TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Sinh ngày 15/4/1959
. Quê quán: Thái Bình
. Tốt nghiệp: Học viện Biên phòng, Học viện Chính trị - Quân sự
. Hiện là Phó Tổng Biên Tập báo Biên Phòng.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Nước mắt thời con gái - tập truyện ngắn 2003.
. Tiếng gọi đời sau - tập truyện ngắn 2005.
. Những chiều cả gió - tập thơ 2007











RAU KHOAI

Mỗi bữa ăn của tháng năm tuổi thơ tôi là những năm tháng gắn liền với củ khoai, củ sắn. Vào những ngày giáp hạt, tháng ba, ngày tám, khoai sắn cũng không còn, ngọn rau khoai luộc ăn trừ bữa. Phải năm hạn hán, ngọn rau khoai cũng gầy nhẳng xác xơ, dai ngoanh ngách. Luộc lên ăn còn chát sin sít vì nhựa.

Có một năm trời làm đói kém, ngọn rau khoai cũng chẳng có để ăn. Nhà đông anh em, ngọn khoai cũng chia mỗi người được một lưng lưng đã hết. Thương tôi đói vẫn cố học. Bác hàng xóm mỗi khi thấy tôi đi qua gọi vào cho thêm lưng lưng bát rau khoai luộc nữa.

Đất đồng bằng Bắc bộ thường chia ra làm hai vụ lúa và hai vụ màu. Lúa có vụ mùa, vụ chiêm. Khí hậu thời tiết khu vực đã định hình đồng đất thành câu chiêm khê mùa thối. Hai vụ màu thường là tận dụng chân mạ khi đã xong vụ cấy, chờ cây lúa sinh nở người dân đem đánh luống trồng khoai. Ấy là vốn lo xa nhỡ khi thất bát.

Rau khoai có hai vụ. Vụ hè thu và vụ đông xuân. Vụ hè thu, khi dây khoai đem lấp xuống luống, được lúc nắng nhẹ mưa vừa, dây khoai tốt xanh leo lẻo. Ngọn dây khoai lúc này mập mạp vâm váp như cái đũa con, bò ngêu ngao khắp mặt ruộng. Những cái ngọn trăng trắng còn bám phấn, phía trên nhú vài ba cái búp trông không khác gì cái tai con chuột nhắt thập thụt góc nhà hay cái tai nấm vừa nhú bám trên thân cây sắn dựng sát bờ rào.

Gặp những ngày có mưa, sau hai ba hôm ra thăm ruộng khoai, trải dọc phía trên các mặt luống là từng chùm, từng chùm ngọn khoai đua nhau vươn lên ngoe nguẩy, vẫy vẫy gió. Lấy tay bấm ngọn từ cái nách lá bắt đầu hoe hoe vàng đem về luộc hay xào. Nếu là món luộc thì thêm bát nước mắm pha với dăm nhánh tỏi đập dập hoà vào. Gắp ngọn rau, thả nhẹ vào bát nước chấm, đưa lên miệng. Nhẩn nha nhai. Ngọn rau khoai mới bùi, giòn, pha lẫn chút hăng hăng nhằng nhặng của đồng đất.

Nếu cầu rình hơn, làm món xào. Cũng đem rau khoai luộc lên để cho hết cái vị chan chát của nhựa. Xong, lấy cái chảo, tra ít mỡ lợn, đợi cho mỡ sôi, nhón từng ngọn mà bỏ vào. Nghe tiếng mỡ reo quấn lấy ngọn rau lèo xèo, ngửi cái mùi mỡ thơm bốc lên thích đến từng cánh mũi. Bao giờ ngọn rau đã cuốn với mỡ, tai tái, tra dăm ba nhánh tỏi đập nhỏ. Lúc này không chỉ có mùi thơm của mỡ, của ngọn khoai mà còn thêm mùi thơm của tỏi. Ngọn khoai xào săn, ngọt, bùi và có mùi thơm thơm đến ứa nước bọt.

Ấy là cách làm của mấy nhà khá giả. Còn nhà tôi. Bứt ngọn rau về, ném vào rổ, tha ra ao, quẫy rửa cho sạch rồi cuộn lại, tống tất vào nồi mà luộc. Khi rau chín, nghiêng cái xoong, đổ chụp vào cái rá. Rạch mớ rau luộc cho cạn nước. Đến bữa ăn, mỗi người được phần lưng lưng cái món rau luộc đấy.

Con đường làng lầy lội cùng những bát rau khoai đã cùng tôi sớm sớm chiều chiều tha từng con chữ học làm người. Có nhiều ngày đói quá, ăn nhiều ngọn rau mà ngồi trong lớp, nghe cô giáo giảng bài bụng sôi, réo ùng ục. Xin phép cô ra ngoài nhiều quá làm cô giận nghĩ tôi không thích nghe cô giảng. Tôi trở thành cậu học trò khó bảo. Mỗi khi nhà trường họp phụ huynh thường phải nói dối cô bố mẹ đi vắng. Lòng sợ rằng, nếu bố mẹ đi họp, nghe cô giáo phản ánh lại nghĩ thương con mà giữ ở nhà. Kiếp con nhà nghèo đeo đẳng đầy tủi khổ.

Năm tháng qua đi, thời gian không thể níu giữ đầy đọa mãi kiếp con người. Dẫu chỉ có ngọn khoai, ngọn sắn nhưng tôi vẫn cứ lớn lên. Cái sự lớn lên của lẽ tự nhiên, của quy luật vạn vật mà không cái gì có thể cưỡng nổi.

Buông ghế học trò, được làm kiếp sinh viên. Mỗi khi nhà bếp nấu, xào hay luộc rau khoai, thậm chí chỉ ngửi thấy mùi ngọn rau khoai là đã nổi da gà, người nôn nao ậm ẹo muốn nôn. Bạn bè không biết, chỉ nghĩ rằng tôi bị dị ứng thức ăn. Còn tôi, tôi biết. Đây chính là di chứng của những ngày rau khoai, rau sắn phải ăn quá nhiều. Nhiều đến phát sợ.

Thời gian lãng đãng trôi. Tuy vẫn còn sợ nhưng lòng vẫn tạc lòng, nhờ có ngọn khoai, ngọn sắn mà tôi vẫn sống. Sinh ra được sống, liệu ở đời có gì hơn thế.

Đi đây đi đó, được bạn bè mời mọc. Công việc phải tiếp xúc quan hệ, tiệc tùng. Các món ăn ở đời từ lạ đến quen, từ mới đến cũ, chi chi chằn chằn đều được nếm, được ăn. Tưởng quên món rau khoai ai dè, khi trước mặt cao lương mỹ vị lại nhớ món rau khoai một thời lam lũ.

Cuộc sống ngày mỗi đủ đầy, các món rau đồng quê, các món ăn dân dã bỗng trở thành đặc sản. Bạn bè nói vui: Nhớ về cội nguồn. Ừ. Cội nguồn ta ở đâu mà ta đánh mất để bây giờ phải nhớ, phải về. Tủi lắm ngọn khoai, ngọn sắn. Tủi lắm những tháng năm ngọn sắn, ngọn khoai cho ta sống, cho ta lớn, cho ta được có bây giờ. Thi thoảng nhớ quá, chọn sau ngày mưa, chạy xe qua chợ, mua mớ rau khoai về cặm cụi nhặt lấy ngọn, cọng rồi hì hụi xào tỏi. Lâu lâu không ăn lại nhớ đến xao lòng.

Mấy bữa nay bạn bè rủ đi ăn tiệc, uống rượu nhiều bụng nóng. Tối hai bố con ngồi, buột miệng.

- Lâu quá rồi bố không được ăn rau khoai xào. Thèm quá.

Thực lòng cũng sợ con lớn lên rồi quên món rau đồng quê, quên những tháng năm tủi cực của thế hệ cha, mẹ. Lớn lên ở nơi đô hội, khi mở mắt ra là đã thấy những thứ "một thời xa xỉ" nên con cái dễ hư. Phần cũng thèm ăn rau khoai, cái thèm của kẻ nhà quê ra thành phố ở. Cái gốc gác quê mùa nhiều người không dám nhắc.

Nghe tôi nói thế, con trai vội bảo.

- Bố để sáng mai con đạp xe về chợ quê mua cho.

Từ chỗ ở vào chợ quê cũng 5-6 km. Thương con nắng nôi, đường xá khó đi, nghe con nói vậy vội gạt đi.

- Thôi để mấy bữa nữa, mưa xong vài ba ngày đi mua cho non.

Sáng dắt xe đi làm, đinh ninh con không phải đi chợ xa mua cho mớ rau khoai vì cái thói giở chứng nhà quê.

Chiều đi làm về, nhìn thấy mớ rau khoai ngâm trong chậu nước cho tươi, cho vợi nhựa mà rưng rưng.

Mang rau ra nhặt. Thương con và buồn vì cái thói đời, buồn vì cái tình con người gửi trong nắm ngọn rau quê kiểng.

Vài ba ngọn làm màu bên ngoài, bên trong là những lá già, sâu sia, màu vàng vàng, bủng beo, héo úa. Mớ rau chỉ đáng hai, ba nghìn nhưng nghĩ thương công con đạp xe đi mua đành cặm cụi ngồi nhặt lấy dăm ba đầu ngọn, những chiếc lá chưa già, úa, cố làm lấy bữa rau xào.

Nào dầu rán, tỏi, bột nêm hai bố con xì xụp xào mà đĩa rau khoai lá nhiều hơn cọng cứ bết vào nhau èo uột, nhen nhét, nhơn nhớt.

Ngồi vào mâm. Không biết con trai có hiểu không mà thỉnh thoảng lại hỏi.

- Rau khoai bố ăn có thấy ngon không?

Miếng cơm nghẹn lại. Nói không sợ con buồn. Nói thêm sợ con tủi. Nói kỹ sợ con nhìn đời khác.

- Ngon. Ngon lắm con ạ.

Con trai nhìn tôi gắp miếng lá rau khoai xào bỏ vào bát. Con cười.

Nhìn con cười mà lòng tôi buồn rười rượi. Con tôi đâu có biết. Phủ bên ngoài vài ba ngọn khoai dài còn bên trong chỉ là những lá mà có chăng để nấu rau lợn. Người bán rau đã bán dối cho con, đứa học trò thương bố, đạp xe vào chợ quê. Con những nghĩ nơi ấy như chuyện tôi vẫn kể về tình người một thuở. Nơi mà tôi đã lớn lên từ ngọn khoai, ngọn sắn cùng tình người ăm ắp yêu thương.

Thời gian vẫn thế. Kiếp người dâu bể nay đã khác rồi. Cái tình đắng đót làm sao. Rau khoai cũng vẫn gọi rau khoai nhưng đã khác xưa rồi. Giật mình thảng thốt.

- Rau khoai ơi! Rau khoai ơi!

Ngày 17 tháng 9 năm 2007




© Bản Quyền của Tác Giả.




TRANG CHÍNH TRANG THƠ CHUYỂN NGỮ BIÊN KHẢO NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC