TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





VIỆT HÀ

. Tên thật: Nguyễn Ngọc Thắng
. Sinh : Tháng 7 năm 1964
. 1986 qua Tiệp Khắc làm Thực Tập Sinh ngành Lọc Hoá Dầu tới năm 1990 qua Đức làm việc và định cư tại đây.

. Hiện nay là một chuyên viên kiểm tra hàng mẫu xuất khẩu và nội địa tại hãng sản xuất linh kiện, động cơ xe hơi, xe cơ giới và máy bay...

- Thơ văn như một cái Nghiệp - cái Nghiệp giống bao người vốn dĩ không thể làm kế sinh nhai, nhưng cái Nghiệp ấy như người bạn đồng hành, tâm giao để cùng chia sẻ, tư duy... trong mọi hành trình tha hương...


TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Tuyển Tập CỤM HOA TÌNH YÊU tháng 10-2004; tháng 11-2006 do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản
. Tuyển Tập Thơ Tân Hình Thức 2006 do Tan Hinh Thuc Publishing club –USA xuất bản cùng nhiều Thơ, Văn đăng tải trên các sách báo và văn đàn hải ngoại.



 






Người Bán Diều Tranh của họa sĩ Lê Thương






ĐỎ ĐEN

  I

- Có khi nào mình phản bội lại anh không? - Tiếng người chồng thì thầm bên tai vợ.

- Mình nghi ngờ em à? - Người vợ khẽ trở mình giọng thì thào – Em chỉ làm giả thôi mà?

Vẫn tiếng người chồng, giọng vẻ thiếu tự tin.

- Anh biết! Nhưng không hiểu sao anh vẫn có linh cảm là mình sẽ ra đi vĩnh viễn! Hay mình bỏ ý định này đi?

Người vợ xoay hẳn mình lại, ôm chặt lấy lưng chồng, giọng buồn rầu.

- Nhưng còn chuyện về nước? Còn hai đứa con?

Người chồng khẽ thở dài rồi quay sang quàng tay ôm chặt lấy thân thể nồng nàn của vợ. Họ lại nhập thân như mọi lần như cố quên đi tất cả những trăn trở của hiện tại, có điều lần này họ vùi trong xác thịt của nhau với dáng vẻ vội vã hơn, cuồng điên hơn...

Cả hai đều hiểu những giây phút ái ân hiếm hoi còn lại bên nhau không còn nhiều nữa...

II

Vốn dân làm quán lại "phòng không" nên ít khi An về nhà. Mấy ngày nay trời nóng như rang khiến chủ, tớ mặt nhăn như bị rách. Đứng vạ vật đón khách từ sớm mà mãi gần trưa mới có gã mũi lõ, mặt đỏ văng như gà chọi bước vào quán. Chủ quán mặt đột nhiên tươi rói như ruộng cạn gặp mưa, xum xoe chạy lại đón khách, nhưng khi thấy gã mũi lõ nọ chỉ gọi bia và một chút đồ nhắm rồi ngồi uể oải vừa nhai vừa nốc bia tì tì như mới từ xa mạc về thì những bắp thịt trên mặt lão chủ quán trùng xuống, rồi ỉu xìu như bánh tráng gặp nước. Chờ gã mũi lõ cắp đít đi khỏi, chủ quán sầm sầm lao từ trong bếp ra, miệng lầu bầu văng tục, tay đóng sầm cửa quán. Quay lại gã nhìn đám thợ người Việt từ đầu đến chân một hồi rồi nhăn nhó tuyên bố.

- Đóng cửa hai tuần!

III

Đã lâu chưa về nhà nên An phôn cho mấy người bạn cùng phòng vốn cùng dân làm quán về họp „đại gia đình“. Trên đường về An ghé siêu thị khuân thêm hai két bia rồi phóng xe về nhà. Đang ì ạch bê hai két bia lên lầu ba thì gặp mụ Khanh, hàng xóm, người gầy đét như cá mắm đang bê chậu quần áo vừa giặt, cao vượt mặt đi ngược xuống. Thấy An, mụ dừng lại tròn xoe mắt, toe toét cười:

- Ơ! Ông về hồi nào thế?

An chưa kịp trả lời mụ đã đổi giọng, đầy huyền bí.

- Này, ông biết chuyện chưa?.

- Chuyện gì thế? - An hỏi lại cho phải nhẽ.

Mụ Khanh nhìn trước sau rồi đáp vẻ quan trọng.

- Bà Chung có chửa rồi đấy!

Nghĩ là chuyện đàn bà nên An chỉ ừ ào cho xong chuyện rồi vác bia về phòng, để mụ "cá mắm" ôm chậu quần áo đứng ngẩn tò te ở hành lang.

IV

Khi An chân ướt chân ráo về "làng tị nạn“ mấy mụ chuyên „buôn dưa lê“ trong xóm đã sang tai An rằng vợ chồng Thủy - Chung là "rổ rá cạp lại". Có lẽ vì cả hai đều đã có gia đình và con cái ở Việt Nam cả, nhưng thời cuộc đã xô đẩy họ đến miền đất tư bản màu mỡ này, rồi cũng vì thời thế mà họ tìm đến với nhau… Tuy "cạp lại" nhưng An thấy họ còn mặn nồng và thành đạt hơn những cặp vợ chồng son gấp cả chục lần. Nhiều người bảo: họ đang tranh thủ sống lại những tháng ngày đã mất hoặc chưa từng trải qua…

V

Ngày An kiếm được việc thì vợ chồng Thủy chuyển nhà. Thủy bảo ở đây chật trội và ồn ào quá nên tụi này ra ở riêng cho yên tĩnh. Bữa họ chuyển nhà An và mấy thằng bạn cùng phòng làm chân cửu vạn giúp tới mấy ngày mới hết đồ. Mong được yên tĩnh nhưng ra nhà riêng sống cảnh nhà nào im ỉm đóng cửa nhà nấy cũng buồn, nên nhiều hôm hai vợ chồng lại dìu dắt nhau về quê cũ tán phét. Vốn đã ngoại băm và đã từng làm mẹ nên lần nào „về quê“ mọi người cũng thấy Chung sà vào chơi đùa cùng lũ trẻ. Thấy vậy, một lần mấy mụ hàng xóm nửa nạc, nửa mỡ bảo: Bảo lão Thủy làm đại thằng cu tí cho vui cửa vui nhà. Nghe nhắc chuyện con cái mặt Chung đỏ rựng, miệng tủm tỉm rồi hất cằm về phía Thủy bảo: Ông ý đâu có chịu! Đang ngồi bên bàn uống bia, nghe Chung nói, Thủy rung tít đùi cười rồi quay lại bảo:

Tưởng chuyện gì chứ chuyện vui chơi có sản phẩm thì bu em yên trí.

Nghĩ Thủy bỡn cợt cho vui chứ dân trong „làng tị nạn“ ít ai nghĩ sau bữa đó ít lâu thằng Hoài Nam và con Giáng Hương lần lượt ra đời…

VI

Từ ngày có thêm hai đứa trẻ, Chung nghỉ hẳn việc hãng ở nhà giặt rũ, cơm nước cho chồng con. Nhiều bận đến chơi, An nhìn Chung vừa quát con vừa lau dọn nhà cửa, nhác thấy An, Chung dừng tay quệt mồ hôi trán tủm tỉm bảo: Mệt nhưng cũng đỡ buồn anh ạ! Nhìn nụ cười tươi rói trên môi và ánh mắt ngập tràn hạnh phúc của Chung, An hiểu nàng đã rất thỏa mãn với những hạnh phúc hiện tại. Niềm hạnh phúc ấy sẽ không bao giờ cạn nếu như không có những bức thư gửi từ gia đình… Vào những hôm như vậy cả hai người đều yên lặng. Rồi mỗi người ôm một đứa nhỏ trong tay, ngồi thu lu một xó để hồi tưởng về những gì của riêng mình… Nhưng những giây phút buồn bã ấy cũng chỉ kéo dài được vài ba ngày, bởi hai đứa trẻ giống như chiếc cầu nối liền họ lại với nhau, giúp họ tạm lãng quên những gì của dĩ vãng để trở về với thực tại.

An đã thầm mong cho hai đứa trẻ luôn được sống trong tình thương yêu và hạnh phúc bên cha mẹ chúng, ít ra trong những tháng ngày phải lưu lạc xứ người...

VII

Nhân lúc nhà còn vắng vẻ, An khui đại lon bia, tiện thể nhét một băng nhạc cũ vào ổ Cassette. Chả biết băng rão hay đài dổm mà tiếng nhạc méo xẹo, tiếng ca sĩ cũng èo ợt như người say rượu.

Duyên tình không tròn xa nhau là hơn.

Gian dối chi thêm đớn đau buồn phiền...

Bất giác An nhớ đến lời mụ Khanh "cá mắm" hồi trưa, rất có thể chuyện mụ kể có liên quan đến một bữa cách đây không lâu Thủy phóng xe tới quán An, vẻ mặt quan trọng hỏi vay nóng 2000USD. Thấy An gãi đầu cười hề hề, Thủy cũng gãi mang tai sồn sột bảo: Tôi tính lo giấy tờ ở lại cho bà xã! Biết chuyện, An lựa lời khuyên: Chắc thì hãy làm, không lại giống thằng Hưởng dành giụm mấy năm làm quán rồi đem nướng hết vào con vợ „đểu“ rồi nay nó dọa cho ra tòa, mai nó dẫn thằng bồ đến quán xin vài trăm tiêu vặt. Thủy thở dài, ánh mắt đăm chiêu, một lát sau mới cất giọng buồn buồn: Tôi tính đến bạc cả đầu rồi ông ạ! Ông bảo tôi với Chung còn mặt mũi nào để trở về Việt Nam nữa? Từ hồi Chung sang đây, cặm cụi đi quét dọn một ngày hai ba Job. Được đồng nào là gửi về hết cho chồng nuôi con. Thằng chồng phởn chí cậy có "Liên Xô“ viện trợ sinh ra bia rượu, đề đóm suốt ngày, giờ thì nợ như chúa chổm. Hai đứa con của Chung ở Việt Nam từ ngày biết Chung có người khác rồi có thêm hai đứa em nữa, tụi nó bỏ về ở bên nhà ông bà nội. Còn con vợ tôi, cứ ngỡ nó lành hiền, chân chỉ hạt bột, thương chồng thương con, nào ngờ từ ngày có tiền tôi gửi về hàng tháng nó cũng rửng mỡ, suốt ngày son phấn, chưng diện rồi lại học đòi bao „dân quân“. Chán trò chẳng biết nó nghe ai tư vấn rồi lao vào chơi hụi, chập đề. Rốt cuộc bị tụi nó lừa, giật cho quả hụi, nhà cửa gán sạch sẽ. Nó bỏ đám con tôi bơ vơ, ông bà già một tháng được mấy trăm ngàn tiền hưu, nhìn cảnh cháu nội bơ vơ, các cụ sót ruột đành phải đón về nuôi. Con vợ tôi thì theo thằng bồ ít hơn cả chục tuổi, trốn biệt tăm tích… Nghe đám người quen kháo nhau tụi nó trốn sang Campuchia rồi quẫn quá thằng bồ đem gán con vợ tôi vào nhà chứa… Đời tôi bây giờ giống như canh bạc. Tôi chỉ còn nước nhắm mắt đặt một cửa cầu may cuối cùng thôi…

Bữa đó gã chủ quán nghe An trình bày „hoàn cảnh“ gã thở hắt ra và cũng chịu cho An ký sổ. Cầm tiền trong tay Thủy vỗ vai An nói như tự an ủi mình: Thằng này trông cũng tử tế ông ạ! rồi chẳng kịp chào, Thủy lật đật ra xe, rồ ga phóng thẳng...

VIII

Đang nghĩ lan man thì Hướng và Trọng lạch cạnh mở cửa bước vào phòng. Cả hai mặt mũi xanh rờn như lá chuối.

- Về rồi à? - Hướng hỏi An rồi đi lại giường quẳng một đống những túi đồ loạt soạt lên đó. Quay lại tiện thể gã thò tay tắt nghiến cửa băng Cassette, nhe nhởn hỏi An.

- Ông chuyển típ nhạc da đỏ từ hồi nào thế?

An cười.

- Méo mó hơn không, rồi vươn vai đứng dậy ngó nghiêng đống đồ trên giường, miệng tủm tỉm hỏi Hướng - Sinh nhật vợ hay sao mà lắm đồ thế mày?

- Sinh cái này! - Hướng giơ tay làm một cử chỉ khá tục, nói tiếp - Đồ cho hai cha con nhà lão Thủy đấy. Tháng sau cha con lão phắn về Đông Dương làm khỉ rồi. Tý nữa ông đến đón cha con lão đến đây khật khừ cho vui.

- Nó có xe mà, sao phải đón? - An đáp.

Đang chất đồ ăn vào tủ lạnh, Trọng ngẩng lên giọng khàn khàn.

- Ông quên à? Xe lão ấy bán lấy tiền tậu chồng cho vợ rồi còn gì?

- Ừ, - An đáp - Nhưng OK lâu rồi còn gì?

Hướng chề môi, giọng trì triết.

- Vì OK nên vợ lão mới cắp chiếu đến ở hẳn với thằng tây, giờ bụng lại phưỡn như cái trống. Mẹ kiếp! - Hướng lẩm bẩm chửi thề - Đầu ba thứ tóc, hai đời vợ rồi mà vẫn còn ăn cháo lừa. Vợ con đàng hoàng không sướng tự nhiên lại đi quẳng một đống tiền nhờ thằng khác chăn vợ giùm, thật ngu hết chỗ nói.

Nghe Hưởng to mồm phét lác An định sửa gáy cho gã một trận, nhưng nghĩ sao kìm lại được. An dặn Trọng chuẩn bị đồ nhậu rồi khoác áo, sỏ giầy lao xuống cầu thang.

Anh tính đón hai bố con Thủy.

IX

Cổng nhà Thủy khép hờ. An khẽ mở định bước vào nhà trong thì nghe thấy tiếng ho lẫn tiếng con Giáng Hương, con gái Thủy đang khóc nấc lên, đòi mẹ, kế đó là tiếng Thủy dường như đang ôm con đi đi đi lại trong phòng, rồi vừa ru vừa nựng con bé.

À... ơi!

Thân tôi... tệ bạc... như vôi...

Người ta... thì thế... sao tôi... thế... này...

Đời cha… tưởng thoát… đọa đày…

Ngờ đâu… sống cảnh… lạc loài… dối gian…

Tiếng ru ai oán thốt ra từ một người đàn ông đang bước vào tuổi tứ tuần khiến An chết lặng. Nghĩ mình không đủ can đảm để phá vỡ không khí buồn thảm này nên An đành rón rén khép cổng, lặng lẽ ra về.

X

Ở một nơi xa xôi… hôm ấy cũng có một người đàn bà sắp tới kỳ sinh nở, bồng đứa con trai nhỏ trên tay, nàng dựa bên vòm cửa sổ, nước mắt lưng tròng nhìn xuống dòng đường xuôi ngược, miệng khẽ ru nựng đứa con mỗi khi nó sực nhớ em, tìm bố...





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả và Việt Văn Mới .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC