TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Tên thật : Trần Thị Thu Vân .
. Chào đời tại Huế, lớn lên tại Sài Gòn.
. Trước 1975 sinh sống tại Đà Lạt.
. Hiện đang ở San José, Californie, USA.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN

. Nước Chảy Qua Cầu (Bút Ký)
. Gã Cùi và Miếng Dừa Non (tập truyện)
. Một Truyên Dài Không Có Tên (I, II - tâm bút)
. Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau (I, II -tự truyện)
. Tài Hoa Mệnh Bạc (I, II, III, biên khảo tiểu sử danh nhân)
. Trần Sa (tự truyện)
. Tài Hoa và Cô Đơn Như Một Định Mênh (tuyển tập tâm bút)
. Con Tằm Đến Thác Vẫn Còn Vương Tơ (tuyển tập tâm bút)
. Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga (I, II, tuyển tập tâm bút)
. River of Time (bản Anh ngữ của Nước Chảy Qua Cầu, Trần Thy Hà chuyển dịch)














Tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ






(Trích "NƯỚC CHẢY QUA CẦU" )


Nếu còn đi hoài, biết đi về đâu?





"Bút ký NCQC của Trần Thị Bông Giấy đã từng được một NXB tên tuổi ở Tp Hồ Chí Minh đề nghị mua bản quyền in ấn. Dù sự việc không thành nhưng tác giả vẫn giữ nguyên bản đã được NXB này lược duyệt khi cho phép ban biên tập đăng tải trên Newvietart."




TỰA

Từ những ngày tháng mà cuốn bút ký Nước Chảy Qua Cầu chưa có tên gọi và còn là bao mẩu tâm sự, bao suy nghĩ, cảm xúc trùng trùng của kỷ niệm được ghi nhận lại bởi từng mảng thời gian bềnh bồng trôi giạt, tôi đã đắm chìm trong một không khí huyền hoặc, mê say và cảm động qua lời kể của Trần Thị Bông Giấy về đoạn đời năm năm phiêu bạt của nàng trong tư thế một nghệ sĩ vĩ cầm của một đoàn Cải Lương lưu diễn đó đây trên khắp quê hương, từ sau tháng 11/1975.

Tất cả những điều được kể hoàn toàn là chuyện thật, tại sao lại tạo ra được cái không khí huyền hoặc mê đắm đó? Đất nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh dài, tình trạng hỗn mang dâu biển bủa lên mọi cảnh đời. Nhưng trong mắt nhìn từ một tâm hồn mong manh mà hùng tráng của người nghệ sĩ, và xuyên qua những hỗn mang dâu biển đó, Trần Thị Bông Giấy đã nhận ra một thứ hạnh phúc thật kỳ dị: “Ly cà-phê sáng ở một thị xã buồn tênh xa lạ như là một miền cuối cùng của trái đất. Những bữa rượu nửa đêm về sáng sau giờ trình diễn với các người bạn nhạc sĩ khác trong đoàn. Bà cụ già bất hạnh bê từng hũ rượu đi bán dạo. Phiên chợ âm hồn bắt đầu họp vào lúc nửa đêm nơi một làng quê Việt Nam. Người bạn cũ gặp lại trong một thị trấn buồn tênh xa lạ. Người đàn ông ngồi uống rượu một mình trong không gian mờ ảo của chiếc quán khuya, bối cảnh thời đại như nhuộm lên thân hình ông sự cô đơn khốc liệt của một kiếm khách trên đường gió bụi...”

Mỗi mẩu chuyện là một viên ngọc đối với Trần Thị Bông Giấy. Gom tất cả những viên ngọc đó lại, Trần Thị Bông Giấy làm thành xâu chuỗi ngọc khác thường cho chính mình. Bởi đó, khởi đi từ những tâm sự được kể, những kỷ niệm nuối tiếc được nâng niu, tôi đã đề nghị Trần Thị Bông Giấy viết lại thành một quyển sách, một quyển bút ký. Biết đâu lại chẳng có người cũng muốn được chia xẻ với tác giả những hình ảnh, những mẩu chuyện tuy rằng đã có sẵn, luôn hằng hằng rải rác trên khắp cùng sông nước Việt Nam, nhưng cho dù đã sinh ra và lớn lên ngay trên quê hương mình, chắc hẳn trong chúng ta mấy ai đã được nghe, được thấy? Nhất là nghe, thấy từ vị trí một người nghệ sĩ phiêu bạt từ sau cuộc biến động lớn của quê hương?

Thời gian trôi đi. Đời người trôi theo dòng thời gian để mà lạc loài đến những không gian cũng biến động trong từng giây từng phút. Tương quan giữa con người với con người, giữa con người với thời gian và không gian thật là chặt chẽ. Đó là sự cùng trôi đi và mất tăm. Như nước chảy qua cầu. Tôi nghĩ, viết quyển bút ký này, Trần Thị Bông Giấy trước hết muốn giữ cho chính nàng, muốn làm không gian và thời gian ngưng đọng lại, để trong không gian và thời gian đó vẫn còn nguyên những người, những cảnh, những chuyện của kỷ niệm hiện tại và của cả một đời. Vì thế, văn chương không phải là mục tiêu khởi đầu của Nước Chảy Qua Cầu, của Trần Thị Bông Giấy. Văn chương chỉ tự nó thành tựu ở lúc tâm sự, kỷ niệm được tác giả viết xuống thành chữ, thành câu, sau khi đã là những chuyện kể. Những chuyện kể bềnh bồng trôi giạt...

Trần Nghi Hoàng

4 giờ sáng ngày 12 tháng 8 năm 1989

INTRODUCTION

The United States has gone through many stages in its attempt to come to terms with the legacy of the Việt-Nam War. In the immediate aftermath of the war, there was disbelief, anger, fingerpointing and grief. Then, for a while, there was silence. The pain of confrontation was repressed, delayed --but it could not be eliminated.

In order for healing to take place, we had to begin the processes of both individual soul-searching and a collective national conversation on Việt-Nam.

First in a trickle, then a torrent, writers and filmakers began to struggle with the issue of the war. Particularly through the medium of film, the issue was once again raised in public consciousness. The silence was replaced by dark, often wrenching films, The Deer Hunter, Coming Home, Platoon, Full Metal Jacket, each in their own way trying to struggle with the meaning of the war and its aftermath. For the most part, however, the pens and the cameras have belonged to Americans. We have never really heard the stories, the poems, and the cries of the Vietnamese people. As great a physical and psychic toll as the war took on the United States, the suffering of the Vietnamese was immeasurably greater. Its land, the precious earth from which the Vietnamese draw food and strength, is still pock-marked with craters, filled with mines and slowly recovering from the assault of poisons. Over a million people, many of them noncombatants, were killed. Prosthetic limbs are a common sight. And yet we have not really heard the people of Việt-Nam speak.

There is still another problem. To most Americans, "Việt-Nam" means "The Việt-Nam War". Because Việt-Nam has always been an object to us, a painful part of our story, its relevance is usually seen in terms of the twenty years of violence and mutual distrust that marked the relationship from the 1950's to the 1970's.

However, even if we see Việt-Nam simply in terms of war, we must realize that the Việt-Nam war was a war that extends back to the 50 years struggle with the French that began in the mid-19th century, and still further back to Việt-Nam's ongoing attempt to preserve its own identify in the face of a Chinese influence that was, by turns, philosophical, political, cultural and often military. In the words of one scholar, it has been a "2,000 year struggle".

Although war has had an enormous impact on Việt-Nam, Việt-Nam is much more than a battleground, a fact that many Americans are only beginning to discover. It is a country with a history of its own, a culture that has produced beautiful poetry and literature, and as we learn from the author, a musician able to bring notes to life through written words, rich traditions of music and opera.

Việt-Nam is also land, rice paddies and bustling cities, farmland and villages. And most of all, it is its people. People who are both in Việt-Nam rebuilding their country and their lives; and people who are scattered across the globe feeling, in varying degrees, either like citizens of new lands or an exiled people still waiting to return home. In order to understand, we must begin listening to their voices. Trần Thị Bông-Giấy's is a beautiful voice with which to begin this journey. Her perspective is shaped by time spent in three places, three cultures intertwined in a tragic story, now struggling to find reconciliation, Việt-Nam, France and the United States. Trần Thị Bông Giấy is an author who doesn't spend much time on explicit political statements, diatribes, arguments or theory. She is very much a writer of the particular and concrete, not the general and abstract.

Here is an intimate journal of meals shared and concerts remembered, of conversations, images, personal encounters --open this journal and both Việt-Nam and France come to you in all of their sights, sounds, textures and smells. She brings to us numerous people whose lives have been shaped, in many different ways, by the conflict. We see connections being made across cultural boundaries just as we see the divisions that still exist within them --Vietnamese, like Americans, still split passionately over the war. Her diary is filled with stories and characters that stay with the reader long after the book is put away.

The author's experience of Việt-Nam is particularly revealing, for she is describing the world she was away from for years and then returned to. There is an extra vividness that comes out of seeing one's old home with new eyes --it makes the experience both richer and more painful. But there are really two journals here --for she not only shows us Việt-Nam through the eyes of one who has returned, she also gives to us the experience of a Vietnamese making a life in Europe.

The author's personality shines through in the book. She is a fiercely proud and deeply sensitive woman; she is a person of tradition facing a world of change and uncertainty. Above all, she is an artist, and her words can be so lyrical that the line between prose and poetry begins to disappear.

In conversation, as in music, it is often the quiet but strong voice that holds one's attention. Trần Thị Bông Giấy's is such a voice. Slowly, through a moving story or memorable character here, a reflection on a poem or thoughts about an opera there, the motifs are woven; the piece comes together as a whole. The effect builds up as you keep reading, until you feel you have come to know this person and her country better.

True understanding can never occur between a subject and an object. It only emerges between two subjects. In order to understand the Vietnamese people, people whose lives are intertwined with ours, we must not simply talk about them --we must genuinely listen to them. We are very fortunate, then, that Trần Thị Bông Giấy's book has been translated into English-- and that the translation was done with such skill and sensitivity by her brightest former piano student, a twenty-year-old who is so close to her –Trần Thy Hà.

The book teaches us again an important lesson about literature --that while it is always about the unique and particular, it also speaks universally to all human beings; for in the voice of another, we hear back, in a new and powerful way, our own speaking about loss, struggle, and hope.

MARK BERKSON

PhD., University of San Francisco

SF. May 1998

LỜI GIỚI THIỆU
(TTBG chuyển ngữ)


Nước Mỹ trải qua nhiều giai đoạn trong sự cố gắng đặt để một thỏa thuận liên quan tới cuộc chiến Việt Nam. Trong cái hậu quả tức thời của chiến tranh, đã xảy ra rất nhiều những nỗi hoài nghi, giận dữ, đổ thừa và đau khổ. Sau đó, trong một lúc, là sự yên lặng. Nỗi đau đớn chạm trán được kềm nén, chậm hoãn -nhưng không phải là loại bỏ.

Để hàn gắn những mất mát thua thiệt tạo ra từ sau cuộc chiến, chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu về cả hai phía tâm hồn cá nhân và những đàm luận chung trên vấn đề VN.

Thoạt tiên, với một tia nhỏ, và rồi cả một dòng nước lũ, những nhà văn và những đạo diễn khởi sự vùng vẫy với đề tài chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, qua môi trường phim ảnh, cái đề mục này lần nữa dậy lên trong ý thức hiểu biết quần chúng Mỹ. Sự im lặng được thế chỗ bằng những cuốn phim bi quan, đen tối, thường xuyên bóp méo sự thật (như The Deer Hunter; Coming Home, Platoon, Full Metal Jacket...) theo một đường lối riêng để cố gắng trình bày về chiến tranh Việt Nam và cái hậu quả của nó. Tuy nhiên phần lớn, những cây bút và phim ảnh đều thuộc về phía người Mỹ. Chúng ta chưa bao giờ thực sự được nghe những mẩu chuyện, những bản văn và tiếng kêu gào của người Việt Nam. Mọi thống khổ về thể chất và tâm lý do chiến tranh gây ra cho nước Mỹ thật sự đã không thể so sánh với những thống khổ mà người dân Việt Nam đã phải nhận chịu. Xứ sở của họ, vùng đất yêu dấu mà họ đã rút ra thực phẩm và sức mạnh thì vẫn còn bị rỗ hoa với các hố bom đại bác, những mìn đạn; và đang chậm chạp phục hồi từ sau các cuộc tấn công của chất độc.

Hơn một triệu người Việt Nam --trong số có rất nhiều người không từng tham gia quân đội-- bị giết. Những tay chân nhân tạo được lắp ráp là một cảnh tượng rất thường. Dù thế, chúng ta chưa từng thực sự được nghe tiếng nói của người Việt Nam về những điều như thế. Hơn nữa, lại còn có một vấn đề khác. Với đa số người Mỹ, “Việt Nam” có nghĩa là “Chiến Tranh Việt Nam”, bởi vì Việt Nam luôn luôn là một đối thể của chúng ta, một phần đau khổ của lịch sử nước Mỹ, biểu tượng bằng hai mươi năm chiến tranh dữ dội và sự ngờ vực lẫn nhau, xảy ra từ thập niên 50 tới thập niên 70.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản nhìn về Việt Nam qua hai chữ chiến tranh thì chúng ta phải nhận thực rằng cuộc chiến ấy đã kéo dài từ trước trong suốt 50 năm chiến đấu với người Pháp vào giữa thế kỷ 19, và còn lùi xa hơn trên những cố gắng duy trì các đặc tính riêng của nó trong sự đương đầu với ảnh hưởng Trung Hoa lần lượt trên đủ mọi mặt triết lý, chính trị, văn hóa và thường xuyên là quân đội. Theo lối nói của một học giả thì đó là một “cuộc chiến dài hai ngàn năm.”

Dù rằng chiến tranh đã gây nên một ảnh hưởng rất lớn trên Việt Nam thì đó không chỉ là một bãi chiến trường thôi mà còn là một nơi chốn lôi cuốn sự khám phá của rất nhiều người Mỹ. Một xứ sở với một lịch sử, một nền văn hóa riêng đã sản xuất ra những vần thi ca, những áng văn chương đẹp và những truyền thống phong phú về âm nhạc, kịch nghệ; điều mà chúng ta đã biết từ tác giả, một nhạc sĩ có khả năng mang những note nhạc vào đời sống qua ngã văn chương. Việt Nam cũng còn là một vùng đất với những ruộng lúa, những thành phố náo nhiệt, các nông trại và các làng xóm. Nhưng hơn hết, là con người Việt Nam. Những con người ở cả hai phía đang xây dựng lại quê hương và đời sống họ ngay trên xứ sở, và những con người tản mác ra trên toàn thế giới ở nhiều mức độ khác nhau, sống, như những công dân của vùng đất mới hoặc như những kẻ bị lưu đầy đang chờ đợi ngày trở lại quê hương. Để hiểu họ, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói họ. Tiếng nói Trần Thị Bông Giấy là một tiếng nói đẹp biểu tượng qua cuốn bút ký này. Cái nhìn của tác giả được gọt bén bởi thời gian trải qua trên ba vùng đất -Việt Nam, Pháp và Mỹ-; ba nền văn hóa cuộn lẫn vào nhau, bây giờ đang tranh đấu để kiếm tìm một sự hòa hợp, qua một tác phẩm xúc động.

Trần Thị Bông Giấy đã không phí nhiều thì giờ trên những vấn đề về chính trị, những lời công kích dữ dội, những bàn cãi hay lý thuyết; mà chính là một nhà văn của sự thực tiễn và rất đặc thù, chứ không là của sự trừu tượng mơ hồ và đại thể.

Đây là một cuốn nhật ký thân mật nói về các bữa ăn được chia xẻ với nhau, những ký ức gợi lại theo các cuộc trình diễn, các mẩu chuyện trao đổi, các hình ảnh và các cuộc gặp gỡ cá nhân –mở cuốn bút ký này ra, cả hai vùng trời Việt Nam và Pháp cùng hiện ra trước mắt bạn với tất cả mọi cảnh tượng, những âm thanh, những xếp đặt và mùi vị của chúng. Tác giả đã mang đến cho chúng ta hàng loạt con người mà đời sống họ đã được va chạm và hình thành trong nhiều đường lối. Chúng ta nhìn thấy những liên hệ được cấu tạo suốt qua các ranh giới văn hóa, như thể nhìn thấy những phần đoạn còn tồn tại bên trong con người họ –người Việt Nam, cũng như người Mỹ, vẫn bị phân hóa một cách sôi nổi theo đề tài chiến tranh. Dầu vậy, cuốn bút ký Nước Chảy Qua Cầu với đầy những câu chuyện và các nhân vật sẽ lưu lại lâu trong lòng độc giả sau khi cuốn sách đã được gấp.

Những hiểu biết của TTBG về Việt Nam thì rất đặc sắc bởi vì tác giả đã trình bày một nơi chốn đã lìa bỏ nhiều năm rồi mới trở lại với nó. Có một sự sống động cực độ của một con người trong cái nhìn mới về một quê hương cũ-- điều vừa tạo thành cho tác giả một sự hiểu biết phong phú, đồng thời cũng là nỗi đau thương càng mạnh mẽ hơn. Ở đây, thực sự là có hai cuốn bút ký –bởi vì tác giả không chỉ phơi bày một nước Việt Nam qua đôi mắt của một kẻ đang trở về chốn cũ, lại còn cho chúng ta những hiểu biết về một công dân Việt Nam đang chấp hành một cuộc sống mới ở Âu Châu.

Cá chất nhà văn sáng tỏ suốt qua tác phẩm. Tác giả là một người cực kỳ kiêu hãnh và rất nhậy cảm. Một phụ nữ Việt Nam truyền thống đối diện với một thế giới đang thay đổi và không chắc chắn. Trên tất cả, Trần Thị Bông Giấy là một nghệ sĩ, và chữ nghĩa được dùng trữ tình đến độ những hàng viết giữa văn chương và thi ca biến mất cả đi.

Sự đối thoại trong văn chương –cũng giống như trong âm nhạc- đã thường xuyên có ẩn chứa một tiếng nói câm lặng nhưng rất mạnh mẽ, nắm bắt sự chú ý của độc giả. Tiếng nói của Trần Thị Bông Giấy đúng là tiếng nói như thế.

Dần dà, chỗ này là một câu chuyện cảm động hay một gợi nhớ về một nhân vật, chỗ kia là sự trầm ngâm suy nghĩ theo một bài thơ hay một buổi trình diễn nhạc kịch..., những chủ đề cứ thế đan thắt vào nhau, những mảnh đoạn cứ vậy kết hợp với nhau thành là một. Cái hiệu quả này cứ dâng lên mãi khiến bạn không thể ngừng đọc cho đến khi hiểu được rõ ràng về tác giả và xứ sở Việt Nam.

Sự thấm hiểu không bao giờ có thể xảy ra giữa một đối thể với một chủ thể, mà chỉ là giữa hai chủ thể. Để hiểu thực sự về người Việt Nam, những con người mà cuộc sống của họ đã từng cuộn quấn vào với chúng ta, chúng ta không thể chỉ trình bày đơn giản về họ, mà còn phải nghiêm trang lắng tai nghe họ. Với điều này, chúng ta đã rất may mắn bởi vì tác phẩm đã được dịch sang Anh ngữ một cách khéo léo và đầy xúc cảm bởi người học trò dương cầm sáng giá nhất của tác giả, một thiếu nữ 20 tuổi rất gần gũi với tác giả -Trần Thị Như Hà.

Tác phẩm đã dạy cho người Mỹ chúng ta một bài học quan trọng lần nữa về văn chương –cái điều không phải chỉ nói về sự đặc thù hay cá biệt thôi, mà còn trình bày rộng rãi ra với tất cả mọi người-- bởi vì từ tiếng nói kẻ khác, chúng ta có thể nghe lại được, bằng một đường lối mới hữu hiệu hơn, tiếng nói của chính chúng ta về sự thua thiệt, đấu tranh và niềm hy vọng.

MARK BERKSON

Tiến sĩ, Ðại học San Francisco.

San Francisco, May 1998.



BÀI 6

PHẦN THỨ VII


Paris. Đêm Ba Mươi Tết âm lịch.

12 giờ khuya từ quán café làm việc trở về, đã vào giường rồi mà tôi còn nghe tiếng bấm chuông gọi cửa. Vài người bạn quen ở Paris tìm đến chúc mừng năm mới. “Đêm Ba Mươi nơi xứ người mà nằm nhà thì buồn lắm”, họ bảo. “Chúng mình đi kiếm cái gì uống đi!” Tôi nghĩ nhanh đến nỗi vắng vẻ trong tâm hồn và cả trong ngôi nhà đêm Ba Mươi Tết. (Mẹ tôi và đứa con trai nhỏ đã xuống Marseille thăm gia đình người anh lớn từ tuần trước). Sự quạnh hiu làm chùng tâm thức. Nên, khoác áo dạ, đội mũ laine, theo bạn bè lội tuyết đi tìm rượu uống.

Quán xá đóng cửa gần hết. Phải đi vòng trọn khu Quartier Latin mới tìm thấy một cái quán của người Ả Rập còn mở cửa khuya. Chai cognac được gọi ra với một dĩa ô-liu và một khoanh phó-mát. Thêm vài miếng khô nai thơm lừng mùi sả. Thế là đã đủ cho một đêm giao thừa nơi đất khách xa xôi.

Tất cả chúng tôi ai cũng buồn và ít gặp nhau. Thảng hoặc chỉ là điện thoại hỏi thăm sức khoẻ của nhau. Người Việt Nam ở Paris không nhiều, nhưng cũng không quá ít. Ai cũng bận bịu theo vấn đề cơm áo. Vì vậy, tình thân khó nẩy nở nếu không phải là giữa những người có cùng một điểm giống nhau trong đời sống hay trên nghề nghiệp. Điểm giống nhau giữa tôi và những người bạn này là “sự cô đơn”.

Đêm Ba Mươi Tết trên xứ người, chúng tôi ngồi uống rượu, nhìn tuyết rơi. Phố xá vắng tanh. Dòng đèn đường soi sáng càng nhiều hơn trong tim mỗi người sự đơn lẻ. Ai nấy lặng im uống từng hớp rượu, uống cả nỗi sầu nhớ nhà vào máu. Rồi, dường như không chịu nổi, một người bạn kêu to: “Chúng mình hát đi! Hát mừng năm mới đi!” Và anh đứng lên xin chủ quán cho được sử dụng cái đàn dương cầm đang nằm lẻ loi trong góc. Cả bọn cùng hát. Trong tiếng hát như có pha màu nước mắt. Giòng nhạc Xuân vang lên suốt những ngày trước Tết trên các băng tần phát thanh trong quê hương ngày cũ, bấy giờ được cất lên trong một không gian lạnh lẽo, xa vời.

Có cái gì đó thật ấm len giữa mọi người? Một điều gì thân ái như mùi trầm nhang trước bàn thờ tổ tiên trong đêm trừ tịch? Một điều gì nồng nàn ngát thơm như mùi pháo Tết? Và cũng điều gì đó thật dịu dàng như đôi mắt mẹ hiền cứ mãi trông chờ những đứa con xa...

Đêm Ba Mươi trên xứ người, chúng tôi như một đám con nít bơ vơ ngồi bên nhau nhớ về bà mẹ quê hương cũ. Tôi biết rằng mình vẫn còn những người bạn. Những người bạn đến cùng một xứ sở, nói cùng một ngôn ngữ. Những con người đã từng có những dòng kỷ niệm nơi dải đất xa vời yêu dấu ấy, như tôi.

Bên ngoài, tuyết rơi mỗi lúc mỗi nhiều hơn...

Tháng 2/1979. Lưu diễn Phước Tỉnh, Đồng Nai.

Đồng Nai là tỉnh đầu tiên của Miền Đông Nam bộ, bắc giáp tỉnh Lâm Đồng; nam giáp biển; đông giáp tỉnh Thuận Hải; tây và tây-bắc giáp tỉnh Sông Bé và thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Đồng Nai trải dài ra trên thung lũng sông Đồng Nai và một chi lưu của nó là sông La Ngà. Đất tiếp với các cao nguyên Lâm Viên và Di Linh nên hơi cao; phần lớn là đất đỏ, luôn cả đất xám, phù sa cũ, nên việc trồng trọt ở đây rất thuận lợi.

Trạm đến thứ nhất trong chuyến lưu diễn Miền Đông là Phước Tỉnh, một vùng ven biển thuộc huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi phải bỏ Sàigòn từ sáng sớm Mồng Ba. Phố xá muộn màng im ngủ. Chiếc xe rời thành phố âm thầm, giống như cõi lòng chúng tôi vẫn âm thầm tiếc nuối mấy ngày nghỉ Tết.

Xe đến Phước Tỉnh khi vừa tang tảng sáng. Hơi sương còn đọng trên các cành dương. Anh em công nhân bắt tay ngay vào việc dựng sân khấu cho kịp hát hai xuất. Anh tổ trưởng Tân Nhạc bảo nhỏ tôi: “Anh em mình đi kiếm cái gì uống ‘giải nghễ’ đi rồi hãy về nhận chỗ ngủ. Đêm qua anh nhậu say quá.” Vậy là cả nhóm Tân Nhạc mỗi người một xắc tay, kéo nhau đi tìm quán cà-phê.

Một điều làm nổi bật sắc thái lè phè của dân Miền Nam là hình ảnh các quán cà-phê. Đâu cũng có quán cà-phê, từ thôn quê cho đến thành thị hay các vùng hẻo lánh chân trời góc biển. Quán nào cũng đông khách.

Buổi sáng ở Phước Tỉnh, không khí thật trong lành. Cái quán chúng tôi đến đã mở cửa từ sớm. Rải rác đây đó là các bác phu xe lôi đang oang oang trò chuyện. Cả đám Tân Nhạc ngồi trên những cái đẩu thấp, chụm lại chung quanh một thân cây cưa ngang được dùng làm bàn. Trời thật lạnh. Ai nấy co ro, so vai rụt cổ. Biết bao câu chuyện được phô bày một cách đầy hứng thú. Chuyện Tết nhất. Chuyện bài bạc. Chuyện rượu chè. Luôn cả chuyện “má sắp nhỏ” cằn nhằn sao đoàn lại ra đi khi chưa hết Tết.

Tôi cảm động nhìn từng người bạn. Ai cũng có những hoàn cảnh khó khăn, những khổ tâm riêng; nhưng tất cả mọi nỗi này đều được che giấu dưới những những nụ cười dễ dãi. Trong xã hội, tình bạn là một nhu cầu cần thiết. Và tình bạn trong xã hội Cải Lương lại còn cần thiết hơn. Vì những điều kiện chung mà vô tình sự đoàn kết chặt chẽ nẩy sinh giữa những cá nhân trong từng tổ riêng của đoàn. Tình bạn cũng phát sinh từ đó. Trong tổ Tân Nhạc, 7 người chúng tôi thân nhau như anh em. Những buổi cà-phê, những buổi rượu chia xẻ cho nhau cũng hứng thú như những bản đàn vẫn tấu với nhau 30 phút trước mỗi giờ hát. Không có sự phân biệt nam nữ trong tình cảm ấy. Tất cả đều có chỗ đứng độc lập và cùng được tôn trọng theo khả năng riêng.

Trong đoàn, tôi cũng thân với Hạnh, một nữ diễn viên nổi tiếng, bạn với nhau từ khi còn ngồi ở bậc Trung học. Nhưng trên những sinh hoạt chung của đoàn, so với tình đoàn kết cho 6 anh em trong tổ Tân Nhạc thì tình thân cho cô bạn này có phần khác đi.

Sáng sớm Mồng Ba, chúng tôi ngồi với nhau nơi chiếc quán của một vùng ven biển đìu hiu xa thành phố. Những điếu thuốc lá đen được chuyền tay nhau. Những ly cà-phê nóng đã là những lời chúc mừng đầu năm cho tình bạn chúng tôi, thân ái, nhẹ nhàng như tiếng thì thào không ngớt của biển.

Paris. Mỗi buổi trưa đón xe buýt đi làm, tôi đều nhìn thấy nơi trạm đợi có một người đàn bà Pháp độ năm mươi tuổi, thân hình gầy yếu nhưng ăn vận chải chuốt, ngồi nói lầm bầm trong miệng. Bao nhiêu chuyến xe đến rồi đi cũng không thấy bà bước lên bục gỗ. Thoạt đầu, tôi ngỡ bà còn đang đợi chuyến xe như ý muốn; sau mới biết bà là một người đãng trí, ngây ngây.

Có bữa ngồi đối diện, trộm nhìn thì thấy khuôn mặt bà trông rất tinh anh sáng láng. Thuở thanh xuân, bà hẳn phải là một người rất đẹp. Bà không lưu ý đến ai chung quanh, một cuốn sách luôn mở ra để trên đùi, đôi mắt chú mục vào đó, miệng lầu bầu không ngớt.

Một bữa khác, chỉ còn tôi với bà nơi trạm đợi. Bà chợt ngửng nhìn tôi rồi kêu lên: “A! Cô nhỏ Chinoise!” Tôi chữa: “Không phải. Tôi là người Việt Nam.” Thế là bà đâm vui vẻ hẳn, quay sang chuyện trò với tôi cách thân mật tưởng như lâu ngày quen biết. Trong đôi mắt bà, nét tinh anh lần lần hiện rõ. Một thoáng, tôi lạ lùng không tin rằng đang trò chuyện với một người đãng trí, ngây ngây.

Bà nói thao thao về lịch sử cận đại của nước Việt Nam. Lối nói của bà lôi cuốn đến độ tôi trễ mất một chuyến xe buýt cách quãng ba mươi phút lúc nào chẳng biết. Tôi hỏi bà tại sao lại lưu tâm đến lịch sử nước tôi như vậy? Bà nhẹ nhàng đáp: “Cha tôi từng là lính viễn chinh trong quân đội Pháp tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ. Sau này trở về nước lập gia đình, ông vẫn nhớ đến Việt Nam, vẫn kể cho lũ con nghe về cái xứ nhỏ bé nhưng có rất nhiều cảnh đẹp và nhiều những con người đáng yêu, mộc mạc. Khi lớn lên, tôi lập gia đình với một thanh niên Việt Nam du học Pháp từ năm 51. Điều tôi ao ước là được một lần theo anh ấy về thăm cho biết cái xứ xa xôi mà cha tôi kể rằng ‘đã đến rồi thì không còn muốn bỏ đi!’, nhưng chồng tôi luôn luôn từ chối. Nói về Việt Nam, anh ấy còn tỏ ra khinh thường và ghê tởm nữa. Tôi không hiểu tại sao. Bây giờ tôi đã già. Vợ chồng tôi ly dị. Cái ước mơ tuổi trẻ cũng tàn đi theo năm tháng. Nhưng hễ mỗi lần nghĩ tới Việt Nam là tôi vẫn nhớ hoài những lời cha tôi nói ngày xưa.”

Tôi không tỏ bày gì với bà về quê hương tôi hay về người chồng Việt Nam bà đã tâm sự. Tự trong đáy tim, tôi đâm ra có thiện cảm với bà mỗi bữa mỗi nhiều. “Tình quê hương trong lòng mỗi người sâu dày như quá khứ”, tôi nói với bà điều ấy. Và thêm, nhưng cũng từ bà mà tôi thấm cảm được càng nhiều hơn những cái gì liên hệ đến quê hương.

Mồng 6 Tết (1979), hát ở Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai.

Qua đến Phước Hải, đoàn lưu lại một tuần. Ngày đã hết mùi Tết, phố xá đìu hiu, câm nín. Trên nét mặt của các người dân miền biển chẳng nói lên được điều gì ngoài một nỗi dửng dưng, chịu đựng. Riêng có ngọn gió heo heo thoảng qua không gian mới là điều nhắc tôi nhớ rằng đâu đây vẫn còn sự hiện diện của nàng Xuân.

Trong cuộc đời, tôi vẫn yêu ghê gớm ngọn gió lạnh những ngày trước và sau Tết Nguyên Đán. Trong gió có vương màu Xuân xanh. Trong gió có thơm mùi kỷ niệm. Kỷ niệm những ngày thơ ấu, cứ mỗi mùa Tết đến là đêm đêm các chị em tôi lại đi nhặt hoa vông rơi nơi đầu ngõ. Những cánh hoa màu đỏ lả tả bay trong gió đã gợi lên biết bao cảm xúc thơ ngây ngay từ ngày ấy, chiếm lấy một chỗ đứng vững vàng trong ký ức; để rồi cứ mỗi mùa gió tháng Chạp là tôi lại nhớ đến màu đỏ của hoa vông.

Tuổi thơ nào cũng đẹp, cho dù có là tuổi thơ trong một đất nước tơi bời bom đạn. Thì những cánh vông lả tả bay trong gió đẹp một cách nhạt nhòa –như dòng nước mắt trên khuôn mặt mẹ tôi bên xác cha, khi tôi còn rất bé--, đã chính là tuổi thơ của tôi. Màu đỏ của hoa được nhìn như màu đỏ của dòng máu rỉ ra bên mép cha tôi trong giây phút cuối. Và ngay từ thuở ngày xưa, tôi đã gọi màu đỏ là màu biệt ly.

Một tuần lễ ở Phước Hải, bầu trời xám xịt đầy mây. Những cụm mây phiêu du về nơi chân trời tím. Những cụm mây lang thang như bước chân tôi trên biển một mình. Ngọn gió lạnh bỗng càng thêm vồn vã; và tôi tưởng như mình đang tìm lại được chút nào tuổi thơ.

Cho tôi lại ngày nào,

Trăng lên đầu ngọn cau

Me tôi ngồi khâu áo,

Bên cây đèn dầu hao...

Có lẽ tôi chết mất thôi trong bốn bức tường kiên cố của kỷ niệm. Chết, nhưng trên đôi môi vẫn nở nụ cười sảng khoái.

Paris. Cách ngôi nhà tôi ở chừng một trăm mét có một cặp vợ chồng Việt Nam độ sáu mươi tuổi cư ngụ trong một căn của dãy chung cư do chính phủø trợ cấp. Hai ông bà được một cậu con trai du học đã lâu, bảo lãnh sang Pháp. Người chồng dáng dấp hiền lành gầy yếu. Bà vợ cũng xấp xỉ tuổi ông nhưng khoẻ mạnh lanh lợi hơn nhiều. Mỗi lần gặp ông trên đường phố, tôi vẫn chào hỏi. Nhưng kể từ khi nghe câu chuyện “gà gáy” của ông, tôi càng thêm quý mến ông.

Ở Paris, người dân không được quyền nuôi gia súc trong nhà như người Việt Nam vẫn làm nơi quê hương xa lắc. Ông gốc Bến Tre, lại rất mê nghe tiếng gà gáy buổi sáng. Vì vậy, ông cố tìm mua cho được một con gà trống tơ, đem về vuốt ve ngắm nhìn cả ngày không chán. Thế rồi, một buổi sáng sớm, trái tim ông bỗng như ngừng thở khi nghe tiếng cánh gà đập xoàng xoạc, rồi một giọng gáy cất lên lanh lảnh. Ông nhắm nghiền mắt, say sưa theo tiếng “ò ó o” quen thuộc kéo dài từng chặp. Và ông tưởng như đang nằm trên bộ ván ngựa trong ngôi nhà ba gian của ông ở Bình Đại, Bến Tre. Đột nhiên, có tiếng bà vợ la lớn: “Ba nó dậy bịt mỏ con gà lại đi, coi chừng phú-lít tới.” Ông hoảng hồn trở về với thực tế, tung chăn phóng ngay xuống bếp, đến bên chuồng gà, giơ tay đập đập lên làn kẽm lưới. Con gà nhẩy chồm chồm trong chuồng, tiếng kêu quang quác của nó làm náo động hẳn căn bếp. Bà vợ đứng sau lưng ông, la lên bai bải: “Bắt nó ra, bịt mỏ nó lại!” Ông mau chóng làm theo lời vợ, chụp lấy cổ gà bóp nhẹ. Con vật dãy dụa một lát, sau cùng nằm im chịu trận trong tay ông.

Từ đó, cứ mỗi sáng sớm, ông lại thức giấc đến bên chuồng gà ngồi canh đợt gáy thứ nhất của nó. Qua đến đợt thứ hai là ông vội vàng chụp lấy mỏ gà nắm chặt, mặc cho đôi cánh của nó vùng vẫy lung tung. Gặp tôi giữa đường, ông kể cho nghe câu chuyện mỗi sáng nghe gà gáy, rồi cười: “Đã lắm cô à! Tui cứ có cảm tưởng như đang nằm ở quê hương mình mỗi khi nghe nó cất tiếng gáy.”

Bẵng hai tháng sau, gặp lại ông, hỏi thăm về con gà trống tơ, tôi thấy ông lắc đầu: “Mụ quản lý chung cư nghe báo cáo là tui có nuôi gà trong nhà, gáy o o sáng sớm không cho ai ngủ, nên mụ đòi kêu phú-lít. Bà xã tui năn nỉ miết, tặng luôn mụ con gà về làm thịt, mụ mới tha cho.” Rồi ông cười buồn: “Tụi Tây nó văn minh quá, quen nghe tiếng động cơ máy móc, nên không thấy tiếng gà gáy buổi sáng là điều thú vị. Chứ nếu nó chịu khó nhận ra, chắc là nhà ai cũng có thể nuôi từng bầy, tha hồ nghe tiếng gáy, đã lắm cô hả?”

Vũng Tàu, cuối tháng 2/1979.

Vũng Tàu ở về phía nam tỉnh Đồng Nai, cách Sàigòn 125 cây số. Thời nhà Nguyễn, khu vực Cần Giờ, Vũng Tàu, Bà Rịa là hai vùng trấn biên, phòng giữ vịnh Ghềnh Rái và đường sông lên Biên Hòa, Gia Định. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành ba tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một. Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa.

Sau hiệp định Genève, thời Việt Nam Cộng Hòa, năm 1957, hai tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa được chia thành bốn tỉnh: Biên Hòa, Phước Tuy, Phước Long, Long Khánh. Vũng Tàu thuộc tỉnh Phước Tuy. Sau khi thống nhất hai miền, tháng 1/1976, các tỉnh Biên Hòa và Bà Rịa cũ hợp nhất lại thành tỉnh Đồng Nai. Vũng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai.

.. .. ..

Đoàn di chuyển ra Vũng Tàu, một thị xã du lịch xinh đẹp có nhiều bãi tắm nằm dọc theo bờ biển, trong đó có những bãi vòng quanh chân núi Lớn (cao 245m) và chân núi Nhỏ (cao 170m). Ngoài những bãi tắm, Vũng Tàu còn có Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá đều là những thắng cảnh nổi tiếng, lôi cuốn được rất nhiều du khách. Trên đỉnh núi Nhỏ (còn gọi là núi Tao Phùng) có ngọn hải đăng cao 18m với luồng ánh sáng chiếu xa 30 hải lý, đêm đêm phát ra hai vũng sáng dài kế tiếp nhau quay tròn trên bầu trời thị xã, giúp cho thuyền bè ngoài khơi được dễ dàng đi lại trên biển đêm.

Dẫu rằng tất cả mọi tuồng hát đều phải viết theo một hệ thống bắt buộc và tất cả các nghệ sĩ phải khép mình vào những quy luật chung, nhưng ngành nghệ thuật sân khấu vẫn là ngành được chế độ ưu đãi nhiều nhất. Với chủ đích tuyên truyền cho chủ nghĩa mà nhà nước nhắm vào để khai thác và đòi hỏi nơi người nghệ sĩ, đổi lại, người nghệ sĩ cũng được hưởng những dễ dãi nào đó đã không được ban hành trong dân chúng nói chung.

Phải viết rằng, giữa một xã hội đang khó khăn về mọi mặt, những chuyến lưu diễn chính là một cuộc nghỉ hè dài tôi may mắn được cùng tham dự. Trên những bước giang hồ ấy, tôi có dịp biết đến nhiều vùng trời quê hương thăm thẳm, tiếp xúc với đủ giới người và chứng kiến biết bao hình ảnh, sự việc; một điều không dễ gì tìm thấy trong cuộc sống định cư.

.. .. ..

Những ngày Vũng Tàu, tôi thường ra biển thật sớm khi bình minh chưa ló dạng. Mùa này trời hãy còn lạnh nhưng bãi biển vẫn không vắng người tắm. Lang thang trên bờ cát mịn, nhìn xa xa những chiếc thuyền nhỏ xíu giữa một vùng bao la trời, nước, tôi hình dung đến các chuyến ghe vượt hải phận mỗi ngày trên khắp các vùng duyên hải Việt Nam. Đã có bao nhiêu người thoát được cơn giận của đại dương? Bao nhiêu người vùi thây dưới biển? Có bao nhiêu người đến được an toàn bờ bến? Và bao nhiêu người chịu thua Định Mệnh? Thứ Định Mệnh khắc nghiệt, tàn bạo –giống như Shakespeare(1) đã viết trong Roméo & Juliette: “Trong cuốn sổ đoạn trường, tên chúng ta cùng ghi ở một dòng...” (Dans le livre du destin, nous sommes sur la même ligne...),

(…… Lược 2 dòng….)

Paris. Khi biết được vị giáo sư dạy vĩ cầm của tôi ở trường Nhạc Sàigòn hai mươi năm trước đang định cư tại Pháp, một buổi tối không đi làm, tôi tìm đến thăm ông.

Ông ở ngoại ô Paris, trong một khu phố nghèo nàn của người Ả Rập. Con đường dẫn vào nhà ông rác rến đổ đầy, dơ bẩn. Những vũng nước ứ đọng đen ngòm. Mùi ẩm mốc tỏa ra nồng nặc. Một thoáng, tôi nhớ lại căn phố lầu sang trọng của ông trên đường Hàm Nghi ngày cũ. Có chút gì buồn bã dấy lên trong tim khi nghĩ lại những năm tháng còn theo học với ông.

Ông có vẻ vui khi gặp lại tôi, một trong ba người học trò đầu tiên sau khi ông từ Pháp trở về Việt Nam năm 1958. Sự già nua củ rủ nơi ông khiến tôi se lòng không ít. Căn phòng đơn giản với cái đàn dương cầm chiếm một vị trí rộng giữa nhà, trên nắp có để chiếc hộp vĩ cầm đóng kín. Hai chiếc ghế bọc da màu nâu đã cũ. Một cái bàn viết kê sát cửa sổ với những cuốn sách dày bày ra trên đó. Một bức tranh sơn dầu vẽ cây violon treo buồn bã trên tường.

Ông kể cho tôi nghe về cuộc sống đơn độc hiện tại của ông. Điều này từ hai mươi mấy năm qua, khi còn là học trò ông, tôi đã biết. Cuộc tan vỡ hôn nhân giữa ông và người vợ (cũng là giáo sư của tôi, dạy môn Sử nhạc) đã là một biến cố ảnh hưởng không ít đến lớp học trò ông ngày đó... Vậy mà trong một đêm giá rét ở Paris, tôi mới thấm cảm được ngần nào sự cô đơn ông đã từng nhiều năm tháng trải qua.

Ông hỏi tôi hiện đang làm gì. Tôi đáp, làm bồi bàn trong một quán cà-phê ở Paris. Ông cười chua chát: “Thuở xưa, trong các con, mỗi đứa đều phô bày mỗi khuynh hướng nhạc riêng biệt. Có đứa hợp với nhạc Mozart, có đứa hợp với nhạc Brahms, nhạc Mendelssohn, có đứa hợp với nhạc Vivaldi, nhạc Bach... Riêng con, khuynh hướng đau khổ có tính cách định mệnh của Beethoven vẫn tiềm tàng trong con, thầy đã nhận ra ngay từ ngày ấy. Nhưng thầy không nghĩ rằng có lúc đứa học trò mình phải dùng dôi tay để bưng cà-phê cho khách, thay vì chơi nhạc Beethoven!”

Có một chút ngậm ngùi rơi xuống giữa hai thầy trò. Lúc ấy, tôi đang ngồi trước lò sưởi nhìn những tia lửa xanh nhẩy múa trong tiếng củi reo tí tách. Ngoài trời, tiếng gió mùa đông rít mạnh. Tôi nghe tràn ngập trong tim một tình cảm mơ hồ tiếc nuối. Và tôi nói: “Thưa thầy có nhớ bữa cơm tối thầy đã mời con sau khi con tốt nghiệp trường Nhạc?” Ông gật đầu.

Tôi tiếp: “Kỷ niệm buổi ấy đã lưu lại trong tâm trí con suốt mười mấy năm sau qua một lời thầy đã dạy:

‘Phải luôn ngửng đầu lên trong mọi hoàn cảnh, dù đau thương đến đâu chăng nữa. Nếu không, cuộc đời sẽ đạp con như đạp một con kiến, và ngay chính con cũng không biết rằng mình đang bị chà đạp.’”

Ông cười buồn: “Ngày xưa thầy có dạy con như thế thật qua chính kinh nghiệm khổ đau thầy đã trải. Nhưng thầy không mong cho con đi lại bước đường của thầy.”

Tôi gật đầu: “Thầy đã dạy con nhiều lắm, nhiều hơn sức con có thể tiếp nhận. Tuy nhiên, ngày nay cho dù đôi tay không còn thì giờ để chơi nhạc Beethoven, nhưng thật thì tâm hồn con đang dàn trải nghị lực Beethoven con đã thu nhận được qua lời dạy của thầy một đêm ăn tối xa xưa.”

Tháng 2/1979. Hát ở Bến Đình.

Bến Đình thuộc khu phố Thắng Nhì, Vũng Tàu, rộng 1.033 mẫu, nằm dọc theo bờ biển Nam Hải, cách trung tâm thị xã Vũng Tàu 3km về hướng Đông Nam. Dân cư phần lớn sống bằng nghề đánh cá. Ngư phủ không những hành nghề ngay trên chính bờ biển Vũng Tàu mà còn đi đến tận các miền xa như Cà Mau, Rạch Giá, Côn Sơn.

Trong cái đời đi theo gánh hát, tôi vẫn ưa trên hết các chuyến viễn du miền biển, nơi khí trời khoáng đạt và tâm tình người dân địa phương cũng rộng rãi dễ chịu hơn so với vùng đồng bằng và cao nguyên. Hình ảnh một chàng Vọi với xóm chài lưới trong truyện Trống Mái của Khái Hưng(2) đọc khi vừa lớn gây mãi trong óc tôi cái ấn tượng ấy. Ý nghĩ có phần chủ quan lệch lạc, nhưng hề gì? Người ngàn xưa và người đời sau còn có thể hiểu và thương nhau ở cái tâm sự nữa là!

Những ngày Bến Đình, chúng tôi thường rủ nhau ra bến xem ghe cá trở về mỗi chiều, mỗi sáng. Thật là một quang cảnh rộn ràng vui mắt. Những chiếc ghe lớn, nhỏ tắp vào bờ. Những chiếc lưới được tháo ra. Từng con cá nhảy lên rồi lại rớt xuống giữa đàn cá im lìm chờ chết. Tiếng người lao xao mua bán. Các khuôn mặt bóng nhẫy rạng rỡ nụ cười.

Giữa nỗi ồn ào của bến chợ, tôi bỗng hình dung đến “bàn tay của Thượng Đế” trong tác phẩm điêu khắc của Rodin(3); trên đó, con người chỉ là những sinh vật trần truồng yếu đuối để bất cứ lúc nào năm ngón to lớn cũng sẵn sàng co lại thành một khối.

Và tôi tự hỏi, số phận đau thương của dân tộc Việt Nam trong bàn tay định mệnh của Thượng Đế suốt mấy trăm năm qua có khác nào với những con cá đang quẫy đuôi một cách tuyệt vọng trong màn lưới kia chăng?

[]

CÒN TIẾP ...




© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC