Tôi học xong Tổng hợp Văn, bằng loại khá. Xuýt nữa thì tôi đoạt bằng giỏi nếu không tặng một cái tát nhẹ vào mặt Phó Giáo sư H. khi ngài xoa mông tôi lần thứ bốn. Tôi về tỉnh quê xin việc chưa được. Nơi thì quan phụ mẫu bật tay tanh tách, cách thoại không lời của người thời vượn mà ra hiệu rằng cần có "chỉ". Nơi thì quan phụ mẫu tỏ ý muốn chiếm đoạt tấm thân trinh nữ tôi chẳng chút e dè. Chán nản tôi tạm gác giấc mơ công chức về mở quán giải khát cùng mẹ bán hàng. Tiền kiếm được kha khá, chắc không kém gì lương ở các công sở loại trung. Tôi cũng tạm an thân. Mẹ tôi thì sướng ra mặt bảo "Cử nhân văn xem ra ở chợ cũng có giá, bán được". Tôi cười họa lời "Con mới bán nụ cười đấy".
Quán nhà tôi nằm chính chỗ ngã ba của một con đưòng mới cong. Quán nhìn qua đường là một con sông không to không bé. Hai bên sông là hai hàng liễu xen kẽ ít cây phượng. Liễu tỏ ra gặp đất tốt nỉ non, xanh biếc mắt. Phượng thì không gặp may thổ nhưỡng như liễu, vào hạ mỗi năm chỉ thắp lên mấy chùm hoa đỏ nhạt nhòa. Cái giống cây tượng trưng cho mùa thi cử đó cứ như một thứ lửa trời ám vào phận tôi. Nhìn nó có lúc không định khóc mà vài giọt nước mắt cứ ứa ra.
Một lần cậu bạn trai tốt nghiệp trường Hàng hải, do có nỗi buồn riêng nên cậu ta rất ít khi lên bờ, ngày tháng chỉ lang thang trên các đại dương, nhìn thấy vệt nước mắt trên mặt tôi thì chép miệng bảo:
- Đó là thứ nước mắt thơ ca.
Nghĩ cậu bạn chọc chơi, tôi buâng quơ hỏi lại:
- Cậu nghĩ thế à?
- Con gái thất tình trái tim không hóa đá, đã khóc thì khóc như thác lũ. ở tuổi bọn mình dễ gặp đoạn trường này. Con gái chán đời thường chỉ buồn câm không buồn tiếng. Chỉ tâm thi sĩ hạt lệ mới chốc vương chốc tắt thế kia. Lệ ấy rất đặc trưng. Cậu thử làm thơ đi. Biết đâu lệ chẳng hóa đời nên được.
Tôi phì cười. Đêm ấy nằm trăn trở lại thấy cậu bạn có lý. Cái tâm can tôi đang mang khi nặng trĩu, khi hư hư sương khói. Buồn một nỗi bâng khuâng mà không chán nản gì. Tâm ấy là tâm thơ chăng? Thế là tôi làm thơ. Những con chữ cứ như ở đâu đấy vốn ngoài tôi ngùi ngụi kéo về. Lạ lắm! Thơ có lẽ là thứ con sinh của sương khói hư ảo cộng với nỗi niềm thế thái, thứ nỗi niềm nghiêng hẳn về phía nước mắt. Đúng đó là thơ thì tôi làm thơ được. Sự phát hiện ra mình ở phần sống tinh thần này khiến tôi trở nên khoái hoạt hơn. Sáng tạo mới là thượng thặng! Ông Kan bảo: Sáng tạo gần với Thượng đế! Với ý nghĩ kiêu hãnh đó, sau khi có lưng vốn vài chục bài thơ, tôi bắt đầu đăng đàn, nhập cuộc.
Thơ được đăng đều trên mặt báo, tên tuổi dần dần trở nên quen thuộc thì quán tôi cũng có thêm lớp khách hàng mới, ấy là những anh em văn nghệ tỉnh nhà. Chừng một năm sau, cũng là sang năm thất nghiệp thứ ba tôi gần như được giới văn nghệ tỉnh xem như người nhà. Cứ vào chiều thứ bảy Chủ nhật họ thường kéo đến quán nhâm nhi tí bia rượu và luận đàm văn chương thế sự.
Tiếp xúc nhiều và sâu sắc với anh em văn nghệ tôi nhận ra một điều lý thú, từ người cao niên tóc bạc phơ đến những anh trẻ trung râu ria tóc tai lởm chởm, hầu hết (tôi không nói là tất cả) họ đều mang một gương mặt tinh thần rất ngây thơ. Tuổi trẻ thơ thì ham tìm hiểu, từ vũ trụ tới một con dế cũng là đối tượng để chơi với một cách hồn nhiên. Người sáng tác văn chương tính ngây thơ của họ ở chỗ họ cũng ham tìm hiểu từ vũ trụ tới con dế, khác là họ tìm hiểu với tư cách cao đạo của kẻ chủ nhân. Gần như ai trong họ cũng tự mãn với khả năng tri thức, sáng tạo - dạng tri thức bà mụ của mình. Như trẻ thơ, ý thức bà mụ của đời sống ấy được họ mang rất đỗi hồn nhiên. Ngỡ ngay cách thức nằm ngủ họ cũng ngủ mộng trong trạng thái chân còn đặt nơi hiện thực mà đầu đã dựa chốn vĩnh hằng. Trước họ thì những ngành lao động trí thức khác dường chỉ được xem là chiếu dưới, là những dạng công việc dành cho tri thức học trò. Sáng tạo - mới chính là công việc của tri thức bậc thầy. Tôi dần đọc ra những cao đạo mà họ, khách hàng văn nghệ của tôi mang ở đáy mỗi tâm can. Nếu có ai bảo ý thức đó là huyễn hoặc, tự thị quá đáng thì lỗi ấy cũng không hoàn toàn riêng họ chịu. Đó là thành phẩm ý thức, con đẻ của nền triết học tượng trưng, duy cảm không chịu sự dẫn dắt của duy lý, lôgích của phương Đông mình. Đó cũng là lỗi của tinh thần, mối quan tâm, sở học dân tộc hàng ngàn năm chỉ đặt gánh đảm trách cho đôi vai văn chương gánh vác. Quả đúng vậy thì căn bệnh tự thị, huyễn hoặc khách văn chương mang là đáng được thu nhận và chạy chữa một cách Từ Mẫu chứ không nên từ bỏ.
Trong cõi lòng con người, khi mang sự cao đạo tự mãn tất nó cũng đồng mang sự đố kị, oán thù. Một cặp bài trùng tâm thế! Tính cao đạo tự mãn lớn bao nhiêu lòng đố kị oán thù lớn theo từng ấy. "Tài năng của tay ấy à? Là một cái đinh đấy. Nhưng...tiếc thay, đó là cái đinh han!... Hơ hớ... Hay, thằng ấy hả? Thứ trẻ con dám lên mặt dạy đời. Nó nghĩ nó là ai? Là cái thứ dẻ lau cho chữ nghĩa đỡ cổ phong thôi, cô em ạ..." Tôi thường được nghe họ nói về nhau như thế. Và công bằng mà nói, sự xấu chơi, kể cả cách đối xử ác trong những con người này cũng là thứ tính xấu tính ác trẻ con thôi. Nó thiếu một bản lĩnh, một tinh thần trách nhiệm để duy trì. Nên đôi khi các mối lòng được cởi bỏ chỉ bằng một lời khen, một bữa rượu. Tôi vẫn chơi được với họ là ở lẽ đó. Thêm một lẽ đã khiến tôi không chỉ giao du, hơn thế, còn khiến tôi tôn vinh ngưỡng mộ và đeo đuổi, ấy là tinh thần ngây thơ mà cao quý trong sức duy trì, xây dựng cái Đẹp - ở những con người này. Tất nhiên, phải là người nghệ sĩ chân chính.
*
Tôi thất nghiệp sang năm thứ ba được bảy tháng, một vị Giám đốc xí nghiệp bảo:
- Ưng thì đến nơi anh làm việc.
Xí nghiệp đó làm ăn được, lương khá. Tôi hỏi, với ánh mắt có chút tình tứ:
- Em học văn khoa, về đó biết làm gì, anh?
- Thì... em làm thư ký, soạn thảo công văn giấy tờ... Vả lại nơi công sở, điều thiết thân nhất là sống thế nào, chứ không phải làm việc thế nào. Em đến, nếu ngoan thì cứ ngồi tỉa móng tay, tô môi, vẽ mi... cũng quý. Giám đốc xí nghiệp nói với ánh mắt tình tứ.
Nghĩ gì thì gì cũng là công chức Nhà nước. Thế là tôi đến làm việc ở xí nghiệp nọ. Ngày làm việc cơ quan, tối về phụ quán cho mẹ. Tôi có hai thứ lương. Cuộc sống trở nên có dư vị hơn.
Rồi một hôm Giám đốc xí nghiệp gọi tôi sang phòng ông. Hôm ấy đồng minh của Giám đốc là cơn mưa Ngâu rỉ rả như lời kể chuyện của trời đất. Rất có cảm xúc! Giám đốc đưa tôi tập tài liệu bảo lưu vào vi tính. "Dạ!" Tôi cầm tập tài liệu với tinh thần luôn cảnh giác, tôi đi ra. Ra đến cửa thì Giám đốc gọi lại. Giọng Giám đốc mượt như giọng thi sĩ đọc thơ:
- Ở lại đây với anh... Giám đốc lúng túng, sửa lại gọng kính, chải lại mái tóc. Mái tóc nhuộm chưa kỹ của ông lộ ra số mảng trắng bồng bềnh.
Tôi ý tứ ngồi xuống mép sa lông.
Giám đốc xí nghiệp đến gần. Ông lại sửa gọng kính và chải tóc. Mái tóc thêm mượt thêm bồng bềnh. Rồi bất thần ông nắm lấy tay tôi. Tay ông run run, vuốt vuốt.
- Anh xin em... Đeo bóng tưởng hình em đã mấy năm nay... Ôm ấp đứa con gái nào anh cũng tưởng nó là em...
Nói xong câu đó đôi tay ông cũng có vẻ bớt run và lần lần, rụt rè, nhè nhẹ vuốt xuống vùng eo lưng tôi. Nghĩ lão cũng thật. Chả ai tán tỉnh lại kể lể như thế. Tôi còn chưa phản ứng gì. Tôi bao giờ cũng tự tin vào sức chế ngự kẻ khác giới của mình. Không có gì phải vội. Giám đốc xí nghiệp được thể bèn bế xốc tôi lên. Đi được tới bên giường thì loạng choạng. Tôi bật cười khe khẽ. Giám đốc xí nghiệp sướng lắm, cũng cười khe khẽ. Để cho Giám đốc đặt xuống giường rồi, tôi mới nhổm dậy bảo:
- Anh hơi ngẩng mặt lên nào. Thế, thế... Và tôi giáng một cái tát cật lực. Nhớ tôi đã tát vào mặt bảy thằng đàn ông. Cái tát giành cho vị Phó Giáo sư là nhẹ nhất, giành cho Giám đốc xí nghiệp này là mạnh nhất. Tát vị Phó Giáo sư nhẹ, vì vị đó có sức đỡ của chữ "thầy". Tát vị Giám đốc xí nghiệp mạnh vì có sự cộng lực của gia đình. Giám đốc là chú rể của bạn thân tôi. Mặt Giám đốc tái mét nhưng mắt nhìn tôi chưa thấy ánh hằn học. Có thể Giám đốc còn hy vọng khi thấy tôi nằm trên giường với vẻ mặt tỉnh táo.
- Em còn là con gái đấy. Trinh tiết của một nhan sắc cỡ em, giá là bao, anh?
- Muốn bao nhiêu được bấy nhiêu. Anh... anh sang tên cho em lô đất ở khu đô thị mới, được không?
Tôi nghĩ giá vậy cũng không đến nỗi nào. Lại thương cho vợ con Giám đốc và nghĩ đến mẹ đẻ của tôi, bèn bảo:
- Anh hôn em đi. (Giám đốc cúi xuống hôn từ từ chầm chậm...) Thế thôi nhé. Em cho lại vợ con anh lô đất. Anh cho em được giữ tiết trinh. Nghĩ đến công mẹ em mang nặng đẻ đau, chăm chút giữ gìn... em tiếc lắm!
Tôi trở dậy đi ra. Đến cửa thì nghe thấy Giám đốc xí nghiệp thút thít bảo: "Em tiếc một... anh tiếc hết kiếp này... anh chờ đấy!" Nghĩ mình khó làm việc được ở xí nghiệp đó nữa, tôi bỏ về với quán hàng sau tròn một tháng đi làm. ít hôm sau cô cháu vợ Giám đốc bảo với tôi: "Dạo này chú rể tao hay làm thơ, mày ạ. Chả hiểu ra sao nữa...". Tôi nghĩ với tính vụng về cộng tố chất ngây thơ, có thể ông ta cũng có máu thi sĩ thật.
Nhà văn Biên tập viên tờ Văn nghệ của Hội thấy tôi lại thất nghiệp, tỏ ý thông cảm bảo:
- Hay đến báo Hội làm việc, em!
Nghe giọng, trông vẻ mặt anh ấy lành hơn mọi ngày tôi sinh nghi. Một nữ văn sĩ ở Văn phòng Hội với kinh nghiệm "máu" mách nhỏ tôi từ trước về thao tác câu gái của Nhà văn. Lúc vẻ mặt anh ấy lành như anh nhà quê là đang dụng thuật bủa lưới xa. Khi vẻ mặt tỏ rõ uy quyền lành lạnh chất phố thị là thuật bủa lưới đã thít gần, sắp cất mẻ. Tôi đếm lời lành lành tôn tốt của Nhà văn vừa buông được đúng bảy chữ. Thế là còn cách bảy sải tay chăng? Như con thỏ thoát bẫy bảy lần, tôi đâm ra nghi ngờ cảnh giác với xung quanh. Cẩn tắc vô ưu! Cứ tiêm chủng vào mọi cánh tay, lời tiếng của đàn ông trước cho chắc. Hôm ấy tôi làm được bài thơ.
Riêng mình em với con đường
xa thì còn thẳm gần vương bóng chiều
bước hương bước sắc xiêu xiêu
tim yêu mang nặng những điều máu xương
nơi đâu mà gửi yêu thương
nơi đâu cột tóc tựa nương kiếp người
ngọc ngà hương sắc bời bời
sắc hương em ngỏ ai lời trần gian
mắt say bỏ lại bên ngàn
bàn tay riết níu cầu van con đường
giá như đừng thắm sắc hương
giá như chẳng biết yêu thương là gì
mai rồi mai nữa... em đi
xa thì còn thẳm gần thì chìm sâu!
Viết xong tự dưng nước mắt cứ chảy ra. Cậu bạn thân đọc thì bảo: "Được! Nhưng sái lắm. Ai hoài lắm. Cứ như đứng trước sự sụp đổ của cả một triều đai!"
Nhan sắc cũng là một thứ đấng bậc. Đấng bậc mất ngai dễ gì xót xa hơn nhan sắc bị cưỡng trinh. Nghĩ thầm vậy nhưng không dám nói ra với bạn, sợ cậu ta lại bảo tôi kiêu và tục. Hình như hương mĩ nữ với mùi ngôi vị ngày càng nhiều ân oán giang hồ. May nó là nghiêng về cảnh tương thân hơn tương đố. Nhưng cứ khi nào mĩ nữ với ngôi vị tương thân thái quá là i rằng thời ấy sẽ sinh ra loạn. Nhà Sử học họ Lê lừng danh vẫn thường xuất hiện trong các cuộc thi của sinh viên, học sinh từng nói rất chí lý: "Nhìn vào mối quan hệ gái đẹp với quan gia thời nay thì thấy một nền thái bình thịnh trị!" Vạn tuế mĩ nữ! Vạn tuế quan gia!
Nghĩ ngợi một hồi thì nước mắt khô, lòng dạ cũng nguôi ngoai. Cất bài thơ Phận hương sắc vào cặp, đóng chặt cửa, cởi bỏ hết quần áo khỏa thân trên giường tự mân mê hai bầu vú to mõng, lòng tự hỏi chẳng biết bao giờ nó có chủ. Có vẻ một đôi tay vừa biết nâng niu vừa dám tàn bạo dày vò thì thích hợp với nó hơn. Trong trạng thái tâm thần, cảm xúc này có thể sáng mai tôi lại sáng tác xong một bài lục bát nữa. ừ, cảnh sống này rất bổ cho thơ ca... Trằn trọc lâu thì lăn ra ngủ...
***
2- Bích Câu Quán Với Nhị Vị Đệ Nhất Văn Chương
Xuân Hương sai người gái giúp việc vào Bích Câu trước đưa cho quan Cần chánh đại học sĩ tờ thư, trong có bài thơ:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
mượn ai tới đấy gửi cho cùng
chữ tình chốc đã ba năm vẹn
giấc mộng rồi ra nửa khắc không
xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
phấn son càng tủi phận long đong
biết còn mảy chút tình đeo mái
lầu nguyệt năm cânh chiếc bóng trong.
Tố Như xem đi xem lại lòng ngài cảm phục và thêm thương thay cho phận nhi nữ tài sắc tương đố. Vừa lúc ấy Xuân Hương bước vào thì bảo:
- Đừng xót thay cho thiếp làm gì. Thiếp viết vậy là do đạo vậy, phép thơ vậy. Nói được ra lòng đã nguôi bốn phần rồi.
Tố Như bảo:
- Ta ngày trước làm được khúc thơ này lòng sầu mộng vì nàng cũng thấy vơi được bốn đoạn nhưng từ bấy đến nay, sáu nỗi đoạn trường trong lòng vẫn còn nguyên đó, chẳng vơi thêm được đoạn nào, nàng ạ. Nói thế rồi thủ thỉ thù thì Nguyễn đọc:
Xắn gọn quần cánh bướm
chèo thuyền con hái sen
nước hồ đầy lai láng
dưới nước có bóng người;
Tây Hồ hái hái sen
hoa gương bỏ lên thuyền
hoa tặng người mình sợ
gương tặng người mình quen;
sáng nay đi hái sen
hẹn cô kia đi với
không biết có đến không?
Sau khóm hoa nghe tiếng cười nói:
hoa sen ai cũng ưa
cuống sen chẳng ai thích
trong cuống có tơ mành
vấn vương không thể đứt;
lá sen màu xanh xanh
hoa sen dáng xinh xinh
hái sen chớ đụng ngõ
năm sau hoa chẳng sinh.
Nghe xong dăm khúc thơ ấy Xuân Hương vén tà áo lau nước mắt. Nàng sơ ý để lộ ra bên lườn trắng nõn. Tố Như nhìn phải mắt hoa lên, đành nuốt nước miếng mà nhìn đi chỗ khác. Tưởng sẽ sút sà sụt sịt lâu hay đâu haia con mắt thoấng cái đã sấng trong tinh nghịch, Xuân Hương nói:
- Thơ chàng, thiếp thích nhất khúc Thương Ngô trúc chi ca, có câu: Hãy xem trước gió lay phơ phất - Chính lúc quay cuồng đẹp biết bao... Nghe tình tứ, can tràng hảo hán lắm. Còn lại đa số thơ chàng khô não héo tâm quá. Đọc thấy tồi tội thế nào...
Tố Như bảo:
- Đời xui ngọn bút thơ ta vậy, đành vậy! Ta cũng muốn được như Lý Bạch tiên sinh, múa gươm thưởng nguyệt mà phóng tay gieo chữ.
Xuân Hương che quạt cười. Chuyện với Nguyễn nàng thường rất hoạt ngôn, thỏa thích tung tẩy không phải kiêng khem nho nhã gì cho lắm.
- Bên kỳ nữ tài sắc này, chiều nịnh thì chàng mượn chí tiêu du tiêu sái của Lý mà nói vậy. Thực ra thâm căn cố đế chàng giống Đỗ y tạc. Gương chữ nào cũng thấy chau mày ủ mặt. Thân chữ thì đói, tâm chữ thì sầu. Đọc chàng thiếp ngẫm chữ thơ nào khép nép cúi mặt thì dù có là chữ thần vẫn không thấy thích bằng gặp chữ, dù có kém thần một phân nhưng nó mang vẻ tiêu dao, lộng lẫy. ấy là những chữ ngửa mặt giữa trăng xanh.
Tố Như ngẫm nghĩ chừng khoảng dăm bước chân thì bảo:
- Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên - Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên... là chữ ngửa mặt chăng?
Lại đáp:
- Không phải. Vì nó ngửa mặt trong cách nhìn sầu phẫn. Thế chữ ấy như chim đòi thoát lồng mà không thoát được. Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Một mình dám nhận cơn gió lạnh trên con đường nhân sinh ngàn năm. Đó mới là thứ chữ ngửa mặt kiêu hãnh. Lại như chữ, Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo... và trượng phu đại lượng, Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường... Mới thực là khoái hoạt lạ thường. Nét hồn chàng trong cách phơi phới ấy thật thích. Chàng đã che bớt vẻ mặt đàn ông ích kỷ, chấp nệ rồi tắm gội chiêu tuyết vết thương cho thân xác đàn bà. Chữ thế mới là chữ! Trong những đêm vắng cô quạnh mà ngâm to câu chữ trinh kia cũng có ba bảy đường, chân tay thiếp nó cứ bổn chà bổn chổn. Chàng biết không, câu, Một trái trăng thu chín mõm mòm... là thiếp viết trong trạng thái chân tay ấy đấy.
Tố Như khoát tay ra hiệu:
- Thôi. Ta hiểu tinh khí của nàng. Đừng trêu ta nữa...
- Biết còn mảy chút tình đeo mái... thử hỏi có mặt đàn ông nào khiến thiếp phải hạ thân thế không? Thiếp mà trêu ghẹo chàng ư ?
- Giờ này mới nói thế, ích gì! Cái thuở Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm - Một lạch đào nguyên suối chửa thông... của tuổi tình nàng thì ta ở đâu trong con mắt kiêu sa đáo để kia? Thôi. Thôi. Nàng chỉ khéo bỡn người.
Xuân Hương nghe vậy thì ăn năn lắm.
- Chỉ tại tính chàng nhút nhát. Ai bảo ngày xanh ấy chàng cứ tự ti đi lẫn vào đám nho sinh mặt trắng lưng dài, ngọn bút vo ve như ong vò vẽ trên trang giấy. Thiếp biết đâu được...
- Kìa. Kìa... nàng lấy đâu ra gương mặt Tiểu Thanh thế. Nó không hợp với nàng đâu.
- Phải thế nào mới hợp với thiếp? Cứ vỗ lỗng lỗng lên, cấm được nói sự thềm vuốt ve e ấp chứ gì?
- Người ta bảo thơ nàng vừa bạo vừa... dâm. Mà có người nói thế lại cứ nhìn vào ta như thể ta là đồng phạm.
- Phỉ phui vào những miệng lưỡi đàn ông ấy. Mắt họ luôn dính vào bên trong mọi yếm váy, lời nói thì mọc lẫn giữa vông với trốc lại cứ còn ra vẻ ta đây túc Nho thanh quý. Trái tim bọn đàn ông đó có hay không? Nếu có thì nó đặt vào đâu?
- Nàng nói câu nào cũng nửa thủy nạn nửa hỏa tai. Khiếp! Trái tim của bọn đàn ông không đặt nơi trâng thơ cũng đặt nơi quốc tính. Toàn chỗ "siêu" cả....
Xuân Hương nghe vậy thì bỏ đi. Đi được sáu bước chợt quay lui lại bước rưỡi rồi nói:
- Trái tim trước khi đặt vào quốc tính, nó cần đặt vào đâu trước? Đặt nơi khô máu! Dân tình đâu đâu cũng thấy người đói khổ, oan khiên. Và trước khi đặt vào trang thơ, trái tim cần đặt vào đâu? Vào tình yêu - mà nền tảng của yêu là dục. Thấy gái đẹp chàng có thích không? Thích sắc nhưng lại cứ ra rả rằng, quý nết trọng tài. Phét lác! Thích thì tưởng tượng đến chỗ này chỗ nọ của người ta, tưởng ra cái "chuyện ấy", thế rồi sung sướng, thế rồi mê đắm, thế rồi mới yêu. Thiếp hỏi thầm thì thôi nhé, các ông vua, chúa mà bon kẻ sĩ các chàng thờ phụng cho đến chết kia, các ngài dấu yêu một cái gì?... (nói rồi cười khúc khích nhưng trông không thấy lẳng) Vua có lấy gái xấu làm phi tần chỉ vì chữ nết chữ tài không? Chúa có bỏ gái đẹp chỉ vì kém tài kém nết không? Thiếp biết tỏng tòng tong. Thế mà chàng còn hạ bút yêu vì nết trọng vì tài. Nói yêu vì sắc trọng vì nết, thì còn nghe được. Còn cái tài của bọn đàn bà thường là cái hại của họ. Chàng viết, Chữ tài chữ sắc khéo là ghét nhau... thì thiếp phục lắm. Hai chữ ấy đúng là không nên có trong một người đàn bà. Nói rồi gấp quạt đánh soạt một cái, lộ ra nụ cười tươi roi rói...
Tố Như cũng cười nhưng đầu thì cứ lắc quầy quậy:
- Biết thế. Vẫn biết là thế! Nhưng đã là thơ thì cũng cần phải nhã, phải ý nhị sâu kín chứ.
Bước trở lại bước rưỡi nữa, cách Tố Như còn chừng hai bước, Xuân Hương đáp:
- Chàng tưởng thơ chàng nhã hơn thơ thiếp chắc. Để thiếp thử hỏi cái con ong đã tỏ đường đi lối về trong chữ thơ chàng xem nó nói sao? Sợ rằng nó không dấu cho chàng những nẻo đường khuya một mình khuất tất thôi. Vả nữa, bọn đàn ông các chàng nói yêu theo cách Trình, cách Khổng. Thiếp nói yêu theo kiểu dân gian. Điểm xuất phát khác nhau, tất khuôn thức cũng khác nhau.
- Khác không quan trọng. Hay mới đáng bàn.
- Cái hay mà xa lạ với con người, bất quá cũng mới tới ba phần chín giá trị.
Tố Như nghe rõ Xuân Hương nhấn nhá chữ "ba" chữ "chín" thì nghĩ nàng ta có ý gợi tới thành ngữ "ba vạn chín nghìn" thật là quá quắt. Với ta, bậc thi bá mà nàng còn ăn nói lếu láo lại thì còn ai đáng kể nữa. Đẹp có đẹp, tài có tài, nhưng đàn ông nào mà dám lấy nàng làm vợ phải là hạng gan to một đấu... Sực Nguyễn nhận thêm ra cái nụ cười ẩn ở mé đuôi mắt trái của Xuân Hương. Nghĩ không đáp lời hẳn nàng bảo mình bí, bèn nói:
- Cái gì gần với tâm hồn siêu thoát, cao khoát mà chẳng xa với thân xác nhục cảm, hả nàng?
Với nụ cười ẩn sang cả đuôi mắt phải, Xuân Hương nói:
- Cái gì thoát xác đều là cái chết. Còn thế nào là siêu cảm, là nhục cảm phải bàn lâu dài và cũng còn tùy vào nhãn lực trong hay đục, hữu hay vô, lành hay rách nát...
- Mồm năm miệng mười, chém đinh chặt sắt... Ai cãi nhau với nàng được. Từ nãy đến giờ nàng nhìn ta bằng hai đuôi con mắt rồi còn gì. Ta chỉ nói một câu nữa thôi...
Chưa biết Tố Như định nói "một câu nữa thôi" là câu gì, thì Xuân Hương đã nhanh nhảu:
- Thiếp biết. Nếu thiếp nói một câu cho chuyện gì, thì cũng chuyện ấy chàng thường nói đến câu sáu câu bảy. Có mỗi cái việc cô Kiều lấy ai bỏ ai, cho ai sướng thật cho ai sướng vờ mà chàng nói đến ba ngàn hai trăm năm mươi tư câu. Khiếp! Thiếp rửa tai đây, chàng cứ đúng một câu bảy mà nói.
Tố Như quen nghe Xuân Hương cãi chuyện nhiều rồi nên tỏ vẻ chẳng chấp.
- Nước Nam này trước không có ai như nàng, sau cũng không có ai sáng tác ra thứ thơ thẩn sực mùi chăn gối như thế nữa.
Xuân Hương cười rũ. Không hiểu sao cứ khinh khích mãi. Tố Như thầm kiểm lại lời mình xem có gì hớ không.Kiểm đủ hai mươi bảy chữ với một dấu phẩy mà chưa tìm ra nguyên nhân của tiếng cười ấy.
- Chàng ơi! Lời thế mà tự thị là "siêu cảm"ư ? Chàng sao có thể siêu với tiên được trong cách mũ ni che tai, mịt mùng ý nhị con nhà. Hai trăm lẻ năm năm nữa lối kiếu cổ phong bằng trắc sẽ bị thứ thơ gọi là thơ mới phá bỏ. Thứ thơ này nó được sinh ra từ thi điệu - hoóc môn - cái Tôi bản ngã. Lại sau đó bảy mươi năm nữa bản ngã - hoóc môn - thi liệu còn thăng hoa phát triển hơn nhiều. Vào thời đại thơ ca ấy, lối chữ nghĩa của thiếp sẽ được tôn làm Bà Chúa. Và nó sẽ được hát lên bằng nhiều thứ tiếng. Bất kể thứ tiếng nào được nuôi trong hồn thơ thiếp đều sẽ vạm vỡ, phồn thực hơn. Chàng cứ ngẫm hai trăm lẻ năm năm nữa thì sẽ rõ...
Tố Như bật cười. Và với vẻ không kém phần tự đắc bảo:
- Trong ta có cái ngàn năm, nói gì hai trăm lẻ năm năm ấy. Được, ta sẽ chứng nghiệm xem mớ hoóc môn thi liệu của nàng đạt được ba hay chín phần nhé.
- Được! Và thiếp cũng cần đặt thêm một câu trước điểm hai trăm lẻ năm năm ấy.
- Nàng chỉ cần nói không phẩy bảy phần câu cũng đủ.
- Thiếp biết ơn lắm lắm! Quả phi chàng không ai hiểu thiếp... Cũng điệu đà khen nịnh câu như vậy rồi Xuân Hương mới tiếp. ở năm tháng đó sẽ có một thuật ngữ mới lý luận cho thơ là Thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại. Vẫn là thứ khái niệm nô dịch của thời gian. Văn chương đạt đến kiệt tác là đật đến phi thời gian, đạt đến chỗ thời gian tuyệt vết. Và ở điểm ấy, kiệt tác đó vẫn mới. Nhưng thôi, ta cứ tạm dùng đôi khái niệm ấy mà nói. Trước thời gian - nghệ thuật có tác phẩm hiện đại với ngàn năm, có tác phẩm bất quá lắm hiện đại được ngàn... ngày. Điểm cực khác giữa thiếp với bọn hậu duệ hiện đại là ở chỗ ấy... quá không phẩy bảy phần câu rồi, thiếp không dám già lời nữa...
Lời vậy và đồng điệu là đôi cấnh mũi phồng to. Bao giờ Xuân Hương cũng dám tự hào một cách đích đáng. Với cách tự hào, cách xác định vị trí ấy mãi hơn trăm năm sau ở nước Đan Mạch xa xôi ông Andetsen mới phụ họa câu rằng: Người nào vật nào chỗ ấy.
Sự cảm nhanạ về nhân tình và lối thể hiện của tâm cách Tố Như thì có khác. Ngài nói trong chất chứa sâu lắng:
- Hiền nhân tìm mình trong đồng loại, dưới gót giày đồng loại. Tục nhân muốn thể hiện mình trên đồng loại, vượt ra ngoài đồng loại. Thế nên đời mới lắm tục ít nhân; lắm hư ít thực; lắm tà ít chính. Thế nên hai trăm lẻ năm năm sau, những hậu duệ hiện đậi của chúng ta có khi lại bảo nàng là xẩm, ta là cải lương, học đòi. Cái thể tính của tâm hồn người vốn động. Vậy mới cần phải dưỡng thần, tĩnh trí để an thân. Tính động tất dẫn đến vong thân vọng ngoại. Nỗi bạc bẽo, khinh đời có là do đấy. Mà thôi, không bạc bẽo đã không phải đời thế tục. Ta đợi nàng ở chỗ ngàn năm chứ chỗ hẹn hai trăm lẻ năm năm ấy, có lẽ ta chưa ngủ đẫy giấc.. Bỏ lời lại đây, chỗ Bích Câu kỳ ngộ này, nàng nhé...
Nói xong thoắt cái tố Như đã bỏ đi như gió cuốn. Xuân Hương chạy theo, mấy chục từ vừa phóng ra còn cầm ở trên tay chưa trao cho Nguyễn được, chúng cứ nhảy loạn xì ngậu hết lòng tay phải sang lòng tay trái. Thấy mặt da buồn buồn nhôn nhốt, tức khí Xuân Hương bèn ném theobóng Nguyễn. Chẳng biết mấy chục từ ấy có từ nào rơi vào túi Nguyễn không? Rất có thể mấy chục từ dành hẹn cho điểm hai trăm lẻ năm năm sau đó đã rơi sang tận bên kia Tây bán cầu với hành trình quả đúng như Xuân Hương tiên cảm chăng?
Và như ngày nay bọn văn nghệ Thái Bình đã thấy.
***
3- Nhà Văn Viết Truyện Tình
Con người ta cầm bút viết văn làm thơ thảy đều không do buồn đời cũng do yêu đời. Với tôi phạm trù "yêu" có lẽ mới ở trạng tính ban đầu là sự thích thú, khoái cảm. Còn cái sự "buồn đời" thì không. Tịnh không! Cứ như ngay từ thuở nhỏ ngành Y tế đã tiêm vắc xin chống buồn vào tôi.
Một thằng bạn chuyên buôn gỗ lậu, gọi là Lâm Tặc bảo: "Đi buôn gỗ lậu với tớ. Cậu mà cằng cằng bóp cò đánh trả kiểm lâm thì phải biết. Bản tính cậu, nhất là hợp nghề buôn gỗ lậu. Nhị hợp nghề viết văn. Viết văn chứ chớ có làm thơ. Xưa nay văn chương chỉ nhằm lí giải về nỗi buồn vui nhân thế. Chưa có thứ văn không buồn không vui bao giờ. Cậu đi vào lĩnh vực này có khi lại tạo được dòng văn rất riêng biệt cũng nên..." Lâm Tặc nói chơi chơi trong bữa rượu mà ngẫm ra thấm thía. Thế mới biết dân mình kinh thật. Người như hắn mà ngày nào đó viết ra đống ca daoa tục ngữ rồi ký tên Dân Gian, dư sức thành lịch sử.
Tôi - Nhà văn được khai tâm từ đấy.
Không đi theo hướng "cằng. Cằng" tên đạn không phải vì tôi không khoái ngửi mùi chiến trận. Phim Tầu bảo đánh trận là đánh lấy thiên hạ. Ông Nguyễn Huy Thiệp viết truyện Sang sông để ca ngợi hành động viên tướng cướp như thứ công trạng cứu nguy cho thế hệ trẻ... Tôi cũng khoái được đánh lấy thiên hạ nhưng dấn thân theo con đường đó hơi mạo hiểm. Viết văn bất quá lắm cũng là việc mạo tâm chứ không mạo thân. Gì thì gì sinh mạng vẫn là thứ cần được bảo toàn nhất. Thế là tôi theo nghề viết văn. Để vỗ mặt thằng Lâm Tặc, lần đầu cầm bút tôi làm ngay một bài thơ. Bài thơ nói về nỗi buồn hẳn hoi.
Tươi cái mất héo cái còn
tôi đem muối những nỗi buồn làm dưa
tưởng rằng vừa tới độ chua
lại ra vị đắng, ai ngờ vì đâu
một đời mặn nhạt cho nhau
xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh
gỡ xong ngày tháng vô tình
lòng ai chừng đã nổi thành váng chua
hoa vàng nở giữa chiều mưa
gió đưa cây cải ngày xưa về trời
thương thầm từng cọng rau tươi
rưng rưng cái mất chơi vơi cái còn...
Đem đọc cho Lâm Tặc nghe hắn chẳng bình luận gì. Tôi thì lấy sự điềm nhiên pha nét cười nửa mép làm bình luận. Nửa ngày sau Lâm Tặc đến nhà bảo mỗi tiếng gọn lỏn:
- Được!
Tôi cười khẩy vặn:
- Được, là được thế nào chứ?
Hắn lạnh lẽo bình:
- Thơ về rau dưa mà thấm đẫm nỗi tình phụ rẫy. Viết về tình yêu mà vẫn ngửi rõ vị dưa có chua có đắng. Được! Nhưng cậu chớ có thừa thắng xốc tới đấy. Bản tính cậu mà làm thơ thì có ngày cưỡng chữ mất.
Hắn nói đểu nhưng đúng. ở đời này hắn là người hiểu tôi chẳng kém gì mẹ già tôi. Trước kẻ đọc được bản tính mình như vậy tốt hơn nên lắng nghe ý kiến. Tôi hỏi:
- Theo mày đi vào đường văn chương, tao còn thiếu gì?
- Thiếu cảm xúc mạnh. Tất nhiên không phải thứ cảm xúc di dưỡng cho cái tình buồn vui, mà là thứ cảm xúc gia cố cho niềm khoái thích thân thể. Hắn dừng lời, mắt hay háy nhìn đầy ẩn ý rồi mới tiếp, cậu không thuộc tuýp người nghe được lời khuyên thì phải?
Tôi bảo:
- Lúc mày đểu nhất cũng là lúc mày đúng nhất. Cứ nói...
Hắn cười:
- Cậu là một loài tu hú - người. Đã là anh tu hú càng qua nhiều cái tổ càng oanh liệt. Vì thé, nghệ thuật chim gái cao cường bao nhiêu thì văn cậu thành tới đó. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! Cậu cứ phải "bẩn" mới viết tốt được. Tớ không quá vì cậu mà thất lễ với câu thơ cách mạng ấy đâu.
Nhân danh ông Nguyễn Đình Thi, hôm ấy tôi đã đấm lệch quai hàm thằng Lâm Tặc. Tưởng lời hắn tan nhanh theo quả đấm. Hay đâu như một thứ sấm trạng, mệnh văn tôi càng về sau càng thấy hắn đoán đúng.
***
Lâm Tặc đột ngột bị lâm nạn. Đồng bọn hắn hạ hắn bằng một cú đánh lén hèn hạ. Mẹ già tôi cứ nghi ngút mừng là tôi không đi theo nghề buôn gỗ lậu. Tôi nhận được tin Lâm Tặc mất vào lúc ngoài trời nắng rất gắt. Một con chiom trong bóng râm trước cửa phòng hót "vít... choèo..." hai tiếng to và một tiếng mỏng. Hai tiếng to thì cứ thi nhau gõ tin tít vào cửa kính, còn tiếng mỏng thì lẻn vào nhảy nhót trên tóc tôi, khiến cho mớ tóc của tôi thêm rối. Trong phòng cô bồ ruột làm ở đoàn ca múa đã vô tình đong đẩy vào đúng nỗi nhớ về Lâm Tặc.
- Anh viết được bao nhiêu cái truyện rồi?
Lần đầu mất cảnh giác chính trị, tôi thật thà:
- Dài ngắn cả thảy được hai chín cái.
ả gườm gườm nguýt. ả hay giả bộ ghen cho tôi sướng. Tôi hay giả bộ sướng cho ả thích. Cả hai đứa đều đi guốc vào từng kẽ chữ của nhau và cả hai đều thích giả bộ với nhau. Cảnh già nhân ngãi non vợ chồng ít nhiều kích thích được sáng tạo văn chương cũng là bởi trò chơi thư giãn đó. Tình trường là một cuộc chơi văn trường nhiều.
- Hãi nhỉ! Thế là hai mươi chín con đàn bà đã qua tay anh...
Tôi giật mình. Thầm nhẩm từ cô hàng xóm hồi còn ở quê đi te đêm vớ được, đến cô hàng nước mắm Vạn Vân hồi ở quân ngũ... tới nay quả đúng con số hai chín. ả ca múa càng làm tôi nhớ Lâm Tặc da diết... Thằng ấy và ả này không hiẻu sao chẩn bệnh văn chương thánh thật. Lộ tâm là điều tôi kỵ nhất. Tôi trút giận bằng cách phủ trọng lượng thân thể lên ả mà dày vò. Xong việc miệng đắng ngắt, gân cốt rã rời. ả thầm thì, cứ vật tình với anh là em không còn múa may gì được nữa. Với tôi sau những trận tình ấy chẳng đem lại lợi ích gì cho văn chương. Sáng tạo vốn không ưa cảm xúc cũ càng mà. Thiên hạ thì càng ngày càng khan gái. Nghe đâu ở Trung Quốc có gia đình mấy anh em chung nhau một vợ. Trách gì các Nhà văn bên ấy độ này cũng hiếm có tác phẩm hay.
Văn chương khan chất kích thích cho sáng tạo, gác bút, mài kiếm tôi làm quan - quan văn nghệ. ấn tín còn nằm đâu đó trong chiếc tủ lim ở phòng bà Phó Chủ tịch tỉnh. (nước ta có mốt tổ chức, ghế Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã tỉnh thường là nữ). Chiếc tủ được đặt sau ghế làm việc của bà Phó. Một lần vào phòng bà, do điều hòa hỏng, trời hạ phải sử dụng cây quạt hiệu Hi Ta Chi. Cái quạt thổ tả khí gió của thằng Nhật cứ ào ào thốc tháo quạt tốc một bên váy lộ ra cái đùi trắng hếu. Tôi đánh mắt vào cái đùi ấy dăm bận thì thấy chiếc chìa khóa tủ bà ta giắt ở cạp váy. Khốn nạn, mặc váy đầm mà chìa khóa vẫn giắt cạp y như cách giữ của của con mẹ nhà quê. ấn tín cho chức quan văn nghệ một mai hiện ra từ đấy đấy. Và những lần vác mặt sang xin tiền nong cho công tác Hội, cũng từ cái cạp váy ấy mở ra tiền.
Một điểm không vui nữa là từ mẹ già tôi. Nghe tôi sẽ ra làm quan văn nghệ, mẹ già bảo:
- Làm quan văn nghệ cũng như anh hề chèo. Chỉ được cái xôm trò, chứ chẳng ích gì cho ai.
Nói rồi mẹ già cầm ngang cây gậy ra giữa nhà múa hát tích hề Hoạn than thở trước khi bị quan Thái sư Lê Văn Thịnh chôn sống. Tích chèo ấy của ông Tào Mạt chế ra. Xem mẹ già ra trò, trong tôi có gì đó cũng rờn rợn múa may linh loạn. Trên sân khấu văn nghệ con người ta cũng có buổi chôn sống nhau thế à! Mẹ già múa hát xong lại nói:
- Biết số con thế nào cũng làm quan.
Tôi hỏi:
- Sao mẹ biết?
Thì bảo:
- Phải đánh trận mới có được thiên hạ. Dù là cái thiên hạ trong lũ người bé tí. Số con nó vậy.
Tôi bảo:
- Chưa làm quan chính thức, mà đã phải cằng cằng rồi.
Mẹ già cười rồi định:
- Con sẽ thắng. Không phải do con tài hơn, hay có cơ mưu hơn. Là do con có bản lĩnh để đánh trận.
Tôi thấy mẹ già nói như xẩm mà có thần ý. Nên hỏi thêm:
- Sao cõi văn chưpơng chứa đầy Chân Thiện Mỹ mà vẫn không dứt mùi súng trận?
- Vì bốn chữ được - mất, sướng - khổ mà ra. Danh lợi là ngọn lửa dữ. Con người ta cũng là một thứ thiêu thân, thấy lửa thì bảo rằng sáng rằng ấm thế là lao vào. úm ba la, cháy thui sạch!
Tôi lại hỏi:
- Có cách nào tránh được không?
Mẹ cười. Sắc cười đượm màu cổ tích, bảo:
- Mặt trời xuống núi, con chúi vú mẹ. Thuở ấu nhi con người ta thần tiên trong mùi sữa mẹ. Thơ chỉ thật hay khi con chữ có mùi sữa mẹ! Lớn lên hết mùi sữa, mất cái bóng thần tiên trăm người thì có đến bảy nhăm đứa hóa quỷ, hai mốt đứa hóa ký sinh sống kiếp èo uột, ba bốn đứa thì thành nhân, chỉ thích học, không thích làm quan. Duy còn một đứa, làm quan thì lập đức lập công, viết thơ thì lập ngôn được. Nhưng đứa ấy, không phải con.
Mỗi lời mẹ già như một ngọn lửa. Tôi thấy tâm can nóng rẫy.
- Con sẽ là đứa - người trong số ba bốn kia. Thích làm quan và thích học tập tu dưỡng để làm văn chương. Và sẽ cố để vươn tới hạng lập ngôn.
Mẹ già nghe thế chỉ cười cười. Vẫn cái cười cổ tích ấy mà không nói gì nữa.
Tưởng cái vai hề hoạn - theo cách nói của mẹ già - ít ai muốn tranh giành. Thế mà có những ba bốn đưâ muốn. Bày binh bố trận mệt thì gục xuống bàn ngủ thiếp. Đêm ấy trong mơ gặp được mấy câu thơ, tôi choàng tỉnh dâỵ ghi lại ngay. Ngày sau đem đọc cho tay Nhà thơ nghe. Hắn bảo, không ra câu mở đầu, gần ý kết bài thì đúng. Làm thơ mà chưa viết câu đầu đã lòi ra câu kết là sái lắm. Chắc hắn nói dọa chứ thơ nào cũng đem ra bói như bói Kiều được đâu. Mấy câu thơ đó thế này:
Em thần nhan sắc trời sai giáng trần
đừng hà tiện nét thanh xuân
em chia cái đẹp nhớ phần cho tôi
chia dư đẹp vẫn không vơi
chia không hết đẹp ông trời lấy đi...
Ngẫm kỹ thấy đúng không phải câu kết thì cũng còn lưng lửng. Làm thơ thế mà khó. Ngày còn hên tình tôi cũng chả làm thơ được nữa là bây giờ... Tôi rất khan tình. Thế rồi hiện ra bảng lảng giữa mấy dòng lục bát một bóng hồng. Đúng rồi, trong cơn mơ ngày lâu nay tôi thường mơ thấy nàng. Đúng rồi, nàng chính là thần cứu rỗi tình tôi. Bèn chép thật đẹp năm câu lục bát vào tờ giấy lụa và cẩn thận cho vào cặp, thẳng hướng bờ sông chỗ có mấy cây phượng còi với hàng liễu thắm, tôi cun cút chạy.
Nàng ở quán. Được biết nàng lại vừa thất nghiệp. Nhà Triển lãm tỉnh bày năm cái trống đồng thời Đông Sơn, tôi gõ thử trống chỉ kêu kình kịch. Lúc gặp nàng dễ trong tôi cũng có năm cái trống đồng Đông Sơn gõ lại kêu tùng tùng, cắc cắc liên hồi. Cái nét lòng ấy ngày xửa ngày xưa, thuở mời bảy lúc gác te vật cô hàng xóm ra bờ cỏ bên sông mới có. Hồn thơ và gái đẹp quả có sức cải lão hoàn đồng.
Chuyện một lúc hiểu được hoàn cảnh nàng, tôi bảo:
- Hay đến báo Hội làm việc, em!
Vừa trải cú hồi tưởng về cô hàng xóm mặt tôi chắc còn toát lên vẻ quê quê lành lành. Nàng trông tôi như ánh nhìn cân đong được. Sắc mặt tôi không rõ nặng nhẹ thế nào trong ánh nhìn nàng. Tự lấy làm giận thân quá. Tôi có những chín vẻ mặt khác nhau, chỉ kém phép ảo diện của vua hề Saclơ thế mà lúc này tôi lại chưng ra vẻ mặt quê một cục ấy.
Làm biến đổi được sắc mặt tôi vốn chỉ có hai thế lực. Là thần nhan sắc và thần Lưu Linh. Nhan sắc là một thế lực! Rượu là một thế lực! Chất lượng văn của tôi cái nào khơ khớ một tí đều do có hai vị thần đó ban ân huệ. Nàng ơi! đận này ta đang bí lắm. Giấy khô bút cạn. Chúng rất cần được tắm rửa một phen cho mát mẻ. Tôi lặng lẽ uống từng ngụm rượu nhỏ và nghĩ ngợi. Chớ rửa lông mày chết cá ao anh chữ "rửa" - rửa nhan sắc của ca dao dùng thánh thật. Vạn tuế ca dao! Vạn tuế cả linh hồn thằng Lâm Tặc. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! Đúng là tôi cứ phải "rũ bùn" mới đứng dậy trên trang văn được. Câu thơ cứ như thể thơ thẻ bản mệnh xin ở đền Đức thánh Trần vậy.
Vừa lúc ấy không hơn không kém, không hư cấu đặt điều, cắt đứt ý nghĩ của tôi là một con chim bay soẹt qua cửa quán làm rơi chiếc lá liễu. Tôi nhặt được chiếc lá với mấy tiếng chim. Âm thanh của loại chim này cứ cù từ lòng tay lên lách rồi xuống đùi gây ra cảm giác tê tê buồn buồn. Chưa luận ra thứ âm thanh nhậy cảm đặc biệt với cơ thể tôi là của loài chim nào, thì nàng nói:
- Em rất nể loài chim đó.
Tôi cố nhìn vút theo bóng con chim, hỏi:
- Loài chim nào mà có diễm phúc vậy?
- Loài tu hú, anh ạ. Tu hú đích danh là giống ký sinh vĩ đại. Chỉ có chữ Hán mới sánh nổi. Chữ Hán cũng là loại ký sinh văn hóa. Nhờ những cái "tổ" nhà Bách Việt, nhà Nguyên Mông, nhà Thanh... tích hợp, cộng hưởng để đẻ ra thứ con văn hóa Trung Hoa bụ bẫm, cương mãnh.
Không rõ nàng nói thật hay nói đểu. Dù đểu thì luận vậy cũng là một cái đểu không chê vào đâu được. Nó sẽ không làm các nhà sùng Hán học của nước ta phật ý.
- Đêm nay anh sẽ làm bài thơ Tu hú vĩ đại dành riêng tặng em.
Nàng bảo:
- Nếu có một bài thơ viết sâu sắc về chim tu hú, hẳn đó sẽ là một kiệt tác.
Tôi nghĩ ngợi mường tượng nếu cái "tổ" nhan sắc kia ma viết thơ về tu hú, chắc có điều đáng đọc. Bèn bảo:
- Em cũng viết thơ về chim tu hú đi.
Nàng bảo:
- Không! Em không còn nghĩ đến trời nữa, giờ em chỉ thích nghĩ về đất thôi. Em sẽ viết lục bát về cỏ. Thơ lục bát ở xứ mình xem ra vẫn được dân thích lắm. Cỏ dân ta cũng thích. Vì đời sống của cỏ rất gần với đất.
- Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm... Ông Giang Nam hiển ngôn vậy. yêu chim yêu bướm thì không yêu, lại đi yêu cỏ là nghĩa làm sao?
- Cỏ non xanh tận chân trời. Sóng cỏ xanh tươi rợn tới trời. Chân cỏ chân trời xanh lấp nhau... những câu thơ rất có tính cách. Em đâng có một câu thơ về cỏ: Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi... ít tính cách một tý, nhưng từ cái chỗ "ngàn năm" ấy mà triển khai tư tưởng về nhân dân thì khá đắc cách.
- Câu khởi bài đấy à?
- Câu này nó cứ ở chỗ lưng lửng... thế mới chết. Em chưa biết bắt lời trên ý dưới cho nó thế nào...
Lạ lùng! Sao nó lại trùng kít khìn khịt với năm câu lục bát tôi vừa viết được thế. Năm câu thơ này cũng đang ở điểm lời lưng lửng.
- Trời xâm xẩm rồi... tôi nói và bỏ lửng ý dò tình nàng. nếu nàng có tâm trạng thì tôi sẽ mời đi ăn tối.
Nàng bảo:
- Vâng, trời xâm xẩm rồi... anh ngồi với mẹ em nhé. Em phải về phòng nghỉ lấy sức để đêm nay viết lục bát. Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi... Tám chữ như tám cái quái trong Đồ Hậu Thiên. Sáng hôm kia, à không phải hôm kìa em đi xem bói Dịch. Anh Nhà thơ hói í, bảo số em đang ở thời Khảm. "Tập Khảm trung hiểm dã", những còn hai lần hiểm trở. Hiểm trở về sự nghiệp là một, hiểm trở về tình yêu là hai. Lại bảo, đường tình đi về phía Đông Nam thì tuyệt địa. Có người ở vị Tốn - Tỵ, em mà dây vào hắn thì đứt cước luôn. Bợm thật! Em tin Dịch đoán đúng.
- Thánh nhân làm ra sách ấy. Thánh nhân thì có nói nhảm bao giờ, tin là phải.
Đầnh phải nói họa lời vậy cho nàng khỏi nghi mình. tôi thầm tính, lấy quán này làm vị Khảm, chết cha, chết cha! Đúng trụ sở Hội ở vào vị Tốn - Tỵ rồi. Đích thị là thằng hói ấy cũng đang bủa lưới xa, nó đề phòng tôi. Mẹ nó chứ, thế nào tôi cũng phản đòn cho nó hói hết tóc một thể.
Nàng nhã nhặn chào tôi rồi đem vẻ mặt u u uẩn uẩn ấy về với xứ sở lục bát của nàng. Tôi cũng cáo từ ra về. Thế nào đêm nay tôi cũng phải viết xong bài lục bát. Thơ Haiku ngàn bài ý tứ lưng lửng cả ngàn. Người Nhật hành ngôn chẳng Tây chẳng Đông. Dân tộc ta không ngã tâm thế, nền chính trị vào Tầu thì cũng phải ngã vào một thằng Tây mũi lõ nào đó. Lưng lửng chính trị là họa xâm lăng đến ngay. Bởi vậy mà cái thế lục bát cũng không thể lưng lửng được...
CÒN TIẾP
REF: NVA.TN090719-1.
© Tác Giả và Việt Văn Mới Giữ Bản Quyền.