TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





TỪ NGUYÊN TĨNH

. Tên thật là Lê Văn Tĩnh .
. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1947
. Tại Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
. Hiện sống tại Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa,
. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994).
. Tổng Biên Tập Tạp Chí Xứ Thanh- Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh Hoá .

. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Hàm Rồng ngày ấy (ký sự viết chung, tập 1 in 1984, tập 2 in 1978);
. Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn, 1991);
. Gã nhà quê (tập truyện ngắn, 1992);
. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết, 1993);
. Không thành người lớn (tiểu thuyết, 1995).

. GIẢI THƯỞNG :

- Giải thưởng văn học: Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn)
- Giải thưởng Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn;
- Giải thưởng văn học tỉnh Thanh Hóa - Mẹ (truyện ngắn),
- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Sông Hương 1993;
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1993; Gã nhà quê (tập truyện)
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1994. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết)





TRUYỆN NGẮN

MẸ

MÙA YÊU ĐƯƠNG

VỢ CHỒNG XE TRÂU

CÁI THỜI KHÓI LỬA

ĐÀN BÀ





TIỂU THUYẾT


CON THUYỀN MỒ CÔI Phần I - Chương 1-6

CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 2 - Chương 7-10

CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 3 - Chương 11-15

CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 4 & 5 - Chương 16 - 20

CON THUYỀN MỒ CÔI Phần Kết - Chương 21 - 23

CÕI NGƯỜI - Chương 1 - 5

CÕI NGƯỜI - Chương 6 - 10

CÕI NGƯỜI - Chương 10 - 15

CÕI NGƯỜI - Chương 16 - 20

CÕI NGƯỜI - Chương 21 - 25

CÕI NGƯỜI - Chương 26 - 40

CÕI NGƯỜI - Chương 41 - 45

NƯỚC MẮT QUÂN VƯƠNG >

CÕI NGƯỜI - Chương 46 - 50

CÕI NGƯỜI - Chương 51 - 55

CÕI NGƯỜI - Chương 56 - 60

CÕI NGƯỜI - Chương 61 - 65

CÕI NGƯỜI - Chương 66 - 70

CÕI NGƯỜI - Chương 71 - 76

CÕI NGƯỜI - Chương 77 - 82

KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN - Chương 1

KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN - Chương 2













































KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN

CHƯƠNG II

Bà ngồi cời tóc bắt chấy cho mẹ. Mẹ bảo không hiểu sao đầu ngứa ngáy khó chịu. Bố cười, nói đùa với mẹ hay là bố đưa chấy rận từ miền Nam ra. Mẹ đấm vào lưng bố thùm thụp…"Cái ông này thật dớ dẩn, khéo con nó cười cho, tóc bạc mà còn đùa dai". Bà bảo may ra thì thằng Nam có em. Nói đến chuyện có em bé là Nam cứ mừng rơn lên. Bà bảo khi cu cậu lên ba tuổi đã đòi em rồi. Bà bảo phải chờ bố Nam đi Nam về mới có em chứ. Nhưng cậu chàng lăn ra đất đòi phải có em liền. Em ứ chờ, mẹ phải đẻ ngay em bé cho con cơ. Là nó thấy bọn trẻ đứa nao cũng có em. Mẹ mua cho một em bé búp bê, chơi được một lúc là chán,đòi có em bé thật cơ. Nam nghe bà kể chuỵện mình cho bố nghe mà xấu hổ quá. Hoá ra Nam cũng có lúc ngây thơ vậy sao? Ngồi trên bàn học mà chân Nam ngứa ngáy, muốn chạy nhảy tung tăng như con Cu Đen khi tìm được bãi cỏ non nhai ngon lành. Nam lại muốn gặp bạn khoe chiếc áo mới của bố đưa từ miền Nam ra. Bố nói với Nam như một đồng đội bé xíu:
- Con mặc bộ quân phục màu cỏ úa nó khỏe.
Bà gắt:
- Rồi nó không thành tướng nghịch!
- Có roi!… Bố nhăn răng cười - có phải không "người con trai".
Bố trách mẹ, đáng lý Nam phải lên lớp hai rồi, bây giờ mới học "vỡ bụng". Nam giả đò không nghe thấy gì. Để xem bà nói chuyện về Nam cho bố nghe. Cứ bị giam chân thế này mới chán chuyện. Bố mày là người khó nuôi này. Bà cũng cho ăn học cho ra hồn người đấy, nhưng nhà quýnh quá chỉ theo đít con trâu, lên lớp bốn là đúp rồi đi làm thuê. Ông mất khi bố mới lên ba tuổi, bà ở vậy với mấy gian nhà bẹp, làm ma cho ông con còn chiếc giường gẫy vạc, ông Lý bên Thượng sang hỏi bà khất lần: "Cụ thương em, nhưng cháu còn nhỏ dại, đợi cháu nên người rồi hãng hay". Cái quân lắm của nó vậy, muốn học đòi có vợ chẵn vợ lẽ. Lấy vợ lẽ còn hơn nuôi đứa ở. Cha cái lũ rửng mỡ ngứa nghề. May mà hòa bình, không bố mày đi rửa đít cho con nhà người. Một tình cảm tự nhiên mà chỉ có loài người mới có được, tình máu mủ rà ruột mới có được, làm Nam ứa nước mắt.
Bà lùa ngón tay vào lọn tóc dày của mẹ mà bới. Mẹ ngọ nguậy đầu lại phía sau nhìn Nam, đôi môi nhoẻn cười, lời nói như rắc ra từ đó:
- Mẹ xem Cu Đen còn ngồi đó hay tót đi rồi!
- Có cái roi bà treo ở góc kia kìa! - Bà dọa thêm.
- Con thuộc bài rồi mẹ ạ!
- Học đi con ạ, không kẻo qua hè vào lớp không theo được bạn bè đâu.
- Con ứ theo, con biết lớp họp rồi!
- Là mẹ nói cái học chứ không nói cái nghịch.
Mẹ quay sang nói chuyện cùng bà: - Con xin nghỉ chân phụ nữ xã mẹ ạ!
- Bố nó bảo sao? - Bà hỏi:
- Anh Bắc bảo tuỳ con!
- Con vất vả nhiều… Mẹ muốn con được nghỉ ngơi…còn bố nó…
-Đảng ủy nhất quyết mời anh ấy ra nhận việc.
- Khổ thật, mới trận mạc chân ướt chân ráo!
- Nhưng tập thể yêu cầu… Mà cũng do anh ấy thời ở nhà làm ăn giỏi.
- Chậc! Giỏi chả giang… Mẹ nghĩ nó không thương con đằng đẵng vất vả hàng chục năm trời nuôi bà nuôi con hoạt động xã hội hay sao mà đua đòi. Nó gắt mẹ, con có muốn làm đâu. Con thương bà, thương cháu nhưng cơ ngơi địa phương như vậy, mẹ bảo nhắm mắt làm ngơ sao được.
Nam nghe tiếng đồng hồ tích tắc. Nam thấy bàn chân ngứa ngáy muốn chạy thẳng. Nam ngó ta cửa chờ đợi.
Bà cắn con chấy đến đốp một cái rõ dòn.
Tiếng mẹ:
- Có chấy thật hở mẹ!
- Có thì đã sao! Cái giống ăn bám nó hóa ra nhanh lắm… Rồi nó lại mất đi mau…Mẹ cái năm mang thai bố cu Nam ấy, tự dưng sao mà lắm chấy thế!
- Lúc ấy hoàn cảnh nó thiếu thốn mẹ ạ!
- Ai bảo, vợ chồng son trẻ. Làm gì không đủ ăn. Chỉ khác lúc đó nâu sòng, còn bây giờ là lượt.
- Mẹ này! - Mẹ đón chuyện.
- Mẹ mày bảo sao? Bà nói lào thào.
- Bố cu Nam ra làm chủ nhiệm mẹ có ưng không?
- Mẹ chẳng vất vả gì nhưng thương con. Lại chẳng đổ việc lên đầu con ấy.
Tiếng huýt sáo. Thằng Thái vào nhà, nó chào bà và mẹ, bà dơ nắm đấm ra dọa:
- Này các ông tướng. Lại nhốt bò vào nhà máy điện rồi đi xem là không tha roi cho bay đâu. Cu Thái cười toe toét nói:
- Bọn cháu có cho vào đâu, nó tự vào chứ bà!
Đó là bà nhớ lại lần Nam và Thái cho bò vào nhà máy điện đi xem đá bóng.Cũng tưởng chiều bò lội sông về, ai ngờ càng chờ càng không thấy. Chú Hếch mới từ Cầu Quan về réo ầm lên:
- Thằng Nam có ra nhận bò không nào!
Bà gói mấy ống gạo vào hầu bao ra. Nam in thin thít dẫn bà ra bảo vệ nhà máy. Chú bảo vệ tròn mắt, quát:
- Hai thằng này tại sao cho bò vào phá nhà máy?
- Cháu xin chú!… Thằng Thái sụt sịt khóc.
- Xin à! Có tiền phạt không? Đồ phá hoại tài sản XHCN.
- Cháu xin chú cháu trót dại!
- Mấy lần rồi có nhớ không?
- Dạ một lần ạ! - Nam lo lắng nhìn Thái.
- Có thật không? Xóm này có mấy con bò đen?
- Ba… mà hai con cả thảy ạ! - Thái nhanh nhảu đỡ lời.
- Có thật không? Nói sai tao cho làm thịt bò nhé!
Nam lì mặt ra chẳng tìm đâu ra ý nghĩ. Dại quá đi mất. Cứ để cho bò ngủ ở đây mai ra xin thì đã sao. Như có lần mình đi xem phim ngủ ở nhà Thái ấy có sao đâu. Hơn nữa chú ấy dọa, chứ thịt một con bò là động đến chính phủ liền… Mình sao mà ngu thế.
Bà thấy hai đứa trẻ lúng túng, mới dở hầu bao ra, nói cùng chú bảo vệ…
- Con dại cái mang. Biết là tội với chính phủ rồi ông ạ! Nó là cháu tôi. Tiền không có, có ba bò gạo nếp, ông nhận thay cho tiền phạt…cũng là làm phúc. Chú bảo vệ phì cười, nói cùng bà:
- Sao cụ lại "hối lộ" để xin cho "hai kẻ phá hoại này?"
Nam lấy lại dũng khí, kéo chiếc quần vì sợ quá tụt xuống quá rốn, cố lấy giọng không run nói cứng:
- Cháu nói thật, ở Cương Thạch chỉ có một con bò đen thôi à!
- Có thế chứ! Tao đã chụp ảnh con bò đen của mày rồi nghe chưa! - Nam nghe mà lịm đi vì sợ… chú bảo vệ đổi giọng:
- Thôi được! Nể bà cụ tôi tha cho hai ông tướng này một lần nữa!
Bò được thả ra, Thái quất một roi thật đau cho Cu Đen cong đít phi. Nam khẽ hỏi bạn: - Có thật bò bị chụp ảnh rồi hả mày! Thái gắt:
- Mày ngu lắm! Người không được chụp ảnh nữa là bò!
Bà cười thành tiếng: - Cha tổ chúng mày…Rồi bà có roi!
Hai đứa lén ra khỏi lán bảo vệ là nhảy chân sáo. Chúng ra bờ sông đào. Đây là khoảng trời mênh mông của chúng. Bãi cỏ xanh rờn mướt tận chân đê. Xa tít kia là ngàn Nưa trông thật thích mắt. Tiếng gió trời như tiếng sáo diều. Nam bắt chước Thái cởi ngay áo ra làm gối. Mặc cho lá cỏ đâm vào da thịt. Những chú kiến đen châm vào làm giật thót cả người. Chúng im lặng nhìn trời. Chúng suy tư như người lớn vừa thắng trận trở về. Gió phóng túng đưa vị hoi nồng của đồng nội phả lên, một mùi hương khăm khẳm của da trâu bò mà lần nào, ngày nào chúng cũng nhận ra. Khảm vào ký ức non dại trong sáng như những vì sao trên trời.



*
* *

Thái chắp hai tay lên ngực nhìn những đám mây trôi nhưng không được lâu lại nằm úp ngực xuống nhìn dòng nước cuộn chảy. Nó cố nhắm mắt lại như chú mèo mướp vừa chén xong chú cá rô cũng không được.Lâu lâu lại mở mắt ráo hoảnh nhìn Nam, dáng vẻ nghĩ ngợi như một cụ già trước một việc rất hệ trọng.
Nam quan sát thấy dáng của bạn cựa quậy như chú sâu khoai mà nể quá. Không nén được Nam hỏi bâng quơ:
- Sao?…đằng ấy vừa bị nện hả?
- Không!
- Đói hả?
- Không!
- Mặt lại nghệt ra thế!
- Đo…oái…haa…ả ả! - Thái bắt chước giọng Nam nhại lại.
-Á chà! Ra cái điều là con cán bộ cơ đấy! Rồi đằng ấy sẽ làm cán bộ và hỏi tớ với giọng"đoái hả ả"…Rồi lại bảo "cứu tế"… Này, tớ cóc cần, ăn gì chả được, hồ làng Cương Thạch ba sáu mẫu lo gì không mò được con tôm con tép. Tớ là tớ lo cho cậu thôi…
- Sao hở thằng hay gây sự!
- Cậu bảo sao? Là cậu hay gây sự thì có!
Nam chợt buồn, vỗ về bạn:
- Đằng ấy làm chi lạ rứa!
- Tớ chẳng nói lạ…Rồi cậu chẳng béo hú lên như mấy đứa con nhà cán bộ trên phố.
- Nhưng mình là con em nông dân cơ mà!
- Hớ! Cậu chẳng đeo "quai hàm" như ông công an… cậu được ngồi nhờ xe đạp của bố…Rồi ra thì Cu Đen nữa!…
- Sao? Cu Đen…
- Còn sao nữa, đằng ấy sẽ bị thiệt. Bố cậu sẽ trả bò cho hợp tác. Cậu không được đi chơi với tụi mình.
Thì ra là vậy. Chuyện này quá là hệ trọng. Có lần Nam nghe bố nói loáng thoáng chuyện trả Cu Đen, lo cho Nam học hành. Nam nghe tiếng mẹ tức tưởi khóc. Em nào không lo cho con học nhưng anh bảo còn thời gian nào rỗi rãi nữa đâu. Bố Nam đã làm lành cùng mẹ, rằng bố có nói chuyện ấy đâu, bố lo cho Nam sau này học lên có bằng cấp hẳn hoi, không như bố. Nhìn thấy con số là mắt cứ rối tinh lên, không biết đâu mà lần. Bà gắt bố, về với vợ con là cứ nhậu lên. Nó đã vất vả hàng chục năm trời chờ anh đấy. Không có bò làm sao lấy lúa mà nuôi tôi.
Thái cù vào nách Nam.
- Giận hả, tớ đùa đấy!
- Dưng mà đằng ấy nghe ai nói?
- Nói gì?
- Chuyện Cu Đen ấy mà!
- À! Tớ nghe xóm kháo chuyện. Tại bố cậu tài quá kia nghe đâu dạo tớ và cậu chưa ra đời, bố cậu làm ông chủ nhiệm, dân được no ẳng bụng. Đài báo nói rầm rầm khen giỏi. Trên ưng lắm…và cậu có nguy cơ không được đi chăn bò.
- Bố tớ làm chủ nhiệm thì có liên quan gì đến con bò?…Nam hỏi lại
- Có chứ! - Mẹ Nam sẽ nghỉ việc xã lo "nội trợ" cho bố cậu. Cậu thành "cán bộ nhóc" thì còn chăn bò làm gì nữa!
- Hượm đã! Tớ cứ đi thì làm sao?
- Đi sao được. Bò phải trả lại cho nhà nghèo kiếm một cục phân chứ!
- Không! Đã có lần mẹ tớ nói đùa. Tớ theo đít con bò cũng đủ "lương" ăn rồi mà!
- Vì vậy mà Cu Đen phải điều cho nhà khác nuôi. Bố cậu có lương chủ nhiệm nhé. Mẹ cậu cũng có công điểm nhé. Thế cậu còn đòi gì nào? Không khéo nhà cậu sẽ giàu quá thành địa chủ mất. Là Cu Thái nói thế, chứ nào biết mặt mũi bọn địa chủ hình dạng như củ ráy củ khoai ra làm sao.
- Ừ nhỉ! - Nam nhắm nghiền mắt lại. Nó tưởng tượng phải xa bạn bè, xa lão Cu Đen mà nẫu cả ruột. Nam cố nghĩ ra cách giữ lại Cu Đen mà đành chịu. Nó nhìn thấy một thằng oắt con cưỡi trên lưng Cu đen, đầu đội mũ kết bằng lá sộp như vua đi qua, nháy mắt diễu cợt. Thằng oắt nhìn Nam cười, chiếc răng cạy mả nhe ra: - Nam, có thích cưỡi con ngựa "xích thố" không nào? Hai chân nó thích vào bụng Cu Đen lồng lên.
Nam nghĩ lại, giá bố không về thì làm gì có chuyện này. Nhưng bố không về mẹ và bà khổ lắm. bà lại ngồi nói chuyện con "bảo choẹt" mách: "có khách". Còn đêm đêm khi Nam thức giấc thấy mẹ xụt xịt khóc. Nam sợ quá ôm lấy bà, cấu vào bàn tay chai sần của bà van nài: - bà ơi, mẹ cháu!
Bà ngừng ngáy, tay đập xuống giường:
- Mẹ Bắc, mẹ Bắc! Con làm sao đấy!
Mẹ thức giấc mà vẫn nghẹn ngào. Nói qua giọng ngái ngủ, con mơ thấy bố thằng Nam về nhưng mất một chân mẹ ạ. Cứ chỉ vào chân mà không nói được câu nào.
- Chao ơi! Nghĩ vớ vẩn làm chi con. Sinh dữ tử lành. Không sao đâu. Ngộ nó mất một chân thì trời cho nó về. Mẹ con vợ chồng rau cháo nương nhau.
Nhà lại mất ngủ. Bà lại bàn có ít tiền đi B của bố cất vài gian nhà gạch. Mẹ bảo tiền dưỡng lão của bà cứ để mà tẩm bổ.
- Thế nào, cụ non nghĩ gì thế: - Thái hích vào mạng sườn của Nam và ngó vào tận đáy mắt của bạn. Trong số bạn cùng xóm chỉ có Nam là Thái ưng. Nó lành mà thảo ăn có tí quà nào cũng khoe và đem chia cho bạn. Chả thế mà dịp Tết năm ngoái được vài chục đồng mừng tuổi cũng duí vào tay Thái với giọng cả quyết: - Mày cầm lấy may cái quần mà mặc.
- Mày kiếm đâu ra? - Thái lộn cả ruột.
- Tiền mừng tuổi mà!
- A! Anh khinh tôi nghèo hả? Thái cáu.
- Sao…Tao nói thật mà!…
Thái nhìn thấy nước mắt của Nam lư lư. Nam buồn quá, mình nói thật mà bạn hiểu lầm. Nhà Thái đông anh em, bố làm nghề thầy cúng, nên nghiện ruợu, có đồng nào đút vào cổ chai mất cả. Trước còn cái điện thờ, các bà đồng hay đến cầu đảo, dâng lộc. Nay bị cấm nên chẳng xơ múi gì. Lúc còn điện Thái oách lắm. Bao giờ cu cậu cũng dành cho Nam một chỗ ngồi ngon lành để xem. Xem xong lúc thì chiếc kẹo, gói oản có khi còn có cả đùi gà. Bố Thái cũng quý Nam như con đẻ, ông nói đùa với xóm giềng, kể Nam là con gái ông hỏi cho Thái làm vợ. Vợ chồng là gì, lúc đó Nam nào biết được. Nhưng cũng khoái ra mặt vì được người lớn dòm đến. Thái giỏi bắt cá tép, Nam lại học sáng nên hai đứa thân nhau.
- Tớ nghĩ là cậu phải giữ lấy Cu Đen nếu không chán ngoét?
- Mình cũng nghĩ vậy…dưng mà!
- Sao suốt ngày bám váy bà ư?
- Hừ! Tức lộn ruột Nam chẳng muốn nói ra. Ở nhà cùng bà có gì là xấu. Nhưng Nam tiếc khoảng trời ngoài bến sông. Tiếc dòng sông mùa lũ cành lá trôi đầy tha hồ vớt đưa về thổi nấu. Tiếc những buổi trưa dùng mê nón rách ngăn từng ô ruộng con con tát cá. Khi về đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem, bùn trên mặt được nắng trời hanh khô nom thật tức cười.
- Mình không muốn mất Cu Đen, xa nhớ nó lắm!… Nghĩ đến đó mí mắt Nam đã nằng nặng. Khóc á? Sao mà hèn thế. Nhưng thương Cu Đen có sao đâu. Thái nói cho Nam biết bố lại sắp làm cán bộ. Đúng rồi, thấy bố về các bác, các chủ quý lắm. Lại có cả ô tô con trên huyện đỗ xịch ở ngõ. Nam lại phải nhờ Thái quát mấy thằng oắt bu lấy xe. Sao thế nhỉ, đứa nào cũng muốn léo tót lên ghế nệm mà ngồi, ông lãnh đạo to phục phịch xoa đầu Nam, cười nói với mẹ:
- Chào bà hội trưởng, có chai cuốc lủi nào để đón người anh hùng từ mặt trận trở về không đấy!
- Ôi bác! Nhà cháu có vại tép muối thơm lắm!
- Thế hả? Nhưng tép kho cà là quý lắm nhớ…có ưng để chú ấy lên huyện không nào!
- Các bác thương thì chiếu cố bố Nam ở nhà ạ! - Bà đỡ lời.
Hôm đó Nam được một chầu căng bụng. Lúc khách về bà gọi vào bếp nạt:
- Con phải có nền nếp chứ. Bác ấy gắp thì phải ăn khoan thai, kẻo người ta cười bố mẹ! Bố cười nhìn bà.
- Cháu nó cũng đang tập tiếp khách đấy bà ạ!
Hai đứa không nằm ngắm trăng nữa. Chúng rủ nhau xuống sông đầm mình. Chúng thoả thuận là Nam phải giữ bằng được Cu Đen. Còn Thái vận động tụi bạn, vận động bà và mẹ.
Trăng lên từ lúc nào, soi rõ hình bóng đen nhẻm trần truồng của hai đứa như hai bức tượng dắt đầy ánh bạc.

*
* *

Đó là buổi sáng chủ nhật, người lớn đã ra đồng. Thái đến rủ Nam đi chăn bò. Sau thắng lợi giữ Cu Đen cho Nam, hai đứa khoái ra mặt. Bà giận Nam chưa kịp cơm nước đã hốn bò đi. Bà dọa sẽ nói cùng bố chuyển quách con Đen cho người khác nuôi cho hết tểnh toảng. Nam biết bà dọa chứ thực bụng bà thương. Đi đâu, có ai cho quà bà vẫn gói vào hầu bao mang về, nét mặt bà rất bí mật:
- Đố cu con bà có gì nào?
- Con biết bà rồi cơ…Nói rồi Nam lao vào lòng bà lục các túi áo.
- Xấu hổ chưa, có gì đâu nào! - Bà cười phô hàm răng đen quết trầu, mở bàn tay ra trong lòng có chiếc kẹo. Tay củng củng vào trán dọa:
-Bà mà cho mấy roi bây giờ!
Nam ngoái đầu lại cười toét miệng với bà.
Bà chỉ tay lên trời.
- Liều liệu mà mà về ăn cơm, kẻo bố mày gắt!
- Vâng! - Nam khù khì cười.
Hai đứa lùa con trâu của Thái và Cu Đen ra dốc sông thì mặt trời vừa nhô lên khỏi bờ đê. Khoái quá, chúng thổi gió một bài nhạc gì không rõ rệt. Thái nheo mắt nói với Nam.
- Hôm qua đi cắt rạ, trinh sát thấy một chỗ nhiều cá lắm mày ạ!
- Một buổi sáng liệu cố tát cạn được không?
- Ngon ợt!
Lùa trâu vào một bờ cỏ còn ướt đẫm sương đêm, lóng lánh dát đầy những hạt sương, còn vẹn nguyên hơi thở của đồng nội. Con trâu của Thái và Cu Đen của Nam dường như hiểu được ý ngĩ của hai ông chủ nên gập đầu xuống nhai phần phật. Nam nhìn bạn nói ra vẻ một người hiểu biết.
- Hai con chiến mã hãy chén no nê nghe rõ chưa?
- Rồi chúng ông đưa vào trận mạc! - Thái phù họa vuốt chòm râu tưởng tượng.
Cả hai đứa phá ra cười, trần truồng tùm xuống một góc ruộng nước chưa kịp cạn. Người nào đó đã cắt đi hết rạ. Những lọn rạ xếp lại nhìn xa như hình kim tự tháp mà chúng được nhìn trong phim. Chúng đặt áo quần của hoàng đế lên ngọn kim tự tháp, rồi vớ lấy mê nón chỉ còn lại chóp, ì ồm tát.
Mệt quá. Mặt trời nhô cao như diễu cợt hai chú nhóc. Mặt mũi nhễ nhại mồ hôi trộn bùn. Chúng ngẫm lung tung không ra đầu ra đuôi. Thấm tháp gì với người anh hùng nơi mặt trận. Chúng lại ì ồm tát…ôi trời ơi! Những chiếc lưng chú rô chú diếc lượn trên mặt nước nông choèn choẹt. Thái vung hai bàn tay nhỏ lại tưởng tượng là lưới trời vồ lấy chú rô đen xịn màu bùn. Làm động tác của kẻ sát cá nhổ bọt vào con cá để cầu may. Nhoáy một cái Thái rút sợi rạ xâu vào mang cá thành một xâu dài.
Chiến thắng tăng nguồn vui cho chúng, tát nước một cách thú vị. Thú vị còn hơn ngồi ở bàn nghêu ngao học bài. Con trâu của Thái ăn no cỏ ướp sương đêm chọn ngay một góc ruộng nằm ềnh ra lăn một vòng đầy mãn nguyện. Cu Đen lại khác, đứng ở trên bờ mắt nhắm lại, miệng nhai nhễu nhão lười nhác như một gã học sinh khi bị cô giáo bắt nhắc lại bài.
Mặt trời vù lên trên đỉnh xoè ra chiếu ụp xuống chân tụi chúng. Hai gã thợ thùng đấu bắt xong ổ cá. Chúng rui rúi leo lên bờ sông tản cá ra chia phần.Thái chọn những con to nhất làm chuẩn nâng lên hai tay như cân. Khẹt khẹt cái mũi ra điều thú vị lắm. Đến món tép thì chúng gạt ngang ra một cách hào phóng. Mớ ốc thì Thái thoả thuận, đem về ngâm, tối làm một chầu liên hoan mừng thắng lợi.
Chợt Nam nói với giọng lo lắng.
- Bỏ xừ rồi! Bà dặn về kịp ăn cơm.
- Muộn, nhưng có chiến lợi phẩm lo gì?
- Chà! - Nam vẫn chưa yên tâm.
Thái đăm chiêu một chút rồi nghĩ ra được mẹo. Hai đứa sẽ ngồi trên lưng trâu mà vượt sông cho mau về nhà. Nam cho rằng sẽ rất nguy hiểm vì con trâu làm sao chở được hai đứa. Nhưng Thái cam đoan là nó thừa sức, cái cày nặng hai thằng khiêng không nổi với đất rắn đanh mà nó còn kéo băng. Thái để Nam ngồi trước. Thái ngồi sau có sự gì còn xử trí. Nam lo lắng nhưng nể bạn vả lại muốn kịp về theo lời bà dặn nên chấp nhận.
Cu Đen được lùa xuống trước làm tên lính dẫn đường. Vì Nam không thể một mình cưỡi trên lưng Cu Đen được nên nó phải chở toàn bộ áo sống buộc lên hai cặp sừng. Chúng buộc toàn bộ nón mê lên đầu Cu Đen y hệt một cụ già đội nón.
Con trâu ngoan ngoãn đón hai vị tướng trên lưng với nét mặt tỉnh bơ, rõ ràng nó muốn nói rằng: - Hừm có gì đâu…Yên tâm, vô tư ta sẽ đưa quan ngài qua sông. Sông chưa đầy hai trăm mét có hề chi. Cu Thái đã qua đây bao lần rồi, mà còn sợ hay sao?
Nước rẽ ra những lối cho trâu trận. Nó bơi chéo dòng nước, ngắm bên bờ sông của làng làm đích. Nơi đó nó vẫn thường đằm mình , được Thái và Nam kỳ cọ đến là thú vị. Đôi lúc còn bí mật ị ra trong vũng tắm, có cậu không biết đội lên đầu như thể túm bèo.
Nam không nói gì ngồi im lặng, tay túm chặt lấy bờm trâu.
Thái ôm lấy bụng bạn, hai gót thích vào bụng trâu ra lệnh:
- Nhắm phía trước tiến lên!
Trước mắt Nam dòng sông trải ra mênh mông đến chóng mặt. Chỉ cần bàn tay tuột khỏi mấy sợi lông bờm là dòng nước cuốn phăng xuống ba - za, đến người lớn cũng không với kịp nữa là. Bà vẫn thường hay kể, ở dưới sông thường có thuồng luồng xuất hiện, nó có thể nuốt trôi cả con trâu mộng. Nam nhắm nghiền mắt mặc kệ cho con trâu trôi đi. Thái thông báo đều đặn như một nhà hàng hải:
- Giữa sông!
Nam thấy lo lo. Ngoài mặt làm cứng nhưng trong ruột run lên lành lạnh. Bà chẳng thưởng kể đấy thôi, mà rơi xuống lòng sông rồi làm sao thành người lớn được. Làm ma có bao giờ lên được bờ đâu. Hai tay và hai chân cắm xuống bùn sâu, mắt ngước lên mặt nước chờ người nào yếu bóng vía hơn mình, kéo xuống thế vào chỗ "trực" của mình mới lên được bờ. Lên được bờ rồi làm sao tìm được nhà cửa của cha mẹ mình mà về, ông bà ông vải thì thương đấy, muốn cho ăn lắm nhưng còn ông thổ công lại ghét ghê lắm. Cái quân này chỉ đến quấy phá làng xóm thôi, cút đi…
Ngộ Nam mà rơi xuống thì tiếc lắm. Bố mẹ và bà biết làm sao được. Và mãi mãi trên đời này, ai còn nhớ đến Nam nữa. Những bữa cơm đầy hấp dẫn, sơn hào hải vị kia đang quấn lấy loài người. Xóm làng kia bận với nỗi vất vả nhọc nhằn, ai nhớ đến Nam làm gì… Cả Cu đen kia nữa mày lại tung tăng gặm cỏ và trên lưng mày có cậu khác cưỡi… Nghĩ đến đó Nam ứa nước mắt, thấy mình dại dột.
- Hai phần sông! Ăn mừng đi các đồng chí!
Thái chưa nói dứt lời thì con trâu lồng lên như có con quái vật nào từ dưới sông kéo chân. Trong một phút hai đứa trẻ nhớ đến chuyện kể có con thuồng luồng ở đoạn sông sâu thường quấn vào chân trâu mà kéo xuống.
Thái kịp trấn tĩnh vì mải nhìn sang bên bờ nên em không thấy chiếc bè dài ngoằng hàng cây số đang lao đến chắn lấy con trâu và hai đứa trẻ.
Trên bè không thấy một bóng người.
Con trâu quẫy vượt qua trước mũi bè, vì quá sức nên hất tùm cả hai đứa xuống dòng nước.
Thái nhanh trí túm lấy đuôi con trâu, một tay đưa cho bạn túm chặt. Con trâu sợ quá như một mũi tên lao đi, vứt hai đứa trẻ chìm ngủm ở phía sau. Thái kịp nghĩ, Nam không biết bơi nếu buông bạn ra thì bạn chết mất, Thái sống làm sao được. Nhưng để bạn ôm chặt quá em làm sao bơi được bằng chân. Chỉ cần em buông khỏi đuôi con trâu là cả hai đứa chìm xuống dòng nước chảy cuồn cuộn.
Nhanh như cắt Thái giẫy mạnh tay bạn ra và chợp lấy núm tóc còn dính đầy bùn, một tay túm vào đuôi con trâu.
Nam đã uống nước no, bất động như một xác chết. Em chỉ còn nhận ra lờ mờ một khối nặng mênh mông to lớn dày đầm mình xuống nước. Toàn nước trong cơ thể và ý nghĩ.
Thái đã cố sức lắm rồi. Em cũng đã uống khá nhiều nước. Bơi bằng đôi chân không được nữa, hàm răng nghiến chặt cố sức túm lấy tóc Nam và đuôi trâu, nhưng không sao chịu nổi, đôi bàn tay buông khỏi đuôi trâu…
Hai đứa túm lấy nhau chìm xuống nước. Chúng từng sống với nhau như bè bạn và ở đáy nước cũng là bè bạn.

*
* *

Một chiếc xe đạp quẳng ra ngay bến sông. Một tiếng tùm rơi xuống nước. Một chốc đầu nhô lên. Một tiếng hít hơi vào thật sâu, rồi lặn xuống, rồi nhô lên.
Chiếc đầu lại nhô lên, vun vút lao vào bờ.
Con người cao kều, hai tay cắp nách hai đứa trẻ, vượt lên bờ cất tiếng khản đặc.
- Ối làng…nước…ơi!
- Ối làng nước ơi!-
Ối làng nước ơi! - Thằng Nam và thằng Thái chết đuối.
Người cao kều ấy là chú Hếch, chú đi cửa hàng về, đạp xe ở dốc cầu đã nhìn thấy hai đứa cưỡi trâu vượt sông và con bè đang lao tới, chú đã lo lắng nghĩ "Quả thật không khéo chiếc bè dìm mất con trâu và hai đứa bé".
Đạp xe tưởng đứt hơi, lao đến nơi thì chúng đã buông tay khỏi đuôi trâu. Con trâu hết hồn nằm trên bờ thở phì phò như thổi bễ.
Chú lặc cò cò, cho nước trong miệng chúng tuôn ra.
Người túa ra bờ sông.
Người vơ rạ đốt thành từng đống.
Người ôm lấy hai chân đứa bé về đằng trước cho đầu chúc xuống đất chạy huỳnh huỵch. Hết người này lại đến người khác thay nhau.
Mẹ Nam lao đến chực ôm lấy con nhưng có người kéo ra giọng gay gắt:
- Chị sao thế!
Chị nói trong hơi thở:
- Thôi các người hãy thương lấy tôi cho tôi chết theo cùng con tôi! - Nói rồi mẹ Nam lao xuống dòng nước.
Người ta cấp cứu cho Nam, Thái và mẹ Nam. Bố Nam ngồi bất động hai tay ôm lấy đầu, như chẳng hề bợn chút suy nghĩ đến gì ở trên trời.
Những tiếng nói thì thào với nhau:
- Có ăn thua gì không?
- Khó lắm!
- Còn nước còn tát bà con ạ!
- Sao mà khổ thế này hở trời!
Người ta xoa dầu vào ngực hai đứa trẻ. Người ta đặt chúng nằm ngay bãi cỏ hàng ngày chúng thường nằm ngắm trời mây. Cầm lấy hai tay kéo ra và đặt vào lồng ngực cho nóng ấm lên. Người ta tiêm vào chúng những phát thuốc.
Chiếc xe hồng thập tự đỗ xịch ngay đám lửa. Người ta đưa hai đứa trẻ lên xe. Người mẹ dơ hai tay lên nền trời như muốn cấu véo vào chốn xa xôi xin một sự mầu nhiệm thần bí nào cứu giúp.
- Con ơi! Con ơi! Con không thành người lớn rồi!


CÒN TIẾP ....


TỪ NGUYÊN TĨNH


© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC