TÁC GIẢ
TÁC PHẨM

TỪ NGUYÊN TĨNH
. Tên thật là Lê Văn Tĩnh .
. Sinh ngày 18 tháng 11 năm 1947
. Tại Bàn Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
. Hiện sống tại Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa,
. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994).
. Tổng Biên Tập Tạp Chí Xứ Thanh- Hội Văn Nghệ tỉnh Thanh Hoá .
. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :
. Hàm Rồng ngày ấy (ký sự viết chung, tập 1 in 1984, tập 2 in 1978);
. Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn, 1991);
. Gã nhà quê (tập truyện ngắn, 1992);
. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết, 1993);
. Không thành người lớn (tiểu thuyết, 1995).
. GIẢI THƯỞNG :
- Giải thưởng văn học: Mối tình chàng Lung mù (tập truyện ngắn)
- Giải thưởng Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn;
- Giải thưởng văn học tỉnh Thanh Hóa - Mẹ (truyện ngắn),
- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Sông Hương 1993;
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1993; Gã nhà quê (tập truyện)
- Giải thưởng Hội Văn nghệ Thanh Hóa 1994. Mảnh vụn chiến tranh (tiểu thuyết)

TRUYỆN NGẮN
MẸ
MÙA YÊU ĐƯƠNG
VỢ CHỒNG XE TRÂU
CÁI THỜI KHÓI LỬA
ĐÀN BÀ

TIỂU THUYẾT
CON THUYỀN MỒ CÔI Phần I - Chương 1-6
CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 2 - Chương 7-10
CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 3 - Chương 11-15
CON THUYỀN MỒ CÔI Phần 4 & 5 - Chương 16 - 20
CON THUYỀN MỒ CÔI Phần Kết - Chương 21 - 23
CÕI NGƯỜI - Chương 1 - 5
CÕI NGƯỜI - Chương 6 - 10
CÕI NGƯỜI - Chương 10 - 15
CÕI NGƯỜI - Chương 16 - 20
CÕI NGƯỜI - Chương 21 - 25
CÕI NGƯỜI - Chương 26 - 40
CÕI NGƯỜI - Chương 41 - 45
NƯỚC MẮT QUÂN VƯƠNG >
CÕI NGƯỜI - Chương 46 - 50
CÕI NGƯỜI - Chương 51 - 55
CÕI NGƯỜI - Chương 56 - 60
CÕI NGƯỜI - Chương 61 - 65
CÕI NGƯỜI - Chương 66 - 70
CÕI NGƯỜI - Chương 71 - 76
CÕI NGƯỜI - Chương 77 - 82
KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN - Chương 1
KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN - Chương 2
KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN - Chương 3-4
KHÔNG THÀNH NGƯỜI LỚN
CHƯƠNG III
Ông Sần đặt hương án ra ngoài sân thành ba cấp. Cấp cao nhất là bài vị cúng trời đất. Cấp giữa là tổ tiên sinh ra ông, cuối cùng là bổn mạng đứa con xấu số của ông - thằng Thái. Cả đời làm nghề cúng của ông, đi kiếm cơm ăn và tiền công khắp thiên hạ, bao giờ cũng "chập chập choeng choeng" bằng ấy thủ tục, bộ mặt ngần ấy cung kính, bằng ấy xúc động và cũng bằng ấy giọng ê a không thành lời, chỉ một giai điệu sầu thương. Đây là lần thứ hai ông vừa cúng vừa vái, vừa rơi nước mắt. Lần thứ nhất ông cúng tiễn cho người vợ bị bom giặc Mỹ lúc đi cấy ở đầu cầu Thạch. Lần thứ hai ông cúng cho đứa con trai nhỏ chưa thành người lớn, ông nhìn vào bài vị, một hình giấy kiểu người bán thân không có mắt mũi. Chỉ có ót đầu và hình bả vai đến thắt lưng. Những bát hương to bằng ấm tích nghi ngút khói. Hai nửa thân chuối cắt một khoanh. Dẫu không nói ra nhưng ai cũng biết là hình nhân của hai đứa trẻ: thằng Thái và thằng Nam. Giá treo chuông để ở giữa chiếu. Hai bát cơm đơm chặt như hình quả đất tròn. Trên đặt quả trứng gà, cắm ngang cây đũa vót không đứt tạo thành tua xoắn tròn, nửa như mũi tên lại vừa giống cuộn xơ. Ông vận khăn xếp. Mặc áo lương dài. Mặc chiếc quần trắng đã ngả màu cháo lòng. Đôi guốc đẽo lấy bằng gỗ cây núc nác đã xỉn thành màu phân trâu. Hai tay ông chắp lại dơ cao quá đầu, cúi rạp thoắt thành quỳ xuống chiếu. Tiếng nấc trong cổ họng thành lời than: "Con ôi!". Ngọn nến lật bật run rẩy. Trẻ xúm quanh. Bình thường chúng thích tọc mạch xem cúng, giờ chúng lại tập họp xem cúng, một phần nhớ thương người bạn chăn trâu bò. Có phải dạo trước cu Thái đã quát đuổi một vài đứa nó không ưa, nhưng giờ chẳng ai mang tới chuyện đó. Bên cạnh, ông Sần là ông Sáng tay ôm chiếc đàn tranh, cần dài bằng đòn gánh. Mắt lèm nhèm, miệng méo xệch. Không hiểu ông có thương hai đứa xấu số không, nhưng không ai trách ông vì cái tội có miệng méo thâm niên, ông là người bạn cố tri của ông Sần. So với ông Sần ông chẳng có chút gì đặc biệt. Bài cúng chẳng biết, viết sớ thì không, làm bùa yểm lại càng dốt tịt. Nhưng bù lại ông có bàn tay khéo đệm đàn. Không ai tưởng tượng ông có tài đàn. Nhưng càng ngạc nhiên hơn ông có giọng hát văn rất ngọt. Nhìn vào cái miệng méo không ai ngờ lại từ đó bay ra những lời đẹp đẽ. Mắt kèm nhèm lúc nào trông ông cũng như khóc. Nhưng ông khóc thật, ông thương thằng Thái cái nết nhanh nhảu, lễ độ, ông thương tụi trẻ chưa chút luỵ đời. Nghe có chuyện ông đến ngay sợ lỡ việc. Mọi bận chính quyền có ý kiến về cúng bái. Nhưng đây là việc nhà, là con ông Sần, anh Bắc ai nỡ lòng can. Bên chiếu còn có một bà già, mặt quắt như quả bưởi phơi nắng lâu ngày, đó là bà của Nam. Bà ngồi ngó trân trân vào hương án. Bà như nhìn thấy cháu của bà từ khói hương đang bay lại. Bà đã đến chỗ thầy bói, cụ Bỵa một người có uy tín đã gieo quẻ ba lần nhưng đều lắc đầu nói cùng bà "cái phận của cháu mỏng, nó đi đấy". Trời ơi! Có thật vậy không? Những năm bố nó đi xa bà và mẹ nó cưu mang nó lớn như thổi, bây giờ nên nỗi này. bà nhớ, có lần nó nóng quá bà vừa cho lên trạm xá vừa bí mật nhờ ông Sần đến nhà cúng bái. Khi mẹ Nam biết được gắt, bà cười: "Thì con của chị khoẻ có mất đi đâu mà sợ - có kiêng có lành". Bây giờ làm lễ cho cháu bà thấy oan trái làm sao… Ông Sần dứt lời, ông Sáng lẩy giây đàn. Một giọng bi ai phát ra từ cái miệng xấu xí. Mấy bà mặc đồ lụa nhảy ra lâng châng, xiêu vẹo. Một giọng run sợ ré lên: - Xin cô tha lỗi cho con! - Ê… ê… ê…Á! A…a…a…! Tiếng phách gõ đến rụp… Những đứa trẻ bạn của Thái xanh mặt vì sợ. Cũng lúc đó, ở bệnh viện hai đứa được bác sỹ cấp cứu đã tỉnh lại. Chúng ngơ ngác nhìn như gặp một thế giới khác, một cuộc đời khách lạ. Thằng Nam nhìn thấy mẹ,nó thều thào: "mẹe"… Đôi mắt nhắm lại, một giọt nước mắt nhỏ như hạt tấm ở khóe mắt… Nam lại mơ màng trong bể nước mênh mông… * * * Nam cưỡi con bè đen phi như bay trên nền trời. Ôi bầu trời sao mà mênh mông thế. Xanh thăm thẳm đến vô biên. Nam nhìn thấy dòng sông quê hương quanh quanh uốn khúc. Kia là cánh đồng Sau lúa vàng dợn sóng. Đập nước tung trắng bọt như sương… Nam bay đến hồ nước mênh mông… Nam thấy mọi người đang tấp nập đi trên bờ hồ kè đá… Tiếng ai đó gọi: - Nam ơi! Xuống đây! Nam cùng Cu Đen xà xuống đi lững thững về phía Nghè. Lạ quá mỗi lần qua đây, bao giờ Nam cũng sợ, vậy mà lần này em dám mỉm cười nói với hai người lính mặc áo giáp cầm gươm dài. Hai người gác cổng không cười nhưng không có dáng vẻ đáng sợ. Cu Đen ngoan ngoãn đứng dưới gốc Mủ Quả gặm cỏ. Em vỗ vào lưng nó khẽ dặn: "Ngoan nhé rồi ta thương". Đen gật gật đầu, đôi tai phe phẩy. Em vào nơi có nhiều tượng. Những ông phật khổng lồ ngồi chặt vào một gian. Những ông phật nhỏ hơn ngồi xếp bằng mắt đăm đăm vào khoảng không vô tận. Có ông người khô đét chẳng nói chẳng rằng. Có ông mặt xấu xí nhưng lại lành chẳng chút gắt gỏng… Mấy bà cụ già dâng hương,nét mặt xa vời kính cẩn. Gặp bà, Nam định trốn. Nhưng bà nhanh tay túm được. Bà củng củng lên đầu: - Cháu bà ơi! Vào cửa Phật cháu phải ngoan nhé! Mấy bà cụ già nghe thấy quay lại nhìn. Nam như thấy mình có lỗi. Hiểu được ý nghĩ đó, các cụ già khẽ mỉm cười: - Mô phật! Cháu không có lỗi đâu khi cháu vào cửa phật. Chết rồi, ngày mai là ngày sinh Phật chả trách các cụ vào cửa phật. Một cụ già tóc đã bạc phơ nói với Nam nhưng cũng đủ cho mọi người nghe. - Cháu bé ơi! Cháu còn trong trắng. Ta xin Phật để cháu trèo lên lưng ngài, lau tổ tò vò nơi mũi ngài Bồ Tát ấy. Con không có tội gì khi con làm điều tốt trước cửa Phật. Con chưa thành người lớn mà con… Bà gật đầu như khuyến khích. Nam trèo lên bệ cao tay lau mặt cho các phật. Ôi nhiều phật quá, ông thiện, ông ác, ông bé, ông to. Ông ngồi chật cả một gian nhà, ông bé xíu bằng ngón tay. Ông đen, ông trắng toát…Em tắm cho phật bằng khăn. Em hỏi bà, sao phật không ăn mà no, phật cứ ngồi chơi hả bà. Bà nhìn các vị như e sợ con nói ra các vị nghe lại quở phạt. - Tu mà con, bảo là chơi sao được, thành phật rồi còn ăn gì…sống mãi như trái đất ấy… Em chẳng hiểu được lời bà. Em trèo lên một vì sao mà to lớn, ông ấy nâng em bay lên trời cao… Nhưng kìa có tiếng ai gọi: - Chờ với Nam ơi! Em nhìn xuống… Thằng Thái. Nó lại cùng em cưỡi trâu qua sông… Kìa con gì như chiếc bè lao tới… ôi! Bà…ơi!… Nam mở mắt ra thấy bà mếu máo cười: - Cha tổ con…con gọi gì bà… Mệt lắm nhưng em cũng cố nói cùng bà: - Con mơ gặp phật… - Mô phật! … chắc là con nhớ lại lần bà đưa con lên cửa phật. Lạy phật, phù hộ cho cháu tôi. Em thiếp đi trong tiếng lào thào cầu nguyện của bà. * * * Tuổi trẻ đã giúp cho hai đứa trẻ chóng bình phục. Nhưng chúng cũng buồn vì nhiều chuyện, mà chúng cho rằng quá rắc rối. Thằng Thái bị ông Sần bắt nằm trên chiếu ăn hai roi mây lại bị lột truồng ra trước sự chứng kiến của tụi trẻ trong xóm. Còn Nam thì bố bắt nằm ngay trên giường căn vặn lại đầu đuôi câu chuyện. Em đã thuật lại toàn bộ cho bố nghe. Nhưng buồn nhất là Thái. Em nhận được giấy mời của Ủy ban lên đúng vào hai giờ chiều mai. Biết được tin này bố Thái chửi um lên: - Đồ hư! không khéo bị vào tù. Bọn trẻ thì bình luận ít ra cũng bị cảnh cáo hoặc đuổi học vì tội rủ rê bạn cưỡi trâu qua sông suýt mất mạng. Người lớn thì nhìn nhận điềm tĩnh hơn, nhưng không khỏi băn khoăn. Tại sao sự việc xảy ra có cả hai đứa, mà lại chỉ triệu có mình Thái. Biết được tin này, người lo cho bạn là Nam. Nam phải khéo lắm mới trốn được sang nhà Thái. Thái đưa cho Nam tờ giấy có con dấu đỏ, giọng hồi hộp: - Tao lo quá mày ạ! - Tao cũng lo cho mày! - Nam đáp lại lời Thái. - Dù sao cũng do tao rủ… Thái an ủi bạn. - Không, tao cũng đi cùng mày, tao nhận cả hai đứa đều bàn nhé. - Thôi, để tao kẻo ảnh hưởng đến bố mày. - Không đâu!… - Nam giãy nảy. Chúng ăn mặc gọn gàng ra đi từ mười hai giờ trưa. Nói là ăn mặc gọn gàng, nhưng thực ra Thái khoác quần dài lên gần trụ sở mới mặc vào. Còn Nam mặc bộ đồ "quân phục" bố mang cho từ dạo ở Nam ra đã nhàu nát. Chúng đi nghiêm trang như người đi dự họp. Không nhìn ngang nhìn ngửa, đầu cắm cúi đi. Không đon đả, hỏi chào ai vì thẹn cũng có mà sự hệ trọng của sự việc làm cho bộ mặt già đi. May quá hai cây số mà cũng kịp giờ. Người đã có mặt đông quá. Có cả công an, có cả cụ già. Kìa có cả thầy giáo Lức hiệu trưởng trường làng nữa. Hồi hộp quá nhưng Thái làm bộ ưỡn ngực đi vào. Nam tạt qua hái khóm hoa ông Bụt chờ hiệu lệnh của Thái gọi vào. Nhưng vị chủ tịch trông thấy đã vẫy: - À có bạn của Thái đấy, tốt quá, xin mời vào! Nam rụt rè hỏi lí nhí: - Thưa… Cháu không có giấy… - Không sao! Không sao! Hai đứa trẻ ngồi lọt thỏm vào chiếc ghế băng. Choáng váng nghe thuật lại sự kiện cưỡi trâu qua sông hôm nọ. Có điều nghe mà chúng chẳng tài nào hiểu nổi. Vị chủ tịch xã biểu dương tinh thần của Thái, ông thay mặt chính quyền tặng em giấy khen vì thành tích đã dũng cảm cứu bạn. Thái xanh mặt như tàu lá, mấp máy môi muốn nói điều gì mà không nói được. Thái phải vịn vào vai Nam mới ra được ngoài sân. Nhưng em vụt quay lại nói với giọng như khóc: - Các bác ơi! Cháu không nhận đâu! - Sao cháu! - Việc này cháu có lỗi. Thái kéo tay bạn chạy ra khỏi trụ sở. Mọi người nhìn theo với vẻ lạ lùng. Một tuần sau sự kiện trên, chú Hếch đi ra phố huyện về gọi hai đứa sang với bộ mặt hết sức bí mật, khẽ nói: - Hai cháu ngồi xuống, chú mới đi phố về có quà đây. Nam nhìn Thái dò hỏi. Thái lắc đầu đáp lại. Chúng đần mặt nhìn chú Hếch. Chú lục trong ngăn kéo bàn ra một tờ báo nói: - Đây đọc bài chú đánh dấu bằng chì đỏ ấy! - Vừa nói chú lấy điếu cày ra kéo một hơi dài. Hai đứa chụm đầu vào đọc. Chờ cho hai đứa đọc xong, chú Hếch mới cuời hì hì nói cùng Nam và Thái: - Cháu Thái đã có hành động dũng cảm nhưng thật là liều lĩnh, khi bạn không biết bơi mà vẫn mạo hiểm mời bạn cưỡi trâu qua sông. Còn Nam thì nể bạn mà cưỡi trâu vậy là quá liều mà suýt bỏ mạng, có đúng không nào! Hai đứa nhìn nhau thấy lạ lùng. Cái điều quá đơn giản ấy mà tại sao không ai nghĩ ra. Chú Hếch lấy tiếp một mồi thuốc châm lửa rồi phà ra một cách khoái chí, khẽ nói: - Thật ra ở nơi sông nước mà không biết bơi, không thành người lớn đâu Nam ạ! Nam nghe mà giật mình, làm người lớn thật khổ biết bao… * * * Một kế hoạch được Nam và Thái đặt ra chóng vánh khi vừa rời nhà chú Hếch. Bằng mọi cách Nam phải biết bơi. Nhưng khi bàn đến công việc cụ thể thì cả hai đều thấy khó quá. Bà và mẹ đã cấm Nam ra sông. Nếu ra sông mà bố bắt được thì sao. Vả lại làm sao Nam có thể bơi được với dòng nước chảy xiết. Chỉ còn cách ra hồ tập bơi. Nhưng với điều kiện phải tập bơi khi không có người. Nhưng làm sao dấu được bà và mẹ đây! Phải rồi, chờ cho người lớn ra đồng Nam giả vờ lấy sách sang nhà Thái học rồi ra hồ tập bơi. Đầu tiên Thái dùng dây đứng ở trên bờ cho Nam túm lấy để bơi, nhưng cu cậu không tài nào quẫy được hai chân. Thái phải xuống bơi cho bạn xem. Nhưng Nam cũng không bơi được. Thôi, chỉ có cách Thái đứng cho bạn dùng tay vịn lấy hai vai mà bùng hai chân. Cả một buổi sớm mệt nhoài mà hễ rời vai Thái là Nam cứ chìm dần. Ngày hôm sau đau ê ẩm cả người, Nam nói với Thái: - Hay thôi, khi nào lớn hẵng hay. - Rõ chán cho cậu! Khi là người lớn rồi còn biết bao công việc, ví dụ như cày ruộng… - Thôi được. Lần này kiếm được một đoạn chuối, Nam ôm lấy bơi, Thái ở trên bờ chỉ dẫn. Nhưng vẫn khó, nhất là không tài nào kết hợp được hai tay. Có lúc Thái phải ôm lấy hai chân của bạn để bạn bơi bằng tay, nhưng vì yếu Thái chẳng chịu được mấy lúc. Thế là hết ngày thứ hai, tiến bộ chẳng được là bao. Tối đó, rủ nhau đến nhà chú Hếch. Chú Hếch đã nói toạc ra cùng hai đứa. - Bơi hả! - Có gì khó đâu, đứng trong cạn nước đến ngực, mà dùng hai tay khua. Khi nào thấy nhắc nổi người thì dùng cả hai chân cho nổi lên. Khi đã nằm được trên mặt nước thì khiến tay như mái chèo, chân như bánh lái… Sáng mai nghe theo lời chú hếch, không chỉ mình Nam tập bơi mà cả Thái cũng làm để động viên bạn. Gần trưa thì Nam đã bơi được, tuy còn vụng về. Một tuần ròng rã, bây giờ Thái đã bơi cho Nam đuổi bắt, chúng cười như nắc nẻ dưới ánh nắng chiều trên mặt hồ. Từ xa, bóng một người cao kều chít áo trên đầu, cầm cán dậm kéo vòng đến. Nhận ra chú Hếch cả hai đứa bơi lại gần, túm lấy vai chú Hếch đập nước tung toé để trêu chú. Chú Hếch làm bộ mặt giận giữ quát: - Quái quỷ thật! Con trâu nào tung hai đứa chúng bay xuống đây! - Chúng cháu đang tập mò tôm đấy chú ạ! - Ờ nhỉ! Sao các cậu không tập bắt cá nhỉ! - Làm sao bắt được hả chú? - Nam hấp tấp hỏi chú! - Có gì đâu, phải tạo thành dòng xoáy rồi bất ngờ đón lấy cá! Nhìn hai đứa trò nhỏ đang làm đục ngầu cả nước lên chú Hếch cười: - Phải học thêm các cháu ạ! Không học không làm được đâu. Nam và Thái kỳ cọ cho sạch hết đất bùn để về nhà không ai nhận ra hai đứa tập bơi. Lên bờ mặc quần áo vào, đi trên đường làng quen thuộc mà sao lòng thấy tự hào, tiếng cành cây, ngọn lá như chào hỏi em. - Xin chào! Xin chào! hai vận động viên bơi lội. Trong bộ óc non nớt của hai bạn nhỏ nghĩ được điều gì đó ai mà biết được.Chỉ biết rằng, nếu mỗi ngày không tìm ra được điều gì lý thú và bổ ích thì lòng chúng buồn lắm.
CHƯƠNG VI Bà đã nhận tin bố Nam trúng cử lãnh đạo, làm phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp. Bà bảo tối nay bố rỗi việc sẽ về thăm bà cháu mình. Bà hái được quả ổi ở ngoài vườn để lên bàn thờ của mẹ, thắp một nén hương lầm rầm khấn: - Lan con ơi! Cả đời con vì mẹ và chồng con. Nay nhờ con phù hộ mà chồng con nên ông nọ bà kia rồi con ạ! Lan - sống khôn - chết thiêng - phù hộ cho nhà ta!… Nam nhìn ra ngõ reo lên: - Ôi bố về! Cả cô Hà nữa bà ạ! Bố nhìn Nam cười: - Bố nghe tin con cũng biết bắt ếch rồi phải không! - Vâng! Con mới tập sơ sơ kẻo có lúc cần. Nam hồn nhiên đáp lại. - Cha tổ mày chứ - có lúc - có lúc - ghê nhỉ! - Bà nạt. Cô Hà chỉ cười nhìn bà cháu nói chuyện, nhanh nhảu xách cân thịt, các thứ đồ ăn vừa mua đặt xuống hè, không quên dúi vào tay Nam gói kẹo lạc. Bà vội vàng cầm tay cô Hà: - Cô hẵng khoan mà, xơi nước đã! Bà nói ngày mai giỗ rồi việc cho mẹ Lan, hôm nay thế nào bố cũng về. Nam nhìn bố với lòng biết ơn. Bố dạo này khỏe hơn lúc còn ở xã. Cái nhìn cũng đầm ấm hơn. Bố ít cáu gắt bà hơn trước, mỗi khi bà giục bố lấy vợ. Kể ra Nam thương mẹ lắm, nhưng bố mà lấy được một người tốt như mẹ thì thích nhỉ. Nhưng chỉ nghĩ đến đó là Nam đã ứa hai hàng nước mắt. Bà bảo với bố nhưng Nam cũng nghe: - Đời con còn dài, mẹ rồi cũng nhắm mắt. Mẹ không ngờ lo vợ cho con hai lần. Nhưng sự thể đã vậy. Chẳng lẽ để cho cảnh cha già con cọc hay sao! Nói rồi bà khóc. Bố gắt bà không thương bố. Bố không lấy ai nữa, bố ở vậy cùng bà nuôi con. Nam nghe đến đó Nam thương bố quá nhưng một linh cảm ích kỷ trẻ con lại dào lên, không muốn cho ai san sẻ tình cảm của mình với bố. Nam thấy một điều gì đó khang khác nhưng không cắt nghĩa ra được vì sao. Bố bảo mai có giỗ, tối nay mời chú Hếch, ông Sần và cu Thái sang ăn cỗ. Nghe tới đó, Nam cảm động quá dàn dụa cả nước mắt. Một là chú Hếch là chú họ, nhưng cũng là người giúp đỡ nhà ta. Khi bố đi xa, công lên việc xuống gì cũng bàn tay chú làm, lại một phần nữa, nếu không có chú làm sao Nam còn sống được với bố. Nhưng còn chuyện mời cả cu Thái thì chịu bố đấy, bố cũng có vẻ bình đẳng ra phết. Một loáng sau, cô Hà bưng lên một mâm cỗ thịnh soạn, con gà luộc béo ngậy, cá rán, chả, thịt luộc, thịt bò xào giá… Bố lấy mấy nèn hương thắp lên bàn thờ của mẹ. Bà lấy khăn lau kẽ mắt đến bàn thờ chắp hai tay thành kính: - Hôm nay là ngày…bằng này hai năm con bỏ mẹ…bỏ chồng…bỏ con ra đi…cả nhà ai cũng thương xót con… Do số trời không cho con sống với chồng cho đến lúc đầu bạc răng long…không cho con được nhìn con của con đến khi phương trưởng… Lan ơi! Con sống khôn chết thiêng… nay chồng con làm nên… lo cho con mồ yên mả đẹp… con về hưởng cơm canh… phù hộ cho người sống tròn với đạo trời đất sinh ra… phải đạo người… Cả nhà lặng đi trong hương khói nghi ngút. Bố nhìn đăm đăm vào tấm ảnh của mẹ, miệng đang mỉm cười, cô Hà ngồi ở mép giường mân mê gáy chíêc quạt mo. Đôi mắt nhìn như thôi miên. Thằng Nam đầu óc trống rỗng chẳng tìm được điều gì để suy nghĩ nên ngồi ngơ ngác… Chú Hếch cùng cu Thái vào lúc nào không ai hay biết. Chú nói với cu Thái: - Đi ăn cỗ, phải đến trước còn chuyện trò, đến khi người ta bưng mâm mới đến là thất thố. Thấy cả nhà im lặng, chú mới lên tiếng. - Chào các cố! Tôi sang vừa kịp chứ ạ! - Ấy chết! - Mời chú! - Bố Nam ra sân đón chú Hếch. Thái nhìn mọi người bẽn lẽn. Mọi khi sang chơi nó tự nhiên như không, nhưng hôm nay lại được mời ăn cỗ làm nó thấy e ngại, cho rằng chỉ người lớn mới được sự mời mọc. Đã thế, khi vào đã thấy ông Sần, lừ mắt như nẹt. Biết được sự lúng túng đó, Bắc khẽ cười nói với ông Sần: - Là tôi mời, ông bạn "chí cốt" của cháu Nam. - Á chà, chú quan tâm đến mấy ông tướng cướp này quá lắm! Ông Sần cười ha hả, độ lượng. Hai chiếc chiếu trải ra ngay sân. Tiếng dọn đũa bát lạo xạo. Tiếng dao chạm vào thớt lách cách. Tiếng mời chào, sắp xếp mâm. Thôi thì người nhà cả nên ngồi cho đông vui một thể. Bà, ông Sần, bố, chú Hếch, cô Hà, hai đứa Nam và Thái. Chú Hếch góp ý kiến: - Cho hai đứa ngồi bên tôi để còn sai bảo. Bà ưng ngay. Được ngồi bên chú Hếch hai đứa tự nhiên hơn. Chú Hếch mới bảo Nam - Tiện thể lấy cho chú chiếc điếu và hộp thuốc. Ông Sần dùng hai chiếc đũa dài gần bẵng đũa cả, hai bàn tay khỏe mạnh, sắn ngay con cá rán ra. Bố rót chai rượu nút lá chuối ra cốc thủy tinh. Bà ê hèm, vẫn mỗi khi có việc gì trang trọng: - Chả nói dấu gì các chú, các ông, gọi là… - Thôi bà bác và các cháu cho ăn cỗ, các cháu xin vâng!… Tiếng nói chuyện nổi lên: Bố hỏi về lúa má của đội. Cô Hà hỏi về các giống mới. Bà cũng góp chuyện nhưng dè chừng. Ông Sần phàn nàn về giá cả. Chú Hếch nhìn bố, hỏi tại sao lương hưu lại chậm thế. Chú hỏi về biên giới phía Nam, về việc làm cầu Thăng Long. Giá mà chính phủ ưu tiên cái vùng ta cho bắc chiếc cầu thì sướng nhỉ. Chú hỏi nhiều lắm nhưng bọn Thái và Nam không nhớ được hết. Gần kết thúc bữa cỗ, bà mới chống đũa nhìn mọi người, nói với giọng cả quyết: - Bác Sần ạ! - Chú Hếch ạ! - Có lẽ bố thằng Nam phải lo vợ. Tôi già rồi sống tính từng ngày. Bố nó cứ công tác vắng nhà. Ai lo cho tôi và cháu, có phải mà còn… bà kéo vạt áo lau mắt… Chú Hếch thấy sự việc có phần căng, nên lấy điếu ra rít thuốc, đoạn phả khói ra, nói trong khói: - Cái việc đó là đúng bác ạ! Cháu thấy bác cũng lủm thủm cả ngày mà lo. Lúc trở trời, biết sao. Thôi sự đã rồi. Phải nhìn vào tương lai chứ ạ! Ông Sần hai tay vô tình gõ vào mâm, giọng đẫm màu rượu: - Cái lẽ tự nhiên thôi mà! Cháu Bắc lấy vợ đi, có khi rồi tôi cũng phải lấy - ông nháy mắt với cu Thái làm nó giật thọt cả người. Bà lại tiếp lời: - Chả nói dấu gì các chú, các bác, cháu Hà đây, kỹ sư nghề nông, thương bố nó. Bố nó cũng đã suy nghĩ, sẽ là mẹ của cháu Nam… Bố nhìn mọi người, rồi nói với Thái: - Thái ạ, cũng phải cho Nam ra ngoài kia học cho gần chú. Chú nghĩ cũng chẳng xa xôi gì đâu, đây với huyện. - Nó đi thật ư chú! - Hỏi vậy nhưng nước mắt Thái đã trào ra. Không hiểu nhớ bạn hay thương mình, rồi đây còn đâu được cái thú vị cùng cảnh đồng áng, đêm trăng làng quê cùng bạn. Nam sực tỉnh mới vỡ ra, hóa ra bà dấu mình, bố đã bàn với bà rồi. Nhưng em kịp kìm lại chẳng nói gì. Dù sao cô Hà cũng tốt vớ bà và em. Tốt thật ấy chứ, nhưng em lại buồn, vì chẳng thấy ai nói gì đến mẹ. * * * Chú Hếch được nhờ tổ chức đám cưới - Chú nói đùa cùng bà: - Cái thời kỳ cưới chị Lan cho anh Bắc thật đơn giản. Lạy vong linh chị Lan nếu sống lại cũng thích. Nói vậy nhưng chú cũng vô tâm, nhoáy mắt đã cắt xong hình chim bồ câu, hình những nốt nhạc, hình đôi trai gái ăn mặc quần loe áo dài đứng cạnh cây dừa ở bờ sông. Lại còn làm thêm những cây xúc xích đến lạ mặt. Chú bảo với Thái và Nam (là hai cây chạy "lau nhau") - Chả gì cũng có mặt hàng huyện người ta về dự - Rồi như bí mặt chú nói với Nam - Dì mày nghe đâu là con ông nào ở tỉnh cơ đấy. Không hiểu sao chú phì cười nói ra một câu ngớ ngẩn. Lấy con gái chứ có phải lấy bố quái đâu. Lạ mắt nhất là đội văn nghệ huyện, họ đưa về các loại trống, có một người ngồi cao vù lên tay múa máy gõ nhặng xì ngậu lên mà nghe rõ hay. Mỗi lần anh ta đập vào caí phèng phèng là y như kèn, đàn, nhị tấu lên nghe mà người yếu bóng vía phải giật mình. Bà bảo: - Đó là phường bát âm mới! Có người hiểu biết hơn bảo đó là dàn nhạc nhà thờ. Chú Hếch nói với tụi thằng Nam là bộ gõ, là dàn nhạc nhẹ. Chú chặc lưỡi như con thạch sùng, nói giọng không tin tưởng lắm. Người ta quy định cháu có thấy trong phim hôm nọ toàn kèn đồng, đỏ chóe không nào? Là dàn nhạc nặng… Nhưng bây giờ nhạc nhũng, dàn dựng lắm chuyện lắm. Nam khoái quá, ngẫm nghĩ đám cưới của bố mà em nghe đồn to và lạ từ trước đến nay ở làng Thạch này. Mấy cụ già phía họ bà cũng mặc áo lương khăn xếp đến. Các cụ còn kỹ tính lắm, bao giờ cũng đem chai rượu sủi tăm từ tối hôm qua. Lúc này hai tay chắp đít đi có vẻ ung dung, đôi guốc mộc mới được cạo lại lau chùi cẩn thận. Miệng vừa nhai trầu, dáng điệu rất hệ trọng. Phông màn là do phòng văn hóa huyện đem đến lợp kín mít, sang cuối tiết thu rồi nên chú Hếch bảo làm như vậy cho nó ấm cúng. Bàn ghế xếp dãy theo hình xoáy trôn ốc. Cô dâu chú rể ngồi ở trên một đài cao, mà lạ nhất là phải quay mặt bốn phía xung quanh cho người ta xem mặt, ở trên đầu sẽ rắc hoa bằng một vành pháo tép cho tung xuống. Bàn ghế đã được xếp đặt xong xuôi, được trải bằng khăn ăn nghe đâu mượn ở nhà ăn của huyện. Tách chén thì chả phải lo, có cửa hàng ăn cho mượn, chú cửa hàng trưởng là em con chú bác cô Hà, khỏi cần lo. Người ta rất sợ là thiếu thẩm mỹ, người này góp ý: "Chữ B, lùn", người kia nói : "Chữ H hơi cò lả". Chú Hếch phải khổ sở cắt rồi xé, xé rồi cắt. Có lúc chú nhắm mắt lại vẽ tưởng tượng trên không trông đến là hay. Loáng một cái lại có tiếng xe máy, một người ăn mặc bảnh bao, thắt cà vạt, tóc dài, mặt kẻ lông mày, dáng vui vẻ nhưng lo âu, đi khắp lượt kiểm tra lại các chi tiết. Anh ta nói với bà: - Mẹ ạ! Chúng con thực hiện nếp sống mới trăm phần trăm. Không dở đuốc gây phiền hà. Hơn nữa - nhìn trước nhìn sau, anh nói thầm với bà ra vẻ quan trọng lắm - Với cán bộ lãnh đạo càng phải gương mẫu. Bà thuỗn mặt ra nói giọng cảm kích: - Thôi, thì trăm sự nhờ thượng cấp và anh em! Bỗng anh thanh niên bảnh trai giật mình ca thán: - Bỏ cha chửa! Thế mẹ có bộ áo dài nào không? - Làm gì có - Bà thẹn thùng thú nhận - cái dạo đẻ thằng Bắc tôi đã cắt cả ra làm tã lót mất rồi - Tôi tưởng bây giờ đã lạc hậu rồi chứ! - Ấy chết! Nó là "tái hiện" đấy ạ! - Ý anh thanh niên nói rằng "phục cổ" nhưng lại nói ra là "tái hiện". Thôi con nhớ rồi, con ra phố mượn của bà cả Đoan hay mặc đi nhà thờ. Nói rồi anh ta lên xe máy chạy như bị mà đuổi, vẫn kịp giơ một tay lên, ra lệnh cho khoảng không: - Coi chừng kẻo không "đúng tiêu chuẩn" đấy nhé! Tiếng máy nổ rồ lên để lại mùi khói xăng khét lẹt. Lại một chiếc xe khác chở một máy nổ tới nổ máy thử xem có bị tắc xăng không. Có người nói rạp kín quá cứ để vậy cho nó sáng. Một thanh niên hớt hải từ ngoài vào đeo lủng lẳng trước ngực một máy chụp ảnh. Anh ta bấm thử đèn chụp. Rồi đo thử từng bước chân một, ước lượng khoảng cách. Hết ngắm nghía chọn vị trái, rồi như chưa vừa ý còn lấy ra những cuộn phim được dán bên ngoài bằng giấy bạc. Bây giờ càng cuống lên khi người thanh niên đi mượn áo dài cho bà quay lại tuyên bố: - Cơm nước mau, kẻo giờ rước dâu đã tới. Anh ta quay sang phân trần với chú Hếch: - Nói là rước dâu nhưng đã tập kết ở huyện rồi. "Ông cụ" lên đây từ qua. Chứ anh bảo phải có xe ca, mà Hà Nội lo được chứ ca của ta ôi lắm! Thế là, mâm bát được người phục vụ dọn ra. Lần này chú Hếch, mấy ông bạn phòng văn hóa, Thái, Nam cùng ngồi chung một mâm. Chú Hếch giao hẹn: - Tôi lo cắt xén xong rồi. Phần tổ chức có mấy anh lo. Có gì làm vài chén ngồi ngậm tăm, các anh xá cho. Anh bạn mang máy ảnh chỉ vào người thanh niên lo áo dài cho bà nói: - Khỏi lo! Có cây nói "xã luận" đây rồi! Ăn uống chừng dập bã trầu đã xong. Tăng âm được mở ra nghe ồn ã. Thật từ cha sinh mẹ đẻ, người Cương Thạch mới được nghe hát những bài cải lương "mùi mẫn".Những bai hát Tây cứ làm cho tim giật lên thồn thột. Bà đã được chú thanh niên mặc cho bộ áo lạ, trông vừa vui vừa ngượng. Nam cũng mặc bộ quần áo mới được coi là hẳn hoi. Vì mặc quần áo mới nom cậu có vẻ lòng ngòng, nhưng cũng phải nghe bà mà bao quát khắp phòng cưới. Đi đón dâu, chỉ mấy chú xe máy, với lý do là đi xe đạp không đuổi kịp xe con, hơn nữa, ngoài ủy ban đã có sẵn họ nhà trai ở đó rồi. Thành thử họ nhà trai chính trong này nhập cùng lũ Thái, Nam lo canh gác giữ gìn cho hoa, hình ảnh trang trí không bị nghịch hỏng. Chừng ba mươi phút sau thì tiếng ô tô con, xe máy rộn lên ở dốc sông. Mấy người được phân công giữ xe phải ra trông cứ tiếc ngẩn ngơ. - Như phim ấy mà chẳng được xem! Pháo nổ đùng đùng. Tiếng nhạc sập sình. Phía trước vẫn là người thanh niên thắt ca vát đẹp, cầm máy ảnh chạy lên trước cúi rạp xuống chụp, bộ dạng như người chào trong rạp xiếc. Hai cặp bốn người. Một thanh niên kèm một thanh niên, một thiếu nữ ôm một thiếu nữ tiến vào. Tiếng hoan hô nổi lên. Khi tất cả những người mặc áo sang trọng lần lượt vào chỗ ngồi. Bà ngồi với một bà trẻ, Nam ngơ ngác nhìn lên vị trí cô dâu chú rể, chả lẽ bố lại trẻ đến thế kia, ăn mặc đẹp quá, em không nhận được ra. Dứt tràng pháo thứ hai. Là nhạc, là khói thuốc lá và sự chuyển động của màu sắc do người phụ trách ánh sáng điều khiển. Im lặng. Chú đi lấy áo cho bà, nhảy lên không hiểu nói gì mà người ta cười ầm cả lên, và vỗ tay, lại một tràng pháo tép bất ngờ xòe ra ở nơi cô dâu và chú rể ngồi. Nam và Thái khoái quá đi lượm pháo, cùng với lũ trẻ, lấy thuốc, nó độ lượng hơn vì đám cưới nào chả nhón thuốc mà lại ngăn tụi trẻ. Chú Hếch ngồi, đôi mắt mở to trông mới buồn cười. Nam buồn cười nhất là chú phụ trách chương trình bắt bố và cô Hà hút một điếu thuốc châm ở giữa. Bây giờ mới đến hát hò, văn nghệ. Ai hát cũng được, có phải mọi bận chú Hếch đã lên vận thơ đám cưới, nhưng lần này có lẽ chú cho tài mình kém nên ngồi yên. Thợ ảnh chụp tứ phía, và anh ta men lại phía bố và cô Hà lấy bó hoa lay dơn bắt đứng lên cao để chụp. Nam không cười được nữa, em òa lên khóc gọi "mẹ ơi" rồi bỏ ra ngoài… Không hiểu thế nào bàn chân lại đưa em ra bến sông, nơi có bãi cỏ mượt em và Thái hàng ngày ngồi trò chuyện cùng sao trời. Ngồi gục vào hai đầu gối em nghe tiếng dòng sông rì rào… Một nỗi buồn đâu đó dâng lên… Mẹ mà nghe được tâm sự của em nhỉ, chắc mẹ hiểu được tấm lòng của em thương mẹ biết nhường nào...Câu chuyện bà kể mà có thật thì mẹ vẫn ngồi từ đáy dòng sông mặt đang ngẩng lên nhìn em, thấu hiểu được sự cô đơn của đứa con bé bỏng của mẹ. Nhưng dòng sông vẫn trầm lặng trôi đi, trôi đi với vẻ thần bí muôn thuở. Còn em, vẫn ngồi gục xuống như một cụ già. Một bàn tay đặt trên vai em làm em giật mình quay lại. Hai bóng một thấp một cao đang đứng ở phía trước. Giọng nói quen thuộc của chú Hếch cất lên: - Đừng buồn cháu ạ! Như chú cả đời côi cút còn sống được. Huống chi là cháu đến nỗi nào… Một phút im lặng. Nam òa lên khóc thương cho mình la kẻ hèn yếu.
CÒN TIẾP ....
TỪ NGUYÊN TĨNH
© CẤM ĐĂNG TẢI LẠI NẾU KHÔNG CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
| |