Dù có hơi cổ lỗ, thô kệch, nhà quê. Nhưng Mink vẫn luôn thể hiện mình, rằng mấy mươi năm vẫn chạy tốt. Đừng có mà tưởng hắn là tay thường. Hắn tay cán vá đó! Tên cúng cơm của hắn là Sáng. Tên khai sinh, cả tên thường gọi cũng chỉ có một. Sáng. Thế nhưng chẳng hiểu nguyên cớ từ đâu, một thằng cha kăng chú kiết nào đó đã khùng khùng, buột miệng đặt cho hắn cái tên mới, Mink. Tên của một loại xe máy rất chịu đời của Liên Xô cũ.
Mà hình như cũng ứng thật. Bao nhiêu năm qua, hắn lui cui, lụi cụi. Cho dù bầm dập cỡ nào hắn vẫn cố nghiến răng, mím lợi, cố rướn. Rồi đến một lúc, hắn cũng rướn đến được cái chỗ mà hắn muốn rướn tới. Hoan hô. Y chang một chiếc Mink đích thực. Dù tưởng chừng hết thời, nó vẫn oằn lưng nhận thồ khách bò qua bao nhiêu đoạn đường rừng núi, kiếm tiền.
Ít ai biết, chắc cũng chẳng ai cần biết, hồi bé hắn học hành tối sáng ra sao. Nhưng với một số người thường xuyên tiếp xúc với hắn, ai ai cũng cứ nghĩ là hắn được như cái tên Sáng do cha mẹ hắn mong thế, đặt cho. Ai lại chẳng muốn đổi đời, dù chỉ một lần. Anh cũng thế phải không? Tôi thì tôi tin chắc thế, ít nhất là cũng trong suy nghĩ. Hắn cũng không phải là ngoại lệ. Bởi người ta dù có lùng xục gì gì vẫn chẳng tìm ra điểm nào đặc biệt, nổi trội nơi hắn, so với cái đám người thường ngày xung quanh hắn. Một điều khiến hắn càng nung nấu mong muốn đổi đời, đó là hắn vốn xuất thân từ một nơi dân dã, quê mùa. Mà những người sống nơi ấy thì từ bao đời nay vẫn chỉ là những người quê mùa, dân dã.
Rồi có một ngày. Theo chân đám sỹ tử, đến kỳ hắn cũng vác lều chõng lên kinh ứng thí. Vẫn thuộc loại trung bình trong đám sỹ tử trung bình. Dù gì thì hắn cũng đã thoát được chốn xưa cảnh cũ, được hít thở, đi đứng, và lui cui, lụi cụi nơi đất kinh kỳ. Đời vẫn chẳng sáng sủa thêm gì như cái tên của hắn. Chán thật. Thôi thì nhất thầy, nhì thợ. Không nhất thì nhì. Hắn chấp nhận làm thợ. Chắc hẳn hắn sẽ làm thợ hết kiếp nếu không thức thời tìm cách theo gót, ve vãn, trì bám các thầy. Hắn trở thành đứa học trò khôn nhất. Ngoan nhất. Tầm cỡ nhất. Xuất sắc nhất.
Nhất là cái chắc. Bởi lẽ các thầy nói gì hắn cũng dạ, bảo gì hắn cũng vâng tất. Mà nếu chỉ có vậy thôi , thì cũng đáng gọi là trung bình, nói ra làm gì cho hao mực, mệt miệng. Đằng này, các thầy bảo gà có râu, heo có sừng hắn đều nghe tuốt tuồn tuột. Và mọi điều tào lao, dóc tổ ấy, khốn nỗi, hắn đều cho là chân lý, rồi học thuộc nằm lòng, rồi truyền đạt cho người khác. Không thiếu một dấu phẩy. Giống hệt tiếng kêu từ những chiếc mõ truyền thông tin của cụ kỵ nhà ta thời còn ăn lông ở lổ. Thành thử, các thầy thi thoảng cũng chơi xỏ lấy hắn làm mồi nhậu. Làm lâu rồi thành quen. Chịu lâu rồi cũng thành quen. Không ai, kể cả hắn còn nhớ từ khi nào nữa, hắn trở thành món nhậu thường trực của các thầy. Mọi lúc mọi nơi, bất kể, một khi bàn rượu thiếu mồi.
Vậy đó. Các thầy dù không ai bảo ai, nhưng tất cả đều biết lời nói dóc đơn giản chỉ là lời nói dóc. Đứa học trò ngoan được các thầy chiếu cố, nâng đỡ từ tổ viên được bầu làm tổ phó, rồi làm tổ trưởng là điều bình thường. Được lên chức tổ trưởng, hắn mừng rơn, thậm chí còn khóc rưng rức, mừng mừng tủi tủi ngay trong một phiên họp ban cán sự lớp. Khiến ai nấy đều mũi lòng hết sức. Các thầy nghe hết, thấy hết, biết hết nhưng vẫn làm như kiểu bộ ba con khỉ ngồi. Ba cái con khỉ được các nghệ nhân nghịch ngợm đục đẽo bằng những thứ gỗ đắt tiền thuộc nhóm một, nhóm hai.
Hắn quên tuột mình là ai, mình muốn gì, và mình từ đâu đến. Rồi hắn ngồi mơ. Mơ đến cái ngày hắn được bầu làm lớp phó, rồi lớp trưởng. Trong khi đó, các thầy của hắn thì lại nhớ. Còn nhớ rất rõ là đằng khác, rằng hắn là ai, hắn muốn gì, và hắn từ đâu đến.
VII/ 2007