TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Quê gốc: Đà Nẵng
. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn (TP.HCM.)
. Cử nhân ngữ văn Việt & cử nhân Anh văn
. Giáo viên Trường Ngoại ngữ Không Gian TP.HCM.

. Dịch giả Anh - Việt & Việt - Anh: đã biên dịch hơn trăm tập sách (có đầu sách gồm 5, 7 tập).

. Sáng tác Truyện Thiếu Nhi:

. Chuyện Cổ Tích Của Vườn - tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác của Nxb. Trẻ Tp.HCM.

. Văn Học Thiếu Nhi Vì Tương Lai Đất Nước , lần thứ nhất, 1993.

. Nhạc Giữa Trời , đoạt giải A Nxb. Kim Đồng, 1995.







TRUYỆN


NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Nhất (1, 2,3)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Hai (4, 5,6)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Ba (7, 8,9,10,11)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Tư (12, 13,14,15)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Năm - Kết (16, 17,18,19, 20)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Nhất (1,2,3)






















CHUYỆN CỔ TÍCH
CỦA VƯỜN





1. Mở Đầu

Bà Tiên vung cây đũa thần lên…

Những trái ớt chín đỏ đang nằm im lìm bỗng ngọ nguậy nhướn mắt khe khẽ nói chuyện với nhau.

Hai con kiến vàng chạm râu thì thầm bàn tán về việc chia đôi hạt đường vừa tìm thấy. Con ong vàng lượn trên bông mướp cất giọng du dương thăm hỏi…

Bà Tiên vung cây đũa thần lên…

Bốn cô cóc nhảy ra vũng nước soi gương, hy vọng sẽ biến thành bốn nàng công chúa. Chị nhện đong đưa sợi tơ ru hỡi ru hời, đánh lừa mụ ruồi hung dữ. Con chuồn chuồn bay lướt qua, buông lời trêu chọc…

Bà Tiên vung cây đũa thần lên… Buồng chuối sứ chín chơm chớp mấy mươi đôi mắt làm duyên, chùm xoài trên ngọn cây cao đồng ca một bài nhạc sôi động…

Bà Tiên vung cây đũa thần lên… Khu vườn mở rộng cửa, đón các em vào với những câu chuyện cổ tích tuyệt vời cho mùa hè…

Bà Tiên vung vây đũa thần lên…

2. Chuyện Giếng Nước

Ở nhà quê, mỗi nhà đều có một giếng nước. Có giếng cạn, chỉ cần đào xuống khoảng sáu, bảy thước là nước đã trào lên. Có giếng sâu, phải đào xuống mười tám, hai mươi thước mới gặp mạch nước. Miền Đông có nhiều đồi cao, hầu như nơi đâu ta cũng gặp những lòng giếng sâu thăm thẳm.

Trong khu vườn nhỏ này, giếng nước được sử dụng chung: các nhà lân cận đều quảy gánh tới đây quay nước về xài. Quanh giếng nước bao giờ cũng đông vui. Giếng nằm giữa sáu cây mít già cao vút, các ngọn cây cao cao thường chuyện trò với giếng, kể cho giếng nghe mọi điều đã nghe được từ bầy chim sẻ.

Hai bên miệng giếng có cái tay quay đã cũ rồi. Mỗi lần người đến quay nước, tay quay kêu lên cót két… cót két… thật là vui. Tay quay chưa từng mỏi mệt, nó thích kêu lên hớn hở như vậy để giải khuây cho người quay nước. Khi thùng được thả dây xuống, nó lăn tròn một mạch cho thùng chạm mặt nước. Tiếng nước văng rào rào dưới đáy giếng là niềm vui của tay quay. Nó hát to: “Cót két… cót két… Nước đã đầy thùng… Nước đã đầy thùng…”

Nắng buổi trưa không mấy khi xuống được tận nơi đây. Gió lướt qua thật nhẹ cũng khiến những chòm cây xôn xao; mấy con chim sẻ bay vụt lên; vài chiếc lá vàng bay lượn… Giữa lúc ấy, một giọng ca cải lương cất lên và tiếng thùng khua loảng xoảng. Kìa, có người đến quay nước đó. Miệng giếng hé nở nụ cười, cái tay quay đón chào cót két… cót két…

Giếng của nhà nông nghèo nên miệng bị lở một bên mép, ở đó có đám cỏ gai mắc cỡ mọc tốt bùm xùm. Ai vô ý dẫm phải chỉ biết “ái” một tiếng rồi ngồi thụp xuống xuýt xoa đau đớn. Hai cây cọc nhăn nhó nói:

-Bác Giếng làm ơn cạo hàm râu quái ác kia đi. Nó đầy gai nhọn đó.

Giếng phàn nàn:

-Tôi tiếc là mình không có tay.

Chim sẻ góp ý:

-Bác Giếng ơi, cháu giúp bác nhé. Cháu dẫn bê con lại ăn sạch đám cỏ kia nhé.

-Phải đó. Phải đó.

Chim sẻ bay về phía bê con, đậu lên tai bê và hót líu la líu lo. Bê ngoan ngoãn, thận trọng bước lại gần miệng giếng, cổ vươn dài ra, miệng gặm soàn soạt đám cỏ gai một cách ngon lành. Rồi bê bước đi. Bây giờ miệng giếng nhẵn nhụi, sạch sẽ thật dễ ưa. Bác Giếng nở một nụ cười biết ơn…

Ngay sau đó, một giọng ca cải lương cất lên, tiếng thùng khua loảng xoảng: có người đến quay nước. Anh ta cầm theo cây cuốc nhỏ. Anh đặt thùng xuống, nhìn dọc nhìn ngang rồi lẩm bẩm:

-Ủa, ai cuốc sạch đám mắc cỡ rồi cà? Vậy là mình xách cái cuốc theo thật uổng công!

Giếng mỉm cười. Cái tay quay cảm động kêu cót két… cót két… Nước đã đầy thùng… Anh nông dân đỡ thùng lên, kê miệng uống một hơi dài, thốt lên sảng khoái:

-Nước trong quá, ngọt quá, đâu có thua gì nước mưa…

Nước thích chí, nhảy nhót, sánh ra khỏi thùng. Nó khoe:

-Nhờ có bác Giếng tốt bụng đấy. Bác không cho một chiếc lá rụng xuống nước, sợ nước dơ bẩn. Bác không cho một con ếch, con nhái cư ngụ dưới đáy giếng, sợ nước không ngọt. Bác muốn phục vụ cho cong người thật tốt.

Anh nông dân quảy thùng đi mất. Gió lướt qua nhẹ nhàng, mang theo vô vàn lời hát ca ngợi giếng nước trong.

3. Chuyện Một, Hai, Ba, Bốn… Cô Cóc

Tối nào cũng vậy, cơm nước xong xuôi, bà sai thắp ngọn đèn dầu đặt giữa nhà, rồi lên võng nằm kể chuyện đời xưa cho cháu nghe. Chao, bà biết nhiều chuyện cổ tích lắm. Đêm thì bà kể chuyện Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn. Đêm thì bà kể chuyện Nàng Tấm. Đêm nay thì sao nhỉ? Bà nói:

-Bà kể chuyện Công Chúa Cóc cho nghe nhé.

“Ngày xưa, có ba chàng hoàng tử nọ kén vợ. Chàng thứ nhất bắn một mũi tên và mũi tên rớt ngay chân cô gái mập, con của quan văn. Chàng đành cưới cô mập làm vợ. Chàng thứ hai bắn một mũi tên trúng ngay chân cô gái ốm, con của quan võ. Chàng đành cưới cô ốm làm vợ. Chàng Út bắn một mũi tên thật xa, mũi tên bay tới tận đầm lầy và rớt ngay chân một con Cóc. Cóc ngậm chặt tên không chịu trả, chàng Út đành cưới con Cóc làm vợ…”

Từ trong bóng tối ngoài vườn, từ sau nhà, từ dưới gầm giường, từ kẹt cửa nhảy ra một, hai, ba, bốn… cô Cóc. Bốn cô ngồi thu lu bốn góc, trố mắt, vểnh tai nghe chuyện. Bốn cô nhìn nhau dọ hỏi: con Cóc nào tốt số quá thế, được chàng hoàng tử lấy làm vợ? Cả bốn cô cùng chợt nghĩ rằng đó chính là mình. Thế là, mỗi cô đều sửa lại kiểu ngồi cho duyên dáng để lắng nghe bà cụ kể về chính mình.

“Một hôm nhà vua cho thi nấu ăn. Cô mập và cô ốm mừng khấp khởi vì họ nghĩ Cóc chẳng biết nấu nướng gì…”

Bốn cô Cóc nhìn nhau tức giận. Chà, họ đã ăn thử các món ăn ngon của các cô nấu chưa nhỉ? Món thứ nhất là muỗi xào: chảo phải thật nóng, cho mỡ ruồi vào, phi hành với tỏi thật thơm. Ba chục con muỗi vặt hết chân, thả vô chảo, xào sơ cho tái rồi múc ra dĩa. Rắc tiêu lên.

Món thứ hai là mối cánh kho sệt: ướp năm chục mối cánh với hai chục với hai chục kiến gió trong vài phút. Sau đó, tất cả cho vào nồi kho sền sệt, để lửa riu riu…

“Nhà vua nếm mâm thức ăn của cô mập: món nào cũng ngọt lịm như chè. Nhà vua nếm mâm thức ăn của cô ốm: món nào cũng chua như giấm. Nhà vua nếm mâm thức ăn của Cóc: chẳng có sơn hào hải vị nào bằng…”

Bốn cô Cóc thích chí cười sung sướng. Một cô nói:

-Có lẽ nhà vua nếm món giun đất chiên của tôi.

Một cô cãi:

-Không phải đâu. Nhà vua nếm món kiến hôi nấu chua với lá giang của tôi.

Hai cô kia cũng định tranh công thì bà đã kể tiếp: “Một hôm, vua lại bảo mỗi công chúa may cho ngài một chiếc áo. Cô mập và cô ốm mừng rỡ. Phen này Cóc sẽ thua vì Cóc đâu biết may vá…”

Bốn cô Cóc nghiến răng tức giận, tưởng có thể cắn đứt ngón chân cái của hai nàng công chúa kia. Dám coi thường Cóc à? May một chiếc áo thì có gì là khó. Này nhé, ngâm vải phơi nắng rồi đo đo cắt cắt. Toàn chuyện vặt cả!

“Nhà vua mặc thử chiếc áo của cô mập may: áo rộng thùng thình, tay áo dài đến gối. Nhà vua mặc thử chiếc áo của cô ốm may: áo chật như bó chả, tay áo ngắn đến cùi chỏ. Nhà vua mặc thử chiếc áo của Cóc may: áo vừa vặn thật đẹp…”

Hi hi… ha ha… Bốn cô Cóc cười to thích thú, cô nào cũng cảm thấy mình có tài năng tuyệt vời, xứng đáng là một nàng công chúa thật sự. Cả bốn quyết định sáng mai sẽ nhảy ra vườn tìm xem có mũi tên nào tình cờ rơi xuống chân mình không.

“Nhà vua cho thi xem nhan sắc của cô công chúa nào đẹp nhất. Lần này, cô mập và cô ốm mừng rỡ ra mặt. Họ tin chắc phen này Cóc sẽ thua, vì xấu xí như Cóc, ai mà chẳng biết điều này…”

Bốn cô Cóc nhìn nhau tái mặt, nước mắt hoen mi. Phải rồi, da Cóc sần sùi, mắt Cóc lồi to, miệng Cóc rộng kéo dài từ tai này sang tai kia. Dẫu sao con người vẫn đẹp hơn Cóc gấp trăm ngàn lần!

“Cô mập ra mắt nhà vua, dáng cô bước đi phục phịch nặng nề. Cô ốm ra mắt nhà vua, dáng cô bước đi ngoe nguẩy lơn tơn.

Mọi người chờ đợi con Cóc xấu xí nhảy ra. Nhưng không, một tiên nữ xinh đẹp xuất hiện. Cô Cóc chính là một công chúa bị phù phép, nay phép thuật đã hết, cô trở lại làm người…”

Đèn tắt, cửa đóng, mọi người đã chìm vào giấc ngủ, riêng bốn cô Cóc vẫn thao thức thâu đêm. Câu chuyện cổ tích cứ ám ảnh họ mãi. Cô nào cũng tự hỏi: có phải nàng công chúa đó chính là mình không? Ai đã phù phép khiến mình trở thành Cóc xấu xí như thế này? Làm sao nhắn với vị hoàng tử nọ đến đây ngỏ lời cầu hôn để xóa bỏ phép thuật, cho mình làm người? Cả bốn cô Cóc lặng lẽ nhảy vào gầm giường, miên man suy nghĩ rồi mệt mỏi ngủ thiếp đi.

Quá nửa đêm, tiếng sấm ì ầm đánh thức các cô Cóc dậy. Lộp độp… Lộp độp! Rào… rào…! À, mưa về rồi đấy! Bốn cô Cóc nhảy ra khỏi gầm giường, nhảy ra hàng hiên.

Mưa. Nước chảy cuồn cuộn từ luống khoai này sang luống khoai kia. Nước từ mái tranh kéo xuống thành sợi dài không dứt. Mưa. Nước đọng thành vũng to tướng như ao. Vô vàn ngọn cỏ rung rinh, rung rinh…

Một, hai, ba, bốn… cô Cóc nhảy lũm chũm xuống vũng nước, tha hồ vùng vẫy thỏa thích. Nước mát lạnh quá, thích quá, bốn cô Cóc quên béng chuyện vừa qua.




CÒN TIẾP ...






© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC