TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh năm 1954
. Quê quán: Thôn Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
. Hiên cư ngụ tại : quận Hoàng Mai, Hà Nội

. Đại Tá Quân Đội Nhân Dân
. Hiện là chuyên viên văn học Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
. Phó chủ tịch chi hội nhà văn Quân đội

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

- Kể về một mối tình (tập truyện ngắn)
- Quà bất tử (tập truyện ngắn)
- Trên bến sông Trà (tập truyện ngắn)
- Đêm nổi bão (tập truyện ngắn)
- Biển cạn (tập truyện ngắn)
- Bên sông Trà Lý (tiểu thuyết)
- Cõi đời hư thực (tiểu thuyết)

GIẢI THƯỞNG:

- Giải thưởng truyện ngắn (Trung ương Đoàn phối hợp Tuần báo văn nghệ)
- Giải thưởng Bộ Quốc phòng.
- Giải thưởng truyện ngắn của Báo Người Hà Nội
- Giải thưởng Lê Quí Đôn lần thứ 3.








Tiểu Thuyết CÕI ĐỜI HƯ THỰC





CÕI ĐỜI HƯ THỰC

KỲ THỨ 5

M ùa thu.

Trưa, vòm trời bổng vút. Từng mảng mây màu trắng đục nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc. Có rất nhiều con chuồn chuồn màu vàng thẫm dang cánh ve vãn trên tầng cao. Bồn hoa cúc vàng rực như một mâm hoa đặt trước cửa nhà trực ban đại đội. Một đôi chim bồ câu trắng từ trên mái nhà, hứng chí vút lên trời xanh chao liệng như thể tắm mình trong không gian bình yên. Từ trận địa của bộ đội pháo phòng không bỗng vang lên tiếng còi báo động. Củng quơ vội chiếc dùi sắt lao ra chỗ treo chiếc kẻng, liên tục phang đến nóng cả bàn tay. Tiếng kẻng báo động vừa dứt, một tốp hai chiếc máy bay F-4H của Mỹ từ biển Đông lao vào. Tiếng gầm rít của động cơ phản lực xé tan đàn chuồn chuồn đang lơ lửng. ở độ cao hơn nghìn mét, hai chiếc F-4H bay một vòng để xác định mục tiêu. Đến nửa vòng thứ hai, chiếc đi đầu bỗng cắm đầu lao vút xuống, cắt sáu quả bom, rồi ngóc đầu vội vàng chuồn thẳng ra biển.

Các trận địa pháo cao xạ của bộ đội phòng không, trận địa trực chiến của dân quân thi thau nhả đạn. Lợi dụng khi bom nổ, chiếc máy bay thứ hai lao xuống cắt tiếp sáu quả bom đen trũi. Tiếng bom, tiếng súng hoà lẫn thành một thứ âm thanh hỗn độn. Mặt đất như vỡ ra từng mảng.

- Làng Chành bị bom rồi, bà con ơi!...

Làng Chành là nơi trung đội của Củng đóng quân. ở đây có cụ Thủ, ông Nhậm, có Quyên, có nhân dân và đồng đội. Một cái làng nhỏ nhoi đầu xã, gần trường học, chỉ vỏn vẹn ba chục nóc nhà mà phải chịu 12 quả bom của giặc Mỹ, thì... chao ôi! Mới nghĩ đến đó... Làng Chành tan tác như sau trận lốc. Cá dưới ao bay lên vườn, người treo trên ngọn cây, nhà cửa đổ xuống biến thành tro gạch vùi lấp người đang sống. Mồ mả quật tung, hắt cốt người lên ruộng. Tiếng khóc của bọn trẻ, tiếng thét của người mất cha, tiếng gào của người mất mẹ, tiếng chửi rủa trút hận thù... Tiếng tre nứa cháy ngùn ngụt, lốp bốp... cả làng Chành giãy lên đành đạch...

Người chị Bằng rung nhẹ như thể vừa có chấn động. Chị đặt cuốn nhật ký xuống bàn, không thể không ngước nhìn anh Củng để chia sẻ, nhưng lại gặp ánh mắt của chị Mạ, liền lảng nhìn ra cửa. Chị Mạ mệt mỏi nằm trên giường, đành phuổi cái lúng túng của bạn bằng câu nói:

- Đọc tiếp đi Bằng. Anh Củng đang nghe đấy.

Bằng vuốt nhẹ hai cánh mũi, rồi cúi xuống đọc tiếp:

… Cụ Thủ nằm vắt ngang thành bể nước, đầu cụt lăn lóc dưới gốc cây chè, máu ở cổ nhểu ròng ròng xuống sân, bàn tay phải còn nắm đôi đũa tre. Gian nhà vách đất của cụ, cùng đồ đạc và cả chiếc ba lô của Củng biến đâu mất.

Cùng với mọi người, Củng đưa cụ Thủ xuống, rồi bê chiếc đầu có bộ hàm móm, tóc cắt ngắn bạc trắng của cụ lắp vào để thi thể được nguyên vẹn, đắp tạm cho cụ chiếc chiếu rồi chạy sang nhà Quyên. Nhà Quyên không bị sập đổ, chỉ bay mất mái. Nhưng chiếc hầm kèo bị trúng một quả bom. Xương thịt ông Nhậm cùng chiếc hầm tan biến hết, chỉ còn nửa lá gan mắc trên ngọn tre ngoài bờ ao. Quyên bị một mảnh bom xuyên từ lưng qua ngực, gục xuống ôm lấy mâm cơm, mặt vục vào bát canh rau ngót. Miếng cơm độn khoai và rau muống trong miệng Quyên vẫn chưa nuốt kịp.

Làng Chành bị bom Mỹ giết chết 48 người, hầu hết là đàn bà và trẻ em. Bốn người không còn chút xương thịt để mai táng. Ngoài ra còn chín người đã yên nghỉ dưới mồ từ mấy đời trước cũng bị bom Mỹ quật lên rải cốt khắp cánh đồng...

Chị Mạ xúc động nhổm dậy, ngồi ôm gối dựa vào thành giường, chờ cho chị Bằng ngừng đọc liền hỏi anh Củng:

- Sao anh bảo mới gặp chị Quyên?

Anh Củng ngồi trên chiếc ghế ba đai, đối diện với chị Bằng, hai tay nắm và ghì chặt lấy bạnh ghế. Hình như anh đang chìm vào hồi ức bi thương của làng Chành, nghe tiếng vợ hỏi bỗng giật mình:

- ờ… à. Thử em một tý xem... chất lượng tình yêu còn bao nhiêu.

Chị Bằng:

- Các người ký ám hiệu với nhau cái gì? Ai mà hiểu được. Thôi tôi phải đi đây, gần trưa rồi còn gì. Tôi hộ bà Mạ một lần này thôi nhá.

Mạ kéo tay Bằng, nhìn lén về phía chồng:

- Quyên là người yêu cũ...

Bằng chả vừa:

- Sao mà lắm cũ thế? - Rồi ngẩng mặt nói bâng quơ - Còn đây là mới hay cũ?

*

"Sao mà lắm cũ thế? Còn đây là mới hay cũ?". Bằng đi rồi, mà tiếng Bằng cứ lặp đi lặp lại găm vào lòng Mạ. "Còn đây là mới hay cũ?". "Còn đây"... là ám chỉ ai? Mạ hay Bằng? Anh Củng ơi, cuộc đời anh đối với em còn nhiều bí mật lắm. Hơn hai mươi năm anh đi xa, đánh giặc những đâu, những đâu? Anh có chức, có quyền; anh làm gì, yêu ai? Hoặc người ta yêu anh, thậm chí mua chuộc anh, em làm sao biết được. Bây giờ, còn cái thân tàn như trái chanh đã vắt kiệt anh mới trở về trao cho em. Mà đã hết đâu... ánh mắt của Bằng, những câu nói lập lờ và cả những cử chỉ gần đây của cô ấy đáng ngờ lắm. Đó, từ lúc cô ấy đi, anh xem ra có vẻ bần thần vẩn vơ như người mất hồn. ốm thì ốm vậy thôi, chứ lúc tỉnh táo cũng khoẻ ra phết, chẳng khác gì hồi cưới nhau, ăn diện vào cũng bảnh bao, ra đường chả khối đứa chết mệt.

Anh Củng ở ngoài sân vẩn vơ, vẩn vơ đứng nhìn đàn kiến khênh một con sâu đo đi từ góc sân ra vườn, trông như đoàn quân vác pháo hành quân vào chiến trường. Anh bồi hồi nhớ lại ngày anh cùng đồng đội rời làng Chành hành quân vào miền Nam đi chiến đấu. Làng Chành như một vết dao chém vào tim anh, vết thương không bao giờ kín miệng. Suốt đời anh, suốt cuộc đời cầm súng chiến đấu, không bao giờ quên được hình ảnh bà cụ Thủ cụt đầu nằm vắt ngang bể, hình ảnh Quyên miệng ngậm rau muống vục mặt vào bát canh mà chết, và lá gan tím lịm, khô héo của ông Nhậm treo lủng lẳng trên ngọn tre... Ngay cả bây giờ, ốm đau bệnh tật, nhưng mỗi lúc nhớ về làng Chành, cơ thể anh như được thắp lửa, sức sống bừng thức, sục sôi, bứt phá nhấn chìm cơn đau của bạo bệnh và mọi muộn phiền phức tạp.

Lịch sử và tổ tiên giao cho thế hệ anh phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi để cho mầm xanh của dân tộc hồi sinh. Anh không có gì phải ân hận hoặc so đo tính toán. Đó là bổn phận, là điều tất nhiên của thế hệ anh. So với Bằng anh còn quá hạnh phúc. Anh có vợ, có con, có một mái ấm gia đình. Còn Bằng, sau khi rốc hết tuổi xuân ở Trường Sơn, trở về cô có còn gì đâu ngoài cái túi thuốc hình dấu cộng màu đỏ. ở tuổi anh, hôm nay được tin bạn bè thăng quan tiến chức, ngày mai lại có tin đồng đội mắc bệnh hiểm nghèo. Thăng quan tiến chức thì ít, mà bị bệnh hiểm nghèo thì nhiều. Gian khổ, hy sinh nó nhiễm bệnh vào người, tuổi cao mới phát ra, thật khổ. Nhưng cứ nhìn thấy bọn trẻ, thấy con Quế mơn mởn vươn lên là anh mãn nguyện... ờ mà sao đến giờ này con Quế vẫn chưa về? Hễ bao giờ nó xuống với biển, y rằng bị hút vào đấy. Không biết biển hút, hay anh chàng nuôi tôm sú hút? Anh nhớ con gái.

*

- Mẹ ơi, bố ơi, con về đây mà.

Quế vừa gọi bố mẹ, vừa đẩy cửa vào trong nhà, hẫng hụt vì sự lặng ngắt. Cô hốt hoảng liên tưởng đến sự chẳng lành nên gọi to hơn:

- Mẹ, mẹ ơi!

Chị Mạ đang lơ mơ ngủ ở trong phòng, nghe tiếng con gái gọi thì giật mình:

- Gì thế con?

Quế lao vào trong phòng mang theo khuôn mặt lo âu, khiến chị Mạ hốt hoảng ngồi dậy, đỡ lấy cánh tay Quế chờ đợi một câu nói không lành từ miệng con gái:

- Bố đâu, mẹ?

Chị Mạ hẫng hụt, rã rời sau một cố gắng. Chị uể oải nằm xuống:

- Thế mà mẹ cứ tưởng... Bố con vừa ra ngoài sân, chắc đâu đó.

Quế đặt tay lên trán mẹ. Rồi lại ấp mặt vào ngực mẹ:

- Mẹ ốm lâu chưa? Mẹ khoẻ rồi chứ? Mẹ đã uống thuốc chưa? Cô Bằng có khám cho mẹ không?

Chị Mạ không trả lời những câu hỏi liên miên của con, mà nhắm mắt nói như một hơi thở cố:

- Sao con bảo đi hai ngày... có chuyện hả?

- Không có chuyện đâu mẹ, công việc thôi mà. - Quế nói nhanh rồi với chiếc gương tròn trên bàn. Cô thè đầu lưỡi lật lên, lật xuống hít hơi xuýt đầu lưỡi.

Chị Mạ hé cặp mắt quan sát con gái, hỏi:

- Răng miệng làm sao con?

Quế liếc nhanh nhìn mẹ, rồi quay lại với chiếc gương, vừa vuốt vuốt đuôi mắt, vừa trả lời:

- Không có gì đâu, mẹ. - Có thể con bị nhiệt, nên đầu lưỡi...

Quế ngừng soi, nhìn mẹ qua gương một giây, cảnh giác nói:

- Không hiểu sao lưỡi con rát...

Chị Mạ mở to cặp mắt săm soi từng nét trên mặt con gái. Đôi mắt to sáng, trong veo của con gái vẫn chưa có nét gì sầu gợn, cặp môi mọng đỏ vẫn trinh tươi, những sợi tóc đen trên vầng trán non trẻ vẫn rung rinh nhảy múa, dáng đi vẫn kiêu hãnh, chả lẽ con bé đã...? Không, không thể có được.

- Con đi tắm đây mẹ ạ.

Chị Mạ nhìn theo thấy bước chân con gái vẫn nhanh nhẹn, cặp mông vẫn tròn vo tưng tẩy. Chỉ có điều... hồi trước chị yêu anh Củng chỉ qua một đêm làm vợ anh, sáng hôm sau lưỡi bị rát. Chỉ tại đôi môi anh Củng mãnh liệt quá.

Tối đó, khi lên giường ngủ, anh Củng nói với chị:

- Em có thấy con Quế khang khác không?

Chị Mạ nghiêng người quay lại đặt cánh tay lên vai chồng, nhắm mắt nói trong hơi thở:

- Em mong con được hạnh phúc.

- Chiều, anh thấy nó ngồi một mình, có lúc thờ thẫn như mơ tưởng. Từ đầu tối thấy loay hoay viết nhật ký. Có thể chuyến đi vừa rồi... Em thử nói chuyện với nó xem.

Chị Mạ rút tay khỏi vai chồng, trở lại nằm ngay ngắn và thở đều đều. Anh Củng đặt hai tay lên bụng, ngớp đôi mắt lên đình màn, rồi từ từ đậy mi mắt xuống. ở phòng riêng Quế tắt điện. Không gian im vắng, chỉ có tiếng còi ô tô lạc lõng ở ngoài đường Mười vọng về. Sáng sớm, khi vợ chồng anh Củng còn nằm trên giường, Quế đã dậy thu dọn nhà cửa. Cô vừa làm, vừa hát. Tiếng hát như tiếng chim yêu trời xanh: "Cô bé như chùm hoa lặng lẽ. Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu...".

Chị Mạ bấm vào cánh tay anh Củng. Hai người nằm rán để lắng nghe từng động tĩnh của con gái.

Chị Mạ cảm thấy bệnh đã lui, người đã khoẻ. Chị bảo với anh Củng để chị dậy khua khoắng chân tay cho sảng khoái và giúp con gái làm bữa sáng.

Vừa bước ra gian ngoài, chị cảm thấy không khí dễ chịu, hình như có mùi hương thơm nhè nhẹ. Có thể chị ở trong phòng ngủ mấy ngày liền, mới bước ra ngoài. Cũng có thể cảm giác của người mới ốm dậy. A, đúng rồi, con Quế dọn dẹp nhà cửa, lau bàn ghế bóng loáng, trên bàn có một lọ hoa tươi rực rỡ. Những đoá hoa hồng làm nôn nao lòng người. Thôi rồi, con bé đang yêu. Nghĩ thế và chị thấy tim mình bồi hồi, thổn thức như thời con gái. Cầu trời, anh chàng nó gặp là người tử tế.

- Quế!

- Dạ, con đây!

- Lên, bố bảo!

Chị Mạ giật mình quay lại, thấy anh Củng đứng sừng sững sau lưng chị, mặt như đâm lê. Quế, mặt tai tái run run. Anh Củng giọng nghiêm khắc, lạnh lùng nói:

- Ta nhìn thấy trong mắt ngươi có một anh chàng. Mau mau hãy khai ra.

- Bố! - Khuôn mặt Quế giãn nở, miệng phụng phịu chạy đến úp mặt vào ngực mẹ - Mẹ bảo bố đi, cứ dọa con, hết hồn.

Chị Mạ xoa vào lưng con gái:

- Con gái mẹ lớn lắm rồi... Chắc là nó ở rể chứ?

- ứ… - Quế dụi tiếp đầu vào ngực mẹ.

Quế yêu bố và mẹ như không thể yêu ai hơn được. Với bố, Quế vừa yêu lại vừa sợ vì bố nghiêm khắc, thẳng thắn và tinh đời quá. Không có gì giấu nổi trước con mắt của bố. Có chuyện gì Quế không "khai báo" với bố mẹ đâu? Chuyện đời, chuyện công việc... Chỉ chuyện riêng của phụ nữ thì Quế mới "khai" riêng với mẹ. Chắc rồi mẹ cũng lựa lời nói lại với bố nếu thấy cần thiết. Mẹ sẽ nói theo cách của mẹ mà Quế không thể nào nói được. Còn chuyện này mà "khai báo" hết thì chắc bố đập chết. Quế sợ lắm. Giá mà bố khoẻ mạnh như mọi người thì tốt biết bao, và sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Bố ốm đau bệnh tật, lúc tỉnh thì như mê, mà mê lại như tỉnh. Thương bố quá. Không biết bố có khỏi được bệnh?...

Quế về chậm một ngày, ngoài lý do "đặc biệt" không thể khai báo, còn một lý do mà cô có thể kể cho bố mẹ được. Đó là sức cuốn hút đến kỳ lạ của cái vùng biển đầy sú vẹt và phù sa đó. Chao ơi, nó như thể một thế giới lạ kỳ, là kỳ quan biển của mọi vùng biển, bình thường không dễ gì nhận ra nổi. Lần đầu tiên Quế phát hiện ra đàn cáy biết đi "biểu tình". Nói đến dòng giống nhà cáy ở vùng biển này cũng đặc biệt lắm. Cáy có tám loại: Cáy lông, cáy xà xạ, cáy đá, cáy bã trầu, cáy còng, cáy xanh, cáy hú oà và cáy mù. Cáy mù là một loại chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, màu xanh đá, các bộ phận đầy đủ như những loài cáy khác, chỉ có đôi mắt là không có. Bù lại, thính giác của chúng rất nhạy, khi cảm nhận được tiếng động, liền vùi mình dưới lầy để lẩn tránh. Trong các loại cáy, Quế thích nhất là con còng. Còng sống ở chân bãi cát sát mép lầy. Con màu xanh, con màu đỏ, con màu đen tía trắng, con màu nâu. Trưa nắng, chúng rời lỗ lên cát kín đặc trông giống như vườn hoa muôn màu rực rỡ. Con còng đực có bộ càng rất lạ. Càng bên trái chỉ nhỏ như chiếc tăm màu trắng đục, còn chiếc càng bên phải màu đỏ tía trắng lại lớn gấp năm chục lần chiếc càng bên trái, lớn hơn cả thân con còng, vậy mà nó chả làm gì, lúc nào cũng chỉ giơ cao ngang mặt dứ dứ như chiếc thanh long đao đe dọa kẻ thù. Trong khi đó, chiếc càng bên trái tí xíu thì gần như làm việc cả ngày, liên tục gắp đất bỏ vào miệng. Khi gặp kẻ thù, chiếc càng lớn bên phải lập tức giơ cao phập vào và rụng ra, để cho con còng chạy thoát an toàn. Quế bảo, đó chính là chiếc càng "quân sự". Để ý kỹ, Quế thấy con còng cũng "võ luyện" ra phết. Mỗi sáng khi chú còng từ dưới lỗ chui lên, giương đôi mắt như hai chiếc đèn cao áp quan sát, rồi mới giơ chiếc càng "quân sự" nâng lên, hạ xuống như nâng quả tạ. Lại khi phải chui xuống lỗ, bao giờ chiếc "thanh long đao" cũng xuống sau. Nhiều nhất và ở tận bãi lầy xa là những chú cáy lông. Chỉ có đàn cáy lông mới biết "biểu tình". Thông thường trên mặt lầy, mỗi chú cáy lông trú ngụ ở một chiếc lỗ. Dù có lên mặt lầy để kiếm ăn, chúng cũng không bao giờ đi quá xa. Chỉ cần một cử động nhỏ, có khi một con chim bay ngang, là chúng rào rào thụt xuống lỗ. Bởi thế dân vùng biển mới có câu "nhát như cáy". Thế mà, vào một ngày nắng đẹp, gió nồm nam hiu hiu mát rượi, khoảng từ tám đến mười con nước và chừng tám, chín giờ bỗng nhiên hàng đàn cáy, cáy ông, cáy bà, cáy bố, cáy mẹ, cáy con, cáy cháu... bỏ hết "nhà cửa", "quê hương" lũ lượt kéo nhau bò ngược chiều gió dài đến ba bốn cây số. Chúng bất chấp tất cả, vượt lạch nước, cứ thế tràn qua, tiến lên. Người vùng biển gọi hiện tượng này là "cáy bò". Gặp được ngày "cáy bò" người đi câu cáy kể như trúng quả, chỉ đứng một chỗ, vung lưỡi câu giật đầy hết giỏ này đến giỏ khác. Trời ơi, còn biết bao nhiêu điều thú vị mà Quế mới khám phá ra ở cái vùng biển cạn này.

CÒN TIẾP...





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .




TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC