TÁC GIẢ
TÁC PHẨM





NGUYỄN NGUYÊN AN
. Tên thật: Nguyễn Văn Vinh
. Quê quán Bình An, Thuỷ Xuân, thành phố Huế
. Sinh ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1952)
. Hiên cư ngụ tại Trần Thái Tông, thành phố Huế

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. NGƯỜI ĐI SĂN HOÀNG HÔN - Nhà xuất bản Thuận Hoá 1995 (tập truyện ngắn)

. NỖI BUỒN KHÔNG DÁM GỌI TÊN - Nhà xuất bản Công an nhân dân 1999 (tập truyện ngắn)

. NGỌN ĐÈN VẪN TỎ - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2006 (tập truyện)

. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Nhà xuất bản Công an nhân dân 2007 (truyện dài)

(Đã đoạt giải văn xuôi trong cuộc thi "Những kỷ niệm dưới mái trường" do Kiến Thức Ngày Nay tổ chức (1998) ; tặng thưởng trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức (1996) và nhiều truyện ngắn được các Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Thuận Hoá, Thanh Hoá, Công an Nhân dân, Văn Nghệ TP HCM, Văn Nghệ An Giang, Đồng Nai, Giáo Dục, NXB Trẻ.… chọn in thành tập truyện ngắn nhiều tác giả…)





TIỂU THUYẾT & TRUYỆN NGẮN


ĐẤT SAU MƯA
CÁI TÁT
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 2
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 3
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 4
HAI BÀ MẸ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 5
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 6
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI - Tiểu thuyết - Kỳ 7

























TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA TÔI

LẦM LỖI

KỲ THỨ 7

Dạo này toàn trại tôi làm một tầm. Đi chơi quanh trại cũng hạn chế vì phải đội mưa đâu còn thú vị. Mưa lạnh, bể nước tập thể không còn cảnh người bu quanh giành nước, bon chen từng ca như lúc nắng ; giếng và bể lúc nào cũng đầy. Không khí trong chỗ nấu nướng cũng không nóng mà trở nên ấm cúng và đông đúc như mái bếp nhà nội tôi những hôm giỗ lớn. Chỗ ở cũng nhờ mưa trên đầu và dưới chân rịn hơi nước làm dịu đi nhiều. Cách đây chín ngày toàn trại họp bình xét cho đợt đặc xá tới của từng đội và quản giáo của mỗi đội. Đội tôi có mười bốn người đạt tiêu chuẩn nằm trong diện đặc xá. Trong số đó có tôi, tôi không quan tâm mấy vì ít hy vọng. Ai không khát khao tự do chứ? Nhưng tôi thấy đông người quá, chắc gì mình được cơ hội may mắn đó. Hy vọng thật nhiều rồi vỡ mộng lại càng xót xa hơn và có thể thần kinh suy sụp thậm tệ! Thôi đành chờ cái gì đến sẽ đến. Cái gì bất ngờ chắc hạnh phúc tràn trề hơn. Đã hơn mười một giờ rồi mà sao tôi chẳng thấy buồn ngủ. Chung quanh tôi chẳng ai còn thức hoặc nằm viết nhật ký như tôi. Cảnh đêm thật lặng lẽ. Thỉnh thoảng vài tiếng ho khan hoặc tiếng trở mình sột soạt của bạn tù hoà với tiếng của hai chiếc quạt trần quay vù vù đuổi muỗi cho anh em. Ngoài buồng giam bầu trời tối đen và lạnh. Tôi vẫn nghe những tiếng chân của cán bộ rảo bước tuần tra trong cõi đêm buồn bã. Tôi nghĩ, nếu là đêm không có tiếng dế, tiếng côn trùng nỉ nôi, réo gọi thì không phải là đêm ngoại ô, đêm đó là đêm phố thị. Đây là đêm vùng cao, tiếng dế râm ran hoà cùng tiếng côn trùng thành một bản nhạc buồn não lòng.

Ở đây đêm nào cũng như đêm nào, ngày chẳng khác chi. Mọi việc, mọi cách sinh hoạt, giải trí cứ trình tự lập đi lập lại từ ngày này sang ngày khác, từ tháng năm này sang tháng năm khác. Như một xã hội thu hẹp. Trong xã hội thu nhỏ này lại tập trung những con người lầm lỡ. Một xã hội vừa nhỏ, vừa đầy rẩy những thói hư, tật xấu, ích kỷ, nhỏ nhen, khoe trương đang bu bám trong tâm can mỗi người tù. Hình như ai cũng muốn trốn chạy cái quá khứ. Nhưng trốn không khỏi lưới trời nên phải vào đây chịu nóng. Mỗi người mang một hay nhiều tật xấu, phạm một tội hay nhiều tội từ nhiều hoàn cảnh, hóc hẻm khác nhau giữa cuộc đời, hội tụ vào đây tạo thành một xã hội nhà tù. Chính trong hoàn cảnh cực khổ vất vả và tù túng mất tự do, bản chất xấu xa của con người từng hư hỏng, sai trái được dịp bộc lộ rõ nhất. Nhìn dáng vẻ họ tôi thấy họ chẳng lương thiện tý nào. Tôi buộc phải sống chung với hạng người như vậy, nhiều khi “bức xô” chịu không nổi. Thế đấy, những cán bộ quản giáo năm này qua năm khắc vẫn bền bỉ chịu trận với những thế hệ người tù này sang thế hệ người tù khác và không chỉ chịu trận với cái xã hội đầy thói hư, tật xấu của người tù mang lại mà còn chịu cảnh chung thân với núi rừng hiu quạnh. Nếu không có chúng tôi giữ cán bộ ở lại, giờ đây các anh, các chú đã êm ấm trong những mái gia đình đầy ắp yêu thương và sự tiện nghi thoải mái của phố phường vui nhộn, rực rỡ đèn màu. Tôi coi đấy là sự hy sinh thầm lặng cao cả!

Hôm nay tôi có nhiệm vụ gác, tôi gác thứ ba, thứ năm, chủ nhật. Đêm nay tôi gác K2 luôn tiện thức luôn. Nhờ những đêm gác tôi thấy cán bộ âm thầm tuần tra trong đêm lạnh buốt, tôi mới xúc động nghĩ đến sự vất vả của một người quản giáo sống đằm mình vùng sơn khê quạnh vắng và với mọt tập thể người ngợm là chúng tôi! Chính vì thế, tôi hết sức thông cảm sự nghiêm khắc của cán bộ quản giáo. Nếu đặt tôi vào vị trị của cán bộ quản giáo, tôi chẳng thể khác hơn và chắc không sống nổi với xã hội người tù này trọn một ngày. Tôi thấy buồn, lấy sổ ra ghi. Viết vài dòng tôi sợ buồng trưởng bắt được, nhưng tôi bất chấp, miễn tôi viết được điều tôi vừa nghĩ ra… Viết đến đây, giờ gác của tôi cũng hết rồi…

Có những lúc ngồi quanh với bạn bè bên ấm trà hoặc ly cà phê, tôi không nghĩ thời hiện tại mà thường nghĩ khi về đời tôi sẽ làm gì? Công việc nào sẽ phù hợp với tôi đây? Tôi sống ở đâu? Quê tôi hay quê vợ? Hàng ngàn câu hỏi cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi và tôi chưa tìm ra lời giải đáp ổn thoả. Hôm nay mọi thứ trợ cấp của gia đình đã cạn kiệt. Không biết ai đang nghĩ đến tôi không chứ? Thật lòng tôi không dám đòi hỏi và thường dặn mình chịu khó chừng nào hay chừng đó. Nhưng trong bữa ăn của tôi, thiếu những thức ăn cần thiết tạo ra năng lượng cũng thấy oãi, trong khi Tết Dương lịch đến rồi. Ở đây, những ngày cuối đông thời tiết rất lạnh, tôi đoán trên mười độ. Tôi vẫn đều đặn tắm buổi sáng.

Gần đến giờ thăm nuôi sân trại vắng tanh. Bầu trời cũng vắng lặng.Vài người tự giác chạy ngược chạy xuôi làm nốt những công việc của họ. Nhìn những dãy buồng im lặng càng tăng vẻ lạnh lùng. Tất cả phạm nhân trong buồng đều dán mắt vào chiếc ti vi. Tiếng rồ rồ của loa phóng thanh đang thử máy rồi đọc tên những người được thăm nuôi. Anh em trong các buồng oà lên vui mừng. Và rồi im lặng trở lại, bởi ai cũng ngóng tai chờ gọi tên. Tôi có tên trong đợt này, nhưng chưa biết sẽ gặp ai đây? Mọi thủ tục ban đầu coi như xong. Khi ra tới trước cổng xoát người và chỉ được phép đi một hàng dọc tới nhà thăm nuôi. Trong tôi vẫn còn thấy lạnh và băn khoăn không biết ai lên thăm tôi? Nhà thăm nuôi lúc này rất đông người đã biến thành cái chợ nhỏ mà ngày thường tôi đi làm ngang qua luôn vắng. Tôi bỗng nghĩ nếu không có những người tù như chúng tôi về đây, có lẽ nơi đây sẽ buồn lắm. Chúng tôi đã đem lại sự sinh động cho núi rừng…Tôi gặp mẹ Hạnh. Chỉ mẹ Hạnh lặn lội vượt đường xa lạnh lẽo lên thăm tôi thôi. Tôi rất cảm động! Nhưng tôi cũng không hiểu nổi tôi. Ban đầu tôi vẫn cố làm vẻ mặt lạnh lùng và bỏ mẹ Hạnh ngồi một mình, tôi qua ngồi uống bia với mấy thằng bạn mới quen. Tôi vẫn biết sau lưng tôi là ánh mắt của mẹ Hạnh nhìn đứa con không huyết thống. Tôi vẫn cố làm như không quan tâm đến mẹ Hạnh, mặc mẹ nhìn tôi thất vọng. Tôi lại uống rượu bạn mời và liên tục uống từng hớp. Càng uống rượu tính xấu của tôi bộc lộ dần. Tôi bắt đầu tỏ vẻ khó chịu bất ưng ý chê đồ thăm nuôi ít. Đến lúc vào trại, tôi cúi bưng hai bao hàng, tôi không ngờ hai bao hàng rất nặng, không thể bưng vào một mình được, phải bưng hai lần. Vậy mà mẹ Hạnh đã bưng hai bao hàng này từ lúc ngoài cổng vào đến nhà thăm nuôi một đoạn rất xa. Mẹ không đẻ ra tôi, nhưng mẹ không quản mệt nhọc, vất vả đi thăm nuôi tôi nhiều lần. Mẹ đã đặt tình thương lên hàng đầu nên một mình mẹ mới đủ sức bưng những bao hàng nặng như vậy nuôi tôi sống qua ngày. Tôi chưa nói đến kinh tế gia đình tôi. Mọi chi tiêu trang trải cho cuộc sống đều từ đồng lương dạy học của mẹ. Cuộc sống chật vật như vậy đã mười mấy năm? Trong mười mấy năm đó mẹ có được từ gia đình tôi là vóc dáng ngày càng ốm đi và tóc ngày càng bạc nhiều hơn chứ chẳng có gì cho mẹ thảnh thơi vui vẻ. Hạnh phúc đến với mẹ thật xa vời. Với mẹ niềm an ủi lớn nhất là cu Phúc và bé An em cùng cha khác mẹ với tôi. Ngày ngày mẹ quần quật với việc nhà, việc trường, đêm đến lại bận rộn giáo án và các em, sao mẹ lại cam tâm làm vợ ba tôi, làm mẹ chúng tôi cho khổ vậy!? Có phải đấy là đức tính nhân hậu, đảm đang của một phụ nữ Huế không? Nghĩ đến đây, tôi thấy tôi thật có lỗi với mẹ Hạnh. Tôi không biết làm sao xin lỗi mẹ Hạnh. Tôi chỉ nguyện cầu trời đất phù hộ những điều tốt đẹp đến với mẹ Hạnh và hứa sau này về đời con sẽ không làm việc gì để mẹ và gia đình phiền lòng. Con xin hứa!

Trong tâm tôi lúc nào cũng hướng thiện, không muốn gây điều ác khi lương tâm không cho phép. Tôi vẫn thường giúp đỡ những người thiếu thốn hơn tôi, vậy mà họ chẳng công bằng với tôi. Như trường hợp tôi luôn giúp thằng cu Loa. Nhưng chính hắn lại tố cáo tôi văng tục.

Tôi quyết tâm lao động và học tập trong những ngày cuối của quý IV. Mong sao được kết quả khả quan cứu vớt cho ba tháng đầu nhập trại tôi chỉ đạt trung bình.. Mấy hôm nay trời mưa lất phất, cái quần đùi tôi phơi trên hàng rào ngó bộ không khô được. Ở đây để quên mất liền! Đúng là tù tội, một chút gì cũng phải đề phòng. Trưa về bị mất quần tôi chửi tùm lum. Lát sau, tôi đi ngang buồng mười nghe có tân binh lên. Tôi ghé vào thăm xem có ai quen không? Chiều đi làm về tôi và Hoàng làm bể cái phích của anh Hoà, không biết phải đền sao đây. Lại nghe tin buồn của Minh. Tôi chỉ biết động viên Minh bằng những lời khuyên học từ trong sách báo. Sáng hôm sau tôi vẫn làm tại xưởng. Chừng ba mươi phút sau được lệnh đi gom củi ở khu vực đội thường chặt cây lấy gỗ nhưng không vào sâu trong vườn mít. Ở đấy, có một đống cây nhưng chưa đủ chuyến xe đang nằm chờ bên đường. Đội tôi chia nhau đi kiếm củi cho đủ xe. Chiều làm việc bình thường. Đến giờ gần nghỉ cũng là lúc đội sinh hoạt bình bầu quý IV và sáu tháng cuối năm. Tôi đạt loại khá! Đến buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần. Bắt đầu là bốn tiêu chuẩn cải tạo và mười lăm điều nội quy được đưa ra để xem xét những phạm nhân nào sai phạm tiêu chuẩn nào không. Cả đội đồng thanh nhất trí sau câu hô của người chủ trì. Không những tôi mà nhiều người trong đội đã làm việc rất tích cực nhưng không ai đạt loại tốt. Có lẽ chúng tôi đã có những sai sót nào đó mà chúng tôi không thấy được. Tôi chỉ mong được tiến bộ chính bằng sự nổ lực của bản thân mình.

Mấy hôm nay, trời mưa triền miên và lạnh cắt da. Tôi hút lại thuốc. Khi không có thuốc tôi ngơ ngơ ngác ngác thế nào, nhìn quanh xem có ai hút để “ké” vài hơi. Vậy mà, tôi đã nói với người thân là tôi bỏ thuốc. Tính tôi tầm thường quá, nói không làm được, phải đi xin từng hơi thuốc, thiệt mất mặt. Buổi sáng cúp điện, anh em ngồi gò lại mấy lưỡi xẻng và ống xỏ cán. Tổ cưa, ngồi cưa ríu. Tôi định chiều có điện tôi hàn cuốc. Trong lúc tôi ngồi làm, thằng tổ tưởng cứ ngồi dạy tôi làm cách nầy, cách khác, trong khi kỹ thuật hắn hơn ai đâu. Hắn muốn nói ai thì nói, không biết ngó lui sau ót xem mình hơn ai chưa? Tôi tức lắm nhưng cố nhịn, cho đến vào đầu giờ chiều vào hàn, hắn lại cắt tôi đi làm chuyện khác. Mấy hôm nay tôi bị đau bụng, nhờ thuốc gia đình gửi vào uống cũng đỡ nhưng bụng cứ đau râm râm, muốn đi cầu hoài. Hắn sai tôi chặt ri để làm bộng và tấm lót ngoài trời mưa. Tôi không chê chặt ri cực nhưng làm ngoài mưa tôi dễ đau bụng. Nghĩ thân phận thằng tù tôi phải nghiến rặng chịu đựng cho đến tan tầm về trại nghỉ. Tôi cúi đầu nín nhịn thằng tổ trưởng nhỏ tuổi hơn tôi. Như vậy tôi đã lớn hơn tôi hôm qua. Dù ít, tôi coi đây là sự tiến bộ thật sự của tôi.

Mưa dầm dề suốt ngày lẫn đêm. Hơi lạnh bao trùm một vùng rừng núi rộng lớn. Dưới nhà tôi, chắc nước ngập hết mọi ngã đường. Anh em phạm nhân ngồi giữa sân trại, trong cơn mưa chờ báo đếm số. Tôi lấy thư em ra che mưa đọc. Dòng chữ em sưởi ấm tôi. Em nói, em và con khoẻ mạnh và em đã đi làm. Chắc em bận rộn lắm vì phải đi làm và chăm sóc con. Chủ nhật nghỉ nguyên ngày. Chúng tôi quây quần bên ca trà trong tiếng đàn guita với những bản tình ca. Anh em người ra kẻ vào thăm nuôi rộn rịp. Không khí thật nồng ấm vui vẻ. Giá như đời tù ngày nào cũng như hôm nay thì không có gì đáng bàn. Người có tội không có cơ hội để trả nợ cho sai trái của mình. Mấy hôm nay trà rất phong phú, có cả bánh kẹo, cà phê. Minh lấy đàn ra nhưng tôi không hứng hát vì Minh đàn không đúng tông. Khi tôi về buồng chứng kiến một chuyện làm cả buồng xôn xao. Đó là chuyện “điu” áo pull. Chiếc áo đó được tìm dưới chiếu thằng Thuỳ. Vậy mà hắn chối quanh, lại còn đổ thừa người khác. Tôi nghĩ chỉ có tính trung thực cứu hắn thôi. Kết quả chẳng nhẹ nhàng cho hắn đâu.

Đội tôi hết gò hàn, giờ cưa củi và bửa củi liên tiếp ngày ngày đến ngày khác làm bả vai và ngực tôi râm râm đau nhức. Chiều về trại, giờ vô buồng, buồng trưởng đem chuyện Thuỳ lấy cắp áo pull hôm qua ra xử lý với mức phạt ba mươi roi mây. Tôi xem hết phim “Tuý quyền” đi nghỉ giữ sức ngày hôm sau. Hôm sau tôi đổi công cho anh Toàn. Anh bửa củi tôi chặt sắt ra làm xẻng với số lượng làm bốn mươi cái xẻng và phải đem đập dùi và cắt thành hình chiếc cuốc. Đập búa tạ cả ngày nên hai cánh tay tôi bị mỏi, nhưng không sao. Hôm sau, hai tay còn đau cứng tôi vẫn cố đánh búa cho cơ bắp to ra để tôi có một thân hình lực lưỡng. Chiều thứ sáu, nghỉ hơn tiếng đồng hồ sinh hoạt tập thể đội. Cũng xoay quanh bốn tiêu chuẩn và mười lăm điều nội quy. Bốn tiêu chuẩn thi đua như sau:

Điều 1: Luôn an tâm tư tưởng nhìn nhận việc làm sai trái trước pháp luật. Biết ăn năn cải tạo theo đường lối của Đảng và Chính phủ.

Điều 2: Tuyệt đối chấp hành đúng nội quy, quy chế của trại và Hội đồng tự quản đề ra.

Điều 3: Trong lao động phải tích cực và có tính sáng tạo để giảm thiểu hao hụt của trại, biết giữ gìn tài sản chung của trại.

Điều 4: Luôn cải tạo học tập trau dồi kiến thức. Tác phong nhanh nhẹn lễ phép, hoà nhã với anh em phạm nhân, nội vụ gọn gàng, sạch sẽ, biết giúp đỡ người khác.

Đến hôm nay tôi thi hành án phạt tù tròn một năm. Nhìn lại cảm thấy nhanh, nhưng đằng trước vẫn còn quá dài. Mới hôm nào, nét mặt bơ phờ và tinh thần suy sụp khi công an dẫn độ ra đây. Giai đoạn tù túng trong lao tạm và nhiều ngày đau lưng trong trại giam tỉnh. Tôi tưởng không vượt qua nổi. Vậy mà bây giờ tôi đã trả gần nửa án. Chỉ có cải tạo tốt tôi mới có quyền hy vọng điều may mắn đến. Buổi sáng tôi vẫn làm ở lô, nhưng hôm nay có nhận tân binh, tôi khỏi bữa củi. Chỗ bữa củi dành cho người mới. Tôi gò xẻng hết buổi sáng, chiều đi chặt cây trên đường K2. Những cây keo to sừng sững dai hơn mít nhiều. Thỉnh thoảng gặp nhưng cây keo già rất cứng. Búa chặt vào dội ngược ra, lưỡi rìu chỉ ăn vào thân chừng hai phân. Anh em ai cũng đau tay. Hai mươi người chặt cả buổi chiều chỉ được mười cây mà ai cũng nhăn nhó, ỉu xìu. Mấy hôm cũng sau cũng đi chặt cây, tôi đã có kinh nghiệm, là chặt chính xác từng lát rìu. Gỗ keo cứng hơn gỗ mít, nếu không chặt năng tay, mạnh và chính xác thì không thể tách từ gốc keo ra từng mảnh dăm bằng ba ngón tay được. Đổ sức ra chặt loạn xà ngầu không mấy hiệu quả. Rồi thêm cái đoạn chuyển những thân gỗ keo dài to lên xe. Gỗ keo tươi rất nặng, anh em phải gồng mình vừa khiêng vừa bẫy lên. Mỗi lần bẫy gỗ lên, lưng tôi kêu rắc rắc, hai vai ê ẩm. Anh em ai cũng bơ phờ mệt mỏi trong những ngày chặt keo lấy gỗ. Không hiểu anh em có như tôi không? Hai tay tôi mỏi nhừ đến tuần sau còn nhức trong cơ. Ngày chủ nhật anh em được nghỉ cho cán bộ dưỡng sức và bọn tôi thăm gặp gia đình. Không đến kỳ thăm nuôi của tôi, tôi nằm nghỉ chẳng thèm đi chơi đâu vì thân thể mỏi nhừ ra rồi.

Sáng Thứ hai tôi thấy trong người tôi mệt mỏi trầm trọng. Có lẽ do thứ bảy tôi vác nặng. Lên bệnh xá kẹp nhiệt, thấy nhiệt độ lên 39oc tôi đành xin vào trạm xá. Bệnh xá dạo này rất đẹp, rộng thoáng và toàn giường inox. Tôi khám và uống thuốc rồi về buồng nằm nghỉ. Nhưng suốt đêm tôi vẫn bị nhức mỏi không ngủ được. Nằm trằn trọc cho đến sáng. Mấy hôm nằm bệnh xá, tôi ăn uống gì cũng không ngon, miệng đắng ngắt. Có lẽ thần sắc tôi bạc nhược lắm, đến nổi Minh phải nói. Tôi vẫn lên bệnh xá ngồi chờ khám và vô buồng năm nghỉ. Hôm nay xét đặc xá, trong đội tôi mười bốn người, tôi cũng có tên trong đó, không biết có hy vọng gì không? Anh Dũng trên bệnh xá bảo tôi nằm lại thêm một ngày nữa vì nhiệt độ chưa bình thường. Nhưng tôi thấy khoẻ phần nào nên quyết định đi làm. Tôi vẫn ngồi bào rựa, hết rựa lại sửa lưỡi cuốc và giũa mài. Tôi không hề tự hào về những sản phẩm mình làm, nhưng những gì qua tay tôi đều phải đẹp. Mấy chục lưỡi cuốc do tôi làm được nhập kho. Cái nào cũng đẹp. Anh Trường và tôi làm xẻng kiểu mới, không cần muỗng ở sau mà giúp người dùng nó hiệu quả và chắc chắn hơn. Nhưng kiểu này tốn sắt và kiểu cách khó làm. Tôi ham mê làm mấy cái liền. Đến tối sinh hoạt đội tôi bị trung bình vì hai ngày nghỉ bệnh. Trong lao động tôi lao động rất tích cực nhưng ốm phải xuống trung bình. Nếu vợ tôi biết tôi trung bình, chắc em buồn lắm.

Tôi và anh Trường cãi với nhau. Đáng ra tôi nhịn thì không xảy ra. Cũng từ những lời bàn ra tán vào về những lưỡi xẻng của tôi làm ra. Dù tôi cố gắng làm thế nào đi nữa, chỗ uốn mộng phải bị xé ra. Chính chỗ xé ra đó là nguyên nhân tôi và anh Trường lời qua tiếng lại. Cũng may cả hai bình tĩnh nên không có gì đáng tiếc. Nhưng tôi và anh Trường tự tách nhau ra. Tôi làm xẻng với Bi Bợm. Hai đứa tôi làm rất tiến bộ. Tôi cảm nhận điều ấy qua từng lưỡi xẻng và cả sự công nhận âm thầm của anh em. Hôm nay trời mưa bất chợt. Chúng tôi phải chuyển dụng cụ ra ngoài xưởng rồi lại chuyển vào hoài nhưng vẫn đảm bảo năng xuất. Từng lưỡi xẻng ra đời làm những ngón tay tôi thêm đau nhức, tôi phải ráng vì ngoài tôi không ai làm được.

Sáng nay tôi và Bi Bợm làm nốt những lưỡi xẻng. Đội trưởng cắt Bi Bợm đi xắt chuối cho cá và bảo tôi chặt thùng phi đựng dầu hoả ra gò ki 327. Nguyên ngày tôi chặt được ba thùng dầu hoả ra thành ba tấm và gò được một chiếc ki. Tôi làm chậm vì phải vừa đo vừa chặt và gò mà trời thì mưa ào ào. Hôm sau, ăn sáng xong tôi đứng ngắm mưa. Anh em trong đội tôi ai cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng bụng lại trông mưa càng to càng tốt. Tôi vẫn con đau những ngón tay và thấy trời mưa to cũng ưa được nghỉ một ngày trùm mền nằm ngủ cho đã! Cầu được ước thấy, toàn trại được nghỉ khi có lệnh của cán bộ trực trại. Tiếng reo mừng vang trên những mái tôn còn lớn hơn cả tiếng mưa. Thứ bảy trời mưa cũng đi làm, làm một tầm đến mười hai giờ mới nghỉ. Tôi gò được năm chiếc ki. Điện cúp từ hôm thứ sáu cho đến chủ nhật. Chủ nhật nghỉ, cũng buồn vì không có truyền hình, ca nhạc và chỉ hai mươi người trên tổng số hơn ngàn người được gọi ra thăm nuôi. Chắc dưới phố đang lụt to thì phải? Đề tài lũ lụt được bàn tán trong toàn trại và cũng vì lý do đó mà toàn trại chỉ thăm nuôi hai chục người. Hôm sau mưa tạnh, trời hơi có nắng nhưng bầu trời vẫn còn nhợt nhạt. Nắng loé héo hắt một lúc rồi tắt ngủm và lại mưa. Toàn tại đi làm trở lại, anh em vẫn xì xào về lũ lụt làm tôi lo không biết thị xã ra sao? Tôi vẫn gò ki. Cả ngày rầm rập đập búa đều đặn xuống mặt tôn theo đường gạch tôi đã đo kẻ, biến một tấm tôn thành một chiếc ky, nhìn cũng đã con mắt! Lúc này, tôi gò nhanh hơn trước nhiều, cả ngày gò mười bảy cái. Tôi làm việc lặng lẽ chăm chỉ và ngoan ngoãn, tâm trí luôn tưởng tượng ngày về với vợ con. Lâu lâu nghỉ tay nhìn những tấm tôn đã được anh em chặt ra, để chồng chất la liệt trong xưởng tôi cũng hơi ớn. Nhưng tù tội có những việc không đáng còn phải làm cho có năng suất và cũng đừng tích cực quá, tích cực quá anh em theo không kịp lại oán mình muốn “lấy điểm”. Thành ra, tích cực quá coi như chưa biết cách ở tù!

Đối với tôi, những gì mong đợi thường ít khi đạt được, không chỉ ở đây mà ngoài đời cũng vậy. Tôi thầm muốn tôi và Tùng ở chung đội. Tôi sẽ đem vốn kiến thức ít ỏi về âm nhạc dạy Tùng học đàn. Nhưng sáng nay, trước lúc tôi đến xưởng, Tùng được gọi qua “đánh giấy” rồi ở bên đó luôn. Đến chiều, tôi gò được bốn cái ky. Gò theo kiểu mới này tôi phải làm chậm. Vả lại, dạo này công việc của đội không gấp rút như những tháng trước và vật dụng để làm ra sản phẩm như que hàn, tôn… đã hết sạch. Trời vào mùa mưa, đội 327 đã đi vào những tháng cuối, ít sử dụng những dụng cụ lao động do đội tôi làm. Tôi cứ túc tắc làm việc cần mẫn cho xong một ngày cải tạo. Chiều đội tiến hành sinh hoạt tại hiện trường. Không ai vi phạm. Trong buổi sinh hoạt, tôi không nhìn nhận tôi tốt vì tự nhận mình tích cực chưa chắc mình tích cực. Đội vẫn đánh giá tôi đạt tốt. Ngày thứ bảy đi làm về nghe nhạc sống, tối xem phim và nghỉ dưỡng sức suốt cả ngày hôm sau. Con tôi tròn sáu tháng tuổi. Tôi cầu chúc cho con tôi luôn mạnh khoẻ. Ba biết mẹ đang nhớ ba và khóc. Ba mong cho mẹ con bớt buồn. Ba thương con nhiều! Khoảng 8 giờ 30 phút tôi ra thăm nuôi. Thế là nỗi mong chờ mấy hôm nay đã tới. Tôi gặp mẹ Hạnh, thím Bê và cu Nhỏ con thím. Nghe mẹ nói vì lo việc di dời mồ mả họ tôi nên lên chậm. Tôi lại phủ nhận sự vất vả của gia đình. Tôi trách cứ lung tung, càng nói tôi càng sai. Hoàn cảnh ba mẹ như thế nào chẳng lẽ tôi không rõ? Khi buổi gặp mặt kết thúc cũng là lúc tôi hối hận về những đòi hỏi quá đáng của mình! Không biết tôi có bị tâm thần không? Sao mỗi lần mẹ Hạnh lên thăm nuôi tôi, tôi lại nói những lời khó nghe với mẹ Hạnh, để khi về buồng lại ăn năn hối hận? Rồi tôi và Tùng cãi vả nhau vì chuyện không đâu. Tôi chẳng hiểu đầu óc mình nghĩ gì. Có lẽ nhìn bộ mặt tôi lúc ấy trông ngớ ngẩn lắm. Tôi thật buồn cho tôi bởi tuổi càng lúc càng lớn, tính tình lại ngược lại.

Trời tiết rất lạnh nhưng tôi vẫn tắm buổi sáng trước khi đi làm. Đã thành thói quen tốt rồi. Tôi tắm vừa khoẻ mạnh vừa được nước cuốn sạch những suy nghĩ lo toan vụn vặt trong đầu. Để tôi tiếp nhận một ngày cải tạo mới với trạng thái khoẻ mạnh hưng phấn. Nhưng khi đến xưởng tôi làm việc không tích cực lắm. Tôi hay đùa trong giờ lao động. Tôi đùa cho cuộc sống lạc quan hơn. Lạc quan mới đủ sức đi qua đoạn trường. Chiều tôi đi uống cà phê cùng mấy đứa bạn, không có Tùng vì hắn đang đi đá banh. Ngồi uống cà phê tôi mãi nghĩ, không biết ăn nói sao khi ngày mai thăm nuôi tôi phải ra gặp người nhà! Lần thăm nuôi trước, tôi đã đòi ba tôi lên thăm tôi, yêu cầu mẹ Hạnh mua thêm cho tôi một số thực phẩm, đồ dùng tôi cần. Tôi quả thiếu kiên nhẫn, bụp chụp và nóng nảy. Nóng như vậy là bất hiếu! Chiều nay không mưa, nên buổi ca nhạc của trại kết thúc tốt đẹp. Cả sảnh cùng quê ngồi uống cà phê một bàn rộng ngay lối lên sân khấu để vui đùa chọc ghẹo mấy người nữ quanh bàn. Đến lúc kẻng đánh là xong ngày thứ bảy. Sáng chủ nhật tôi tranh thủ giặt một đống đồ của tôi vì hôm qua tôi cá độ bóng đá giữa hai đội In - Đô và Việt Nam, tôi thua tôi phải giặt đồ cho anh Toàn. Chiều tôi ra thăm nuôi. Ba tôi im lặng nhìn trời mưa và quan sát thật kỹ quang cảnh nhà thăm nuôi. Thậm chí ông còn chú ý lắng nghe chuyện giữa phạm nhân và gia đình họ. Tôi ngồi nói chuyện với mẹ Hạnh và cu Phúc. Lát sau ba tôi đến ngồi khuyên tôi cố gắng cải tạo thật tốt để được xét giảm án trong đợt ết. Rồi ông đi đến cán bộ quản giáo ký gửi cho tôi ba mươi ngàn để tôi uống cà phê. Ba tôi ít nói nhưng ông nói lời nào cũng giá trị. Ba, mẹ Hạnh và em Phúc tôi về. Tôi vác một bao hàng nặng vào trại lòng hối hận về việc tôi làm phiền gia đình !

Tôi và một người khiêng chuối ra hồ cho cá ăn. Cây chuối nặng trịch làm vai tôi đau điếng. May hồ gần chớ không thì “phê” lắm. Khi về ngang ga ra đỗ xe, thấy cả đội đang bốc hàng xuống. Trông ai cũng khẩn trương. Hai đứa tôi cũng xông vào bốc hàng. Hết xe hàng giờ nghỉ cũng đến. Chiều nay tôi còn gác sau buồng cho tới lúc kẻng. Buổi sinh hoạt của tuần cải tạo lại bắt đầu từ 15giờ 5 phút. Không ai vi phạm. Nhiều ý kiến của phạm nhân đưa ra đều được chủ toạ và tập thể nhất trí. Đến phần đóng góp dụng cụ và việc miễn giảm cá nhân. Anh chủ trì lại giá cả chuyện miễn giảm của tôi. Nói rằng, đồ tôi đóng góp không đến giá đó. Tôi đã nói toạt ra cái “tôi” của anh. Anh giận tôi. Kết thúc phần biên bản có chín người đạt loại tốt. Trong đó vẫn có tôi. Sáng thứ bảy đi kéo cá ở hồ Ban. Mới sáng, nghe vậy ai cũng sợ lạnh. Thay quần áo ra cũng lạnh run rồi. Tuy nhiên khi xông xuống hồ và khi kéo cá lên thấy cá nhiều qúa, ham vui quên cả lạnh. Chúng tôi lựa cá to, cá nhỏ thả nuôi lại. Đem cân được 400kg. Hôm nay không biết tôi đã ăn gì mà đi chảy hoài. Có phải bụng tôi yếu hay tôi ăn phải chất gì độc? Chiều, lên xin thuốc trên bệnh xá rồi đi loanh quanh chơi. Hôm nay toàn trại được nghỉ vì có đám cưới cán bộ.

Mấy hôm trời ít rét. Sáng nào tôi cũng tắm cho tinh thần sảng khoái. Dạo này tôi có gì lạ mà nói nhiều hay đùa giỡn và thích chọc gái. Tôi biết tôi làm như vậy, vợ tôi buồn. Nhưng mong em hiểu cho anh trong hoàn cảnh này. Anh đang cố vui lên mà sống đó em! Em biết không, tinh thần sảng khoái, không trầm tư, buồn phiền, ủ rũ mới hy vọng cải tạo tốt. Hơn nũa, lúc này công việc không còn nhiều để anh em trong đội làm. Chúng tôi vẫn làm nhưng không năng nổ vì sợ hết việc. Tôi công nhận cả tôi và mọi người đều làm chiếu lệ. Là do, một phần cán bộ trại đá bóng với cán bộ tỉnh. Hai là làm một tầm hơi mệt lúc giữa trưa nhưng buổi chiều tha hồ đi chơi. Chiều lên căn tin uống cà phê thả hồn lang thang về phố. Đêm tôi trực K2. Đi lao động cũng có nguồn vui. Giờ vui nhất là giờ chờ xuất trại đi làm. Phạm nhân ngồi hai dãy cho mỗi đội và bày trò oán tù tì đem đồ ướt ra ngoài lô phơi. Ai thua phải xách đồ ướt của người thắng. Điều khiến cả đội thích nhất là “tia đạm” đi lấy thuốc ở trạm xá. Nói được gì, cứ nói, nhưng đừng thái quá là được. Nhiều tiếng cười rộ lên sau những câu nói ẩn ý.

Sáng nay tôi bào rựa đang dồn đống trong bệ rèn. Cái lưỡi bào tôi tự trui rèn còn non lửa tôi cứ bào, chừng nào đùi lại trui lại. Nhờ cứ trui rèn lui tới như vậy, ai ngờ lưỡi bào do tôi rèn cũng ngon như cái lưỡi bào ba tôi đem lên. Xong việc, chiều đi quanh trại chơi. Còn một ngày nữa là đến ngày Chúa sinh ra đời. Trời vào Noel mà không mưa lạnh. Đêm, trời lại có trăng. Nếu tiết trời cứ như thế thì lễ Giáng sinh ở phố chắc người ta đi chơi đông lắm. Ở đây chỉ có ngồi uống cà phê nghe nhạc giáng sinh chay. Đêm Giáng sinh dù có hội bốn, hội năm đờn ca nhưng vẫn buồn. Vào buồng ăn cơm xong, rồi sinh hoạt hàng tuần. Kết thúc là lúc cả buồng rầm rộ theo điệu đàn, tiếng trống và nhiều lời ca từ từ cất lên làm không khí trong buồng trở nên náo loạn, vui nhộn. Hát lui hát tới có mấy bài rồi giải tán đi coi phim. Đêm Giáng sinh cũng qua. Trong tuần chỉ có ngày Giáng sinh và ngày chủ nhật tù nhân được trông chờ háo hức, lại có nhạc sống, cà phê, thêm “đạm” nữa chứ. Cả nhóm cùng quê ngồi quanh bàn tận hưởng những bản nhạc sống và tia đạm. Còn một tháng nữa là Tết. Tôi đã ở hơn gần mười lăm tháng rồi. Hơn một năm trôi qua với bao buồn vui và đau khổ. Nhất là nỗi thương con nhớ vợ canh cánh bên lòng!

Sáng nay Ban Giám thị vào gặp gỡ anh em phạm nhân. Ban nói nhẹ nhàng nhắc nhở phạm nhân, chậm rải từng lời vang vang trong sân trại. Tôi nghĩ: “Vào đây, anh em được ăn uống, được sức khoẻ như vậy là quý lắm rồi. Thành phần như tụi tôi nếu không khắc khe, chắc sẽ tệ hại cho xã hội lắm lắm. Nếu giả dụ thả cả ngàn phạm nhân chưa cảm hoá giáo dục tràn ra xã hội, tôi tin xã hội loạn lên vì những tội lỗi do đám người này sẽ gây ra. Có một trại giam đầy lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm như nơi đây, mới đủ bản lĩnh, trình độ và cả sự nghiêm khắc chấp chứa, cải tạo cả ngàn con người sai trái thành người lương thiện. Việc làm không chỉ bao dung mà còn đem lại bình yên cho muôn dân. Đấy chính là lòng nhân hậu vậy”. Cả sân trại lắng nghe Ban giáo dục. Tôi chăm chú vào nét mặt của Ban và lắng nghe Ban nói như nuốt từng lời. Hôm đó bị cúp điện, tiếng vỗ cánh của đàn bồ câu bay lên bay xuống trên mái nhà trại : “rào… rào… phạch phach…” nhưng những lời dạy chân tình của Ban vẫn rõ ràng ấm áp. Ban cố nói to cho một ngàn mấy phạm nhân ngồi trước mặt nghe. Nhìn sự cố gắng của Ban tôi chợt hiểu ra rằng, lòng tốt khi nào cũng đi cùng với người có khuôn mặt phúc hậu. Vì vậy tôi không thể nào nhầm lẫm khi nhận định tình cảm của Ban đối với anh em tù. Sống gần Ban một thời gian, tôi thấy Ban có trí nhớ rất tuyệt vời khi một ai đã trực tiếp nói chuyện với Ban. Ban luôn gỡ rối cho anh em trong những trường hợp éo le ; an ủi đúng lúc khi những phạm nhân quá buồn chán, tuyệt vọng. Mặc dù vẻ ngoài của Ban lúc nào cũng nghiêm nghị, ít cười đùa, nhưng Ban rất tình cảm và quan tâm đời sống riêng tư của anh em. Có nhiều tối, tôi nhớ không chính xác, khi chín, khi mười giờ, có khi hai, ba giờ sáng. Ban thường đến từng buồng xem phạm nhân ăn no, ngủ khoẻ không? Làm đúng nội quy không? Buồng trưởng có ức hiếp anh em không? Một bữa, tôi ngồi sau lều xắc chuối cho cá ăn, tôi vô tình nghe Ban nói chuyện với nhà báo Tâm Chính anh ruột Tâm Nhân bạn thân tôi hồi trung học, khi Ban đang hướng dẫn nhà báo đi tham quan trại. Tâm Nhân cũng đã từng được cải tạo ở đây chín tháng vì tội đánh người thành thương. Ban nói: “Anh Chính biết đấy, chúng tôi tuỳ theo mức án, giới tính và tính chất tội phạm mà bố trí theo từng phạm nhân để tiện quản lý, giáo dục. Họ mới vào trại giam tư tưởng tâm lý còn sợ, do đó việc đánh giá tư tưởng và tâm lý của phạm nhân là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Muốn làm tốt khâu này, cần phải có thời gian gần gũi với phạm nhân. Vì vậy, yêu cầu người cán bộ quản giáo phải dành nhiều thời gian tiếp cận phạm nhân. Qua đó mới hiểu được tâm tư nguyện vọng, tình cảm của họ để có kế hoặch giáo dục, mức độ tác động, khi họ đã thông suốt, sự chống đối, tư tưởng mặc cảm không còn. Mặc cảm không còn họ sẽ yên tâm cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại đề ra” .Một lát sau, Ban tiếp: “Ngoài xã hội đa phần họ không có công ăn việc làm, khi vào trại giam được quan tâm của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ cho họ học thêm văn hoá, hướng dẫn, giáo dục thuyết phục, cảm hoá họ giúp họ trở thành người lương thiện. Làm sao cho họ thấy được một điều cơ bản nhất là họ xác định được tội lỗi của mình mà khắc phục những hậu quả do hành vi tội lỗi mình gây ra. Vấn đề thứ hai, vào trại phải chấp nhận nội quy, quy chế của trại đề ra. Mỗi phạm nhân bắt buộc phải chấp hành mới có hy vọng trưởng thành được. Vấn đề thứ ba là lao động, khi ở ngoài đời họ không hề biết lao động là gì. Cán bộ giúp đỡ, giáo dục họ để họ thấy được ý nghĩa của lao động, ý thức sự vất vả khi làm ra sản phẩm, vật chất như thế nào. Từ đó họ thấy được giá trị của lao động, giá trị của vật chất và tai hại của sự vô công rỗi nghề, sự tiêu pha phung phí, không biết tiết kiệm. Vả lại, mục đích chúng tôi dùng lao động cải tạo tư tưởng con người. Qua quá trình lao động giúp họ hiểu ra rằng, chính lao động mới nuôi sống bản thân họ và có thể sau này nuôi sống cả gia đình họ. Họ vào đây, thích học nghề gì chúng tôi cho họ học nghề đó, nếu ở trại có nghề đó. Ở trại người biết dạy cho người chưa biết, người vào trước dạy cho người vào sau, người cũ dạy người mới. Họ có nghề sau này ra đời sẽ lấy nghề đó mà sinh nhai anh Chính ạ”… Chợt cả sân trại ồ lên khi nghe Ban nói những lời nói chí tình, chí lý với vẻ nụ cười thân thiện. Ban không nhấn mạnh về đặc xá và không nói rõ ngày. Sự hồi hộp làm tôi lúc nào cũng muốn nghẹt thở. Có lẽ những lời Ban giáo dục chắc để trấn an tư tưởng anh em cho ngày đặc xá sắp đến…

Còn tám ngày nữa tôi được mười lăm tháng. Nữa quãng đường vấp ngã đã qua đi! Tuy không dài lắm so với anh em trong trại loại hai này. Nhưng chừng đó cũng quá đủ cho tôi rồi. Nếu đi tiếp nửa còn lại, tôi cũng chấp nhận. “Chơi được thì chịu đựơc”. Biết đâu trong quảng đường còn lại tôi chín chắn hơn. Tôi vẫn nghĩ: “Điều xấu không tìm nó vẫn đến với ta. Điều tốt khó tìm mặc dù nó sẵn trong ta. Muốn tìm điều tốt, ta phải sống lương thiện. Trại cải tạo là nơi rèn luyện mình biết xua đi những điều xấu và dạy ta làm người lương thiện, cho những điều tốt trong ta có cơ hội nỡ hoa, kết trái!” Công việc tôi vẫn đều đặn, hết bào rựa, làm cán rựa ; hết làm cán rựa, đi làm xẻng ; đang làm xẻng thì biểu chặt đinh, đang chặt đinh biểu đi làm giống, không làm giống, lại bửa củi... Những ngày cuối năm tổ rèn ít việc. Ít việc tôi cũng buồn. Buồn hơn khi nhóm cùng quê tôi không còn tụ tập với nhau nữa mà mỗi đứa một nơi. Những ngày giáp Tết lạnh khủng khiếp. Từ sáng cho đến chiều tôi vẫn bị run vì lạnh. Ngồi làm mà run liên tục, dù đã mặc hai cái áo len. Chiều tôi giặt một đống áo quần tổng kết cuối năm. Cũng vì cuối năm dù lạnh tôi cũng tắm. Tết Nguyên Đán đến gần. Các buồng đã quét vôi, sửa sang cửa ngõ, trang trí trong phòng. Những người tù cũng tôn trọng ngày Tết truyền thống, họ cũng mong ước điều nhiệm mầu đến với họ trong mùa xuân tươi đẹp của đất trời. Tôi cầu chúc nhân loại được đón Tết trong hạnh phúc và hoà bình.

Mấy hôm nay tôi luôn bồn chồn trong bụng. Đó có phải là điều linh tính mầu nhiệm không? Đêm nay tôi không thể ngủ được vì điều mầu nhiệm thiêng liêng đó. Tôi đặt lưng xuống là bụng cồn cào bao suy nghĩ, dự tính trong đầu luôn tra tấn, hành hạ não bộ tôi. Không phải chỉ trong giấc ngủ, mà trong giờ lao động cũng vậy. Các bạn tù chúc mừng tôi. Tôi cố không bận tâm đến những lời chúc đó cho dù họ đùa cợt hay thật tình. Màn đêm hai bốn Tết buông cái lạnh se se xuống trại cải tạo, tôi nằm cố dỗ giấc ngủ nhưng không thể ngủ được liền ngồi dậy viết đôi dòng tâm huyết. Tôi nhớ hồi mới lên, nhìn cổng trại đã ớn lạnh tới xương sống. Bây giờ tôi lại cảm thấy bùi ngùi cảm động, bởi nơi đây tôi và bạn bè có bao tháng ngày tập làm người. Tôi coi đây là trường đại học của tôi và những người trót lầm lỡ. Nhà trường đã rèn cho chúng tôi thành người hiền lương. Tôi tin, những ai tốt nghiệp trường đại học này với tấm bằng đặc xá như tôi, chắn chắn 99% không sai phạm trong quãng đời còn lại. Đây cũng là tấm gương cho tôi soi, dành tặng tôi ngày hoàn lương. Về đời thỉnh thoảng tôi soi vào đó để không dám làm những điều xằng quấy nữa. Trong quá trình tỉnh ngộ của tôi có cả máu, nước mắt và nỗi thèm khát tự do luân phiên hành hạ…


 

    CÒN TIẾP....
 
                      NGUYỄN NGUYÊN AN


© Bản Quyền của Tác Giả .



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC