TÁC GIẢ
TÁC PHẨM



NGUYỄN LÊ ĐOÀN



. Sinh năm 1980
. Quê quán Hà Tây, Việt Nam
. Học Luật và hiện sống tại Hà Nội







THƠ


VIẾT CHO TÌNH YÊU CUỐI CÙNG

GỬI BẠN Ở PARIS

TAM GIÁC

NÓI VỚI ANH







TRUYỆN NGẮN


NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - I

NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - Kỳ 1

NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - Kỳ 2

NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - Kỳ 3

NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - Kỳ 4

NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN - Kỳ 5




















Tranh của họa sĩ Phan Vũ Khánh






NGƯỜI VÔ DANH PHÁ ÁN


PHẦN V: HÀNH ĐẠO


Có thể lắm chứ, trong suốt cuộc đời

Không cần nhiều thời gian như bạn tưởng

Chỉ thoáng tíc tắc hay một cái động

Số phận và lịch sử được đổi thay.

“Chiềng làng chiềng chạ

Thượng hạ tây đông

Em gái ông Lí

Tên là Nhài thị

Tư tình ngoại ý

Mãn nguyệt có thai

Mời…”

Bọn trẻ con ré cười ngật ngưỡng xúm lấy Nhài. Đứa túm áo, đứa giật quần, đứa vỗ tay theo nhịp bài đồng giao. Như thành nếp lâu nay, hễ bắt gặp Nhài ở đâu chúng đều tập hợp thành tốp, nhả lời chế giễu đã trở thành bài ca vần điệu trơn tru. Những lần đầu, chúng còn kiêng dè khi bên Nhài có thêm người nhưng khi cái bụng càng rõ thì chúng càng lì lợm, bất chấp Nhài đi một hay mấy mình. Những lời chửi rủa, xua đuổi, nhiếc móc của Nhài dường như tăng thêm sự hài ước, khoái trí. Chúng chỉ tản ra, có vẻ né tránh hơn sợ hãi khi thấy Nhài cầm trên tay những cục đá hay đại loại bất cứ thứ gì có thể sát thương người khác bởi hành động vô thức. Chúng tự động dừng cuộc chơi khi đã chán hoặc có người lớn nhà một đứa nào đó trong số đồng bọn bắt về hay thấy Nhài nằm vật lăn lộn, lu loa trên đường và chúng tái lập cuộc chơi tương tự ngay khi có thể. Tất nhiên trong trò chơi ấy, điều kiện cần và đủ duy nhất là Nhài xuất hiện đơn độc, không mang theo hung khí.

Nhài đứng giữa vòng vây, mắt sưng lên vì giận, bọn trẻ cứ nghêu ngao chọc ghẹo. Những mưu lược học lỏm từ phim kiếm hiệp tỏ ra rất đắc dụng và được áp dụng nhuần nhuyễn triệt để. Chúng bảo nhau khép chặt vòng vây, dồn Nhài ra giữa khoảng trống, nơi không có sẵn những thứ vũ khí để Nhài có thể dùng chống trả. Như vậy, chúng hoàn toàn không phải phòng thủ bất cứ hành động nào của đối phương và cuộc chơi không bị gián đoạn. Nhài thuỗn mặt, yếu ớt gạt những cánh tay động vào người bằng phản ứng tự nhiên, đặc trưng của tính bầy đàn. Thiếu chút nữa lăn sả vào cấu cắn lũ trẻ mà trong tâm thức của Nhài có thể là qoái vật hay giặc cỏ, không hơn không kém nếu không có tiếng quát mắng lanh lảnh từ xa vọng lại làm bọn trẻ tán loạn:

- Tiên sư mấy thằng choắt con kia, làm gì mới sáng ngày đã bắt nạt người ta thế. Một lũ mất dạy.

Bọn trẻ hoảng hốt hè nhau bỏ chạy:

- Bà la sát đấy, chạy đi chúng mày ơi!

Nhài nhìn bọn giặc nhỏ tan tác và lầm lũi tiến lại chỗ vị cứu tinh. Người đàn bà vừa la mắng om sòm, dòm vào mặt Nhài bảo:

- Cô về nhà với tôi, thế này sống sao nổi.

Nhài lấm lét bước vội, trong đầu cố lí giải tại sao lũ nhóc lại sợ chị dâu đến thế. Mà phải, ngay cả cô cũng thấy sợ, chắc chị là thần, là khắc tinh của loài qủy sứ chăng.

Quẳng chiếc túi đựng mớ đồ ăn xuống hè, chị dâu lôi xệch Nhài ngồi vào chiếc phản kê ở gian giữa, thở hắt ra những lời ầm ờ bực bội. Đợi người đàn ông rít cạn hơi thuốc lào òng ọc mới trì triết:

- Ông thấy đẹp mặt chưa? Cô em gái quý hóa giờ nổi tiếng cả huyện, cả tổng rồi đấy.

Người đàn ông lắc lư cái đầu, như tỉnh hẳn sau khi nhấp ngụm nước chè, ông nhìn Nhài bằng ánh mắt khổ sở, thương hại. Tưng hửng đáp lại:

- Làm sao mà bà như đỉa phải vôi thế?

- Làm sao í à? Mặt ông chẳng khác thớt nghiến. Ông không phải chìa nó ra đường, không phải trả lời những câu hỏi bỡn cợt nhục mạ của người ta nên không thấy xấu hổ, còn tôi và hai đứa con ông cứ phải lẩn tránh người khác như tội phạm truy nã.

- Thì bà kệ mẹ đứa thừa hơi, giỏi buôn dưa lê cả đời mà ăn. Chết ai?

- Nhưng mà tôi không chịu nổi, suốt ngày sấp mặt như mắc bệnh hủi ấy, lũ con ông thì mo đeo kín cả.

- Họ bị điên rồi mới xỏ vào chuyện của người điên. Kệ xác họ.

- Thế đã đành, đằng này cứ nhè cái gia đình này như thể là duyên cớ mọi chuyện vô đạo.

- “Cây ngay không sợ chết đứng”, việc gì bà…

- Là tôi nhắc thế, chứ ông cũng vô tâm lắm. Bụng cô ấy trướng mặt rồi, dù gì cũng phải lo cho mẹ tròn con vuông và để xem đứa nhỏ giống kẻ đốn mạt nào ở cái làng này.

- Thì bà chẳng mấy lần sinh nở còn gì. Đàn ông chúng tôi chỉ biết nhào nặn nên hình hài ở giai đoạn đầu và nuôi nấng chứ khoảng giữa thì không có cái thiên hướng ấy.

Bà thả đôi chân chữ ngũ xuống, nhổm dậy vằng lại trước khi ra sân:

- Rõ dở hơi, thế cũng nói được.

Ông trườn xuống phản, nhìn cô em gái ngồi thu lu, rúm ró, mắt lơ đễnh, mặt tái đi vì sợ. Nhài thường thế mỗi lần anh chị to tiếng vì cô. Nhưng có lẽ, chẳng ai hiểu và chẳng ai cho rằng người tâm thần biết nghĩ. Chả thế mới có chuyện dở khóc dở cười hôm nay. Ông nhìn em bằng ánh mắt đáng thương hơn đáng trách, mà nếu có, lỗi lầm thuộc về ông. Ông luôn nghĩ vậy nên chưa một lần dám làm cô khóc như bọn trẻ trong làng từ ngày ấy, ngày cách nay suýt hai mươi năm rồi...

* * *

Đêm. Trời oi bức ngột ngạt khó chịu. Nhài nằm trong lều được anh trai dựng lên để canh ao cá. Nó có bốn chân bằng gỗ xoan, hai tấm phản lim được cơ thể cô mài nhẵn thín. Cái khoảng trời của cô khum khum như lòng bàn tay lật sấp làm bằng cót ép. Những ngày đông có thêm chiếc chăn bông bầu bạn, ngày hè thay vào chiếc quạt nan. Nói chung, cô chẳng có gì đáng bõ công để tâm. Cái phải canh chừng là vuông ao mà tài sản anh chị cô đổ cả vào những con cá ở dưới. Người ta chẳng cần đến lưới te để quây, chỉ một cái bình mười hai vôn với hai chiếc vợt là có thể bắt được ối cá sau khi làm tê liệt chúng bằng dòng điện. Tất nhiên, chẳng tên chộm nào dám ngóng vào chỗ có người. Vì thế, Nhài là hiện thân của nữ thần giữ của giữa chốn “đồng không mông quạnh” ở thôn Đông này. Nói “mông quạnh” nhưng cũng chẳng phải hẻo lánh xa xôi gì, chỉ cách làng hơn nghìn mét, nếu gọi to mọi người vẫn nghe rõ. Dân quanh vùng chẳng bao giờ để ý việc Nhài làm gì khi canh cá, người ta quan tâm lúc ông bà chủ Lí, Bình thu hoạch cá trong ao hơn. Và tất cả những ai có ý định nhòm ngó tới bầy cá đều biết, chúng có người bảo vệ. Thế thôi...

Đã 24h, Nhài lăn lộn không thể ngủ. Oi, lại thêm cái hơi nực sốc lên từ mặt ao như hun khói xông hơi. Nhài cởi bỏ những lần vải che thân, ngâm cả thân hình nõn nà xuống hồ, tay bám sát chân lều. Cô vẫn thường làm thế mặc dù không hiểu được tại sao như vậy lại dễ chịu. Thỉnh thoảng, Nhài cho phép mình ra xa hơn một chút để thỏa trí tò mò hay thỏa mãn sự tự do, nhẹ nhàng, lâng lâng nhờ sóng nước dập dềnh bởi nồm nam về khuya. Nhưng chỉ một chút thôi rồi vội bơi vào. Có cảm giác sợ! Sợ cái khoảng trắng mênh mông và sợ cái bí mật rờn rợn phía dưới. Có lúc, đàn cá xúm lại, ve vãn thân thể mà chúng tưởng mồi khiến cô nhồn nhột. Người ta chẳng lạ gì với những điều Nhài có thể làm như người bình thường. Thoạt đầu, họ cũng thấp thỏm, phập phồng nhưng rồi chẳng sao. Thế là quen và không phải lo lắng cho suy nghĩ, một lúc nào đó không may Nhài gặp điều bất hạnh chẳng hóa họ thành người vô tâm hoặc chí ít cũng mất cái gì đó cho cô chăng? Và thậm chí còn mường tượng ra bóng “bà cô” lảng vảng ngoài đồng, tóc lòa xòa, thân trắng muốt bay lơ lửng tìm bắt kẻ “hợp tuổi” để đầu thai chuyển kiếp. Nhờ lối suy nghĩ ấy hóa Nhài được ơn nhiều. Đương nhiên, ai cũng biết mọi thứ Nhài bắt chước đều là hành động vô thức, một cách khôi hài giống trí thông minh của loài khỉ dù Nhài có đủ giác quan và tố chất của con người. Chả thế, người ta vẫn nhớ có lần thu hoạch lúa, chẳng may niềm ngoặc vào tay, máu chảy thườn thượt, Nhài chỉ biết đứng nhìn máu nhỏ và khóc vì đau. Người ta có nhiều lòng trắc ẩn đối với Nhài hơn là nhớ tới nguyên nhân biến cô thành kẻ như vậy, có thể sự thật không giải quyết được gì, chỉ thêm phiền lụy mà thôi.

Chừng như đã thỏa mãn, Nhài leo lên nằm, không vội mặc quần áo vì căm ghét dính nhớp. Chợt gió kéo đến kèm tiếng sấm rền từ xa. Trái với mọi người, những thứ ấy làm Nhài thiêm thiếp. Cũng chẳng ai để ý trong giấc ngủ của cô hay những người như cô có bao giờ mơ và sẽ mơ thấy gì? Bỗng dưng nước xối xả đổ xuống, nó hắt vào cái thân thể trắng tinh thở phập phồng vô tư mộng mị. Nhài chợt tỉnh. Là mưa! Mưa rào. Cô giở chiếc vỏ chăn thường dùng kê đầu phủ lên người sau khi sập tấm liếp che cửa lều xuống. Thời tiết thay đổi đột ngột thành mát mẻ. Những giọt mưa lộp bộp trên vòm mái ru Nhài vào giấc mơ sâu hơn…

Tựa có cảm giác buồn buồn, nhè nhẹ, hơi nóng lướt từ ngực, dần xuống eo, hông. Nó dừng lại một lát ở cặp đùi, rồi di chuyển mơn man lên trên, lại xuống dưới. Nó làm cô phấn khích lạ thường, cái cảm giác thích thú nhất từ trước đến nay cô được biết. Nó làm Nhài phải nín thở, phải ưỡn người để được khoan khoái hơn. Rồi nó ngọ nguậy mò vào cái chỗ từ lâu cô không hiểu sinh ra để làm gì, trừ lúc tức bụng phải ngồi xuống cho tuôn ra dòng nước lúc trắng lúc vàng, có lúc lại màu da cam khiến cô hoảng hốt. Nhài cũng chẳng biết thứ nước ấy từ đâu ra, sao lại thế, chỉ thấy người ta không thích nó và chị dâu dạy cô vậy mỗi khi cần thiết. Tất nhiên, cô có biết tên theo cách người ta vẫn gọi. Nó dừng ở đó lâu hơn, có lẽ đang loay hoay tìm đường đi tiếp hoặc tìm cách quay đầu? Cô đồ vậy.

Cái cảm giác phấn khích cứ tăng lên mỗi lúc, Nhài ra lệnh bảo dừng nhưng nó chống lại mệnh lệnh từ trung tâm thần kinh của cô như một đối thủ tàn bạo mạnh mẽ. Bị khuất phục, cô lưỡng lự chờ xem cái nóng nóng ấy làm gì tiếp. Nó ngừng ở đó, khẽ động đậy và mỗi lần cựa quậy buộc cô hít một hơi thật sâu dù mắt vẫn nhắm nghiền, tai vẫn nghe tiếng mưa rơi lộp bộp, lộp bộp. Bất ngờ, Nhài cảm thấy bị đè nặng, toàn bộ mặt trước của cơ thể được hâm nóng, những ngón tay bị đan lẫn và cánh dang rộng, tì chặt xuống sàn lim, cặp đùi thì doãng ra bởi một thứ chêm vào. Ánh chớp lóe lên làm cô giật thót, hốt hoảng mở mắt và mơ hồ nhận ra một bóng ma chễm chệ trên người. Tưởng nó đang ăn thịt, cô ú ớ! Chưa kịp la thì môi bị kẹp chặt, một vật dẻo dẻo tìm cách luồn qua kẽ răng. Đầu lưỡi cô phản ứng một cách tự nhiên khi đụng phải nó, nhưng cứ thụt thì nó lại thò sâu vào, cô đá sang hai bên má nó cũng đá theo, luẩn quẩn trong vòm miệng như thể nó nhìn thấy rất rõ và biết trước ý định của cô vậy. Cái cơ thể thực vật phản ứng một hồi đâm mệt. Mà chắc nó không ăn thịt, vì ăn thịt thì phải đau chứ. Đằng này thấy sao sao ấy. Thích! Dễ chịu thì phải, dẫu hơi tức thở. Cô nghĩ thế và buông xuôi cho nó muốn làm gì thì làm với hi vọng khi chán nó sẽ tự bỏ đi mà không ăn mất phần nào trên cơ thể. Nhờ vậy, Nhài bớt sợ. Thay vì la lên ngay khi miệng được giải phóng cô lại thở hổn hển và khẽ rên kiểu chữ ư phát âm dài hơn thường lệ. Dù vậy, Nhài vẫn không nghĩ đó là tiếng nói của mình. Nó là của con ma khác, con ma mà cả cô và con ma đè trên bụng không biết nói, chỉ gầm gừ, hộc hạc đều không nhìn thấy.

“Phựt”! Rồi. Một tiếng kêu lạnh lùng như dây đàn bị đứt sau khi đã căng hết cỡ để có thể tạo những âm thanh kì diệu. Nhài cảm nhận được âm thanh đó cùng lúc co người giật thót và á lên một tiếng vì đau, rợn cả người đến nổi da gà. Nó làm cô đau, nghĩa là ăn thịt rồi! Nghĩ thế, Nhài định tìm cách chống trả với con ma để giành lấy sự sống nhưng cơn đau tan biến nhanh đến nỗi tưởng như chưa hề cảm thấy và thay vào đó lại là một điều kì lạ chưa từng có đối với cô. Con ma thứ ba xuất hiện, nó ban thêm hưng phấn tột cùng làm Nhài không thể cắt nghĩa và cũng không còn nghĩ đến con ma nào nữa...Nhài thiếp đi vì mệt. Mưa cũng tạnh từ bao giờ...

Những tia nắng ban mai sau mưa phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ khiến Nhài bừng tỉnh. Rạng rỡ hơn hẳn, ngay cả cỏ cây cũng tươi tốt thêm. Nhài cố nhớ lại chuyện sảy ra hồi đêm nhưng không hiểu rõ chuyện gì. Hóa ra là ma thật, nó biến mất không để lại dấu tích. Người ta vẫn cho rằng ma sợ mặt trời đó thôi. Nhài lật tấm mền, định mặc đồ vào để về làng, chợt giật mình vì một vệt màu đỏ đông cứng ngay chỗ nằm phần dưới tấm phản lim. Cô hốt hoảng, vội quan sát, sờ soạng khắp người. Không mất tí da thịt nào, cũng chẳng chầy sước gì, nghĩa là vệt đỏ kia không phải máu tức không có ma, và nếu có nó cũng chẳng ăn mất tí thân thể nào cả. Nghĩ thế, Nhài quên tất, mặc đồ, chống tấm liếp chui ra ngoài. Được dăm bước, cô chệnh choạng ngã sấp ven vệ cỏ, chẳng hiểu sao hôm nay bước đi khó khăn thế, chắc tại trời mưa trơn trượt, vài cây cỏ kịp xuyên vào làm nước mắt ứa ra, giọt nước mà lâu lắm rồi cô mới lại thấy. Giọt nước của nỗi đau hay của sự bất ngờ trở thành đàn bà, Nhài không biết và cũng chẳng ai biết...

Đều đều như một thói quen cố hữu, con ma xuất hiện nhiều lần trong chiếc lều trên mặt ao, nhưng chỉ khi Nhài thiếp đi mới đến và nó vẫn tái diễn những trò tương tự, vẫn không nói gì ngoài hơi thở khò khè, ư hự và biến mất một cách bí ẩn trước lúc mặt trời kịp rạng, có thể chính Nhài muốn nó biểu diễn cho mình thưởng thứcchăng? Chiếc lều cũng rung lên, nhún nhảy nhịp nhàng, bầy cá vẫn xúm lại toạp toạp táp mồi. Vậy là chẳng có ai bắt chộm cá cả.

Nhiều lúc Nhài cố thức để xem rõ mặt hay mong ngóng con ma cũng chẳng biết, chỉ cảm thấy như đang chờ đợi điều gì đó không rõ ràng nhưng rất đỗi quen thuộc và thật khó chịu khi thiếu nó. Con ma vô tình trong tiềm thức trỗi dậy như một chu kỳ vốn có làm cô bức bối trong cơ thể và chính nó sui khiến cô chờ mong con ma mà có thể cảm nhận, sờ từng đường gân thớ thịt giống như chính mình vậy. Nhưng nó không bao giờ xuất hiện nếu cô còn mở mắt. Nhài nhận ra điều đó sau nhiều lần chờ đợi mệt mỏi nên cô phải tự ru mình ngủ hoặc giả vờ ngủ để nó đến và không dám mở mắt vì sợ nó biến mất, chỉ cười mủm mỉm vẻ đắc trí khi biết con ma ngờ nghệch bị lừa.

Cứ thế, cho đến một ngày, hễ thấy cô người ta lại xúm vào cợt nhả, thậm chí ve vãn phần bụng dưới đang lớn dần mà cô chẳng biết vì sao như thế, vì sao thích ăn đồ chua và miệng luôn nhạt thếch... Từ đó, cô không được ra lều trông cá và dù có giả vờ ngủ hay ngủ thật cũng không thấy con ma khờ khạo xuất hiện. Nhớ lắm, nhưng chẳng biết tìm nó ở đâu, hỏi ai...

Một buổi giữa trưa, vợ ông Lí, chủ cái ao cá duy nhất ở thôn Đông, sau khi đưa cô em chồng ngớ ngẩn đi viện kiểm chứng điều người ta đàm tiếu xôn xao về, ba máu sáu cơn, bà Bình ra ngã ba giữa làng, chống nạnh tru tréo:

- Tổ cha thằng họ sở tên khanh nào có thói “mèo mả gà đồng” thất đức mà “nằm trên ăn chốc” cái nghìn vàng của cô Nhài nha. Mày “bôi tro chát trấu” vào nhà bà à? Cái giống vô lương tâm “trẻ không tha già không chê” kia, mày đục khoét, gặm nhấm người bình thường đã đành, đằng này đang tâm ăn tươi nuốt sống cả người không có nhận thức thì chẳng khác nào cầm thú nhơ…

Bà ngưng lại suy nghĩ và lấy hơi rồi bạnh cổ, phùng mang nguyền rủa:

- Bà truyền đời báo kiếp cho mà biết, nếu không muốn suốt đời tổ tiên, ông bà ông vải nhà mày bị cày xới thì khôn hồn lo liệu chu chỉnh nhá. Mày không...

Chưa kịp hết câu, ông Lí bịt miệng, lôi xệch vợ vào nhà nạt nộ:

- Bà điên à mà đi loan tin ầm ĩ thế, lo liệu chu chỉnh là làm sao?

- Phải, tôi điên! Điên nên mới vớ nhầm nhà ông thế này. Tôi điên nhưng hai mặt con không phải chửa hoang.

- Bà có im đi không? Rối tít cả lên thì gỡ thế nào?

- Ông điên thì có. Gỡ gạc gì nữa, bụng tướng lên mà vẫn ngơ ngơ như “bò đội nón” thì đẻ đái, nuôi nấng nỗi gì. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, khốn khổ cho cái thân tôi.

- Bà không nuôi để tôi, xét cho cùng, tôi mới là người làm hại cô ấy ra nông nỗi này. Nếu ngày đó tôi không nóng nảy thì...

- Thì...thì làm sao? Giời ơi! Mười mấy năm phục dịch cho ông để bây giờ ông giả nhời tôi thế đấy.

- Bà hãng cứ bình tĩnh, làm như thể “tan đàn xẻ nghé” đến nơi không bằng.

- Đấy, mặc ông. Tính thế nào thì tính, tôi hơi đâu “ôm rơm cho rặm bụng”.

Không khí gia đình trĩu xuống nặng nề.

Nói thế chứ kì thực bà Bình có tiếng đảm đang, phúc hậu, tội cái hơi chua ngoa và thẳng tính nhưng cũng rất biết nhường nhịn, chịu đựng. Chả thế, biết ông Lí bố mẹ mất sớm lại phải nuôi cô em bị thần kinh từ nhỏ mà vẫn chấp nhận làm vợ cũng như sẵn sàng gánh vác trọng trách dạy dỗ cô em dâu điên dại. Bà cho vì duyên số mà thôi. Từ ngày biết bất hạnh của Nhài do chồng vì bực tức trong bữa ăn, lỡ tay khảo cái muôi múc canh bằng nhôm trúng đỉnh đầu, thế là hóa Nhài thành người điên khi hai anh em trên dưới mười tuổi, bà cố sức thuốc thang chạy chữa nhưng chẳng ăn thua gì đành bỏ nhiều công sức kèm cặp, chỉ bảo để Nhài biết tự lo cho bản thân. Bà làm mọi việc có thể, mong bù đắp được phần nào tội lỗi của chồng với tâm niệm giảm bớt oan nghiệp con cái sau này. Mỗi việc dạy Nhài cách làm người đàn bà là không thể vì Nhài chỉ nhận biết, ghi nhớ được những gì nhìn thấy cụ thể. Hơn nưa, người như Nhài làm gì có ai dám đoái hoài, nếu may mắn hoặc tốt số vớ được người có hoàn cảnh tương tự, lúc ấy chỉ dẫn còn may ra. Thế mới có cơ sự khốn khổ hôm nay.

* * *

Ở cái làng quê cách thành phố gần trăm cây số như thôn Đông này, chuyện một người tâm thần tự dưng bụng chửa tướng là vấn đề sốt dẻo trên hết, hơn cả tin bão số bẩy làm thiệt hại đồng bào các tỉnh miền Trung vừa rồi. Và đương nhiên, hơn rất nhiều vụ tòa tháp đôi của Hoa Kỳ bị đập nát hay vụ Mĩ tấn công Irăc. Nó ngẫu nhiên được hình thành, truyền miệng, thêu dệt giống như cách lan rộng và sức sống của truyền thuyết dân gian dù chuyện sảy ra đã gần hai năm. Không chỉ ở những bà có mệnh danh ngồi lê đôi mách mà cả trẻ con hay cánh đàn ông trung tuổi bỗ bã. May còn sót các cụ già, họ chẳng bàn tán, giường như thấu triệt mọi lẽ nên họ im lặng và ngại phát biểu ý kiến những chuyện đại loại như thế. Cũng có thể, họ đã chứng kiến nhiều rồi nên nhàm.

Chiều một ngày cuối tuần, cánh đàn ông trung tuổi sau khi giúp một người trong làng hoạn bầy lợn. Họ được gia chủ mời lại xơi nước, thuốc và rôm rả tán gẫu với chất giọng ngai ngái như nhau nên khó phân biệt được ai với ai. Bắt đầu từ một người:

- Này các bác, cô Nhài điên thế lại may mắn, sinh thằng cu kháu đáo để.

- Ừ phải! Trưa tôi vừa ăn đầy năm, chỉ tội mẹ nó không biết nuôi nên hơi gầy.

- Thế là tốt rồi, chứ cái ngữ ấy thì...

- Theo tôi, tay nào làm chuyện ấy coi như ban một ân huệ.

- Ân huệ cái con khỉ, bác nói ngược mẹ nó rồi.

- Ngược là ngược thế nào? Nghĩ mà xem, tự dưng có thằng con săn sóc lúc xế chiều chẳng tốt hơn à?

- Có lẽ thế nên ông bà Lí, Bình không thèm tầm nã xem gã nào chim chuột với cô Nhài như hồi đầu cái bụng trướng lên.

- Úi giời! Tầm với chả nã, lấy gì làm bằng cớ? Ngay mối nghi ngờ còn chẳng biết hướng nào nữa là.

- Ông dốt bỏ con mẹ. Ấy là chiến lược cao thủ của ông Lí đấy.

- Cao thủ thế nào?

- Ông ấy cứ lì lì chẳng thèm tầm nã tầm vông gì, đợi đứa trẻ lớn, lại chả mang dáng vẻ kẻ nào đó à.

- Và khi ấy, đương nhiên buộc phải mang mẹ con cô Nhài về, thế là tự dưng vớ bở.

- Bác làm như đi guốc trong bụng ông Lí không bằng. Làm gì mà thâm thế?

- Ô hay, nhà bác này! Liên quan gì mà cứ bênh người ta chằm chằm?

- Này, đừng có lộng ngôn xỏ xiên, vợ tôi và lũ con nghe được thì khốn nạn.

- Mà em thấy nó cũng hao hao…

- Giống ai?

- Giống cái mắt trắng trắng, cái mũi hin hin, cái đầu nhòn nhọn của bác Tùng hoạn lợn đây này. Thảo nào nãy giờ cứ ngồi im, mồm há hốc, mặt đỏ bừng.

- Điên à! Người ta vừa bắn điếu thuốc, say nó thế, vợ con rồi ai mà thèm cái đồ dở hơi ấy.

- Là em đùa thế vì thấy bác chẳng ý kiến ý cò gì. Nhưng mà bác nói sai đấy nhé.

- Sai... sai gì?

- Ngớ ngẩn nhưng máy móc còn xịn, chỉ riêng cái mác mới toanh, chưa đập hộp đẫ ối kẻ thèm muốn xin chết chứ chưa kể nếu cô Nhài biết sắm sửa có khi trở thành hoa khôi ấy chứ bỡn. Chí ít cũng ăn đứt mấy mụ vợ của chúng ta ngồi đây. Xác lắm! Tuềnh toàng toang hoác cả rồi.

- Lại chắc chắn chẳng cần bao bọc gì mà không bị lây nhiễm con virut HIV.

- Ờ, thế mới làm người ta ễnh bụng rồi chạy mất hút.

- Mất hút thế nào được. Một thời gian nữa thằng nhỏ lớn, nhìn nó biết ngay cha nó là ai, mà không, nó cũng tự tìm thấy bằng mối liên hệ máu mủ ruột già. Cùng lắm, đưa nó đi phân tích gen di truyền như tivi vẫn đưa tin đấy. Nắm được con ADN có chạy đằng trời!

- Không nhất thiết tốn kém thế, tôi cứ suy là ra ngay.

- Suy? Bác suy ra ai?

- Thì thằng Quỳnh vừa câm vừa điếc ấy, nó ra thành phố mấy năm trời chẳng nhiễm thói chơi bời trác táng à? Thỉnh thoảng nó lại về vài ngày, mà tôi để ý, từ ngày cô Nhài sinh, nó thường sang bế thằng nhỏ khéo léo như một vú em. Đầy năm, đầy tháng, đều có mặt trước một ngày giúp ông bà Lí chuẩn bị.

- Nó như người ngớ ngẩn, biết quái gì. Hơn nữa, sát vách nhà ông Lí, hay sang là phải và thằng nhỏ đâu giống nó.

- Ô! Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi đấy các bác ạ. Ở đời chuyện lạ thiếu gì. Lấy ngay bác Tùng làm ví dụ. Y sĩ hẳn hoi, công tác tại viện, tay nghề cao, ối người mơ chẳng được thế mà về quê kiêm hoạn lợn. Em xin lỗi! Nếu tìm được tay mất dạy kia mà nó không chịu nhận mẹ con cô Nhài, bác cứ thiến cha của nó đi, thế là xong, hết thói hám của lạ.

- Ơ! Đã hoạn người bao giờ?

- Gớm, tay nghề bác cứng thế làm gì chẳng được. Bác vốn học để chữa người đấy chứ. Với lại, thú y hay nhân y đều trị bệnh cả, khác nhau mấy...

Đám đàn ông phá lên cười, hè nhau về thì vợ ông chủ hớt ha hớt hải ở đâu bổ tới, mồm năm miệng mười:

- May quá! Bác Tùng vẫn ở đây, bác sang xem thằng con cô Nhài làm sao người nóng ran, kêu gào ầm ĩ.

- Trẻ con ốm đau là chuyện thường. Thế ông bà Lí đâu?

- Hai ông bà với cô Nhài lên chùa cầu may. Gởi nó cho thằng Quỳnh, tôi ngang qua nghe tiếng khóc, ghé vào nên phát hiện nó bị sốt. Bác sang nhanh cho, âu cũng là làm phúc!

Được cớ, mọi người tản hết. Ông Tùng ghé qua nhà lấy một số thứ cần thiết vội sang nhà ông Lí. Đứa nhỏ trên tay Quỳnh không còn khóc, mẹ nó và ông bà Lí vẫn chưa về. Thầy thuốc Tùng sờ vào người đứa trẻ, lẩm bẩm một mình, “sốt cao, phải tiêm hạ sốt ngay.” Ông chuẩn bị thuốc, khó khăn lắm mới luồn kim vào tĩnh mạch đứa trẻ. Khó khăn không phải vì tay nghề ông kém, mà vì đứa nhỏ ngọ nguậy, giãy giụa. Quỳnh phải ép nó vào lòng và giữ chặt cánh tay còn lại bác sĩ Tùng mới tiêm được. Thằng bé giật giật, quẫy đạp vài cái rồi im rịm sau khi bơm thuốc một lát. Quỳnh không biết nó ngủ hay công hiệu của thuốc nhưng vẫn xiết vào vỗ về. Ông Tùng xếp vội đồ vào túi, lại lẩm bẩm một mình trước khi cất bước, “Ổn rồi! Chỉ còn chăm sóc chu đáo là xong”...

* * *

Trời vừa chập choạng, bếp từng nhà bốc khói. Bỗng người ta nghe giọng chua lòm lẫn tiếng gào khóc của bà Bình:

- Ối làng nước ơi! Con cái Nhài chết rồi! Chúng tôi lên chùa cầu may, cầu phúc chứ có cầu siêu cho nó đâu mà trời phật mang nó đi.

Mọi người gác lại tất cả, đổ dồn đến nhà ông Lí, thấy ông thẫn thờ ngồi bệt dưới nền, dựa lưng vào tường. Ông mếu máo:

- Chúng tôi lên chùa về, bà nhà xin lại đứa nhỏ từ tay anh Quỳnh thì phát hiện thân thể nó lạnh toát, cứng đờ từ bao giờ.

Nhài nhởn nhơ cười không hiểu chuyện gì, bà Bình thì vẫn bù lu bù loa.

Mọi người kháo nhau:

- Lúc nãy tôi nghe nó khóc dữ lắm, rồi im bặt.

- Hay thằng Quỳnh làm gì nó?

Hàng trăm con mắt đổ dồn vào Quỳnh, anh lắc đầu phân bua nhưng người ta không hiểu. Một người đàn ông sấn đến thi thể đứa nhỏ thâm bầm trên giường, chỉ vào cánh tay nó nói lớn:

- Đây này, vết năm đầu ngón tay còn tím rậm. Chắc chắn thằng Quỳnh phải hành hạ nó cho đến chết.

Mọi người ồn ào:

- Nhưng sao nó làm vậy?

- Còn sao giăng gì nữa. Nó ăn nằm với cô Nhài, sợ đứa bé lớn lên bị phát hiện nên nảy ý giết chết bịt đầu mối. Nó dựa vào cái bệnh câm điếc để qua mặt mọi người đấy thôi. Cứ mời công an xã xuống gô cổ vào, nện cho một hồi là nhận hết.

Bà Bình được cớ la lớn:

- Nào chúng tôi có bắt nó phải nhận thằng bé đâu. Trước sau vẫn nghĩ cũng là cái phúc phần cho cô Nhài có người cậy nhờ khi già cả. Thế mà... trời ơi, dã man quá!

Ông trưởng thôn bảo mọi người:

- Mọi việc chưa rõ ràng, chúng tôi sẽ đưa nghi phạm lên xã điều tra. Bà con giúp cô Nhài lo hậu sự cho cháu. Nó còn nhỏ lại chết oan, thiêng lắm đấy!

Có ánh mắt lén nhìn Quỳnh và cười bí hiểm trên một khuôn mặt gã đàn ông lẫn trong đám đông trước khi họ tản ra theo lời ông trưởng thôn...

* * *

Đại úy Quang Việt bàng hoàng khi nghe thông tin sơ bộ về chuyện của em trai ở quê, anh thõng người, buông chiếc điện thoại đi động. Không thể tin những lời ấy là sự thật, ly cafe đang chảy, bản nhạc trữ tình vừa cất lên. Anh xô ghế, đứng dậy gọi tính tiền và nói với người yêu:

- Ta về quê gấp em ạ, Quỳnh gặp rắc rối rồi.

Mất hơn một giờ họ mới về đến nơi. Trong lúc Quang Việt trao đổi tình hình với cán bộ xã, Thùy Trâm xin phép vào gặp Quỳnh. Một hồi cô bước ra vừa kịp khi Quang Việt đề nghị được bảo lãnh Quỳnh để điều tra ngọn ngành. Thùy Trâm lên tiếng: - Không vội phải bảo lãnh, cũng không cần điều tra. Quỳnh cho em biết, nếu thằng bé đó không phải bị người ta cố tình hãm hại thì chết do bệnh nặng. Quỳnh không thể và mọi người không chịu nghe Quỳnh giải thích.

Đồng chí trưởng công an xã ngơ ngác:

- Tôi không hiểu?

- Phiền các anh cùng chúng tôi xuống hiện trường sẽ rõ nhưng trước hết, xin anh cho biết xã nhà có ai hành nghề y lại kiêm cả hoạn lợn?

- Có, anh Tùng người thôn Đông, rất giỏi về y thuật, nghe bảo bất mãn với bệnh viện nên bỏ về nhà hành nghề và thường giúp bà con hoạn lợn. Những hộ nuôi lợn đều nhờ vào bàn tay vàng ngọc của anh ấy cả.

- Cám ơn đồng chí! Vậy chúng ta xuống thôn Đông sẽ biết.

Quang Việt tần ngần nhìn Thùy Trâm tỏ sự nghi vấn. Biết thế, Thùy Trâm khẽ mỉm cười, cắt nghĩa sự khó hiểu của anh bằng câu trả lời mà đúng ra càng làm Quang Việt khó hiểu:

- Em có cách làm sáng tỏ mọi chuyện nhưng phải nhờ sự giúp đỡ của các anh.

Hơn mười phút sau, ba người có mặt tại nhà ông Lí. Cả làng đang làm lễ khâm niệm cho vong linh bé nhỏ. Đợi Thùy Trâm cắm thẻ nhang hoàn tất việc phúng viếng hương hồn người đã chết với tư cách vợ sắp cưới của người cùng làng, Quang Việt đứng lên hè, dõng dạc:

- Xin phép bà con, xin phép anh chị Lí, cô Nhài. Chúng tôi nhận tin đau buồn và xin chia sẻ, nhưng có một sự thật về cái chết của cháu bé tội nghiệp mọi người cần được biết rõ.

Mới nghe dứt, mọi người đã xúm lại, nháo nhào ngóng tin. Ông trưởng công an xã chỉ vào Thùy Trâm tiếp:

- Đây là cô Thùy Trâm, bác sĩ, bạn đồng chí Quang Việt người làng ta. Chuyện cháu bé xin bà con đợi cô ấy giải thích. Để được rõ ràng, chi tiết, tôi mời anh Tùng lên phía trước cho tiện trao đổi.

Tùng hoạn lợn mặt tái mét, rẽ dòng người đến sát bên Thùy Trâm. Cố tỏ vẻ khiêm nhường, nói bằng giọng lịch sự:

- Thưa, tôi có thể giúp đựơc gì chăng?

Thùy Trâm vạch một đường, chiếu ánh mắt lạnh sắc thẳng mặt làm Tùng bối rối, đánh mặt sang hướng quan tài. Thùy Trâm cố hết sức cho mọi người nghe rõ:

- Có phải anh là người chữa trị trước khi cháu bé chết?

Tùng ngấp ngứng chưa kịp đáp thì vọng lên tiếng một người đàn bà phía dưới:

- Vâng, đúng thế. Chính tôi phát hiện ra cháu bị sốt và nhờ bác Tùng giúp.

Thùy Trâm nhìn Tùng tiếp:

- Được biết anh từng là y sĩ ở viện, vậy anh chẩn đoán cháu bị làm sao?

- Sốt cao.

- Anh cho cháu dùng thuốc gì?

- Nửa viên sủi hạ sốt.

- Anh có tiêm cho cháu không?

Tùng cuống quýt:

- Vì sốt cao, để tránh dẫn đến tai biến xấu, tôi đành phải tiêm.

- Anh tiêm thuốc gì? Vào đâu? Mấy mũi?

- Vitamin C nâng cao sức đề kháng và vitamin B1 kích thích tiêu hóa. Tôi tiêm một mũi vào bắp tay phải của cháu.

- Với nhiều năm kinh nghiệm ở bệnh viện, theo anh cơn sốt của cháu bé có dẫn đến cái chết?

- Có thể nếu không kịp điều trị nhưng không nhanh vậy.

- Thế tại sao cháu chết?

- Tôi cũng không rõ, tiêm xong tôi vội về ngay vì bận. Chắc tại Quỳnh không để ý, ôm quá chặt nên cháu nghẹt thở.

Mọi người rộ lên. Ông trưởng công an xã phải giơ hai tay lên cao trấn áp để Trùy Trâm tiếp:

- Thưa bà con! Đúng, cháu bé có thể bị chết do ngạt thở nhưng không phải vì Quỳnh ôm quá chặt như anh Tùng phỏng đoán mà vì sốc thuốc và người tiêm cố tình. Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy.

Bà con lại được một phen há hốc mồm kinh ngạc, ném những ánh mắt đầy hồ nghi vào khuôn mặt tiu ngiủ của Tùng và dỏng tai lắng nghe Thùy Trâm cắt nghĩa cụ thể:

- Thứ nhất, tất cả chúng ta đa phần thuận tay phải. Quỳnh cũng thuận tay phải, vì thế cánh tay phải của người được bế gọn trong lòng bao giờ cũng ở phía trong. Rất khó nếu không muốn nói rằng không thể nào dúi ngược mũi kim hoặc bẻ vật cánh tay phía trong lòng người ôm ra để tiêm. Trừ phi người được tiêm cố tình để thầy thuốc tiêm hoặc bất tỉnh nhân sự hoàn toàn nhưng cháu bé không có hai điều đó và phản ứng dữ dội buộc Quỳnh phải mạnh tay để giúp anh Tùng tiêm.

Thứ hai, với một thầy thuốc đã từng phục vụ ở bệnh viện, lại có thể tiêm chính xác vào ven cháu bé một năm tuổi đang quẫy động như anh Tùng đây, tôi tin chắc sẽ không bao giờ có chuyện quên cái nguyên tắc tuyệt đối cấm đã ăn sâu vào óc, ngấm vào máu ngay cả đối với người bắt đầu học cầm xilanh phải biết, Vitamin B1 loại nào cũng không được tiêm tĩnh mạch. Nó sẽ gây sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng hô hấp và tử vong ngay lập tức. Thậm chí, kim tiêm chưa kịp rút ra khỏi tĩnh mạch.

Quỳnh cho biết thầy thuốc Tùng đã tiêm vào mặt trước cẳng tay trái của cháu bé chứ không phải bắp tay phải như anh Tùng tuyên bố. Nếu cần chứng thực, chúng tôi đành xin vong hồn cháu và anh chị Lí cho phép mở nắp quan tài...

Bà con còn mơ hồ về những lập luận của bác sĩ Thùy Trâm, chợt thấy Tùng sụp xuống, ông ta bò vào trước linh cữu vái lạy, khóc lóc van xin:

- Con ơi! Xin tha lỗi cho cha, chỉ vì... chỉ vì...

Lại những con mắt nhìn nhau và nhìn vào thân hình thõng thuột đang sụp lạy như người mất hồn. Một ai đó buông lời chửi đổng:

- Con mẹ thằng hoạn lợn xưng danh thầy thuốc giết người. Đúng là cái đồ mắt trắng môi thâm, mặt dày mũi hin, tai dơi đầu chuột. Ác đến thế là cùng.

Một giọng khác có vẻ xun xoe:

- Cái cô bác sĩ, đã đẹp người lại có tài lí luận như cảnh sát điều tra hình sự, chả trách ông mãnh Quang Việt mê mẩn.

Ông bà Bình, Lí té ngửa người thất kinh trong im lặng.

Người ta nhìn với theo Tùng hoạn lợn bị áp giải đi vẻ giận giữ và tiếc nuối một điều gì đó. Trong những ánh mắt ấy, lẫn ánh mắt của Nhài, vẫn cái kiểu nhìn dại dại, môi run run như đợi chờ bóng ma độ nào. Bóng ma mà từ ngày anh chị bán ao cá cô không bao giờ gặp nữa dù luôn luôn chờ đợi, hi vọng trong khi ngủ và cả khi giả vờ ngủ...

Ti vi nhà ai đó phát ra bản nhạc báo hiệu chương trình phim truyện bắt đầu.


____________________________________

Hà thành: Tháng 09/2005



CÒN TIẾP PHẦN 6....



NGUYỄN LÊ ĐOÀN


© Tác Giả Giữ Bản Quyền.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC