TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN


. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 2
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 3
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 4
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 5

























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI


LẦM LỖI

KỲ THỨ 5


S áng Mùng Một tết bầu trời dịu dàng thoáng đãng. Không gian im ắng, lành lạnh. Dãy ca sô vẫn im lìm. Phạm nhân còn chìm trong giấc ngủ sâu vì đêm qua hầu hết cùng thức nghe cầu truyền hình đón Giao thừa. Minh tự giác đi mở cửa và đánh thức mọi người thức dậy như thường lệ. Tôi xuống tập thể dục và tắm gội sạch sẽ để đón ngày đầu năm cho được hanh thông, may mắn. Tôi nhớ, ba tôi thường nói rằng, tinh thần tinh tấn, người sạch sẽ dễ gặp điều may mắn đưa tới, điều dữ tránh đi. Tai hoạ cũng thích tìm tới những người luôn ủ rũ, ô uế. Họ còn bị tài thần, lộc thần tránh xa. Trời lạnh, nhưng nhờ tôi tập thể dục gần một gìơ, cả người âm ấm, xối ca nuớc lạnh đầu năm trên đầu xuống chân, người tôi bốc hơi như khói. Tôi nghĩ đấy là sự toả nhiệt để làm tươi tỉnh thể xác và tinh thần mình sau một đêm ngủ vùi. Tắm xong, tôi lại đứng nhìn bầu trời vào xuân ngoài song cửa sắt… Những người tự giác và cán bộ thường ngày canh chừng chúng tôi. Họ thường quát phạm nhân vi phạm nội quy, hoặc lầm lỗi gì đó, nhưng hôm nay họ nói năng dễ nghe, dường như ai cũng vui, nhờ vui họ hiền và dễ dãi hơn hôm qua nhiều. Kể ra, ngày tết không chỉ đem lại mùa xuân nồng nàn về cho vạn vật mà con có khả năng giúp cho con người sống với nhau tốt hơn bội phần!

Bọn tôi ngồi sau cánh cửa mở sẵn, gặp ai qua cũng tranh nhau chúc tết họ, Tuy những lời chúc hơi thừa và sáo nhưng không sao, ai cũng vui vẻ nhận những lời chúc ấy với nụ cười thiện cảm. Cả dãy ca sô rộn ràng hơn mọi ngày. Thân nhân phạm nhân thăm nuôi hầu như lúc nào cũng được. Tiếng gọi tên phạm nhân ra thăm, gặp gia đình í ới, hoà lẫn với tiếng cười nói, hát ca của phạm nhân rộn ràng suốt những phòng giam làm không khí nhà giam bỗng ấm cúng hẵn lên. Chúng tôi còn được cấp phát mỗi người một cặp bánh chưng to, thức ăn đầy đủ cá thịt… Quản giáo không chỉ cho bọn tôi ăn ngon, còn lơ cho bọn tôi hút thuốc và ca hát thoải mái. Cộng với mứt, bánh, bún, thịt, trái cây, thịt bò kho, lạp xưởng của gia đình bới cho nữa, anh em trong phòng tôi không thấy thiếu thốn một thứ gì. Có thiếu là thiếu tự do! Có ngồi tù, thừa thải thời gian chiêm nghiệm sự đời, tôi mới thấy bạc, vàng, kim cương, bạch kim và mọi thứ quý giá trên đời này không thể quý hơn tự do. Tự do là báu vật quý giá vô song của con người. Sau này ra tù, tôi quyết ôm cứng sự tự do của mình, quyết giữ gìn không để nó vuột ra khỏi tầm tay nữa! Rồi ba ngày Tết cũng qua, cuộc sống tù tội lại trở lại chán phèo. Thật đúng, ngày vui vùn vụt qua, không khí trong các phòng tuy còn bánh chưng, bánh tét, mứt, hạt dưa, bánh kẹo đầy nhưng hương xuân đã mất vị Tết. Còn một nỗi buồn màu xám mênh mông bao trùm chúng tôi.

Đa số anh em, buồng tôi ngày ngày ngồi ngóng tên mình và trông ngày ra toà để biết mức án phải trả là bao năm tháng? Còn vài ngày nữa Sơn và Nhã ra toà. Tôi cũng chờ giấy triệu tập. Tôi đọc kỹ cáo trạng, ngày đêm tự đưa ra những câu hỏi thật hay để đối chất với toà khi toà thẩm vấn. Mấy hôm nay trời mưa tầm tã. Mưa đã khoác thành phố một màu ảm đạm ẩm ướt. Dạo này, chỉ có mệ nội và dì Hạnh thăm nuôi tôi, thỉnh thoảng mẹ tôi ở thị xã ra. Vợ tôi không ra được. Vợ tôi gần đến tháng sinh nở. Tôi cũng bảo mẹ tôi đừng cho vợ tôi ra. Tôi không muốn mẹ con em phải lặn lội vì tôi. Sơn ra toà bị đình. Sơn ôm thùng mì mặt thiểu não bước vào cửa. Dường như Sơn mang hết nỗi thất vọng vào phòng giam, bọn tôi không hứng hỏi chuyện. Hôm sau Sơn ra toà, bị phạt mười hai tháng. Anh em đoán tội Sơn lâu hơn. Tôi mừng mình đoán sai! Anh Nhã nói, vợ anh nhờ luật sư bào chữa cho anh. Trong đầu tôi bỗng loé lên ý nhờ luật sư biện hộ. Nhưng rồi, tự hỏi, tiền đâu? Vợ tôi bụng mang dạ chữa, đáng ra tôi phải làm được nhiều tiền, dành cho vợ nằm cử nuôi con. Người ta giàu có còn để vợ ăn nằm suốt ba năm nữa là. Còn mẹ tôi, xưa nay vẫn thế, một ngày bói bài được vài chục, không đủ miệng mẹ ăn xài bia bọt, thuốc lá. Ngày nào “trúng mánh” vài chục bạc, mẹ ăn xài, mua sắm vung vinh. Chuyện bà ăn xài tôi không nói tới, chứ thấy bà bỏ tiền khô hơi rát cổ đem ăn nhậu với đám đàn ông hư trốn con, dối vợ là tôi không chịu được. Tôi hậm hực, thậm chí sừng sộ với bạn của mẹ. Những khi tôi đi làm về mệt, thấy mẹ ngồi ăn nhậu với họ, tôi không nhịn nổi. Đúng, của Tây trả cho Tàu. Mẹ tôi luôn rỗng túi. Tiền thăm nuôi tôi, mẹ lấy từ vợ tôi hoặc cô bác, cậu dì và bạn của tôi gửi thăm nuôi tôi. Cuộc đời mẹ một thân một mình mà luôn mượn chỗ này, nợ chỗ kia, lây lất qua ngày, biết lấy tiền đâu thuê luật sư cãi hộ tôi. Ba tôi và nội cũng nghèo. Còn dì Hạnh tuy có lương tháng nhưng phải nuôi hai con của dì ăn học, thằng Út và bù chì ít nhiều cho chị tôi đang cực khổ. Do vậy, tôi không dám mơ tưởng viễn vông chuyện luật sư biện hộ cho tôi trạng mình.

Anh Nhã ra toà. Đêm trước, anh em trong phòng tụ tập bên anh, chúc anh gặp may mắn như Sơn. Khi anh đi, bọn tôi ngồi ngóng và cầu nguyện cho anh được nhẹ án. Không biết các phòng khác thì sao, phòng tôi là vậy. Tôi nghĩ rằng, hai người cùng đi trên đường để đến một đỉnh cao danh lợi luôn kèn cựa, đố kỵ nhau, người sau thích tìm cách xô người trước, người trước ưa gàng chân người sau. Trong cuộc chiến đấu thần thánh giành độc lập tự do của dân tộc ta, lại hoàn toàn trái ngược. Nhiều thế hệ cùng đi trên một con đường chân lý, thế hệ trước dìu thế hệ sau ; người trước lẫn người sau đều có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau, cho đồng đội, anh em, bè bạn mình được sống, để người sống đại diện mình đi đến thắng lợi cuối cùng và họ cũng sẵn sàng chết cho các thế hệ sau được mãi mãi sống trong hoà bình, no ấm. Còn ở đây, bọn tôi cầu mong cho nhau, chẳng qua bọn tôi cùng cảnh ngộ, mỗi người đều có một tội do mình gây ra, chờ toà phán xử, nên ai cũng mong bạn nhẹ tôi, tất mình nhẹ tội. Lô gích là vậy, chứ bọn tôi làm sao có được ý tưởng cao đẹp như thế! Tôi đoán anh Nhã bị phạt trên ba mươi tháng nếu không có luật sư. Anh Nhã đi toà về, anh em trong phòng nôn nao ngồi cả dậy chờ anh kể chuyện. Cánh cửa sắp mở, tôi thấy anh Nhã qua song sắt, mặt anh vui vui, lòng tôi cũng tràn trề hy vọng. Anh Nhã vào phòng, chưa kịp bỏ giỏ thăm nuôi xuống, anh em đã bu quanh anh :

- Anh có gặp vợ không?

- Anh có khóc khi gặp chị không?

- Anh có mần ăn được chi không? Hê…hê…

Nhã luớ quớ không biết trả lời ai trước. Anh ậm ờ chưa kể… Sau khi dọn kẹo mè xửng rẻo cho bọn tôi ăn. Bọn tôi lại hỏi diễn biến phiên toà. Tôi hỏi ông luật sư có giúp được gì cho anh? Anh than phiền ông luật sư trả lời toà không mấy thuyết phục. Nhưng anh hài lòng mức án ba mươi sáu tháng tù giam, toà phạt anh. Vậy là tôi đoán đúng. Anh em quây quần bên nhau chúc tụng nhau và khuyên nhau chấp hành thật tốt thời gian pháp luật cách ly mình với xã hội.

Chiều xuống, bầu trời u ám hay tại lòng tôi muộn phiền. Tôi rất muốn gặp người thân, để dặn làm đơn nói hoàn cảnh tôi xin toà thương tình giảm tội.

Trời bớt mưa nhưng còn lạnh. Những tia nắng yếu ớt không thể nào xuyên qua lớp mây trắng đục sù sụ dưới bầu trời. Những cơn gió thổi về rào rạt làm xơ xác đọt dừa. Tôi đứng lặng lẽ ngắm chiều tàn sau song sắt. Thấy những tàu lá dừa toe tua theo từng cơn gió lồng qua như đàn ngựa trời trở chứng. Kỳ lạ, dưới những tàu dừa tả tơi ấy lại là những chùm dừa chi chít xanh non. Tôi cảm động trước tình chở che của những tàu dừa. Dù rách nát vẫn cố chở che cho đàn em lủng lỉu phía dưới lớn dậy tròn lành, tươi xanh. Những tàu dừa như người mẹ tần tảo, nhận lãnh riêng mình bao bão táp, mưa sa để nuôi đàn con đông đúc ; dù cực khổ, tàn tạ nhưng lúc nào cũng vững chãi, không được quyền gục ngã vì còn phải nuôi đàn con mình khôn lớn ! Ôi hình ảnh tàu dừa thật tuyệt vời hơn mẹ tôi vạn lần. Có một điều không ngớt hiện lên trong đầu tôi? Không biết, vợ tôi có đủ sức làm lụng nuôi con và thăm nuôi tôi không? Em có thể là tàu dừa dẽo dai, bền bỉ ngoài trại giam không?...

Ngày hôm nay có đợt chuyển phạm lên lao chính. Phòng tôi anh Nhã và Sơn đi. Chúng tôi ở với nhau buồn vui gì không biết, lúc sắp xa nhau, ai cũng bùi ngùi. Chia tay hai bạn, tôi lặng lẽ ngồi chờ ngày tháng trôi qua một cách chậm rãi chán chường... Một buổi sáng tôi có giấy triệu tập. Tôi an ủi tôi, rán chờ thêm vài ngày nữa sẽ biết mình phải trả giá bao nhiêu! Phòng tôi lại đón tân binh từ bên tạm giữ qua. Vậy là vui vì có thêm người. Thằng tân binh này tên Vấn, tội trộm cắp. Người hắn nhỏ con, mái tóc sùm sụp, mặt tối sầm ít học, hai mắt ti hí lươn lẹo, ăn nói láu táu, đúng là thằng gian. Thỉnh thoảng hắn nhìn hai đứa tôi như sợ lộ điều gì? Hay là hắn giả khờ qua ải? Đúng như tôi đoán, vài ngày sau hắn bắt đầu bộc lộ tính láu cá trong người hắn ra. Tôi biết khi con người được sung sướng ai cũng có thể lịch sự che đậy được bản năng thấp hèn của mình ; còn cực khổ, bị tù đày là phải đối mặt với cuộc cạnh tranh sống mái trong một hoàn cảnh thiếu thốn, mất tự do, lúc này không thằng nào có thể giấu được bản chất của mình, nhất là tính ích kỷ và dâm loạn. Càng ngày hắn càng tuồn ra hết thói hư tật xấu thâm căn cố đế của hắn ; ngày thì thèm khát miếng ăn, đêm rờ mò, nói bậy bạ, tục tĩu, nửa khuya kéo chăn bạn tù, cái gì hắn cũng muốn phần hơn. Tôi nhờ ngồi thiền và có nội quy trại tạm giam kềm chế, không thôi tôi cho hắn một trận nên thân.

Trong phòng có ba người. Dạo này bọn tôi không còn chơi cờ để phân cao thấp và chơi ô ăn quan uống nước lạnh nữa. Chỉ biết nằm ngồi uể oải và tai buộc phải nghe tiếng hát dở ẹt của thằng tân binh. Dù sao, cũng đỡ buồn vì thấy cái dở của người khác, mà chính hắn không thấy. Hắn cứ tưởng hấn hát hay ho lắm, hắn hát say sưa ! Mấy hôm sau, thêm một thằng tân binh phạm tội trộm cắp bị tống vào phòng tôi. Thằng này cao ốm và nét mặt thật sự khờ dại và nhác tù. Hắn bước vào khép nép đứng dưới “phi đạo” vòng hai tay trước ngực, trả lời từng câu hỏi của các cựu binh. Tôi nhìn thẳng vào ánh mắt hắn và hiểu ra rằng hắn thật thà hơn thằng tân binh trước trăm lần. Thằng tân binh mới vào dò hỏi thằng tân binh vào trước. Hắn hỏi chuyện ăn chuyện ở… Tôi dựa lưng vào tường, nhắm mắt nghe câu chuyện của chúng... chẳng lẽ ngoài đời không còn chỗ cho những thằng này sinh sống đàng hoàng hay sao mà cứ rủ nhau vào đây ở cho khổ thân, trong này vui sướng gì cho cam chứ!? Thằng mới vào tên Thanh. Từ khi có Thanh, tôi thích nói chuyện với Thanh, bởi Thanh đứng đắn và biết cư xử. Thanh trộm cắp xe đạp, trộm nhiều lần, lần này mới sa pháp luật. Thanh nói:

- Em học lớp 9, năm lên lớp 10 em mê bi da cá độ bỏ học. Thua độ em liều đi đi ăn cắp xe đạp bán trả nợ, bị bắt quả tang.

Tôi ngồi tiếc thầm cho Thanh. Một thanh niên con nhà đàng hoàng, chỉ vì ham chơi đến nổi lâm cảnh tù tội. Mấy ngày sau có thêm một tân binh vào nữa. Phòng tôi lên tới năm thằng. Nói đúng ra, thằng tân binh mới vào này là cựu binh, trước hắn ở đây một thời gian ngắn, được đưa vào trường giáo dưỡng vì tuổi nhỏ. Hắn trốn trường ra hành sự. Giờ hắn bị bắt vào đây vì tội trộm cắp tài sản lớn. Hắn nói giọng Quảng Bình rất khó nghe. Cha hắn cũng đang ở trại cưỡng bức lao động. Giờ hắn đang ở với mẹ và em gái của hắn. Hắn tuy tuổi nhỏ nhưng làm những việc động trời. Hắn trộm một số tiền lớn ở Quảng Trị rồi vào đây thuê nhà ở, thế mới ghê chứ. Chưa hết, hắn đi mua một chiếc xe máy ở đường Lý Thường Kiệt chạy chơi. Hắn bị bắt khi chiếc xe máy mới toanh của hắn chưa kịp đăng ký bảng số. Công an giao thông hỏi, hắn ú ớ trả lời không rõ nên bị đưa về đồn, đồn chuyển công an hình sự làm rõ, rồi bị tống vào đây ngồi gỡ lịch cùng anh em. Bữa nay, anh em trong phòng chơi đánh bài búng trán. Bọn tôi chơi chủ yếu ăn gian để búng trán thằng tân binh láu cá, trộm cắp hai đời gia truyền tới bậc đại ca trong nghề này. Hắn cũng cố hết sức khi búng trán những bạn tù bị thua nhưng làm sao hắn chịu được những cái búng trán của tôi. Hắn chịu đau không nổi và từ đó hắn hết dám chơi bài luôn. Bọn tôi cứ để cho nó ngồi thắc tha thắc thỏm tiếc chiếc xe Wava cáu cạnh, chạy chưa đã tay ga của hắn mua từ tiền ăn trộm. Khi không đánh bài, tôi lấy bộ bài do tôi làm từ những vỏ hộp sữa ra bói bài cho tôi và cho các bạn. Lúc này, tôi phải cám ơn mẹ tôi đã truyền nghề bói bài cho tôi, dù tôi chỉ học lóm mẹ, nhưng cũng biết nhíu mày suy đoán tâm lý người coi bài như mẹ và cộng thêm điều tôi suy đoán qua nhân tướng học, tôi có thể đoán quá khứ anh chàng này có học hay không? Trước đây có sung sướng không? Hay phải ra đời sớm, lăn lộn kiếm ăn? Ấy vậy, anh em rất tin, đến nỗi thằng tân binh Quảng Bình mê bói quá, ngày nào hắn cũng gạ đấm lưng cho tôi, để tôi coi cho hắn một quẻ về tương lai, gia sự… Khi không bói cho bạn tù, tôi tự bói cho tôi để giết thời giờ. Trong hoàn cảnh ở tù đa số phạm nhân và kể cả tôi rất tin vào ý nghĩa của những con bài, bắt được con “chín cơ” bổn mạng ai cũng khẽ reo lên, bắt con “xì bích” ai cũng buồn xo, lo lắng...

Ngày nhờ bói bài, chơi bài đỡ thấy thời gian lê thê. Màn đêm buông xuống, tiếng hát phiền não từ các buồng giam lại vang lên thê thiết. Tôi ngồi dựa vách khóc thầm, đến khi dãy ca sô im lìm là lúc tù nhân ngủ vùi trong buồn đau và nước mắt.

Tôi dậy lúc ba rưỡi sáng, ngồi thiền và cầu nguyện trời Phật phù hộ cho tôi nhẹ tội. Ngồi tịnh thiền ba mươi phút, tôi xả thiền, tập thể dục rồi đi tắm khi mặt trời chưa lên. Xong, tôi ngồi đọc lui đọc tới bản cáo trạng thật kỹ và chuẩn bị những lời đáp để trả lời toà thật suôn sẻ… Thật lạ, ra toà lãnh án mà tôi hồi hộp như sắp đi xa hoặc sắp đối diện với một cuộc phỏng vấn, sát hạch quan trọng để được một cơ quan chấp nhận làm việc. Tôi còn soạn bộ đồ trại giặt mấy ngày trước, đã xếp gối đầu cho thẳng, dành ra toà mặc. Tôi cố dẹp bao ý nghĩ rối bung trong đầu tập trung vào giờ phút đứng trước vành móng ngựa. Tôi sẽ nói gì đây? Trả lời như thế nào khi toà hỏi? Có được gặp người thân không? Và sẽ gặp những ai? Chắc vợ tôi không ra dự phiên toà này được, mẹ tôi đã nói trong lần thăm nuôi gần đây, vợ tôi không ra vì thai lớn. Ngày nay khí trời lành lạnh dễ chịu, nhưng trong người tôi lại nóng hâm hấp như lên cơn sốt. Tôi ngồi lầm thầm cầu nguyện và tự bói bài cho tôi. Tôi toàn bắt nước rô và bích. Ăn trưa xong, tôi ngồi chờ hoài vẫn không nghe tự giác gọi tên. Nhìn vạch nắng trên tường mới biết chưa đến giờ. Tôi cởi áo ra tắm lần nữa và đọc lại bản cáo trạng cho thuộc… Vạch nắng khuất sau bức tường là hơn hoặc kém 1giờ 30 phút. Minh tự giác đi vào mở cửa. Tôi trong bộ đồ tù tươm tất theo sau Minh ra xe. Xe U-oát đặc chủng đưa tôi đến toà án thành phố. Buổi chiều định mệnh đã đến. Tôi coi là định mệnh, vì nếu không có cuộc rượu ấy, tôi đâu phải ngồi tù. Xe chạy càng, nỗi lo sợ trong tôi càng hồi hội theo bánh xe lăn... Ở khoang sau xe, ngồi đối diện tôi có hai người chuyển trại. Họ là những người đã có án nhưng nét mặt họ hình như cũng lo sợ như tôi. Nỗi sợ sệt ấy hiện u ám trong bốn con mắt bạc nhược và thất thần của hai người. Xe dừng trước cổng chính trại giam tỉnh cho hai người xuống, rồi tiếp tục chạy đưa tôi đến một toà nhà to lớn, uy nghi. Trước đây đi học, tôi thường đi ngang qua toà nhà này, tôi không hề chú uý đến sự uy nghiêm của nó, vì hồi đó tôi không hề nghĩ mình sẽ có ngày hầu toà, nên không để ý đến sự lạnh lùng đáng sợ của toà nhà. Dạo đó, toà nhà lấp thấp hơn, có lẽ sau bốn năm tôi trốn lệnh truy nã, toà nhà mới được xây cất đường bệ như vậy. Xe vừa đỗ xịch bên hông phòng xử án, người nhà tôi có mặt gần đầy đủ từ những băng ghế trong phòng xử đi ra đón tôi. Tôi tươi cười bước xuống xe trong bộ đồ tù với hai tay đã còng, theo sau tôi một chú công an không nói lời nào. Tôi tiếp tục vừa đi vừa lướt mắt qua khuôn mặt những người thân và bất ngờ đến mừng run khi thấy khuôn mặt tròn vành vạnh đang nhoà nước mắt của vợ tôi. Mẹ tôi và mệ tôi cũng khóc. Các chú thím nhìn tôi cười mừng, riêng ba tôi nghiêm nghị, không vồ vập, nhưng tôi biết ông hết sức lo cho tôi. Khi cán bộ dẫn giải mở còng, đưa tôi ngồi trên ghế dành riêng cho bị cáo để sát tường phòng xử, đối diện với vành móng ngựa đặt giữa phòng xử, tôi mới thấy mấy người bạn đã cùng uống rượu với tôi và Phia. Có cả Huynh, người đã đánh ông Bằng một cái vào mặt. Giá như hồi đó Huynh can tôi, hay không ra tay kích động, thì tính hung dữ của tôi đang lúc ngấm rượu đâu đến nổi cuồng lên đến phải chém ông Bằng một lát. Chú cán bộ dẫn giải lại còng tay tôi vào ghế, rồi ra đứng ngoài hành lang nhường chỗ cho bạn bè và người nhà tôi đến đứng quanh tôi. Mẹ tôi ngồi sát bên tôi thút thít dặn dò. Mệ tôi và mấy thím an ủi, động viên tôi. Sực nhớ chuyện nhờ mệ làm đơn nói hoàn cảnh của tôi, tôi hoi mệ. Mệ nói :

- Mệ làm đơn nạp toà rồi.

- Đơn mệ viết ra sao?

- Thì mệ nói cha mẹ cháu bỏ nhau từ khi cháu còn nhỏ. Ở với mệ, mệ già yếu không dạy dỗ cháu đàng hoàng nên mới hư sự như rứa. Bây giờ vợ cháu tôi gần sinh, mà cháu là lao động chính, xin toà tha cho cháu được về sớm để lo mần ăn nuôi vợ con…

Mọi người giãn ra nhường chỗ cho vợ tôi đến ngồi bên trái tôi. Lúc này, tôi thấy em ngây thơ và rụt rè như buổi đầu tôi mới quen. Em không nói gì, chỉ chực khóc trước mọi người. Trời lạnh vậy, sao em mặc mỗi một cái áo khoác, làm sao cản bớt gió rét cho con tôi đang lớn dậy từng ngày trong bụng em. Con ơi, con tha thứ cho ba con nhé. Con chưa ra đời, ba đã có lỗi với con. Nhìn con và em tôi vô cùng ân hận! Bạn bè niềm mở nắm tay tôi. Nhìn tôi khoẻ mạnh tụi hắn cũng mừng. Còn tôi nghẹn ngào trong cổ, nhưng cố nén để khỏi bật oà. Tay tôi vuốt lên con và căn dặn em lo đi đứng, giữ gìn trong những tháng sắp sinh khi không có tôi bên cạnh chăm sóc. Và mong em tha thứ cho tôi. Tôi đã làm khổ em nhiều quá. Khi ấy, mẹ tôi chạy đi mua cho tôi một tô phở, tôi còn no, nhưng mẹ và em vẫn ép tôi ăn. Nội tôi và gia đình tôi còn bới cho tôi nhiều thứ, để đầy một giỏ dưới chân. Từ khi vợ tôi đến ngồi bên tôi, người thân và bạn bè tôi tế nhị tránh dần qua các băng ghế để tôi tranh thủ tâm tình với vợ con. Tôi âm thầm nhìn trộm em. Tóc em vẫn mềm mại ôm bờ vai. Tôi se se lọn tóc và ngồi im lặng vì không biết nói gì trước mắt mọi người, cho dù ai cũng không chú ý đến tôi và em, nhưng tôi chắc mọi động tác cũng như lời nói của tôi với vợ tôi họ nghe hết. Bỗng em khóc to! Nhìn những giọt nước mắt đau khổ của em lăn dài trên hai giò má bầu bĩnh làm lòng tôi tê tái! Nhưng tôi cố lạnh lùng thản nhiên để nước mắt em ngừng rơi. Em buồn lắm phải không? Tôi biết dỗ dành sao đây khi em đang khóc dài bên những người thân? Thôi thì cứ để cho em tự do tuôn dòng lệ đau khổ bấy lâu cho nhẹ lòng. Mọi người khuyên em đừng khóc. Em vâng lời nín lặng, nhưng nước mắt vẫn còn loà lện ở mắt và má…

Phiên toà xét xử tôi bắt đầu tiến hành. Tôi nhìn quanh, phòng xét xử rất đông người. Ba tôi ngồi vào hàng ghế gần cuối cùng với một người lạ. Chú Tuấn, thím Sa cũng có. Trông ba già yếu hơn lúc trước, mái tóc đã bạc nhiều. Ba điềm tỉnh nhìn lên Hội đồng xét xử. Mẹ tôi cúi đầu để giấu đi những giọt nước mắt. Em ngồi sát dãy ghế gần tôi. Mệ nhìn tôi, miệng mệ luôn mấp máy, mệ đang cầu nguỵện cho tôi vì tôi thấy một tay mệ lần chuỗi hạt như những khi mệ nguỵện cầu, tụng kinh trước bàn Phật. Hàng ghế đầu tiên bên tay phải Hội đồng xét xử dành riêng cho người bị hại và nhân chứng. Ông chủ toạ phiên toà nói rõ ràng những điều luật trong buổi xét xử. Ông đọc to bản cáo trạng cho mọi người nghe rồi đến phần thẩm vấn người bị hại và nhân chứng. Những lời lẻ luồn lách quen thuộc chuyên môn nghiệp vụ đưa vụ án từ bóng đêm ra ánh sáng chân lý. Vạch rõ những chi tiết phạm điều luật. Tôi khúm núm trước vành móng ngựa khai thành khẩn. Tôi nghĩ, chỉ có sự thành khẩn mới mong được khoan hồng. Đến phần nghị án, ông Viện kiểm sát nói giọng Bắc, mặt vò vọ, cứng cõi đề nghị tội trạng của tôi phải chịu mức án từ 30 đến 42 tháng tù giam. Cả phòng xét xử "ồ" lên cho là quá nặng! Tôi cũng sững sốt bất ngờ và gục xuống như bị ai đánh một cú đấm vào mặt! Sau đó, đến phần tôi nói lời sau cùng. Tôi ấp úng mãi trong miệng khô khô khát hai từ "quá nặng" rồi nói lên những lời mà cho đến nay tôi không biết đã nói gì, van xin gì với Hội đồng xử án! Tôi nhơ nhớ rằng, tôi đã nói là tôi biết việc làm của mình sai trái… rồi trở về ghế ngồi đờ mặt ra chờ toà nghị án...Thời gian nghị án quá dài! Mọi người lại ùa đến bên tôi, trách tôi tại sao không nói đúng hoàn cảnh, vợ đang mang bầu và rất khó khăn. Mệ tôi khóc và em cũng khóc theo mệ. Tôi cũng khóc và tự trách mình ngu ngốc khi được nói lời sau cùng mà không nói về hoàn cảnh của mình. Không biết những lời nói sau cùng tôi đã học thuộc ở phòng giam, lên đây lại không nhớ nổi để nói ra. Mệ đưa em ngồi sát bên tôi. Em vẫn khóc nức nở khi nghe thời gian tôi và em xa cách quá dài. Tôi biết làm gì đây cho em đừng khóc nữa, chỉ biết tự trách mình và dỗ dành em. Tôi cũng đang khóc như em, làm sao một người đang khóc, dỗ được người đang khóc nhỉ? Trong tâm trí tôi đang âm thầm cầu nguyện trời Phật cho mức án tôi thấp hơn. Tôi biết mẹ tôi, mệ tôi và mọi người đều đang khấn cầu cho tôi. Ai cũng tranh thủ thời gian toà nghị án đến bên tôi cho tôi ăn uống và hỏi thăm tôi đủ chuyện. Lòng dạ tôi lúc này làm sao ăn được, nhưng cũng đều đặn há miệng cho thằng Huynh đút hết tô phở. Mọi người lại tản ra sân nhường cho tôi trò chuyện riêng tư với em. Một tay tôi xoa bụng em làm em trào nước mắt. Lúc này, tôi thấy em rất đáng yêu, còn tôi thật đáng ghét. Con người tôi sinh ra chỉ để làm khổ mọi người hay sao? Những lỗi lầm lớn đều do tôi đem lại cho gia đình. Con người tôi như một ung nhọt đáng ghê tởm! Thời gian nghị án đã hết. Phần tuyên án bắt đầu. Tôi run lên và hồi hộp vô cùng nên không dám nhìn lên Hội đồng xét xử, miệng vẫn liên tục lẩm bẩm cầu nguyện các đấng linh thiêng phù hộ cho tôi nhẹ án. Cả phòng xét xử im lặng như tờ. Ai cũng hồi hộp chờ kết quả. Ông Chủ toạ phiên toà tuyên án xong cả phòng lại rộ lên khi nghe bản án của tôi được kêu dưới khung. Tôi được giảm 6 tháng. Tôi không còn tin vào chính tai mình. Trời đất đã thấu hiểu cho lời cầu khẩn hết sức chân thành từ đáy lòng tôi. Tôi biết điều đó cũng nhờ mệ, mẹ tôi và vợ tôi đã khấn nguyện cho tôi rất nhiều. Chào mọi người tôi cúi đầu bước theo chú công an ra xe. Ngồi vào chỗ dành riêng cho tôi trong xe đặc chủng. Bao cánh tay vẫy chào tôi cùng với những khuôn mặt buồn bã của người thân tôi. Xe chạy, một buổi chiều đầu năm lạnh lẽo ấm lên trong tôi. Tôi nhẩm tính ngày tôi đã ở, như vậy tôi còn 27 tháng nữa mới sum họp gia đình. Giờ chỉ lo an tâm lo cải tạo. Xe về tới lao tạm, tôi đi vào cổng trại báo án tại nhà bàn. Ở phòng mọi người đang chờ tôi về. Cơm nước đã được cho vào. Tôi đặt thức ăn xuống ca rê, từ từ cởi áo quần trại ra và kể sơ buổi xét xử cho anh em nghe. Anh em chúc mừng bản án của tôi. Tối đến, tôi bình tâm nhớ lại sự việc từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc. Thật quý giá cho sáu tháng ít ỏi đó. Đối với tôi như vậy là quá đủ!

Bốn ngày sau tôi được đưa lên trại giam tỉnh cùng với hai người chuyển tỉnh. Ngồi chờ ở cổng vào buồng giam, một cán bộ đến hỏi tên và tội của tôi rồi đưa tôi ra nhà bàn. Tôi gặp Thịnh bạn cùng xóm. Thịnh giờ là cán bộ quản giáo. Thịnh chào tôi và tôi cũng chào Thịnh. Bây giờ Thịnh cao to đẹp trai, cứng rắn hơn hồi đi chơi với tôi nhiều. Cánh cửa buồng 7 được mở ra, tôi rụt rè bước vào đứng giữa phi đạo chờ những trò hù doạ của tù cũ và ghi tên vào sổ tù vậy là xong thủ tục ban đầu. Mới bước vào buồng tôi đã gặp Quốc ở Trần Phú và thằng Cư ở Trần Thái Tông. Hai đứa hắn có thời đi chơi với tôi, tôi sống với tụi hắn.

Thời gian này trại đang nghỉ đánh giấy nên buồng gọn gàng sạch sẽ. Trông hai đứa hắn, thằng nào cũng trắng mập ra. Tôi nghe tụi hắn than vãn về chuyện đánh giấy. Thằng nào cũng lắc đầu ngán ngẩm. Đêm trại giam tỉnh thật đông vui. Mỗi nhóm sống ở đây là một gia đình. Nhóm nào đông tượng trưng cho một gia đình giàu có, thế lực trong một xã hội hạn hẹp, không tự do. Nhưng mạnh quyền, có thế lực cũng có thể lấn áp, tranh giành với những nhóm khác để hưởng thoải mái hơn. Nghĩ cũng nực cười, ngoài đời thì vung vít sự thoải mái một cách thừa thải, ưa chi làm nấy, không thấy sự thoải mái hằng có, khi hạn chế những thoải mái thì bộc lộ thèm khát bằng những mưu mô thủ đoạn giành giựt nhau. Tôi thường lặng lẽ, trầm ngâm bên ấm trà lắng nghe họ nói cười, ca hát. Ôi một xã hội nhà tù thật đau buồn và bất hạnh! Nỗi nhớ nhà lại cồn cào trong tôi. Đêm, nằm nhìn vòm trời thăm thẳm đầy sao, tôi bỗng nghĩ mỗi ngôi sao là một ngày tù của con người dưới trái đất, bởi con người vì sự tồn tại của chính mình mà luôn làm nên tội lỗi nên phải gánh vác thập tự giá tội lỗi của chính mình cho đến ngày về với các bụi phù hư. Nhìn qua khung cửa sắt, ngoài hai bức tường là bệnh viện tâm thần. Qua vài ngã ba nữa là đến nhà tôi, đâu có xa xôi gì mà sao tôi luôn cảm thấy lạnh lùng trống vắng.

Trên trần đèn típ sáng tưng. Có camera đặt ở cửa ra vào để theo dõi những ai dùng vật cấm và sô sát với nhau. Nhà giam ở đây, không chỉ hiện đại, kiên cố, thoáng rộng mà ăn uống cũng hơn lao tạm. Phạm nhân còn được đọc sách báo, nghe nhạc Việt, chơi cờ...Cờ ở đây đẹp hơn và cũng chơi cờ búng lỗ tai, búng mũi giết thì giờ. Ở tù trong những ngày rảnh rỗi tôi cũng chẳng đi đâu, chỉ ngồi một mình. Tôi cũng gặp lại Dũng “sún”. Hắn già đi nhiều bởi cuộc sống không ổn định và tù tội nhiều tập. Ở tù nhiều lần nên đầu óc hắn lắm mưu mô xảo quyệt. Dù là vậy, nhưng tôi vẫn mến hắn vì hắn có giọng hát rất hay! Những bài hắn hát lên mang đầy tâm trạng của người tù. Tôi thường xuống Dũng “sún” tâm sự với nhau những ngày hai đứa đi chơi ngoài đời. Hai đứa ngồi nhâm nhi tách trà đăm chiêu nhìn ra sân trại và Dũng “sún” cất tiếng hát những bài hát trữ tình, xúc động…

Thời gian nghỉ làm giấy đã qua. Anh em chộn rộn chuẩn bị dụng cụ trong tư thế sẵn sàng. Ngày đầu, buồng trưởng phát cho tôi 50 tờ tập đánh. Những tờ giấy bạc rất mỏng dễ rách, phải nhẹ nhàng khi dụng đến cọc bạc. Nhưng khi đánh lại phải đè cọc bạc mạnh xuống. Tôi xong sớm, kiểm lại giấy tôi thấy tôi đánh cũng tạm được, rồi đem phơi. Tôi mới tập đánh, đánh được vậy tôi yên tâm. Sợ tôi vụng về vì chưa quen làm không kịp chúng bạn. Ở tù mà thua sút đồng phạm cũng khổ lắm. Ngày qua ngày, số giấy tôi đánh tăng dần. Tôi bực bội vì không bằng lòng cách làm việc của buồng trưởng. Tôi thường cau có và không muốn tiếp xúc với người được coi là có quyền tối cao trong buồng. Tuy vậy, tôi vẫn cúi đầu chấp nhận sự chèn ép bất công của buồng trưởng. Hàn Tín lòn trôn chờ thời cho xuôi chèo mát mái, để còn lo trả nợ cho lần lầm lỗi ngu ngốc của mình.

Công việc đánh giấy ban đầu mới làm tưởng nhẹ nhàng. Đến khi làm riết ngày này qua ngày khác mới sợ! Đánh giấy không chỉ rất đau lưng vì ngồi mãi một chỗ, mũi còn phải hít bao nhiêu bụi! Cũng may nhờ có Cường Loa chiều nào cũng đến giúp tôi. Nhóm đánh giấy của tôi sáu người. Bin vừa đi trại của Cục V26, còn năm. Đó là tôi, Cường Loa, Quốc, Thảo và Hội. Nhóm tôi chia mỗi đứa rửa chén một ngày. Ăn uống, có chi ăn nấy không được chê bai đòi hỏi. Công việc của nhóm, một đứa trực một ngày, đứa trực phải dậy thật sớm đi gom giấy cho thằng kiểm giấy, sửa lại xong, chờ xuất giấy ra, nhận lại cục giấy cho nhóm. Ăn sáng xong, anh em lo làm liền, sợ đánh giấy về muộn nên phải tranh thủ. Nhiều hôm, tôi hôm ngồi đánh giấy một mạch cho đến trưa quên cả tiểu tiện. Lưng đau ê ẩm, hai đầu gối cứng khừ ra. Muốn đứng dậy đi đâu phải từ từ mới thẳng lưng được. Nhiều hôm, trong nhóm tôi ai cũng xong một đầu sáu và có người đang đánh đầu bốn. Vậy mà tôi vẫn chưa xong đầu sáu với lốc giấy 259 tờ. Muốn ráng cho xong đầu sáu để mọi người khỏi chờ mình, nhưng tôi cố mấy cũng không thể. Thế rồi, anh em dẹp ăn trưa. Ăn xong, tôi không dám nghỉ, lo đánh liền. Mình đánh chậm phải tranh thủ khi anh em nghỉ thế mới kịp. Tôi luôn có ý cố đánh cho nhanh để đỡ làm phiền anh em, nhưng chưa quen, cố mấy vẫn không thể nhanh bằng anh em được. Cho dù, tôi không đi tiểu, không đùa giỡn, chỉ biết ngồi đánh mong kịp giờ vậy mà đến chiều cũng chưa xong vì đau lưng quá! Cư ở nhóm khác chạy qua đánh giúp tôi. Tối, tôi còn lo đem phơi cho khỏi bị ố mới đi tắm rửa.

Những ngày ở đây, tâm trí tôi mải tập trung vào việc đánh giấy. Không còn thức khuya như mọi hôm không có giấy. Ngày nào đánh giấy miệt mài, đêm nằm xuống ngủ khò một mạch cho đến sáng. Đầu óc không nghỉ ngợi chi. Thỉnh thoảng cũng nhớ đến gia đình, nhưng không bận tâm lắm vì tôi nghĩ số phận đã an bài, mình muốn cũng không được nên cứ để cái gì đến sẽ đến. Buồng có giấy, ai cũng chăm lo đánh giấy, nhiều hôm tôi nhìn quanh, trông mọi người ai cũng hốc hác bơ phờ vì phải đánh giấy từ sáng đến chiều không có thời giờ đi tắm, đến khi chập choạng ai cũng nhác lạnh, sợ tắm đêm sinh bịnh. Ở tù, phải biết giữ gìn sức khoẻ. Mình đau yếu mình thiệt, hơn nữa chẳng ai gánh bệnh cho mình được. Đánh giấy tôi thường bị đau lưng, tôi cố chịu. Nhưng tôi rất khó chịu khi nghe giọng thằng kiểm giấy, cất lên “ồ ồ…”. những câu rất khó nghe và luôn tỏ vẻ ta đây là ghê gớm nhất trong buồng. Nhưng chưa bao giờ nó nói với tôi những câu trịch thượng và thái độ của nó cũng không quá hỗn láo khi kiểm giấy của tôi. Trong buồng tôi có hai người lớn tuổi ít thăm nuôi. Hai người đó phải sống “sô lô” một mình. Khi tôi đánh giấy rành rồi, tôi thường cầm cọ sang đánh giúp họ. Tôi coi đó là sự giúp đỡ tinh thần. Còn về vật chất, thi thoảng tôi cũng giúp họ, mỗi người ít con cá bống kho khô, vài con tôm, lát thịt, chút mắm, muỗng ruốc…Tôi coi đó là công phu làm việc thiện, một trong những pháp môn tu tâm luyện tính của nhà Phật mà ba tôi đã dạy cho chị em tôi hồi con nhỏ, nhưng chúng tôi đã không chịu tiếp thu. Thường ngày, thằng kiểm giấy và thằng buồng trưởng luôn hoạch hoẹ hai người tù không có thân nhân thăm nuôi đó. Chỉ vì hai người đó không có kẹo, bánh, trà, thuốc, thức ăn chuồi cho chúng. Chúng thường tăng giấy khi họ thiếu bạc. Nghĩa là chúng đè ai được thì đè. Nhiều người ở tù quen, đã nói với tôi: “ Muốn tồn tại trong tù phải có hai điều, một là tiền che thân, hai là lấy sức che thân”. Tôi ức lắm, có lần tôi định đánh nhau với bọn đó. Nhưng phải nín nhịn khi nghĩ những tháng tù tôi chưa trả hết, còn dằng dặc phía trước. Và cũng nhờ bọn hắn có phần ngại tôi. Tôi mà thiếu giấy, tôi lên lấy ở chỗ buồng trưởng. Buồng trưởng đưa ngay, hoặc nói nhẹ nhàng nếu đã hết. Bọn chúng cũng không dám “lấy khan” của tôi một cái gì chúng thích, cần lắm thì mượn rồi trả đàng hoàng. Tôi cũng không thèm luồn lách xin xỏ chúng gì hết. Khi có thăm nuôi, có đồ ăn ngon tôi cũng không cho chúng mà cho những người thiếu thốn hơn mình, thà vậy có tình hơn cung phụng cho chúng. Rồi Thảo đi trại cải tạo của Cục. Nhóm tôi còn bốn người. Tôi không thích Quốc và Hội bởi chúng hay chuồi lên bọn buồng trưởng với ý mong bọn bớt giấy cho tụi hắn. Trước khi đi, tôi đã nghe Thảo kể về hai đứa hắn từng làm như thế. Thảo cũng như tôi, không thích chui lòn ai hết.

Ngày giờ qua nhanh, tâm trí tôi tập trung vào các cục giấy, mỗi giờ một vơi đi, lưng và chân tê cứng đau nhức. Ngày ngày cứ có thông tin gì về giấy má là cả buồng rộ lên. Nhưng thông tin giả thì nhiều. Cho dù có buồn ngủ mấy đi nữa cũng phải thức dậy để gom giấy bó lại thành một cục một ngàn tờ để đưa ra tự giác. Mới lờ mờ sáng đã nghe thình thịch tiếng chân giậm giấy, thật là mệt mỏi. Một ngày làm hơn mười tiếng đồng hồ mà thu lợi cho toàn trại có bao nhiêu đâu. Tôi cứ đặt câu hỏi với riêng mình, sao trại không tìm việc gì làm khác hơn cho phạm nhân? Làm giấy này không thu nhập cao, ô nhiễm không khí thì khỏi phải nói, bụi bay đầy trong phòng khi có nắng chiếu vào. Nhà có gửi vào cho tôi một khẩu trang và dầu xoa đau lưng. Dầu tôi dùng, còn khẩu trang tôi cất. Tôi nghĩ, thời tiết lạnh, ẩm thấp có lẽ tốt hơn nắng nóng. Hơi ẩm có thể đè bụi lắng xuống bớt. Còn nắng không bốc bụi lên dễ gây ghẻ lở tùm lum trong người tù nhân. Tôi chưa bị ghẻ. Khi tôi đánh giấy thuần thục rồi, đêm đêm có dư thì giờ ngồi uống trà và ăn kẹo lạc nhìn ra khung cửa sắt mà lòng thèm khát tự do và nhớ vợ vô cùng.

Nhờ có việc để làm những ngày trai giam tỉnh qua nhanh. Tôi béo phì ra nhưng lưng và chân đau nhức vô cùng. Mệ nội gửi cao vào cho tôi thoa, cái lưng tàm tạm bớt. Dù tôi chưa nổi ghẻ nhưng ớn lạnh khi nhìn từng bọng vẩy trắng nổi đầy trên thân thể mấy người quanh tôi! Nhóm tôi thêm hai người nữa. Một người nữa là bảy người. Bảy số phận khác nhau chung một cảnh tù. Thỉnh thoảng cũng xảy vài chuyện nhỏ. Có thể do tính tình không hợp nhau dẫn đến lời qua tiếng lại mang tính kích động, dần dà đi tới đánh nhau! Chuyện Cu và Thắng anh của Lợi đánh nhau vì hơn thua nhau miếng ăn. Tôi và Cu ra ở riêng. Tôi không thích thằng Thắng bởi tính nịnh hót của hắn. Hắn không giúp đỡ cho anh em trong nhóm, lại đi đánh giúp cho nhóm khác chọc tức bọn tôi. Hai đứa tôi lên sống trên ca rê phía trái. Có chi ăn nấy, buồn vui chi cũng không than phiền nhau, dễ chạm tự ái. Tôi và Cu rất hiểu nhau, có lẽ do đã quen nhau ngoài đời nên sống chung với nhau ở đây chẳng xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Cu ra tự giác. Tôi buồn bã ở lại đây với những thằng bất hảo và bất ưng ý cũng ráng chịu đựng. Ngày Cu ra ngoài cũng là ngày tôi được gặp mặt thăm nuôi. Cu nhìn tôi rầu rĩ, tôi ngơ ngác nhìn theo dáng Cu đi qua buồng ca sô lầu. Trở vào buồng tôi dọn dẹp đồ đạt gọn gàng treo lên rồi ngồi thẫn thờ. Tôi dự định sống một mình. Tú lên sống với tôi. Ba ngày Tú đã lên trại cải tạo. Tôi càng buồn hơn và tự hỏi chẳng lẽ bạn bè không sống với tôi được hay sao? Có phải tại tính khí tôi quá khó chịu như cụ già lẩm cẩm hay số phận tôi bắt buộc tôi phải sống cô đơn một mình!? Những thằng bạn từng thân thiết ngoài đời, những thằng hợp tính mới quen trong tù đều đi hết. Buồng bảy vẫn đầy tù nhân nhưng lòng tôi buồn rười rượi vì chẳng biết tâm sự cùng ai. Ở tù, không có bạn, tôi coi đó là một bản án trừng trị tính độc đoán, khó chịu của tôi, cho dù tôi có lòng thương người bất hạnh. Tôi chỉ còn cái thú ngồi một mình đọc sách, báo và uống trà. Ngay từ khi ở lao tạm ba tôi đã gửi cho tôi qua quản giáo một chồng báo các loại. Tôi xin ba tôi các loại báo công an. Tờ An ninh Thế giới, khi chưa bị bắt tôi mua đọc đều. Tôi thích tờ An ninh Thế giới bởi chữ nghĩa ngắn gọn, súc tích, cập nhật nhều thông tin mới và thường có những vụ án tầm cỡ không lọt lưới trời của pháp luật. Trong thời gian trốn truy nã, tôi siêng đọc An ninh để răn mình, vào tù tôi đọc để an ủi, học tập và tin tưởng vào sự khoan hồng của Nhà nước đối với người lầm lỗi biết quay đầu phục thiện. Bản án “tép riu” của tôi so với các đại gia, làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng thì chẳng thấm vào đâu, cho nên tôi có quyền hy vọng.

Tôi ăn một mình cũng quen. Những bữa ăn tuy không hứng thú như khi sống chung với bạn khác, nhưng tôi chẳng bận tâm vì thế. Mấy hôm nay buồng nghỉ đánh giấy, đêm nào tôi cũng thức uống trà và bày xâm trổ. Vì sở thích quái đản của tôi, tôi xâm một hình rồng ở bắp chân trái. Tôi biết, xăm như vậy người thân không đồng ý. Đây là tính ngoan cố của tôi mà ba tôi từng mắng khi tôi ở với ông. Tôi cũng không hiểu tôi xâm sẽ được gì cho bản thân. Điều tôi biết rõ nhất vợ tôi sẽ buồn!? Chẳng lẽ tôi không biết thương vợ và người thân sao? Xăm trổ đau chứ nhẹ nhàng gì. Có lẽ tôi buồn và cái tính bất thường thâm căn của tôi. Hôm nay nhận thêm tân binh. Một tân binh vào buồng bảy. Trông hắn ít nói, thích sống nội tâm? Hắn được đưa ngay đến chỗ tôi sau khi trả lời mấy câu hỏi của buồng trưởng và tù cũ. Tôi đang ngồi xăm cuối phòng. Tôi nhận hắn về sống với tôi. Hắn nói hắn sinh năm 1985, tên Tuân, ở Bờ hồ. Hắn cũng biết Cu. Vào mấy ngày rồi mà hắn chẳng chịu làm quen với ai. Ngồi lặng thinh một chỗ. Tôi nghĩ hắn đang ăn năn vì một phút hăng máu đã đẩy hắn vào tù nên tôi để yên cho hắn tự do buồn nãn. Tôi thích tính ít nói và bản án giao thông phạt 36 tháng của hắn. Án giao thông chứng tỏ hắn không phải đầu trộm đuôi cướp. Dù án phạt bình đẳng với các phạm nhân nhưng tôi vẫn ghê người khi biết kẻ nào mang án giết người, án chính trị, án hiếp dâm… Những ai án do đánh lộn, tại nạn giao thông, tôi thấy người đó đỡ sợ hơn. Nhưng hắn có tật tôi rất ghét là thích ăn và ngủ. Tôi bày vẻ cho hắn, thậm chí sai hắn, hắn cũng không làm, mà đâu có nặng nề gì, chỉ rửa chén, chùi chỗ nằm trước khi ngủ. Vậy mà hắn à ơi, trốn tránh! Ăn xong hắn nằm đại ra ngay chỗ vừa ăn, ngủ luôn. Tôi bảo ăn xong nằm liền dễ đau bao tử. Hắn trả lời cộc lốc: “Quen rồi!”. Tôi chẳng thèm nói đến cái thằng đại lười biếng này nữa. Mai mốt hắn cứ như vậy lên trại cải tạo sẽ biết lễ độ và khó giảm án. Mấy hôm sau có thêm một tân binh nữa. Anh tên Luận, lớn hơn tôi năm tuổi, làm nghề lái xe. Anh bị tội cá độ bóng đá, vào tù thật lãng nhách! Án phạt anh sáu tháng. Tôi không nhận anh về sống với tôi, nhưng buồng trưởng đến nói với tôi là cho anh ở với tôi, tôi phải đồng ý. Vậy là, nhóm tôi ba người, tôi, Tuân và anh Luận. Anh Luận vào tù mà cứ chạy quanh buồng, hết đánh cờ lại đánh bài. Cờ và bài ở đây được làm bằng két mì khô. Nhờ vậy, anh nhanh chóng có nhiều người quen. Bên nhóm Quốc có hai người. Thắng và Lợi đã đi trại. Tôi muốn chuyển qua sống với Quốc. Khi tôi chưa kịp dọn qua ở với Quốc cũng là ngày có giấy đưa vào đánh lại. Nghỉ một thời gian không biết tôi đánh lại có nhanh như trước không? Trong khi tôi phải kèm hai tân binh nữa. Nhất là thằng Tuân đại lười nhác. Chiều nào Quốc và Khánh cũng qua vớt cho nhóm tôi, nên nhóm tôi không phải đánh đêm như đợt tôi mới tập làm. Anh Luận ra tự giác. Nhóm còn bốn người. Tuân đi xuống dưới ở, nhóm tôi còn ba người. Cu hết án tù ra về. Cu trở lại đôi thuốc và rượu cho tôi, anh em lấy móc ném ra ô cửa sổ câu vào. Rượu câu được, thuốc thì không. Anh em trong buồng đành uống rượu không thuốc. của Cu đối với anh em rất quý. Cứ được đà đó nên tôi và Quốc giầm một thẩu trái cây để lên men uống cho đỡ thèm rượu. Dạo này, giấy tôi đã lên hai trăm tờ. Mấy hôm sau, lại có hai thằng chuyển vào buồng bảy. Cũng được buồng trưởng đưa đến sống với tôi và Quốc. Hai thằng đó dưới ca sô chuyển lên. Trước họ ở buồng bảy cũng từng đánh giấy. Hai bạn mới đánh rất nhanh và đỡ đần cho nhóm nhiều việc vào đầu giờ chiều.

Không hiểu sao mấy hôm nay trong lòng tôi có điều gì vui vui. Tôi ngồi dựa lưng vào tường, nhớ lại cuộn phim bảy tháng tôi xa gia đình. Mới ngày nào bị bắt lơ ngơ vào lao tạm, chưa biết gì về tù tội, giờ đánh giấy thuộc loại giỏi và thuộc hết các kiểu xảo trá của tù hình sự. Không biết đã đến ngày vợ tôi sinh chưa? Quốc pha trà rồi bày ra mấy cái kẹo lạc. Tôi ngồi bên của sổ hát. Trong buồng giờ này không còn ai đánh giấy nữa. Họ tụm năm, tụm ba nói chuyện tếu. Đầu giờ chiều tôi đang đi vệ sinh, tự giác gọi tên, tôi tưởng được gặp mặt gia đình ai dè có tên lên trại cải tạo.

Mới đầu tôi cũng vui vì không phải đánh giấy nữa. Nhưng rồi tôi hồi hộp vì không biết điều gì sẽ đến. Cuộc sống tôi rồi sẽ đi đến đâu khi lên trại mới? Chiều nay nắng gắt. Cùng chuyến xe với tôi có Tài, Dũng, Huế. Cái gì chờ đón những con người trên chuyến xe này đây? Đường lên trại cải tạo ngang khu vực có nhà tôi. Tôi ngắm nhìn phong cảnh lướt qua ô cửa xe, trong tư thế hai tay bị còng. Đường sá dạo này được sửa sang thật đẹp. Đã gần năm năm rồi, tôi mới được nhìn lại con đường thời niên thiếu của tôi. Ôi con đường thân thương, đầy kỷ niệm buồn vui của một thời tuổi nhỏ trong sáng. Tôi ao ước xe dừng lại vì một lý do nào đấy, để tôi ngắm khoảng thời thơ ấu của tôi lâu hơn. Nhưng những vòng xe vẫn vô tình lăn nhanh. Xe qua ngoại ô một đoạn, bắt đầu leo lên mấy con dốc dài vắt qua đồi cao nghệu. Có đoạn là rừng mới trồng xanh ngút, có đoạn hoang vu đồi dốc chơ vơ, có đoạn bỗng xôn xao tiếng nói cười của cư dân bán sơn địa. Lần đầu tôi đi trên đoạn đường dẫn lên dãy Trường Sơn huyền thoại. Đáng ra tôi rất vui thích vì được đi trên vùng đất anh hùng của thời máu lửa. Những trận huyết chiến giữa bộ đội Giải Phóng Quân và quân đội viễn chinh Mỹ còn vang dội tới giờ. Trái lại, tôi chẳng vui sướng gì khi được chở trên chuyến xe giải tù bất đắc dĩ này! Xe chạy đến con đường vào trại, hai bên đường liên tiếp nhau những rấy sắn bạt ngàn nhấp nhô, tít tắp. Xa xa bên miệng hồ và chen lẫn trong nương rẫy là những phạm nhân đang lao động. Họ cần mẫn dưới nắng chiều oi bức, trong bộ đồ tù mà tôi tin chắc chẳng ai muốn mặc vào người bao giờ! Xe chạy chậm và dừng trước cổng trại. Xung quanh xe đầy các chiến sĩ công an vũ trang. Bên ngoài cổng trại nhiều phạm nhân đang lao động trong nắng quái chiều tà, làm những con người đang ngồi trong xe thêm hồi hộp! Tôi tự trấn an, cái gì đến sẽ đến, công thưởng tội hành đó là điều tất nhiên, đó là định luật của cuộc sống! Nhưng tôi tin chắc những phạm nhân cùng chuyến xe với tôi, ai cũng sợ hãi giống tôi. Tôi tự hỏi, sức mình chịu nổi không nhỉ Chúng tôi xuống xe, đứng khép nép túm tụm vào nhau chờ gọi tên vào trại theo sự chỉ dẫn của cán bộ. Nhận số tù, tôi theo chận Phụ thị đi vào buồng mười, xong thủ tục nhập trại. Ôi! cảnh vật và con người nơi đây đã làm tôi lo lắng gấp bội! Hôm sau, bọn tôi không được giao tiếp một ai, ngồi gọn một góc học nội quy. Tôi gặp những đứa bạn cách nhau sáu, bảy năm về trước trong rừng người tù đó là Minh và Tiến. Hai bạn chào hỏi tôi qua loa. Sau đó, Tiến và Minh lén đôi thuốc cho tôi hút.

Ngày này là ngày con tôi chào đời theo sự tính toán của gia đình tôi. Chung quanh con nhiều người thân nghe tiếng khóc chào đời của con, nhưng tôi thì không, thôi đành tưởng tượng vậy con à. Ba không nghe con khóc, không nhìn thấy đứa con thân yêu của ba rúc vú mẹ! Thật tiếc cho ba đã không đoàn tụ trong ngày trọng đại đời con. Xin con tha thứ cho ba!

Tôi đi đào đất ruộng, mỗi lát cuốc chạm vào đất nẩy cả lồng ngực. Cuốc một hồi, mồ hôi tươm ra như tắm, cả người mệt nhoài, tôi gần như ná thở! Do tôi chưa hề cầm cuốc, cuốc đất. Nơi tôi sinh ra trên một mảnh đất thừa thẹo sau lưng nhà ông bà nội. Chung quanh nhà chú thím quần tụ. Đi ra đi vào chạm mặt đều đều, nhiều khi đâm khó chịu. Biết lấy đất trống ở đâu để trồng rau quả cho tôi quen cuốc xới. Tôi tập thể dục, ngồi thiền, nhưng ở lâu ngày trong bóng mát, không được giang gió mưa, đẫm nắng hằng ngày, cũng như công tử bột thôi, nên chi giờ mới mau mệt vậy. Cũng tại mới lên đây, được lao động, tôi muốn làm cật lực, đến nổi sáng hôm sau thức dậy cả người mỏi mệt và hâm hấp sốt. Minh nói:

- Trông mi lờ đờ như mất hồn.

- Tau mới ra lao động, hôm qua cuốc đất hăng quá, chưa quen. Hay tau bị cảm nắng không biết nữa?

Minh khuyên tôi muốn cố gắng, cũng cố gắng từ từ, ở tù mà. Tôi nhìn trộm nó, thấy nó chững chạc ra phết. Nhớ hồi đi chơi với nhau, tôi thường đầu têu trong nhóm, tôi thường ăn hiếp nó vì nó hiền. Nhất khi nó ngồi ôm đàn trông rất nghệ sĩ.

Hôm sau, đội tôi lại đi cuốc đất. Tôi chăm chỉ cuốc, cố gắng thở đều và sâu cho lâu mệt. Những người vào trước cũng hỏi tôi những câu quen thuộc như : “Ở đâu?”, “Làm nghề gì?”, “Có vợ chưa?”, “Bị tội gì?”... và họ bày cho tôi những điều tôi chưa hiểu. Cả cách cầm cuốc, cuốc xuống đất lưỡi cuốc nghiêng như thế nào cho nhanh. Tôi thầm cám ơn những lời chỉ dạy của họ. Ở đây nhiều việc tôi chưa từng làm.

Mấy hôm sau đội tôi đi nhổ cỏ trong các rẫy sắn. Những đồi sắn xanh tươi bạt ngàn, lấp thấp gần ngang đầu người. Dưới chân vồng và rảnh chia ra từng luống chạy tít xuống chân đồi toàn cỏ dại. Buổi sáng trời dịu mát, anh em cặm cụi nhổ cỏ. Tôi tích cực làm và học hỏi mọi người để nhổ nhanh hơn. Từng bụi cỏ nhổ lên, dồn giữa luống lô, người khác hốt đi. Khi nghỉ tay, tôi có dịp ngắm quang cảnh. Phong cảnh tuyệt đẹp, nhờ sức người vun vén tôn tạo giúp thiên nhiên vốn tươi xanh càng lộng lẫy, mượt mà. Lần đầu tiên tôi mới được thấy những đồi sắn và những bãi mía xanh mướt, suốt ngày lao xao truớc những cơn gió từ Trường Sơn thổi về. Giá mà tôi được tự do, tôi sẽ chạy giữa những đồi sắn, sẽ la hét, sẽ tung tăng giữa những ngọn đồi ngập lá xanh, để tận hưởng sự trong lành và vẻ đẹp hoang lộng, hoành tráng của thiên nhiên.

Công việc của đội đều đều không có gì đổi khác. Có khác là khi nhổ cỏ chỗ này mai chỗ kia. Ở đâu cũng đầy cỏ và đủ loại cỏ. Cỏ tranh khó nhổ nhất. Cỏ trinh nữ dễ nhổ nhưng thân lá của nó đầy gai. Mặc dù đã được bạn tù chỉ cách lấy cỏ cuốn cỏ để bớt gai đâm vào tay, nhưng hai tay tôi vẫn bị không biết cơ man gai trinh nữ đâm vào, đau xót và nhức nhối. Và thêm một nỗi khổ mà ai cũng chịu như nhau. “Chạy trời không khỏi nắng ”! Mặt trời lên cao, nắng nóng càng hừng hực dội xuống. Mồ hôi bọn tôi tươm ướt áo. Cả người tôi nóng nực, nhưng tôi lao động không thua sút đồng phạm. Có nghĩa tôi đã nhanh chóng thích ứng với môi trường và quen với lao động nơi đây rồi. Thật tình, những hôm mới vào tôi rất sợ, nhưng khi xông trận, thì thấy công việc không nặng nhọc mấy. Tôi chịu được! Những vất vả, khó chịu ban đầu cũng qua mau. Cũng nhờ khoẻ trong người nên tôi luôn vui vẻ, niềm nở với mọi người. Chiều chiều về nhập trại, tôi tắm rửa, rồi đi tìm mấy đứa bạn cùng quê. Cả bọn ngồi bên nhau uống trà tâm sự với nhau cho đến khi hết giờ mới chịu chia tay nhau vào buồng. Đôi khi tôi thấy ở tù cũng vui, ấm cúng như anh em công nhân đi làm một công trình nào đó xa nhà.

Bàn tay phải tôi tự nhiên sưng đỏ. Tôi không nhớ bàn tay tôi bị gai trinh nữ chích hay bị trầy xước khi lao động? Bàn tay tấy đỏ lên nhức nhối, khó ngủ. Tôi xin buồng trưởng đi khám, anh cũng là đội truởng của tôi, nhìn sơ qua, anh nói:

- Ăn nhằm gì, kiến cắn đó!

Tôi cũng nghĩ như buồng trưởng, ra hiện trường tôi vẫn cố làm. Khi cố gắng không nổi vì mỗi lúc bàn tay mỗi sưng to, tôi làm rất chậm, nắm vào cây cỏ nhỏ tý nhổ cũng không lên. Chiều về buồng ngồi một chỗ măn mo bàn tay mãi. Tôi chợt hối hận, khi ở nhà, đau kiểu này, chưa kịp có tiền đi viện khám chữa, tôi đã la toáng lên. Còn ở đây đành ngồi chịu nhức một cách khủng khiếp mà chẳng dám hé răng.Tối hôm đó tôi không ngủ được. Không ngủ vì nhức tay và sợ người nằm kề đụng tay. Sáng mai tôi được nghỉ nhổ cỏ để đi bệnh xá điều trị. Cán bộ trạm xá khám và cho tôi thốc uống. Mới uống vào một lúc, tôi thấy bớt nhức. Tôi liền nhắm mắt ngủ một mạch. Thức dậy, tôi có dịp nhìn quanh tìm hiểu bệnh xá của trại.

Bệnh xá phòng nào cũng đông người. Vì đông người, gặp nhưng hôm trời nóng rất khó ngủ. Tôi cố dặn tôi, hãy cố ngủ chừng nào hay chừng đó, mai mốt về đội có sức mà lao động. Tại bệnh xá, phạm nhân nào đến khám bệnh, cán bộ khám và phát thuốc buộc phạm nhân uống ngay tại chỗ, không được đem về buồng. Bệnh xá luôn đông bệnh nhân, bởi người này về đội, người khác lại vô, liên hồi kỳ trận. Gần một tuần bàn tay tôi bắt đầu làm mủ, từ màu đỏ chuyển dần sang màu trắng đục trông gớm ghiếc. Tuy còn sưng và nhức nhưng đêm tôi ngủ được. Một bữa, tôi đứng bâng khuâng ở trạm xá nhìn đội đi làm về, tôi thấy nhơ nhớ mà không biết nhớ gì, chắc tôi nhớ cùng bạn bè lao động bên nhau.

Hôm nay, ngày thăm nuôi, đội tôi đi làm về sớm. Tôi vẫn ôm chiếu xuống trạm xá nhận thuốc uống. Chiều đội nghỉ cho phạm nhân được thăm gặp. Thế là toàn trại rộn ràng tiếng gọi trên loa phóng thanh. Phạm nhân kẻ ra người vào nhận quà thăm nuôi vui nhộn. Riêng tôi, ngày thăm nuôi buồn bã qua đi vì gia đình tôi chưa biết tôi lên đây?

Tôi vẫn còn nghỉ bệnh. Thật tình, trong lòng tôi thích đi làm hơn phải nằm ở bệnh xá. Nằm ở bệnh xá chỉ bất đắc dĩ thôi, chứ ai mạnh khoẻ chẳng thích nằm đây chút nào. Các phạm nhân ở bệnh xá, toàn bị các thứ bệnh dễ lây nhiễm và chỗ nằm chật. Tay tôi, chỗ bị sưng tấy có hiện tượng tụ mủ về khe ngón tay giữa và ngón áp út. Nhờ mủ tụ mà mấy hôm nay tay bớt nhức. Ngồi ở bệnh xá, nhìn ra sân tôi thấy đội đang báo số chờ xuất trại đi làm buổi sáng. Không biết đội đi làm ở đâu? Nhưng tôi thấy ánh nắng rực rỡ trên vuông đất, tôi biết hôm nay đội phải trần thân với cái nắng.

Ở đội, tôi có nhận dạy chữ cho một bạn tù. Qua cách nói chuyện và lối sống của hắn hình như thần kinh hắn có vấn đề. Tuy vậy, tôi đã hứa với hắn rồi, tôi vẫn cố giữ lời. Khi hắn cũng nằm trạm xá với tôi. Tôi dặn hắn đem vở lên học, tận dụng thời gian nghỉ bệnh mà học cho biết mặt chữ. Tôi ra bài cho hắn tập viết, vậy mà hắn lu loa với mọi người rằng, đang điều trị bệnh tôi còn bắt hắn học nhức cả đầu, trong khi hắn đang mệt. Thiệt là làm ơn mắc oán. May hắn không biết chữ, chứ biết thì với cái miệng của hắn cũng không vừa vặn gì. Dù vậy, tôi vẫn cương quyết bắt hắn học. Anh em nằm trạm xá thấy hắn ngồi ê a đánh vật với từng con chữ, ai cũng cười thầm. Trong những nụ cười ấy, tôi tin cũng có nụ cười dành cho tôi, cười tôi không lo nghỉ dưỡng, hơi đâu ngồi chăm cái thằng dở hơi học với hành thêm rách việc! Lại nữa, ở bệnh xá đông người, hắn lại nói như sáo cả ngày, tôi nói mấy hắn cũng không nghe, thiệt bực bội. Nhưng tôi vẫn thương hắn, tôi thương vì hắn khù khờ, cho dù tôi có bực tính của hắn một chút, tôi vẫn dạy cho hắn biết chữ để cho hắn viết thư về nhà. Hình như cả bệnh xá ai cũng thông cảm hắn và cũng có vài người lớn tuổi hiểu thiện ý của tôi đối với hắn. Như vậy, tôi được an ủi, động viên rồi.

Hơn một tuần nằm bệnh xá làm tôi chán nản vì không được theo đội lao động. Lao động không chỉ thân thể được cường tráng nhờ nắng gió đất trời, còn được rèn giũa trong lao động, được học tập những kinh nghiệm của anh em và nhưng trải nghiệm cuộc sống do bạn tù mang lại. Lại nữa, ở bệnh xá có lệnh cấm hút thuốc. Tôi thèm thuốc phải lén hút. Nội quy quy định, khi cán bộ bắt được dù bệnh hay không cũng phải về đội đi làm. Tôi định hút thuốc công khai để về đội. Nghĩ lại, làm vậy là dại, sẽ vi phạm nội quy của bệnh xá, cán bộ có thành kiến, ảnh hưởng cho sự phấn đấu lâu dài của mình. Ở bệnh xá cũng có nữ nằm phòng riêng biệt. Các bệnh nhân nam cứ sớn sác lên khi thấy bệnh nhân nữ đi qua. Ánh mắt và cả tiếng nói của họ chạy theo xoắn xít váy phạm nhân nữ. Tôi không mấy quan tâm đến phạm nhân nữ dù trong phòng tôi ai nấy cũng lăng xăng lộ vẻ thèm khát quá đáng. Tôi chỉ thích hút thuốc, những hơi thuốc rình rập, vừa run vừa sợ thật thú vị và ngon lạ lùng. Còn hơn nhìn các phạm nhân nữ ưỡn ẹo lạng qua, lạng về trêu ngươi. Ngày nào tôi cũng chờ tiếng kẻng báo đội đi làm về, lúc đó bệnh xá mới mở cửa cho phạm nhân về buồng. Nhìn đội ngồi chờ báo số dưới dưới nắng chiều lòng tôi cũng nóng lên…

Như quy định của Ban, đúng năm giờ đánh kẻng báo thức phạm nhân dậy vệ sinh cá nhân, ăn điểm tâm. Các phạm nhân đứng tán dốc với nhau một chặp chờ kẻng tập họp, xuất trại. Tôi mường tượng ở đây như một trại lính có mấy ngàn quân nhân Mấy ngàn chiến sĩ bắt buộc răm rắp chấp hành một loạt kỹ luật nghiêm khắc. Anh em dù đầu gấu, đầu đinh, du đãng, trộm cướp cũng không dám cụ cựa, nhất nhất tuân theo mệnh lệnh chỉ huy, “quân lệnh như sơn”, dù muốn dù không cũng phải ra công trường.

Tay tôi nhờ tiêm thuốc đã bung mủ gần hết. Giờ nhìn lớp da co lại, nổi vảy rất dị hợm. Tôi đang ở bệnh xá, bất ngờ lúc chín giờ tôi được gọi ra gặp mặt. Tôi băn khoăn không biết ai lăn lội dưới phố lên thăm mình đầy. Từ xa, tôi đã thấy mẹ tôi, dì Vinh và hai bạn từ thị xã đi tàu xe ra thăm tôi. Mẹ tôi dạo này hơi ốm. Mẹ báo cho tôi mừng là vợ tôi đã sinh một đứa con gái, mẹ tròn con vuông, tôi suýt chảy nước mắt ! Từ nay, tôi là bố rồi! Tôi phải sống xứng đáng một ông bố của con gái tôi. Tôi phải lao động cật lực để được xét về sớm với con thơ, bù lại những ngày tháng con chào đời không có tôi bên cạnh. Thành và dì Vinh cũng ốm, tôi suýt nhận không ra. Nghĩ cũng nực cười, tôi ở tù lao động và đang đau ốm lại mập hơn trước khi bị bắt. Chính dì Vinh nói vậy. Thằng Linh vẫn to cao như cũ. Lên thăm tôi lần này còn có cu Na và thằng Tạo Móp. Nhưng hai đứa phải đứng ngoài. Một lần thăm đông người quá, không vào được. Hơn nữa hai đứa ấy ở đây, thích lúc nào lên thăm tôi lúc ấy. Chiều nhận tin mai tôi đi làm lại, tôi rất vui!

Sáng nay, tôi về đội đi làm sau mười một ngày nghỉ ốm. Dạo này, đội tôi làm cát. Buổi sáng, chờ báo số xuất trại, ra khỏi trại, lên bãi đất trống ngồi chờ xe chở cát của trại chở ra hiện trường. Ngồi khoảng mười lăm phút xe ra, anh em thi nhau leo lên, chen lấn nhau, tìm chỗ tốt để nhìn ngắm người qua đường. Anh đội trưởng lên tiếng răn đe, tình trạng tranh giành nhau trong xe mới bớt lộn xộn đi. Xe chạy vòng vo một hồi, trồi lên thụp xuống, leo lên mấy con dốc, bò qua mấy ngọn đồi mới đến nơi lấy cát. Ở đấy có một dòng suối nước trong leo lẻo, cát nổi hai bên suối tha hồ cát và cát. Mỗi người một việc. Ai nấy hăng hái lao động trong tiếng cười đùa sảng khoải, mặc cho những tấm lưng trần nùi nụi nhễ nhại mồ hôi. Tôi cũng cật lực xúc sau thời gian nghỉ dưỡng và chan hoà chia sẻ niềm vui với đồng phạm nơi sơn khê thoáng đãng. Đôi khi tôi tưởng, tôi là công nhân, chứ không phải đang cải tạo lao động. Chiều không có xe, anh em đi bộ về. Tôi thích đi bộ đường dài, vừa tà tà thư giãn vừa nghiêng ngó quang cảnh chung quanh.

Rồi đội tôi chuyển qua làm khoán đất hồ. Chỉ tiêu mỗi người một ngày hai khối. Đội chia bốn tổ, tôi tổ hai. Việc đào đất hồ đòi hỏi có sức và biết tính toán sít sao mới đạt mức khoán. Tổ tôi toàn những tay lao động “thiện chiến” và không hề nài ní, cãi vã với nhau om sòm như tổ ba và bốn, nên làm rất năng suất. Tôi vác bao đất cùng ba bạn. Các bạn khác xúc đất vào ki và đi ki. Cả đội cắm cúi lao động trong cái nắng chang chang để nghỉ sớm. Những khối đất từ từ khoét sâu lòng hồ. Tuy nơi nầy nơi kia còn nham nhở nhưng đã hiện nguyên hình một cái hồ tầm vóc. Đào xuống càng sâu, chỉ tiêu cán bộ trụt xuống một mét khối tám. Nhưng vì đất đồi cứng và nhiều đá, anh em khó đạt khoán. Hơn nữa, những người khiêng ki và vác bao đất phải lội nước lõm bõm, chẳng biết nơi nào bằng phẳng để đặt chân tránh, nhiều khi đi đại vào những hố nhỏ sục bùn và khi chuyển đất lên các bậc cấp trơn trợt lắm người bị té. Đất đổ xuống, anh em lại xúc lên nên không thể nhanh được. Nhưng mỗi ngày, đất trong lòng hồ được lấy đi ngày càng sâu, càng gọn đẹp. Tổ tôi được anh đội trưởng khen. Đôi khi chưa đủ chỉ tiêu, anh cũng cười xoà cho đạt. Cái hồ này có bốn đội làm. Những đội mới bắt tay vào chưa quen việc nên ai nấy bê bết bùn đất. Trông họ làm việc uể oải trong cái nắng chói chang, dưới chân lụp bụp nước, tôi cũng thương thương. Còn tôi chỉ mặc quần đùi, ở trần, đầu không mũ, cả người đầy bùn, suốt ngày hì hục vác từng bao đất nặng trịch leo lên mặt hồ đổ vào chỗ quy định. Ở đây làm khoán đất đào hồ coi là nặng nhất. Tôi đã làm tốt công việc nặng nhọc này một cách suất sắc thì tôi không sợ bất cứ một công việc lao động nào nặng nhọc nào của trại cải tạo này nữa.

Cái hồ đã xong. Chúng tôi xúc đất vun vén ven thành hồ rồi đưa những giống hoa ươm sẵn, trồng quanh. Hồ rộng đẹp ra khi những cơn mưa đầu mùa mang nước về sóng sánh mặt hồ xanh ngắt. Những cơn gió chạy qua hàng trăm con sóng lăn tăn đuổi nhau reo thầm trong không gian yên tĩnh. Mỗi chiều lao động về đi ngang qua hồ, tôi tự hào chúng tôi đã góp sức từ lát cuốc đầu tiên, khai mở trên thửa đất đồi đá núi hoang vu này thành một cái hồ tuyệt đẹp. Thật không tưởng tượng sức người kỳ diệu thế. Nhất là sức của một tập thể đoàn kết bên nhau, theo một mục tiêu nhất định, tất đạt kỳ công. Những người tù bắt tay vào làm một việc gì, dưới sự chỉ bảo tận tình và sáng suốt của Ban giám thị, hết thảy đều thành công mỹ mãn…

Sang tháng khác công việc cũng khác. Đội tôi đi chặt mía. Dụng cụ chặt mía, toàn dao với rựa. Đội xếp hai hàng thứ tự trước sau thong thả đi bộ theo cán bộ quản giáo. Thỉnh thoảng mấy thằng “tiền đạo” xin phép ra khỏi hàng để bẻ củi trưa nấu đồ dùng cho cán bộ. Tụi nó tranh thủ lúc cán bộ quản giáo sơ ý, hái trái cây. Hai bên đường ra hiện trường mùa này nhiều cây trái chín tới. Nào đu đủ, chuối và mít sắp chín rồi cũng bị phạm nhân đội khác tìm cách hái, nếu đội mình không kịp hái trước. Anh em phải hái giấu kỹ, trưa chiều về lấy. Còn mía bạt ngàn, mới nhìn thôi đã nôn nao trong lòng. Thế nào, mỗi đứa tôi cũng được “ép mía” một trận đã đời! Từ khi tôi vào trại đi lao động đến giờ, tôi không hề bẻ trái, hái quả gì hai bên đường. Bởi tôi muốn tự rèn mình. Tôi coi tôi đang học đại học trường đời, một ngôi trường khắc nghiệt như lò rèn nóng bỏng ngàn độ cháy, trui rèn cho tôi và các bạn thành là những những vật thanh sắt sắp hư hỏng thành vật hữu ích cho cuộc sống. Khẩu hiệu của ba tôi viết treo trên tường nhà tôi: “Mọi người hãy làm ra những hột cơm chân chính mà ăn”. Nhưng khi đội chặt mía, tôi cũng bắt chước anh em tranh thủ “ép mía” đến lõng bõng bụng nước mới thôi. Vì tôi nghĩ hành vi này không phải là trộm cắp vặt. Trái lại cán bộ quản giáo có ý lơ cho chúng tôi bồi dưỡng. Có người róc để dành về buồng nằm “ép” lai rai. Tôi không “xơ cua”, thấy khúc nào ngon, chặt để đấy, lúc giải lao ngồi “ép” thoải mái. Đội chúng tôi giàn hàng ngang tiến lên chặt mía rào rào. Nhờ ai cũng được “ép mía” thu nhiều đường cho cơ bắp nên lao động rất hăng hái. Bãi mía đã bị những lát dao của bọn tôi hạ gục nhiều vô kể. Hạ xong, chúng tôi vác ra cân rồi đưa lên xe. Các bạn vừa vác vừa “ép mía”. Tôi chờ xong việc mới ngồi “ép mía”, năng suất “ép” của tôi không thua chúng bạn bao giờ. Tôi không dám lận mía về cho hai thằng bạn đang sống với tôi, tôi sợ vi phạm nội quy buồng. Hai thằng bạn sống với tôi. Đó là Thảo đã sống với tôi hồi trại giam tỉnh và thằng Quý tôi quen qua Thảo.

Cả ngày làm mệt về đến buồng nhìn mặt thằng Quý thêm mệt. Tôi không thích phân tích tách bạch tính xấu của hắn. Thảo cũng vậy, mấy lần Thảo nói với tôi,, Thảo không muốn sống chung với thằng Quý. Nhưng tôi còn chần chừ, thử đợi một thời gian xem nó tiến bộ không. Hầu hết những người phạm lỗi dù vô tình hay cố ý đều gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, tất bị pháp luật trừng trị nặng nhẹ theo tội lỗi họ đã gây ra. Trong số những người cải tạo không phải ai cũng xấu. Cũng có vài người có mầm lương thiện nảy sinh lên trong cái rừng tội lỗi này. Nhưng những người có tâm địa hèn hạ bị bắt buộc phải sống trong xã hội thu nhỏ của nhà tù ; bị ràng buộc vào một số quy chế, nội quy nhất định, lại thiếu thốn mọi thứ, thì càng bộc lộ bản năng đê tiện, tâm dạ tráo trở vì một miếng ăn tầm thường như thằng Quý là tất nhiên thôi! Khi có thăm nuôi dồi dào, tối nào tôi và Thảo cũng bày bánh kẹo và pha trà dọn ra thì Quý xun xoe nịnh hót hai đứa tôi. Bạn bè trong buồng cũng đến “nhà” chúng tôi, ngồi quây quần tâm sự chật chỗ nằm. Khi chúng tôi hết đồ thăm nuôi, chỗ tôi vắng khách! Ngay thằng Quý cũng mất dạng bên nhóm khác và hai đứa tôi lại thấy Quý bày trò nịnh bợ người khác! Thảo rủ rỉ với tôi, thằng Quý phản trắc. Tôi gục gặc ậm ừ:

- Tù tội mà !

Hết chặt mía cây. Đội chặt mía giống. Những đồi mía sau khi thu hoạch toàn cỏ tranh và đầy lùm bụi lau lách. Mía lau thân nhỏ rất cứng. Chúng tôi chặt ê cả tay, năng xuất giảm. Chỗ chặt mía giống um tùm nên đội trưởng cho đội viên rải quanh đồi mía để cán bộ quản giáo quán triệt việc đếm số từ một cho đến năm mươi tư đội viên. Tới phiên ai, người đó vừa chặt vừa la tên mình và đếm số của mình thật to. Vui nhất, khi đếm lộn số hoặc số bốn có người quen gọi số tư, ú ớ đếm lại, làm cả bọn cười rộ lên. Cũng nhờ khuất tầm nhìn người quản lý, anh em tha hồ ép mía. Phải nói bọn tôi ép mía nhiều hơn chặt mía, chỉ cực giang nắng thôi. Chặt xong mía giống anh em vác xuống đồi dồn đống ngoài bãi trống bên triền đồi cao su rồi trở vào giăng dây đào rãnh. Một người cuốc một rãnh rộng sâu đúng một lưỡi cuốc. Tôi lụi cụi làm cho đến lúc mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chẳng thấy mệt. Tôi không ham nói cười như các bạn. Làm và làm để khỏi suy nghĩ. Có thể, tôi đã say với công việc lao động nơi đây. Thật đúng như lời ba tôi thường nói: “Cả ngày được lao động toát mồ hôi, tối nằm ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Lao động không chỉ giúp ta ăn ngon, ngủ ngon, đầu óc ít thời gian tư lự mà còn tăng cường thể lực và hình thành nhân cách mình một ngày một trưởng thành, xứng đáng hơn”. Suốt bao năm tháng lời nói của ba tôi theo gió bay xa, đến khi tôi sống ở đây, lời dạy của ấy mới trở về thầm thì trong tai tôi và cũng nhờ cùng các bạn ngày ngày lao động trong sự dẫn dắt, bày vẻ nghiêm khắc của cán bộ quản giáo, tôi biết yêu lao động, coi lao động là một quyền quý báu của con người.

Mỗi tối thứ sáu hằng tuần buồng tôi sinh hoạt định kỳ. Tôi luôn lặng im theo dõi cuộc sinh hoạt. Đầu tiên đội trưởng nêu lên bốn tiêu chuẩn cải tạo và mười lăm điều nội quy. Đội trưởng phân tích từng ý kiến và nêu lên những ai vi phạm một trong bốn tiêu chuẩn đó. Người nào vi phạm tự nhận sai trái giữa đội, nếu nhẹ phạt nhẹ, nặng phải dùng roi mây. Những ai vi phạm đội trưởng chưa biết, không thú nhận, những thằng không ăn cánh biết được đứng lên tố cáo, thì coi không tự giác! Đây là điều đáng sợ, nhưng chưa sợ bằng những thằng thâm hiểm tự nguyện làm “ăng ten” cho đội trưởng. Muốn ở tù để chóng được về không chỉ chấp hành nghiêm túc tiêu chuẩn và nội quy trại mà còn lúc nào cũng đề phòng những đôi mắt cú vọ của những thằng tù chuyên “đâm sau lưng chiến sĩ” đấy nữa. Đa số chúng ham ăn, biếng làm, nhưng lại giỏi vạch lá tìm sâu, ai vi phạm nhỏ, chúng xé ra to, đưa ra kiểm điểm trước đội để giành sự ưu ái cho mình. Ai muốn phấn đấu, cố lao động thật tốt ở hiện trường cũng phải cảnh giác với chúng, mới hy vọng công sức mình bỏ ra trong quá trình cải tạo không trở thành công dã tràng xe cát biển đông. Buổi họp này, anh em ngồi dáo dác nhìn nhau không nói lời nào. Từ khi về đội, tôi cố sống để không bị ai ghét và cũng không vi phạm nội quy nên tôi không bị “tự kiểm điểm”. Tôi ngồi im lặng lắng nghe…

Cuộc đời tù của tôi nhiều khi cũng thoải mái. Làm mệt thì mệt, chiều thứ bảy ra căn tin, uống cà phê, nghe nhạc sống. Có lúc tặng hoa cho phạm nhân nữ hát hay, rồi cả bọn rộ ra cười vui vẻ. Đôi lúc, tôi cũng lên sân khấu làm đại một bài cho đỡ nhớ nhà. Hôm nay, nhà tôi tổ chức khảm tháng cho con gái tôi. Một tháng con ra đời dài như thế kỷ của cuộc đời ba. Ba chỉ biết cầu chúc cho con ba luôn mạnh khoẻ. Đây là số phận ba phải gánh chịu xa con từ trứng nước. Đến bây giờ ba chưa biết mặt ngang mặt dọc của con thế nào. Tôi giật mình, khi Thảo ngồi bên cạnh hỏi:

- Trông mi thẫn thờ vậy?

- Ngày ni đầy tháng con tau.

- Thôi lên hát một bản đỡ buồn - Rồi Thảo hát nho nhỏ - “Hãy cố vui lên mà sống… Hãy cố yêu đời mà sống… Lâu dần rồi sẽ quên…”

Thảo chưa có vợ con làm sao biết được khổ tâm của một ông bố không được ở bên vợ, khi con chào đời, không được bồng ẳm, nâng niu con khi con còn thơ bé, mà khuyên tôi quên được! Tôi vẫn gượng cười và bảo Thảo đăng ký cho tôi lên hát một bản tình ca…

Một đêm và một ngày qua tôi nằm ngủ đã đời. Sáng nay, tôi tà tà qua Minh uống cà phê tán gẫu rồi mới chịu ra xếp hàng báo số. Ở trong nhóm tôi gồm Thảo và anh Tịnh ở Nghệ An. Mọi công việc việc bếp núc cơm nước khi về buồng đều do anh Tịnh làm nên tôi và Thảo không bận rộn. Không biết sáng nay đội tôi làm gì? Đội làm gì tôi cũng không sợ. Tôi ngồi thả hồn suy tưởng. Tiếng kẻng lại vang lên. Thôi phải ra sân, kẻng đánh rồi! Bước ra sân, tôi thấy ngợp bởi trước mắt tôi cả ngàn người mặc áo sọc. Toàn những con người từng ít lắm một lần gây nên tội lỗi do lười nhác, độc ác, hư hỏng, dại dột và nông nổi thiếu nghĩ suy như tôi. Rừng người này tạo thành một cỗ máy khổng lồ. Nếu để cỗ máy này tự do quay theo quán tính, bản năng của nó, nó sẽ tác oai, tác quái, làm cho xã hội điêu đứng lầm than ngay! Nhưng may, đã có những con người tâm huyết, chấp nhận sống chung với “cỗ máy rừng người” nguy hiểm này nơi sơn khê hoang dã, để lèo lái, điều khiển cỗ máy đi đúng quỹ đạo của nó; giúp rừng người tự gội rửa, tự gạt bỏ những mục ruỗng bên trong, để mai đây gặt hái những lợi ích cho chính mình cũng như gia đình và xã hội. Giả dụ, cứ thả “cỗ máy rừng người” về phố, tức thời ngay hôm đó sẽ có nhiều tiếng kêu than vang vọng thấu trời xanh. Hâụ quả do “cỗ máy rừng người” này thật không thể lường trước được!

Hôm nay, nghe tin làm cát ven dòng sông gần ngoài chợ. Ra đấy, anh em tù được ngắm “đạm đời” thoả thích. Đội giao cho tổ tôi một ngày bốn xe cát. Chúng tôi lấy cát như bắt cá. Cát và nước chảy ròng ròng. Buổi sáng tổ tôi làm được ba xe, ăn trưa, nghỉ ngơi, làm thêm ba xe nữa vượt chỉ tiêu giao, tổ tôi được quyền ngồi hóng chuyện với nhau và tia “đạm đời” đi qua đi lại rất thú vị!


 

    CÒN TIẾP....


 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC