(Đây là ba bài kệ được trích trong số rất nhiều bài kệ, thơ có nguồn gốc xuất xứ khác nhau truyền lại từ nhiều đời, được chép laị trong sách Ngọc Phả. Vậy đủ biết cái Tâm của dòng họ Đỗ Thái giành cho Tuệ Trung Thượng Sỹ cùng Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, cho cả tín ngưỡng Phật giáo nói chung là rất sâu nặng. Cho đến tận ngày nay, nhiều người trong dòng họ này vẫn là những Phật tử có Chân Tâm...)
* * *
Núi Yên Tử năm Mậu Tý (1258) đã lưu lại cho giới Thiền học một câu chuyện thú vị.
Khi hạ sơn về Đông Triều dưỡng bệnh, Tuệ Trung lập ra ở lộc điền của mình lầu Dưỡng Chân Trang. Nhiều tháng năm ngài dưỡng bệnh và an tâm ở đó.
Vận nước đi tới lần đánh giặc Nguyên Mông lần thứ hai, năm ất Mão (1285). Người em ruột của Tuệ Trung là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh ba quân và Tuệ Trung cũng lên ngựa ra trận. Khi ấy ngài năm mươi sáu, người em thì năm mươi ba.
Tâm trạng của hai Vương huynh đệ trước cuộc chiến có phần khác nhau. Hưng Đạo Đại vương thì bảo năm nay vận nước đánh giặc nhàn và ngài tỏ ra rất bình tĩnh, tự chủ trong việc lo liệu. Hưng Ninh vương Tuệ Trung lại có phần ưu tư, khắc khoải hơn. Có những khi ngài tham thiền, đọc sách ở Dưỡng Chân Trang thâu đêm.
Một lần đi đôn đốc việc quân lương ghé vào trang ấp - bản doanh của Tuệ Trung, biết chuyện, Hưng Đạo Đại vương hỏi:
- Tâm thiền vốn tĩnh vắng, vô ngại sao huynh như vẫn vọng tâm?
Thì đáp:
- Bách tính sắp rơi vào vòng điêu linh. Quả trong ta còn lắm sự.
Lại hỏi:
- Ngoài niềm ấy ra, huynh còn tâm sự gì ?
Thì đáp:
- Cảnh thường lạc của người thiên hạ vốn không nằm trong tay họ, mà lại nằm nơi tay quyền thế của người giữ vị Vương, Công.
Câu trần tình của người anh khiến Hưng Đạo Đại Vương ưu tư.
- Nỗi điêu linh khôn dứt, cảnh thường lạc khó cầm. Phải lo liệu sao đây, hả huynh ?
Thì đáp:
- Kẻ xuất thế, tuy vậy vẫn mang nghiệp độ thế. Kẻ chấp quyền còn nặng nghiệp bằng hai mới phải. Đoạn ngài ứng khẩu ngâm ba câu thơ: Thánh nhân ở giữa thường nhân. Đôi tay băng vết điêu linh. Một lòng giữ lễ công bình, an vui... Rồi hỏi: - Đệ có làm được không?
Lòng Hưng Đạo Đại vương như lửa sáng:
- Lời của huynh, đệ không dám không nghĩ kỹ. Mệnh ấy ở trong tâm thế, ngự trên quyền thế nhưng lại không nằm nơi quyền thế thông thường. Biết làm sao, làm sao cho trọn!
Nghe vậy thì Tuệ Trung hoan hỉ:
- Vạn pháp nhất tính, kiến tính thành Phật. Đạo vậy, đời cũng vậy. Nắm quyền đoạt thế, ấy là nghiệp bá. Nắm quyền mà vô thế đoạt tâm, ấy mới là nghiệp Vương, là Thánh đạo! Đệ ơi, lời đệ đó là lời của Vương đạo, của Thánh đạo rồi đó! Ha ha!
Hai Vương huynh đệ cùng ôm lấy nhau cười vang. Thê thiếp, người nhà thấy vậy cũng tủm tỉm cười theo. Tuệ Trung bèn sai họ đi bày tiệc rượu.
(Theo sách Ngọc Phả, kể từ buổi rời Yên Tử đem theo bốn bức Thiền họa về, tới ngày đánh giặc lần thứ hai đó Tuệ Trung đã lập thê nạp thiếp. Và chính ở bữa rượu này, bà Thiên Cảm Hoàng hậu đã hỏi Tuệ Trung Thượng Sỹ: "Anh tu thiền mà vẫn ăn mặn thì sao thành Phật được?". Ngài đã trả lời, "Phật là Phật, ta là ta; ta không cần thành Phật; Phật không cần thành ta... ". Vì sao khi đó Thiên Cảm Hoàng hậu có mặt ở Dưỡng Chân Trang? Là do bà về Yên Tử lễ Phật cầu an cho Quốc gia trước đại nạn giặc giã, nên có ghé thăm thân mẫu bà Thiện Đạo và huynh trưởng. Còn theo một số sách sử thì ghi câu chuyện này xẩy ra trong nội cung khi Tuệ Trung được vua Trần Nhân Tông mời cơm. Ông Đỗ Thái Sơn thì quả quyết, theo sách Ngọc Phả do chính tay cụ thượng tổ Đỗ Thái Thạch viết mới đúng vì cụ vốn là tiểu đồng và theo ở bên Tuệ Trung học Phật học. Tôi không dám bình luận gì, cứ theo nguyên văn mà ghi lại đây...).
Rượu được một tuần, Tuệ Trung gác chén, bảo:
- Việc nước lần này, đệ nhận đại quyền, mẫu thân lo lắng lắm. Rồi đệ phải có lời khuyên giải cho người yên tâm.
- Dạ... Lần ra quân trước có Thái sư đảm đương. Thái sư là người quyết đoán, ý chí sắt đá lại nhiều kinh nghiệm trận mạc. Nay trọng trách này đặt lên vai đệ. Diệt thù để an quốc! Cần có kế sách lâu dài mới lo trọn được. Huynh có cao kiến gì không?
- Đệ bảo "vận nước năm nay đánh giặc nhàn". Trước lũ đại nghịch cuồng ác vậy, mà định lời vậy, cũng là do cái tâm thế dân tộc xui nên. Người Đại tướng tài lớn, chí cao, tâm sáng thì thâu định được. Trời Nam này có đệ làm Đại tướng gì mà không thắng giặc. Song đệ ơi, giết giặc là phải giết cái chí xâm lăng, chế cái tâm cuồng ác của nó, chứ không phải giết chết cái thân xác tanh hôi của nó. Khi cái thân bị xúc phạm thì cái tâm chí ác càng thêm hun đúc. Với kẻ tiểu nhân gian ác nó là vậy đấy. Động vào thân loại người ấy thì tay mình nhiễm tanh hôi, động vào tâm loại người ấy thì tâm mình vương tà khí. Chớ! Chớ! Báo hại lắm, báo hại lắm đó đệ ạ! Vả nữa, giết giặc thì có thể giết chết được ngàn xác, vạn xác, chứ có thể giết được cái thân xác sơn hà xã tắc của chúng đâu. Đệ cũng nghĩ như huynh đấy chứ!
Hưng Đạo Đại Vương mỉm cười nghĩ thầm, đại huynh nói lời gì, làm chuyện gì cũng lộ rõ cõi lòng lân mẫn. Cái Tâm Kim Cương rắn chắc mà sáng đẹp ấy, quả vừa dụng để rèn nên gươm báu, lại mài nên mực chắp nên bút đề thơ.
- Dụng võ thì dựa vào thổ mệnh, dựa vào thế đất hiểm trở mà lập ra thành lũy. Dụng văn thì dựa vào thủy mệnh, dựa vào sức chuyển động, thấm nhuần vô cùng của nó mà ra vào với lòng người thiên hạ. Người làm đại tướng thống lĩnh ba quân phải là người biết dụng được sức mạnh của cả thủy - văn, thổ - võ mà định đoạt, gây dựng non - sông! Đệ có thứ này, mong được huynh xem giúp.
Tuệ Trung đỡ lấy quyển sách mà Hưng Đạo Đại Vương đưa cho. Xem xong miệng cười hỉ hả mà đôi dòng lệ vẫn chẩy xuống ròng ròng. Một hành động mà người trong nhà rất lấy làm kinh ngạc, họ cứ không tin điều đó lại xẩy trước mắt mọi người, đó là hành động Tuệ Trung vừa khóc vừa cười và lậy người em trai của ngài như tế sao. Hưng Đạo Đại Vương không can giải được thì bèn cũng thụp xuống lậy người anh trai. Xem cứ y như là trẻ nhỏ chơi trò vậy .
(Đó là quyển sách trong viết gì mà gây ra sự tình vậy? Sách Ngọc Phả nói chính là bản hùng văn Hịch tướng sỹ ngài Hưng Đạo Đại Vương soạn năm 1285. Người đầu tiên ở trời Nam này có duyên được thấy trước nhất là Tuệ Trung. Việc đó có Thiên Cảm Hoàng hậu cùng chứng kiến... Phải chăng vì quá yêu mến Tuệ Trung mà người soạn Ngọc Phả đã có ý "vơ vào" chi tiết này? Bằng không, việc thực là thế thì quả con người Tuệ Trung có sức hội tụ những điểm lịch sử lớn lao...)
Cởi áo vải, khoác áo giáp trụ, Tuệ Trung làm phó tướng trong đạo quân của chủ tướng Phó tiết chế Trần Khánh Dư. Đội quân của Tuệ Trung được hợp từ nhóm quân ở Đông Triều và quân hương binh A Lỗ - A Cảo lại. Đó là đội quân tinh nhuệ, lớn mạnh được giao đánh vào trung quân - đại bản doanh của giặc Nguyên ở Đông Bộ Đầu, sau tiếp tục truy kích giặc ở ải Nội Bàng. Chủ tướng giặc là Thoát Hoan bị vây khốn. Tàn quân theo hộ vệ còn lại chưa quá trăm người mà xung quanh thì trùng điệp ngàn vạn tướng sỹ quân Tinh Cương, gươm giáo, cung nỏ, khí thế “Sát Thát” ngút trời.
Trần Khánh Dư vẫy giáo, gọi to:
- Bọn chó kia, chúng bay còn muốn sống không?
Thoát Hoan nói điều gì đó, một viên tướng tế ngựa tiến gần lại thưa:
- Muốn sống nhưng không phải tiếng quy hàng.
Trần Khánh Dư cả cười, chửi:
- Thua vãi cứt ra quần rồi mà còn sĩ hão. Đoạn ngài lệnh cho lính cung thủ bắn chết vài tên để thị uy. Tướng giặc Lý Hoằng cũng chết cùng đám lính ở đó. Vừa lúc, Tuệ Trung phóng ngựa lại, thấy vậy thì bảo:
- Bọn nó là lính mạt trận rồi, sát hại thêm làm gì nữa.
Trần Khánh Dư bảo:
- Nuôi lính cũng như nuôi gà vịt. Giết vài con đãi khách có sao. Nói đoạn lại cười lên ha hả.
Biết Phó Tiết chế nói vừa thực ý, vừa có vẻ chọc ghẹo vào tâm tu thiền của mình, Tuệ Trung bèn xuống ngựa, bỏ giáo, tay không đi về phía bọn Thoát Hoan. Hành động diễn ra mau chóng quá khiến Trần Khánh Dư cùng tướng sỹ nhà Trần không kịp phản ứng sao. Tuệ Trung tới bên ngựa Thoát Hoan và bảo hắn xuống ngựa. Thoát Hoan thấy Tuệ Trung tự tại và ân tình vậy nên cũng không nghi ngờ gì. Ngay lập tức ngài giáng cho hắn một cái tát. Hắn loạng choạng và tức tối rút gươm cầm lăm lăm trong tay. Tuệ Trung cả cười vang động, rồi bỗng nghiêm sắc mặt lại, ngài mắng:
- Ngươi không chịu được cái tát của ta ư ? Sao ngươi không tự hỏi, dân tộc Lạc Việt của ta, bao thường dân hiền lành của ta bị gót xâm lược bạo tàn của các ngươi giày xéo, giết chóc thì họ đã phải chịu đựng ra sao? Những người lính kia kìa, ngài khoát tay chỉ bốn xung quanh, họ đang muốn chia phần thịt của ngươi để đem về lễ vong linh của người thân đó! Thịt của ngươi, của bọn tướng sỹ nhà ngươi liệu có được bằng thịt gà thịt vịt không?
Thoát Hoan ngây người. Uy dũng và tấm tình Tuệ Trung như phát huệ quang giữa nơi chiến trận. Thoát Hoan bỗng quỳ như ngã quỵ, chiếc kiếm cắm ngập xuống đất, rồi cứ thế hắn nức nở. Tiểu đồng Thái Thạch lúc đó tuy đứng xa nhưng vẫn nghe rõ Thoát Hoan khóc gọi tên Đại Cát Tư Hãn, nói rằng thẹn với uy danh Đại Cát Tư Hãn và xấu hổ với người tộc Lạc Việt.
(Sách Ngọc Phả ghi tới đây thì bình, chính bởi vậy mà lần xâm lược thứ ba, Thoát Hoan đã không cầm quân sang đất ta nữa, vua Nguyên Mông cũng chê trách và không tin dùng hắn nữa... Ông Đỗ Thái Sơn quả quyết, chính sử nước nhà đã bỏ qua mất chi tiết quan trọng này. Tôi lấy làm phân vân, người Nguyên Mông quên thì đi một nhẽ; lẽ nào câu chuyện ấy, xẩy ra trước cả ba quân một cách bi hùng thế, mà người làm sử nước nhà lại để sót?).
Theo gương chủ tướng, tất cả bọn tướng sỹ tàn quân cũng nhẩy xuống ngựa quỳ sụp xung quanh Tuệ Trung. Và một hành động cũng không kém phần bất ngờ, Tuệ Trung đến bên một người lính già của tàn quân Nguyên Mông, ngài ôm lấy nó, gạt lệ cho nó và vỗ về như với trẻ nhỏ: "Đừng sợ nào! Đừng sợ nào! Ngoan, ngoan..." Tên lính nọ vẫn sợ run cầm cập, lại thụp xuống rập đầu vái lậy. Tuệ Trung nổi giận quát:
- Mi sợ gì nữa chứ. Sợ cái đầu b... gân cứng hay sợ bị ăn thịt. Lẽ nào con người lại kinh sợ con người đến thế ư ?
Một viên tì tướng giặc, lí nhí đáp lại:
- Ngài còn nói vậy à? Chiến tranh chẳng phải là thứ người ăn thịt người đấy sao?
Câu nói của viên tì tướng nọ khiến Tuệ Trung khóc vang. Và cứ thế ngài dìu ôm tên lính giặc già đi về phía quân Trần. Ngài bảo với Trần Khánh Dư:
- Tha cho chúng nó. Thịt xương bọn người ấy, chó nhà lành cũng chẳng muốn ăn đâu...
Trần Khánh Dư cho là phải, ngài bèn ra lệnh thu quân.
(Sách Ngọc Phả ghi Tuệ Trung nói chuyện bằng Hán ngữ với quân Nguyên và Thoát Hoan, điều này có thể gây sự nghi vấn. Trước nay ta thường nghe nói nhà Trần thời đó có Trần Nhật Duật rất giỏi tiếng Hán, tiếng Chăm và số tiếng dân tộc miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, được đọc một số sách cổ sử và cả những tư liệu gần đây như cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của ông Nguyễn Lang, một số bài viết của cụ Dương Quảng Châu, người Thái Bình… thấy có đề cập việc Tuệ Trung Thượng Sỹ từng sang Hồ Nam, Tứ Xuyên, Trung Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu về Phật học, Lão học, Khổng học. Lại có sách viết, thày truyền Tâm pháp cho Tuệ Trung là Thiền sư Tiêu Diêu - người Trung Quốc. Còn theo “An Nam chí lược” của Lê Trắc, bản thân Tuệ Trung nhiều lần trá hàng, có qua lại bản doanh quân Nguyên... Với những cứ liệu như vậy, thiết nghĩ việc Tuệ Trung trò chuyện bằng tiếng Hán với Thoát Hoan và quân lính nhà Nguyên là có cơ sở.).
Đêm đó trung quân Trần Khánh Dư nghỉ lại ải Nội Bàng. Nhưng tối xuống chưa được bao lâu thì người ngựa đã lại xôn xao ngoài cổng trại. Hóa ra Thoát Hoan cùng đám tàn quân đi chưa được bao xa thì gặp một đội quân của các hào trưởng, thổ ty phục đánh chết mất quá nửa. Quân mai phục thấy trong một cái ống đồng có tiếng động cựa, bèn cậy nắp đổ ra thì bắt được Thoát Hoan. Số tướng sĩ giặc bị bắt giải về tên nào tên nấy máu me, quần áo tả tơi, vẻ mặt thất thần, hoảng loạn. Nhìn thấy Tuệ Trung chúng chạy sà cả lại, khóc như ri.
Tuệ Trung lẩm bẩm:
- Mạng người ở nơi này, xem ra không bằng mạng chó má... Nói xong, thở dài thườn thượt.
Một tướng Trần thấy vậy bảo:
- Thưa, bọn chó này mà thắng trận thì mạng sống chúng ta chúng nó coi như cứt, xơi hết.
Trần Khánh Dư khinh bỉ quay vào bản doanh, bảo lại:
- Phó tướng cứ tùy ý xử.
Tuệ Trung bảo với các bộ tướng của mình:
- Hôm trước ta cũng muốn cho bọn nó ăn cứt, uống nước đái của trẻ con nước Nam.
Nhưng... giờ đây thì thôi. Còn cơm canh gì mau đi lấy cho chúng ăn. Xem ra sắp chết lả cả rồi...
Tối đó, riêng Thoát Hoan thì được ngài mời cơm, đãi rượu. Khi người lính hầu chế rượu ra hai bát, nâng bát rượu lên ngài bảo:
- Ông ạ, vạn người đã chết. Bao người ngoài kia vẫn đang tìm giết nhau. Rượu này là máu, cơm này là thịt xương đồng loại. Ta mời ông cùng ta xơi, nào!
Thoát Hoan cúi mặt, không đáp lời mà cứ thản nhiên ăn uống. Hồi lâu mới chống đũa hỏi:
- Nghe nói vua tôi các ngài chuộng đạo Phật lắm, phải không?
- Phải…
- Phải ư ? Ta đã lầm ư ?
- Ông lầm, là lầm ở chỗ nào ?
- Ta bảo với Đại Hãn rằng, chiến trận là cơn bão lớn, lòng từ bi của đạo giáo là cánh diều con. Ta sẽ dứt hết mọi cánh diều Nam Việt để cho trẻ con Đại Nguyên chơi.
Tuệ Trung bỗng cười vang, tiếng cười nghe đã bớt mùi máu trận:
- Ông nói năng chả khác nào một thi sĩ. Nhưng cách liên tưởng thì nhầm. Đạo giáo không phải là cánh diều mà là tiếng sáo diều. Âm thanh của sáo diều đã vang trong không trung thì gió càng lớn - cái ác lớn - càng thêm đưa âm thanh đó vang xa mà thôi. Ai đủ sức dập được âm thanh của trời? Nhưng... Liên tưởng cho đúng hơn, tình thương, nhân tính nơi con người ta là những cây hoa. Gió bão dẫu có lúc dập vùi, thì hạt từ hoa vẫn rơi vào đất, cây đời lại mọc lên...
- Tôi vẫn không hiểu. Đạo quân của chúng tôi đã đánh bại bao quốc gia lớn, như bọn ngông cuồng nhà Tống đó. Vậy mà chúng tôi đã hai lần đại bại trước nhà Trần, là sao?
- Là vì, vua tôi các ông coi vua tôi, mạng người nước khác như cầm thú, xem đất đai của người ta như bãi cho cừu, cho ngựa các ông ỉa. Ha ha..! Tiếng cười nghe đã có phần vui, ấm hơn. - Và vua tôi những nước bị các người đánh bại đó, họ khinh suất, coi lại bọn các ông cũng y như vậy. Họ cũng muốn nướng thịt các ông trong bếp lò nhà họ, xương thì cho chó gặm, thịt thì đem làm mắm ruốc cho giòi bọ đẻ, da thì đem làm thảm mà ngồi... Chẳng phải thế ư ?
- Quả vậy. Còn các ngài ...
- Vua tôi nhà Trần ta biết rõ nước các ông rất mạnh, cũng biết người các ông rất ác. Cái ác thì cứng rắn. Ông há mồm ra nào, ông cứ há, đừng ngại nào...
Thoát Hoan làm theo. Tuệ Trung trở đầu đũa gõ vào chiếc răng cửa bàn cuốc của tên tướng giặc, bảo:
- Cái ác nó cứng như cái răng này này. Lẽ nào chúng ta lại đem "răng" ra cắn nhau. ấy là cách đối chọi của thú tính. Chúng ta đối xử nhân tính. Chiến tranh chính là nơi cần cho sự bộc lộ nhân tính sâu sắc nhất. Chẳng hạn như ta, riêng ta thì ta dụng rượu. Ôi, rượu rất mềm, rất thơm, rất say sưa nhuần thấm. Ông uống thế đã thấy mềm răng ra chưa ? Ha… Ha...
Lúc ấy Thoát Hoan cũng không giữ ý được nữa, hắn cũng nhăn răng ra cười. Đoạn Tuệ Trung hạ giọng hỏi:
- Các người say chiến tranh vậy để làm gì?
- Để mở mang lãnh thổ…
- Để làm gì nữa?
- Để khuyếch trương tư tưởng.
- Để làm gì nữa?
- Để...
Thấy Thoát Hoan ngắc ngứ, Tuệ Trung nói vang:
- Mọi cuộc xâm lăng đều mang gương mặt chó ghẻ. Bởi hành động của chiến tranh giết chóc, mục đích là chiếm đoạt. Điều này ông biết. Ông rất biết. Nhưng ông không dám thành thực thôi. Khá khen là ông đã không phết phấn sáp, tẩm hương thơm cho nó. Khá khen, khá khen... Rồi ngài ngửa mặt lên trời mà than: - Ôi, chiến tranh xâm lược đơn giản chỉ nhằm chiếm lấy chính quyền để cai trị. Cai trị! Hai từ nghe sướng cái lòng tham, cái tình sân, cái tính si lắm phải không, thưa ông? Những cái ống đồng kia - ngài chỉ tay ra sân - có phải ông đã lấy trộm ở chân tháp Báo Thiên?
Thoát Hoan thẹn thùng gật đầu.
- Ha ha. Nó là thứ để làm gì ông biết không, là những con lăn để người thợ ngõa đưa phiến đá, sạp đồng lên xây dựng các tầng tháp đó. Khác là... giờ đây, trong mấy chiếc ống đồng được bịt chặt hai đầu kia là ngọc ngà châu báu ông vơ vét được của dân ta, đúng không? Xem ra nhiều đấy. Nhưng mai ta sẽ cho ông mang về cả. Cho cả! Với người Việt Nam ta nó chỉ là đồ vật. Với người Nguyên Mông các ông, trong mục đích chiến tranh của các ông, thì nó là đồ thờ phụng. Bao máu đào xương trắng của lính Nguyên Mông, bao dòng lệ tử biệt sinh li của những người thân của họ chẳng phải đã hóa hết vào trong đống ngọc ngà đó sao! Ta tặng ông đấy. Một cái giá rẻ để tiễn chân ông. Thật nhẹ cả người...
Ngài nói mà lệ thì tuôn ra, lăn dài xuống má. Vài giọt rơi cả vào bát rượu, kêu lóc tóc.
Nghĩ sao Thoát Hoan nhoài người đổi lấy bát rượu của Tuệ Trung, ngửa cổ uống ừng ực. Đoạn hắn quỳ xuống, mặt hướng lên trời mà khóc, giọng ồ ồ, ằng ặc như điên dại, nói:
- Lần này thì sức liên tưởng của ngài chưa tốt. Tinh thần "cai trị" là cái dương vật luôn thèm khát cương cứng. Còn đất đai, khoáng vật, bách tính của Người Thiên hạ là cái "tổ" mỹ nữ, sực mùi đĩ điếm. Hơ... Hớ... Ngài ơi là ngài, ta lỡ mất cuộc chơi giang hồ này rồi. Tiếc quá! Tiếc đứt cả ruột!
Tuệ Trung nghe thế thì bật cười khinh khích. Chợt trong ngài hiện ra hình ảnh khỏa thân của nàng Trầm Nga. Cái dương khí cứ mạnh mẽ thức dậy. Ngài kín đáo cho tay vào bóp, miệng chửi thầm: "Bá ngọ mày! Bá ngọ mày!" Rồi ngài nói to:
- Đến bây giờ ta mới thấy ông thành thực. Tuy có kém nhã một tý . Nhưng này này, sao ông ví von Người Thiên hạ trong tinh thần cai trị là cái tổ điếm, mà không phải tổ quỷ hả?
- Nơi nào có tổ điếm thì tất nơi ấy cũng là tổ quỷ. Ta quá hiểu nó mà. Ngài ơi, nói vậy là còn nhã chán, còn nhã chán... Nhưng...
- Nhưng sao? Nói. Nói...
- Bản năng - tính dục, nó là cái cửa ra vào của con người. Mất nó là mất cái thực tại sống. Mất cái thực tại thì cái vĩnh hằng cư trú vào đâu? ối, ngài ơi! Điếm và quỷ là hai thực thể sống rất sinh động... Hi... Hí... Hắn nói và cười đầy ngụ ý.
Tuệ Trung bảo:
- Phải ông muốn nói, con quỷ chiến tranh cũng là thứ con sinh từ cái dục cực đại của cuộc chơi vương quyền chứ gì ? Thiếu nó thì vương quyền cũng thiếu đất sống chứ gì? Ta thanh gươm yên ngựa là để giữ lấy cái vương quyền, chứ gì? Khi cần cũng phải hóa quỷ giết người để giữ lấy cái dục cực đại đó, chứ gì? Ha... Ha... Ta hiểu tỏng cái thâm ý của ông. Này, này. Ông hiểu hay cố tình không hiểu đấy. Cách dụng gươm của ta khác xa cách dụng gươm của ông, cho dù ý chí về vương quyền có giống nhau đi nữa. Đừng đánh đồng giữa chó nhà với chó sói chỉ vì nó có chung tên gọi nhé.
- ối, lời kẻ võ biền này có gì không đạt, xin đại đức lượng thứ cho. Kẻ thất trận này, lẽ thường thì đâu có được ngồi chung chiếu rượu mà luận sự đời cùng ngài được. Nhưng...
- Lại nhưng! Nói. Nói ...
- Kẻ làm tướng trong cơn cuồng vọng thì hám gì? Hám cái ngai vàng! Kẻ có ngai vàng rồi trong cơn cuồng vọng thì hám gì? Hám một xã tắc thành cái tổ điếm tổ quỷ. Hí... Hí... Trong cái thứ tổ ấy dục vọng mới thực được cuồng sôi...
- Này ông, sao ông dùng chữ "cuồng vọng"?
- Là cái vọng động tối cao, thăm thẳm của bản tính dục con người, thưa ngài...
- Nói láo. Ông là tên đại láo toét. Tuệ Trung nói vậy nhưng vẫn cười khinh khích. - Ta có phải đại tướng không? Sao ta không giống như ông nói? Hoàng đế của ta, hiền đệ Đại Vương của ta, không hề mang cái "bản tính" ấy, là sao? Là sao…?
- Nói thế là ngài đắc Tâm không rồi chăng? Cái Tâm, theo cách nói của đạo ngài, gọi là Tâm chứng pháp. Nhưng phải đâu bản tính dục không có không còn trong con người ngài. Chỉ là nó đã được nhìn bằng con mắt Không, coi là hư huyễn, là ung nhọt thôi. Thứ ung nhọt ấy mà vỡ ra, dù vỡ ở đâu theo cách nào thì cũng khó ngửi lắm. Thế nhưng lỗ mũi của hạng người tục nhân, kẻ vọng thế lại cứ lê lết đánh hơi theo nó và bảo đó là hương thơm đấy, ngài ạ. Con người thế tục rất nhiều, nhiều vô kể và mãi mãi còn sống trong cái lỗ mũi, cách đánh hơi ấy đấy. Khốn nạn thay cho cái lỗ mũi của ta - kẻ tục nhân vương giả này... Ta đi tìm cái tổ điếm để thỏa mãn dục tính thì ngài lại đẩy ta vào hỏa ngục để nó thiêu đốt tâm can, ý chí, danh dự của ta. Ngài có giết ta thì ra tay mau mau đi... Hãy cứ ra tay đi. Chớ nghĩ, tha mạng sống mà ta cảm ơn đâu. Ta thù hận ngài! Ngài là người cao thượng sạch trong, không điếm cũng chẳng quỷ ư? Cái cao thượng cũng có kẻ thù, cái sạch trong cũng có căm ghét. Ta thù hận, ta căm ghét ngài ...
Thoát Hoan nói bằng giọng như mê sảng. Ngay sau lời đó, hắn nằm sõng xoài ra chiếu rượu và ngáy vang như sấm. Tuệ Trung nói với những người xung quanh:
- Ông ta chủ ý uống cho say đấy. Ông ta sợ đối diện với cái chết, cũng lại sợ trạng thái sống lủi thủi cúi đầu ra về. Ta hiểu tâm can của ông ta mà. Lời ông ta không phải không có điểm đáng suy nghĩ... Quả là khi nhìn vào thiên hạ thấy nó như cái tổ điếm cho lũ ngọa quỷ đắc quyền tạo tác dục vọng, ấy chính là lúc suy vong cùng cực rồi. Nhân Tâm khi đó lưu lạc, ngay cả tâm linh cũng mất dấu cư trú chân thực trong Con người... Chẳng uổng công cho ông ta uống rượu.
Có người hỏi:
- Hắn bảo là thù hận, căm ghét ngài, nếu ngài tha mạng sống cho hắn...
Tuệ Trung cười xua tay:
- Tha! Tha! Nói thế là ông ta nói căm ghét chính mình đó. Là do cái phần sống cao thượng, trong sạch nơi sâu thẳm bản tính con người ông ta thức dậy, cái phần sống cuồng dục nó soi phải. Gặp phải cái linh ảnh tốt đẹp thì sinh ra hoảng sợ, mà nói vậy. Cứ tha! Cứ tha…!
Nói đoạn Tuệ Trung sai người thu dọn chỗ ngủ. Cái dương khí càng trở dậy, cương cứng. Ngài thở dài, than: "Nàng ơi! Nàng chỉ là cái bóng trăng trong nước, thôi ư? Thể ánh ra sao mà màu ánh sáng, Nàng ơi…!". Và ngủ thiếp đi…
Phần Kết Truyện
Đầu năm Quý Mùi (2003), khu đền thờ nhà Trần được khánh thành tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trong dịp này, tôi được nghe nói nhiều về tên tuổi và hành trạng công đức của ngài Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, có Phật hiệu là Tuệ Trung Thượng Sỹ. Trước đây, tôi đã từng được đọc số sách sử và sách Phật nói về ngài. Nay lại biết thêm hiện ở Đông Triều, Quảng Ninh có cuốn “Ngọc Phả” của dòng họ Đỗ Thái ghi chép chuyện về ngài. Lấy làm lạ, tôi bèn rủ bạn ra Đông Triều tìm gặp chủ nhân của cuốn Ngọc Phả.
Ông Đỗ Thái Sơn vóc người ngũ đoản, quắc thước, tứ chi ngắn ngủn, đen rắn như khúc gỗ lim. Khó đoán tuổi của ông, hỏi thì ông chỉ cười, miệng cười sáng, rạng rỡ nom ông càng trẻ. Nghĩ đây là người có số nhàn, khá giả, tính tình hẳn khoáng đạt dễ chơi. Quả vậy, chúng tôi được ông đón tiếp niềm nở và thết đãi như khách quý. Ông Sơn tỏ ra hoan hỉ khi gặp tôi - người cùng họ Đỗ. Ông lấy làm ái ngại về sức khỏe của tôi. Đôi niềm ấy ông bày tỏ khiến tôi rất cảm kích.
Cuốn Ngọc Phả ông Sơn cho chúng tôi xem khá dày, được ghi bằng ba thứ chữ - chữ Hán, chữ nôm và chữ quốc ngữ. (Phần sau, đôi chỗ còn chua thêm tiếng Pháp - đó là khi viết về những người của dòng họ này sống vào thời Pháp thuộc). Qua chữ nghĩa vậy đủ biết đây là một dòng họ có học. Người khởi viết sách Ngọc Phả là cụ thượng tổ Đỗ Thái Thạch. Cụ Thạch cũng có Phật hiệu là Thạch ẩn Cư Sỹ, cụ học Phật học trực tiếp thày Tuệ Trung. Thật thú vị khi được biết quê gốc của cụ ở trang A Cảo, Quỳnh Côi, Thái Bình, cách không xa quê tôi. Từ nhỏ, cụ đã theo Tuệ Trung làm tiểu đồng. Sau cuộc đại biến năm 1236, cụ theo thầy ra Đông Triều. Nhân thân tác giả như vậy thì chữ nghĩa cũng đáng tin cậy. Song trong sách Ngọc Phả có số điểm trong tiểu sử Tuệ Trung Thượng Sỹ không có (hay chưa thấy?) trong sách sử. Về văn chương, Ngọc Phả được viết khá ngẫu hứng, bố cục chưa thật chặt chẽ. Nói chung, sách dạng “điền dã” như vậy, khi sử dụng không tránh khỏi điều phân vân nghi vấn.
Bản thân tôi khi viết truyện này, sử dụng tư liệu của sách Ngọc Phả, tôi cố gắng bám sát tư liệu, trung thành với nguyên văn được bao nhiêu quý chừng ấy. Có điểm còn nghi ngờ song tôi quyết định vẫn đưa vào truyện. Ví như, điểm sử liệu Tuệ Trung bắt sống Thoát hoan và rồi chính ngài lại đút viên giặc này vào ống đồng, tha cho về. Nguyên văn sách Ngọc Phả có đoạn: "...Sau cuộc rượu say bí tỉ, tướng giặc ngủ lăn. Ngài cũng ngủ miết. Tỉnh dậy thì mặt trời đã đứng trên đầu núi... Ngài bảo với tướng giặc: - Hãy đi đi, cố bảo toàn mạng sống mà về với cái tổ điếm của ông. Viên tướng giặc vẫn chần chừ. Hiểu ý, ngài bèn sai lấy một cái ống đồng và bảo, ông chui vào đây. Tướng giặc bảo, tôi chui vào rồi. Thì ngài cười rũ ra và bảo: - Phải ông đã chui vào rồi nhỉ? Lần này ta in ấn lệnh vào ống, sẽ không thổ ty, quân tướng nào động tới nữa...”. Sách cũng ghi, tướng giặc lấy trộm cả thảy năm ống đồng. Khi đổ ra, bốn ống chứa vàng bạc châu báu, cả tê giác, ngà voi, da hổ... Còn một ống chứa đồ quốc bảo, thư tịch nước Nam ta. Tuệ Trung cho thu lại số đồ quốc bảo, thư tịch và lấy cái ống đó cho tướng giặc chui vào. Ngài in ấn lệnh vào ống, với mấy chữ "Vật hoán Nguyên quân". Bốn ống chứa vàng bạc châu báu, ngài cho tướng giặc như đã hứa...
Việc Thoát Hoan chui ống đồng về nước như đã ghi giản lược theo sách chính sử thì cũng có điểm bất cập. Thoát Hoan khi bị quân dân nhà Trần truy đuổi đến ải Nội Bàng, giết tướng Lý Hoằng, vây khốn tàn quân giặc ở đấy. Từ ải Nội Bàng, theo địa đồ xưa thì đường ra tới biên địa còn khá xa. Đường dài hiểm trở, lại đi lẩn trốn thì không thể đi theo lộ thông dụng, một người một ngựa đi còn khó, nữa là chui ống đồng để lính khiêng hay ngựa cõng, mà khắp nơi chỗ nào cũng có thể là tử địa. Xét vậy, việc chui ống đồng về nước mà không có sự thuận tình giúp đỡ, hay làm ngơ của tướng sỹ nhà Trần thì vô vàn khó thực hiện. Giá sử ghi Thoát Hoan theo gương Tào Tháo cắt râu, quẳng áo bào che mặt mà chạy tháo thân còn khả dĩ được. Vì vậy việc chui ống đồng của Thoát Hoan theo như sách Ngọc Phả viết cũng rất đáng được quan tâm, suy nghĩ.
Lại nghĩ, nếu việc bắt được Thoát Hoan rồi thả cho về, hẳn việc làm ấy không ai ngoài ngài Tuệ Trung. Chủ tướng Trần Khánh Dư không phải người có tâm vậy. Ngài Trần Khánh Dư từng nói đại ý, người làm tướng như chim ưng mà quân dân như gà vịt để nuôi chim ưng... Tâm ấy không hợp với việc nghĩa nhân này. Giết chết Thoát Hoan sẽ gây thêm thù hận, bắt sống đem về thì gây khó xử cho vua Trần. Vậy chủ tướng để cho Phó tướng - Thiền sư xử là thích hợp, có lý...
Về "ngũ bộ thiền họa", thưa rằng, ít nhất một bức họa có thể tin được. Ông Sơn cho tôi xem bức họa mỹ nữ bên cội mai già. Nhờ đó, ở phần một truyện này, tôi đã tả kỹ. Theo sách Ngọc Phả thì bức họa thứ năm đã bị hỏa thiêu cùng với người mẫu. Và cũng theo ông Sơn, ba bức còn lại kia đã thất lạc mất từ xửa xưa, nhiều khả năng nó bị cướp hoặc bị đốt dưới bàn tay Trương Phụ - tên tướng giặc nhà Minh, kẻ ác tinh của nền văn hóa, nghệ thuật nước Nam ta... Tôi ngỏ lời mượn bức họa duy nhất còn lại đó đem về Hà Nội nhờ họa sỹ phục chế, hoặc chép lại nhưng ông Sơn tỏ vẻ nghi ngại. Ông hẹn lần gặp khác sẽ bàn lại việc này...
Tôi nghĩ, nếu xem chuyện Thoát Hoan mới là ngoại cảnh thì chuyện về "ngũ bộ thiền họa" là tâm ảnh của Tâm linh Tuệ Trung Thượng Sỹ. Việc họa tranh nữ sắc khỏa thân, đậm màu dục giới ấy, tôi nghĩ dù thực hay ảo câu chuyện đã bộc lộ phần người của ngài nhất. Nó giúp cho ý chí thần thức ngài đi sâu vào trong nó nhằm phát giác ra phần bản nguyên - gốc rễ của tính người - cội phần mà Phật ngữ gọi là Bản Lai Diện Mục. Tuệ Trung Thượng Sỹ - Thiền sư đã tìm gặp gương mặt muôn đời của ngài, đã ngộ chứng pháp chính từ điểm bản thể nữ sắc đó chăng? Tuệ Trung tu thiền mà vẫn ăn mặn, cầm gươm giết giặc, lập thê nạp thiếp... Nghĩa là, ngài nhập thế tục tới ngưỡng cùng tận mà vẫn đắc đạo thì hay việc về "Ngũ bộ thiền họa" là có cơ sở Tâm học.
Quá trình đọc tìm tư liệu, tôi cũng quan tâm đến tên tuổi của một Công chúa mà vua Trần ép gả cho Thoát Hoan, là công chúa An Tư. Cuốn "An Nam Chí Lược" của Lê Trắc có ghi: Thoát Hoan có với người vợ Việt Nam hai con... Sách Ngọc Phả, đoạn tả về việc bắt và tha Thoát Hoan nói khá kỹ, vậy mà tịnh không có lấy một chữ nhắc về An Tư - người em thúc bá với Tuệ Trung. Cô công chúa đã vì nước quên thân ở đâu trong lúc ấy? Người vợ Nam Việt có con với Thoát Hoan kia, là ai…?
Khắc họa về Tuệ Trung, theo vua Trần Nhân Tông: "Ngài là người có khí lượng thân trầm, phong thần nhàn nhã, phẩm chất cao sáng, thuần hậu...”. Và, “Thượng Sỹ bảo người ta cứ tùy cái tính tự nhiên của mình mà làm, chứ không câu chấp ở cái danh... ". Lại đọc số thơ, kệ của các vị thiền sư nói về ngài, như những câu của Bảo Pháp Quốc Sư: “Tay níu tai Linh Sơn / Miệng nhai tủy Đạt Ma ...”; hay câu thơ của Huệ Nghiêm Thiền Sư: “Hòa cùng ánh sáng ấy / Lẫn cùng bụi bặm kia...”. Xem vậy thì đã rõ được bản cách, tinh thần ngài. Dựa vào đấy mà tôi dựng ngài theo cách của tôi. Tất nhiên, tính cách, phẩm tính của ngài trong tôi - vẫn đúng là ngài. Phần hư cấu nghệ thuật ở đôi chỗ chỉ là việc làm gia cố cho nền móng tư liệu đó thôi.
Điều cuối cùng phải nói thêm là khi truyện viết tưởng đã xong thì bạn tôi - Tiến sĩ Hoàng Năng Trọng - cung cấp thêm cho tôi cuốn “Tuệ Trung Thượng sỹ với Thiền tông Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội - Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2000, qua đó biết tên Mẫu thân của Tuệ Trung là bà Trần Thị Nguyệt. Ô cha cha! Tôi vốn theo sách Ngọc Phả của họ Đỗ Thái mà ghi nhân vật nữ là Thủy Nguyệt! Không rõ đây là sự trùng tên ngẫu nhiên hay là sự nhầm lẫn do người chép Ngọc Phả? Để tỏ lòng tôn kính người xưa, tôi đã theo ý Hoàng Năng Trọng mà đổi tên nhân vật thành Trầm Nga. Vậy để mấy lời này mong bạn đọc, nhất là ông Đỗ Thái Sơn thông cảm. Nếu các vị có ý kiến gì cũng xin cho tôi được biết.
Kính cẩn!
Khởi viết ngày mùng 2 tháng chín,
viết xong ngày mùng 10 cùng tháng, năm Quý Mùi (2003)
© Tác Giả và Việt Văn Mới Giữ Bản Quyền.