TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





. Sinh năm 1972, tại Cà Mau.
. Hội viên Hội Văn Nghệ Kiên Giang
. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang.
. Giải B (không có giải A) cuộc thi tiểu thuyết của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2004.
. Hiện công tác tại Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Kiên Giang (Kien Giang Tourism Promotion Center)
. Sở trường về viết Tiểu Thuyết, Truyện Ngắn.

TÁC PHẦM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Người Tình - tập truyện.
. Trả Hoa Hồng Cho Đất - tiểu thuyết.
. Đường Về Hà Tiên - tiểu thuyết.






Tịch chiều tranh của Quảng Lưu Đặng Phương Việt.






DÃ QUÌ DỊ MỘNG

- X in lỗi! Em xin lỗi! Em chỉ muốn ở cạnh anh ấy trong những ngày cuối cùng.

Lần đầu tiên trong hai mươi bốn năm chung sống Dã Quì nói lời xin lỗi tôi. Đúng hơn là một lời cầu xin. Lần đầu tiên vợ tôi ngỏ lời cầu xin cho một ước vọng dài đằng đẵng hai mươi lăm năm. Ước vọng của Dã Quì là một thứ thuốc độc giết tôi không cần thời gian để ngấm vào máu. Một người chồng phải quyết định cho vợ mình đến với một người đàn ông khác như tôi hỏi trên thế gian này có mấy ai. Tôi vẫn thấy khô cháy cổ họng dù biết rằng người đàn ông đó chỉ còn sống chưa đầy một tháng. Giá mà tôi có thể đổi hai mươi bốn năm để lấy quãng thời gian một tháng ấy.

Thà là Dã Quì đừng nói gì cứ lẵng lặng đến ở bên cạnh ông ta, đừng thèm đếm xỉa đến tôi dù một lời giải thích. Thà là em cứ im lặng mà đi để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay gia đình hạnh phúc thì tôi sẽ nhắm mắt bịt tai chẳng thèm nghe, chẳng thèm thấy gì cả. Dã Quì không vậy. Mọi thứ đều rõ ràng, tách bạch, với tôi càng thật thà sòng phẳng.

- Em biết làm như vậy là tàn nhẫn với anh. Em không mong anh chấp nhận. – Hai hạt nước mắt lăn tròn, rơi xuống hai bàn tay đang xiết chặt nhau. Rồi hai hạt nữa nối tiếp. Dã Quì khóc. Hai mươi bốn năm tôi chưa từng thấy vợ tôi khóc. Xốn xang, ngầy ngật như vừa tỉnh một cơn rượu say bí tỉ. Tôi không mở miệng được. – Sau khi anh ấy đi rồi, em sẽ trở về… nếu anh muốn vậy. Em sẽ không về… nếu anh muốn vậy.

Dã Quì ngước nhìn tôi chờ đợi. Ánh mắt ấy giống hệt ánh mắt của cô gái trong bức tranh Dã Quì vẽ treo trên tường kia. Xót xa buồn. Khát khao đau. Mặc cảm tội lỗi xen đầy. Tại sao lại phải vậy hả em? Tại sao em lại phải cầu xin anh? Hai mươi mấy năm đồng sàng em chưa một lần để anh phải nhọc nhằn quyết định. Cuộc sống của anh, gia đình của chúng ta do em chu toàn. Mọi thứ trong nhà tinh tươm, thừa thải vật chất, dư dã tiếng cười đều từ tay em mà ra. Vậy sao em không tiếp tục quyết định? Tiếp tục làm những gì em cho là phải đi Dã Quì? Đừng bắt anh phải quyết định.

Người ấy chấp nhận cho em được ở bên cạnh những ngày cuối đời không? Dã Quì không biết. Dù không được, em cũng sẽ đứng ngoài cửa nhìn vào cho đến lúc người ấy ra đi. Chuyến đi ảo vọng này đánh đổi bằng cuộc sống êm ấm hai mươi bốn năm qua và hai mươi bốn năm còn lại, Dã Quì vẫn muốn được đi. Suốt từng ấy năm em kiên cường đối đầu, vượt lên mọi thứ để có gia đình hạnh phúc, có sự nghiệp thành đạt. Bây giờ tất cả những thứ có được ấy chỉ để đánh đổi một điều mà chính em không tin là có thật. Vợ tôi vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt của người trong bức tranh trên tường trong khoảng thời gian trôi rất đều, rất chậm. Bông dã quì của tôi rũ mền như bị bứt lìa khỏi cành. Ngày cưới, vợ tôi rực rỡ trong bộ áo dài màu vàng cam lóng lánh, tôi buộc miệng:

- Bông dã quì của anh!

- Dã quì? – Vợ tôi ngạc nhiên, rồi buồn buồn – Dã quì đẹp thì có đẹp nhưng sẽ héo tàn ngay khi bị bứt ra khỏi cành.

- Vậy thì anh sẽ làm cành cây mạnh nhất để em mãi mãi rực rỡ.

Vợ tôi cười như bông dã quì trong nắng hạ. Và suốt từng ấy năm Dã Quì cười với tôi như vậy. Tôi là người đàn ông may mắn nhất trần đời mới có được người vợ như Dã Quì. Tôi là trụ cột nhưng chẳng phải lo gì cả về kinh tế hay chuyện gia đình con cái. Dã Quì lo tất. Một bà giám đốc tất bật với một công ty có một trăm tám mươi nhân viên mà vẫn chú đáo cho chồng từng đôi vớ, cho con từng cái quần đùi. Chuyện chăn gối em mặn nồng đến đỗi tôi chưa từng cảm thấy có nhu cầu với người phụ nữ khác dù Dã Quì có vắng nhà vài tháng. Tôi chẳng còn đòi hỏi gì hơn. Chỉ có điều trong những lúc cuộn chặt bên nhau, tôi cảm thấy dường như Dã Quì đang cười nhưng không phải với tôi. Thứ linh cảm lo âu mơ hồ luôn ám ảnh mà không cách nào tôi giải thích được.

Ai cũng nói Dã Quì có bảy mươi lăm phần trăm tính khí cứng cỏi của đàn ông. Bây giờ thì không vậy, Dã Quì trước mặt tôi đang mềm rũ vì tình yêu như bao người phụ nữ khác. Yêu chi khổ sở vậy hả em? Em nói chưa bao giờ có cảm giác được người ta yêu thật. Vậy mà sao em vẫn cứ đòi đi ? Hai mươi mấy năm qua, bao nhiêu lần em đi theo người ta rồi lại trở về với nỗi đau tuyệt vọng mà sau mỗi lần đi càng sâu thẳm thêm? Dù bao nhiêu lần trước đây em theo người ta, anh không chấp nhất. Nhưng còn lần này, em muối mặt đến chầu chực để được nhìn, được ở cạnh người ta trong mươi ngày ngắn ngủi thì anh chịu được. Dã Quì ơi, nghĩ lại đi em! Em là điểm để tất cả những người quen thân ngắm nhìn, trọng vọng. Nếu đi, công lao khổ của em bấy lâu sẽ trở thành gió thoảng. Em tiếp tục sống sao đây trước sự dè bỉu, khinh khi của thiên hạ? Nghĩ lại đi em! Anh thì có thể chịu được, nhưng còn con mình. Nó sắp cưới vợ rồi, bên suôi gia họ dị nghị thì tội cho con. Nghĩ lại đi Dã Quì! Tôi không sao mở miệng nói được những gì phải nói. Vợ tôi ngồi sát đầu giường nhìn mông lung ra cửa sổ với hai hạt nước mắt nối nhau rơi rụng. Trời ngoài kia có muôn vạn ngôi sao lí tí chớp tắt. Tôi thấy đau tưng tức nơi ngực. Tôi không lòng dạ nào nghĩ đến thiên hạ nữa. Xích gần vợ, tôi gỡ lấy bàn tay trái không bao giờ đeo nhẫn cưới đang nằm trong tay phải của em, hôn vào lòng bàn tay. Trong lòng bàn tay có một giọt nước mắt khiến tôi nghe mặn đắng đầu lưỡi. Dã Quì vẫn không quay lại. Tôi hôn lướt lên vùng cổ cao trắng mịn. Thấy đau tức tức nửa thân người dưới như lần đầu tiên tôi cùng Dã Quì chung giường. Chỉ cần chạm vào Dã Quì là thằng đàn ông trong tôi lại chạy rong trong từng mạch máu. Người ta có như vậy khi ở cạnh em không? Tôi lại nghĩ đến thiên hạ rồi. Sao tôi không nghĩ làm sao để Dã Quì lại cười chứ? Chỉ cần vợ tôi cười lại như xưa thì tôi có khóc đến cạn hết máu trong người cũng được.

- Dã Quì, em đi đi! Mặc kệ ai cười. Nếu em thấy cần phải đi thì cứ đi! Anh đợi em về. Đợi hoài luôn!

Dã Quì quay lại nhìn tôi. Ngỡ ngàng. Đau xót. Hối hận. Ba thứ ấy tràn cả lên gương mặt. Một nụ cười gượng gạo. Tôi ôm chặt vợ vào lòng:

- Không cần phải vậy mà em! Chắc ông ấy cũng muốn gặp, muốn ở cạnh em trong những ngày cuối đời đó.

- Anh nói thật?

Tôi gật đầu. Dã Quì nhìn chầm chầm rồi bất chợt chồm lên ôm ghì lấy cổ tôi. Dã Quì hôn tôi cuồng dại, hệt như những lần đi công tác xa vài tháng mới về. Tôi chỉ còn biết tan chảy theo vợ.

* * *

Ai đó đã nói: “Hãy yêu người đàn ông như một cậu bé, ngày kia cậu bé ấy sẽ trưởng thành làm người đàn ông của bạn”. Tôi đã yêu chồng tôi như vậy đó. Tôi đã yêu cậu bé của tôi bằng cả tấm lòng của người mẹ và người vợ. “Gái lớn hai, trai lớn một”, dù Hoàng lớn hơn tôi một tuổi nhưng chưa bao giờ chồng tôi là người trưởng thành đối với tôi cả. Tôi chăm cho cậu bé của tôi từ chỗ nằm sao cho mát lúc mùa hè, ấm lúc mùa đông. Từ mái nhà cậu ở, cho đến thằng con giống hệt cậu, rồi đến địa vị, sự nghiệp của cậu cũng do tôi tạo dựng. Từ ngày đến với Hoàng, tôi phải làm người dạy cho anh từ cử chỉ âu yếm sao cho nồng nàn, dạy cho anh cách làm chồng sao cho đúng nghĩa. Sau một ngày cực nhọc kiếm tiền, tối về tôi tất bật cơm nước, chăm con, hầu chồng. Hoàng chỉ thích thức ăn tôi nấu dù bà giúp việc khéo tay chẳng kém đầu bếp chính hiệu. Thằng con trai cũng hùa theo cha chỉ có món ăn mẹ nấu mới ngon. Hoàng thích nằm trên đùi tôi vừa xem tivi vừa đưa tay, đưa chân cho tôi cắt tỉa móng. Rồi thằng con cũng bắt chước nhõng nhẻo đòi mẹ phải dũa móng tay chứ không chịu cho vú nuôi làm. Bây giờ gần cưới vợ rồi mà cũng chưa chịu thôi trò trẻ con đó. Hoàng giờ đã có thể tự do tự tại với công việc, vui vẻ tiệc tùng với bạn bè bất kỳ lúc nào mà không cần có tôi đi cùng nữa. Tôi kiên nhẫn từng ngày, từng tháng, từng năm đợi đến ngày Hoàng thành người đàn ông của tôi. Người đàn ông để tôi nương tựa khi mệt nhọc, chia xẻ được nỗi buồn, chuyện vui và để tôi thôi không còn mong mõi, đợi chờ Cơn Lốc.

Lần đầu tiên gặp Cơn Lốc, tôi đã bị cuốn trôi đi vùn vụt không cách nào dừng lại được. Đến bây giờ chỉ cần nghĩ đến, chỉ cần ở bên cạnh Cơn Lốc là tôi không còn tự chủ được bản thân. Năm đầu tiên đi theo Cơn Lốc, tôi đã biết mình không còn đường quay lại nữa. Giữa xứ sở quanh năm gió biển, nắng cháy mọi thứ đều bình thường, Cơn Lốc đến ào ạt cuốn phăng tất cả những thứ bình dị ấy. Cuốn sạch đến nỗi trong mắt, trong tim tôi không còn ai ngoài Cơn Lốc. Mê đắm là ảo mộng, mỗi ngày nhìn thấy mặt trời lên là thật. Anh đã có gia đình, có một sự nghiệp rộng mở, có một địa vị cao hơn thiên hạ. Xung quanh anh có bao nhiêu người phụ nữ sẵn sàng dâng hiến. Họ lợi thế hơn tôi từ vị trí được ngồi gần anh, từ nhan sắc, đến kinh nghiệm của người đàn bà trưởng thành. Tôi chỉ là một con bé mười chín, nhỉnh hơn con gái anh năm tuổi. Một cô bé là lạ đáng để mắt một chút chứ không gì khác. Một năm chạy theo, tôi mệt mỏi nhận ra rằng trong tim Cơn Lốc không hề có hạt cát nhỏ nhoi tôi. Tôi bị rớt lại sau lưng Cơn Lốc. Hai mươi lăm năm qua chưa một lần tôi tin anh có tình yêu dành cho tôi. Vậy mà tôi vẫn đi theo anh.

Tôi chọn Hoàng, yêu Hoàng để dừng cuộc chạy theo tình đầu thơ dại. Bốn năm dài yêu Hoàng không một lần gặp lại Cơn Lốc. Tôi còn muốn tiếp tục làm người yêu của Hoàng nếu không phải vì sang năm thứ năm tôi gặp lại Cơn Lốc. Anh lại chỉ nhìn tôi với một chút thích thú, một chút tò mò. Lần đầu tiên Cơn Lốc thật sự cười với tôi. Thế thôi mà trái tim tôi lại vỗ cánh bay theo anh. Vì sợ trái tim bất trị bay mất, tôi vội vã nhận lời làm vợ Hoàng. Tôi chạy trốn nỗi khát khao được gặp lại anh, được ở cạnh anh, được làm người đàn bà của anh. Tôi chạy trốn bằng cách biến mình thành trong sự nghiệp, thành đàn bà cho gia đình, thành người vợ ngoan của Hoàng, thành người mẹ mẫu mực cho con trai và thành ô-shin cho chính mình. Ba năm sau nữa, Cơn Lốc bất chợt ào ạt đến. Lần này không phải chỉ là dò xét mà là nhấc bổng, cuốn chặt, tung hê hả. Tôi quấn theo anh mọi lúc, mọi nơi có thể. Anh khiến tôi trở thành một người đàn bà của yêu đương hoang dã. Chỉ cần có dịp bên nhau là Cơn Lốc sục sạo mọi ngõ ngách trong tôi. Lén lút nắm tay. Lén lút hôn mền môi. Lén lút ái ân cuồng dại. Anh cười bảo chẳng biết thế nào mà chỉ cần ở cạnh em là anh lại ham muốn đến vậy. Tôi cũng vậy. Và mọi thứ đều chỉ là lén lút. Một năm vài lần lén lút. Hai, ba năm chỉ một lần lén lút. Cho đến bây giờ đã gần hai mươi năm lén lút. Đó chính là điều Cơn Lốc đã nói. Giữa tôi và anh chỉ có thể là thứ tình lén lút. Câu nói vô tình ấy làm đau lòng cả chiếc lá rơi. Tôi cay đắng. Tôi hỗ thẹn. Tôi nguyền rủa mình một vạn lần rằng mày chỉ là thứ đàn bà lén lút hèn hạ. Không biết bao nhiêu lần tôi quyết tâm không để Cơn Lốc cuốn mình đi nữa. Rồi cứ sau một lần quyết tâm lại một dịp vô tình khiến tôi lại gặp anh. Rồi lén lút. Trái tim bất trị của tôi không bao giờ chịu nghe lời tôi.

- Dã Quì? – Cơn Lốc cười phá lên khi nghe tôi kể chồng tôi gọi như vậy. – Đúng là em rực rỡ, hoang dã như bông dã quì. Chỉ có điều anh thấy em không cần cành cây để rực cháy đâu.

Tôi mặc kệ anh cười. Cố chui rúc vào ngực anh thêm chút nữa. Mỗi lần Cơn Lốc bạo liệt ghì cứng, làm rung rẩy từng sớ gân quanh bụng tôi không muốn nghĩ đến bất kỳ thứ gì trên cõi đời này. Anh lại xiết tôi ngạt thở. Chẳng có gì ngoài hơi thở. Chẳng gì ngoài tiếng rì rầm của quyện quệnh.

Những phút giây dài không dài, ngắn không ngắn ấy cũng phải chấm dứt trong sự đều đặn của thời gian. Cơn Lốc nằm ngếch đầu lên gối sau lưng tôi, đưa tay vuốt mái tóc dài nửa lưng của tôi. Tôi nhìn ra cửa sổ. Mỗi lần như vậy qua đi cảm giác buồn bã, mất mát cứ bám riết lấy tôi cho đến khi gặp lại Cơn Lốc lần kế tiếp.

- Không muốn xa anh phải không? Xin lỗi! Anh đến giờ phải đi rồi. Anh phải ra sân bay đón con bé út.

- Dạ. Em biết. Anh đi đi!

Cảm giác anh đến với tôi chỉ vì tìm vui chốc lát lại trổi dậy. Anh chưa bao giờ yêu thương tôi thật. Con gái anh, gia đình anh là một thứ bất khả xâm phạm. Có một lần vì lời nói đùa không đúng chỗ của tôi với con bé út đã khiến anh nổi giận. Tôi chẳng là gì đối với Cơn Lốc. Anh nói:

- Anh chỉ có thể thỉnh thoảng cho em một khoảng thời gian khấy động khác thường. Cảm giác đó để em thấy cuộc sống không vô vị với ngày ngày công việc, nhậu nhẹt đối tác, kiếm tiền thật nhiều, về nhà cơm nước, cách một vài đêm làm tình một lần. Đến với anh là em thoát khỏi chính mình đó.

Người cần điều đó không phải là tôi mà là anh. Điều tôi cần thì anh có bao giờ quan tâm tìm hiểu đâu. Đến cảm giác thể xác của tôi thế nào khi ái ân anh còn không để ý thì nói gì đến ngõ sâu kín trong tâm linh tôi. Hai mươi lăm năm yêu anh chưa một lần tôi dám tin anh có yêu tôi.

* * *

- Tin anh một lần đi Dã Quì!

Tôi nắm lấy tay Dã Quì đưa lên môi hôn. Bàn tay trái của em vẫn gầy guộc như thời con gái. Bàn tay không có tì vết đeo nhẫn nào dù là nhẫn cưới. Có lần tôi hỏi có chồng rồi sao không chịu đeo nhẫn cưới. Em cười: “Em đợi người đàn ông của em”. Tôi không hiểu mà cũng không muốn tìm hiểu. Quá nhiều việc cho tôi rồi. Giây phút được ở bên Dã Quì, tôi chỉ muốn tìm sự thỏa mãn bình thường nhất của một người đàn ông với một người đàn. Dã Quì không giống bất cứ người đàn bà nào xung quanh tôi. Bao giờ em cũng sợ làm phiền tôi, chưa bao giờ em yêu cầu tôi làm một điều gì cả. Dù tôi có ngỏ lời, em cũng chỉ: “Dạ, khi nào cần em sẽ nhờ anh. Mọi việc em vẫn tự làm được mà”. Không biết số phận dung rủi kiểu gì mà từ khi biết Dã Quì cho đến tận bảy năm sau tôi mới cảm nhận được tình cảm kỳ lạ của em dành cho tôi. Tôi quá bận rộn nên chỉ có thể cho em được thứ cảm xúc thật nhất của một thằng đàn ông khi gần gủi. Tôi cũng chỉ có thể ngó trước, nhìn sau để không ảnh hưởng đến vợ con tôi, đến gia đình của Dã Quì. Đó là tất cả những gì tôi nghĩ được và làm được cho em.

Vì yêu tôi mà Dã Quì bắt chước người ta vẽ tranh. Tôi ngạc nhiên khi thấy em mua mấy quyển sách hội họa. Tôi trêu:

- Có phải anh là trùm buôn tranh nên em muốn vẽ tranh để nhờ anh bán không? À hay là vẽ để đi triển lãm có dịp gặp anh nhiều hơn.

- Ai chẳng biết anh là quan lớn, buôn tranh cũng là nghề của anh. Em không cần tạo cớ để gặp anh. Em vẽ cho em.

Dã Quì vẽ thật. Vẽ rất lạ. Tình cờ bắt tôi bắt gặp một bức tranh của Dã Quì trong một triển lãm. Lần đó tôi đưa một ông chủ một bảo tàng mỹ thuật tư nhân nước ngoài đi xem tranh. Ông ta đứng ngắm mãi bức tranh vẽ cô gái khỏa thân ngồi dưới gốc cây cổ thụ xần xùi trong nắng thu vàng vọt. Hai tay cô cầm một nhánh dã quì đặt hờ hững che nửa phần thân dưới. Mái tóc dài cô bỏ xỏa trước mặt. Qua làn tóc đôi mắt ẩn hiện. Xót xa buồn. Khát khao đau. Mặc cảm tội lỗi xen đầy. Ông chủ bảo tàng thích thú nhờ tôi tìm tác giả hỏi mua. Tôi bất ngờ khi người tác giả ấy lại chính là Dã Quì đang có mặt tại triển lãm ấy. Dã Quì lắng nghe ông chủ bảo tàng ra giá mua, rồi thong thả:

- Thưa ông, tôi không vẽ tranh để bán. Tôi vẽ cho tôi.

Ông chủ ấy cho rằng Dã Quì chê giá thấp bèn nhờ tôi tăng lên năm ngàn đô-la. Dã Quì chợt nhìn tôi giận dữ:

- Tôi đã nói là tôi vẽ tranh cho tôi. - Dã Quì hướng mắt vào bức tranh, giọng chợt nhẹ tênh. - Các ông có thấy ai bán niềm tin bao giờ chưa?

Em quay lại nhìn tôi. Ánh mắt xót xa buồn. Khát khao đau. Mặc cảm tội lỗi xen đầy. Giống hệt ánh mắt trong tranh. Dã Quì không nói tiếng nào nữa, bước lại gỡ bức tranh xuống, cầm đi thẳng ra cửa không thèm chào tôi.

Sau đó đến hai năm, tôi mới được gặp lại em. Trong lúc ăn cùng nhau, vui miệng tôi nhắc lại chuyện bức tranh. Dã Quì bỏ đũa nhìn thẳng tôi:

- Anh cứ cười đi! Em quen chịu như vậy rồi. – Dã Quì đỏ mặt, nước mắt quanh tròng. – Nếu anh hiểu rằng, để đến được với anh em phải vượt qua rất nhiều thứ, mà thứ khiến em khổ sở nhất đó là lòng tự trọng và mặc cảm tội lỗi. Con đàn bà như em đáng khinh, đáng cười lắm phải không?

Dã Quì cúi đầu nhìn xuống đất, rồi ngẩn lên nhìn tôi. Mắt ráo hoảnh. Dã Quì không để rơi nước mắt trước mặt tôi. Ánh mắt giống hệt như cô gái trong tranh. Từ đó tôi không bao giờ nhắc đến bức tranh nữa. Tôi đã làm tổn thương Dã Quì không ít bởi những lời nói vô tình, những cư xử thô bạo. Vậy mà đã hai mươi mấy năm rồi Dã Quì vẫn theo tôi. Giờ còn ngồi cạnh đút tôi từng muỗng sữa. Tôi biết mình còn chưa đến ba mươi ngày nữa sẽ từ giã cõi đời. Tôi đã có đủ mọi thứ: gia đình, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài. Không còn gì hối tiếc nếu ra đi trừ tình yêu của Dã Quì. Phải làm sao để lại cho em một niềm tin là tôi yêu em, thật sự yêu. Chứng minh thế nào để Dã Quì hiểu tình yêu ấy đây? Dã Quì còn cả nửa đoạn đời phải đi tiếp. Em chỉ có thể đi tiếp khi tin rằng dù tôi mất đi thì tình yêu vẫn còn và có người khác vẫn tiếp tục yêu em.

- Tin anh lần cuối được không em? Anh biết đã muộn khi nói điều ấy.

- Em tin. Anh biết từ trước đến giờ anh nói dối hay nói thật gì em cũng tin mà.

Dã Quì kéo tay tôi đưa lên môi hôn. Tôi biết em không hề tin. Cũng phải, từng ấy năm tôi chưa từng cho em cảm giác được yêu thật sự thì bây giờ kêu em làm sao tin chứ. Em không tin trên đời này có tình yêu thì làm sao em có được nửa cuộc đời còn lại vui vẻ, bình yên. Làm thế nào để khi tôi ra đi rồi, em sẽ trở về với gia đình thanh thản như chưa từng gặp tôi? Tôi không biết nói thế nào nữa. Bất chợt một cơn đau từ lá gan thối rữa khiến tôi quặng người đau đớn. Dã Quì hốt hoảng ôm ngang người tôi:

- Anh đừng suy nghĩ gì cả. Em chỉ muốn được ở bên anh, chăm sóc anh. Muốn anh ra đi vẫn có em bên cạnh. Chỉ vậy thôi. Em không cần gì cả. Anh đau lắm hả? Em gọi bác sĩ cho anh liền!

Dã Quì dợm đứng lên. Tôi kéo em lại:

- Đừng gọi em! Cứ ngồi đây với anh. – Tôi cố gượng cười trấn an. – Ngồi đây trò chuyện với anh!

Dã Quì nghe lời ngồi xuống, xích ghế lại gần hơn. Em ngã đầu kề sát mặt tôi thì thầm kể lại chuyện của hai đứa tôi từ đời xửa đời xưa. Thỉnh thoảng tôi lại chen vào vài câu, khiến Dã Quì bật cười rúc rích. Cơn đau chìm dần trong cảm giác dễ chịu từ đôi bàn từ nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc bạc thưa thớt vì hóa chất chống ung thư bơm vào người tôi. Tôi và em cứ nói, quên luôn chiều thu ngoài cửa sổ đang giũ bỏ những chiếc lá vàng cuối cùng. Có tiếng mở cửa phòng bệnh. Cô con gái út của tôi cùng chồng nó đứng ngay ở cửa. Dã Quì luống cuống đứng dậy, lí nhí chào cháu. Tôi xót xa khi thấy mỗi lần gặp con gái tôi, em lại có phản ứng như vậy. Lỗi ấy là tại tôi. Sau một thoáng dò xét, con gái tôi cất tiếng chào em, rồi bước đến ngồi vào chiếc ghế em vừa ngồi. Con bé hỏi thăm sức khỏe tôi. Tôi trả lời con mà mắt không rời dáng hình mỏng mảnh của Dã Quì lặng lẽ bước ra cửa.

* * *

Đứng nấp trong góc lang can ở phòng bên cạnh, tôi có thể thấy rõ, nghe rõ những gì trong phòng bệnh của người đàn ông ấy đang nằm. Tôi đến đây không vì ghen tuông, không vì níu kéo tình yêu mà chỉ vì muốn thấy Dã Quì thỏa mãn ước nguyện. Chỉ cần Dã Quì vui sướng thì dù chứng kiến cảnh tượng thế nào tôi cũng chấp nhận. Hai người họ ở bên nhau. Người đàn ông đang bị bệnh tật kéo gần đến cái chết ấy vẫn hiển hiện một sức thu hút lạ lùng. Ông ta bình thản đón nhận cái chết. Chẳng chút lo lắng, ưu tư. Chỉ đến khi Dã Quì bước vào, ông ta bắt đầu bộc lộ bản tính lo toan của con người. Ông ta thuyết phục Dã Quì tin rằng tin yêu của ông ta đối với em là có thật. Tôi biết Dã Quì không tin dù miệng luôn khẳng định rằng tin tưởng ông ta tuyệt đối. Tôi thấy sự tuyệt vọng trong mắt Dã Quì. Hai mươi mấy năm chung một mái nhà, tôi chưa từng thấy Dã Quì yếu đuối như vậy. Em luôn đầy tràn đầy tự tin, sự tự tin ấy tràn sang cho cả tôi và con trai. Vậy mà trước người đàn ông này Dã Quì lại yếu ớt đến không có được một niềm tin. Tôi chỉ muốn bước đến ôm lấy em, che chỡ cho em.

- Tin đi Dã Quì! Hãy tin ông ta một lần đi em! Sao em không tin chứ? Tin đi rồi em sẽ thấy không còn buồn, không còn mặc cảm tội lỗi, không còn đợi chờ vô vọng nữa. Tất cả là vì hai người yêu nhau.

Tôi thầm thì nói dù cảm giác ê chề mỗi lúc một tăng. Tình yêu ấy sẽ theo em suốt phần đời. Dù em có về lại với anh, ông ta sẽ vẫn mãi trong em. Trước đây giữa anh và em đã có ông ta nhưng thà là anh không biết. Bây giờ và sau này xen giữa vợ chồng mình vẫn là ông ta nhưng anh đau lắm. Giận lắm! Mà thôi, đừng lo em. Anh không ganh tị với người đã chết đâu. Chỉ cần em trở về bên anh. Anh chờ em về bên anh. Dã Quì của tôi đang thầm thì âu yếm với người ta. Hai người như đang trôi vào một cõi xa nào quên cả thế giới đang tồn tại. Họ đang như vậy thì Dã Quì nào thấy, nào nghe tiếng gọi từ đáy lòng của tôi.

* * *

Con gái và con rễ tôi đã đến. Dã Quì lặng lẽ đi. Tôi biết em vẫn ở loanh quanh đâu đó. Đợi hai đứa nhỏ đi rồi em sẽ trở vào thôi. Em là vậy, khi đã làm gì thì sẽ làm cho tới cùng, khi đến với tôi thì sẽ kiên nhẫn chờ, bất chấp mọi thứ. Tôi biết từ sau lần tôi nổi giận vì câu đùa của em với con bé út, mỗi lần gặp mặt nó, Dã Quì luôn bối rối khó xử. Như muốn tránh mặt. Như cảm thấy có tội. Như kẻ đi trộm lần đầu bị chủ nhà bắt gặp. Không biết làm sao để xóa bỏ ấn tượng ấy trong em. Thấy tôi lơ đãng nhìn ra cửa, con bé hỏi:

- Ba gọi cô ấy đến à? - Tôi lắt đầu. Con bé đặt mấy hộp sữa dinh dưỡng mang từ Pháp về, hỏi tiếp – Cô ta tự đến à? Con chưa thấy người đàn bà nào như vậy. Bây giờ ba còn cho cô ấy được gì nữa mà đến. – Âm giọng con bé có chút thương cảm. – Bao nhiêu năm qua vẫn vậy. Sao ba không nói thẳng với người ta đi?

- Không phải vậy đâu con. Con biết ngoài mẹ con ra, cô ấy là người phụ nữ gắn bó với ba lâu nhất mà. Mỗi lần có được Dã Quì bên cạnh ba thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn một chút. Cô ấy đi rồi ba lại đủ sức tiếp tục đối đầu với công việc, với cuộc sống nhọc nhằn.

- Với gia đình nữa. – Con bé lấy khăn thấm nước, vắt khô lau mặt cho tôi. – Con biết mẹ bệnh nên không thể cùng ba lo toan. Chuyện gì ba cũng phải lo. Mẹ mất rồi, ba lại một mình đối mặt tất cả. Ba là một người đàn ông thật thụ mà. – Con bé nháy mắt cười với tôi. Vì nụ cười thiên thần của nó mà đến giờ tôi vẫn muốn giữ con trong vòng tay. – Con hiểu. Con muốn ba vui. Lúc nào cũng vui.

- Ừ. Ba muốn về nhà. Muốn nhắm mắt lại, mở mắt ra cũng đang ở nhà mình.

- Dạ, được. – Con bé nhìn chồng dò hỏi rồi đồng ý. – Con sẽ thuê bác sĩ và y tá đến chăm sóc ba.

- Tùy con. – Tôi nhìn ra cửa sổ. Bóng chiều đã dày thêm. Khí thu lành lạnh đang chen qua khe cửa sổ. – Ba muốn được ở cạnh cô Dã Quì. Ba muốn thực hiện ước muốn của cô ấy. Được không con? Ba không còn cơ hội cho cô ấy gì nữa đâu…

Tôi cảm thấy cơn đau từ lưng nhói lên ngực. Đau quá! Đau không thở được, không nói được nữa. Con bé hốt hoảng gọi chồng. Con rễ tôi nhanh nhẹn lấy thuốc giảm đau, đỡ tôi ngồi dậy uống thuốc. Tôi nhắm mắt chờ thuốc ngấm. Con bé nắm lấy tay tôi, nước mắt chảy dài, sụt sịt khóc. Tôi đỡ đau mở mắt nhìn con, đưa tay vuốt tóc nó:

- Khóc gì con. Sinh lão bệnh tử xưa nay con người đều phải vậy. Đưa ba về nhà đi!

Con rễ đỡ tôi nằm xuống, bảo sẽ đi làm giấy tờ đưa tôi về. Con bé nắm tay tôi thút thít mãi. Chắc nó không muốn có sự xuất hiện của Dã Quì trong nhà nên không trả lời tôi. Tính nó vậy mà. Nó không muốn thì đành vậy. Từng ấy năm tôi là người cha tốt đẹp trong lòng nó, còn mấy ngày nữa thì làm nốt cho tròn. Dã Quì đã quen vậy hai mươi mấy năm rồi, có chịu đựng thêm chắc cũng không sao. Mà biết đâu không phải chứng kiến cảnh tôi ra đi, em sẽ đỡ đau đớn hơn, sẽ yên tâm trở về với người chồng hết mực yêu thương em. Tôi ngưỡng mộ người đàn ông chưa từng biết mặt, người chồng cao thượng của Dã Quì. Người chồng yêu thương vợ vượt trên cả lòng tự trọng của một người đàn ông. Anh ta sẽ bảo bọc được Dã Quì, sẽ tiếp tục là cành cây vững chãi cho Dã Quì rực rỡ trọn kiếp hoa. Sẽ như vậy. Tôi chợt thèm cảm giác vuốt ve êm dịu từ tay của Dã Quì. Tôi nhìn ra cửa sổ hy vọng em đi ra sân hóng mát. Nhìn thấy thôi cũng được. Sân vắng lặng trong bóng chiều tàn với vài chiếc lá rơi thật chậm.

- Con đi tìm cô Dã Quì vào để cùng đưa ba về nhà mình nhé ba! Lâu quá rồi đâu có người bạn gái nào của ba đến nhà mình.

Con bé cười đưa tay lau nước mắt. Nó đứng đậy đi ra cửa.

* * *

Tôi đi lần ra đứng dưới gốc cây giữa sân có một băng ghế đá trống. Ngồi ở đây tôi có thể nhìn thấy cửa sổ phòng Cơn Lốc. Con gái anh và con rễ tới rồi. Là người trộm cắp tình cảm gia đình của họ, tôi xấu hỗ lắm mỗi khi chạm mặt con gái và người nhà của anh. Vậy mà không có cách nào tôi rời bỏ anh được. Cả cuộc đời này tôi phải chạy theo Cơn Lốc mãi thôi. Thu đến sớm quá, chiếc áo ngắn tay khiến tôi thấy lạnh hai cánh tay trần. Tôi co ro thu người giấu hai tay vào ngực cho đỡ lạnh. Giá như có Hoàng ở đây để chui rúc vào lòng anh cho đỡ lạnh. Mà thôi, vì tình cảm ích kỷ của tôi mà Hoàng đau đớn đến vậy thì mặt mũi nào để anh nhìn thấy tôi như vầy chứ. Cố chịu một chút nữa, vợ chồng con bé về tôi sẽ trở lại với Cơn Lốc. Mấy chiếc lá vàng lười biếng cứ nhè đầu, nhè người tôi mà đáp xuống. Kệ xác chúng, nhúc nhích sẽ càng lạnh. Trời đừng tối nhanh quá, tôi sẽ không nhìn thấy được phía trong phòng Cơn Lốc.

* * *

Dã Quì đi ra sân ngồi một mình rồi. Chắc là lạnh nên khoanh chặt hai tay vào ngực như vậy. Vợ tôi bị bệnh lạnh hai bắp tay vì tội khi sanh thằng bé không chịu mặc áo dài tay. Vậy mà không để ý gì hết, mặc áo ngắn vậy cảm lạnh chết luôn. Thôi vô trong ngồi đi em! Họ đi ra cửa thế nào em cũng thấy mà, cần gì ngồi đó nhìn vô. Từng chiếc lá buồn bã rơi lên đầu, đáp lên vai mà vợ tôi cùng không thèm phủi chắc là lạnh quá rồi. Ánh sáng vàng vọt sắp tắt chiếu dạ lên mái tóc xỏa dài của Dã Quì. Tôi giật mình nhận ra có nhiều sợi bạc đang lắt lay bay theo gió. Ngày ngày ấp yêu nhau vậy mà tôi không để ý vợ mình thay đổi ra sao. Dã Quì đang đến tuổi ngã chiều rồi sao tôi không nhận ra? Tôi sẽ chờ Dã Quì trở về để nói cho em nghe là cả hai đứa tôi đã già rồi. Chắc là vợ tôi sẽ cười phá lên.

* * *

Tôi đã nhìn thấy Dã Quì đi ra sân rồi. Sao lại ngồi đó? Lạnh lắm, vào đây với anh đi! Bây giờ thì tôi có thể tự do gọi Dã Quì đến bên tôi rồi. Sao tôi thấy lạnh quá ở hai bàn chân. Hơi lạnh lan dần lên, lan tỏa khắp người. Tôi với tay kéo chăn đắp kín người. Thấy đỡ lạnh hơn. Ngoài sân kia Dã Quì vẫn co ro, kiên nhẫn nhìn vào chờ đợi. Tôi muốn đưa tay vẫy em nhưng không nhấc nổi. Chắc là ngấm thuốc giảm đau rồi.

Thật là tức cười, người đàn ông mạnh bạo như Cơn Lốc của em giờ được tự do đến với em thì không còn đủ sức để gọi, không còn đủ hơi ấm để ủ cho em nữa. Không sao chút nữa thôi con bé sẽ tìm thấy và gọi em vào cùng tôi. Mà thôi, tôi sẽ tự đi ra sân ngồi cùng em, gỡ mấy chiếc lá rơi bám trên tóc em./.





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart .

REF: NVA.TN090717.
TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC