TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh ngày 15/4/1959
. Quê quán: Thái Bình
. Tốt nghiệp: Học viện Biên phòng, Học viện Chính trị - Quân sự
. Hiện là Phó Tổng Biên Tập báo Biên Phòng.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Nước mắt thời con gái - tập truyện ngắn 2003.
. Tiếng gọi đời sau - tập truyện ngắn 2005.
. Những chiều cả gió - tập thơ 2007

















DÒNG SÔNG TẬT NGUYỀN

1- Bây giờ đang là cuối đông, những trận gió mùa tràn về rứt từng chiếc lá cuối cùng trên cây bàng già nua bao năm đứng trân trân chịu trận bên bờ sông. Cây bàng có từ bao giờ tôi cũng không biết, nhưng quanh năm suốt tháng, mỗi khi từ đồng về, người ta lại đem bầy trâu buộc vào mấy cái rễ trót mọc trồi lên trên mặt đất. Chỗ đất buộc trâu lúc nào cũng nham nhở, nhầy nhụa, lở loét, khai và khăn khẳn mùi phân. Những ngày nắng ráo còn đỡ chứ phải ngày mưa không một ai dám đặt chân vào, đất ở đấy sủi bọt lục bục như lỗ trạch lòng mương nước. Từ những vũng trâu đằm, mùi khắm, khai, thối, bốc lên theo gió loang xa cả một vùng sông nước. Rồi nước từ những vũng trâu đằm ấy chảy xuống sông, hoà vào nước mặc người đôi bờ hì hụi gánh về đổ bể lấy nước ăn. Những ngày như thế, cha thường bắt tôi chèo thuyền ngược lên hướng thượng nguồn mới cho nổi lửa nấu cơm.

Mùa hè, từ mờ sáng cho đến nửa đêm, lũ trẻ trâu tóc cháy đỏ hoe râu ngô, người ngập ngụa mùi bùn tanh nồng trèo đầu cưỡi cổ, vặt lá bẻ hoa, lân theo mấy cái cành đua ra mặt nước, hò nhau nhảy xuống. Có nhiều lần, lũ trẻ nhoai người hái bàng chín, không để ý, cành yếu, rơi từ trên cao xuống, máu mũi, máu miệng chảy đỏ ngoe đỏ ngoét theo nước lẫn vào màu da đen cháy. Đối diện phía bên kia bờ là bến nhà tôi đấy, nơi cha tôi thường neo thuyền lại nghỉ ngơi sau mỗi lần đi xa về.

Nói là bến nhà tôi cho oai chứ thực ra chả của ai cả, chẳng qua do thói quen đậu thuyền mỗi khi thuyền nhà tôi về khúc sông này, lâu ngày thành quen rồi tiện mồm cứ gọi thế cho dễ nhớ, dễ hình dung. Tôi cũng không thể nào nhớ nổi tôi đã đi đến bao nhiêu con sông trong vùng đồng đất mà người ta cứ cho nó là vựa thóc của đồng bằng sông Hồng. Ai muốn gọi thế nào cũng được vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống nhà tôi.

Bản thân tôi cũng không có nơi sinh chứ nói gì chỗ cắm sào là của mình. Biết mình không có nhưng ai hỏi vẫn phải nói có. Nhiều khi tôi nghĩ, khổ nhất ở đời này rõ ràng không nhưng cứ tự nhận mình có, nếu không nó thèn thẹn, xâu xấu thế nào ấy. Những chuyện như thế, cha tôi nghe thấy, nếu ông đang ngồi thường nhấc đít lấy tay phủi phủi mông kiểu người ta phủi bụi, còn đang đứng, thế nào ông cũng chạy ra mui thuyền vạch quần đái rồi khạc nhổ quá bằng có cục đờm to đút nút lấy cổ.

Năm nay trời lạnh cá cũng không chịu đi ăn đêm, và khi người khôn của lại hiếm. Cứ như hiện nay, các loại cá sông có đẻ hằng đêm thì cũng khó mà duy trì được giống. Để đánh bắt con người không từ bỏ một thủ đoạn hay phương pháp nào. Trước kia, những gia đình sống bằng nghề sông nước tuy không ai quy định nhưng mọi người đều ngầm thống nhất các loại vó lưới dày mau không dùng vì còn để cá lớn. Nhưng nay thì khác, vó lưới dùng loại dày, rồi kích điện, đánh mìn, hoá chất. Cộng thêm vào tệ đánh bắt không cần biết hậu quả về sau, thuốc sâu từ đồng ruộng chảy xuống, nước thải từ các nhà máy công nghiệp chảy vào, từ các khu dân cư vô tư đổ đến. Một thời sông trong trẻo, thơ mộng cho những ai yêu văn thơ tha hồ sáng tác, còn nay sông một mầu đùng đục xam xám đen tang tóc. Có nhiều loài cá ngày xưa nhiều như trấu còn bây giờ đánh bắt cả tháng không được một con. Hầm cá trong lòng thuyền nhà tôi ngày xưa lúc nào cũng nhung nhúc, chiếc sạp lát sàn đêm đêm cá quẫy nước bắn lên ướt đầm phải lên mui mới ngủ được, còn bây giờ hôm nào nhiều chục con, ngày ít hai ba con, ngủ không phải lên mui như trước nữa. Tiếng cá quẫy lòng thuyền chỉ còn là ký ức của những năm tháng hoài niệm.

Ngày ấy, khi cá còn dễ đánh bắt, kho nấu cá bao giờ cha tôi cũng chặt vứt bỏ khúc đầu, đuôi chỉ lấy khúc giữa. Ông thường bảo tôi rằng, ở đời ăn uống từ đầu chí cuối mất cả phần con cháu, đồ phàm phu tục tử, không đáng sống. Mặc ông nói thế nào tôi cũng kệ, thực ra tôi nghĩ chẳng qua là do ông làm nghề chài lưới, kiếm con cá con tôm không vất vả khó khăn như những người khác nên thế thôi. Mà lạ lắm, tất cả các món ăn chế biến từ cá ông thích nhất là món kho mể. Món kho mể chẳng có gì cầu rình phức tạp, người làm cá chỉ mỗi việc mổ cá, để nguyên cả máu rồi cho vào nồi đất, đổ nước xăm xắp cho lên bếp đun, bao giờ cá chín nhừ là bắc ra ăn, múc cả khúc cá với nước cá kho còn nóng nghi ngút khói. Nước kho cá chan cơm ăn còn ngon gấp mấy lần nước mắm đầu nong đầu nia, nước mắm cất. Thích thế nhưng dẫu có ngon đến mấy, ông chỉ ăn một bữa còn lại đem đổ hết xuống sông, không bao giờ để lại ăn bữa thứ hai. Có một lần tôi thấy cá ngon, tiếc của giời đem cất đi tối lấy ra. Vừa nhìn thấy ông chẳng nói chẳng rằng quăng luôn cả nồi cá xuống sông, xong chửi, bảo tôi là đồ khốn, giống hệt tính cái con mẹ đẻ ra tôi. Những cái gì ông không thích, những lúc nào ông bực, ông thường chửi tôi như thế. Mỗi lần như thế tôi rất sợ, nghe giọng ông chửi, tiếng rít qua kẽ răng, người tôi cứ co rúm lại, chân tay tự nhiên run bần bật, không thể nhúc nhắc, chẳng khác gì người ta đem dây trói chân trói tay tôi lại.

Tối qua trước khi đi ngủ cha tôi nói giọng như giao hẹn.

- Sáng mai nhổ neo đi, liều liệu tính toán cơm nước mà đi sớm- Ông lầm bầm- Cứ thế này rồi không có cả cứt mà đổ vào miệng.

Chả cần biết mọi người có nghe thủng việc không, ông lấy vò rượu, đổ đầy bát tô, uống cạn một hơi rồi trải chiếu chui vào khoang thuyền nằm ngủ.

Nghe ông nói, tôi hãi im thin thít làm theo, không dám ho he gì. Cô Hến cũng thế, cun cút dọn dẹp các thứ cho vào cái hòm đựng đồ bằng sắt tây đã hoen gỉ. Biết tính ông chỉ nói một lần, không nhắc lại, sáng nay mọi người dậy sớm để chuyển thuyền lên khúc sông trên.

Tôi quên không nói, nhà tôi hiện tại có ba người. Tôi, cha tôi và người đàn bà cha nhặt ở bến Trầm, còn người đàn bà sinh ra tôi đã bỏ dòng sông cùng những chuyến phiêu bạt gió sương đi đâu không rõ. Ngày bà bỏ tôi và cha ra đi có một phần lỗi thuộc về tôi, còn cha tôi, từ ngày bà bỏ đi, cứ uống rượu là ông chửi mặc dù không hề nhắc đến tên ai nhưng tôi biết, người ông nguyền rủa, thâm thù, cay đắng không ai khác chính là bà, người được ông nhặt lên từ mó bỏ mồi cá ngày nào. Cũng sau ngày bà bỏ đi, đến bến nào, nghỉ ở khúc nào, miễn là nơi chiếc thuyền có thể cắm sào, gặp người đàn bà nào có thể nhặt được là ông nhặt. Rồi như con thuyền, cắm sào một chốc một lát nhổ neo đi, người đàn bà ông nhặt ấy sau một vài ngày ông cũng nhổ cọc rút sào đi luôn, vứt trả lại bờ không thương tiếc.

Mờ sáng tôi dậy thu xếp chài đem buộc lên cái cọc cắm ở đầu thuyền như cây nêu để phơi, công việc này trước đây là của mẹ tôi, còn bây giờ, tất cả những người đàn bà kia, những người ông nhặt sau bà đều không được làm. Khi tôi lụi cụi phơi chài, cô Hến hì hụi nhóm lửa phía cuối thuyền thổi cơm. Tôi đang đứng trên mui giũ chài thì thấy loảng xoảng rồi tùm tũm xoong nồi, rổ rá và cả chiếc kiềng gang ba chân theo nhau rơi xuống sông. Đuổi theo tiếng đồ vật rơi là tiếng chửi của cha tôi, tiếng chửi nhằm vào cô Hến chứ không vô chủ như mọi lần, lời chửi gay gắt và độc địa.

- Đồ ngu, mày nhóm bếp thế thằng bố mày ngủ được à. Mày không biết làm gì hơn việc cong tưỡn cái mông lên hay sao.

Khốn nạn. Không, sự khốn nạn đến tận cùng nhưng người đàn bà cha tôi nhặt trên bến sông Trầm vẫn không hé răng nói lấy một lời, cô nhẫn nhịn chịu đựng, nem nép chui qua khoang nhà thuyền ra phía đầu mũi ngồi lặng lẽ lấy vạt áo chấm chấm mắt. Khổ quá, ở thuyền sáng mai ra đàn bà con gái không bao giờ được ra mũi thuyền ngồi, vừa ăn chửi xong lại ra đấy không chừng vớ cái đạp lộn xuống sông bây giờ. Nghĩ thế tôi bỏ dở công việc len lén tụt xuống kéo cô lên mui ẩy về cuối thuyền trong khi cha tôi chui lại khoang trùm chăn ngủ tiếp. Việc cô để khói khi nhóm bếp bay vào trong khoang chẳng qua tôi biết, khi ngủ, bao giờ bố tôi cũng cắm hai sào, một phía mũi, một ở cuối để phòng khi đêm trở gió thuyền không xoay ngang xoay dọc làm mất giấc. Sáng ra, khi nấu cơm phải nhổ sào tháo dây phía cuối thuyền để cho thuyền ngược hướng gió nấu nướng khói mới không vào khoang. Cô Hến người trên bờ biết làm sao được điều này nên sáng ra cứ thế nhóm bếp làm khói bay vào khoang, mà khoang nhỏ thì có khác gì hun chuột, ngột ngạt và hơi khói khó ai có thể ngủ được. Bài học vỡ lòng đời thuyền không xong chắc không sớm thì chày cô Hến lại được cha tôi vứt lên bờ như những người đàn bà khác.

2- Những người đàn bà đi qua cuộc đời cha tôi đều là những người ông nhặt được trên sông và trên bờ từ những chuyến đi kiếm ăn lênh đênh sông nước. Người đàn bà đầu tiên và cũng là người sinh ra tôi là người ông nhặt được từ một mó bỏ mồi cá.

Người làm nghề chài lưới trên sông không phải ai cũng có nghề như nhau mà thực ra mỗi người, mỗi vạn chài có một nghề riêng mà bây giờ mọi người cứ bảo nó là nghề truyền thống ấy. Có người cả đời sông nước chỉ sống độc một nghề thả câu, có người buông lưới, có người quăng chài, có người đi te hay đóng đăng, đóng túi. Cũng như cha tôi, cả đời chỉ có một nghề đánh chài mò. Trong các nghề sông nước, nghề chài mò là nghề vất vả nhất.

Người làm nghề chài mò phải có sức khoẻ, khả năng lặn sâu, lâu, chịu được sức ép của nước, ai không có sức khoẻ làm nghề này rất nguy hiểm đến tính mạng. Đã có một vài người tưởng nghề chài mò dễ kiếm ăn lao vào, hôm trước hôm sau phải bỏ vì không chịu được. Độ sâu để đánh chài mò thường phải từ hai mét trở lên. Mỗi khi quăng chài, người đánh phải lặn xuống, dùng chân dận cho bốn xung quanh mép chân giềng chài ngập sâu vào bùn mà phải làm nhanh nếu không cá sẽ theo mép chân giềng chui ra ngoài. Người chịu được không sao, người nào yếu, khi làm xong việc đó, lúc nổi lên mặt nước ộc máu mồm máu mũi, nếu ai chảy máu tai coi như cầm chắc cái chết.

Công việc đánh chài mò cũng rất phiền phức, nhiêu khê. Để đánh chài mò, trước tiên người đánh phải lặn xuống sông lấy tay hoặc chân gạt lớp bùn non, đào một cái hố sâu khoảng hai mươi đến ba mươi phân, rộng bằng cái thúng rồi bỏ mồi vào đó. Cái hố bỏ mồi đấy người ta thường gọi là mó bỏ mồi. Mồi để đánh thường làm bằng cám rang, trộn với thóc, phân người tươi, phân trâu bò và các loại xác giun, cào cào châu chấu. Sau khi đã trộn các loại đó với nhau, người ta lại đem trộn với bùn rắn hoặc đất thịt cho thật nhuyễn rồi chia chỗ mồi đó thành nhiều phần, mỗi phần là mồi của một mó làm sao nắm mồi đó to bằng cái ấm chuyên pha trà là được. Ngày còn bé, mỗi khi cha tôi làm mồi thường bắt tôi phải ị vào cái vại sành để lấy phân trộn mồi. Hôm nào không muốn đi phải rặn đến đỏ cả mặt nổi gân nổi guốc cực khổ. Những lần như thế ông thường chửi tôi là đồ toi cơm, vô tích sự rồi đuổi tôi ra và kéo quần ngồi luôn vào đấy làm công việc cung cấp nguồn nguyên liệu làm mồi. Mà cũng lạ, cái giống cá chép sông sao thích loại mồi có phân người tươi thế không biết. Các loại khác có làm thơm đến đâu mà không có phân tươi là nó không chịu vào mó ăn.

Người đàn bà sinh ra tôi và cũng là người cha tôi nhặt được trên sông chính từ cái mó bỏ mồi ấy.

Năm ấy mùa đông như kéo dài hơn, rét nhiều hơn, cá mú dường như cũng ít hơn và con người sống cũng ít tốt hơn. Ấy là theo cha tôi nói thế chứ tôi lúc đó còn đang ở bờ tre gốc dứa nào chưa biết. Sau khi đã uống cạn bát nước mắm trước khi xuống nước, ông quăng chài, nhưng chả hiểu sao, đáng lý phải quăng chài bẩy, nghĩa là chài dài sải ba (bẩy thước bắc bộ, mỗi thước bốn mươi phân, chài bẩy chiều dài bằng hai mét tám) ông lại quăng chài chín. Vì chài chín quá dài, cá dễ lặn xuống bùn chui qua giềng ra ngoài nên ông quăng chài xong sực nhớ ra vội vàng xuống sông ngay. Sau khi lặn dận chân giềng ông có cảm giác không có cá, vì như mọi lần, khi lặn dận chân giềng là thế nào cũng chạm cá lao ra. Giống cá chép, khi bị động thường tìm một chỗ bùn lõm để ép mình vào đó tránh. Đánh chài mò, quăng chài xong phải xuống dận chân giềng để cá khỏi ra ngoài và cũng là để cho cá rúc xuống chỗ chân vừa đi, chính chỗ đó đã có các túi lưới, cá vào đó rồi thì không thể nào ra được. Đấy cũng chính là thói quen chết người của bầy cá chép sông, cứ tưởng tránh được cái chết ai ngờ tự chui đầu vào chỗ cho người làm thịt.

Linh tính mách bảo thế nào, nếu như mọi lần, sau khi lặn dận chân giềng xong thường phải lên thuyền ngồi chờ mươi mười lăm phút, đợi cho cá rúc chân giềng mới xuống mò thì ông lại xuống mò ngay. Lặn mò hết cả một vòng chân giềng không thấy cá lao ra động chân giềng ông bèn lặn vào kiểm tra mó mồi. Và ông đã thấy người đàn bà sau này sinh ra tôi nằm cuộn tròn trong mó, cục mồi hết sạch. Chẳng nghĩ ngợi gì, ông để chài đấy đưa bà lên bờ, dốc ngược hai chân vào vai, đầu chúc xuống đất cứ thế ông chạy.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi là những ngày lênh đênh sông nước, nay đây mai đó, không có điểm dừng. Nơi cha tôi thả mồi và nhặt được bà từ mó cá không bao giờ ông cho thuyền về đó đậu. Đêm đêm ngày ngày tiếng cá quẫy lòng thuyền là niềm vui của gia đình, nhiều khi cái âm thanh tù túng, vây hãm của bầy cá trong khoang làm tôi toét miệng cười. Tiếng cười, nét mặt tôi khi đó như thế nào không rõ nhưng mỗi khi như thế cha tôi thường nhăn mặt có vẻ khó chịu. Năm tôi lên bẩy tuổi, có một lần mẹ rắng với cha.

- Con nó năm nay đến tuổi đi học rồi đấy, ông xem gửi con vào đâu cho nó học kiếm cái chữ kẻo rồi lại vất vả cả đời như cha mẹ, nó lại oán trách sau này.

Vẫn giữ nguyên nét mặt đầy khó chịu, cha bảo, giọng rít qua kẽ răng.

- Thằng bố nó không học có chết đâu, vẫn sống nhăn răng ra đấy thôi. Học vào rồi mà nứt mắt tý tởn. Không ăn mới chết chứ không có chữ chưa thấy ai chết bao giờ.

Nghe ông nói, nét mặt mẹ đang tươi như hoa bỗng xịu xuống chẳng khác gì gặp trận gió quét, rũ xuống, bã bời, tơ tướp. Không phải đi học tôi càng thích. Tôi nhẩy cẫng lên, để nguyên cả quần áo tôi lao rầm xuống nước, lặn một hơi bơi ra rõ xa mới ngoi đầu lên. Túm tóc đuôi gà bết nước cuốn chặt lấy cổ. Mẹ tôi thấy thế giấu mặt vào sau tay áo.

Cuộc sống nhà tôi cứ thế, đều đặn diễn ra. Sáng mẹ lấy vợt xúc cá dưới khoang thuyền mang đi chợ bán đong gạo, mua rau dưa, dầu đèn và các thứ linh tinh khác. Chiều cha làm mồi rồi chờ chập choạng mang ra bỏ mó, đợi khi trăng lên hay gió nổi hây hẩy, mẹ chèo thuyền cha đứng đầu mũi nhẹ nhàng lướt đến chỗ chiều cha bỏ mồi. Bao giờ mũi thuyền cách mó bỏ mồi chừng sải tay, mẹ dựng mái chèo cho thuyền đứng lại. Cha trên đầu mũi, hơi xoay, vặn người về sau rồi cũng rất diệu nghệ, ông tung chiếc chài lên nở bồng trên mặt sóng, đường chân giềng đã được kẹp chì bung đều vòng tròn, chụp xuống chỗ đã bỏ mồi. Tiếng chân giềng chạm mặt nước chỉ nghe cái rụp. Chỉ bằng một cú quăng ấy lũ cá trót dại vào ăn trong mó khó lòng thoát khỏi bàn tay của cha. Trong khi chân giềng chìm dần từ mặt nước xuống chạm lớp bùn dưới đáy, nếu là mùa đông, cha bưng bát nước mắm đặc sánh uống một hơi rồi nhẹ nhàng như con rái cá cha lao xuống sông lặn dận chân giềng cho ngập sâu vào bùn. Bao giờ đường chân giềng chắc chắn đã được giấu sâu trong bùn khi đó mới thấy ông ngoi lên mặt nước. Mỗi lần quăng như thế cha thường phải lặn lên lặn xuống từ năm đến sáu lần. Một đêm, cha thường bỏ ít mười mó, hôm nào thấy có nhiều tăm ông làm mười bốn mười lăm mó. Những hôm như thế, tiếng cá tranh phần nước lấp sấp trong lòng khoang thuyền lục cục cả đêm. Gặp những ngày như thế, tôi phải lên trên mui ngủ, còn cha tôi sẽ lên trên mũi, mẹ tôi, bà phải xuống ngủ phía đuôi, nơi cạnh bếp để sáng mai cơm nước sớm cho cha và chuẩn bị đi chợ. Chẳng biết có phải vì làm nghề chài mò lặn nhiều hay không mà ngực cha tôi vồng lên, những thớ thịt căng đầy cuồn cuộn những cơ là cơ. Vồng ngực căng đầy của cha tôi theo năm tháng làm nghề chài mò lép dần xuống không khác gì người con gái xuân thì theo tuổi tác ọp ẹp, xẹp xuống rồi chảy dài ra nhễu nhão.

3- Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ước giá không có cái buổi chiều khốn khó đó thì đã không mất mẹ, cuộc sống của cha con tôi cũng có khi vẫn chung niềm vui ăm ắp tiếng cá quẫy hằng đêm trong lòng khoang thuyền rộn rạng. Mẹ tôi sáng sáng vẫn te tái cơm cơm nước nước lo cho cha và tôi cùng lời nhắc nhở trước khi cắp chiếc rổ lên bờ đi chợ. Rằng hai cha con ở nhà chờ bà chợ về cơm nước, đừng sợ muộn mà tự nấu nướng lấy rồi cả nhà lại phải ăn cơm sống. Và tôi, từ lúc mẹ bước lên bờ sẽ leo lên mui ngồi ngóng bà chợ về mua cho bơ bò hạt dưa người ta nhuộm phẩm nhấm nhắt cho đỏ môi. Còn cha, bà sẽ mua cho lạng thuốc lào. Nhận gói thuốc từ tay bà, ông vân vê, vuốt vuốt từng sợi, viên viên hạt bi đặt nhẹ nhàng vào chiếc nõ đã được lấy mũi dao nhọn khoét, gọt, gạt những bớn khói thuốc bám đen xung quanh, tay gẩy gẩy chiếc đóm ruột tre ngâm phơi khô, hơ hơ trên miệng điếu rồi hút một hơi thật sâu, tiếng nõ nổ tanh tách. Đoạn, ông ngửa cổ, chụm môi nhẹ nhàng nhả từng sợi khói phơ phất bay mỏng mảnh như dây chỉ trắng lên trời. Cha quay ra khen: Hôm nay bà nó mua thuốc lào của ai mà hút có hậu thế. Nói có khi chưa xong câu, ông đã nằm quay ra sàn thuyền lơ mơ nghĩ những gỉ những gì không biết và bật cười. Mẹ nghe thế nguýt cha một cái rõ dài, tủm tỉm cười theo. Tôi thực lòng chẳng hiểu đầu đuôi thế nào cũng lăn xuống sàn, giơ hai chân lên trời giẫy giẫy cười hùa theo. Đêm ấy không có gió, thuyền nhà tôi cũng bồng bềnh, dập dềnh nô giỡn với sóng, trăng và nước.

Ấy là ước giá thế thôi chứ cái cảnh đó bây giờ nó đã quá xa với tôi rồi. Tôi cũng không còn nhớ là đã phải xa nó năm năm hay sáu, bẩy năm gì nữa, xa như tiếng cá quẫy lòng khoang thuyền của cha con tôi bây giờ vậy. Nhiều hôm thấy tôi ngồi bần thần ông chửi.

- Nhớ nhớ nhung nhung cái gì. Cái mặt mày rồi lại như con đẻ mẹ mày, quân ăn cháo đá bát. Loại người gì sống không bằng loài chó. Mà chó nó cũng không bao giờ bỏ con như cái con mẹ mày đâu. Ngồi đấy mà thuỗn cái mặt rặn ỉa ra cho ngứa mắt.

Ông chửi thế tôi phải chịu chứ thực lòng, không phải tôi không có lúc giận mẹ. Cái ngày đầu tiên tôi có tháng, thấy máu tự nhiên chảy ra tôi lo đến thắt gan thắt ruột. Tôi học cách người ta cầm máu, vơ không biết bao nhiêu là lá, nhai rồi đắp đến mỏi cả mồm, căng cả bụng nước mà nó vẫn cứ chảy. Bực mình, tôi phải lấy cả một vạt áo cuộn nút lại mới được. Tháng đầu tiên của người con gái tôi phải mất cả cái áo cánh trắng chĩ chụm chắt bóp mãi mới có được. Cũng may, sau đó hơn tuần cha tôi nhặt được một người đàn bà ở trên bến Sủi đã bảo cho tôi biết. Người đàn bà này cũng chỉ kịp bảo cho tôi biết cách làm thì cha tôi đã lại vứt trả bà lại bờ. Giá tôi có mẹ thì làm sao tôi phải mất oan cái áo như thế, làm sao phải một người đàn bà lạ hoắc dạy bảo tôi chuyện đó. Những lần như thế tôi giận mẹ lắm, chỉ có điều, tôi giấu cái giận vào trong sâu mà thôi. Giận thì giận nhưng tôi vẫn nhớ bà nhiều lắm. Giận mẹ một tôi căm thằng chủ cai thầu thợ đấu gấp mười, thậm chí cả trăm lần. Chính nó đã làm tôi mất mẹ và cũng chẳng biết bây giờ mẹ tôi đang phiêu bạt nơi nào. Sau lần ấy nó đã giũ áo bỏ đi để mặc mẹ tôi gánh chịu. Cũng chính nó làm tôi bây giờ nhìn mặt bất cứ thằng đàn ông nào trên đời cứ thấy gian gian, đểu đểu, không thể tin được. Tôi luôn cảm thấy sự khốn nạn ẩn chứa sau vẻ mỹ miều, ngon ngọt, chả biết có đúng thế không.

Năm ấy khúc sông Ghềnh sao nhiều cá đến thế, cha tôi đánh cả tháng mà tăm vẫn sủi lên như bong bóng mưa. Không mấy khi gặp được nơi như thế, cha quyết định dừng thuyền ở đấy chứ không như những lần khác, chỗ nào nhiều nhất cha cũng chỉ cắm sào hai đến ba hôm là cùng rồi lại nhổ neo đưa thuyền sang khúc khác. Theo ông, đánh bắt mãi một chỗ cá chẳng kịp lớn rồi ra chẳng còn cửa mà làm ăn. Sống nhờ cá mà không biết cho con cá kịp lớn, kịp sinh đàn dài lũ thì cũng là quân vô ơn bạc nghĩa. Những chỗ đã đánh bao giờ cha tôi cũng phải đợi hai ba năm sau mới quay lại. Có nhiều khúc sông, khi thuyền nhà tôi quay lại tôi còn không nhận ra nơi ấy đã từng neo đậu vì cảnh vật thay đổi quá nhiều, mặc dù sự thay đổi thường là chán đi chứ chẳng mấy chỗ đẹp lên. Chỗ thì làng mạc tiêu điều xơ xác, cây cối chẳng còn xanh tốt như ngày đến. Chỗ thì bãi lở vào sâu nhôm nhoam, ghẻ lở. Nơi hàng chục chiếc tàu hút cát hùng hục đào bới, tiếng máy nổ rồi khói, váng dầu xả ra đen đặc cả khúc sông. Cái sự mưu sinh của con người cũng ghê gớm, tham lam vô cùng, nó không có một giới hạn nào cả, chẳng biết như thế nào cho đủ. Gặp những cảnh như thế, cha tôi thế nào cũng chửi đổng vài câu rồi mới cho chèo thuyền đi khúc sông khác.

Cũng vì nhiều cá cha tôi cho thuyền neo lại lâu nên việc sáng sáng mẹ tôi đi chợ cũng thành thói quen của nhiều người gần bến. Có một lần mẹ cho tôi theo đi chợ. Từ bến đậu thuyền nhà tôi đến chợ cứ theo con đường nhựa chả biết làm từ bao giờ nhưng đến nay nó đã trốc mặt, những hố là hố, có nhiều cái to hơn cả mó bỏ mồi của cha tôi. Hai bên đường, dọc theo con ngòi, người ta thi nhau đẩy thuyền, những chiếc thuyền nan đầy đất quật thành từng ô vuông vức lấp mấy đoạn ngòi. Mẹ bảo tôi người trên bờ đất chật người đông nên không còn đất để ở phải lấy đất dưới lòng các con ngòi rồi quật cao làm nền nhà. Sống mỗi người mỗi nhà nhưng chết phải chung nghĩa địa, cái lý của người trên bờ là thế. Mẹ thở dài.

- Bao giờ nhà ta mới có tấc đất cắm dùi. Sống không có đất ở, chết không có đất chôn.

Nghe mẹ than thở nhưng thực lòng lúc ấy tôi chả hiểu gì chỉ nghĩ nhà tôi cần gì đất làm nhà. Cả nhà sống trên thuyền, ăn nước sông, uống nước sông, sống nhờ sông. Khúc sông này còn cá thì ở, hết cá thì đi, nhổ con sào đẩy một cái là đã đến chỗ khác. Ở nhà thuyền, mùa hè thì mát, màu đông thì ấm, con cá con tôm lúc nào cũng tươi, nhẩy tanh tách chả sướng gấp mấy lần trên bờ phải chen nhúc chật chội hay sao. Mẹ tôi ước làm gì cho khổ. Nhìn những người lặn ngụp, ngâm mình dưới nước vác lên từng tảng đất vất lên thuyền rồi lại phải quật cao thành gò thành ụ để làm nhà sung sướng nỗi gì. Mẹ bảo tôi những người ấy là thợ làm đấu. Những người này ăn khoẻ lắm, vì thế mới có câu ăn đấu làm khoán. Cả ngày ngâm mình dưới nước nên lúc nào cũng đói. Chả trách cha tôi mỗi bữa ông phải ăn bẩy tám bát vẫn kêu đói. Tôi len lén nhìn những người thợ đấu, người nào người nấy vâm váp, bắp tay, cơ ngực cuồn cuộn như dây chão, dây lèo giằng chèo, kéo cột dựng buồm.

Khi hai mẹ con tôi đi qua chiếc lều bạt dựng cạnh đường, nơi có chiếc xe máy mầu đỏ dựng bên cạnh thì có ai đó gọi.

- Này cô chài, có cá tươi bán cho mấy mớ.

Nghe tiếng gọi, mẹ tôi tong tả đến trước cửa lều, đặt rổ cá xuống đon đả.

- Hôm nay em có mấy mớ cá còn tươi lắm. Mấy anh xem mua cả giúp em cho gọn.

Từ trong lều đi ra là một người đàn ông cao ráo, khuôn mặt vuông vức, hàng râu mờ mờ xanh bao kín cả hai bên má xuống cằm. Đi sau anh ta là ba bốn người đàn ông khác. Một người trong đám nghe mẹ tôi nói thế cười, sán ngồi xuống bên cạnh.

- Cá của em thì tươi rồi nhưng có lạ không em?

Người đàn ông vừa nói dứt mấy người đi theo cười hô hố, nhe cả hàm răng to như bàn cuốc, đen thui đít nồi. Mẹ tôi đỏ mặt xấu hổ. Người đàn ông cao ráo có khuôn mặt vuông vức lườm, thấy vậy mấy người kia vội im bặt.

- Cô đừng giận, họ hay đùa tếu táo thế thôi. Hôm nay tôi có nhiều thợ làm. Cô lấy bao nhiêu để tôi mua cả. Cá nhà cô bán là cá sông, tự nhiên, mấy hôm trước tôi mua của cô, kho mặn mà ai ăn cũng khen ngon, thịt thơm lắm.

Giọng người đàn ông nhẹ nhàng, thủ thỉ nghe ấm áp.

- Người xinh thì cá cũng ngon phải không cô. Hôm nào có cá cứ mang đến đây tôi mua cả cho không phải đi chợ bán nữa, vất vả người bán mà cá cũng mất tươi.

Mẹ tôi lại đỏ mặt, lấy tay kéo vành nón giấu khuôn mặt đang hồng lên sau lời khen. Hôm ấy hai mẹ con tôi đi chợ không phải lo bán cá nữa nên có thời gian cho tôi đi chơi chợ, mua sắm các thứ. Mẹ mua cho cha và tôi mỗi người một bộ quần áo mới. Vui quá tý nữa thì hai mẹ con tôi quên đến giờ về nấu cơm trưa. Tôi vui ra mặt, nhảy chân sáo suốt đường về. Còn mẹ, tôi đoán, chắc mẹ cũng vui nên thỉnh thoảng cười tủm, hai má hồng hồng dưới vành nón. Một quãng mẹ lại gỡ nón nhìn nhanh vào chiếc gương nho nhỏ mà người ta khéo léo gài phía trong áp chóp.

Thuyền nhà tôi cắm sào ở lại khúc sông này đã lâu mà nhìn xuống nước vẫn thấy tăm cá nổi lên. Sáng ra, cha bảo mẹ mang hết cá ở khoang chứa đi bán, không cần để dành làm gì, đánh tối nay nữa rồi đi. Mẹ tôi bảo ông đang đánh được tại sao lại đi vội thế. Ông lừ mắt nhìn mẹ giọng chì chiết.

- Cá đánh lắm cũng hết, người ở lâu dễ hư. Ma quỷ yêu quái chẳng qua là ở mãi một chỗ mà thành. Mèo già hoá tinh thành cáo, chó dữ nuôi lâu phát rồ. Đi hay ở cô không phải nói nhiều, tôi khắc biết.

Nói đoạn, ông chui vào khoang lấy bộ quần áo mẹ mua cho hôm có tôi đi cùng mặc vào. Sau khi đã lên bờ ông quay lại nói vọng xuống thông báo ông đi ăn cưới ở vạn chài khúc sông trên trưa nay không về. Ông còn dặn ở nhà hai mẹ con chuẩn bị sẵn mồi chờ ông về để bỏ mó. Mẹ bắt hết chỗ cá đi chợ, còn tôi, mấy đứa trẻ trâu xóm bãi rủ đánh trận giả rồi chơi trò trốn tìm. Tôi lật mấy tấm ván đầu mũi thuyền chui nấp vào trong đó, xong lắp lại như cũ. Tôi nấp ở đây tài thánh cũng không ai có thể tìm được. Nằm cuộn trong khoang mũi trốn, tụi trẻ xóm bãi rà đi rà lại tìm mấy lần không thấy chúng bỏ đi nhưng tôi nghĩ chúng nó giả vờ để lừa tôi ra bắt nên cứ yên trí nằm trong đó mặc cho chúng nó đi tìm. Đánh trận giả đã thấm mệt bây giờ nằm trốn trong khoang mũi nên tôi lúc đầu chỉ nghĩ lim dim một chút cho đỡ mệt ai ngờ ngủ béng đi mất. Khi tôi đang ngủ thì thuyền tròng trành làm đầu tôi đập vào khung xương gá ván tỉnh giấc. Tôi chưa kịp lật ván chui ra thì đã nghe thấy tiếng thở dốc của mẹ và giọng nói nhẹ nhưng rất ấm giống tiếng người đàn ông mua cá hôm trước ở chỗ làm đấu rằng mẹ làm ông ta mệt quá. Tôi hé mắt qua khe ván, chiếc xe máy mầu đỏ đang dựng bên vệ đê lối xuống bến. Tôi cứ nằm trong khoang mũi chờ cho mẹ và người đàn ông bước đến chỗ xe máy tôi mới lật ván chui ra, ngồi bệt xuống mặt sàn. Khi mẹ trở lại thuyền thấy tôi ngồi sẵn đó, bà ngồi xuống cạnh hỏi có phải vừa ở trong khoang mũi không. Tôi không trả lời nhưng tự nhiên tôi oà lên khóc, gạt bà ngồi ra xa.

Câu chuyện vỡ lở, tôi tưởng cha sẽ đánh cho mẹ một trận hay phải gầm lên chửi mắng. Nhưng không, cha bắt mẹ đến xin người đàn ông ấy một đồng tiền mà không cần biết tiền to hay nhỏ. Sau khi mẹ mang về đưa cha, ông vuốt cho phẳng phiu rồi cất kỹ vào một chỗ. Cũng từ hôm ấy, ông giặt chài phơi phong thật khô cho vào chiếc hòm sắt khoá lại, không làm nghề chài mò nữa. Đến bữa, trước khi cả nhà ăn cơm, ông lại lấy tờ tiền ấy ra, đặt lên mâm và bảo tôi, giọng rất nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn nhận ra tiếng gió rít nhẹ trong kẽ chân răng.

- Con cứ ăn đi. Từ nay nhà ta không ai phải làm gì nữa đã có mẹ con đi làm kiếm tiền về nuôi bố con mình rồi.

Một tuần ròng rã, tôi nghe mẹ van xin cha nhưng ông vẫn tịnh như không nghe thấy gì. Mỗi bữa ăn là nước mắt mẹ lưng tròng chan cơm. Rồi một sáng, mẹ cắp rổ đi chợ và không bao giờ trở lại nữa. Đến tối, cha không thấy mẹ quay về, ông bỏ buổi đánh chài, chèo thuyền đúng ba ngày ba đêm đưa tôi sang khúc sông khác. Và khi ấy ông mới làm nghề chài mò trở lại nhưng cũng từ đấy ông đổi tính đổi nết, hay uống rượu và thường đưa những người đàn bà lên thuyền, rồi sau đó một hai hôm ông vứt trả lại bờ. Cá đánh được ông không cho mang lên chợ bán, ai muốn mua xuống bến nói cần con to hay nhỏ, nặng bao nhiêu là ông chui vào khoang, lật tấm ván lát thuyền bắt mang lên.

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy căm thù mấy đứa trẻ trâu xóm bãi đã rủ tôi chơi trò trốn tìm. Tôi muốn đập nát cái khoang mũi để cho tôi nằm trốn trong đó. Tôi hận với chính tôi đang chơi lại lăn ra ngủ và tại sao lại tỉnh giấc vào lúc ấy. Liệu hôm đó tôi cứ lang thang chơi với lũ trẻ trâu xóm bãi bắt cào cào châu chấu hay trò ném pháo đất thì mẹ có phải bỏ tôi đi như thế không? Và nữa, nếu cha không căn vặn tôi vì sao lại khóc, bỏ cơm không chịu ăn để tôi phải nói cho cha biết? Nếu tôi biết nói dối? Nếu cha không ném đồng tiền năm nghìn xanh lét xuống mâm trước mỗi bữa ăn cùng câu nói mười lần như một thì mẹ có ở lại với cha và tôi không? Mẹ bỏ tôi mà đi có một phần do lỗi của tôi? Mẹ ơi, giờ này mẹ đang phiêu bạt nơi nào. Thương mẹ, nhớ mẹ, tôi chỉ dám gọi thầm trong bụng.

4- Có một chiều chỉ có hai cha con ngồi ăn cơm trước khi ông đi bỏ mồi tôi hỏi.

- Tại sao lại có sông hả bố?

Vừa bưng bát cơm lên và, ông nói giọng còn lụng bụng trong miệng.

- Vì đời sinh ra bố.

Nghe ông nói thế tôi không dám hỏi thêm kẻo bát cơm ông đang bưng trên tay có cánh bay sang mặt tôi. Mấy năm trước, cha tôi cũng nhặt được một người đàn bà trên bờ đưa xuống thuyền. Cô này nói luôn mồm, thấy cái gì cũng hỏi mà hỏi đến cu ty tỷ muội. Một lần cũng trong bữa ăn, cô hỏi bố tôi về chuyện tại sao con sông này có tên gọi là Bo, con sông kia có tên là Mã, con sông nọ có tên là Sứ. Sau mấy câu trả lời ậm ừ, cô ấy cứ hỏi mãi. Chẳng nói chẳng rằng, ông ném luôn bát cơm đang bưng trên tay vào mặt, chửi.

- Miệng thối như cứt mà ăn cơm cứ nói lắm. Bọt phun phè phè ra hết mâm còn ai dám ăn. Cô về hỏi thằng bố cô ấy.

Dứt lời, ông đứng lên bế thốc cô ném thẳng lên bờ, nhổ neo đẩy thuyền đi tịnh không thèm ngoái đầu nhìn lại. Tính ông là thế, không thích lằng nhằng, làm chài thì cứ việc giỏi bỏ mồi bắt cá, ông chúa ghét thói lính canh ngó chuyện triều đình, đầu không ra đầu mà cuối cũng chẳng ra cuối, vạ rách chuyện. Ăn cơm mốc nói chuyện tám thơm. Biết tính ông thế nên tôi thôi. Ừ, thì cứ coi ông là dòng sông đi. Sông cũng có khúc lở khúc bồi, khúc trong khúc đục, có tội lỗi, có tật nguyền như con người trên bờ kia, cũng có kẻ này người nọ, nếu không làm sao mẹ bỏ tôi khi mới hơn mười tuổi đầu mà ra đi cho được.

Để giúp cô Hến nhóm lửa nấu cơm, tôi nhẩy xuống sông mò tìm lại mấy thứ cha tôi vừa quăng xuống nước. Với tôi, không nói khoác, là con gái thật đấy nhưng chuyện bơi, lặn khó có thằng trai trên bờ nào thắng nổi. Có một lần duy nhất trong đời cha nói vui với tôi. Ông bảo tôi sau này lấy chồng, nếu nó léng phéng con cứ lôi nó xuống sông mà dần.

Ăn cơm nước xong cả nhà đang chuẩn bị nhổ sào chuyển đi khúc sông khác thì chả hiểu sao, cô Hến múc nước rửa bát ngã xuống sông. Tôi còn đang mải thu dọn các thứ, sắp xếp cho gọn, vì trong ngôi nhà thuyền rộng năm, sáu mét vuông nếu không biết cách sắp xếp thì đến chỗ đặt chân cũng chẳng có. Thực ra công việc này là của cô Hến vì dù muốn hay không cô cũng là người phụ nữ nhiều tuổi nhất trong nhà, thương cô nên tôi làm giúp. Mới lại, không biết cô có tồn tại bên cha tôi được lấy ba bẩy hai mốt ngày không hay lại như những người đàn bà trước đây, lâu thì một ngày, nhanh thì một đêm đã bị ông quẳng lại bờ cùng mấy tờ bạc nhàu nhĩ tanh mùi cá. Dẫu sao, tôi cũng là người biết tính biết nết của cha và đã quen với sự sắp đặt trong khoảng không gian chật chội này rồi. Mải làm nên khi cô ngã xuống sông tôi không để ý và với những người nhà chài như cha con tôi, ngã xuống sông là chuyện vặt. Rơi xuống rồi thì bám vào thành thuyền mà trèo lên. Người nhà chài có ai chết đuối bao giờ. Còn cha tôi, khi cô ngã ông biết nhưng mặc. Với ông, muốn ở nhà chài thì phải biết tất cả những gì của đời chài cần có, cho dù nó vất vả, khốn khó đến mấy, bằng không, quy luật cuộc sống sớm muộn nó cũng đào thải. Con người ăn, uống vào rồi cũng phải thải ra, không thải ra được sẽ chết. Nhìn thấy cô ngã song ông vẫn ngồi điềm nhiên hút thuốc.

Đời chài động một tý là chạm nước, không những thế, tất tần tật những gì gọi là sự khắc nghiệt của thiên nhiên người chài phải chịu hết. Từ nắng mưa đến bão gió, người làm chài phải hứng chịu như người trên bờ, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì thường phải chịu trực tiếp chứ không được nương tựa vào đâu, được sự che chắn của cộng đồng. Rồi hơn thế, vào mùa lũ, người trên bờ làm ầm ĩ lên nhưng thực ra cũng chỉ nói cho to, đứng để xem chứ có làm được gì. Người làm chài thì khác, phải trực tiếp đối diện với những gì mà người trên bờ lo cuống lo cuồng lên ấy. Lũ, năm nào chả thế. Lũ đến rồi đi, dăm bẩy lần cũng chả nhằm nhò, hề hấn gì. Lũ là việc của trời, còn chúng tôi, đánh chài bắt cá là việc của chúng tôi. Trời có lúc nắng lúc mưa thế thôi. Để tồn tại được những người sống trên sông nước phải tự thích nghi với cuộc sống.

Ngày mới lên hai, để có thể tồn tại được với cuộc sống sông nước, cha ném xuống sông mặc tôi chìm nổi tập bơi. Ông cứ bỏ mặc tôi giẫy giụa quẫy đạp trong nước chỉ đến khi nào sắp chìm mới lấy vợt xúc lên. Những ngày đầu tôi uống căng bụng nước, ông xúc lên, cầm hai chân dốc ngược rồi quay vòng tròn cho nước tháo ra ngoài. Mẹ tôi thắt gan thắt ruột nhưng không thể làm trái ý ông. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cứ chiều chiều là ông quẳng tôi xuống nước. Lúc đầu chân tay còn quềnh quàng như chó, lũm bũm đập nước để ngoi lên, sau rồi quen dần, tôi tự học được cách bơi như thế nào cho nhanh, cho đỡ tốn sức. Những đứa trẻ dân chài lên hai phải biết bơi, lên ba phải biết chèo thuyền, vá lưới, nhìn chài phải phân biệt được chài năm, chài bẩy hay chài chín. Lên bốn phải nhìn sóng biết gió, nhìn nước biết độ nông sâu. Năm tuổi, nhìn tăm biết cá, biết mùa đi đàn tìm nơi sinh sản. Sáu tuổi, đêm nằm ngửa mặt lên trời biết mai nắng mưa hay bão gió, bấm đốt ngón tay tính được ngày con nước. Bảy tuổi đã trở thành dân chài thực thụ, một mình có thể xoay sở tự kiếm sống, xoè bàn tay chai dày như người làm rèn, đánh búa. Cha bảo tôi, chẳng có trường lớp nào bằng cuộc sống thực tiễn, để sống con người phải tự biết làm gì. Kẻ ở rừng phải biết cưỡi ngựa bắn cung. Kẻ làm ruộng phải biết cày, bừa, cấy lúa. Kẻ sông nước phải biết bơi lặn, quăng chài.

Khi chợt nhớ ra cô Hến là người trên bờ làm sao biết bơi như tôi thì cô đã chìm dưới nước không còn thấy cánh tay giơ lên quờ quạng cầu cứu. Từ trên mui thuyền tôi lao vội xuống sông, lúc này chắc cha tôi cũng nhận ra cô Hến không phải người đời chài, ông phóng mình từ trong khoang lao xuống không khác gì con nhái.

Tôi không nghĩ sau sự việc xảy ra cô Hến lại là người chủ động ra đi mà không cần cha tôi quăng trả cô lại bờ như những người đàn bà khác. Trước lúc đi, cô nói với cha giọng thật nhẹ nhàng mà sao nghe tha thiết, chân chất mộc mạc.

- Em biết rồi anh cũng ném trả em lại bờ như những người phụ nữ khác. Để anh làm điều đó anh vừa mang tiếng mà em cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì, một ngày nên ngãi, em xin đi để giữ tròn điều tiếng cho anh. Trước khi xa anh và con, em chỉ xin nói với anh một điều, hận thù chỉ làm cho con người tăm tối. Rồi còn con nữa, nó sẽ sống ra sao khi cuộc đời chỉ một màu đen của lòng căm giận.

Nghe cô nói cha không có phản ứng gì. Ông ngồi bất động, tay xoay xoay chén nước trà mà cô Hến vừa pha cho. Chén trà đặc, nóng khi uống còn đăng đắng trong cổ, uống xong mới thấy vị ngọt và hương thơm của trà, thói quen, ý thích của cha như hút thuốc lào ngon vậy.

Nói xong, cô đưa tay kéo tôi vào lòng, vuốt nhẹ lên tóc. Vô tình, ngón tay cô vướng vào mấy sợi tóc rối. Cô lấy hai tay giẽ giẽ ra rồi khẽ khàng luồn vào như chải thêm một lần nữa. Tự nhiên tôi ép đầu vào ngực cô. Từ ngực cô, tôi nhận thấy có một mùi rất quen mà tôi đã ngửi thấy lâu lắm rồi, không thể nhớ nổi.

5- Cô Hến bỏ đi chả hiểu sao cha cũng từ bỏ ý định di chuyển sang khúc sông khác như dự kiến ban đầu. Ông cũng nghỉ làm chài mấy hôm, chỉ ngồi hút thuốc lào và uống nước chè mặc tôi làm gì thì làm. Lấy cớ nhà hết gạo, rau ăn tôi xin phép cha đi chợ mua sắm.

Cắt đường tôi tìm về bến Trầm. Cô Hến đón tôi niềm nở trong ngôi nhà ba gian mái ngói nằm khuất sau rặng tre gai cuối xóm. Ngôi nhà quạnh vắng, âm ẩm, vôi trên các bức tường tróc loang lổ để lộ ra những đường mạch xây lở loét. Ngay chiếc bàn gỗ uống nước kê ở gian giữa khi chạm tay tôi có cảm giác lành lạnh. Tất cả các đồ đạc trong nhà được xếp đặt ngăn nắp chứng tỏ chủ nhân của nó là người chỉn chu và rất sạch sẽ.

Ôm tôi trong lòng nước mắt cô rơi lã chã. Nép đầu vào ngực cô, tự nhiên tôi lại bắt gặp mùi quen quen mà tôi đã gặp ở đâu đó lâu lắm rồi còn lưu lại trong tiềm thức. Cô luồn tay vào trong tóc tôi, nhẹ nhàng gỡ những chỗ tóc gió làm rối khi tôi đi đường. Nói cái gì, bảo cái gì cô đều gọi tôi là con. Cô hỏi tôi cha mấy hôm nay như thế nào, sức khoẻ ra sao rồi tất tần tật các chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của hai cha con tôi từ ngày mẹ tôi bỏ đi đến nay. Mới có ba bốn hôm mà cô hỏi cứ như đã xa cả năm, cả tháng. Và tôi không thể tin được những điều cô nói cho biết, sự thật đấy nhưng sao nó đến nhanh và bất ngờ quá, một sự thật đến phũ phàng, tàn nhẫn.

Nhà cô có hai chị em. Mẹ cô sinh ra cô thì chết do băng huyết. Bố cô một mình làm lụng nuôi hai chị em đến khi cô lên năm thì ông đổ bệnh và cũng mất. Người chị lên bảy, người em lên năm phải sống dựa vào sự đùm bọc cưu mang của bà con lối xóm. Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống cũng dần dần ổn định khi cả hai chị em đã lớn. Để có thời gian lo toan cho người em ăn học mong sao có ngày ngẩng mặt nhìn đời, chị cô đã từ chối tất cả những chàng trai trong xóm đến cầu hôn. Rồi người em cũng học xong trung cấp sư phạm và lên dạy trên vùng cao theo tiếng gọi của Đảng đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Người chị ở lại nhà, sau thời gian nuôi em ăn học lúc này tuổi cũng đã lớn. Nhà quê, con gái hai lăm hai sáu tuổi đã chẳng có người con trai nào để ý. Rồi một ngày có một người trai làng bên đến ngỏ lời yêu thương, người chị đã dồn tất cả tình cảm của mình cho người đó. Khi biết mình có mang, người chị nói cho chàng trai đó biết. Không ngờ, khi nghe chị cô thông báo, chàng trai đó đã từ chối và tìm cách lảng tránh. Lo lắng cùng quẫn, sợ điều tiếng, người chị đã bỏ nhà đi đến khúc sông làng bên rồi tự tử những mong rửa sạch nỗi nhục nhã mà đời mang lại. May mắn người chị được một người làm chài trên sông cứu sống. Nghĩ đấy là duyên phận trời định và cũng để trả nghĩa, người chị đã ở lại làm vợ người đó. Bao nhiêu năm người chị đã phải giấu giếm thân phận và sự thật để sống một cuộc sống không phải của mình. Nhưng rồi vì người đàn ông đó tính tình khô khan, cuộc sống sông nước không có hy vọng, lại không quen sông nước, cuộc sống gia đình gặp quá nhiều khó khăn. Đúng lúc ấy, người chị vô tình gặp một người đàn ông khác, nói năng cư xử không như người chồng, được người đó chiều chuộng, nói năng nhẹ nhàng kinh tế lại khá giả nên đã sa ngã. Biết đó là nỗi nhục của cuộc đời, người chị đã cố gắng làm mọi việc mà ông yêu cầu để mong cứu vãn gia đình. Nhưng người chồng đã không tha thứ, mỗi khi đến bữa ăn, ông lại đem đồng tiền mà người vợ ông bắt xin của kẻ đối địch về bỏ xuống mâm. Nhục nhã ê chề, người vợ đã dứt ruột bỏ con ở lại để đi tìm cái chết. Trước khi chết, người đàn bà ấy đã viết thư nói toàn bộ sự việc cho người em đang làm giáo viên trên miền ngược và nhờ cậy cô trông nom người con gái của sự lầm lỗi và người đàn ông đã cứu sống mình. Thương chị, người em đã bỏ dạy về để đi tìm. Một lần ra bến sông, cô vô tình nhìn thấy người con gái con ông thuyền chài đang tắm có cái bớt đỏ bên vai trái như lời người chị dặn lại. Và cô đã trở thành người đàn bà ông nhặt được ở bến Trầm này. Người ấy chính là cô Hến và người chị không ai khác là người đàn bà mà cha đã nhặt được ở mó bỏ mồi cá ngày nào, người đã sinh ra tôi.

Kể xong cô Hến đưa tôi đến trước tấm gương tủ, kéo vai áo trái tôi xuống. Chiếc bớt đỏ tròn như đít bát nằm ngay đầu xương bả vai trái, chiếc bớt đã có bao năm rồi mà tôi không hề biết. Cô đưa tôi đến trước bàn thờ, kéo tấm vải che. Trên bàn thờ có ba tấm ảnh, hai người đàn bà và một người đàn ông. Trong hai người đàn bà ấy có một người là mẹ tôi. Nhìn sâu vào tấm ảnh của bà, hình như bà đang khóc, một vệt trắng mờ chảy dài xuống má. Bất giác tôi gào lên: Mẹ ơi. Tôi ngã quỵ xuống.

Tôi lao ra ngoài, theo cánh đồng trước mặt cắm đầu chạy. Tôi không biết chạy đi đâu, chỉ biết rằng chạy thật xa, xa thật nhanh sự thật mà cô Hến vừa cho biết. Trên cánh đồng đang chờ đổ ải, những thửa ruộng đất phơi nắng vỡ dưới chân, bàng bạc trắng, bước chân tôi trật truội, xiêu vẹo vô định giữa một khoảng không gian mênh mông. Tôi vượt lên đê. Chiều tối sập xuống phủ lên tôi màu trắng nhờ nhờ còn sót lại cuối ngày. Một toán người quây tròn tru tréo của bầy sói săn được con mồi. Chúng dằn tôi xuống đê, tiếng cúc áo đứt, tiếng vải bị xé, tiếng lột quần vội vàng như cướp. Chúng cào cấu, nghiến ngấu, vần vò, hùng hục như bầy trâu húc mả, từng thằng đổ sập úp mặt xuống đất cùng tiếng thở hổn hển của niềm khoái lạc, sung sướng. Trong ánh sáng nhờ nhờ và tiếng thở đứt quãng, tôi nhận ra trong bầy sói có khuôn mặt mấy đứa trẻ trâu ngày xưa cùng tôi chơi trốn tìm, có cả mùi máu tanh tanh bọn nhóc lân cành bàng ngã rơi xuống sông ngày nào ngoe ngoét máu. Khi tất cả đã mệt nhoài vì no nê, mĩ mãn, chúng hè nhau đứa cầm tay, thằng túm chân ném tôi xuống sông. Theo dòng chảy tôi trôi xuôi, đôi tay quờ quạng, giật mình nhận ra đang nằm trong mó bỏ mồi cá mà lớp bùn chưa kịp lấp đầy.

6- Khi tôi tỉnh lại đã thấy nằm trong lòng thuyền, cô Hến đang hì hụi làm gì ở bếp cuối đuôi thuyền. Còn cha, ông ngồi cạnh bậu cửa phía khoang mũi, hai chân buông dưới sạp, tay vê vê điếu thuốc lào, như ngày nào mỗi khi mẹ tôi đi chợ về mua cho ông lạng thuốc, ông quay người lại khen mẹ mua thuốc ngon.

Chiều cha lại làm mồi để đi bỏ mó đánh chài. Vừa làm ông vừa nói bâng quơ, không biết ông nói với tôi hay với cô Hến.

- Sáng mai nhà ta chuyển thuyền về bến Trầm. Từ nay sẽ không về đây đậu thuyền nữa.

Có tiếng ai đó gọi phía bờ bên kia, nơi cây bàng già nua có những cái rễ mọc trồi lên làm chỗ buộc trâu.

- Bác chài ơi. Sáng mai có cá để lại cho tôi mấy con nhá.

Tôi nhoài người ra nhìn về phía bên kia bờ, ngước lên cây bàng. Cây bàng đã trút sạch lá, phía đầu chót cành có những chiếc búp nhỏ mầu sâm sẫm nâu. Cây bàng đang vào mùa thay lá mới. Tôi nhìn xuống dòng sông. Trên mặt nước, một vài đám bèo tây trôi lững lờ, thỉnh thoảng lại có vài ba đám rều, rác trôi theo. Những dòng sông cha và tôi đã đi qua, có con sông rộng, có đoạn sông hẹp, có lúc nước trong, có mùa nước đục, có nơi nhiều cá, có khúc ít cá. Con sông thưỡn thẹo nằm thườn thườn mệt mỏi, vô hồn. Nếu dòng sông là cuộc đời thì những người làm chài sẽ có hai cuộc đời, một cuộc đời của người và một cuộc đời của sông. Trong cuộc đời ấy, những căn nhà thuyền, những chiếc máy sùng sục ngày đêm hút bùn, đào bới, khoan khoét, những rều rác phải chăng là vết sẹo năm tháng còn hằn sâu đời sông. Dẫu trong hay đục, dẫu mùa mưa hay mùa khô, dẫu là gì đi chăng nữa thì sông vẫn cứ là sông. Nơi ấy tôi đã sinh ra. Tôi chỉ cần biết thế. Và sông ơi, còn những điều khác nữa, sông hãy giấu giùm tôi sông nhé, những khiếm khuyết tật nguyền của cuộc đời. Đời đã sinh ra cha để cho những dòng sông, còn tôi, sông đã sinh ra để cho những cuộc đời như cha, mẹ và cô Hến./.



© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Việt Văn Mới- Newvietart .

REF:NVA.TN090730.1.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC