TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Quê gốc: Đà Nẵng
. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn (TP.HCM.)
. Cử nhân ngữ văn Việt & cử nhân Anh văn
. Giáo viên Trường Ngoại ngữ Không Gian TP.HCM.

. Dịch giả Anh - Việt & Việt - Anh: đã biên dịch hơn trăm tập sách (có đầu sách gồm 5, 7 tập).

. Sáng tác Truyện Thiếu Nhi:

. Chuyện Cổ Tích Của Vườn - tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác của Nxb. Trẻ Tp.HCM.

. Văn Học Thiếu Nhi Vì Tương Lai Đất Nước , lần thứ nhất, 1993.

. Nhạc Giữa Trời , đoạt giải A Nxb. Kim Đồng, 1995.







TRUYỆN


NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Nhất (1, 2,3)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Hai (4, 5,6)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Ba (7, 8,9,10,11)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Tư (12, 13,14,15)

NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Năm - Kết (16, 17,18,19, 20)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Nhất (1,2,3)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Hai (4,5,6)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Ba (7,8,9,10)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Tư (11,12,13,14)
CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Năm (15,16,17)





















CHUYỆN CỔ TÍCH
CỦA VƯỜN




15. Truyện Trái Mướp Giống

Ở nhà quê, gia đình nào cũng trồng một giàn Mướp trước sân để vừa có bóng mát, vừa có trái ăn quanh năm.

Năm ngoái, giàn Mướp này thật là sai, trái lòng thòng chen chúc nhau ở bên dưới; hoa nở bung ra vàng rực ở bên trên. Đúng là cảnh thiên nhiên hữu tình và hữu ích. Suốt ngày ong bướm bay rập rờn nhộn nhịp, tiếng ong vo ve lẫn với tiếng gió rì rào, hệt như một lời ru ngân nga cho giàn Mướp…

Năm nay, thật kỳ lạ, giàn Mướp chỉ có một trái duy nhất ở sát gốc. Trái Mướp giống chú bé nhút nhát cứ bám vào lưng mẹ, chỉ sợ buông tay là té. Da nó xanh mét, gân nổi dọc suốt từ đầu đến chân trên một thân hình mảnh khảnh. Tính nó thầm lặng, ít nói, hay trầm tư suy nghĩ nên già trước tuổi. Nó biết mọi vật thường chế giễu dây Mướp mẹ nó, cho nên nó cứ trốn sâu vào cái vỏ sần sùi để được an thân…

Đã bao nhiêu ngày mưa trôi qua? Đã bao nhiêu ngày nắng trôi qua? Trái Mướp không hề biết, nó lặng lẽ lớn từng chút một chẳng ai ngờ, đến khi nhớ tới nó thì nó đã bằng một con cá lóc lớn. Vóc dáng dài thon thon đẹp đẽ: nó bước vào giai đoạn trưởng thành.

Một buổi sáng, người chủ nhà bước ra vườn, nhìn giàn Mướp lắc đầu:

-Chắc phải giựt bỏ dây này để trồng lại dây khác quá. Mướp vầy sao có ăn?

Nhưng rồi sau khi nâng trái Mướp lên ngắm nghía, ông chép miệng:

-Thôi kệ, giữ trái này lại làm giống cũng được. Trái nó to lắm. Vậy là đợt sau mới có Mướp ăn.

Mướp cảm động, nó thấy có lỗi với người chủ mặc dù bản thân nó hoàn toàn không có tội. Nó tự hứa phải tốt giống để mai mốt đây những dây Mướp sau sẽ cho ra thật nhiều trái. Để thực hiện lời hứa, trái Mướp lớn phổng phao không ngờ. Nó căng người ra, dài đúng một sải tay mới chịu dừng lại vì đã chạm đến đất. Giờ đây, nó có kích thước đúng tiêu chuẩn của một trái Mướp giống, bảo đảm một giống nói đông đảo và hùng mạnh.

Thời gian trôi qua…

Trái Mướp bước vào lứa tuổi chín chắn, đã nghe nhiều, đã thấy nhiều, và đã hiểu nhiều sự việc xảy ra ờ chung quanh. Da nó chuyển sang màu vàng xám, gân guốc nổi lên cồm cộm, thịt mềm hóa thành xơ. Lúc này, hột Mướp cứng dần, khía hột cọ vào lớp xơ mới đau nhói, nhưng nó hy vọng các hột Mướp mau đổi màu để bảo vệ mầm hột. Nó im lìm chờ đến ngày được nhìn thấy vô vàn hột Mướp nho nhỏ màu đen tuôn ra khỏi lớp xơ…

Người chủ nhà cắt trái Mướp giống rời khỏi giàn và đem vào nhà. Hột Mướp được cất riêng để chờ thời tiết thuận lợi. Xơ Mướp được cắt thành từng khaonh để dành rửa chén. Xơ Mướp băn khoăn không biết chừng nào người chủ mới gieo lại các hột Mướp, lẽ nào nó sẽ dần dần chết đi mà không nhìn thấy nòi giống nhà mình ra sao?

Khoanh xơ thứ nhất đã hoàn tất nhiệm vụ và bị quăng đi. Khoanh xơ thứ hai sống trong chờ đợi: mưa vẫn chưa về nên đất cứng khô, làm sao gieo trồng?

Rồi một sáng kia, khoanh xơ thứ ba nhìn thấy hột Mướp dưới mương nảy mầm, ngọn vươn cao lên từ lớp đất ẩm ướt. Nó vui mừng quá. Từ sàn nước, nó cất tiếng động viên:

-Dũng cảm lên, con của ta.

Những mầm Mướp ngoan ngoãn đâm chồi nảy lộc, quấn chặt tua râu vào các thân chà khô để bò lên giàn cao. Đến phiên khoanh xơ thứ tư, nó nở mày nở mặt ngắm nghía từng nụ hoa khoe sắc vàng tươi rung rinh trong gió. Ôi, ong ca, bướm lượn. Giàn Mướp là nơi tụ hội tiếng hát, giọng đàn, vui vẻ rộn rịp vô cùng… Rồi những bông Mướp lần lượt rụng và thay vào đó là vô vàn bé Mướp nho nhỏ tựa ngón tay có, tựa ống kem đánh răng có…

Thế đấy, giàn Mướp năm nay trái nhiều ăn không xuể. Người chủ nhà cắt Mướp đem biếu hàng xóm, hớn hở khoe mình có trái Mướp giống tốt quá, vị ngọt và thơm… Khoanh xơ Mướp cuối cùng mỉm cười mãn nguyện, nó còn mong ước gì hơn nữa? Nó đã làm tròn lời hứa với con Người…

16. Vợ Chồng Chim Sâu

Trong vườn, có một loài chim rất cần thiết không thể thiếu được: đó là chim Sâu.

Ồ, loài chim mới bé nhỏ làm sao! Cả thân hình mập tròn chỉ bằng một trái chanh, phủ lớp lông dày màu xanh đọt chuối óng ả. Con chim Sâu nhảy nhót trên cành, nghiêng bên nọ, ngó bên kia, mổ một cái rồi nuốt chửng con sâu ăn lá non. Cái đuôi dài, hết ngoắc sang phải lại ngoắc sang trái, bộc lộ tính chăm chỉ, cần mẫn, kiếm ăn suốt ngày không nghỉ của chim Sâu. Thật là một con chim có ích cho vườn cây: bất kỳ con sâu nào trốn thật kỹ, hóa trang rất tài tình, cũng bị chim phát hiện và mổ gọn. Tính ra, cuộc đời ngắn ngủi của một con chim Sâu tiêu diệt khoảng một vạn sâu lá… Tài tình làm sao!

Sự tích về chim Sâu cũng rất quen thuộc: Ngày xưa, khi Ngọc Hoàng tạo ra muôn loài, ngài đã phân công cụ thể như sau: trâu cày bừa ngoài đồng; lúa trổ bông cho gạo; gà cho thịt và trứng; cọp cai quản rừng rậm… Mỗi loài đều hân hoan làm tròn nhiệm vụ của mình. Nhưng một hôm, lá non bị sâu ăn trụi cả cây, bèn lên kiện Ngọc Hoàng. Ngài bối rối bảo bò giúp đỡ, bò than không biết trèo cây. Ngài bảo khỉ giúp đỡ, khỉ than nó rất sợ sâu. Không một loài nào nhận lời giúp Ngọc Hoàng, vì giống sâu có bề ngoài vô cùng gớm ghiếc. Rồi, một con chim nhỏ xíu từ đâu bay ra, tình nguyện làm công việc diệt sâu giùm lá non. Ngọc Hoàng mừng lắm, ban cho nó cái tên là chim Sâu. Từ đó, con chim bé tí kết bạn thân thiết với lá non, tiêu diệt hết loài sâu ăn hại, vô ích.

Mùa hè năm nay, tôi về vườn chơi để thay đổi không khí thành thị đang làm tôi chán ngấy. Vợ chồng người chủ nhà vốn là bạn học cũ ngày xưa đón tiếp tôi rất niềm nỡ, dành riêng cho tôi một căn buồng nhỏ đơn sơ. Căn buồng có cửa sổ nhìn ra phía sau vườn. Cửa sổ luôn đón gió nên tôi kê vào đó một chiếc bàn để ngồi đọc sách (hoặc đôi khi viết thư). Ngồi bên cửa sổ, tôi tha hồ ngắm cảnh, thích nhất là ngắm cây nhãn đang ra bông trắng xóa. Hầu như trưa nào cũng chỉ có con ong ấy đến xin mật, đem về để dành cho mùa mưa. Mỗi lần được các chùm hoa cho mật ngọt, Ong kiểu cách bay vòng vòng cúi đầu cảm ơn. Tôi mỉm cười thầm nghĩ: loài vật mà đối với nhau thật là lịch sự…

Chán mắt rồi, tôi quay sang ngắm bầy gà tha thẩn kiếm ăn quanh gốc xoái xum xuê bóng mát. Bầy gà mái hơn chục con túm tụm lại với nhau khoe những cái cẳng màu vàng nghệ – giống gà này đẻ trứng sai lắm. Mãi đến lúc này, tôi mới để ý đến con chim Sâu nhảy nhót trên cành cây thấp ngang tầm mắt tôi. Con chim nhỏ xíu bằng trái chanh, cái đầu nghiêng ngó, thoăn thoắt nhảy bên nọ, bên kia. Nó dừng chân ngơ ngác, hót lên một điệu lảnh lót rồi vỗ cánh bay đi. Tôi tiếc nuối nhìn theo, thầm khen màu lông của nó đẹp quá: vừa xanh đọt chuối, vừa vàng cam, vừa lam khói… Màu sắc xen lẫn vào nhau hài hòa đến là tuyệt diệu.

Cách vài bữa sau, tôi đang nằm nghỉ trưa trên giường thì trông thấy con chim Sâu bỡ ngỡ đậu trên đầu kèo. Nó nhìn tôi. Tôi cũng nhìn nó. Chợt nó lễ phép lên tiếng:

-Chào thầy, cho em vào bắt nhện. Phòng thầy có nhiều nhện quá.

Tôi sững người đến mấy giây. Có phải con chim Sâu nói với tôi không? Bất giác tôi gật đầu. Nó vội vã quay lưng, vỗ cánh chao qua chao lại, phá tan tác mạng nhện và chẳng có con nhện nào thoát khỏi cái mỏ sắc bén của nó. Ăn một bụng no nê, nó lững thững đi đến đầu kèo, lễ phép:

-Cảm ơn thầy, bữa nào rảnh em sẽ đến thăm thầy.

Nói xong, nó bay đi mất. Tôi không thể không bâng khuâng nhìn theo màu xanh đẹp đẽ của con chim sâu… Rồi trưa nào nó cũng đến, đậu một lát trên đầu kèo, hót líu lo mấy tiếng trong trẻo êm tai. Sau đó, nó lại bay vù ra cây xoài tìm sâu.

Có lần tôi hỏi nó:

-Nhà chim Sâu ở đâu? Có xa lắm không?

Nó quay đầu chỉ:

-Xa lắm ạ, nhà em tận trong núi, nhưng em hay bay đi bay đó, ít khi về.

Tôi nài nỉ:

-Hay là chim Sâu đến ở đây cho vui, đừng đi xa nữa.

Nó mỉm cười bối rối:

-Cảm ơn thầy, có lẽ… vài bữa nữa chúng em sẽ tới đây, và em sẽ bảo… vợ em lại chào thầy. Chúng em định ra riêng, thầy ạ.

Mấy hôm sau, vợ chồng chim Sâu bắt đầu làm tổ trên cây xoài trước mặt cửa sổ phòng tôi. Chim Sâu mái có vẻ lớn hơn và ít màu xanh chuối hơn. Nó có vẻ rụt rè, ít dám bay nhiều, chỉ đứng một chỗ ngó mông với đôi mắt buồn buồn. Chim Sâu trống tha rác về làm tổ: từng cọng rơm, từng cọng dây chuối khô… dần dần kết lại thành một cái tổ xinh xinh bé xíu, ẩn sâu trong một chòm lá xanh tốt. Chim mái vui mừng, hót véo von thật lâu như muốn báo tin cho toàn khu vườn biết vợ chồng nhà chim đã có một tổ ấm.

Tôi tò mò muốn xem tổ nên cũng thả bộ ra chơi. Chim Sâu trống lăng xăng nhảy nhót khoe với tôi căn nhà mới, nó một mực mời tôi vào nhà:

-Mời thầy vô uống nước.

Tôi từ chối:

-Cảm ơn, thầy làm sập tổ của hai em mất.

Chim mái cảm động khi tôi chúc mừng vợ chồng nó được hạnh phúc. Nó lộ vẻ sung sướng vì tôi là người duy nhất không hề có ý định phá vỡ tổ nó.

Sau đó, tôi quên bẵng vợ chồng chim Sâu một thời gian, tôi vùi đầu say mê đọc tác phẩm trọn bộ ba tập “20 Năm Sau” của Alexandre Duma – viết tiếp truyện Ba Người Lính Ngự Lâm. Truyện lôi cuốn tôi suốt một tuần lễ. Đọc xong, tôi mới chợt nhớ đến vợ chồng chim Sâu và ngạc nhiên là mấy bữa rày chẳng thấy chúng đâu cả…

Tôi bắt gặp con chim trống tìm sâu một mình trong một chòm lá ổi. Nó có vẻ ốm, bộ lông xơ xác hẳn, màu xanh chuối bớt vẻ óng ả. Tôi hỏi:

-Em bệnh à? Vợ em đâu rồi?

Trái với tôi nghĩ, nó hớn hở trả lời, giọng run lên:

-Thưa thầy, em không bệnh. Vợ em đang ấp trứng. Chúng em có bốn quả trứng rất xinh, thầy ạ. Em đi tìm mồi cho vợ em ăn.

Nó thoăn thoắt nhảy nhót, bắt được sâu là bay vù ngay về tổ đút vào tận mỏ chim mái, rồi lại tất tả bay đi. Tôi như chiêm ngưỡng cảnh lo lắng chăm sóc của vợ chồng chim Sâu. Tuy là loài vật nhưng tình cảm của chúng có khác gì của con người đâu. Khi thấy chim trống chỉ tìm mồi cho vợ mà quên đi bản thân mình, tôi nảy ra ý tốt, rải mớ thóc gạo ra sau hè để chim đỡ phải kiếm tìm. Nhưng, tôi vừa rải thóc xuống là bầy gà đổ xô đến mổ sạch trơn, tôi chỉ biết cười trừ…

Bầy chim non đã nở. Lũ chim líp nhíp đòi ăn suốt ngày nên hai vợ chồng chim Sâu cùng tỏa ra hai phía để tìm mồi. Chim mái lông xù ra, vẻ chững chạc hơn, chăm chỉ bay hết cây này sang cây khác ra dáng một bà mẹ tảo tần. Nó thường kiếm mồi nhanh hơn chim trống, đi đi về về như để canh chừng kẻ gian bắt mất chim con.

Tôi cứ ngắm mãi cảnh vợ chồng chim Sâu quấn quýt bên tổ ấm, có bốn cái đầu xinh xinh ló ra. Vâng, tôi cứ ngắm mãi cảnh yêu thương hạnh phúc ấy với lòng biết ơn thầm kín mà không hiểu vì sao…

17. Chuyện Cuối Cùng Về Mùa Điều Chín

Mẩu chuyện cuối cùng của cuốn sách này dành để kể về một giống cây công nghiệp được trồng chủ yếu ở miền Đông: Cây Điều.

Nếu ai có dịp đi dọc theo quốc lộ 13 về các huyện Đồng Xoài, Phước Long… sẽ thấy bạt ngàn những vười Điều xanh tốt bao la, chạy vô tận về phía chân trời.

Điều được trồng để lấy hột xuất khẩu. Hột Điều mọc lạ đời: hột nằm bên ngoài trái nên bà con miền Bắc gọi nó là đào lộn hột. Hột điều Ấn Độ to bằng ngón chân cái, vỏ dày và cứng. Hột điều nướng là món ăn tuyệt vời nhất của dân trồng điều, nhưng bà con thích bán hột điều xuất khẩu hơn. Một là họ có thêm chút đỉnh tiền sắm sửa, hai là nhà nước thu được một số ngoại tệ chi dùng.

Còn trái Điều thì sao? Trái có hai màu: đỏ và vàng. Thường thì trái màu vàng ăn ngọt hơn, nhưng nếu không quen vị, ai cũng cho là trái Điều rất chát. Trong bữa cơm, ngoài món cá kho hay thịt kho, bà nội trợ bày thêm một đĩa Điều tươi để ăn kèm.Thật không còn gì hấp dẫn bằng!

Khu vườn mà chúng ta quen biết trong suốt cuốn sách này có hơn một trăm gốc Điều. Những cây Điều tàn lá xòe rộng với đường kính khoảng mười thước đang chen vai sát cánh nhau đón ánh nắng mặt trời. Điều là loại cây không cần chăm sóc kỹ. Nó chịu được nắng hạn, chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Đông nên bà con vùng kinh tế mới ưa trồng. Hàng năm, tiền thu hoạch hột Điều của bà con rất đáng kể, có nhà sắm được ti-vi hay xe gắn máy, máy bơm nước… Đó không phải là chuyện mới lạ.

Câu chuyện xảy ra vào mùa xuân đầu năm. Khi bà Chúa thời gian bắt đầu dạo chơi qua trái đất thì vườn Điều rục rịch thay áo mới. Lá Điều vàng rụng hàng loạt để những đọt non kèm theo chùm hoa đầu ngọn nhú ra. Hoa Điều nhỏ xíu, li ti, ban đầu màu tím nhạt rồi chuyển sang đỏ và trắng dần dần. Lúc ấy là thời điểm cho hột Điều trồi ra trước tiên. Chà, cứ như phép lạ vậy: mới hôm qua bằng hột đậu xanh; hôm nay bằng hột đậu phọng; hai ba ngày sau đã bằng ngón tay cái… Khi hột lớn tối mức tối đa, ngưng lại, đến phiên trái phát triển. Trời, trái lớn nhanh như thổi không kém gì hột. Trái phình ra từng giờ…

Về kích thước, hễ trái to thì hột sẽ nhỏ. Ngược lại, trái nhỏ thì hột rất to và nặng ký. Loại Điều Ấn Độ, trái giống trái mận thôi, nhưng mà hột “đã” lắm, bằng ngón chân cái người lớn. Mùa Điều là mùa hạnh phúc của bà con miền Đông, thường kéo dài từ đầu tháng ba đến tháng năm là chấm dứt.

Trong khoảng thượng tuần tháng Tư, vườn Điều tổ chức đêm văn nghệ, đêm của bình yên, đêm không có sự tàn phá của bầy dơi háu ăn. Ngoài những vị khách thông thường quen biết, chúng còn gởi thiệp đến hoàng tử Sao Hôm, công tước Sao Mai, bá tước Sao Bắc Đẩu ở tận vũ trụ xa xôi…

Các hoàng thân gởi tín hiệu xuống là sẽ đến dự đúng giờ. Riêng các cụm mây đêm thông báo họ sẽ phụ trách dàn nhạc cổ truyền dân tộc. Tin này vừa được loan ra là toàn thể khu vườn hoan nghênh nhiệt liệt.

Đêm ấy, âm nhạc trải đầy trên bầu trời. Vạn vật say mê lắng nghe những giai điệu du dương trầm bổng. Khách khứa lần lượt kéo đến. Mùi Điều chín tỏa hương nhè nhẹ, hứa hẹn một đêm thơ ca hấp dẫn lôi cuốn.

Từ vũ trụ xa xăm, hoàng tử Sao Hôm phát tín hiệu gởi đến một đoan thơ trữ tình:

Mến chúc các bạn Điều

Cho trái chín thật nhiều

Và hột đem xuất khẩu

Khắp thế giới mến yêu.

Lời thơ của hoàng tử Sao Hôm hòa quyện vào tiếng sên, tiếng phách, tiếng nguyệt cầm… thật hay, nên vạn vật nhiệt liệt tán thưởng. Tức cảnh sinh tình, nữ ca sĩ Dế bước ra giữa khoảng trời bao la, lên tiếng hát:

Đâu có vầng sáng nào

Huyền diệu như vầng sáng của Sao Hôm

Chàng đã tặng chúng ta bài thơ tuyệt tác

Đó là sản phẩm từ trí óc thông minh

Mà chúng ta hằng ngưỡng mộ…

Bài hát xúc động đến nỗi mấy chị em nhà đom đóm run tay, suýt đánh rơi cả đốm lửa lập lòe trên lưng. Vườn Điều xào xạc tán thưởng. Vô số trái còn xanh cố gắng chín kịp để được hòa giọng vào chương trình tiếng thơ.

Mùi Điều chín ngày một lan xa khiến vài anh chàng dơi muốn phá rào cuộc đình chiến, len lén ăn Điều một mình. Có tiếng kêu lên:

-Ui da, anh dơi mổ tui đau quá.

Lập tức, trưởng ban an ninh Cú nhào tới, tinh mắt gõ cho dơi ta một cái vào đầu nên thân. Dơi ôm đầu lủi mất. Khu vườn lại chìm lắng vào điệu nhạc êm đềm, cuốn hút tất cả trí tuệ để sáng tác những câu thơ hay và đọc lên tức thời sau đó. Cuộc vui kéo dài đến quá nửa đêm, vườn Điều sung sướng đưa tiễn từng vị khách ra về…

Nhưng, đẹp lòng nhất phải nói là bà mẹ Đất. Mùa hột Điều chín rộ là niềm ao ước của bà suốt một năm qua. Bà cảm thấy khỏe khoắn và tràn đầy sinh lực một cách kỳ diệu trong mùa hột Điều. Chúng ta chắc chắn như vậy đấy!





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .


TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC