho cháu đi đợt này. Bác xem có cách nào thuyết phục bố cháu... để lỡ ra ảnh hưởng đến cả xã.

Củng cố làm ra vẻ quan trọng và kéo dài cuộc nói chuyện để cho Khiêm thực hiện "phi vụ" trót lọt.

Vậy mà, đến giờ phút này hắn trở mặt phản bội. Hay là không trúng tuyển, hắn ghen? Có lẽ thế. Củng chạy theo Khiêm, dúi vào tay hắn bao thuốc lá Tam Đảo.

- Khiêm ơi! Này cầm lấy...

Khiêm quay lại, mặt lạnh như kem:

- á, ông định đút lót hả?

Củng nghe câu "đút lót" mà hết hồn, nụ cười dàn hoà trên môi tắt rụi. Không một lời hoà giải, hắn sải chân, ngẩng đầu, bước thẳng.

Suốt năm ngày chờ đợi lên đường, Củng thon thót lo. Cứ qua một ngày không thấy động tĩnh gì là Củng thở phào. Cho đến ngày giao quân hôm nay, Củng vẫn chưa hết lo. Người đông quá, Củng đưa mắt lục lọi trong rừng người tìm Khiêm. Không có. Hay là hắn tót vào Huyện đội báo cáo? Hoặc là hắn đi tìm cán bộ nhận quân để phản ánh. Cái thằng cha này chối tỉ chưa từng!

Người nêm cứng sân trường cấp hai. Một người ra đi, có đến mười người mang theo thương nhớ. Những người mẹ lặng lẽ quay đi nuốt nước mắt vào trong. Những cô gái bịn rịn cấu móng tay, những ánh mắt long lanh ánh lên một niềm tin son sắt, và những người cha say sưa ngắm con trai mình lớn khôn trong bộ quân phục màu tô châu như thể ngắm chính mình. Có sáu anh bộ đội đeo quân hàm đỏ đến nhận quân. Hai anh đeo xắc cốt, một anh đeo súng ngắn. Trông người nào cũng oai vệ. Mọi người nhìn họ kính trọng. Củng đứng từ xa chiêm ngưỡng.

Tập hợp xong, ông Chính trị viên Huyện đội, người to đậm, da ngăm đen, mặt vuông chữ điền, cánh tay đen đúa đầy lông, đứng trên bệ cột cờ sân trường. Bàn tay phải của ông nắm lại đấm từng nhát theo âm vực hùng hồn của giọng nói:

- Bắt đầu từ giờ phút này, các đồng chí đ• là chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Một quân đội bách chiến, bách thắng, đã từng đánh bại thực dân Pháp và chuẩn bị đánh bại tiếp một tên đế quốc to hơn là đế quốc Mỹ - Ngừng một chút, như để nhấm nháp câu nói đầy trọng lượng của mình, ông nói tiếp - Cũng từ giờ phút này, các đồng chí nhìn thấy bố của anh bộ đội cũng như bố mình, nhìn thấy mẹ của anh bộ đội cũng như mẹ mình, nhìn thấy anh thấy chị của anh bộ đội cũng như anh chị của mình, và nhìn thấy vợ của anh bộ đội cũng như... Ông đang hăng, nhưng nói đến đó biết lỡ lời, kịp ngừng lại. ở dưới có tiếng đáp lên: "Cũng như vợ mình". Cả ngàn người, già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có,... cười như pháo nổ.

Mãi đến khi đoàn nhận quân đọc xong danh sách, Củng chuẩn bị một cuộc hành quân bộ về đơn vị, thì Khiêm như ở dưới đất chui lên, đen nhẻm. cầm tay Củng rơm rớm:

- Củng, tha lỗi cho tao... Chẳng qua tao thấy tủi vì không nhập ngũ đợt này. Thôi mày đi lập công cho to, báo về cho mọi người mừng.

Củng xúc động, lúng túng không biết nói lời nào cho phải, đành tìm xem có món quà gì kỷ niệm. Chả có gì đáng giá, bèn rút chiếc nắp bút kim tinh (chỉ có nắp thôi để cài vào túi áo cho sang) đem tặng Khiêm. Bất ngờ nhận vật kỷ niệm, hắn lúng túng sờ hết túi áo, lại túi quần chẳng có vật gì để tặng lại, ngoài cái thân hình kềnh càng đen đúa. Phía trước, trung đội trưởng của Củng đã hô "nghiêm", Khiêm lúng túng rồi rứt một túm tóc trên đầu dúi vào tay Củng.

- Tao... tao chẳng có gì kỷ niệm cho mày... chỉ... chỉ...

*

Người cao to, da mai mái, lông mày dài như chiếc sao chổi, phết ngược; trừ lúc ăn uống, nói năng, miệng lúc nào cũng chụm lại, hai hàm răng cắn vào nhau, tạo cho khuôn mặt như nung nấu điều gì căng thẳng. Đó là trung đội trưởng, quê anh ở Quảng Ng•i, mới ở chiến trường miền Nam ra.

Củng được ở với trung đội trưởng trong ngôi chùa sạch sẽ và tĩnh lặng. Đầu giường có một bệ thờ, hễ mở mắt là thấy ngay ông bụt to lớn sừng sững như quả núi ngồi sắp bằng nhìn thẳng. Những đêm đầu vừa lạ nhà, lại có ông bụt ngồi trên nên rất khó ngủ. Trung đội trưởng hay dậy đốt thuốc, phả khói mù mịt, mắt găm xuống mặt bàn, trông cũng như bức tượng. Chắc là anh nghĩ về gia đình, quê hương đang mịt mùng khói lửa. Ba anh bị chính quyền Ngô Đình Diệm đưa lên máy chém xử theo luật 10/59. Má anh phát rồ, băng qua các họng súng, gào thét, chửi rủa, liền bị chúng xả súng bắn phọt óc, gục ngay bên xác chồng. Vợ anh bị bọn lính Pắc Chung Hy hãm hiếp cho đến chết rồi ném xác xuống rạch. Đứa con gái nhỏ của anh không biết phiêu dạt nơi đâu. Trông anh lúc nào cũng như ngọn đuốc bốc lên ngùn ngụt. Anh ném mẩu thuốc vào góc chùa, tắt đèn, chui vào màn nói chuyện. Anh hỏi:

- Ăn cơm quân đội, no heng?

Củng ăn rất ngon và no thực sự. ở nhà, suốt qu•ng thời niên thiếu, lúc nào Củng cũng chỉ có một ao ước được ăn một bữa cơm no, không độn. Thường thì buổi sáng đi học, mẹ chia cho một củ dong luộc thâm thâm, có hôm đang học đói quá tõa mồ hôi, gục xuống bàn. Bữa trưa mẹ chia cho hai lưng bát cơm độn khoai, hoặc củ dong. Buổi tối được hai lưng bát cháo. Có đêm đói không ngủ được. Lại có thời kỳ hết lương thực, mẹ phải giã cám, rây nhỏ nấu cháo chia cho cả nhà. Chị gái mang rổ ra ruộng khoai "phần trăm" tìm củ nào nhinh nhỉnh thì moi về. Chị còn hái cả cây rau muối, mỗi bữa luộc một rổ sề để ăn độn thêm cho bụng đỡ lễnh loãng.

Nghe Củng kể, trung đội trưởng ngậm ngùi:

- Đất nước miềng chiến tranh liên miên, dân miềng nghèo khổ quá. Bao giờ hết giặc...

Anh bỏ lửng cây nói, mắt nhìn lên đình màn như đang vẽ ra một viễn tưởng. Một lát, anh lại hỏi:

- Nhà cậu vào hợp tác x• rồi heng?

Nhớ lời cha dặn: "Khi nào khai lý lịch, con phải nhớ gia đình mình bần nông, vào hợp tác xã từ năm 1959. Trung nông hoặc vào hợp tác xã muộn là nguy đấy con ạ". Trung đội trưởng hỏi đi làm hợp tác x• có vui không? Không vui thì vào làm gì? Ông này chả hiểu gì cả. Bảy giờ, kẻng của đội sản xuất hô ba hồi chín tiếng. Xã viên, miệng còn ngậm tăm, tay cắp nón gọi nhau tập trung ở nhà đội trưởng. Đến đó người lớn làm một chầu chè xanh, thuốc lào; thanh niên tán gẫu, cấu chí nhau một hồi, khoảng bảy rưỡi, tám giờ kéo nhau ra ruộng. Ruộng gần đi nửa giờ, ruộng xa một giờ. Vừa làm vừa hát hò, đùa vui thích lắm. Chừng chín rưỡi giải lao. Các ông ngồi chuyện trò, hút thuốc; các bà bắt chấy, chải tóc cho nhau; thanh niên nam nữ đú đởn, chơi đùa. Có bà còn tranh thủ rà bờ ruộng móc được ối cua đồng. Khoảng mười rưỡi, lại hò nhau xuống ruộng lần nữa. Mười một giờ "hành quân" về. Thư ký đội chấm công, đội trưởng chi điểm. Điểm ở trong túi đội trưởng và chủ nhiệm hợp tác x•, cứ chi không bao giờ hết. Cuối vụ, cộng điểm lại. Đem số thóc thu được, trừ đóng góp cho Nhà nước để đưa ra mặt trận, còn lại chia cho tổng số điểm sẽ ra giá trị ngày công. Làm nhiều công thì nhiều điểm. Nhiều điểm được chia nhiều thóc.

- Điểm nhiều mà thóc ít thì lấy thóc đâu mà chia, heng? - Trung đội trưởng hỏi.

Ông này mới ở miền Nam ra, còn lơ mơ lắm. Mình phải giảng để ông ấy hiểu. Nghĩ thế, Củng nói tiếp:

- Nếu điểm nhiều, thóc ít thì giá trị ngày công thấp. Có vụ ngày công chỉ được một hào. Em nhớ có một lần bố em vác cày ra ruộng, được một lát đ• lại thấy ông đánh trâu về. Mẹ em hỏi bố bảo: "Được nửa công rồi". Mẹ không hiểu hỏi nữa, bố cho biết ra đến ruộng ông nhặt được đồng năm xu giá trị bằng nửa ngày lao động, bèn đánh trâu về cho khoẻ người, khoẻ trâu. Ông cụ hay thật, anh nhỉ?

Anh nhổm hẳn người dậy, nhìn vào mặt Củng hỏi:

- Vào hợp tác xã chỉ làm có lúa thôi, heng?

- Tất cả trâu bò, lúa má, rau cỏ, linh tinh hết...

- Các thứ đó cũng đem chia đều, heng?

- Chia hết, rất công bằng. Ví dụ, trồng khoai lang đến khi thu hoạch, dây khoai chia đều cho những hộ có trâu. Củ khoai lựa ra làm ba loại: lớn, vừa và nhỏ. Căn cứ vào tổng số điểm của từng hộ, thư ký đội mang cân ra phân phối thật chính xác, không ai thắc mắc nổi.

Trung đội trưởng lại chui ra ngoài màn, xỏ chân vào dép, đứng dậy bảo: "Đái cái heng?". Anh mở cửa, ra ngoài vườn tè vào nồi hông. Nằm trong nghe ồ ồ như trước cống chảy. Một lát, anh bước vào nằm xuống giường, thò đầu ra ngoài hút thuốc và hỏi:

- Thịt heo ngoài Bắc miềng nhiều mỡ, ít nạc heng?

Chả mấy khi Củng tính đến lợn nạc, lợn mỡ, chỉ biết có thịt ăn là sướng lắm rồi. Thường thì cả năm được ăn thịt một lần, đó là vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù nhà nào cũng nuôi lợn, đó là nghĩa vụ mỗi lao động phải nuôi một năm 25 kilôgam lợn hơi để nộp cho Nhà nước cung cấp cho mặt trận. Ngoài chợ không bán thịt lợn bao giờ. Ai bán thịt lợn sẽ bị phòng thuế huyện thu. Chờ năm hết, tết đến đội trưởng lập danh sách ghép năm, sáu hộ chung một con lợn, báo cáo hợp tác x• mới được giết. Nên Củng và mọi người rất mong tết. Tết nào mẹ cũng thường cắt những miếng thịt dài, ướp vào bồ muối để ăn đến rằm tháng giêng, và rán mỡ cho vào chai ăn dần. Củng tỉ tê nằm kể cho trung đội trưởng nghe và kết luận:

- Nhà em nghèo nên được mọi người tôn trọng quý mến. Ai không may mà giàu thì bị xa lánh, nhục lắm. Nếu mang tiếng là tiểu tư sản thì mạt hạng không bao giờ tiến bộ được. Bố em đ• một lần bị kiểm điểm vì tác phong tiểu tư sản và xa rời quần chúng vì bữa cơm nào cũng có rượu. Bố em không biết uống rượu. Mà rượu ở đâu để uống? Cả năm, đến tết mới được phân phối một chai 65 mi-li-lít rượu "quốc doanh". Ông có thói quen ngâm ớt vào chai làm dấm, đến bữa sai em mang ra. Bị quần chúng phát hiện, lầm là chai rượu...

Quế ngồi ở phòng ngoài chờ đợi kết quả thử nghiệm của mình. ở phòng trong, tiếng chị Mạ vẫn đều đều. Chị Mạ đang ôn lại qu•ng đời đầy sóng gió của chồng. Hai người cùng nhau sống lại cái thời xa ngái, khốc liệt mà hào hùng, khổ cực mà vinh quang, đau khổ mà hạnh phúc. Bóng tối dày đặc của đêm cuối tháng càng làm cho ánh sáng của chiếc bóng điện tròn thêm rực rỡ.

Quế sực thở, hai mép hơi giãn. Những điều bố viết nghe nó buồn cười không chịu được. Quế chả tin, bố chỉ được cái bịa giỏi, bịa cứ y như thật. Không bịa, mà vừa qua Nhà nước hô hào toàn dân chuyển sang cơ chế thị trường, chính các cụ lại lo lắng sợ mất chế độ. Các cụ bảo chả biết cơ chế mới nó ra làm sao, nhưng cái cũ nó quen rồi, bỏ nó thì tiếc lắm.

Quế mang cốc nước vào buồng cho mẹ. Vừa đặt chiếc cốc xuống, mắt anh Củng bỗng trợn ngược, hai mép giật giật, hai cánh tay cong dần như người lên cơn kinh giật. Quế sợ quá, định bỏ chạy ra ngoài, nhưng chân tay cô líu ríu. Cô kêu cứu mà lời không thoát ra được, cứ ú ớ như người bị bóng đè.

Sau giây phút như cơn kinh giật, Trần Củng đứng vụt lao vào con gái, miệng hét:

- Vô lý! Đồ vô lý!

Chị Mạ đang mơ màng với trang sách, nghe tiếng thét bỗng giật mình bật dậy, thấy chồng bổ vào con gái đang rứt xé, chị liều mạng lao vào giữa, giằng con gái đẩy ra cửa:

- Con đóng cửa buồng lại, để mặc mẹ.

*

Bàn tay Trần Củng nhẹ nhàng di lên di xuống xoa cái vết bầm tụ trên ngực vợ với mong muốn làm cho vợ bớt đau. Được một lát, Trần Củng ngả mình nằm xuống bên vợ, giọng hối hận:

- Lần sau, hễ anh lên cơn, em với con cứ trói lại. Chắc một lát anh sẽ tỉnh.

Thấy vợ im lặng, Trần Củng áy náy gi•i bày:

- Không hiểu sao khi gặp phải câu chuyện khó nghe, hình như cái cục trong đầu anh nó phình to dần, rồi va lắc tứ tung, không chịu được, mắt hoa lên, nhìn cái nọ ra cái kia... và không làm chủ được nữa.

Chị Mạ ứa nước mắt. Khổ thân cho anh quá. Chắc lúc ấy anh đau dữ dội lắm. Đầu tối, sau cơn tâm thần của anh, chị thì tả tơi như chiếc d•i khoai bị vò nát, còn anh vật ra khóc tức tưởi vì thương vợ, thương con. Chị cũng ân hận, lẽ ra chị phải cùng con gái chọn lọc, sắp xếp lại câu chuyện thì đâu đến nỗi.

- Tôi biết tôi sống thêm ngày nào là khổ mẹ con em ngày ấy. - Trần Củng rầu rĩ nói với vợ - Mình có cách nào để tôi ra đi... thanh thản...

Chị Mạ nhìn chồng như chưa bao giờ được nhìn. Trên khuôn mặt anh tưởng như quá quen thuộc. Nhưng nào chị đâu đã biết đến mặt khuất phía sau. Hình như, đó có thể là những tầng, những vỉa mà chị chưa đào bới để thấy cho được. Vợ chồng đầu ấp tay gối đấy, tưởng như đã hoà vào nhau làm một, ấy thế mà chị mới chiếm được phần xác của anh. Hồn chị còn vẩn vơ đâu đó, chứ nào đã nhập được vào với hồn anh.

Vừa nói đấy nhưng anh Củng đã khò khè ngáy đều. Được một lát bỗng đôi môi khô nứt của anh ú ớ như người mê:

- Ông Nhậm... Quyên...

Chị Mạ nhìn lên thấy đôi mắt anh Củng nhắm tít, mà miệng lại tủm tỉm cười. Mắt chị Mạ căng ra dán vào khuôn mặt anh Củng theo dõi từng cử động. Chị đặt ngón tay vào gần mũi anh thấy luồng khí âm ấm thở ra đều, khuôn ngực vẫn phập phồng theo hơi thở. Chị yên tâm nghĩ có lẽ anh đã ngủ. Khi anh Củng đã ngủ yên, tự dưng có gì đó trong chị thức dậy. Ông Nhậm nào nhỉ? Quyên là ai? Từ ngày lấy anh, chưa bao giờ chị nghe anh kể về một người con gái xẹt ngang đời anh, đại loại có cái tên Quyên. Suốt đời chị cặm cụi gồng lên chống chọi với cái đói, cái cô đơn, và lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi tin sét đánh có thể xảy ra. Một lòng chỉ đợi anh về. Chị gạt đi tất cả những gì có thể làm phai nhạt, vẩn đục ý chí chờ đợi anh, để một lòng trung trinh với anh. Đời chị, ngoài anh ra không có người đàn ông nào khác dù chỉ trong tâm tưởng. Chị nghĩ, ở quân ngũ anh còn khổ hơn vì kỷ luật nhà binh. Những người lính, họ không có ai khác ngoài vợ hoặc người yêu của mình. Họ không được phép. Đó là niềm tin về lòng thủy chung để Mạ và những người đàn bà ở hậu phương noi theo và gìn giữ mình. Vậy mà bây giờ lại ló ra một cái tên người con gái... Nghĩa là anh còn giấu chị, anh còn ém bông hoa trinh tươi ấy cho riêng. Nghĩ mà ức... Mình là vợ, vất vả tủi hờn là thế mà không xứng được làm một bông hoa ép khô trong cuốn sổ. Mặt chị Mạ nóng dần, rồi phừng phừng như nồi nước sắp sôi. Chị toan tắt điện bước ra ngoài, thì anh Củng cựa mình ú ớ:

- Quyên ơi... Ông Nhậm...

Chị Mạ quyết tìm cho ra mới được.

CÒN TIẾP...





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC