TÁC GIẢ
TÁC PHẨM




Sinh: 17.7.1960 (24.6 Canh Tý)
Tại : Trần Xá, Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình
Hiên ở tại : Phường Phú Khánh- TP Thái Bình - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Các giải thưởng:
- Giải Nhì cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1989- 1990
- Giải C của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học nghệ thuật, 1993 cho tập thơ: Con chim thiêng vẫn bay
- Giải Nhì của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học- nghệ thuật, năm 2002 tập truyện ngắn Ma Ngôn
- Giải nhì cuộc thơ do nhóm thơ Thanh Xuân Hà Nội tổ chức năm 1992
- Giải khuyến khích cuộc thi âm nhạc trẻ do nhà hát tuổi trẻ tổ chức năm 1992.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

- Con chim thiêng vẫn bay (thơ),1992
- Tháng mười thương mến (Thơ), 1994
- Trước ngôi mộ thời gian (Thơ),1995
- Gọi làng (Thơ),1999
- Cầm thu (Thơ), 2002
- Ma ngôn(truyện ngắn), 2002
- Khúc thương đau (Thơ), 2006
- Thơ hay- một cách nhìn (Bình thơ- sắp xuất bản)


THƠ

DU CA
ÁNH TRĂNG
HY VỌNG



BIÊN LUẬN

THƠ HAY - MỘT CÁCH NHÌN - TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA



TRUYỆN

QUYỀN VÀ ĐỨC
CỔ TÍCH XƯA VÀ NAY
HÀNH TRẠNG TÂM LINH - Phần thứ 1
HÀNH TRẠNG TÂM LINH - Phần Kết
TÂM Y BẢO NGỌC
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - Phần thứ Nhất
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - Phần Kết












Tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ.






CÂU CHUYỆN
VĂN CHƯƠNG


Nàng thơ xinh đẹp mà nhẹ dạ

Chàng văn vạm vỡ mà cả tin

Đó là gương mặt mãi mãi tuổi ấu thơ

Một thứ ấu thơ hiền minh mà dễ bám bụi bẩn

Năm câu chuyện này viết về văn chương có vị yêu đương. Tôi viết lúc tâm trạng cần được thư giãn. Nên vậy bạn đọc ai thư thả thì đọc, ai bận mải thì bỏ qua cũng chẳng sao. Không thiệt gì cho văn đàn và cho chính bạn. Chuyện kể có thực có ảo. Đọc xin bạn đọc đừng suy diễn, không đọc kỹ càng không nên suy diễn. Nietzsche bảo: Thi sĩ là kẻ nói dối. Vì họ là những học trò tồi nên phải nói dối. Nếu Nietzsche đúng thì tôi còn là kẻ nói dối vụng về. Bởi tôi là thi sĩ lại đang làm việc của văn sĩ. Vậy truyện này có điểm non tay, có chỗ dẫn klhiến ai đó không hài lòng thì xin hãy bỏ lòng phiền trách lại điểm lời Nietzsche. Được thế tôi mới đủ vững tâm trò chuyện...

***

4- Nhà thơ chuyên lục bát

(Đoạn truyện này mượn cách viết của ông Nguyễn Huy Thiệp)

Chẳng cần bàn ghế lôi thôi

vui thì vác nậm lên ngồi Bạch dinh...

Nhà lục bát dạo này quần áo cũng bớt lôi thôi. Rượu cũng đơ đỡ. Nhưng cách uống rượu vẫn giữ nếp, khi có một mình cầm ngang nậm ngửa cổ thả từng ngụm nhỏ xuống. Lúc này khật khừ được một lúc, ngâm thơ ve ve được một lúc thì có khách tới Bạch dinh.

- Dạo này xem ra đắc rượu nhuận tình gớm.

Nhà lục bát ngoảnh lại thấy bạn, khì khì cười:

- Ông trời không phù tớ, báo hại lắm!

- Nói vậy là sao?

Các chú qua cầu cởi áo gió bay, sao cứ dễ như bỡn. Số tớ hế dây vào đàn bà là dính chưởng. Dính đến trăm năm!

Khách nghe thế da mặt bỗng chùng xuống, mắt cay cay bảo:

- Giận mình trẻ chẳng trồng na. Giờ nhìn trái chín thơm qua ngõ người. Trớ trêu chắc lép là trời. Bắt tôi lệch nhịp với người tôi yêu. Em là sáng, tôi là chiều. Ban trưa ở giữa... liền tù tì một hơi vậy rồi nói thêm, mình vừa bị mất một đứa gái ngoan lắm, yêu kiều lắm. Tiếc tiếc là... chỉ bố là ssướng. Một mình ôm mấy cái trăm năm. Thọ phải biết...

- Thọ đếch gì tớ. Ngày một thấy xụng xiệng lắm rồi. Hôm nọ quáng quàng suýt lại bị bỏng đấy... Nói rồi xoa xoa vào chỗ da tay chân bị bỏng đận trước.

Khách, người cao to lực lưỡng. Nhà có cửa hàng thịt mèo đông khách. Đầu lắc lư, mắt lừ lừ rút từ trong túi tổ bố ra túi nilông thịt mèo, bảo:

- Cho đứt chiều nay nhé. Em đi xóa đói giảm nghèo... một mình kể cũng gieo neo... tội nghiệp. Sao không đón hẳn một đứa nó về chăm sóc dung nhan. Ông là hạng người mình rồng, ruột phượng phải luôn được bổ dưỡng cho trơn lông đỏ da.

Nghe thế thì ậm ừ đáp:

- Nghề làm thơ xem ra không cần sức khỏe cho lắm. Anh nào cứ chăm cho trơn lông đỏ da đích thị anh ấy chỉ làm thơ tán gái. Rồi hạ thấp giọng cho thật trầm, đọc: Muốn sang không bắc được cầu. Trái tim người khác nằm đau ngực mình. Dẫu là tiên cũng đa tình. Hình như nước mắt để dành thường trong...

Khách nghe lấy làm ngỡ ngàng, hỏi:

- Sao bảo cứ dây vào là dính đến trăm năm?

- Cái đứa gái này đã dính được vào nó tí nào đâu. Lục bát từ xa thôi. Thế mới sa câu xót chữ chứ!

Khách gật gừ hắng giọng đế:

- Biết rồi em sẽ lấy chồng. Tôi về sống với tình không một đời... Cái đoạn lòng này nó dai dẳng như ruột mèo. Càng ngâm lâu càng tệ. Có ngày nó hóa thành dây cung dây nỏ. Ông nghe này, tên đạn đang bời bời nã nhau trong lòng tôi...

Nhà lục bát ghé tai áp vào bụng khách nghe ngóng:

- ừ nhỉ. Sáu món tám bát lục cục lào cào nhộn lắm.

- Bạn lỡ đùa trên đau tình của ta ư ? Em của ta đang trong cảnh, em giờ về với người ta. Cái vầng trăng góa lội qua ao bèo... Thương thế mà lỡ đùa...

Nhà lục bát nghe vậy chợt nghĩ tới mẹ mình cũng có một thuở, Miếng trầu không dám mặn vôi. Sợ đôi má đỏ người đời dèm pha... thì nước mắt rưng rưng. Thân thể bỗng run run rẩy rẩy. Khách ngắm bạn vậy lại nghĩ, tình thơ mình gây hiệu ứng đấy. Nghĩ vậy lòng cởi được bảy tám khúc buồn. Bèn cởi chiếc áo phao mới te khoác lên vai gầy bạn.

Nhà lục bát mắt nhìn chan chứa ân huệ, bảo:

- Để nguyên ta lạnh ta đành. Người còn áo ấm áo lành cho ta. Ta mang hơi ấm về nhà. Chỉ e cái lạnh truyền qua phía mình...

Khách ôm xiết lấy bạn hôn chun chút, thầm thì:

- Khỏi lo. Khỏi lo. Rồi ông vén bụng cho nhà lục bát sờ tận aty những ngấn mỡ dày đang xếp lên chảy ra và cười khinh khích.

...

Sau cuộc rượu ở Bạch dinh ba hôm thì nhà lục bát ngẫu nhiên gặp được người gái để trở nên nàng ba của ông.

Trưa ấy, đúng Ngọ đang đợi đò ở Cổ Lễ qua chơi biển Quất Lâm thì Thanh Lan ở Bình Minh lao xe đạp đến.

Hỏi:

- Em đi Quất Lâm làm... gì?

Nàng che khăn mu soa nửa miệng, thèn thẹn bảo: - Sang bên làm... ít hải sản. Cá cua ở đó rẻ cực.

Bỗng thấy hứng khởi lạ, nhà lục bát ứng khẩu tại chỗ câu thơ:

- Nắng Cổ Lễ nắng phù sa. Như là muốn nắng như là muốn không. Nắng như người ấy lấy chồng... Rồi bỏ lửng câu thơ ở đó tỏ ý thăm dò.

Thanh Lan không có phản ứng gì rõ rệt mà cứ vặn vọ dở ra lại gấp vào chiếc mu soa. Nhà lục bát để ý thấy chiếc mu soa đó có hai lỗ thủng và dăm vết ố vàng. Nghĩ không phải do có quá nhiều kỷ niệm, hẳn nàng là người chung tình lưu luyến với vạn vật quanh mình đây. Các nhà lục bát thừa hưởng tinh huyết nền văn hóa duy tình cũng mang lòng lưu luyến với vạn vật y như thế. Thanh Lan đâu ngờ rằng hai vết thủng cùng dăm vết ố vàng của chiếc mu soa của nàng đã hóa vết thương tình sâu nặng trong lòng nhà lục bát. Văn học cổ gọi đó là đồng thanh tương ứng... Ngôn ngữ yêu thương của cánh trẻ ngày nay thì bảo là sét đánh. Nhà lục bát lúc ấy còn nghe như chiếc mu soa trong tay Thanh Lan phát ra âm thanh trìu mến: Lục bát, chàng ơi! Rõ ràng bốn từ không thể trệu vào đâu được.

Đợi quá mười lăm phút mà đò vẫn chưa sang. Thanh Lan buồn bà buồn bực chân tay cứ bậm bạch đi lại. Nhà lục bát thương tình bèn lên tiếng:

- Đò ơi!... Ơi đò...

Gọi một thôi mà đò vẫn chưa sang thì gặp hứng. Nhà lục bát bèn hạ cặp, lấy sổ tay ra vết lia lịa. Thanh Lan tò mò hỏi:

- Đọc lên cho người ta nghe nhờ với.

Thì nói, không rõ là hỏi hay đọc thơ:

- Bao giờ em về quê anh?

Thanh Lan đáp:

- Dòng đời trôi dạt mênh mông. Chẳng hay duyên phận có không mà về...

Nhà lục bát hơi ngỡ ngàng cảm phục. Lại hạ bút cặm cụi ghi. Rồi bảo:

- Bao giờ em về quê anh. Qua con đò nhỏ chòng chành chèo đôi...

Lại đáp luôn:

- Ơ đò! Người gọi mãi thôi. Hai dòng lở lở bồi bồi dư vang...

Nghe vậy nhà lục bát càng thêm khâm phục. Trong lòng cầm đã chín phần cảm mến. Lại cặm cụi ghi chép. Sau ngẩng lên bảo:

- Thương ai duyên phận lỡ làng. Gạt thầm nước mắt mà sang đò chiều... Nói tới đó, xa xa có mấy chú cò, con đỗ con mò thì ứng tác đọc thêm: Sông dài. Bến vắng. Người thưa. Con cò co cẳng ngủ trưa cuối ghềnh...

Đến điểm thơ ấy lòng Thanh Lan mười phần thương đến cả mười rồi. Quả chàng là một tài thơ ục bát, lại rất có tâm thương đến cả phận chim cò. Dù hình ảnh thơ chàng trên vẽ cảnh "đò chiều", dưới lại đã "ngủ trưa" có lang bang lông bông một tý. Chả sao! Cốt ở tình chàng không lông bông lâng bang, chăm vợ quyến con là được. Lại nghĩ thêm, nếu những vần lục bát tren chàng xúc cảm làm bởi mình thì... sướng chết đi được. Nghĩ thế chốc cái bao nhiêu là cảm động đã chứa chan.

(Tháng sau, trên tờ Văn nghệ tỉnh, mục Cảo thơm lần giở... ông Dương bình bài thơ của nhà lục bát rằng, nghiệm xưa nay hồn thơ Việt Nam ta khi hướng cảm xúc tương giao với chim Lạc (cò) là khi vận khí nước nhà vào kỳ vượng phát. Dân số tăng trưởng mạnh mẽ vào kỳ này. Không rõ ông Dương vận dụng phạm trù mĩ học nào mà bình giải như thần vậy?)

Sau giờ Ngọ, ở bến đò Cổ Lễ hôm ấy, mười tháng tám ngày sau Thanh Lan hạ trần cho nhà lục bát một tiên nữ.

Những ngày đầu nằm ổ, Thanh Lan cứ ôm rịt lấy con với gương mặt khắc khoải toan tính. Nhà lục bát dỗ dành:

- Thanh Lan của anh, vì sao vậy?

Thì bảo:

- Đợi em mười tháng tám ngày nữa, nhá.

- Vẽ. Cả đời này ta cho nàng rồi. Và đọc: ối giời ơi, đối với nàng. Ta quay lưng lại thì mang tội đời. Đói ăn đói mặc thì cười. Đói tình đói nghĩa thì mời không theo. Nghèo tiền chưa phải là nghèo. Tình nàng biết trả bao nhiêu cho vừa... Em cứ yên tâm to đi.

Thanh Lan vẫn chưa yên tâm, miệng vẫn mêu mếu:

- Thương tài lục bát có thừa. Chưa trai truyền nối, em chưa vừa lòng... Cứ cố chờ em. Lại mười tháng tám ngày nữa thôi mà... Nài nỉ thế rồi thút tha thút thít một hồi.

Cũng lúc ấy nhà lục bát nghe rõ từ chiếc khăn mu soa có tiếng thốt lên: Chất liệu sợi tơ Nam Định của em không còn bền được bao lâu nữa, chàng!... Đúng mười sáu từ rất rõ ràng. Thương vật càng thêm thương người. Nhà lục bát bảo:

- Thôi. Anh không dám đòi hỏi sự hy sinh lớn lao quá ở em. Đứa con trai, để truyền ngôi lục bát, em khỏi lo. Đã có đứa đàn bà khác nó gánh đỡ.

Nghe vậy Thanh Lan càng mếu máo:

- Biết ngay mà. Cái người ở Vũ An chứ gì... hèn nào, hôm rồi ở trong giỏ xe có mười quả trứng gà, ba cân gạo tám. Hỏi, anh bảo mua hộ chị cả. Chị cả nào. Là cái con ở Vũ An đang mang bầu quý tử chứ gì? Giời ơi! Là nhà lục bát mà không có tim... Càng nói càng mếu máo tợn.

Trong lòng nhà lục bát có điều không dễ nói cho ba chị em Thanh Lan hiểu được. Không phải là không tim, mà là tim lục bát to khác tim người thường lắm. Phần nào dành cho chị em nàng từ trước đến nay, người nào chỗ nấy vẫn vẹn nguyên đấy. Thế mà xem ra cũng mới đầy được quãng nửa tim. Còn nửa tim kia vẫn trống trải, bơ vơ... Thế mới khổ. Mới sinh ra thứ lục bát nhiều bài cứ lang bang thống thếnh, cấu trúc không chặt chẽ. Nỗi khổ lục bát ấy chị em Thanh Lan hiểu làm sao được.

Dỗ dành hồi lâu Thanh Lan chưa nguôi cơn mếu máo, thì ngồi phịch xuống giường than thở:

- Trái tim tôi có một tôi. Con đò lãng tử biết nơi nào bờ. Mơ mà chưa hẳn là mơ. Tình mà đôi lúc chưa cho là tình...

- ối giời ơi! Cái đồ bạc. Đây, con anh đây. Má bầu bầu, môi đò đỏ, mắt long lanh, da trắng xóa nhé. Giống anh y tạc nhé. Thế mà còn bảo, tình mà đôi lúc chưa cho là tình... Thế nào thì mới cho là tình? Thanh Lan dãy đành đạch trên giường. Đứa bé bị quấy giấc giật mình thức dậy khóc ngằn ngặt.

Nhà lục bát ngán ngẩm đứng lên, đi ra tới cửa thì bảo vọng:

- Anh nào tìm được anh đâu. Thời gian đậu trắng mái đầu không trôi. Ai tình thì đến tình chơi. Có gì là chúa muôn đời với thơ...

- Với anh chỉ có lục bát là chúa lâu dài, chứ gì? Ba chị em tôi, năm nàng cách cách con anh chỉ là thoáng chốc, là đồ bỏ đi chứ gì?... Đi đi! Anh cứ đi đi! Đâu tình thì đến mà... xơi. Chị em tôi, mẹ con tôi kể gì! ối giời đất ơi!... Tiếng đay chì nức nở của Thanh Lan cứ đuối dần, nghe đến câu cuối tiếng đã mỏng lắm. Ngỡ sau đấy là tắt giọng. Hay đâu bỗng lại trỗi lên nức nở hơn, hỏi vóng ra: Mà này này, nghe đâu ông Thiệp bảo ông Bính đã truyền ngôi lục bát cho ông Bốn rồi cơ mà?

Nhưng lúc ấy nhà lục bát đã phóng xe đi khuất ngoài ngõ ruối.

***

Tiếng than "ối giời ơi" khi đã xa tầm tai, nhà lục bát nhấn ga cho xe vượt nhanh về thị xã. Xe gần vào trung tâm thị xã thì mới sực nhớ ra cái hẹn nói chuyện thơ với câu lạc bộ thơ xã X., lại phải cho xe quay về hướng Đông tăng tốc. Xe đang phăng phăng chạy chợt đập vào mắt nhà lục bát cái biển đề lục bát quán, thì dừng xe lại.

Chủ quán có dáng dấp của lão Ba Tầu, tay xoa xoa, lưng khom khom, miệng cười như nẻ hoa:

- Kính chào tiên sinh, à...

Nhà lục bát vào, quanh quất một vòng ý tìm cái gì đó. Lão Ba Tầu lẽo đẽo theo sau một lúc, rồi hỏi:

- Tiên sinh dùng gì, à?

- Dùng đủ. Lục và bát chớ thiếu câu nào.

Lão Ba Tầu vâng dạ rồi lui vào nhà trong. Lúc sau hai vợ chồng lão lệ khệ bưng ra một mâm tướng. Lão cười hề hề:

- Cảm phục! Cảm phục! Ngày xưa chỉ có ngài hảo hán Lương Sơn Bạc Lỗ Trí Thâm mới có bụng xơi hết mâm này. Nay gặp tiên sinh là người thứ hai.

Nhà lục bát ngơ ngác nhìn.

- Hề. Hề... Đủ cả lục món, tám bát đó thôi... Hề hề.

Chẳng đừng được mới hỏi:

- Biển đề thế kia, sao món lại thế này?

Bà vợ lão trần tình:

- Vợ chồng tôi mới đến xứ ta. Nghề chỉ thạo mỗi khoản nấu nướng. Hỏi đủ lão, ấu xem dân Thái Bình ta khoái khẩu món gì, thì mọi người đều bảo khoái món "lục bát" nhất. Nghe thế chồng tôi bàn, lục là sáu món cầy tơ, bát là tám bát. Lão đi lùng mua mắm tôm Cát Bà, nước mắm Phú Quốc. Ai ưng dùng nước chấm nào thì dùng thứ đó. Đủ cả tám bát, tiên sinh còn chê gì?

Nửa buồn cười, nửa phiền toái, nhà lục bát đành bảo:

- Dân Thái Bình khoái khẩu món lục bát là món này cơ. Nó ở trong hồn, trong ngọn lưỡi này này... Đoạn nhà lục bát đọc:

Như cây lá ghép thành nhà

dòng trên dòng dưới là ta với mình

ông bà xưa cũng đa tình

chỉ mười bốn chữ mà thành bài ca...

Nghe thế chừng vỡ lẽ, lão Ba Tầu đầu lắc la lắc lư hài như lão Trư trên phim, miệng méo xệch. - Lão ngộ ra rồi. Xứ sở tiên sinh thật lạ, từ bát đĩa cũng lập ra thể cách thơ ca được.

Vợ lão thì bảo:

- Tiên sinh ơi, vợ chồng tôi biết để vào đâu món "lục bát" không chính hiệu này?

Vừa thương vừa nghĩ đây cũng là cách chiến thắng của thơ ta nên nhà lục bát lấy túi nilông đổ hết lục món tám bát vào rồi dông luôn chiến lợi phẩm về hội trường xã X. Đến nơi các thành viên câu lạc bộ thơ khoảng dăm chục người đã tề tựu đông đủ. Một xã mà có những từng ấy người làm thơ, quả thơ ở xứ ta đang vào thời cực thịnh.

Quên đói, quên cả cơ tình với Thanh Lan vừa rồi, nhà lục bát phấn khích đăng đàn.

- Thưa các thi hữu, có hai thể loại thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Dám hỏi trong các vị ở đây ai biết căn nguyên sâu thẳm do đâu hai loại thơ này được sinh ra?

Gần như nhất loạt đồng hô:

- Kính xin thầy chỉ bảo.

Chứng kiến vậy nhà lục bát tưởng tới cảnh Diên Hồng hội nghị thì càng hăng hái trong lòng, chân tay thấy râm ra râm ran. Mười bốn hàng ghế cũng nhất tề bảo: Chúng em nín thở, chờ thầy khai tâm. Đủ tám từ cho câu bát. Thì nghĩ, đúng là hữu duyên thiên lý, bèn khớp luôn câu lục vào:

- Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau... Thơ khởi bằng câu sáu âm, kết câu bằng tám âm. Câu trên câu dưới bắt nhịp với nhau bằng vần lưng, đôi khi là vần chân của thanh bằng hoặc thanh không.

Nhà lục bát dừng lại khoảng đôi phút. Hội trường im phăng phắc.

- Điều đó dễ biết, phải không ạ. Còn âm - dương thần khí thì khó tày. Nghiệm trong sâu sắc chẳng hay mấy người. Nước ta đi lên từ nền văn minh lúa nước. Còn gọi là văn minh sông Hồng. Trồng lúa thì dựa chính vào nguồn nước. Nhất nước nhì phân... Không giống như sức sinh trưởng của các loài cây ở đồi núi, thảo nguyên, du canh du mục. Nước là chất thuộc thể âm, tính nhu, tĩnh. Vì vậy nền văn minh lúa nước là nền văn minh thuộc âm. Về số học, các số chẵn thuộc âm như, 2.4.6.8.10 các số lẻ thuộc dương như,1.3.5.7.9. Thơ ca là tiếng nói biểu trưng của tinh thần, tâm hồn dân tộc. Tinh thần - tâm hồn dân Lạc Việt ta ký thác trong thể lục bát. Bởi thế, lục bát mang phẩm chất tinh thần - tâm hồn của nền văn minh sông Hồng, nền văn minh thuộc tính âm. Vả nữa, vì sao thể lục bát chỉ sử dụng hai chữ số 6 và 8, mà không sử dụng các số thuộc âm khác là 10.2 và 4?... ở đây có vị nào biết ạ?

Hội trường càng thêm im phăng phắc. Mười bốn hàng ghế lại thì thầm rất khẽ: Chúng em nín thở, chờ chàng khai tâm. Vẫn tám từ ấy. lần này nhà lục bát bắt đầu bằng hai câu thất ngôn (hẳn có một ẩn giải):

- Kìa thế cục im như giấc mộng. Máy huyền vi mở đóng khôn lường... Dân Lạc Việt ta dụng hai số 6 và 8 cho tiếng hồn của mình là chỉ dụng hai số sinh của âm. Là đặt vào đó ý nguyện trường sinh bất diệt cho tinh thần, phẩm chất Lạc Việt. Là đặt vào đấy lời dạy, thơ ca phải là tiếng nói mãi mãi ở điểm ấu nhi, hồn nhiên... (tiếng vỗ tay chợt nổi lên như sấm) Một bô lão dáng vẻ rụt rè hỏi:

- Thầy vừa đọc hai câu thất ngôn. Vậy dám hỏi hồn Lạc Việt ta về sau sao lại dụng cả khí dương cho thơ ca? Và tới thời vận nào của dân tộc dương khí đã nổi lên?

Nghe hỏi vậy nhà lục bát nghĩ thầm quả dân mình là dân thơ ca. Trách nào mỗi thẹo đất này mà có những dăm chục thi hữu. Rồi nói:

- Thể lục bát ra đời trong dân gian từ trước mười tám thời Hùng Vương. Hẳn là, có thể chưa chắc chắn, tôi xin cứ mạnh dạn đề cập ở đây để câu lạc bộ thơ xã ta cùng nhau nghiên cứu. Thơ lục bát sinh ở thời mẫu hệ. Khi ấy khí âm cực vượng. Dương khí chỉ tồn hữu ở dạng bé tẹo tèo teo, vừa bằng cái chấm trắng trong Thái Cực đồ. Thời ấy từ lời ăn tiếng nói đến vật dụng tiện nghi, tất tật đều phải theo âm tính mà chế tác. Vậy thì thể thất ngôn ra đời từ thời nào? Theo ông Dương, viết trên tờ Văn nghệ thì bảo, thất ngôn là thể loại thơ của trường ốc xứ Tầu. Cực phát vào thời Đường Tống. Tầu là dân tộc có nguồn gốc du mục, thuộc dương khí trọng động. Luận vậy xem ra còn điểm chưa thỏa đáng. Lục bát có từ thời tối cổ trong dân gian, lẽ nào thất ngôn lại phải đợi tới thời Đường Tống? Theo thiển nghĩ của tôi, thể thơ thất ngôn có từ thời các vua Hùng. Khi dàn trống đồng Đông Sơn, Phùng Nguyên nổi nhịp tùng tùng cắc cắc là lúc dương khí đã vượng phát; là lúc tâm hồn thơ ca Lạc Việt đồng xuất hiện ngôn ngữ, thể cách thuộc dương khí: 1.3.5.7.9. để đặt sự tương hòa, cân bằng trong Thái Cực. Và ở điểm sử đó, thể thất ngôn (7 chữ) ra đời. Song thất - lục bát năm điệu hồn Lạc Việt hẳn phải có từ thời Hùng Vương.

Thưa các thi hữu, điểm cần phải nói thêm khi tinh thần, phẩm chất của dân Lạc Việt ta còn thuần âm tính, thời lục bát, về mặt địa lý nước ta liên tục bị xâm chiếm. Đường cương thổ đã bị đẩy từ bờ sông Dương Tử về tận Phong Châu. Tới thời các vua Hùng, thời phụ hệ, âm dương đã tương hòa thì không chỉ dân ta có thơ song thất lục bát, mà nền văn minh - văn hóa nói chung cũng có cơ hội phát triển rực rỡ và cương vực đất đai cũng định trụ lại vững vàng.

Xét vậy mới thấy hành trạng của hồn thơ lục bát và song thất lục bát trong sức phát triển của tinh thần dân tộc Lạc Việt ta là rất trọng âm. Đây cũng là điểm lý giải vì sao thể song thất lục bát sinh sau đẻ muộn mà có lẽ, đã trở nên cũ càng? Riêng lục bát vẫn lung linh rực rỡ. Vì phẩm tính âm - nhu, tĩnh, nuôi dưỡng mới là phẩm tính thuộc tự nhiên trời đất, mới là phẩm tính căn cốt của tâm hồn Lạc Việt ta.

Thưa các thi hữu, ở xứ Thái Bình ta: Phi lục bát bất thành thơ!

Phi lục bát, mọi miệng lưỡi thi nhân Thái Bình đều trở nên ú ớ.

Diên Hồng hội nghị câu lạc bộ thơ xã X kết thúc trong tiếng hô: Lục bát muôn năm!... Đủ sáu lượt to và hai lần vĩ âm nhỏ, có ngắt nhịp ở hai âm cuối hẳn hoi.

***

5 - Xưa và Nay

Bên hồ Gươm, chỗ gần đền Ngọc Sơn có một người đàn ông và một cô gái, cả hai đều vận quần bò áo phông. Người đàn ông tuổi trạc bốn nhăm bốn sáu, cô gái khoảng hai mốt hai hai tuổi. Tay cô gái cầm một xấp bản thảo, khổ giấy A4. Tay người đàn ông thì mân mê bông hoa trên ngực áo cô gái. Thị Lộ chỉ tay vào hai người đó bảo:

- Hai thi nhân đó họ mới quen nhau từ đầu giờ chiều hôm qua, tới cuối chiều hôm nay, bất quá cũng trong khoảng hai nhăm tiếng. Tính lối giờ Tây.

ức Trai cười tủm:

- Thế mới bảo là thời hiện đại, thơ hiện đại.

Thị Lộ cũng cười tủm:

- Ngày ấy chàng có "ngầu" thế không?

Thì đáp:

- Có. Có. Mà chưa đến hai buổi chiều đâu. Gặp cái là ta yêu nàng ngay. Khoảng đầu giờ cuối giờ, nhiều lắm là giờ tính theo lối âm lịch thôi. Lúc ấy chân tay ta đã tẩn mẩn tần mần mà tự vê áo mình rồi. Có khác là khác, thời ấy trai gái ra vẻ nhã hơn, kiểu cách điệu đà vờn lượn hơn. Cũng vì hoạt tình theo lối xưa chậm, dễ phí hoài thời giờ. Nay bọn thơ hiện đại họ không dùng nữa là phải... Đoạn rồi đượm vẻ sầu miên, hồi tưởng. Quan Trung Thư đọc: ả ở Tây Hồ bán chiếu gon...

Thị Lộ cũng vẻ sầu miên:

- Chàng nói phải. Cứ như đôi thi nhân kia thì chúng ta đã chẳng phí bao thời giờ hương sắc... Đoạn cũng đọc thơ: Anh cài lời em bằng đôi môi anh.

ức Trai thon thót hỏi:

- Chết! Thơ nàng đấy ư?

- Thiếp mà có thơ ấy thì cách yêu đương tình tang của dân nước Nam ta đã thoải mái trước sáu trăm năm rồi. Thơ của bạn gái cô bạn kia kìa...

ức Trai nhìn đôi thi nhân hiện đại.

- Xấp giấy A4 kia, chắc là thơ. Giá như đọc ghé được tí chút thì tốt...

- Thì chàng hóa thân ra mà xem.

- Bậy nào. Ta đường đường là bậc đại Nho, là Danh nhân Văn hóa thế giới. Làm thế lũ con cháu nó cười cho.

Thị Lộ cười vui, bảo:

- Thiếp đành vì chàng một chuyến này vậy.

ức Trai víu tay lại dặn:

- Nàng ẩn thân phải siêu vào. Vụ án Vườn vải của chúng ta khiến lớp văn sĩ hậu bối còn sợ vỡ mật đấy.

Thị Lộ thở dài:

- Thì thôi vậy. Số thiếp đen, chạm vào lỡ lây án văn sang chúng họ thì khổ. Mới có tờ báo Thơ, ra tới số bốn rồi. Thế nào chả có số giới thiệu cả trang thơ của nữ thi sĩ kia. rồi thiếp sẽ kiếm báo thơ cho chàng...

- Có vẻ nàng am tường thời sự thơ đương đại hơi quá đấy.

- Thiếp quá nhàn việc. Danh dự chưa được chiêu tuyết nên đi xin việc ở đâu họ cũng không dám nhận. Thiếp còn biết làm việc gì ngoài đọc sách.

ức Trai an ủi:

- Hôm rồi có người viết trên tờ Văn nghệ đòi Tòa án Tối cao phải xử lại vụ án Vườn vải, chiêu tuyết cho nàng. Ta cứ chờ xem...

Nghe thấy thì Thị Lộ hơi vui lên, chỉ tay bảo:

- Nam thi nhân kia làm trong báo Văn nghệ đấy.

ức Trai "à" lên một tiếng. Hơi gió của tiếng à đó làm lay động những hàng cây ven hồ. Xấp giấy A4 nữ thi nhân cầm hớ hênh bị gió cuốn bay lả tả. Nam thi nhân cuống quýt đi thu lại. Nữ thi nhana thì cứ ngồi im, vẻ người như ê ẩm hay đau đau ở đâu đó.

- Em vẫn còn thấy đau. Tội của anh đấy.

- Qua ngày nay nữa là cùng. Mai thì thênh thang, thoải mái... nam thi nhân cười cười. Đoạn đọc câu thơ: Tin khá tin thì ngờ khá ngờ!

Nghe thế ức Trai giật mình bảo với Thị Lộ:

- Cậu ấy lại đem thơ ta đi tán gái, nàng ạ.

Thị Lộ cười bảo:

- Chàng còn uy tín chán.

...

Nam thi nhân hỏi:

- Em định đặt tên cho tập thơ là gì?

- Đói.

Nghe thế bảo:

- Dân Nam mình xuất khẩu lương thực rồi...

Thì đáp:

- Là em đói. Em lúc nào cũng đói!

Nam thi nhân cười tủm tỉm, đôi vai khe khẽ rung.

Nữ thi nhân bảo:

- Em bị "sét đánh" chính vì cái điệu cười bí ẩn và vẻ điềm tĩnh của anh đấy.

- Có gì khác đâu. Sĩ phu Bắc Hà loại thứ hai chuyên cười tủm tỉm.

- Loại số một thì cười thế nào?

- Loại sĩ phu ấy ở tư cách thượng thừa rồi. Họ được tự do vượt mọi lễ nghi, Khuôn thức. Nên có người cười sang sảng. Cũng có người sẽ suốt đời không cười nữa, vì họ mang một nỗi suy tư lớn, hay một vết thương lớn.

- Loại số ba cười thế nào?

- Loại ấy chưa được phân tiếu pháp. Kể làm gì.

- Em phải phấn đấu cười "tủm tỉm" mới được.

- Nụ cười ấy, của em đây... Nói và nam thi nhân gắn chặt môi mình vào môi nữ thi nhân.. Rồi từ hai đôi môi ấy nở ra hai thứ tiếng thì thầm thơ ca. Tiếng nam thi nhân: Ngày tháng bằng thoi một phút cười. Tiếng nữ thi nhân: Nàng thơ còn nằm nghiêng bên mép giấy. Mang nỗi đau trinh bạch bốn ngàn năm... Tiếng nam thi nhân: Đời người biết chữ nhiều lo lụy...

ức Trai giận bắn người:

- Thật chẳng còn lễ nghi phép tắc gì.

Thị Lộ khuyên giải:

- Thơ cậu ấy cũng hơi bị hay đấy. Vậy mà cậu ấy chỉ nói với hồng nhan tri kỷ của mình bằng thơ chàng. Hẳn cậu ấy cưng chàng lắm.

- Cưng mấy thì cưng. Ai lại dùng thơ ta trong trạng thái chân tay thế kia... Cỡ cậu ấy còn cư xử vậy, bọn thi nhân cấp dưới thời nay chắc còn tệ hại thế nào. Bậy quá! Bậy quá!... Vừa lúc ấy lại vọng đến tai ức Trai, Thị Lộ tiếng thơ: Cảm ơn người trái đào tiên. Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai. Cỏ gai hoa thắm mặt người. Trinh nữ ơi, trinh nữ ơi tôi buồn!...

Thị Lộ bảo:

- Đó là thơ của Hoàng Phủ đấy. Cậu này làm thơ lục bát cũng hay.

ức Trai ngậm ngùi:

- Ta cũng ba lần suýt làm thơ lục bát. Lần ở Tây Hồ gặp nàng đó, câu ả ở Tây Hồ bán chiếu gon... Cái vần "on" mà bắt vào lục bát thì ngọt quá. lần thứ hai, câu Đêm thanh nguyệt bạch khách lên lầu... giá viết, đêm nguyệt bạch khách lên lầu cho vận lục bát vừa có một tiểu đối, lại sẻn so được một từ. Lần thứ ba, bài Hoa sen (*) ta vốn viết, Lầm chẳng bén, tốt hòa thanh. Kham khuôn quân tử thửa danh đượm màu. Đưa hương nguyệt tĩnh, dạ thâu. Trinh làm của, có ai cầu ai tranh... Thế mà ta đã không làm thơ lục bát. Kể cũng tiêng tiếc...

- Vì lúc đó chàng còn thụng thà thụng thịnh trong cái áo Nho gia sĩ tử, chạy theo bóng chữ nghĩa thánh hiền. Mặc cảm cho lục bát là lối kiểu dân gian, nôm na mách qué... thiếp lạ gì. Giá chàng cứ mạnh tay hạ bút thì dân ta đã chẳng phải đợi ba trăm năm, chàng Tố Như mới khai sáng cho nghệ thuật hàn lâm thể lục bát.

Nghĩ sao ức Trai cười tủm tỉm bảo:

- Nàng nói cũng không quá. Giá tay ta mà "mạnh mẽ" được như thế kia, thì tốt...

Lúc ấy đôi tay nam thi nhân, một cầm xấp giấy A4 che trước đùi nữ thi nhân, một nằm khuất vào trong cạp quần bò. Tiếng thì thầm vọng lại: Đỡ đau chưa em? Tiếng nữ thi nhân: Vết thương thất tiết là thương tang chồng! Tiếng nam thi nhân: Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo... Nữ thi nhân giọng tưng tức bảo: Nói một câu khuyên dạy trùng ý như thế nữa xem nào? Bèn nói: Lao xao sóng vỗ cành tùng. Gian nan là nợ anh hùng phải vay. Tiếng khen: ứng tác giỏi đấy...

Thị Lộ bảo:

- Mấy câu thơ này không biết của ai?...

ức Trai thì thầm:

- Của ai cũng mặc. Miễn đừng đọc thơ ta trong trạng thái chân tay như thế kia.

Bận mải chân tay một lúc đôi tình nhân đứng lên đi về phía đền Ngọc Sơn. Nam thi nhân bảo:

- Vào đền thắp một nén nhang

- Thơ ca lấm láp còn màng... điều thiêng.

Nữ thi nhân ngấm nga ngấm nguẩy. Nam thi nhân nghe theo. Họ không màng đến đài thiêng nữa, bèn rủ nhau đi chơi phủ Tây Hồ.

Thị Lộ hỏi:

- Ta cũng đi theo chứ?

ức Trai bảo:

- Thôi. ẩn nấp, nghe trộm dù là nghe thơ cũng yếu lính quá. Đêm nay triệu đôi thi nhân này vào mộng trò chuyện cho nó đàng hoàng.

Thị Lộ cho là phải.

***

Trước khi triệu đôi thi nhân vào mộng, Ức Trai sai Thị Lộ lấy áo triều phục, mũ cánh chuồn. Bảo, phải y vận như ảnh ta treo ở tòa báo Văn nghệ, bọn họ mới nể.

Khi gặp đôi thi nhân, Thị Lộ bảo:

- Chúng ta định rủ Tố Như và Hồ Xuân Hương đi cùng cho vui, tìm không thấy họ đâu.

Nam thi nhân bảo:

- Hôm rồi chúng cháu thấy nhị vị thi bá ở Bích Câu, song không kịp tiếp kiến.

Nữ thi nhân họa:

- Cháu có nhìn thấy cụ Xuân Hương giận dỗi ném theo cụ Tố Như một vốc chữ, khoảng hai chục từ. Cháu cố chạy theo nhặt vài chữ lấy khước mà không được. Tiếc đứt ruột!

ức trai bảo:

- Chữ nghĩa của hạng thi hào là thứ siêu hạt giống. Rơi xuống biển thì thành sóng, xuống rừng thành núi, rơi vào làng mạc phố phường thì thành nền văn hóa. Không phải tiếc đứt ruột làm gì.

Nam thi nhân gãi gãi đầu, nói:

- Sau hơn sáu trăm năm mà bọn thi nhân chúng cháu chưa làm nên cơm cháo gì. Vẫn phải nấp bóng Người. Thật là có lỗi với tiền nhân. Nói rồi sụp xuống lạy tạ.

ức Trai đỡ dậy, bảo:

- Phải là hạng sĩ phu loại hai mới nương hương tựa sắc hạng vĩ nhân được. Cháu hẳn cũng chẳng phải tay xoàng. Vả nữa, anh hùng như sao buổi sớm. Vĩ nhân văn hóa, thi hào còn thưa thớt hơn nhiều. Dân tộc nào cũng vậy. Chớ có nhọc lòng nhiều, nghe..

Nam thi nhân được lời thế thì phởn lắm.

- Lối thơ sáu chữ Người thường dùng trong ức Trai Thi tập, Quan Trung Từ mệnh tập quả là một sức chữ lạ thường, cưỡng lại lối thất ngôn Đường Tống. Phi tài chữ Người không ai làm được.

Nữ thi nhân thấy bề trên của mình thưa thốt vậy thì cũng họa lời:

- Những trước tác thơ Nôm của Người, từ thuở ấy thực là tiếng lòng của tâm thế, tâm hồn dân tộc Lạc hồng ta trước chữ Hán, văn học Trung Hoa. Tiếc là sau Người không thi nhân nào theo được. Phải mãi ba trăm năm sau mới có được một kỳ nữ xứng danh.

Thị Lộ luận:

- Trước khi cầm bút làm thơ, ức trai đã mang nỗi sầu lớn về non sông nòi giống. ức Trai làm thơ bằng cả tinh thần tráng sĩ của một nền văn hóa, một lãnh tụ nghĩa quân. Về sau kẻ sĩ nước nam lại lụy vào lệ khoa cử, trường ốc giáo điều. Lối học ấy, thể cách nghệ thuật ấy nos hợp với người mài mực đề thơ, không hợp với người mài gươm định trí. Có nền nghệ thuật được khởi phát từ tâm lực một vài người. Có nền nghệ thuật phải chờ sức trỗi dậy của tâm thế cả cộng đồng dân tộc. Nền nghệ thuật thơ ca mà các cô cậu đâng được thừa hưởng sau thời Thơ Mới, chính là nền nghệ thuật lớn dậy theo ý thứ hai này. ức Trai của ta trước và sau hàng trăm năm, duy có Người một mình làm cuộc cách tân thi pháp cho cả nền nghệ thuật quốc gia. Thử hỏi Đông Tây kim cổ ai hơn? Rồi nói thêm, này này, trong nệm êm chăn ấm, anh anh em em con người ta thường đánh mất ý chí lắm đấy.

Nam thi nhân tạ lỗi đáp:

- Lễ Nghi Học sĩ dạy phải. Và chỉ tay sang nữ thi nhân nói tiếp, nữ học trò này muốn được theo học nghề thơ ở Bà Chúa thơ Nôm. Dám phiền nhị vị tiên hiền, có gặp nữ sĩ Xuân Hương thì giới thiệu cho đôi lời.

ức Trai bảo:

- Được. Xuân Hương ngôn bạo mà tâm thơm thảo. Nếu gặp trò xứng đáng thế nào nàng cũng nhận cho. Nhớ một lần gặp Xuân Hương có than phiền với ta về số điều của lớp thi nhanạ hậu bối thời nay. Các cô cậu dễ xâm hương tẩm sắc cho nhau, dẫn đến tính chủ quan, kiêu mạng. Người ta khi kiêu mạng tất tổn chân khí. Chân khí mà tổn hại thì không viết ra thứ chữ nghĩa èo ọt, thiếu sức sống cũng viết ra thứ chữ nhảm nhí, ngông cuồng. Nữ thi nhân nghe vậy tỏ vẻ không vui lắm, bèn đọc thơ: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi. Này của Xuân Hương đã quệt rồi... và cứ nức nở khen chữ "quệt" thần tình. Lại đọc: Đôi mông này là đôi mông kỳ vĩ. Tôi biết chúng rất rõ. Để dán bùa vào các chàng trai. Rồi quay anh ta đến nơi đến chốn... Bảo đấy là thơ của một người đàn bà phương Tây, vừa được báo Thơ đăng trân trọng và lại cứ nức nở khen chữ "quay" thần tình và có điểm trùng ngôn hợp ý với thơ Xuân Hương.

Thị Lộ xòe quạt che miệng cười và chuyển chuyện sang hướng khác.

- Thời xưa dụng chữ, dễ trăm chữ có đến mươi chữ phạm húy kỵ. Thời nay việc làm chữ nghĩa thế nào?

Nam thi nhân đáp:

- Húy kỵ đặt ở xác chữ, như tên vua chúa là Xuân, Hè thì cứ chữ xuân, hè mà tránh. Húy kỵ đặt ở lòng chữ thì suy diễn vô cùng. Có khi viết đông tàn, thu héo vẫn bị suy thành xuân tàn, hạ héo! Thế nên xưa nay nhiều kẻ làm văn chương đã không gánh được áp chế, đã tự biến thành lươn thành chạch. Không thành lươn chạch để lách chữ nghĩa, thì cũng thành lươn chạch để ngoi ngôi cầu vị vinh thân phì gia. Khổ có khổ. Cả tủi nhục nữa. Nhưng còn được làm văn chương thì vẫn vui. Hì hì...

Quen nhau tính đến nay già hai buổi chiều vài khắc, mà nữ thi nhân chưa hề thấy nam thi nhân cười thành tiếng. Lòng thầm nghĩ được tiếp kiến vĩ nhân có khác. Thăng hạng sĩ phu loại một đến nơi rồi. Mình cũng thơm lây. Nghĩ thế thì sướng lắm, vẻ mặt bỗng rạng rỡ. Không còn hợm hực với tiền nhân nữa.

ức Trai bảo:

- Là người tính trong thì tâm sáng, tính đục thì tâm tà. Nhưng sự chính sự tà trong nghệ thuật thì khó phân biệt lắm. Ví như nàng Đoàn Thị Điểm diễn Nôm câu: Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn... Là nói đúng cái lẽ chiến tranh xưa nay. Việc tranh đoạt chính quyền dù thành dù bại thì hạng chinh phu tử sĩ đều chịu thua thiệt xót xa lắm. Là một chiến tướng trải bao nếm mật nằm gai, ta hiểu câu này. Thế nhưng lẽ đời thế tục xu thời nó dễ quy là thơ có tà tâm ám chhay, là trách cứ cao xanh... Nói rồi mặt ủ mày chau, rầu rầu rĩ rĩ một hồi. Sau mới hỏi, mấy ông Văn Cao, Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm... độ này ra sao, có khỏe không?

Nam thi nhân thưa:

- Ông Hữu Đang, Hoàng Cầm còn hưởng dương. Hai ông Văn Cao, Trần Dần đã về âm. Và lại nói đùa, chẳng biết hai ông Cao, Dần được tiên du hay lại sa hỏa ngục...

Thị Lộ bảo:

- Chớ có độc mồm. Hồi năm ngoái, cũng cữ thu này, ta đi chơi đến cõi trời Đẩu xuất thấy Tiên đồng Ngọc nữ ở đấy đang tập cho nhau bản nhạc nghe du dương, tiêu dao lắm. Hỏi thì được bảo là bài hát Thiên Thai của Văn Cao, do tầu vũ trụ của người Tây mũi lõ gửi đến. Các ông này hẳn cũng đắc đạo rượu ngon đắc đạo tình cả đấy. Nói và cười cười nhìn sang nam thi nhân.

Nữ thi nhân thấy tiếng lời môi mắt vậy có ý ghen. Đọc mấy câu Chinh phụ ngâm vẻ họa lời ức Trai nhưng kỳ thực ý tứ xa xôi:

- Gà eo óc gáy năm canh trống. Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên. Khắc giờ đằng đẵng như niên...

Thị Lộ hiểu ý toan đứng dậy.

Nam thi nhân véo vào lườn nữ thi nhân một cái. Rồi cũng mượn Chinh phụ ngâm ướm ý đo lời bậc mĩ nữ:

- Lá màn lay ngọn gió xuyên. Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm. Hoa dãi nguyệt in một tấm. Nguyệt lồng hoa hoa nguyệt từng bông. Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng. Trước hoa dưới nguyệt trong lòng biết đâu?...

Vốn là chữ xiết đâu không hiểu sao nam thi nhân đọc chẹo đi vậy.

Nữ thi nhân nghe thế không cầm lòng thêm được nữa, sắc khí lộ rõ rồi đọc to lên hai câu nữa:

- Sương như búa bổ mềm gốc liễu. Mưa dường cưa xẻ héo cành ngô!...

Thị Lộ thấy từ ánh mắt, sắc mặt, tâm khí nữ thi nhân đau đớn ứa ra những đốm lửa Tam muội. Đếm thoáng cái đã được ba bảy hai mốt đốm thì mắt mình cũng bị hoa lên không chịu thêm được nữa. Riêng ức Trai vẫn cứ ung dung ngồi. Nam thi nhân nhìn sâu chợt thấy linh hồn mình cứ lạc hun hút vào vùng trời xa lắm. Rồi ở đấy hiện ra một trái núi lớn, nhìn kỹ thì nhận ra là núi Côn Sơn. Bàn cờ đá trên núi bỗng chuyển động, bày ra một thế cờ mà nam thi nhân không sao phá được. Lại đưa mắt sang bên gặp nụ cười hiền triết nở trên môi ức Trai. Biết Người đọc được cơ tình trong mình thì mắt cũng hoa lên. Vừa lúc ấy nhà có khách. Ông Khương Hữu đến chơi. Những tâm trạng đang bức xúc nhờ ông Khương Hữu mà được cởi bỏ.

Ông Khương Hữu thấy ức Trai thì mừng rú. Nức nở khóc một chặp. Sau người đỡ run mới từ tốn lấy ra tờ thơ, kính cẩn đưa cho ức Trai. Cách hành xử của ông Khương Hữu xem ra có lễ độ, trang trọng lắm.

Đó là bài thơ Côn Sơn:

Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi

trên đầu xanh ngắt một bầu không

bàn cờ thế sự quân không động

mà thấy quanh mình nổi bão giông.

ức Trai đọc đi đọc lại đôi ba lần rồi đưa cho Thị Lộ. Ông Khương Hữu đã bớt run, nói cũng dỡ líu lưỡi, thì thầm với nam thi nhân: "Bài thơ này tớ viết đúng ba năm sáu tháng đấy. Vừa xong thì gặp ngài. Ngài thiêng thật!" Thị Lộ xem thơ xong cứ tấm tắc khen hay mãi. ức Trai lấy bút chữa chữ "nổi" thành chữ "nỗi" và bảo:

- Máu ba họ nhà ta thấm trong chữ ấy đấy!

Nghe vậy ai cũng chuyền tay nhau đọc kỹ bài thơ. Đọc xong thì người nào người nấy mồ hôi chảy ròng ròng. Mồ hôi chảy tới đâu ông Khương Hữu, nam thi nhân, nữ thi nhân tiêu hao tới đó. Cuối cùng ở ba chỗ ngồi chỉ còn lại ba đống nước. Mùi nước thơm như mùi rượu nếp xứ Đô Kỳ, mà nếm lại thấy mằn mặn chua chua như vị nước mắt...

...

Sau đấy bọn thi sĩ Hà Nội đồn rằng soi vào ba đống nước ấy thì thấy gương mặt ức Trai, Thị Lộ. Lời đồn làm cho hết thảy bọn Họa sĩ, nhiếp ảnh xôn xao giá vẽ, máy chụp ảnh kéo về Hà Nội. Bọn văn nghệ Thái Bình cũng đứng ngồi không yên. Lời lẽ bàn tán nghe vô cùng lắm.

Tôi viết truyện này nhờ những lẽ duyên ấy.

Truyện khó cầu sự đúng sai, chỉ cầu ở ý niệm tinh thần.

Khởi viết từ 15 tháng 10, viết xong ngày 20 tháng 10 năm 2003

_________________________________________________

(*) Bài Hoa sen nguyên văn như sau :

Lầm như chẳng bén, tốt hòa thanh

Quân tử kham khuôn được thửa danh

Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh

Trinh làm cửa, có ai tranh

(Quốc âm thi tập)

1. Truyện này có sử dụng thơ của các tác giả: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn, Phạm Hồng Oanh, Bùi Hoàng Tám, Xuân Đam, Nguyễn Long, Giang Nam, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Khương Hữu Dụng, Hàn Mặc Tử, Lucille, Clizton. Lời bài hát, Dệt tầm gai, và thơ của tác giả truyện.

- Câu thơ của các tác giả trên có đôi chỗ sửa cho phù hợp với mạch chuyện. Do không có điều kiện xin ý kiến của các tác giả thơ, tôi xin cáo lỗi.



REF: NVA.TN100704-DTK1.


© Tác Giả và Việt Văn Mới Giữ Bản Quyền.

TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC