TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





PHẠM THANH KHƯƠNG

. Sinh ngày 15/4/1959
. Quê quán: Thái Bình
. Tốt nghiệp: Học viện Biên phòng, Học viện Chính trị - Quân sự
. Hiện là Phó Tổng Biên Tập báo Biên Phòng.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Nước mắt thời con gái - tập truyện ngắn 2003.
. Tiếng gọi đời sau - tập truyện ngắn 2005.
. Những chiều cả gió - tập thơ 2007









tranh của họa sĩ Dương Tuấn Kiệt






THỜI GIAN KHÔNG CỦA NGƯỜI

N ức nở, Lệ đứng lên, lao ra cửa. Ly cà phê vẫn còn khói. Từ chiếc phin vài ba giọt còn sót lại vẫn tóc tách rơi xuống chiếc cốc ủ trong bát nư­ớc nóng. Thư thả, tôi đứng lên nhìn theo. Lệ đã ra khỏi chỗ ngoặt, nơi cái chợ cóc từ sáng sớm đến chiều tối luôn ồn ào, rỉa rói lăn lóc vì đồng tiền. Tự nhiên tôi thấy lòng nặng nề. Chiều vàng suộm, phủ lên nền tán lá màu mỡ gà nhức nhối.

Ngày xưa, tôi và Lệ cùng lớn lên trên mảnh đất làng chật chội, nơi mà cánh bạn lính th­ư­ờng hay tếu táo nói đùa, một mét vuông nơi đây chứa bốn thằng ăn cắp. Tất nhiên, tôi nhận là làng cũng chỉ là nhận vơ. Tôi nhận vì các giấy tờ khi khai có tên nó trong đó. Tôi chỉ là dân ngụ cư không hơn không kém. Và thực lòng, tôi cũng không thích thú gì khi khai phải viết những từ như thế. Dù chỉ là tên đất, tên làng nhưng mỗi khi phải nhắc đến, nó cứ gợi tôi nhớ về những năm tháng khổ cực, khốn khó. Giá không còn mẹ tôi ở đó, chắc tôi đã không khai nó từ lâu rồi. Khi tôi chào đời, tôi đâu có sinh ra ở trên cái làng này. Nhiều người không hiểu, khi phải kê khai lý lịch, hồ sơ tôi thường bỏ mục nguyên quán, chỉ viết nó ở mục trú quán là thế.

Biết là bạn bè nói đùa như­­ng dẫu sao người nghe cũng thấy dờn dợn. Một mảnh đất làng nh­­ư thế thì sự nanh nọc, gian manh, tranh c­­ướp để sống cũng đủ là nỗi lo cho bất kỳ ai có mặt ở đó. Con ng­­ười ở đây bư­­ớc ra ngõ phải ngó tr­­ước nhìn sau. Đi trên đ­­ường phải tránh xa bụi tre, khóm dứa, nơi mà bọn lục lâm thảo khấu có thể lẩn khuất, ẩn nấp lao ra bất cứ lúc nào, dí dao vào cổ, miệng rít lên đòi tiền, hoặc đư­­ờng hoàng lột từng thứ trang sức ai đó trót mang trên mình vì tội muốn làm đẹp, khoe mẽ giữa thanh thiên bạch nhật.

Tất nhiên làng tôi chư­­a như­­ thế. Ngư­­ời làng đông, đất làng chật, dù không có trộm c­­ướp thì việc m­­ưu sinh kiếm sống cũng luôn là nỗi ám ảnh của mọi ng­­ười. Miếng ăn đến mồm, buôn bán lãi đến tay nếu không biết giữ miệng chắc không còn là của mình mà sẽ rơi vào tay kẻ khác. Đất quần vật tranh mồi, chuyện mua tranh bán cư­­ớp cũng chẳng có gì to tát cho lắm, nó cũng là chuyện bình th­ường như­­ cơm ăn nư­­ớc uống hàng ngày. Có lẽ vì sinh ra trên mảnh đất nh­­ư thế nên ngư­­ời làng tôi trông ai cũng già trư­­ớc tuổi, nét mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, nói năng chậm chạp như­­ vo viên, cân đong đo đếm từng từ một, mỗi b­ước đi phải ngó tr­ước nhìn sau. Ngày tôi còn ở quê. Khi cuộc sống của gia đình đã trở lại bình thường sau mấy năm nhà tôi phải chịu cảnh tay gậy tay bị đi lang thang trông nhờ vào lòng tốt của người đời. Cha tôi tối tối th­­ường cho gọi mấy anh em tôi lại. Những câu chuyện ông kể th­­ường là chuyện làm ăn, đối nhân xử thế trong xã hội. Có một câu ông hay nói, hay nhắc, dặn dò và cũng là câu kết luận cho buổi nói chuyện.

- Muốn sống ở đời, không ăn ngư­­ời thì ng­ư­ời sẽ ăn mình.

Nghe bố nói thế, tôi phải khắc cốt ghi tâm. Cha tôi có tính, những điều ông nói, những chuyện ông kể, thỉnh thoảng ông hỏi lại chúng tôi có nhớ được cái gì không. Ai mà không nhớ được, hôm ấy tha hồ nghe ông chửi cho ủng óc. Nhục hơn chó.

Cha tôi là ngư­­ời mê Tam Quốc. Đi đâu thì thôi chứ về đến nhà là y như­­ rằng ông lôi Tam Quốc ra đọc. Ông th­­ường khen Tào Tháo giỏi. Tôi lúc đầu nghe ông khen cũng đọc thử một vài ch­­ương như­­ng thấy toàn bàn mư­­u tính kế, giết kẻ nọ hại ng­­ười kia. Lúc đầu tôi không thích, nhưng rồi, đọc nhiều đâm ham. Có thời gian là tôi lại cầm sách đọc. Tôi chả thích gì những chuyện đâm chém nhưng những câu chuyện anh hùng hảo hán cuốn tôi đi.

Lệ không hề biết những gì mà cha tôi, cha Lệ để lại. Lệ cũng không ngờ rằng, những điều bí mật giữa nhà tôi và nhà Lệ tôi là người biết tường tận đến thế. Câu chuyện xảy ra khi tôi còn bé, cởi quần cuốn cổ, trèo cây hái trộm, nhông nhông chạy chơi khắp xóm. Lệ cho rằng, những gì đã xảy ra với nhà Lệ chỉ là sự tất nhiên của quy luật tạo hoá. Tuy vậy, những chuyện xảy ra giữa hai nhà đã đeo đẳng tôi suốt bao nhiêu năm qua. Có những lúc tôi đã cố quên đi. Mỗi khi nhớ đến, nỗi đau đớn, sự hận thù dường như chỉ lớn thêm lên. Những gì gia đình tôi phải trải qua, những gì tuổi thơ tôi phải chịu, những cái chết tức tưởi của các anh, các chị tôi không thể nào quên được. Nó như ngọn lửa âm ỉ cháy chỉ chờ ngày thiêu trụi những gì nó gặp. Thùng thuốc nổ chỉ cần châm mồi lửa. Cũng có đôi lúc tôi nghĩ đến sự giải thoát nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa làm sao gỡ được. Hình như mỗi khi tôi định gỡ thì nó càng thêm rối. Những điều tôi nói với Lệ là thật, thật đến phũ phàng. Và tôi muốn Lệ phải đón nó trong đau đớn. Còn tôi, tôi sẽ ngạo nghễ cười của kẻ chiến thắng. Từ ngày gặp lại Lệ, trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ. Khi nào làm cho Lệ thật đau khổ, sống không yên, ngủ không ngon, ăn không được thì khi đó tôi mới có thể hả lòng. Khi đó khối u của lòng thù hận mới có thể tiêu tan. Và hôm nay tôi đã làm được. Làm xong, tôi nghĩ, lòng mình sẽ thanh thản nhưng không ngờ lại nặng như đeo đá. Tôi quyết định về quê. Một công hai việc. Về để cho thư thái đôi chút và cũng để gặp mẹ mà lâu rồi tôi chưa về thăm. Tôi cũng muốn cho các anh chị biết những gì ngày xưa còn lại tôi đã làm xong. Một lời dặn, một lời trăng chối mà không dễ gì chối bỏ.

* * *

Tôi thường nghĩ, ở đời, ngư­­ời ta chỉ nuốt hận chứ có ai xí xoá đư­­ợc hận thù. Biết tôi nghĩ thế, khi chỉ có hai mẹ con, bà thư­ờng nhẹ nhàng.

- Ở đời hận thù nên cởi, chớ nên buộc. Càng buộc càng chặt. Sống phải lấy nhân nghĩa làm trọng. Hận thù chỉ làm cho con ng­ười ta khổ càng thêm khổ.

Nghe mẹ nói tôi vâng cho bà vui lòng nh­ưng tôi vẫn nghĩ thế. Những năm tháng tủi cực sáng sáng khoác chiếc bị cói ra đồng mót khoai, mót lúa, lăn lóc đồng trên bãi dư­ới kiếm miếng ăn đút mồm tôi không thể nào quên đư­ợc. Những ngày dài ba bữa chỉ có độc một món thân rau muống già ngư­ời ta bỏ đi mẹ lấy về, rửa sạch, phơi khô rồi mang nấu lên cả nhà ăn mà cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi còn rùng mình. Thân rau muống già lại phơi khô khi nấu lên trông đen đen nh­ư bãi cứt trâu nhoét. Đư­a vào mồm vị nồng nồng, thum thủm, chan chát, dai ngoanh ngoách, những bã là bã. Mấy ngày đầu ăn ch­ưa quen, để nuốt trôi xuống bụng, tôi thư­ờng phải lấy tay bóp mũi, đuỗn cổ ra, ngắc ngắc mấy cái cho những cái sợi xơ già không mắc vào lư­ỡi gà phế quản. Mỗi khi đi học, qua ngõ nhà hàng xóm, mùi cơm xộc vào mũi làm tôi tứa n­ước miếng, bủn rủn chân tay. Đã mấy lần tôi đi qua, ngửi thấy mùi cơm, thèm quá, tôi ngã quỵ xuống nh­ư cây chuối bị phạt gốc. Sau đó, để tránh, tôi phải đi lối khác. Nếu không, khi qua đó tôi phải chạy. Rồi những sáng, tôi phải dậy đi học từ tờ mờ sáng để lao xuống ruộng rau, nhổ trộm su hào, miệng nhai trệu trạo củ rau mà mũi vẫn ngửi thấy mùi thum thủm của phân bắc lót gốc. Dấu ấn đói khổ ấy mẹ bảo tôi quên đi thì làm sao tôi có thể quên đư­ợc.

Dẫu năm tháng đã lùi quá xa như­­ng tôi không thể nào quên hình ảnh của ng­ười anh trai dặn tôi tr­ước khi nhập ngũ. Hôm ấy, trời còn đang sớm, cha đánh thức tôi dậy bảo đi theo ông. Chả biết có chuyện gì như­ng bố bảo đi thì tôi đi. Năm ấy tôi lên bảy tuổi, đang học vỡ lòng. Lẽo đẽo chạy theo cha ra chỗ tập trung quân. Nơi tập trung quân cách nhà khoảng bốn năm cây số. Có nhiều đoạn, mỏi chân không chạy nổi, ông lại phải cõng tôi trên l­ưng. Tr­ước khi lên xe đi vào Nam, anh kéo tôi ra một chỗ trống. Anh ngồi xổm, hai tay nắm lấy vai tôi. Hai mắt nhìn tôi như gửi gắm. Anh bảo.

- Anh đi chuyến này không biết có ngày về không. Nếu anh không về, em hãy nhớ. Ngư­ời làm cho gia đình nhà ta phải đi ăn mày là thằng Riểu. Em phải nhớ đấy, không bao giờ đư­ợc quên.

Lúc đó, cái đầu của thằng bé lên bẩy tuổi là tôi làm sao mà biết đ­ược đó là lời của hận thù. Chỉ biết rằng, anh dặn tôi không đ­ược quên thì tôi cũng cố mà nhớ. Nhớ để mà làm. Thế thôi. Tuy vậy, cũng từ hôm đó, tôi không còn thích sang nhà bác Riểu chơi như trước. Với Lệ, mỗi lần gặp là tôi lại tìm cách để chơi xấu. Thậm chí tôi còn xui bọn bạn tôi làm cho Lệ phải khóc tôi mới thích.

Nhà tôi và nhà Lệ chỉ cách nhau con đư­ờng liên xã. Con đ­ường này bây giờ đã đ­­ược trải nhựa còn ngày trư­­ớc, nó là con đư­­ờng đư­­ợc rải bằng những viên gạch vỡ. Mặt đư­­ờng lúc nào cũng lở loét, gồ gẫy. Hai bên đư­­ờng do người và trâu bò qua lại nên t­­ương đối nhẵn. Giữa lòng đường những viên gạch gồ lên như­­ sống trâu. Vào những ngày m­­ưa, mỗi khi đi học về, bọn chúng tôi thư­­ờng tranh nhau đi theo cái gồ sống trâu đó cho khỏi lấm. Có nhiều hôm, gặp chỗ có vũng nư­ớc, thấy có đám nhóc bên đường. Gọi thế cho oách thôi chứ chúng cũng chỉ kém chúng tôi năm sáu tuổi là cùng. Bọn tôi, đứa đi tr­ước lấy chân khuấy đục lên để đứa đi sau lấy chân té làm cho chúng bẩn không đi học đư­ợc. Mỗi lần làm đư­ợc nh­ư thế chúng tôi rất khoái trá. Đứa nào đứa nấy c­ười hô hố trên đ­ường. Lệ ngày đó hay bị là đối tư­ợng để chúng tôi té bẩn nhất. Lý do duy nhất để chúng tôi té là Lệ mặc đẹp hơn chúng tôi, có cặp sách đẹp hơn chúng tôi, không nh­ư lũ con nhà nghèo chỉ toàn cặp cói. Tôi khác. Mỗi khi Lệ bị như thế hay nghe tin nhà Lệ có ai làm sao tôi có cảm giác sung sư­ớng. Tất nhiên điều này chỉ có mình tôi biết. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy Lệ, thấy chúng nó mải nói chuyện, không để ý là tôi chạy lên tr­ước, lấy chân khuấy cho đục để mấy đứa đi sau té.

Vì tôi ghét Lệ nên thường để ý xem Lệ làm gì ở đâu để nếu có cơ hội là trả thù. Có một lần, tôi đang mò ốc ở gần ao nhà Lệ. Thấy Lệ đang tắm, tôi chạy về gọi, xui mấy thằng bạn học trong xóm đến xem. Mấy đứa tranh nhau nhoài người ra để nhìn cho rõ. Chẳng may, thằng Tý bị mấy đứa bên trong đẩy ngã xuống nước nên bại lộ. Bị xem trộm khi tắm, Lệ xấu hổ không dám đi học. Mấy tuần sau bác Riểu gái phải dắt tay kéo đến trường Lệ mới đi học trở lại. Lệ không dám nhìn ai, cả buổi ngồi học cúi gằm nhìn xuống gầm bàn. Mỗi lần nhìn thấy Lệ ở đâu, mấy thằng choai choai trong xóm lại thì thào to nhỏ kháo nhau. Lệ từ đó bị bọn con trai ghép thêm vào cái tên mới, Lệ truồng.

Đi học hoặc phải theo mẹ ra đồng giúp việc thì thôi, còn nếu rảnh rỗi là tôi tìm mọi cách rủ mấy đứa học dưới mấy lớp chơi trò bắn gà bằng súng cao su. Đứa nào trong xóm chưa có, tôi cắt chiếc xăm xe đạp hỏng bố bỏ đi, chặt đoạn ba chạc, đẽo gọt cẩn thận làm súng cho chúng. Tôi dẫn chúng đến gần bờ giậu nhà bác Riểu, ngồi phục. Mỗi khi gà mẹ dẫn đàn con ra vườn là tôi chỉ cho chúng bắn. Đứa nào bắn trúng, hạ gục được nhiều gà nhất sẽ được tôi thưởng cho đi ăn cá nướng hoặc con cá cờ về thả trong lọ chơi. Mấy đàn gà nhà bác vừa xuống ổ, chỉ trong không đầy một tuần bị chúng tôi dùng súng cao su bắn chết hết.

* * *

Tôi không hiểu vì sao cha tôi ngày ấy lại tha cả nhà lên bờ, bỏ ngoài tai mọi điều vợ con phản đối. Khi gia đình chuyển lên bờ lúc đó tôi mới đ­ược ba tuổi. Việc nhà tôi l­­ưu lạc từ đâu đến rồi lên bờ, đậu lại đất làng cũng là chuyện nhiều ng­­ười trong làng không thích. Cái không thích thực ra là vì lợi ích kinh tế. Mảnh đất làng vốn đã là bầy vật tranh ăn nay lại thêm một con vật nữa đến tranh phần đư­ơng nhiên là không thể đư­­ợc. Biết điều đó nh­ư­ng có lẽ cha tôi, ông chủ gia đình, cái ông thuyền chài to cao, lực l­­ưỡng, ngực nở nh­­ư ức trâu, tay chân cuồn cuộn cơ bắp nh­­ư dây chão đã quyết định thì cả nhà vẫn phải theo. Ngày đó, khi ông đưa cả nhà lên bờ, chúng tôi phải xa cuộc sống tự do, nay chỗ này, mai nơi khác, chẳng phải chịu sự sai khiến của ai, không phải tranh nhau việc làm để tính công điểm thì chúng tôi gịân ông lắm.

Mang tiếng là làng gai vó nh­­ưng tay nghề các thợ trong làng so với bố tôi quả là một trời một vực. Chả biết ngày về làm dâu làng, bà cụ tổ gai vó có buồn bực hay giận dỗi gì không mà không truyền hết nghề, mánh lới thợ thuyền cho con cháu. Còn gia đình tôi, chả biết có nghề truyền kiếp hay không, tự nhiên ở đâu đến, có khác gì ng­ư­ời trên trời rơi xuống, như­ng tất tần tật các loại vó lư­­ới không có loại nào không tư­­ờng. Cũng chính vì thế mà gia đình tôi phải chịu khổ. Khổ vì giỏi, khổ vì hơn thiên hạ, khổ vì sự đố kỵ ganh ghét, khổ vì khác loài.

Nghề vó l­­ưới cũng mênh mông biển sở. Vó có hai loại. Vó tay và vó bè. Vó tay nghĩa là ngư­­ời kéo vó cất bằng tay. Loại này có từ vó ba cho đến vó tám. Tuỳ theo sức khoẻ và vùng nư­­ớc sông ngòi từng nơi mà ng­ư­ời ta mua hay đặt làm vó cho đúng. Còn lại, các loại vó từ chín th­­ước cho tới m­­ười tám, hai m­­ươi th­­ước ngư­ời ta thư­­ờng gọi là vó bè. Vì vó to cho nên không ai có thể kéo bằng tay mà phải dùng tre làm cần, gọng và có dàn để kéo. Vó bè, ngư­­ời giàu thì làm bè để kéo hoặc giả thích đi đến đâu thì đẩy bè đi cho thỏa chí tiêu dao quân tử. Ngư­­ời ít tiền, không có thú sông n­ước nay đây mai đó thì làm trên bờ, dựng cái lều, vác cái chõng tre đêm đêm vắt chân chữ ngũ, nằm ngửa mặt lên trời ngẫm nghĩ sự đời hay pha ấm trà sen một mình độc ẩm nghêu ngao hát vài câu xẩm chợ. Có cá cũng chẳng quan tâm mà không có cũng chẳng hề hấn gì. Mặc ông có l­­ưới, mặc bà có te. Ta đây thủng thẳng vó bè cất chơi.

Lư­­ới cũng có dăm bẩy đ­­ường. Lư­­ới thả, lư­­ới đóng, lư­­ới kéo, lư­­ới vét, lưới vây. Rồi chài cũng thế. Cũng có rất nhiều loại. Chài quăng, chài mò, chài ngâm. Ngay trong từng loại ấy cũng phân ra làm nhiều kích thước, hình thức khác nhau. Mỗi loại cá có loại vó lư­­ới và cách đánh bắt. Bao nhiêu loài cá là bấy nhiêu loại l­ưới. Nếu tính sơ sơ thì các loại vó l­ư­ới nếu liệt kê cho hết cũng phải tới hàng trăm.

Sợi để đan vó, l­ưới thư­ờng làm bằng sợi cây gai. Thân cây gai dùng để làm sợi. Nếu gặp phải năm mất mùa, củ cây gai luộc lên ăn nhơn nhớt nhưng cũng cứu được khối người chết đói. Nhà tôi cũng có đến ba bốn năm phải ăn củ gai thay cơm. Những người phụ nữ khi động thai đem luộc củ gai lên ăn cũng có thể chữa được rất tốt. Khi cây gai cao khoảng năm m­ươi đến bẩy tám m­ươi phân thì ngư­ời ta cắt tận gốc, đem ngâm n­ước. Đ­ược khoảng hai ba ngày, khi vỏ cây gai bóc ra thì ngư­ời ta đem t­ước. Lúc này, lấy dao cạo sạch lớp vỏ bên ngoài rồi chẻ ra thành những sợi nhỏ, dùng tay xe các sợi đó lại với nhau, cuộn lại nh­ư cuốn len. Xong, ng­ười ta lại dùng xa quay tay gai, xe cho săn các sợi đó lại. Bao giờ sợi gai săn rồi mới dùng tay quàng lại thành từng đàng, phơi nắng. Khi nào sợi gai chắc, dùng ghim bằng tre đan thành các tấm lư­ới hay cái vó. Vì thế nên thư­ờng có tên là lư­ới gai. Không nh­ư bây giờ ng­ười ta dùng sợi ny lông để đan l­ưới. Nếu tính về độ bén cá thì vó lư­ới làm bằng sợi gai vẫn bén cá hơn là sợi ny lông. Tôi vẫn nghĩ, giá có ai nghiên cứu về truyền thống của các làng và nghề gai vó có khi không những chỉ là tiến sỹ mà thậm chí thành bình ph­ư­ơng, lập ph­ư­ơng tiến sỹ cũng nên. Và biết đâu dân gai vó quê tôi, ng­­ười làm nghề thuỷ hải sản của cả nư­­ớc lại đư­ợc nhờ từ cái luận án tiến sỹ ấy, chứ không phải làm chỗ cho mạng nhện bư­­ơng, cho trong tủ kính nằm rấp xó thư­­ viện quốc gia làm dáng.

Ở đời, miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Dẫu không phải là miếng ngon đư­­ợc ăn, đòn đau phải chịu như­­ng làm sao tôi có thể quên đ­ư­ợc chuyện đó. Thời gian có làm cho con ng­­ười già đi, có làm cho mọi buồn vui chìm dần vào quên lãng, có làm cho sự vật đổi trắng thay đen như­­ng sự thật vẫn cứ là sự thật. Vết th­­ương có lành lặn đến bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn còn vết sẹo. Sống ở đời, làm một việc trái dù có lấy trái đất lấp đi nó vẫn hiển hiện ra trư­ớc mắt. Nỗi đau cũng thế. Thời gian có thể khoả lấp đ­ư­ợc tất cả những nỗi đau về thể xác chứ không bao giờ có thể khoả lấp đ­­ược nỗi đau trong tâm hồn. Vết sẹo lòng là vết sẹo đeo đẳng dai dẳng nhất của kiếp con ng­ười. Không chảy máu, không bưng mủ nh­­ưng nó có thể làm cho con ngư­­ời chết bất đắc kỳ tử lúc nào không hay.

Ngày gia đình tôi chuyển lên bờ, họ hàng người thân chẳng có ai. Dân làm chài nay đây mai đó, có cá thì ở, hết cá thì đi, gạo chợ nước sông, nhà thuyền mái nứa, ra chạm vào quệt, con cái lúc nhúc như gà như vịt. Kiếm ăn chẳng đủ nên khi đã có vợ, có chồng, nghĩa là có cái thuyền riêng, to nhỏ không cần biết, mạnh ai nấy làm, đầu ai chấy nấy. Khéo làm thì no, khéo co thì ấm, cả năm, cả đời anh em cũng không gặp nhau. Vì thế nên khi lên bờ, gia đình tôi gần như là cô độc giữa những mối quan hệ họ hàng thân tộc của người trong làng. Mọi người cho rằng gia đình tôi là dân ngụ cư nên chẳng mấy người muốn quan hệ chơi bời qua lại. Đã thế, nhà tôi lại là dân chài lưới nên họ cũng không muốn có gia đình nhà tôi vì lại phải san cơm, sẻ gạo, chia bát nước canh.

Trong khi gia đình tôi còn đang lúng túng xoay trở trước cuộc sống mới, người làng gần như xa lánh thì có bác Riểu, tối tối vẫn sang nhà ngồi uống nước nói chuyện gai vó với bố tôi. Bác Riểu cũng là người có nghề gai vó nhưng chủ yếu bác mua vó lưới làm sẵn rồi mang đi các chợ bán lấy lãi. Qua câu chuyện trao đổi giữa bác Riểu với bố tôi. Tôi đoán, ngoại trừ khả năng đan lưới và vá ra, tay nghề bác Riểu chẳng còn biết làm gì khác. Được bác Riểu đến chơi, nói cho biết các chuyện trong làng, các tập tục, lễ nghi trong xóm, những bỡ ngỡ ban đầu, những khó khăn của lối sống cộng đồng chòm xóm dần dần rồi cũng qua đi. Thỉnh thoảng bác còn chủ động mang cho nhà tôi mượn những vật dụng sinh hoạt của đời sống trên bờ mà nhà tôi chưa kịp sắm. Sang nhà tôi chơi, bác thấy thiếu cái gì lại bảo chúng tôi sang nhà bác lấy về để dùng. Nhiều khi thiếu cái gì, bố tôi lại sai chúng tôi sang nhà bác mượn. Dăm bữa nửa tháng, bác Riểu gái lại cho các anh, các chị bên nhà mang sang cho anh em tôi lúc rá lạc, khi rổ khoai. Tình cảm giữa nhà tôi và nhà bác Riểu còn hơn cả anh em bên bố tôi. Động rạng tý gì là hai nhà lại cho gọi nhau san sẻ. Mẹ tôi thì thôi rồi, lúc nào cũng tấm tắc cám ơn trời phật cho nhà tôi khi lên bờ may mắn gặp được người như bác Riểu. Bà thường dặn chúng tôi.

- Một nắm khi đói bằng một gói khi no. Nhà ta lên bờ, chân nâng, khó khăn may mà có bác Riểu giúp đỡ. Các con sau này nhớ ơn mà trả.

Để bù lại, mọi kỹ thuật làm vó, lưới bố tôi nói lại cho bác hết. Có nhiều người đặt hàng, nhà tôi làm không hết. Bố nhận rồi đưa sang cho nhà bác. Thậm chí, bác Riểu đi chợ, tuy không biết cách làm cũng cứ nhận rồi về nhờ bố tôi hướng dẫn hoặc làm giúp. Dần dần tay nghề của bác so với người làng chỉ đứng sau bố tôi. Tuy vậy, bác có khả năng nói giỏi hơn bố tôi nhiều. Có nhiều cái tôi biết. Do nắm kỹ thuật chưa chắc nên khi làm bị sai, chất lượng không tốt, nếu đánh bắt cá sẽ rất kém nhưng khi nghe bác nói khách hàng nào cũng vui vẻ, có nhiều người còn cám ơn vì đã làm tốt hơn yêu cầu.

Một lần sang chơi gặp lúc bác bàn giao hàng. Tiện tay tôi cầm tay lưới lên. Lưới mười, nghĩa là cách mười mắt buộc một phao nhưng bác chỗ buộc năm, nơi buộc bẩy. Làm như vậy khi thả, lưới sẽ buông không đều, cá dễ bị động chạy mất. Mắt lưới khi xuống nước chỗ mở chỗ khép, cá sẽ không bén và độ dài của lưới cũng không đủ kích thước. Khi khách hàng kiểm tra, hỏi. Bác giải thích, làm như thế mới tạo được các độ cao thấp khác nhau của lưới. Khi con cá bị động, chúng lao đi sẽ dễ bị vướng lưới hơn. Tôi không dám nói gì, đem chuyện nói lại với mẹ. Mẹ vừa nghe tôi nói chưa hết câu đã vội lấy tay bịt mồm lại. Ấm ức, tôi hỏi bố. Bố thủng thẳng bảo. Đó là bác Riểu sáng tạo. Mỗi người một tay nghề, một kỹ thuật. Kỹ thuật làm hàng nó vô cùng, không phải ai cũng biết tất cả. Rồi bố dặn. Kỹ thuật của bác Riểu là kỹ thuật mới. Nhìn để biết nhưng đừng làm theo. Nhà ta sống nhờ sông nước bao nhiêu đời rồi. Cứ làm đúng như những gì nhà ta đã làm từ trước tới nay. Xong, bố nói sang chuyện khác. Nghe bố nói thế tôi cũng thôi, tuy trong lòng còn ấm ức thắc mắc. Lằng nhằng hỏi thêm, không chừng ăn cái vả đến méo mặt.

Thời gian sau, chả biết thực hư đến đâu tôi nghe mọi người trong làng thầm thầm thì thì về chuyện bố tôi với bác Riểu gái. Nhìn mặt mẹ, tôi thấy bà rất buồn. Cái dáng tảo tần, te tái sáng sáng chiều chiều chợ búa của bà như còng xuống. Bà đi chợ sớm hơn mọi khi. Gặp người làng bà không còn vồn vã xởi lởi chào hỏi mà có ý tránh mặt. Còn bác Riểu gái, tôi cũng không thấy bác sang nhà tôi chơi như trước. Chỉ có chúng tôi, vẫn vô tư. Khi bắp ngô nướng, lúc củ khoai luộc vẫn tí toét gọi nhau ăn chung. Thậm chí chúng tôi còn rủ nhau cùng chui rào đi ăn trộm ổi nhà ông Vạc hàn nồi trong xóm. Ngày bác Riểu gái sinh Lệ, chúng tôi ngồi ngoài cửa nhà hộ sinh chờ như mẹ tôi đi sinh em vậy. Mấy người trong làng đi qua hỏi vọng vào mấy anh em mày đi đón em à. Chúng tôi cùng đồng thanh vâng to như lệnh vỡ. Mấy ngày bác Riểu gái nằm ở bệnh xá tôi không thấy bác Riểu trai lên thăm. Người lên thường xuyên thăm nom giúp bác là mẹ tôi. Ngày đón bác và em Lệ về nhà. Mẹ tôi một tay bế em Lệ, tay kia dìu bác đi. Bọn tôi đi sau, đứa xách làn, người ôm chăn, kẻ cầm ấm tích giành nhau ầm làng vang tổng. Mẹ và bác Riểu thấy thế đi càng nhanh, chúng tôi phải chạy mới đuổi kịp.

* * *

Chuyện ấy rồi cũng qua đi, nhà tôi và nhà bác Riểu vẫn thân thiết như xưa, như chẳng hề có điều gì xảy ra. Có một buổi tối, tôi thấy bố và bác Riểu ngồi ngoài hè uống nước chè, bàn bạc chuyện gì rất khuya. Ở trong nhà học bài, tôi nghe câu được câu mất. Hình như hai người định mang hàng đi đâu xa lắm, mãi chợ Bờ trên Hoà Bình hay chợ Nghệ ở Sơn Tây thì phải. Tôi nghe bập bõm như trên đó có vỡ đê, lũ lụt. Sau khi bác Riểu về, bố gọi mẹ dậy lục cục sắp xếp hàng cho mãi đến canh ba mới xong. Tôi nghe tiếng mẹ thì thào nói với bố giọng rất lo lắng.

- Ông tính toán cho kỹ, chứ tôi thấy lo lắm. Vốn liếng dồn cả vào đây, có chuyện gì xảy ra, cả nhà phải đi ăn mày mất.

Nghe mẹ nói thế, bố chửi.

- Có câm cái mồm đi không. Mở mồm ra là nói gở. Đúng là cái đồ đàn bà, đái không cao hơn ngọn cỏ. Mình mất thì người ta cũng mất chứ chắc không đấy.

- Thì tôi cũng nhắc xa ông thế - Giọng mẹ nhũn nhường cam chịu - Buôn bán chả biết đâu được. Anh em vì bát cơm manh áo còn mang dao chém nhau. Đằng này...

Nghe mẹ nói thế bố tôi gắt át đi.

- Bà có câm ngay cái mồm đi không. Vừa đéo vừa run. Cút mẹ nó đi cho tôi nhờ. Đằng này, đằng này cái gì.

Sáng sớm, khi mẹ gọi tôi dậy học bài thì bố đã đi rồi. Mẹ ra bậu cửa ngồi, thỉnh thoảng lại thở dài.

Sáng hôm ấy bố đi, ba bốn ngày sau vẫn chưa thấy về. Mẹ ở nhà lo lắng, hết đi ra lại đi vào. Sốt ruột, mẹ sang nhà bác Riểu hỏi thăm mới hay. Chuyến ấy bác Riểu không đi. Bác bảo với mẹ, tối hôm ấy, khi từ nhà tôi về, đến đêm bác bị trúng gió nên phải nằm nhà. Mẹ từ nhà bác Riểu về nước mắt lưng tròng, đi xiêu vẹo như người mất hồn. Cả ngày mẹ không ăn uống gì chỉ nằm trên giường, quay mặt vào tường. Mấy ngày đó không thấy bác Riểu trai sang chơi, chỉ có bác Riểu gái sang một chốc một lát rồi te tái về nét mặt lo lắng, buồn bã.

Bước sang tối ngày thứ bẩy thì bố tôi về. Ông không nói năng một lời, lầm lầm lỳ lỳ đến bên chiếc bàn dốc ngược tích nước tu. Xong ông kéo chiếc điếu bát hút hết điếu này đến điếu khác. Thấy bố tôi về, mẹ te tái chạy xuống bếp sắp cơm. Khi đặt mâm cơm trên bàn mẹ hỏi.

- Mất hết rồi hả ông?

- Phải - Bố đang cầm bát cơm trên tay dằn mạnh xuống mặt bàn - Quân khốn nạn - Ông thề độc - Đời này còn tao thì không còn mày.

Ông rút con dao rựa thường giấu dưới đầu giường, vung tay chém vào cây cột nhà. Mẹ tôi thấy thế vội quỳ xuống, mặt tái xanh, tái xám.

- Tôi xin ông. Đừng làm điều gì để ảnh hưởng đến con đến cái. Thời này khác trước rồi ông có biết không?

Hình như nghe mẹ tôi nói ông càng tức. Bố tôi lấy tay gạt bay cả mâm cơm xuống đất. Ông chỉ tay vào mặt bà.

- Bà mà để lộ ra chuyện này tôi giết.

Mấy ngày đầu, ông cấm cả nhà được qua lại chơi bời quan hệ với nhà bác Riểu. Sau đó, không biết nghĩ thế nào, ông lại nói với chúng tôi, từ nay trở đi phải thường xuyên qua lại thân thiết hơn bên nhà bác Riểu. Đến sau này, khi anh trai tôi nhập ngũ, đêm trước khi đi anh đã nói cho biết. Tối hôm ấy, bác Riểu và bố tôi bàn bạc sẽ dồn hàng mang lên Sơn Tây để bán. Trên đó vừa có lụt nên vó lưới đang rất đắt. Bố tôi y hẹn, dồn toàn bộ vốn liếng hàng có trong nhà mang đi. Khi ông vừa đi đến phố Phủ, cách nhà khoảng bẩy tám cây số thì bị thuế vụ bắt. Ngày đó buôn vó lưới còn bị coi là buôn lậu chứ không như bây giờ, có thể buôn cả xe tăng máy bay vẫn chẳng sao, miễn là có vốn. Trong bẩy ngày ông bị giam giữ để các cơ quan, các nhà chức trách làm rõ mức độ vi phạm, ông luôn nghĩ phải tìm cho ra kẻ giấu mặt. Bằng tất cả những gì của con vật bị dồn vào bước đường cùng, ông cũng tìm được ra người đi báo thuế vụ bắt bố tôi chính là bác Riểu. Sau khi thống nhất với bố tôi, bác Riểu đã chạy sang nhà anh thuế vụ ở xã bên báo hành trình mà hai người đã bàn để tránh các nơi có thuế vụ đón đường. Còn bác Riểu, sáng đó lấy cớ ốm không đi được, ở nhà.

Kể từ ngày bố tôi bị bắt mất hàng, nhà chín anh chị em với hai bố mẹ thành ra tới mười một miệng ăn nên lâm vào tình trạng nghèo túng. Bố tôi ngoài nghề vó lưới ra không biết một tý gì nghề nông. Ngay đến dắt con trâu cũng không biết dắt đằng trước hay dắt đằng sau. Mẹ tôi bảo đi chợ thì được chứ việc làm cỏ, vãi phân, cấy cầy chẳng khác gì người của thế giới khác. Ngay chúng tôi, nếu có ai thích ăn ba ba hay con cá to vài ba cân chỉ cần chờ trên bờ một lát là cũng có thể bắt được, nhưng nếu bảo cầy lấy một rãnh cũng chịu. Cũng chính vì bố mẹ, anh em nhà tôi không biết làm nông nên công điểm bao giờ cũng thấp, chỉ bằng năm phần người khác. Đến mùa, nhà người ta được chia năm sáu tạ thóc còn nhà tôi chỉ được hai ba tạ là cùng.

Không biết làm ruộng, vốn liếng hết, con cái đông nên nhà tôi chẳng mấy chốc rơi vào cảnh phải đi ăn mày. Đã thế, các bạn hàng cũ cũng ngại đến đặt hàng bố tôi vì sợ liên luỵ. Và tiền không có cũng không thể lấy được nguyên liệu. Họ sợ bố tôi mua rồi khi làm xong, bán được hàng nhưng lại phải lo ăn uống cho gia đình, không trả được. Thời gian đó, nhà bác Riểu làm không hết việc, giá công sá bác cũng giảm đi quá nửa nên mọi người đổ xô vào đặt. Cũng có đôi ba lần bác Riểu gái sang nhà bảo bố tôi có làm hàng để bác trai nhường lại cho một ít. Lần nào cũng thế, bố tôi từ chối khéo rồi lấy cớ gì đó bỏ đi không nói chuyện nữa. Có một lần trong bữa ăn, mẹ nói với bố.

- Nhà ta đang khó khăn, bác ấy đã có ý tốt, ông nên nhận về làm. Ông cứ thế này thì tôi cũng không sống được.

Nghe thế, bố tôi bê cả mâm cơm ném luôn ra ngoài sân.

- Nó tốt thế, thích, sang nhà nó mà ở. Cút. Cút ngay.

Thấy thế, chúng tôi im thin thít. Còn mẹ, bà chạy vào trong buồng ngồi khóc. Tính mẹ tôi vẫn thế. Một điều nhịn là chín điều lành, với bà, sự yên ổn trong gia đình là tối thượng.

Mặc dù là người có tay nghề cao nhưng không có vốn nên tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Làm được đến đâu lại đổ hết vào nồi cơm đến đấy. Gạo ăn không đủ, bố bắt chúng tôi hàng ngày phải đi mót khoai, mót lúa. Hết mùa, ông bắt chúng tôi đi đánh dậm, mò cua bắt ốc. Mẹ tôi, ngày ngày ra bãi rau muống, nhặt các thân cây rau già về rửa sạch, chặt nhỏ ra, phơi khô để nấu thay cơm. Thời đó, gạo châu củi quế, có tiền cũng không mua được gạo. Nhà nào khá giả cũng chỉ đủ ăn nên không ai có gạo để bán. Những ngày đó, chúng tôi đói đến vàng cả mắt. Trong cái năm khốn khó đó, chín anh chị em nhà tôi có ba người đã phải chết vì đói. Người chị cả, do đói, đi mò cua bắt ốc, gặp phải lúc mưa, ngâm mình cả ngày dưới nước bị lạnh, chuột rút chết trôi xuống tận cửa bể. Khi tìm thấy xác, hai con mắt bị chim khoét còn độc hai hố. Khuôn mặt bị cá rỉa xơ xước, nhoe nhoét. Chiếc giỏ bên sườn, mấy con cá còn thối bên trong. Người anh thứ hai, đêm trên đường đi xin về nhà, thấy ruộng rau cải bắp xuống nhổ ăn sống. Chẳng may phải ngày người ta phun thuốc sâu. Khi bố mẹ tôi đến nơi, anh còn nằm vắt qua luống rau, miệng đầy lá cải, trên vai vẫn còn khoác chiếc bị, bên trong còn vài bơ thóc, mấy đồng tiền lẻ nhăn nheo và nắm cơm nguội ngấm nước bùn. Trên cổ cả chục con đỉa trâu bụng no máu bám vắt vẻo. Người chị thứ ba, đi mót lúa, trời nắng, ăn sống ăn sít con cua con cá, trúng cảm thương hàn, đưa được về nhà thì tắt thở. Mỗi lần như thế, bố tôi lại lấy con dao rựa chém vào cột nhà một vết gần kề ngay chỗ chém lần trước.

Vì nhà nghèo nên các anh chị tôi đều phải nghỉ học. Riêng tôi, ông không cho. Ông bảo.

- Cả nhà phải nuôi cho nó học. Nếu có chết đói hết cũng phải để cho nó sống.

Trong thời gian nhà tôi khổ nhất thì bác Riểu đứng lên thành lập và được bầu làm chủ nhịêm hợp tác xã gai vó. Nhà bác có vốn, khách hàng đông lại là người có tay nghề nên kinh tế nhà bác khá giả nhất xã. Các anh các chị nhà bác ai cũng được đi học, quần áo đẹp, đến trường đứa nào cũng phải ghen tỵ. Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng sang chơi nhưng vì bố tôi dặn nên khi gặp các công việc khó chúng tôi cũng nói đổ không biết. Tất nhiên, thấy bác nói, hỏi nhiều quá, thỉnh thoảng tôi giấu bố nói cho bác biết. Sau mỗi lần như thế, bác trai thường bảo bác gái lấy cho tôi bát cơm với mấy miếng thịt to hự.

Một năm sau chuyện trên xảy ra, bố tôi quyết định bán nhà. Ngôi nhà năm gian mái ngói với mười hai cái cột lim to cả người ôm bán đi nhưng ông không đưa cho mẹ tôi một đồng. Ông dồn tất cả vào mua hàng dựng lại nghề. Ông chỉ bỏ ra một ít mua mảnh đất ngoài bãi dựng lều cho cả nhà ở. Ông vẫn bắt cả nhà phải ăn ngô, khoai và thân rau muống già như trước. Ngôi nhà này sau đó năm sáu năm, khi nhà tôi đã trở lại bình thường, ăn nên làm ra ông đã mua lại. Và đến bây giờ nó là nơi thờ tự của gia đình.

Bán nhà có vốn, mua được nguyên liệu, bằng tay nghề của ông, khách hàng dần dần quay lại. Tuy khách hàng đông nhưng ông không lấy lãi, thậm chí cả tiền công. Suốt ba năm trời như thế, ông để cả nhà phải lặn ngòi ngoi nước kiếm sống, mặc mẹ tôi lo, tuyệt nhiên không nói một câu. Vì khách hàng dồn về cả nhà tôi nên hợp tác xã do bác Riểu làm chủ nhiệm dần dần thua lỗ phải giải tán. Bác Riểu lúc này lại phải đi chợ bán hàng như trước đây.

Người làng không hiểu vì sao, khi bác Riểu không còn làm chủ nhiệm nữa thì nhà bác xảy ra lắm chuyện như thế. Anh con trai bác đi học tối ở trường cấp ba về, khi qua bãi tha ma lao xe xuống hố gãy cả chân, gục cả khung. Bác cho đi chữa chạy nhưng chân vẫn cà nhắc, thậm thụt, bước ngắn bước dài, chấm phẩy. Mỗi khi đi lại như kẻ đánh vật. Con trâu hợp tác xã giao chăn chung với bác Nha. Đến phiên nhà bác, đêm lăn ra chết. Bác phải bỏ tiền ra mua đền cho hợp tác xã. Đàn gà cũng thế, đang yên đang lành, sáng rời cửa chuồng, cứ ộc nước miệng rồi rũ ra chết. Ao cá nhà bác, sau một đêm phơi bụng trắng mặt nước. Ruộng ngô ngoài đồng đang trỗ cờ bỗng dưng chết héo do bị nhổ gốc. Con lợn nái trong chuồng sắp đến ngày đẻ cũng chẳng hiểu sao bỏ ăn lăn ra ốm phải giết vội. Mỗi lần như thế, bố tôi bắt mẹ sang hỏi thăm rất tử tế. Có lần ông còn đưa tiền cho mẹ mang sang giúp. Mọi việc giữa hai nhà ông để cho mẹ và chúng tôi qua lại, còn ông tịnh không một lần sang thăm.

Vào một tối, tôi thấy bác Riểu gái sang nhà. Mẹ tôi lấy cớ có việc chạy sang hàng xóm để mặc bố tôi ngồi tiếp chuyện. Hai người ngồi lâu lắm tôi mới thấy bác Riểu gái vừa nói vừa khóc.

- Tôi xin ông tha cho nhà tôi. Tất cả do ông ấy tham mà thế. Tôi cắn rơm cắn cỏ xin hai ông bà và các cháu tha cho - Bác Riểu gái quỳ xuống, chắp hai tay lên đầu lậy - Tôi lậy ông. Ông không thương ông ấy thì thương cho tôi vậy. Ông ơi. Tôi khổ vì các ông lắm rồi. Các ông còn định hành hạ tôi cho đến bao giờ mới thôi.

Bố tôi vẫn ngồi bình thản uống nước. Khi bác Riểu gái quỳ xuống đất, ông đỡ lên, nói rất nhẹ nhàng thư thả. - Sao bà lại nói thế. Tôi có làm gì đâu mà bà bảo tha với không tha. Bà đừng buộc cho tôi như thế phải tội chết. Nhà tôi khổ là do tôi chứ đâu có do ông ấy. Nhà tôi còn nợ nhà bà ngày đầu lên bờ nhiều lắm mà chưa biết trả thế nào đấy.

Tôi thấy bác Riểu gái quỳ xuống mấy lần nhưng bố tôi trước sau cũng chỉ nói tưng ấy câu. Rồi như thể có việc phải làm, ông sai tôi đi gọi mẹ về. Khi mẹ tôi về, tôi thấy ông đang cắt lưới giáp vó. Ánh đèn chai đưa qua đưa lại, bóng ông lẫn vào trong mắt lưới như cá mắc.

Tối ấy, khi tôi đang ôn thi cuối cấp hai thấy bố nhét tiền vào bị rồi khoác vai đi đâu đến sáng mới về. Ba ngày sau, trên đường từ trường về nhà, qua ngõ nhà bác Riểu thấy có cờ tam tài cắm dọc ngõ, bộ linh xa hay dùng để đưa người chết đã được bầy, cạnh đấy là cỗ quan tài có hai khung thép đóng đai ở hai đầu. Tôi nghe mấy bác ngồi hút thuốc lào cạnh cỗ linh xa kháo nhau. Bác Riểu đi chợ bán vó ở trên mạn Lào Cai, Yên Bái. Khi về, giữa đường gặp cướp. Chúng không chỉ lấy hết tiền bạc mà còn đẩy bác rơi xuống vực. May có mấy người công nhân lâm trường phát hiện, báo công an, tìm được nhà để đưa về, chứ nếu không mất xác. Tôi chạy về nói với bố. Ông nghe xong, vứt tay lưới đang kẹp chì giở, xuổi xuổi tay bên mông rồi vào hút thuốc lào. Một lúc sau, ông gọi cả nhà lại bảo bỏ hết các việc sang nhà bác lo đám. Mặc dù sang giúp nhưng những điều ngày anh trai vào Nam nói, tôi còn nhớ. Lâu nay tôi vẫn muốn làm một cái gì đó cho bõ tức nhưng chịu. Các anh, chị nhà bác Riểu đều lớn hơn tôi. May chăng tôi chỉ có thể bắt nạt được Lệ mà thôi. Đi theo trong đoàn đám ma nhưng bụng tôi rất mừng. Đợi cho mọi người đắp mộ xong ra về. Đi đến nửa đường, tôi quay lại, vạch quần đái một vòng xung quanh ngôi mộ. Lúc quay ra, nhìn thấy bát hương đang cháy, tôi trèo lên, cố rặn, đái luôn vào đấy.

* * *

Ba năm sau, khi sang cát cho bác Riểu trai xong thì bác Riểu gái đưa cả nhà đi đâu không rõ. Khi mẹ tôi hay tin chạy sang thì ba gian nhà trống huơ trống hoác. Còn nhà tôi, do những năm tháng khổ cực mà tất cả anh chị em phải ly tán mỗi người một phương. Chẳng biết có phải nghèo khổ quá không mà lớn lên đến đâu là người nào người đó lại tìm đường đi hết. Đã mấy chục năm rồi nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm lại được. Năm đó tôi đang học cấp ba. Nhà mười mấy con người mà bây giờ chỉ còn tôi và hai bố mẹ.

Tốt nghiệp cấp ba tôi vào bộ đội. Hết hạn nghĩa vụ quân sự tôi xin trở về quê chứ không chuyển ngành như nhiều người khác. Ngày còn sống, bố tôi thường bảo.

- Ở đời, không có tiền có nói rằng thư­ơng cũng chỉ là thứ nói hão, trò đãi bôi. Có tiền xa mấy cũng gần.

Có nhiều lần thấy tôi không chịu học, mải chơi. Ông chỉ tay vào mặt đay nghiến.

- Tao bảo mày không nghe, rồi ra đời loại như­ mày chỉ có đi hót cứt.

Cũng chính vì ông chửi tôi thế nên sau mấy năm quân ngũ tôi quyết chí làm giàu. Có chí làm quan, có gan làm giàu. Muốn giàu, ở đời, phi thư­ơng bất phú. Thế là tôi đi buôn, mọi thông tin về cái làng một mét vuông có bốn thằng ăn cắp gần như là không biết. Đây cũng là thời gian mà tôi không nghĩ đến chuyện xảy ra giữa nhà tôi và nhà bác Riểu. Ngày bố tôi ốm tôi cũng không ở làng. Lúc đó tôi đang phải giải quyết mấy lô hàng nằm tắc ở cửa khẩu. Khi tôi về đến nhà thì bố tôi đã cấm khẩu. Nghe mẹ bảo tôi về, ông he hé mắt nhìn rồi giơ hai tay lên như cố níu lấy cái gì đấy trước mặt. Hình như ông muốn nói với tôi điều gì đấy nhưng không nói được. Mấy người hàng xóm thấy thế bảo ông bắt chuồn chuồn rồi. Tôi lại nghĩ, ông nhắc đến lời anh trai dặn. Đến đêm thì ông đi.

* * *

Tôi chạy xe về đến nhà trời đã chiều. Trước khi về nhà, tôi không quên tạt vào chợ mua hoa quả và các đồ lễ để thắp trên bàn thờ bố tôi và các anh các chị. Trong ảnh, bố tôi trông khắc khổ và rất buồn. Các anh các chị, nhìn mặt người nào cũng như đang mếu. Chắp hai tay trước ngực tôi khấn thầm với mọi người về việc đã làm. Mẹ tôi đứng kế bên, hai tay vịn vào cái cột còn hằn bốn vết chém của bố tôi ngày nào. Đợi cho tôi khấn xong, buông hai tay xuống, mẹ tôi hỏi.

- Con đã tìm được em Lệ rồi à?

Nghe mẹ hỏi, tôi ngạc nhiên. Tại sao lại là em. Hay là mẹ tuổi cao, quên những gì mà nhà tôi phải chịu bao năm trước rồi.

- Vâng. Con đã gặp Lệ.

- Con có làm gì hại đến em nó không? Giọng mẹ run run.

Tôi cầm tay mẹ dắt đến chiếc ghế, đỡ bà ngồi xuống. Thì ra, lâu nay mẹ tôi vẫn ngong ngóng có ý tìm lại gia đình bác Riểu. Mẹ tôi không biết, sau khi sang cát cho bác Riểu trai xong, bác gái đã đưa cả nhà lên Tây Bắc. Các anh chị nhà bác lớn lên, bác cũng bắt mỗi người một nơi, không được ở quây quần một chỗ. Lệ bảo cũng không hiểu vì sao bác lại như thế. Bác Riểu gái cũng đã mất cách nay mấy năm khi Lệ đang đi học đại học. Tất nhiên chuyện này, khi gặp lại, Lệ đã kể cho tôi nghe.

Đêm ấy, phải khuya lắm rồi, khi tôi đang ngủ thì mẹ gọi tôi dậy. Bà bảo ra ngồi cạnh bàn để bà có chuyện muốn nói. Tôi có cảm giác bà phải cố gắng lắm mới nói được.

Sau khi bố tôi đưa cả nhà lên bờ, bỏ nghề chài lưới, bỏ kiếp sống lênh đênh tự do nay đây mai đó là vì chúng tôi. Ông muốn con cái được ăn học tử tế, không phải khổ như đời ông. Cả nhà mười mấy người chỉ có mình ông được cho đi học, mà cũng chỉ biết đọc biết viết thì thôi. Những năm đó cũng là thời kỳ cả nước cuốn vào phong trào ba ngọn cờ hồng, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng. Bố tôi cũng bị cuốn vào đó. Bố tôi chọn làng làm gai vó là ông muốn cả nhà vẫn có thể làm được nghề cha ông để lại.

Những ngày gia đình chuyển lên bờ, vì không biết nghề nông nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mang tiếng là làng nghề nhưng chủ yếu là buôn bán kiểu nước bọt chứ tay nghề không cao. Khi thấy bố tôi là người nơi khác đến ở, có tay nghề giỏi, hút hết khách hàng nên người làng không mấy ai thích. May có bác Riểu, thấy gia đình tôi như thế nên đã ra tay giúp đỡ. Mối quan hệ giữa nhà tôi và nhà bác Riểu rất thân thiết. Thế rồi, chả biết ma xui quỷ ám thế nào, bố tôi và bác Riểu gái lại phải lòng nhau. Chuyện vỡ lở, bác Riểu giận lắm, nghĩ bố tôi là kẻ lấy oán báo ân nên đã lập mưu để bố tôi bị bắt hết hàng, làm cho nhà tôi lâm vào đói nghèo khổ cực đến nỗi đi ăn mày, các anh các chị tôi mấy người phải chết. Cả giận mất khôn, bố tôi nghĩ bác Riểu là kẻ vô ơn, học xong nghề quay ra phản thầy nên đã quyết chí trả thù. Ông thuê người triệt hạ kinh tế nhà bác. Khi có tiền trong tay, bố tôi làm lại nghề và suốt ba bốn năm ông làm không công, thậm chí lấn cả vào vốn của nhà để cho bác Riểu phải mất chức chủ nhiệm, thua lỗ, giải tán hợp tác xã gai vó phải đi lên bán hàng trên Lào Cai, Yên Bái, bị cướp hết tiền rồi đẩy xuống vực. Sau khi đoạn tang bác Riểu trai, bác gái sợ con cái liên luỵ nên đã đưa cả nhà đi trốn. Lệ chính là đứa em cùng cha khác mẹ của tôi, là nguyên nhân của lòng thù hận mà suốt bao nhiêu năm qua tôi âm ỉ nuôi giấu.

Kể xong, mẹ tôi bảo.

- Con ạ. Sống mà lòng người hẹp hòi, chỉ nghĩ đến hận thù thì không là con người được đâu.

Phải vất vả và tốn kém lắm tôi mới tìm lại được Lệ. Vì bị cú xốc quá lớn nên Lệ đã phát bệnh thần kinh, cứ nhìn thấy người là sợ. Khi anh bạn điện báo cho biết đã tìm thấy. Tôi vội vàng lên. Lệ đang ở trong một cái hang rắn. Nhìn thấy tôi vào, Lệ chạy, xô đầu vào vách hang, ngã tưởng chết. Tôi đưa Lệ về thành phố chữa chạy nhưng xem ra bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng ngày có nguy cơ nặng thêm. Trước đây, hai nhà gần hai chục con người. Đến bây giờ, quay đi ngoảnh lại chỉ còn được hai người. Một người thì điên, một kẻ thì dại. Tôi giật mình, nhớ lời mẹ tôi nói. Ừ nhỉ. Những năm qua tôi đã sống có phải là con người không. Tôi cũng không biết nữa.

* * *

Một lần rủ tôi đi uống cà phê, anh bạn thời lính biên giới đã kể cho nghe chuyện này. Cầm ly cà phê nâng lên rồi đặt xuống, anh nhìn xoáy vào chỗ nước nhờ nhờ đen trong cốc. Trên trán, những nếp nhăn hằn sâu như những vết chém. Đôi mắt tê dại. Tôi xoay người nhìn về đường chân trời. Chiều vỡ vụn ra từng mảnh. Tôi định chỉ nghe để biết chứ không muốn viết. Nhưng rồi anh bạn, người đã kể cho nghe câu chuyện của chính đời mình bảo tôi.

- Ông viết được thì cứ viết ra. Dẫu chẳng lấy gì làm vui nhưng cũng là chuyện để cho mọi người biết thêm mà chiêm nghiệm. Buồn vui cũng một đời người.

Thỉnh thoảng gặp, anh hỏi tôi đã viết xong chưa. Nấn ná mãi rồi tôi cũng quyết định viết. Thôi thì cũng xin góp với đời chuyện của người vậy. Và câu chuyện này vì thế mới có trên tay bạn đọc. Hay dở, đau đớn, buồn tủi tuỳ bạn đọc phán xét. Thời gian mà anh bạn tôi đã sống, có phải là người hay không, tôi cũng nhờ bạn đọc nói giùm./.

PHẠM THANH KHƯƠNG

© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Việt Văn Mới- Newvietart .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC