TÁC GIẢ
TÁC PHẨM







. Hiện sống tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

. Hội viên VHNT Bình Thuận

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN

. Đãi trăng" - tập thơ.






THƠ


SÓNG ĐÀ LẠT

. LÃNG DU

. CÂY NHỚ NGƯỜI

. CẢNH BÁO

. KHÓC ĐEN

. ĐÃI TRĂNG

. MÓN KHÔNG NHÂN







TRUYỆN NGẮN


MÀU SẮC QUÊ HƯƠNG TÔI

HOA HUYẾT TỤ

HẠNH PHÚC CỦA TÔI

CU KI BÉ NHỎ

HOÀNG HÔN ĐỎ

TRỜI ĐỨNG GIÓ!

KHÔNG HIỂU SAO...

ĐUA!!!

BA ĐIỀU ƯỚC!

KẺ MẠNH












 






Thu chín tranh của họa sĩ Lâm Chiêu Đồng






TRỜI ĐỨNG GIÓ!

T hủy bước khoan thai ra khỏi quán ăn. Bữa trưa thật tuyệt. món gà rang muối hơi mặn một chút ăn kèm với đậu hủ non chiên dòn khiến Thủy thấy ngon miệng. Thủy cắn miếng đậu, lớp vỏ vàng tươm, ròn tan chưa kịp nhuyễn trong miệng, thì đã vỡ ra lớp sữa ngậy thơm của đậu non. Món canh chua nấu hải sản thập cẩm cũng là món Thủy ưng ý, nhưng vì đang ăn kiêng nên Thủy chỉ đưa đũa vào đĩa rau ngọn su su xào tỏi. Khi đứng dậy, bữa ăn hình như còn nguyên. Không hề chau mày, Vĩnh móc ba trăm ngàn trả tiền bữa ăn rồi khóac tay vợ.

- Nóng quá, mình đi uống caphê, nghe nhạc đi anh.

- Ừ, để anh kiếm quán nào có chỗ đậu xe và khung cảnh được được một tí mình ngồi .

Quán cà phê Thăng Long thật sang trọng, tiếp viên nam sơmi trắng cài cavát lịch sự. Tiếp viên nữ, áo váy màu đen, những đôi chân thon dài bước nhẹ nhàng, những cắp mắt lonh lanh đen nhánh kiên nhẫn nhìn khách chờ đợi. Một chú bé đánh giày lấp ló sau cành cây si bằng nhựa, um tùm.

- Ê, đánh giày cho tao đi mày!

- Dạ…Chú nhỏ mừng rở nhanh nhẹn cởi giày cho khách, bàn tay chú khéo léo tuồn vào dưới chân chồng Thủy đôi dép nhựa mỏng. Thủy nhìn chăm chú khiến chú nhỏ bạo dạn hơn.

-Chị cũng đánh giày chị nhé.

-Ừ….

Vài phút sau hai đôi giày sáng lên, màu tươi như mới. Vĩnh tỏ vẻ hài lòng

- Mấy ngàn hả mày?

- Dạ..sáu ngàn.

- Gì? Sao lại sáu ngàn…thằng này đùa à? Chỉ hai ngàn thôi.

- Dạ…sáu ngàn. Giá mỗi đôi giày ba ngàn lâu rồi anh à. Ai cũng lấy như thế cả.

- Mày định lừa tao à? Mày tưởng tao không biết giá chắc. Này, bốn ngàn cầm rồi biến đi ông nhỏ. Đừng có mà lừa tao!

- Anh à…anh chị ngồi chơi nhé, em không lấy tiền đâu. Thằng bé lao khỏi quán, chạy biến vào dòng người. Thủy sửng sờ nhận ra đó chính là đứa nhỏ đã bị cả gia đình chồng cô túm cổ, quẳng ra đường, ngày bố chồng cô mất. Một bà già đưa nó đến, khăng khăng nói rằng nó là con của cha chồng cô. Lúc ấy, Vĩnh mặt tái xanh nói như rít.

- Tống nó cho công an! Cho nó đi tù rục xương để tiệt cái nòi nhà nó đi.

Thủy nhìn theo thằng nhỏ đánh giày, trong tim Thủy như vừa có một bàn tay đầy móng vuốt trượt qua.

- Hôm nay, trời đứng gió! Thủy nói vậy mà không nhìn ai cả.



KHÔNG HIỂU SAO...

B ố Cường dạy Chiêu: Vì chính con, con nên nhìn vào mặt tốt của người quen, người thân mà sống con ạ. Thay đổi người khác là việc làm khó như mò kim đáy biển. Con chỉ có thể thay đổi góc nhìn của con, để thích nghi. Chỉ cần con thay đổi góc nhìn, mọi việc trở nên dễ chịu, đơn giản hơn.

Tuy không hiểu hết những điều cao siêu trong câu nói của bố Cường, nhưng Chiêu thấy đúng là cứ nhìn điều tốt, mặt tốt, lòng vui hơn, nhẹ nhàng hơn thấy điều ngược lại.

Một lần, Linh, đồng nghiệp trẻ, tâm sự:

- Anh biết không, tụi em ức lắm, người gì mà ăn tàn, ăn mạt! Đồng lương nhân viên hợp đồng của tụi em có được là bao, mỗi đứa 500.000 đồng, 1 tháng, 3 tháng mới được thanh toán. Vậy mà anh Toán, nỡ “gài bẩy”, kêu tụi em ký giấy nhận lương, nói là làm trước để dễ rút tiền, rồi lấy luôn. Chờ mãi không được, 3 đứa em hỏi thì anh Toán nói, lương phát rồi, chữ ký sờ sờ ra đây sao còn nói chưa lãnh? 3 đứa em nghẹn họng. Tức phát điên! Bài học nhớ đời anh ạ. Liểu nó rũa : Ăn thế, ra đường thế nào cũng bị xe cán!

Chiêu muốn nói với Linh câu nói của bố Cường, nhưng lại nghĩ, nên nói vào lúc khác. Vả lại, chắc là Linh hiểu lầm thôi. Toán có hơi chi li, nhưng đó cũng là do chuyên môn mà ra, còn Toán là người lịch sự, mềm mỏng, lại là chủ tịch công đoàn của cơ quan. Toán quyết không thể là người, ăn chặn đồng lương mạt hạng của anh em.

Hôm nay, Chiêu hớn hở đi dự lễ trao nhà tình thương cho anh Bằng. Phải nói, đời người mà khốn nạn như anh Bằng là đã quá tận cùng! Vợ chết, anh Bằng nuôi một đứa con tật nguyền, thằng bé đã 22 tuổi, chưa lần ngồi lên được, chưa hề biết gọi cha. Chất độc màu da cam đã không hề cho Khôi cơ hội được làm người đúng nghĩa, dù chỉ một ngày.

Ngôi nhà lợp tôn, mái trước cụt toen hoẻn, nhưng bước vào bên trong thì có hẳn 3 phòng, nền lát gạch hoa, màu xanh mát rượi, khiến ai thoạt nhìn cũng thấy khang trang. Nhiều người hỏi, xây hết bao nhiêu nhỉ? Trên bốn chục triệu, quyên góp được một nửa, một nửa là do anh Bằng bỏ ra. Anh Bằng như người hụt hơi. Soi mói cách mấy cũng không tìm được chút hân hoan nào trên mặt anh. Anh bảo, tôi bán nốt mảnh ruộng, bù tiền vào xây nhà rồi. Lở đâm lao...Anh bỏ lửng câu nói, vì Toán đã gọi anh í ới.

Ai đó, giọng không dấu diếm nghi ngờ:

- Nhà này, mà xây trên bốn chục triệu ư? Một nửa, còn nghe được.

- Vật liệu bây giờ đắt lắm, nhất là sắt, thép. Có người trả lời, thì ra đó là bà dì của Toán. Bà bán nước mắm mà hôm nay, sao cũng có mặt ở đây nhỉ?

- Ngoài ba cửa sổ, còn có sắt chổ nào nữa đâu? Nhà thế, tôi mà xây, tốn chưa đến hai chục.

Toán, chủ tịch công đoàn, cũng là người thầu công trình, hăng hái đi tới, đi lui, nói nói, cười cười. Toán là vui nhất.

Chiêu lại nhủ thầm, những người bàn luận độc địa kia, chắc là nhầm lẫn. Nhưng không hiểu sao vừa thấy Toán hướng về phía mình, Chiêu vội lẫn vào đám đông. Chiêu thấy ngại, nếu phải chìa tay cho Toán, siết chặt./.



ĐUA!!!

N hờ sự lì lợm, hung tợn của đứa cháu trai có vóc dáng cao lớn mà cô giáo Châu lấy lại được chỗ ngồi, đã dặn từ trước, trên chuyến xe khách chật ních. Xe chạy, cô Châu nhắm mắt lại, mặc xung quanh ồn ào, chen lấn.

Xe chật đến ôi cả người! Ngay lối lên xuống đã chứa đến 17 thượng đế. Tiếng kêu oai oái, mùi người nồng nặc, thượng đế ngộp thở, vậy mà chủ xe vẫn chưa thôi đón khách. Cứ mỗi lúc xe ngừng, ai nấy đều thở dài ngao ngán. Nhưng lần này xe đã ngừng mười lăm phút, hai mươi phút, rồi 30 phút mà vẫn chưa thấy ai lên xe. Chỉ thấy lơ xe hùng hục xách đồ nghề xuống lục đục đâu đó. Một thằng bé thì thầm vào tai mẹ nó:

- Mấy chú ấy không có sửa xe, mấy chú nằm dưới gầm xe ngủ, mẹ à.

- Công an đang làm phía trên kia kìa. Họ giả đò như xe đang bị hư, để lừa công an. Xe dư khách hàng đống, công an túm được có mà giam xe cả tháng. Ông già, râu tóc bạc phơ, đang ngồi ghé vào ghế trước, nói vậy

Cô giáo Châu im lặng, nét mặt mệt mỏi. Cô ngả đầu tựa vào chiếc ghế, mắt vẫn nhắm.

-Lên xe. Nhanh, nhanh, nhanh! Tụi nó đi rồi. Không biết mấy cha đi rồi có quay trở lại không? Chủ xe bỗng giục hối hả.

-Mẹ…đua luôn! Nó quay lại thì đua, đéo sợ! – Tài xế tuyên bố

Chiếc xe chạy như bị cướp đuổi, chủ xe vén màn cửa sau để quan sát.

- Nó quay lại! Đạp hết ga đi.- Chủ xe la toáng lên. Người trên xe chúi nhủi vào lưng nhau, khi chiếc xe vọt chồm, tăng tốc. Đứa trẻ trên tay của người phụ nữ, ngồi ghế xúp, khóc thét lên vì có người ngả ngồi vào đầu nó.Tim ai cũng thót lại vì sợ, nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Những chiếc xe ngược chiều chạy dạt xa, những đôi mắt hai bên đường trợn tròn kinh ngạc. Cuộc rượt đuổi hứa hẹn những tai nạn thảm khốc! Cả chạy và đuổi đều quyết liệt.

Hú vía !

Chiếc xe cảnh sát với ngọn đèn nhấp nháy đã qua mặt. Xe khách hết đường cựa quậy. Lái xe, mặt tái mét lập cập xuống xe.

- Nè, đưa cho nó năm thước. Mẹ...biết nó muốn ăn mà trốn không thoát. Năm thước mà không biết các bố có tha cho không, coi như hôm nay toi công!- Chủ xe dúi vào tay tài xế xấp giấy tờ cùng tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng, lầm bầm chửi rủa.

Cô giáo Châu thò đầu ra ngoài xe nôn thốc, nôn tháo. Nhìn cô, mọi người đều ái ngại. Khi cô Châu ngước lên đôi mắt đờ đẫn lên, đôi mắt ấy vô tình hướng về người công an, tia mắt chụp lấy gương mặt thân quen rồi cuống cuồng tìm đôi bàn tay và ánh sáng trong đôi mắt tắt phụt, khi thấy bàn tay người công an, đang thản nhiên nhét tờ bạc vào túi. Trời ơi! Thằng Xuân, con trai cô, niềm tự hào, thiên thần của cô... Hai hàng lệ tủi hỗ của người mẹ tràn xuống đôi gò má đã nhàu như tờ giấy kiếng bị vò. Có ai đó hỏi:

- Bà ơi, bà có sao không ạ? Cô Châu lắc đầu, van nài:

- Làm ơn chạy đi, bác tài ơi!



BA ĐIỀU ƯỚC!

C on đường vừa nghiệm thu xong thì đất, đá đã bung lên lởm chởm. Chỉ một đoạn ngắn trước nhà ông Huyện mà ngày nào cũng có người té oành ọach. Xe cấp cứu hụ còi inh ỏi. Nhưng đau nhất là cái chết của ông Huyện, ông đi đám giỗ về, vì có hơi ngà ngà nên chạy nhanh hơn mọi ngày, lúc rẻ vào nhà, sơ ý không đưa tay xin đường. Người cùng chiều, sát ngay phía sau, hết chỗ tránh, tông thẳng vào xe ông. Ông Huyện ngã, đầu đập vào cạnh đá sát lề, tắt thở ngay trước ngõ nhà. Thế mới ác!

Đám ma ông Huyện người ta đến dự rần rần, từ làng đến xã, từ người quen đến kẻ hiếu kỳ, từ thân đến chỉ mới nghe tên, chưa biết mặt. Xe đưa tang cả đoàn, dài ngoằng: hon da, xe tải, xe khách, xe du lịch, xe máy cày, máy xới... Đầu kia đám ma đã tới nghĩa trang, đầu này mới vừa ra khỏi cổng nhà. Tiếng nói, tiếng cười át cả tiếng khóc của những người quấn khăn trắng, bận đồ tang. Có kẻ còn bật thốt lên, đám ma vui nhỉ, sau nói, biết mình hố, người ấy mặt đỏ bừng, lủi nhanh qua chỗ khác.

Hàng xóm của ông Huyện có một người tên là Làng. Lão Làng không thiếu gì tiền của, nhưng chút danh tiếng thì chưa bao giờ có được, Làng vẫn mơ một ngày kia mình được thiên hạ biết đến dù là khi đã chết. Lão Làng không đi dự đám ma, vì Lão đang bệnh, đầu nhức, mắt hoa. Nhưng cầm lòng không đậu, Lão ra hiên nhà đứng chờ đám ma ngang qua, Lão chờ từ khi tiếng chiêng la bung beng từ xa vọng đến. Rồi Lão ngó đăm đăm, ngó đến muốn nổ con mắt, ngó như trẻ con há hốc miệng ra coi hát. Khi đám ma qua một nữa, Làng đau khổ thốt lên:

-Trời ơi, đám ma to quá! Tôi ước gì, tôi được là người chết.

Đám đến ngả tư thị trấn. Bà Rớt, người đàn bà lang thang, sống bằng cách lượm vỏ chai, vỏ bia, bới rác, đang bới rác trong một thùng rác ven đường, sững sờ nhìn đám tang, tay vẫn giữ nguyên mớ rác đang cầm. Bà Rớt buồn rầu than:

-Người sung sướng đến vậy mà lại không sống để hưởng. Tôi ước gì, tôi là người chết thay.

Lúc làm lễ đưa quan tài xuống huyệt, Anh Hoan, con cả của ông Huyện, khóc lóc tế lạy, nước mắt chan hòa trên gương mặt đỏ au, anh Hoan lầm rầm khấn vái:

-Cha ơi, con ước gì cha nói cho con biết, số vàng lót tay mà cha nhận rồi chôn dấu, khi cha cho qua vụ cai thầu bớt nhựa đường đem bán…



KẺ MẠNH

H ắn thấy Hắn là một kẻ mạnh.

Kẻ mạnh là kẻ có tiền, có quyền. Hắn dư thừa cả hai thứ ấy! Này nhé, nhà ư, Hắn có nhà hàng khách sạn Thiên Thai, tiêu chuẩn bốn sao ở thành phố. Cái nhà ấy, đang nở cho hắn những mùa hoa tiền tài sung mãn nhất. “Nhà vườn” ở quê ư? Hắn thích gọi “ nhà vườn” nghe cho nó giản dị,  khiêm tốn, hay nói khác đi, đó là cách nói nhã nhặn của người có văn hóa, chứ thật ra những biệt thự ở khu ngoại ô Sài Gòn, cứ phải gọi “nhà vườn” của Hắn là cụ. Mấy cái nhà vuông vức, vài ba kiểu dáng na ná như nhau, vài cụm cây xanh bé tẹo trong vườn, xì, cho không Hắn, Hắn cũng chả buồn nhìn. Đó là chưa tính, Hắn có hàng tá đất thổ cư, nằm toàn những nơi mà mỗi mét vuông là cả một gia tài của người buôn thúng, bán bưng ao ước.

Quyền thì bây giờ Hắn không còn quyền nữa, nhưng vây cánh của Hắn trùng trùng, điệp điệp. Những anh Hai, anh Ba của huyện này, tỉnh kia gặp Hắn vẫn cứ phải giữ gìn ý tứ. Hắn muốn cách, nhắc ai vào ghế nào là chuyện “ không thành vấn đề”. Hắn thú vị câu nói của một tay chơi chứng khóan giàu sụ, tay này còn trẻ, học nhiều thứ của Tây, nên giọng nghe thoải mái lắm: Tiền không mua được người làm doanh nghiệp, nhưng tiền mua được những nhà làm chính trị, vấn đề là giá bao nhiêu mà thôi. Hắn ngẫm nghĩ và thấy cái tay ấy lõi đời! Nhưng, mua Hắn thì không dễ vì Hắn có thiếu gì đâu, có cần gì đâu, Hắn thuộc đẳng cấp vô giá ! Là Hắn nghĩ Hắn của bây giờ, còn trước đây...trước nhiều nữa thì Hắn đã bán tất tần tật....Chậc, cái gì đã qua, cho qua! Khối đứa muốn, mà có bán được đâu. Ông trời quả cho Hắn rất nhiều

Ông trời càng đặc biệt ưu đãi Hắn, khi Hắn không còn hy vọng gì nữa về chuyện có một thằng con trai, thì bỗng dưng người vợ trẻ mang bầu và thằng Hậu chào đời trong hạnh phúc viên mãn của chính Hắn.

Thằng Hậu lên hai, trắng hồng, mủm mỉm. Nếu trên đời có một đứa trẻ xinh đẹp như thiên thần, thì đó chính là thằng Hậu của Hắn. Hắn yêu con như điên, ai mà làm bẩn, dù chỉ là chiếc ghế của thằng bé vịn tay, thì khó mà sống yên với Hắn.

Hắn cũng rất yêu chó, với Hắn, những con chó xù Nhật đáng quí, đáng nâng niu hơn bầy cháu long nhong, suốt ngày dầm mình với những con trâu, trong dòng sông Hà, đục ngầu ở quê. Người chúng bốc lên thứ mùi tanh không chịu nổi. Mỗi khi chia quà, Hắn cố hết sức để không phải chạm vào tay, vào áo bọn chúng, mặc dù Hắn biết, bàn tay trẻ thơ là bàn tay  thánh thiện.

Hắn vừa mua được một con chó Nhật, chính hiệu. Con chó đẹp như búp bê, lông trắng mượt, mắt to, sáng long lanh. Thỉnh thoảng, Hắn để con chó cưng vui đùa cùng thằng Hậu. Hắn hài lòng thấy thằng bé cười khanh khách, ôm con chó chặt cứng trong đôi tay bé xíu, hồng hồng.

Một ngày nọ, bé Hậu sốt. Hắn lật đật đưa con vào bệnh viện Nhi đồng, bao trọn cả phòng dịch vụ sang trọng, mời những bác sĩ giỏi nhất. Hắn nói với người bác sĩ, tóc đã bạc trắng:

-Tôi có tiền, rất nhiều tiền!- Ông bác sĩ nhìn Hắn ái ngại- Tiền cũng không thể giúp ích được gì trong trường hợp của cháu nhà, ông à.

Mắt Hắn long lên đỏ sòng sọc, Hắn gằn giọng:

-Tôi có quyền, ông muốn chức gì cũng được, ông hiểu không, bác sĩ?- Bác sĩ vỗ vỗ lên vai Hắn như vỗ về một đứa trẻ- Chúng tôi thật tiếc, quyền chức gì cũng chịu, bệnh dại mà đã phát thì y học hiện tại đành bó tay, may ra, chỉ có phép lạ mới cứu được…

Hắn đổ sụp xuống, toàn thân Hắn nhũn mềm ra, hệt như trong tấm thân ấy, chưa từng có một chiếc xương nào. Hắn rên rỉ :

- Trời ơi!





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của Tác Giả và Việt Văn Mới .


TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC