TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh ngày 15/4/1959
. Quê quán: Thái Bình
. Tốt nghiệp: Học viện Biên phòng, Học viện Chính trị - Quân sự
. Hiện là Phó Tổng Biên Tập báo Biên Phòng.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Nước mắt thời con gái - tập truyện ngắn 2003.
. Tiếng gọi đời sau - tập truyện ngắn 2005.
. Những chiều cả gió - tập thơ 2007









tranh của họa sĩ Dương Tuấn Kiệt







KHÔN VÀ DẠI

B ước chân vào phòng họp. Giật mình. Hôm nay sao mà ai cũng đến sớm thế. Nhìn nhanh phòng họp, bấm bụng nghĩ. Quá bằng thuở trước xếp hàng nhận chỗ. Mắt ai cũng hướng về phía cuối, mặt mày tươi tỉnh. Bụng lại nghĩ. Chắc hôm nay có đơn vị nào họp báo họp bệ thông báo thành lập hay ra mắt cái gì đây nên có phong bao phong bì gọi là chút bồi dưỡng các cử toạ ngồi nghe uống chén nước.

Tôi cũng chả hiểu cái lệ ấy có từ bao giờ nhưng trong các cuộc họp như thế này, nếu có đơn vị hay một địa phương, cơ sở nào nhân cuộc họp như thế này thông báo hay công bố cái gì gì đấy thường có phong bì. Tất nhiên nó chẳng đáng gì, dăm ba chục, nơi nào sang cùng lắm một trăm. Còn xa mới tới quy định cấm. Thói đời, người ta mất công mất buổi ngồi nghe, mà đến đây họp chứ có phải để nghe cái việc của nhà anh đâu. Xếp công xếp việc lại để đi họp chứ chơi chắc. Thời gian là vàng. Đâu có đùa.

Sợ làm phiền mọi người, tôi len lén ngồi xuống chiếc ghế cuối. Chiếc ghế bên cạnh đã có cô bạn đồng nghiệp ngồi đang hí hoáy bấm máy nhắn tin cho ai đó. Tiếng chuông báo đã gửi tin nhắn kêu tin tít, tin tít như chú dế cồ gọi bạn tình trong mùa sinh sản. Ngồi xuống ghế chưa kịp lấy cuốn sổ ra thì tôi có cảm giác mọi ánh nhìn đều hướng về phía mình. Đưa mắt nhìn nhanh. Thôi chết. Đúng là mọi người đều đưa mắt nhìn về phía tôi thật. Lâu nay có bao giờ tôi đi họp muộn đâu. Nay phải ngày đầu tiên thực hiện đội mũ bảo hiểm nên công an và các lực lượng tăng cường. Phố xá vốn đông lại càng đông thêm. Đã thế, xe cộ mấy bữa nay cứ đến độ này, vào giờ cao điểm, chả biết từ đâu kéo về thành phố ầm ầm. Thế là lại phải phân luồng tạm thời. Cái xảy nó nảy cái ung. Chủ quan quen thói y óc, giờ nào việc nấy thành ra cháy thành vạ lây. Tuy không được như mọi khi đến sớm chọn chỗ ngồi tốt nhưng khi tôi vào chủ toạ đã khai mạc đâu. Bụng thầm trách: Có gì to tát ảnh hưởng đâu mà các vị nhìn tôi kỹ thế.

Để chống ngượng vì lỗi của mình, tôi đưa mắt nhìn quanh tìm bạn bè cầu cứu. Gọi là chết đuối vớ được cọc. Chẳng gì thì cũng tìm được chút chia sẻ khi có sự cố, có chỗ dựa tinh thần.

Đưa mắt sang phải. Mấy anh bạn nhìn nheo nheo mắt cười. Đuôi mắt ai nấy dài như đuôi công, đuôi con sóc lửa hay nhảy ở cành nhãn cạnh phòng họp. Vài người búng ngón tay choanh choách, vui đáo để.

Ngoái đầu sang trái. Người giơ ngón tay trỏ nhứ nhứ ra kiểu nhắc nhở, người đưa ngón cái giống như ký hiệu khẳng định đồng ý đồng lòng khi cùng chung sức làm một việc gì đó. Đôi ba người nhoẻn miệng cười, mắt hấp ha hấp háy. Cũng có một vài người phẩy phẩy tay ra chiều khó chịu.

Mấy vị ngồi hàng ghế phía trước, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn xuống giống kiểu nhắt nhỉ tý nữa họp xong gặp nhau có việc. Hướng mắt về phía chủ tọa. Các vị ngồi nghiêm ngắn, miệng ngậm, cằm thu, mắt nhìn thẳng. Chả khác gì những ngày đầu khi tôi vào quân ngũ tập đội ngũ đứng nghiêm. Thành phần họp đều là những người có tai có tiếng. Thấp nhất cũng là trưởng văn phòng đại diện, cao hơn một chút cũng là cấp phó, và còn nhiều nhiều người cao hơn nữa. Thế mà… Tôi cúi vội xuống giấu mặt sau lưng hàng ghế trước.

Biết là mọi người thông cảm với mình nhưng mà tôi thấy xấu hổ quá. Tác phong công nghiệp có khác. Mình là dân chăn trâu bắt ốc, quen thói lấy lưng trâu làm thước ngắm cuộc đời, đã cố gắng mà vẫn chưa làm sao khắc phục được. Không dám nhìn ngang nhìn dọc, bụng cứ nói thầm: Thôi tôi biết sai rồi. Hổ thẹn lắm rồi. Xấu hổ lắm rồi. Các vị nhân từ đừng nhìn tôi quá như thế đi.

Cả buổi họp tôi không dám nhìn ai thêm nữa, tự hứa lần sau, dứt khoát đến những ngày như thế này kiểu gì cũng phải ở nhà đi sớm hơn nửa tiếng. Nếu có tắc đường tắc chợ cũng không lo sợ đến muộn. Cô bạn đồng nghiệp ngồi ghế bên vẫn luôn tay chí choách bấm nhắn tin. Mái tóc của cô thả buông che như cái màn gió giữa mặt cô và tôi. Một vài ba sợi tóc của cô thi thoảng trêu ngươi bay phất hờ vào mặt. Khó chịu nhưng tôi tịnh không dám động cựa.

Tan họp, mọi người ào ra cửa. Biết lỗi, tôi ngồi nguyên ở ghế nhường cho mọi người ra chứ không dám tý toét như mọi lần le ve bắt tay bắt chân chèo kéo đi cà phê cà pháo.

Đi qua chỗ tôi, không ai là không cúi xuống bắt tay. Có vài anh bạn còn ghé sát tai nói nhỏ.

- Nay có phải đi mua thuốc tra mắt không đấy?

- Cổ hôm nay chắc vẹo hết rồi hả?

- Khôn vừa vừa thôi.

- Bố là trâu chậm uống nước trong đấy.

Ơ hay. Tôi không hiểu họ nói gì. Đầu óc hôm nay thế nào mà mụ mị thế.

Thấy tôi ngồi nghệt mặt như phỗng. Một anh bạn ra sau vỗ vỗ vai, lấy ngón tay trỏ chỉ chỉ vào phía trước cô bạn ngồi ghế bên cạnh.

Đưa mắt nhìn sang. Chiếc cúc áo của cô bị bật, chiếc áo con màu trắng có viền nẹp đăng ten phô cả ra ngoài.

Đứng vội lên, tôi đi nhanh ra ngoài. Tôi thấy da mặt nóng bừng bừng. Ra đến cửa tôi dừng lại ngửa cổ lên thở. Ngoái đầu nhìn lại. Cô bạn cũng đang bước ra phía cửa. Cô thản nhiên đưa tay cài lại chiếc khuy áo bị bật. Tay kia vẫn bấm nhắn tin nhoay nhoáy. Trên sân, người nào người nấy vỗ vai, ngoặc tay trò chuyện xôm như hội.



© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Việt Văn Mới- Newvietart .

REF:NVA.TN090720.1.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC