TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN


. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 2
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 3
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 4

























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI


LẦM LỖI

KỲ THỨ 4


T háng mười Hai đến. Phòng tôi anh em sinh hoạt đã nề nếp, không cãi cọ rùm beng như trước. Riêng tôi, sáng nào tôi cũng dậy tập thể dục hơn một tiếng đồng hồ, khi nước sôi vào mới nghỉ cho ráo mồ hôi, rồi đi xuống tắm. Anh em trong phòng thấy tôi vậy, cũng bắc chước dậy sớm tập thể dục. Nhất là Phước chuyên cần tập như tôi. Vẫn thường, chúng tôi ăn sáng xong, đến phiên ai, người đó xuống rửa chén. Ai thích đánh cờ thì đánh, thích chơi ô làng thì chơi, còn không, nằm ngủ. Những trò chơi chúng tôi bày ra, chơi cho qua ngày đoạn tháng. Những con cờ làm bằng vỏ thùng mì tôm, lấy tàn thuốc bôi đen, kẻ hình ; bàn cờ lấy mẻ xi măng bể của nền phòng gặch lên chỗ nằm, nhưng do nằm ngủ, bọn tôi hay lăn qua trở lại bàn cờ cũng phai, chúng tôi bèn sáng kiến vẻ bằng chanh, nước chanh giúp bàn cờ không phai mà rõ từng đường chỉ trắng. Trong phòng có thằng Thu mới vào, hắn chơi cờ chực muốn ăn thua như ngoài đời. Ở tù, chẳng qua anh em chơi để quên ngày tháng, chứ ăn thua gì mà nó hay sừng sừng sộ sộ với người chơi nhưng lúc hắn bị ăn con xe, con pháo hoặc bị nước cờ hay chiếu bí. Anh em không ai chịu nổi hắn. Nhiều lần tôi suýt đánh hắn nếu không có bản nội quy của trại tạm giam giữ rịt tôi lại. Phải nói, tôi cố nhịn hắn và đã nhịn được. Cha ông chúng ta bảo: “Một sự nhịn chín sự lành”! Cả phòng cô lập hắn luôn. Không ăn chung và không chơi với hắn. Nhiều khi thấy hắn ngồi ủ rũ một mình cũng tội. Ở tù mà bị anh em ghét thì không khổ gì bằng! Bọn tôi ở với hắn không lâu. Hắn chuyển đi buồng khác.

Nhịp sống của phạm nhân cứ đều đặn trôi qua trong chờ đợi thấp thỏm, trong lo âu và buồn bã. Hoàng hôn buông xuống rồi bình minh ló lên, ngày đêm lập đi lập lại mãi. Cũng may, mỗi tuần còn có một ngày thăm nuôi đến rộn ràng rồi qua đi lặng lẽ. Bất ngờ, một hôm không trúng vào ngày thăm nuôi, tôi được gọi ra gặp gia đình. Vợ tôi đang ngồi trên cái ghế mà tôi đã ngồi làm việc với cảnh sát điều tra. Mái tóc em xoã dài, ánh mắt buồn vời vợi. Em không nhìn thẳng vào tôi. Hai bàn tay em cứ đan vào nhau, im lặng. Tôi hỏi thăm sức khoẻ mọi người. Em trả lời nho nhỏ, chỉ gục đầu là nhiều. Trước mặt tôi là chú Hiện cán bộ điều tra. Sát bên phải em là mẹ tôi. Bờ vai thon thon của em tôi đã ôm ấp nhiều, nhưng không hiểu tại sao, em ngồi đấy, tôi ngồi đây, mà tôi không thể nào bạo dạn đụng đến em, dù cho lúc đấy trong lòng tôi rất muốn được ôm em để vỗ về, an ủi. Tôi buồn lắm, muốn khóc theo em nhưng ngoài miệng tôi lại động viên em. Em cứ nghẹn ngào suốt ba mươi phút gặp gỡ. Tôi không nghe em nói một tiếng gì với riêng tôi. Đến giờ, tôi phải chào mọi người trở lại buồng giam, trên đường đi vào tôi rất băn khoăn : "Tại sao em không nói với tôi một lời!?" Và, tôi hiểu rằng nhờ có chú Hiện công an, mẹ tôi quen, chú bảo lãnh cho tôi ra gặp mặt vợ và mẹ tôi, để ngày mai, mẹ và vợ tôi trở vào thị xã, chớ ở đây vợ tôi không làm ăn chi được. Ở quê, tôi còn có ba tôi, nội tôi và dì Hạnh sẽ thăm nuôi tôi.

Thời gian lặng lẽ đi qua, dãy ca sô cứ im lìm cất giấu hơn ba mươi con người lầm lỗi. Phòng tôi có thay đổi. Phước đưa xuống phòng bốn. Tôi mất một người bạn kết nghĩa đầy nghị lực, ngày nào cũng lầm thầm ngồi học tiếng Anh, hoặc viết viết dăm nát cả chỗ nằm và một tay chơi cờ hay, có nhiều nước chiếu bí khôn ngoan nhưng luôn biết nhường nhịn anh em. Bù vào chỗ Phước là thằng Mẫn “bê đê" cao to, môi bị sứt, tuy đã may môi rồi, nhưng vẫn xấu tệ! Mỗi lần nhìn hắn nói, tôi phải nín cười không thôi mất lòng hắn.Thằng Mẫn thèm khát một cách trơ trẽn. Đêm đêm, hắn ôm người này, người khác. Mỗi khi hắn ôm tôi, tôi đánh liền nên hắn không dám đụng đến tôi. Ở trong phòng mùa này muỗi rất nhiều, cứ rủ trong áo quần phơi quanh ra từng đàn muỗi, tha hồ giết chơi.

Suốt tuần nay tôi cố bỏ thuốc lá và thường xuyên tập thể dục, ngày ba lần. Khi còn Phước, Phước chuyên cần học học Anh văn, tôi chuyên cần tập thể dục rồi đi vài đường quyền. Hồi nhỏ, tôi học Karate đến đai nâu, bây giờ quên nhiều nhưng những cú đánh thẳng vẫn còn nhanh, mạnh, chính xác. Nhờ sự siêng năng luyện tập ấy, tôi thường bắt gặp những ánh mắt thầm nể phục của anh em, dù họ không hề nói ra nhưng tôi biết họ nể sợ tôi lắm. Có những lúc đang luyện quyền, tôi lại nghĩ giá như hồi đó mình dùng tay, thay vì dùng dao chém ông ấy, chắc giờ đây đâu phải khổ thế này. Kỳ lạ, sức tôi với những cú đá nghịch lân quay cái vù, cú đấm mạnh như thế mà tôi không dùng khi hữu sự. Chắc lúc ấy tôi bị con ma men xui chém người ta thôi! Rồi cũng đến ngày thằng Mẫn "bê đê" ra hầu toà. Tối hôm đó cả buồng liên hoan cầu chúc cho Mẫn được nhẹ án. Cả dãy ca sô cũng truyền lời chúc Mẫn được như ý muốn. Hai ngày sau thằng Sơn lại ra toà. Anh em cũng liên hoan cầu may cho Sơn được may mắn. Sơn đi toà về lĩnh mười tám tháng và ở trên phòng có án như thằng Mẫn “bê đê” luôn. Trong phòng tôi vẫn còn lại hai người. Mấy ngày sau nhận thêm một thằng can tội tiêu thụ đồ gian. Tôi thấy thằng này quen quen. Hình như hắn ở bên đường Nguyễn Chí Thanh thì phải? Nhìn tướng hắn vừa ốm vừa già và có vẻ đã ở tù nhiều tập. Tuy vậy, tôi vẫn chưa hỏi han gì hắn, còn dài ngày mà, lo gì ; cứ để hắn ngồi một đống, mai mốt đây hắn cũng “khai báo thật thà” thôi.

Mấy hôm nay trời trở mưa và trở lạnh. Buổi sáng tôi vẫn tập thể dục đều đặn. Thường tôi đứng tập trong buồng nhìn ra ngọn dừa xanh tươi bên ngoài hàng rào thép gai. Sáng nay, bầu trời lì chì đen xám, ào ào từng cơn gió thổi. Tôi thấy ngọn dừa toe tua vì gió mưa, vài chiếc lá tàu như bị xé thành hai. Ngọn dừa xanh tươi thế, qua một đợt mưa mưa gió, tàn tạ nhanh vậy? Chợt tôi loé lên ý: "Thi hành án xong, tôi có tàn tạ như vậy không?" làm tôi rưng rưng… Tối đến, chúng tôi đắp mỗi người một cái mền của trại phát. Mền mỏng không đủ ấm cho những thân tù trong đêm giá rét. Nửa đêm tôi phải ngồi dậy lấy áo quần choàng thêm, vẫn không ngủ lại được! Tính từ ngày bị bắt tôi ở được hai tháng. Mới ngày nào đó tay xách nách ôm, ngơ ngác bước lên xe U-óat giữa cái nắng hừng hực. Giờ đã vào đông. Và đang ngồi trong nhà giam hoang mang không biết tội tôi nặng hay nhẹ?

Mùa mưa đến. Căn phòng tôi rũ rượi nước. Chỉ còn tôi và Hải mới vào chưa nhận giấy toà đòi. Anh Nhã đã có giấy triệu tập chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Mấy hôm sau phòng tôi nhận thêm một tân binh. Trông hắn đàng hoàng, chắc con nhà giàu có? Sao hắn phạm tội trộm cắp tài sản công dân? Tính tình hắn rất bướng. Tôi nghĩ bụng ở nhà mầy bướng với cha mẹ mầy, chớ vào tù bướng với ai? Có mà bị chúng đập cho mềm xương. Hắn tên Tân. Tôi không hợp với kiểu sống của hắn, nên không chơi với hắn. Cuộc sống trong tù cần chi phải suy nghĩ cho mệt cái đầu, ai hạp thì chơi cho đỡ buồn. Nếu thích nhau, kết nghĩa anh em với nhau như tôi và Phước, rồi kiếp tù cũng chia mỗi người một ngả. Những gì đến sẽ đến. Cố tập cho tâm hồn thanh thản. Tôi hết hai tháng tạm giam, chưa thấy ký lệnh mới? Mấy hôm sau tôi được gọi ra ký kết cung. Tôi cầm tờ kết cung đọc kỹ, rồi ký. Đi vào buồng, lòng tôi nhẹ nhõm khi công an không ghép tôi vào tội “Chống người thi hành công vụ”. Ngồi trong phòng tôi nhớ lại lời kết cung của điều tra viên. Tôi nghĩ, có thể nhẹ hơn dự đoán, chừng ba năm. Mưa ngoài phòng vẫn dai dẳng. Gío kéo theo không khí lạnh ùa vào phòng. Bầu trời màu tro bao trùm vạn vật. Trong tôi đang loé tia hy vọng!

Còn vài ngày nữa là Tết Nguyên Đán. Thời tiết ấm dần lên. Có điều gì tiềm ẩn trong đất trời giờ đang vận hành thay đổi vạn vật. Tôi đứng nhìn những chồi non mơn mởn trên những đọt xanh và những cánh hoa giấy đang khoe sắc trong ánh bình minh, ngoài khung cửa phòng giam, lòng tôi không khỏi bâng khuâng trước sự tươi mới của cây lá. Cái lạnh của mùa đông đang lùi lại, nhường chỗ cho nàng xuân kiều diễm bước xuống trần gian mang bao điều hạnh phúc đến với muôn loài. Dãy ca sô vẫn im lặng trong niềm thổn thức. Ngước nhìn lên vòm trời xanh biếc, tôi cầu mong những gì tốt đẹp luôn đến với người thân và nhân loại. Chỉ còn ba ngày nữa là mọi người trên đất nước Việt Nam tôi sẽ đón nhận giờ khắc giao thừa thiêng liêng của năm cũ và năm mới tạ từ tiễn biệt nhau. Tôi nhớ tuổi thơ tôi mấy lần được ngồi bên bếp lửa ngắm thùng bánh tét rực hồng, mù khói quyện sương khuya. Ôi giây phút quý báu đó giờ xa tầm tay với. Tôi nhớ mãi cái đêm cùng em thức canh nồi bánh tét. Hồi ấy chúng tôi mới quen nhau. Nhà em nấu bánh tét, tôi lăng xăng qua phụ em gói bánh và cùng em canh bếp lửa phập phồng trong đêm ba mươi xanh thẳm. Tôi không quên được dáng hiền hậu của em ngồi đối diện với bếp lửa, hai tay khoanh vòng đầu gối. Mái tóc thề của em buông thả bờ vai. Ánh mắt em nghiêng nghiêng nhìn tôi. Trông em lúc đó đẹp như nữ sinh Đồng Khánh. Thật sự, từ khi lớn lên cho đến nay, tôi chưa biết nữ sinh Đồng Khánh đẹp cỡ nào, nhưng qua lời dồn đại của người lớn và sách báo. Tôi nghĩ nữ sinh Đồng Khánh chắc đẹp lắm. Tôi nhẹ nhàng đi đến sau lưng, ôm bờ vai em. Hành động táo bạo của tôi làm em bối rối. Kề sát tai em, tôi hỏi em có cần vệ sĩ thức cùng em không? Em im lặng! Tôi càng ôm chặt em vào lòng. Anh mắt của em lặng im nhìn tôi như muốn nói vạn điều thương yêu nhưng không bộc lộ bằng lời. Tôi ngại tôi quá đà nên buông em ra và lót dép ngồi bên em đăm chiêu nhìn ánh lửa đang đùa giỡn với nồi bánh to đùng đang sôi sục sục. Chúng tôi thành chồng vợ. Những ngày giáp Tết năm sau vợ chồng tôi lại loay hoay làm dưa món. Tôi gọt vỏ em cắt. Xong đâu đấy đem phơi nắng cho những miếng dưa heo héo một chút mới đem vào, cho vào thẩu và nấu nước mắm đường, để nguội chế đầy, đậy nắp lại chờ dưa chín đúng ngày mồng một. Tôi luôn nhớ cái dáng tròn tròn của em trông rất búp bê. Em bưng mâm dưa tìm chỗ phơi nắng đã làm lòng tôi trào dâng tình thương yêu. Và mỗi khi em chạy ra sân làm gì đấy, tôi thấy em như con chim cánh cụt, tôi thường gọi đùa em là con chim cánh cụt thân yêu của tôi…

Nhà tạm giam, nơi cất giấu chúng tôi với cuộc đời vẫn không gì thay đổi. Tết đến cũng như Tết đi, không khí lặng lờ trong nhịp ngày buồn thảm. Giờ biết làm sao ra được đây!? Trời ơi, ai có thể cứu tôi ra, cho tôi vài ngày sum họp với vợ con tôi! Tôi đã bao lần than thầm, hét thầm và cầu nguyện thầm như thế. Rồi tự dằn vặt, oán trách mình đã điên cuồng, thiếu suy nghĩ. Giờ này, chắc ngoài đường đã tưng bừng các loại hoa bán Tết. Trẻ em cho đến người già đều có gì đó mới mẻ cho riêng mình và chắc ai ai cũng vui vẻ đón năm mới trong mứt, bánh, rượu thịt ê hề. Còn cuộc sống ở đây không thay đổi. Sáng mở cửa, trưa đóng lại. Ngủ trưa dậy lại mở cửa, chiều đóng. Thời gian âm thầm trôi đi lặng lẽ và cuộc sống cũng lặng lẽ âm thầm. Phạm nhân từ phòng bốn đến phòng mười gọi nhau, chúc Tết nhau om sòm. Tôi ngồi nghe những lời chúc Tết càng thêm nao lòng! Lại có sáng kiến, phòng này hát cho phòng kia nghe, anh em hát cho nhau nghe những bài ca xuân. Cao hứng càng dâng, tiếng hát càng to hơn. Vậy là bị cán bộ nhắc nhở, cả dãy ca sô lại im phăng phắc. Chúng tôi lại ngồi túm tụm vào nhau kể chuuyện Tết năm cũ...

Chỉ còn năm mươi giờ nữa đón giao thừa. Nhiều bạn trong buồng tôi ngồi nhìn một chỗ trên bức tường. Tôi nằm, đăm đăm nhìn lên trần nhà giam, lòng nguyện thầm điều kỳ diệu sẽ đến. Chiều hai mươi tám âm lịch là ngày giải thoát cho Thuỷ. Những người còn lại cầu chúc cho Thuỷ được tốt đẹp trong năm mới. Trong buồng còn lại bốn người, là tôi, anh Nhã, Hải và Thanh mới vào. Chúng tôi tự an ủi nhau, đứa nào cũng mang một tâm trạng buồn, nhưng cố vui khi nhắc đến Thuỷ với giọng ít nhiều chua xót, ghen tỵ :

- Thuỷ về trúng dịp tết tha hồ sướng!

Tối đến anh em đem “rượu tù” ra uống. Thật đáng thương khi chúng tôi ngồi nhâm nhi, bù khú với nhau bằng những thứ bỏ đi mà ai cũng tấm tắc khen ngon. Ôi cảnh tù quá chán chê! Muốn khóc, muốn gào cũng không được mà cười cho thật thoả mái cũng chẳng xong! Đúng là: "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Giờ đón giao thừa đã gần đến. Mấy người tự giác chạy lên chạy xuống làm thức ăn, đồ nhậu cho họ và cán bộ trực trại đón năm mới, thật rộn ràng. Truyền hình của trại tạm giam nằm ngoài nhà bàn, cán bộ mở hết công xuất, chúng tôi nằm trong phòng vẫn nghe được chương trình trực tiếp cầu truyền hình cuối năm trên toàn quốc. Bốn anh em chúng tôi cũng bày mâm ra ngồi tâm sự. Những miếng mứt, hạt dưa và các loại bánh kẹo đủ màu sắc, chờ bóc ra. Chúng tôi đón giao thừa không quần áo, không giày dép, không tiền bạc, chỉ bộ đồ tù đáng nguyền rủa được mặc lên thân hình bốn anh em, chờ cán bộ vào chúc tết. Những hơi thuốc hiếm hoi được hút vào buồng phổi trống không, thèm khát. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn típ ngoài ô thông gió tạo một vùng sáng yếu ớt và một góc tối lý tưởng cho những con muỗi bay vo ve lộng hành tấn công chúng tôi. Vô tình tôi đập được một con muỗi nát bét, máu nhoè giữa lòng bàn tay. Tội nghiệp cho con muỗi cũng vì miếng ăn mà thân xác bẹp lép, chết không được đón Tết. Con người, nếu chắm chúi cả đời mình vào miếng ăn sẽ vô vị biết bao và có thể rồi cũng sẽ vì miếng ăn mà vấp số phận cuối cùng như con muỗi? Thân xác tôi ngồi với anh em trong tù, nhưng tâm hồn tôi lại lảng vảng ngoài gia đình. Tôi tưởng tượng cùng em đi chợ tết, cùng em đón giao thừa, cùng em đi lễ chùa trong ngày đầu xuân ; ngày Mùng Hai đi thăm bà con thân thuộc rồi ngồi nhà chờ khách tới thăm, chúc vợ chồng tôi một năm làm ăn may mắn, cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Vợ chồng tôi cũng trịnh trọng chúc khách dồi dào sức khoẻ, sang năm làm ăn phát đạt, tấn tới hơn năm cũ. Nhưng tất cả những hình ảnh vừa hiện lên trong tâm trí tôi là ảo tưởng, là giấc mơ ám ảnh lên tâm hồn những người đang lâm cảnh tù tội, đang trả giá cho sự sai lầm của chính mình, thì làm sao hưởng được sự đoàn tụ, êm ấm dưới mái gia đình nhỉ?

Tiếng "em xi" dẫn chương trình như gào lên vì âm lượng được quá cỡ. Tiếng cười nói của những người vui Tết từ chiếc ti vi làm tôi thêm buồn. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa là giờ khắc thiêng liêng của năm mới sẽ đến. Bánh, mứt, kẹo vẫn còn nhiều nhưng thuốc chỉ còn một điếu cho bốn anh em. Tám con mắt thỉnh thoảng liếc vào điếu thuốc màu trắng nằm bên mứt, bánh. Tôi không thể dám chắc rằng, điếu thuốc này có thể chờ cho tới lúc cán bộ vào chúc Tết hay không? Mà thuốc chỉ được hút vài điếu riêng đêm giao thừa này thôi. Những ngày thường, trong những phòng tạm giam trên toàn quốc đều cấm thuốc. Tôi bắt gặp những ánh mắt thòm thèm nhìn điếu thuốc và những lời phàn nàn lo hết thuốc làm tôi khó chịu. Nói thật, ngoài đời tôi cũng là một con ma nghiện thuốc, nhưng đâu đến nỗi thèm khát vậy. Chẳng lẽ họ thèm thuốc đến thế sao? Họ coi trọng hơi thuốc lá hơn cả những gì mà bản thân họ đã đánh mất!? Tiếng bước chân của người tù tự giác nhắc nhủ chúng tôi sửa soạn áo quần chỉnh tề đón cán bộ vào thăm và chúc tết. Tôi và anh em nghe tiếng tra khoá, rút chốt ở phòng bốn, phòng năm, phòng sáu...cứ thế cho đến phòng mười. Cán bộ vào chúc Tết là một người đàn ông cao to, có khuôn mặt vuông vức ra dáng con nhà lính mạnh mẽ. Nhìn trộm ông, tôi vẫn thấy ẩn hiện trên khuôn mặt nghiêm trang, cương nghị ấy phảng phất lòng nhân từ, phóng khoáng. Xem ra những điều tôi đã nghĩ về ông Trưởng trại tạm giam trước đây hoàn toàn không đúng. Ai ngờ một ông công an Trưởng trại giam giữ những con người tội lỗi đầy mình như chúng tôi lại hiền thế? Và coi bộ ông cũng rất thông cảm cho anh em đang trong cảnh tù tội! Ông nói với Minh tự giác đưa vào cho chúng tôi tám điếu thuốc ngựa và ít trà vừa đủ pha một ấm. Ông dặn chúng tôi, "…đừng buồn mà hãy cố vui lên mà sống. Việc làm sai trái của chính mình tạo ra thì mình phải dũng cảm trả vay sòng phẳng. Mình có thể quỵt nợ với ai đó chứ không thể quỵt nợ lương tâm mình được. Mình trả xong nợ nần cho cuộc đời, mình sẽ thanh thản lập nghiệp cũng chưa muộn. Những ai không biết hối cải sẽ không rèn luyện được chính bản thân mình nữa, chứ đừng mong gầy dựng cơ nghiệp đàng hoàng cho đời mình." Ông lại cẩn thận dặn tiếp, "…hút thuốc không giữ lửa, không ồn ào để đêm Giao thừa không có lời than phiền của cán bộ trực trại đến tai ông". Chúng tôi nhận thuốc từ tay Minh, chia nhau và châm thuốc hút phì phà trước mặt cán bộ. Đây là việc làm vi phạm nội quy trại tạm giam nhưng đã được ông Trưởng trại dành cho một biệt lệ trong đêm Giao thừa, chúng tôi rất cảm động! Biết đâu vì sự hào phóng với tù nhân, cấp trên biết được có thể ông bị kiểm điểm! Tôi ngồi ngẫm nghĩ một hồi, tôi càng biết ơn ông hơn. Theo quan niệm đông phương, những người đàn ông là trụ cột một gia đình, họ rất coi trọng giờ phút Giao thừa, vì đó là giờ khắc đầu tiên của một năm mới, mở ra sự thăng trầm, lụn bại hoặc thành đạt của gia đình trong một năm tới. Bởi vậy, ai cũng muốn đón Giao thừa trong không khí ấm cúng, an vui ; vợ chồng con cái đoàn tụ bên bàn thờ tổ tiên khói hương ngun ngún. Người đàn ông còn phải chủ lễ cúng Giao thừa để cầu may mắn, phát tài cho cả gia đình mình suốt năm trường. Đây, ông Trưởng trại lại tiếp xúc với những thằng tù số phận đang đen đủi, đầy xúi quẩy! Ông không sợ chúc Tết bọn tôi, ông sẽ gặp xui cho cả năm sao. Bốn đứa tôi, có lẽ đứa nào cũng xúc động vì thế, nên tranh nhau chúc ông Trưởng trại giam và gia đình ông một năm mới vui vẻ, hạnh phúc. Ông Trưởng trại bước ra khỏi phòng khoảng mấy phút là Giao thừa đã điểm.

Anh em chúng tôi ngồi sum vầy quanh những dĩa kẹo và mấy điếu thuốc. Nét mặt ai cũng rạng rỡ vì những lời dặn dò thân tình của cán bộ Trưởng trại tạm giam. Bỗng tôi nghe ngoài nhà bàn đếm: Chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, bùm, bùm … vang trời. Đó là tiếng pháo hoa đón Giao thừa. Trong phòng ai nấy ngồi im lặng rầu rĩ. Thằng Thanh đếm theo từng tiếng nổ vang của pháo hoa và khóc. Tôi dựa lưng vào tường nghe khoé mắt cay cay. Nhìn qua, tôi thấy anh Nhã lau nước mắt và khụt khịt. Riêng Hải điềm tỉnh, chắc Hải quen cảnh đón tết trong tù rồi!? Chúng tôi nhìn nhau an ủi và nâng chiếc ly bé tí tẹo ly làm bằng nắp nước khoáng lên, gượng gạo chúc nhau…Đón Giao thừa trong nhà giam chỉ có vậy cũng may mắn lắm rồi.


 

    CÒN TIẾP....


 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC