TÁC GIẢ
TÁC PHẨM



ĐỖ THỊ
HỒNG VÂN


. Sinh ngày: 12-11-1958
. Tại : Hải An - Hải Phòng
. 1980 : tốt nghiệp CDSP - khoa Văn- Hải Phòng.
. Hiện cư ngụ tại Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng
. Nơi đang công tác: Trường Trung Học Võ Thị Sáu - Hải Phòng

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Tuyễn Truyện 4 Cây Bút Nữ - Tập Truyện Ngắn Nxb Văn Học & Hà Thể & Việt Văn Mới 2007






Tranh của Phạm Quốc Hưng






NHÀ SÁNG TÁC

M ơ lim dim mắt, ngâm tiếp:

Trời thì xanh và mây kia vẫn trắng

Thành phố buồn da diết nỗi chia xa

Anh thân yêu, sao nụ cười xa vắng...

Có tiếng lục cục góc tủ đứng. Minh đang dọn dẹp, giọng chát chúa:

- Quần áo ai treo thế này? Chấm cả vào bát thịt. Tởm quá!

Bực không? Nó nhè đúng lúc mình đang thả hồn để bóc mẽ hay sao? Mơ quay sang, nhìn Minh chòng chọc : “Được bầu là hoa hậu của trại viết thì cũng lạ : Chỉ được cái dáng cao cao. Khuôn mặt tròn - rất bình thường, phụ nữ Việt Nam phần lớn mặt tròn. Da trắng nhưng đã có vết đồi mồi, ngoài bốn mươi rồi còn gì, coi như vứt. Hình như chỉ có đôi mắt. Đôi mắt Minh huyền thật. Lòng đen nhiều, viền mắt cũng đen, sâu thăm thẳm. Cơ mà ở trại khối cô mắt đen, lông mi dài hơn, cong hơn. Nó có cái mũi hênh hếch, hơn hớt, vô duyên chứ nghịch ngợm quái gì. Miệng gọn gàng, môi bằm bặm vì tức giận, trông như phù thuỷ Nai - Na. Cho chết! Đi mà lau chùi mệt nghỉ. Dân văn chương, tá túc chốn tập thể, lại đòi ngăn nắp với chả gọn gàng. Đúng là thỏ non mới rời chuồng... lần đầu đi sáng tác cứ tỏ vẻ ta đây. Phải chọc hắn mới được...” Mơ cau mặt:

- Của chị ... Không treo ở đấy thì còn chỗ nào? Em không còn lúc khác để nói à? Đang đọc thơ cho Thịnh nghe...Mất cả hứng...

Thịnh cười phá:

- Hoan hô hai bà chị! Một lãng mạn, một hiện thực. Em cũng về phòng đây, đến giờ măm măm rồi!

Thịnh lệt xệt lê đôi dép. Trên nền đá hoa trắng tinh, một vệt đen ngòm đất cát kéo theo đến cửa. Đôi mắt đen của Minh hình như đã chuyển màu! Chợt, Vù! Cái vật mềm mềm, bùng nhùng trùm lên đầu Thịnh. Cú ném chính xác của Minh:

- Định để tổ cú ở đây cho ai ngửi hả? Rước về!

Thịnh vẫn hềnh hệch, môi trên tớn lên:

- Ô hô! Suýt quên... chị gái hôm nay nóng quá! Người đẹp thế kia mà!...

Thịnh nhún nhảy. Đôi chân mập như hai cây măng mai dặt những lông đen sì, dặt dìu:

... áo em... là em đậm sắc... sắc quê nhà,

...Em chưa... là chưa kịp giặt... đã ba... là ba ngày rồi...

tình tính tang... là tang tính tình.... ới cô mình rằng... ới cô mình ơi...

Tất cả cười rũ. Mơ sững người: Minh đẹp, đẹp thật. Khi cười, trông Minh lạ lắm.

***

Tôí, Mơ lên phòng tầng trên để tán gẫu, bình thơ. Nàng dừng chân bên hành lang. Ôi! Trăng đẹp quá. Hằng Nga mến yêu! Đã bao lần ta cười, khóc cùng ngươi? lòng Mơ trống vắng biết bao. Nàng cần có một tri âm, tri kỷ văn chương, song số chẳng mấy gặp may. Cũng đã có những thi nhân ngồi lắng nghe nàng, gật gù:

- Thơ em được đấy, nhuần, trong trẻo, có lửa nhưng chưa đủ độ để bùng cháy... Thơ bây giờ là phải phá cách, phải trầy xước, bầm giập ...

Rồi chàng đọc những câu thơ “phá cách” của chàng. Mơ nghe bập bùng bên tai như tiếng mưa đập vào tàu lá chuối. “Thơ hâm, lão ta cũng hấp nốt!” Mơ chán, chán ngoét. Cái đám “thi nhân” bây giờ sao lắm tay gàn dở thế. Đi trại viết vẻ phởn phơ ra mặt :“Làm thơ cho vui ấy mà... mình nhiều tâm sự với đời quá...”. Người thì khoe đã lo cho con cái đâu vào đấy cả rồi. Kẻ rằng đã mua được chỗ cho bà xã bán hàng. Vài “nhà chuyên nghiệp” đã tậu được cả trang trại, cửa hàng cửa họ mãi tận mạn ngược...vv và vv...Họ đi sáng tác, lòng vững như kiềng ba chân, tâm hồn tha hồ bay bổng, thăng hoa, chẳng cần lo nghĩ gì đến gạo tiền, không phải ngong ngóng mấy cái đồng bạc nhuận bút! Vậy các anh còng lưng viết để làm gì? Ô! Để vui, để mật ngọt cho đời, làm sang cho mình chứ còn làm gì nữa! Cô này hỏi lạ, người quê đâu ta? Chao ôi! “vui”; “làm sang”. Thế mấy bố ở tít trong quê ra phố, phải tính toán chi li đến từng đồng uống nước kia thì “sang” cái gì? Mà họ say viết đến lạ. Có ông ngồi thức đến hai, ba giờ sáng, hõm cả mắt để sửa đi sửa lại một câu thơ, ăn bánh mì suông với chai nước lọc. Hay là họ chỉ cần đến với bạn thơ, cất cao tiếng lòng mình, sẻ chia nỗi ưu phiền đang đè nặng trong lòng? Mơ nhớ lại một mẩu tin đăng báo: Một lính cứu hoả Mỹ trong sự kiện 11/9 đã có một hành động vô cùng dũng cảm. Khi phóng viên phỏng vấn anh ta rằng động cơ gì đã khiến anh làm như vậy? Câu trả lời là : “ Tôi được chính phủ trả lương...”. Đố ai căn vặn anh ta được đấy?

Mải suy nghĩ, Mơ đứng lặng ngoài cửa. Trong phòng, cả bọn đang nhao lên vì tay Hai Tường được đăng những sáu bài thơ trên ba mặt báo trong cùng một tuần:

- Khao đi! Khao đi! Nhất ông rồi đấy! Cầy tơ bẩy món Nhật Tân ngay ngoài cổng, đi thôi!

- Phải đấy! Cả trại viết này có ai được thế không? Phen này ông Tường tiếng vang như mõ

Hai Tường cười cười, những vết “đau khổ” hai bên má rúm lại:

- Trời ạ! Sáu bài được ba trăm, mà có lấy được ngay cùng một lúc đâu. Bà xã ở nhà đang ốm bệnh... Ông nào cho tôi vay vài chục rồi đi!

Cả bọn cười phá:

- Ha ha! Hé hé! Vài chục có mà ăn cái... đuôi chó. – Lâm giơ tay - Đùa đấy, vợ ốm đau thế ai nỡ lòng nào. Thế này nhá: Tôi thay mặt ông, khao mọi người, nhưng phải chờ đến mai bu cháu gửi tiền ra, được chưa?

Hải “xồm” ghé tai Lượng “khịt”

- Cha Tường kẹo kéo lắm. Lúc nào cũng vờ vịt kêu vợ ốm, con đau...

Lượng chun mũi,“khịt” một cái rõ to:

- Mà nghĩ đồng nhuận bút của mình bèo quá. May mắn được đăng báo cũng chỉ dăm, bảy chục một bài. Viết đến mờ mắt mới được tập thơ, mất công in ấn mà có bán được đâu. Chỉ sở đem tặng, đem biếu, mệt người, đã thế mụ vợ còn coi thơ chả là cái cóc khô gì hết. Ai đời thế này không...

Mơ vội bước vào phòng để được nghe chuyện “vợ coi thơ chả là cái cóc khô gì” của Lượng “khịt”. Chả là vợ hắn ở quê. Quanh năm suốt tháng chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Lúc nông nhàn, đi làm thuê, buôn thúng bán bưng, cũng chẳng đủ cho ba đứa con đóng tiền học đầu năm. Mỗi khi ngồi làm thơ, nghe vợ ca bài “cháy túi”, hắn lại dụ dỗ:

- Mình chịu khó chờ dăm bữa nửa tháng nữa, tôi in tập này ra... ối tiền!

Vợ hắn nghe lời, hy vọng tràn trề vào tài năng trời cho của chồng, cung cúc đi làm, cung cúc cơm nước hầu hạ bố con hắn. Rồi thơ cũng được in. Hôm ấy, mụ thấy mặt hắn vênh vênh như cái bánh đa nướng, vừa móc túi đưa tiền cho vợ, vừa chỉ vào đống sách còn thơm mùi mực in:

- Tôi đã bảo mà... cứ in... sẽ có tiền. Mới bán được vài chục cuốn, mình cầm tạm vài trăm. Mai kia bán nốt chỗ này... ối tiền!

Mặt vợ nở ra. Ôi chao! Làm phu nhân của thi sĩ cũng vinh hạnh lắm chứ. Tiền làm ra không nhiều nhưng là đồng tiền thấm đẫm chất nhân văn, sang trọng, đầy trí tuệ... Thị rưng rưng giắt cái món tiền mồ hôi nước mắt ấy vào cạp quần. Tuần sau, hắn đi ăn giỗ nhà bạn ngoài thị trấn. Gặp mấy tay cùng cạ văn chương. Thật đúng là rồng gặp mây! Họ uống rượu, bình thơ, mãi trưa hôm sau mới về. Ngật ngưỡng vào ngõ, suýt đâm sầm vào phu nhân đang chống tay vào nạnh, hằm hè nhìn lão như muốn nuốt chửng. Cặp mắt long sòng sọc, con ngươi muốn vọt ra khỏi chòng. Hắn dựng tóc gáy. Chết cha! Đêm qua không về. Nhà không điện thoại. Chắc đứa nào thối mồm lại bơm bít đây! A! Đích thị thằng Quỷnh. Thằng chó ấy bị hắn chơi cho một vố khá đau nên tìm cách chơi xỏ lại. Đầu đuôi xuất phát từ việc lão Quỷnh vốn sẵn có nhóm “máu 4” - máu “dê”. Thấy vợ hắn phốp pháp, mặn mòi, “dê” nổi máu thèm thuồng, luôn tìm cơ hội ve vãn. Nhưng, lạy giời đất, bà xã của hắn thuộc tuýp đàn bà chính chuyên, không tơ màng chuyện trăng gió. Thị tông tốc kể hết cái chuyện “con dê già” tán tỉnh mình như thế nào? Thị chửi lại nó ra sao, cho chồng nghe. “Khịt” điên tiết chờ dịp bắt quả tang. Một buổi chiều, vợ hắn ra đồng cắt bí ngô. Đang lúi húi giữa đồng thì Quỷnh như một con thằn lằn từ đám lá xanh quẫy lên, ôm choàng.Thị hoảng hồn, miệng hô hoán, tay giữ chặt cạp quần. “Dê già” chưa kịp làm gì thì... huỵch!... toẹt!... Một quả đấm thoi vào giữa mặt, đồng thời mắt ,mũi, mồm “dê” được hứng chọn một gáo cứt trâu nhão nhoét mà Lượng chuẩn bị sẵn từ nhà. “Dê già” vừa tháo chạy, vừa khạc nhổ sặc sụa. Vợ hắn khoái trí, chửi với theo:

- Tổ cha thằng phải gió! Cứt trâu có ngon không?

Từ đó Quỷnh tịt ngòi, nhưng vẫn ấm ức về cái vụ ăn cứt trâu đó... Hôm nay, chắc Quỷnh lôi cái chuyện bắt gặp hắn từ quán quán karaoke bước ra hôm nọ để chọc ngoáy đây mà. Khốn nạn, có phải ai vào đấy cũng đều làm những chuyện bậy bạ đâu. Hắn liếc vợ. Mụ gườm gườm như sư tử sắp vồ mồi, mũi bạnh ra:

- Ông thi sĩ! Tiền nhuận bút của ông đâu? Đem trả nợ lão Tính đi, lão vừa vào đây đòi đấy!

Hắn thở phào. May quá! Không phải cái chuyện quán xá tình tang gì. Tim hắn bớt loạn nhịp nhưng rồi tai lại đỏ tía lên khi mụ vợ bĩu dài môi:

- Nhuận với chẳng bút. Đi vay người ta lại khoe là tiền nhuận bút, rõ dơ! Lão Tính bảo mấy trăm cuốn thơ của ông vẫn nằm ỳ ngoài cửa hàng ấy, chẳng bán được xu nào.

- Đồ điêu xảo! Cũng bán được hai cuốn đó thôi! Mới có mấy hôm... độc giả chưa biết...

Cặp môi mỏng như lá lúa của thị lại dẹt ra:

- Chẳng có ma nào biết hết! Hai cuốn đó là ông Tâm lấy. Ông ấy bảo lão Tính: chỗ bạn bè, chắc thương hại thơ phú của các ông mọc rễ trên giá sách nên mới mua hộ...

Hắn trợn mắt:

- Đừng có ăn nói hàm hồ, không hiểu biết gì thì ngậm miệng! Thơ của tôi báo chí bình luận ầm ầm. Lại sắp sửa in tập nữa. Lần này thơ tôi sẽ phá cách... văn xuôi mà lại là thơ, thơ mà lại là văn xuôi... Mình nghe đây này... ai bảo thơ tôi không có cánh...

Cái giống sư tử cái ấy nhảy xổ tới, giằng sấn tập bản thảo trên tay thi nhân:

- Thơ này! Phú này! Từ nay, tôi gí... vào nghe thơ ông nữa... – Mụ rít xoe xoé - Đi ra đồng lùa vịt về, mau!

Lượng kể đến đây lại “khịt” một cái.

Cả phòng cười nắc nẻ. Lê Trần hứng chí đọc rõ to:

Vợ anh giở dại, giở khôn

Hôm qua nó đã gí... vào thơ

Tiếng vỗ tay như sấm. Hoàng Nguyễn đứng lên, ra hiệu im lặng:

- Yên! yên! Tôi xin ứng tiếp:

Vợ tớ ngẩn ngẩn ngơ ngơ

Hôm nay nó cũng gí thơ vào ...

Mấy tấm cửa kính rung chuyển như sắp vỡ. Mơ cười đến chảy nước mắt. Hạnh đấm thùm thụp vào lưng Nguyễn. Chợt, cạch... cạch... cạch... Minh dựa ngay mép cửa, tươi như hoa:

- Câu lạc bộ cù nách! Cho em xin nối tiếp nhé:

Chẳng cần phải nghĩ dại, khôn

Để cho đôi cánh tâm hồn tự do

Lại một trận pháo tay rào rào. Những khuôn mặt bừng sáng, những đôi mắt dồn cả vào Minh: “Ai thế? Sao bọn này không biết nhỉ?” “Thiên thần ơi! Vào đây với các anh!” Lần thứ hai trong ngày, Mơ sững người: Minh rất xinh khi cười. Đôi gò má trắng ngần, mắt như ánh sao và cái miệng tươi thắm, hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp như bắp nếp. Giọng nó trong trẻo khiến tất cả đột nhiên im lặng:

- Chị Mơ ơi! Bỏ di động ở phòng này, có ai gọi mãi đấy, em cầm sang cho chị!

Mơ bước ra:

- Em vào đây với mọi người và làm quen đi!

- Em là Minh, lính mới. Em có chút việc bận. Hôm nào rảnh sẽ hầu chuyện các đại ca sau nhé. Chào cả nhà!

***

Tách cà phê ban chiều làm cho Mơ không ngủ được. Anh trăng xanh huyền ảo cũng khiến Minh thao thức. Hai chị em tắt điện, ngả lưng trên ghế ngắm trăng bên cửa sổ.

- Minh này, em xinh lắm, nhất là khi cười. Chị dám chắc một trăm phần trăm đàn ông ở trại sáng tác này sẽ phải lòng em.

- Chị đừng nói thế, em bình thường thôi... ấy chết, cái khăn lau bàn em quên chưa giặt. Lúc chiều, ăn cơm xong lau mắm, mỡ, hôi lắm.

Mơ lại cáu:

- Kệ cha nó! Sao em cứ khổ sở về những chuyện đâu đâu thế nhỉ?

- Em không thể viết được khi nhà cửa, người ngợm chưa sạch sẽ, gọn gàng. Nói thật với chị, em thấy dân văn chương mình ăn ở luộm thuộm, bẩn thỉu quá. Ai đời thùng đựng rác trong nhà có cả ròi lúc nhúc bao giờ không? Nhà tắm thì hôi hám, nước để chảy cả đêm không khoá. Quần áo giăng mắc như mạng nhện... Bảo làm sao lãnh đạo không kêu.

Mơ chống chế:

- Nhưng cơ sở vật chất đã ổn định đâu. Cha chung không ai khóc mà em!

- Cái gì chưa ổn định thì mình phải chịu. Em muốn nói đến phong cách sống của con người. Ngồi làm thơ về hoa trong khi bình hoa trong phòng mấy ngày không thay nước, thối hoăng, hoa thì héo rũ. Cái đó đâu phải tại ban tổ chức...Lối sống của mỗi người hàng ngày cũng phản ánh phần lớn tâm hồn, cốt cách của họ.

- Ý em muốn nói các nhà văn ăn ở luộm thuộm, bẩn thỉu thì tâm hồn, cốt cách của họ cũng như vậy?

Minh gật đầu:

- Chỉ trừ trường hợp do bệnh tật, do trong một hoàn cảnh nào đó thật đặc biệt. Ví dụ như đãng trí chẳng hạn...

Mơ lại ngắm nghía khuôn mặt Minh. Đôi hạt huyền mơ hồ dưới hàng lông mày xanh mướt. Mũi tuy hơi hớt nhưng nhìn hơi nghiêng vẫn thanh. Khuôn mặt trắng mát, những đường nét góc cạnh chìm đi dưới ánh xanh ngà, trong vắt. Cặp môi xinh, khoé miệng có dấu phẩy, ẩn chứa nụ cười rực rỡ. “Chồng nó chắc là đẹp trai và lãng mạn lắm”. Mơ thở dài, ngước nhìn bầu trời đêm thăm thẳm, muôn ngàn vì sao nhấp nháy xa xôi. Một vài đám mây xám dắt díu nhau, lướt vù vù, đè dúi đè dụi lên cái mâm vàng ngời ngợi, tròn trịa của đêm mười sáu. Anh sáng chìm đi, vầng trăng ngụp lặn, oằn oại một hồi rồi lại lòi ra, hơn hớn cười. Mơ rùng mình. “Hắn nói câu gì khi chia tay mình nhỉ? – Cô cứ việc đi! Đi mà đánh đĩ với cái lũ văn chương, đừng bao giờ vác mặt về nhà này nữa.” Mơ đặt phịch túi du lịch lên ghể: “Nếu anh coi tôi là con đĩ thì tôi cũng nói với anh rằng: Đánh đĩ với văn chương tất nhiên thú vị và văn minh hơn nhiều so với đánh đĩ với loại gỗ đá...” Lần đi sáng tác ấy, Mơ nhận được hai tin: Con gái đỗ đại học và chồng cặp bồ với cô chủ quán cháo lòng. Thế là hết! Mơ lang thang trong cõi lãng du, bàng hoàng như vừa bị dội gáo nước lạnh. Hiện thực cuộc đời chan chat va đập vào nàng với đủ mọi cung bậc khác nhau. Những phút giây thăng hoa lãng mạn chỉ loé sáng được khi Mơ có đủ cho con số tiền trọ học đại học mỗi tháng. Đồng lương hưu ít ỏi, Mơ không dám đi picnic cùng ban bè, mua sắm đồ đắt tiền trong siêu thị hay vào những nhà hàng sang trọng vừa được phục vụ, vừa được nghe nhạc... Không, lẽ ra Mơ không nên đâm đầu vào văn chương. Mơ phải mở hàng cơm, hàng chè hay quán giải khát gì đó để có tiền cho con đi học, để đóng góp giỗ chạp, ma chay, cưới xin... Phải ở nhà làm người vợ hiền, mẹ đảm... Không, lẽ ra... Mơ khẽ nhắm mắt. Hai giọt nước mắt từ từ lăn dài. “ Và mình cũng đã đánh mất chính mình ngay trong cõi mộng du này”. Lòng nguội tắt, Mơ ngờ ngợ nhìn đám đồng môn tung tẩy cười nói, tung tẩy ăn chơi. “Chắc có kiều hoặc vợ, chồng, con cái gì đó làm ra tiền. Bà nào xinh xinh thì cặp bồ để được bao chứ tài giỏi quái gì”. Mơ vờn tay sang ghế Minh:

- Này, nai! em ở chốn nào lạc vào đây vậy? Chồng con ra sao?

Minh se sẽ quay lại. Trời ơi! Ai thế này. Mặt xạm đen, mắt sẫm lại, môi nhợt nhạt, bàn tay lạnh toát. Mơ hoảng hồn nhổm lên:

- Minh, em sao thế? Cảm lạnh rồi! Vào giường đi!

Giọng Minh nhẹ như gió thoảng:

- Không sao đâu... Chị cứ để em nằm yên, một chốc là khỏi. Thỉnh thoảng em vẫn bị thế, đau tim mà. Chị lấy giúp em hai viên thuốc trong ngăn kéo.

Mơ vội đứng lên, lập cập tìm thuốc:

- Em bị lâu chưa? Còn đi viết lách làm gì cho đau thêm?

Một nụ cười đau khổ trên đôi môi tê tái:

- Em mới bị thôi, khi nhận ra : Lấy chồng, có con em đã chết lâm sàng cả về thể xác và tâm hồn, rằng mình bị người đời lừa dối một cách thảm hại , ngu ngốc. Cuộc sống thực vật khiến em mắc bệnh đau tim chị à. Em đến đây để có điều kiện vạch trần những bất công vô lý đối với một con người, để tìm lại tiếng cười vô tư xưa kia của mình.

- Nhưng em có vẻ đau đớn quá... Em nghĩ vào đây có thể cười vô tư được sao?ở nhà, em không viết được à?

Minh lại nhìn trăng:

- Hắn sẽ cầm cây bút bẻ đôi trước mặt em! ...Trăng đẹp man rợ! Nó gợi lại cho em kỷ niệm buồn trong quá khứ. Thước phim đó hiện về rõ nét quá làm em xúc động.

Mơ nắm chặt tay Minh hơn. Trăng chảy dài, nhều nhễu trên hai mái tóc bồng bềnh sáng. Mơ hiểu rằng mảng đời khổ đau, bất hạnh của Minh cũng giống như mình, chỉ là ở một dạng khác mà thôi.

- Đã có thu nhập ổn định chưa? Trông em có vẻ đàng hoàng chững chạc lắm.

“ Một câu hỏi hết sức đúng đắn.” Minh gật đầu, mỉm cười, sắc mặt đã trở lại tươi tắn.

- Đó là cái giá phải trả cho con bệnh của em đó chị. Em yếu đuối quá. Nếu phải những người đàn bà khác họ không đổ bệnh như em đâu.

- Bởi em dễ bị thương tổn... hãy khẵc chữ vào lòng người đọc bằng máu của chính con tim đau đớn ấy... Nhất định em sẽ thành công vì... vì... em có nụ cười rất lạ, đẹp như quỷ ám! chị nói thật đấy! Nào bây giờ thì ngủ đi, mai bắt đầu cuộc bút chiến. Em đang viết gì vậy?

“ Cánh hoa lạc loài” - Minh thầm thì - E rằng, khi viết truyện này, bệnh em nặng thêm...”. Mơ chọc tay vào lườn Minh: “ Mấy tay đại tếu sẽ chữa được hết. Các ông ấy tuy vẻ phộc phệch nhưng sâu sắc lắm, tán truyện vui như tết. Thôi, ngủ đi em!”

Minh kéo chăn kín đến cổ, nhắm mắt. Trăng vẫn vằng vặc, ánh sáng bàng bac ghé qua cửa sổ, mơn man bờ môi phảng phất nụ cười mê hoặc của nàng.

Hải Phòng tháng 9/2007



ĐỖ THỊ HỒNG VÂN

© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ NEWVIETART

TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC