TÁC GIẢ
TÁC PHẨM






. Quê gốc: Đà Nẵng
. Sinh năm 1961 tại Sài Gòn (TP.HCM.)
. Cử nhân ngữ văn Việt & cử nhân Anh văn
. Giáo viên Trường Ngoại ngữ Không Gian TP.HCM.
. Dịch giả Anh - Việt & Việt - Anh: đã biên dịch hơn trăm tập sách (có đầu sách gồm 5, 7 tập).
. Thành Viên Ban Biên Tập Newvietart - Đặc trách Anh Ngữ.

* TÁC PHẨM XUẤT BẢN :

. Chuyện Cổ Tích Của Vườn - tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác của Nxb. Trẻ Tp.HCM.

. Văn Học Thiếu Nhi Vì Tương Lai Đất Nước , lần thứ nhất, 1993.

. Nhạc Giữa Trời , đoạt giải A Nxb. Kim Đồng, 1995.






TRUYỆN


NHẠC GIỮA TRỜI - truyện dài - Kỳ 1 (1, 2,3)
NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Hai (4, 5,6)
NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Ba (7, 8,9,10,11)
NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Tư (12, 13,14,15)
NHẠC GIỮA TRỜI - Kỳ thứ Năm - Kết (16, 17,18,19, 20)

CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - truyện dài - Kỳ 1 (1,2,3)
CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Hai (4,5,6)
CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Ba (7,8,9,10)
CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Tư (11,12,13,14)
CHUYỆN CỖ TÍCH CỦA VƯỜN - Kỳ thứ Năm (15,16,17)

CON CHUỐI YÊU THƯƠNG - truyện dài - Chương 1
CON CHUỐI YÊU THƯƠNG - truyện dài - Chương 2




CHUYỂN NGỮ


. All Alone (Toute Seule)
The Forest In Fall
Le Van
Soeur,Et Frère, Et...
5 Short Stories




















CON CHUỐI
YÊU THƯƠNG




CHƯƠNG 2

tên nó là Chuối – tìm tựa những cuốn sách – đi thăm bạn cũ –

bầy vịt mái – bữa cơm trưa chia tay

B uổi tối. Bên bậc thềm, bà Năm ngồi im lặng nhìn ông Rồng kiên nhẫn đút từng miếng khoai mì ế vào miệng con chó nhỏ. Mang tiếng khoai mì ế, nhưng hương vị bùi bùi beo béo của nó cũng đủ hấp dẫn người phu đạp xích lô bụng trống sau một cuốc xe vào ban đêm. Trên bàn, bên cạnh dĩa khoai mì, bà Năm còn tặng ông Rồng thêm vài trái chuối luộc. Loại chuối luộc này để ba ngày vẫn không sao. Khi lột trái chuối ra, mùi chuối chín vẫn ngọt ngào thơm nức như thường...

Bà Năm ngồi im quan sát con chó nhỏ. Mới nãy nghe ông Rồng kể chuyện nó, bà suýt khóc, suýt buột miệng chửi cậu phóng viên đẹp trai sáng sáng thường hay phóng chiếc Dream từ ngoài đường ào ào vào trong sân trong. Bà suýt chửi cậu ấy là “đồ tàn nhẫn”, nhưng rồi im bặt. Thanh niên trẻ tuổi hay vô tâm vô tình như vậy đó. Làm sao trách được. Vả lại, dưới mắt cậu ấy, nó chỉ là một con chó nhỏ thôi, có đáng gì đâu...

Bà Năm phá tan không khí lặng lẽ bằng một câu hỏi:

-Nó quyết định ở lại với ông rồi hả?

-Ừa.

-Vậy ông đặt tên cho nó chưa?

-Chưa.

-Trời đất! Cái ông này!

Ông Rồng nói như phân bua:

-Chớ bà nghĩ coi, suốt ngày hôm nay có ai cho hai ông cháu tui được gần gũi bên nhau đâu. Mấy cô cậu phóng viên nhà báo hết sai nó làm công chuyện này đến nhờ nó làm công chuyện kia. Riết rồi nhà thơ Sóng Biển phải nói vui là nên ghi thêm tên nó vào trong bảng lương của tòa soạn, họ mới chịu buông tha nó.

-Ăn cơm trưa thì sao?

-Mọi người bắt cậu Gia Phú chuộc lỗi bằng cách mua cho nó một dĩa cơm sườn. Tui can liền. Tui nói để nó ăn uống đơn giản với tui được rồi, đừng tập nó ăn uống sang trọng làm nó hư. Cuối cùng cậu Gia Phú ép quá, tui phải lấy một chén thịt kho cho cả hai ông cháu ăn chung. Nó được ăn cơm trong một cái tô kiểu thiệt đẹp.

-Tô kiểu mượn của bà bán cơm hả?

-Bậy. Tô canh của tui đó bà.

-Ai biết đâu nè...

Im lặng một lát, ông Rồng nối lời:

-Nó là con chó nhỏ quá dễ thương, tui định đặt cho nó tên Lu Lu.

-Lu Lu hả ông? Ừa nghe cũng được.

Nhưng con chó nhỏ lúc lắc đầu không chịu tên này. Ông Rồng gãi trán:

-Ủa, mày hổng thích tên Lu Lu hả? Vậy Mi Nô hén?

Con chó nhỏ lúc lắc đầu.

-Vậy Rinh Gô nghen? Tên Rinh Gô nghe rất cao bồi miền tây đó mày!

Lúc lắc đầu.

-A! Tao có quen với mấy ông giáo viên bên trường Vũ Trụ. Mấy ổng có tên đệm bằng tiếng Anh hay lắm. Để tao mượn đỡ tên mấy ổng đặt cho mày hén. Ren Đy? Mác? Pi Tơ? Đích? Trời đất ơi! Sao tên nào mày cũng lắc đầu nguầy nguậy hết vậy? Thôi được. Mày hổng chịu tên tiếng Anh thì tao đặt tên tiếng Hoa cho mày nè. Tuấn Vũ? Hoàng Phúc? Chí Khanh? Quách Hòe? Trời đất ơi! Tao pó tay luôn! Vậy mày muốn đặt tên gì? Mày nói cho tao biết đi!

Bà Năm đặt nhẹ bàn tay lên bàn tay ông Rồng:

-Cái ông này! Làm gì ông la nó dữ vậy!

Ông Rồng im bặt, len lén nhìn xuống bàn tay sần sùi và múp míp của bà Năm. Thấy vậy, bà khẽ khàng rụt tay lại. Con chó nhỏ leo lên ghế, nhảy phóc lên bàn, ngoạm lấy một trái chuối luộc, nhảy phóc xuống rồi mang đến tận tay ông Rồng. Ông nhíu mày không hiểu:

-Sao nhóc? Mày muốn ăn thêm chuối hả?

Lúc lắc đầu.

-Hay là mày muốn... A! Mày muốn cái tên Chuối hả?

Gục gặc đầu lia lịa.

Bà Năm bất ngờ bật cười to:

-Hahaha... Con chó của ông nó muốn được đặt tên là Chuối... Hahaha!

Ông Rồng quay sang nhìn bà Năm, cự nự:

-Tên Chuối thì tên Chuối. Có gì đâu mà bà tức cười dữ vậy?

-Thì... thì... tui tức cười vì thấy con chó của ông nó hơi bị ngộ nghen. Tên tiếng Anh, tên tiếng Em, nó lắc đầu hết ráo, chỉ gật đầu cái tên Chuối thôi.

Ông Rồng chuyển giọng âu yếm nói vơi con chó nhỏ:

-Nếu mày thích tên Chuối thì từ nay tao gọi mày là Chuối hén.

Con chó nhỏ gục gặc đầu hài lòng.

Và sáng hôm sau, mọi người làm việc tại tòa soạn báo Pháp Lý đều biết con chó nhỏ có tên Chuối. Không ai tin đây là tên nó tự chọn cho chính nó. Cô phóng viên Mẫn Nghi cao giọng gọi nó bằng đủ thứ tên, nào là Tom Cruise, Brad Pitt, Tom Hank, Nicolas Cage, Harrison Ford, Jim Carry, Jackie Chan, Jet Li..., nó đều lắc đầu từ chối. Nhà thơ Sóng Biển trầm giọng gọi nó là Kiều Phong, Hồ Xung, Tiểu Bảo, Vô Kỵ, Quách Tĩnh, Dương Quá..., nó đều lắc đầu từ chối. Chàng biên tập Gia Phú hí hửng gọi nó là Phi Phi, Lưu Lưu, Trường Trường, Tháo Tháo, Du Du..., nó đều lắc đầu từ chối. Chỉ tới khi trưởng phòng biên tập Phong Nhã gọi to “Chuối ơi! Lại đây nhóc!” thì nó sáng mắt lên, lon ton đi tới gần ông và nằm xuống bên canh đôi giày tây hôi rình của ông.

Ông Phong Nhã vuốt ve đầu nó:

-Giỏi lắm nhóc. Cái tên Chuối đọc lên nghe hay hay đó. Tao thích mày quá. Trưa nay mày ăn cơm chung với tao hén? Tao sẽ chia đôi món mực xào nghệ với mày nha? Món này ăn với cơm nóng hổi, kèm theo một chai bia là hết biết luôn đó nhóc!

Con chó nhỏ gục gặc đầu, ra vè đồng tình với ý kiến của ông làm mọi người khoái chí, cười ồ lên.

Danh tiếng “con chó khôn” của Chuối được lan truyền từ tòa soạn báo Pháp Lý sang tòa soạn các tờ báo khác. Tất nhiên phản ứng đầu tiên là không ai tin có một con chó khôn đến mức có thể tự chọn tên cho chính nó. Dăm ba phóng viên tới tìm hiểu, và khi chứng kiến sự thật là con chó nhỏ chỉ gục gặc đầu đồng ý với tên Chuối thì họ phải công nhận con chó quá khôn. Nhưng cũng có người lên tiếng phản đối. Họ cho rằng tên của nó là Chuối thì tất nhiên nó chỉ chạy tới chỗ những ai gọi nó là Chuối thôi. Có gì lạ đâu? Chỉ tiếc rằng họ không biết chuyện trái chuối luộc. Hình như ông Rồng không muốn kể ra chi tiết này thì phải...

Chiều thứ Sáu, buổi chiều cuối tuần, một chàng biên tập trẻ tuổi của Nhà Xuất Bản Sức Sống phóng xe đến gặp ông Rồng, xin được thử tài con Chuối. Cuộc thử tài diễn ra đơn giản thôi. Nếu con Chuối tìm ra đúng hết tên những tựa sách mà chàng ta yêu cầu, chàng ta mới thật sự “tâm phục khẩu phục” trí khôn của con chó nhỏ.

Ông Rồng băn khoăn lắm. Dù sao Chuối chỉ là một con chó, nó đâu biết đọc biết viết như trẻ nhỏ mà bắt nó đi tìm tên tựa sách này, tên tựa sách kia... Ngần ngừ vài giây, ông nói với chàng biên tập của Nhà Xuất Bản Sức Sống:

-Để tui hỏi ý kiến nó trước. Nếu nó đồng ý tham gia thử tài thì tui sẽ cho nó đi theo cậu. Nếu nó không đồng ý tham gia thì thôi, tui không ép đâu.

Chàng ta cười khà khà:

-Trời đất. Nó mà biết trả lời câu hỏi của bác là tui chết liền!

Ông Rồng thủng thỉnh nói:

-Cậu đừng có chết. Vì cậu sắp nhìn thấy nó trả lời câu hỏi của tui đây nè.

Ông ngồi thụp xuống trước mặt con chó nhỏ, nhìn thẳng vào mắt nó, chậm rãi nói từng tiếng với nó:

-Chuối à, người ta muốn thử tài mày, coi mày có đọc được chữ viết hay không. Người ta sẽ yêu cầu mày đi tìm tên một cuốn sách. Mày nhắm mày làm được không? Cứ trả lời thiệt đi nhóc. Nếu mày làm hổng được, tao không buồn mày đâu.

Con chó nhỏ gục gặc đầu với dáng vẻ rất tự tin.

Tất cả mọi người đứng chung quanh quan sát đồng loạt vỗ tay rân trời. Họ ủng hộ con Chuối đó mà. Chàng biên tập của Nhà Xuất Bản Sức Sống hơi bị sốc trước cảnh này, nhưng chàng vẫn cho rằng mình sẽ thắng cuộc. Sau đó, mọi người kéo nhau ra ngoài sân, phấn khởi dẫn xe gắn máy ra đường, cứ hai người leo lên ngồi trên một chiếc xe, riêng ông Rồng ẵm theo con Chuối ngồi chung với ông. Gần một chục chiếc xe nổ máy dòn dã và rú ga lên đường. Họ nối đuôi nhau cùng tiến thẳng tới tổng hành dinh của Nhà Xuất Bản Sức Sống, mặt mũi vui vẻ hí hửng cứ như đang đi trẩy hội Chùa Bà!

Toàn thể nhân viên và biên tập viên của Nhà Xuất Bản Sức Sống kéo nhau xuống lầu, bu quanh căn phòng nhỏ chất đầy sách từ sàn nhà lên tới trần nhà. Họ tò mò muốn biết một con chó nhỏ có thể đọc được chữ viết và tìm ra tên tựa sách như thế nào. Mọi người giành nhau kể về những con chó khôn nhất (và ngu nhất) mà họ từng biết trong đời. Tiếng cười nói ầm ĩ im bặt khi ông Rồng ẵm con Chuối bước vào trong phòng. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía con chó nhỏ, nhưng nó vẫn ngẩng cao đầu lên, mở to mắt quan sát chung quanh, cái lưỡi nhỏ thỉnh thoảng lại thè ra, tỉnh bơ cứ như không!

Ông Rồng thả con Chuối xuống đất. Nó lon ton chạy tới trước những chồng sách cao nghệu được xếp san sát nhau, bìa gáy quay ra ngoài để thuận lợi cho việc lựa chọn. Nó dừng lại, thái độ tỏ ra sẵn sàng.

Chàng biên tập của Nhà Xuất Bản Sức Sống nhanh nhẹn sắp xếp lại khoảng hai trăm cuốn sách, sao cho chiều cao của chúng ngang tầm mắt con chó nhỏ. Chàng đằng hắng mấy tiềng và nói:

-Mày tìm cho tao cuốn sách có tựa đề “Người Bạn Đồng Điệu”.

Con chó nhỏ bắt đầu lướt đi chầm chậm từ chồng sách này sang chồng sách khác. Đến chồng sách thứ tư, nó dừng lại, giơ chân phải lên, dùng một móng chân chỉ vào một gáy sách có màu xanh xanh. Một phụ nữ khom người xuống, rút cuốn sách đó ra và giơ lên cao. Tên tựa cuốn sách đó là “Người Bạn Đồng Điệu”! Tất cả mọi người cùng “Ồ” lên kinh ngạc, kể cả chàng biên tập kia!

Một người khác cất tiếng nói to:

-Mày tìm cho tao cuốn có tựa đề “VUI HỌC: Viên Kim Cương Biến Mất”.

Con chó nhỏ tiếp tục lướt đi chầm chậm từ chồng sách này sang chồng sách khác. Đến chồng sách thứ bảy, nó dừng lại, giơ chân phải lên, dùng một móng chân chỉ vào một gáy sách có màu đo đỏ. Người phụ nữ lúc nãy rút cuốn sách đó ra, nhe răng cười và giơ lên cao. Tên tựa cuốn sách đó là “VUI HỌC: Viên Kim Cương Biến Mất”! Một lần nữa, mọi người cùng “Ồ” lên kinh ngạc. Đúng là khó tin nổi!

Một người khác búng tay “tróc tróc” và nói to:

-Bi giờ mày tìm cho tao cuốn có tựa đề “Quà Tặng Cuộc Sống”.

Con chó nhỏ quay đầu trở ngược lại, lướt đi chầm chậm từ chồng sách này sang chồng sách khác. Đến chồng sách đầu tiên, nó dừng lại, giơ chân phải lên, dùng một móng chân chỉ vào một gáy sách có màu hồng hồng. Người phụ nữ lúc nãy rút cuốn sách đó ra, liếc mắt nhìn, tròn miệng nói “Wao!” và giơ lên cao. Tên tựa cuốn sách đó là “Quà Tặng Cuộc Sống”! Lần này thì mọi người không chỉ “Ồ” lên mà còn vỗ tay rào rào để tán thưởng con chó nhỏ.

Giọng một một nữ vang lên:

-Để tui. Để tui hỏi nó cuốn này. Sách tiếng Anh nha. Coi thử nó phân biệt được giữa tiếng Anh với tiếng Việt hông nha... Ê nhóc Chuối, bi giờ mày tìm cho tao cuốn có tựa đề “Advertising And The Promotion Industry”.

Con chó nhỏ hơi khựng lại.

Mọi người im lặng quan sát. Một là nó không biết tiếng Anh. Hai là nó không biết người phụ nữ kia đang nói tiếng gì. Nếu cô ấy nói tiếng Ấn Độ thì ở đây không có tựa đề nào mang chữ Ấn Độ. Nếu cô ấy nói tiếng I Rắc thì ở đây cũng không có tựa đề nào mang chữ I Rắc. Nếu cô ấy nói tiếng Thái Lan thì ở đây càng không có tựa đề nào mang chữ Thái Lan. Một người đàn ông đứng tuổi đứng ngoài cửa bèn nhắc lại câu tiếng Anh đó bằng giọng thật chuẩn “Advertising And The Promotion Industry”.

Con chỏ nhỏ gục gặc đầu, tỏ vẻ đã nghe ra câu tiếng Anh đó. Nó thủng thỉnh đi xuôi xuống một lần, đi ngược lên một lần, rồi ngước mắt nhìn khắp mọi người như muốn nói hổng có cuốn sách đó ở đây! Thấy vậy người phụ nữ vừa ra câu đố trên bèn “À” lên và lên giọng gợi ý cho nó:

-Mày nói đúng. Cuốn sách đó không có ở chỗ đó, mà nó nằm ở chỗ khác!

Chàng biên tập trẻ tuổi cằn nhằn:

-Bà này! Chơi đố kiểu gì kỳ vậy! Bà đố cuốn sách đó tui còn tìm hổng ra huống gì nó! Thôi đố lại đi bà nội!

Vài người ủng hộ con chó nhỏ:

-Trời! Đố lại đi! Đố cuốn sách nào ở trước mặt nó chớ!

-Chèn ơi! Chơi đố gì kỳ cục dzậy chị Hai!

Nhưng con chó nhỏ đã rin rít lên vài tiếng như kêu gọi sự chú ý của mọi người. Nó tới gần một chồng sách cao ở sách chân tường, giơ chân phải lên, dùng một móng chân chỉ vào một gáy sách có màu xanh lam tím. Chàng biên tập trẻ tuổi nhanh chân đi tới gần con chó nhỏ, rút cuốn sách đó ra, trố mắt nhìn tựa đề và giơ lên cao. Lần này thì mọi người không chỉ nói “Ồ” hay “À”, không chỉ vỗ tay tán thưởng, mà còn dậm chân, lắc mông điệu Samba như khi đội tuyển thân yêu vừa ghi được một bàn thắng! Vâng! Tên tựa cuốn sách đó là “Advertising And The Promotion Industry – Tiếng Anh Dành Cho Nhân Viên Quảng Cáo Và Xúc Tiến Kinh Doanh”!

Từ lúc đó, hết người này gọi to bắt nó tìm cuốn sách này, đến người kia gọi to bắt nó tìm cuốn sách kia... cho tới khi nó mệt nhoài. Xót con chó nhỏ quá, ông Rồng vội vàng bước vào bên trong và kêu lên:

-Thôi thôi. Xin các cô các cậu thương tình cho nó nghỉ đi. Coi nó mệt rồi kìa. Hơn sáu giờ rồi. Tới giờ ăn tối rồi mà hai ông cháu tui chưa cơm nước gì hết ráo. Cho phép hai ông cháu tui về nhà tắm rửa, cơm nước...

Mọi người giật mình nhìn đồng hồ.

Chà, hơn sáu giờ chiều thiệt mà. Tụi mình giải tán đi.

Tất nhiên chàng biên tập trẻ tuổi của Nhà Xuất Bản Sức Sống thua cá độ, phải chung tiền cho ông Rồng thôi. Nhưng ông Rồng nhất định gạt phong bì đựng tiền sang một bên, trả lời bằng một giọng tràn đầy cảm xúc:

-Tiền nong gì cậu... Như vầy là tui sung sướng và hãnh diện lắm rồi... Tui chỉ cần từ nay mọi người công nhận con Chuối của tui là một trong những con chó thông minh và khôn ngoan nhứt thôi...

Chàng biên tập trẻ tuổi của Nhà Xuất Bản Sức Sống gật đầu khẳng định:

-Bác yên tâm. Bây giờ thì tui thật sự “khâm phục khẩu phục” nó. Con Chuối của bác đúng là con chó thông minh và khôn ngoan nhất mà tui chưa từng gặp trong đời! Thôi bác cứ nhận tiền đi. Thua độ là phải chung. Chuyện bình thường mà bác.

Kẻ nói ra vài câu, người nói vào vài câu, cuối cùng ông Rồng đành phải nhận phong bì tiền chung độ của chàng biên tập trẻ tuổi. Ông ẵm con Chuối ngồi lên phía sau xe gắn máy, nói thì thầm vào tai nó:

-Số tiền trong phong bì này cứ để dành đó... thỉnh thoảng tao mua đồ ăn ngon bồi dưỡng cho mày mau lớn hén nhóc...

***

Trong dịp mừng lễ lớn của đất nước, toàn dân được nghỉ lễ những ba ngày và ông Rồng quyết định về quê một người bạn cũ để đổi gió. Mặc ai vung tiền thuê xe hơi mười lăm chỗ, ba mươi chỗ, ông Rồng cứ chiếc xe đạp mà tà tà lên đường. Nói thiệt, quê nhà của bạn ông ở Long An, cách thành phố chừng vài chục cây số chớ có xa xôi gì đâu. Thôi cứ đi xe đạp cho chắc ăn, mà giãn gân giãn cốt tuổi già nữa.

Ông Rồng lót miếng giẻ sạch vào chiếc giỏ xe trước, thả con chó nhỏ vào trong đó và chèn thêm vài miếng giẻ sạch nữa chung quanh cho nó đỡ bị xóc. Hành lý của ông chỉ có chiếc ba lô cũ màu đen đeo trên vai, trong đó đựng bộ quần áo, vài món vật dụng cá nhân, và mấy gói kẹo trái cây hiệu Kinh Đô để làm quà cho đám cháu nội của người bạn cũ. Chỉ thế thôi.

Trên đường đi, con chó nhỏ thò đầu lên nhìn cảnh vật hai bên đường không biết chán mắt, thỉnh thoảng nó chành hai mép ra tới mang tai cứ như đang cười toe toét. Ánh mắt nó long lanh thật vui sướng. Nhìn vẻ hớn hở của nó, ông Rồng cũng thấy ấm áp cả cõi lòng. Ông nghĩ mình đã làm đúng khi quyết định cho con chó nhỏ đi theo, dù bà Năm hứa nếu ông để nó ở lại thì bà sẽ chăm sóc nó thật chu đáo... Nhưng ông không đành lòng để nó ở lại một mình với bà Năm, chẳng hiểu tại sao...

Một bầy chim lông xám sẽ đột ngột vỗ cánh bay lên cao. Con chó nhỏ mở to đôi mắt ngơ ngác nhìn theo, rồi nó giơ bàn chân phải lên vẫy vẫy theo bầy chim đang bay xa dần. Vốn đã quen với những hành động lạ lùng và “rất người” của nó, ông Rồng chỉ mỉm cười không nói gì. Ông chúm môi lại, huýt sáo theo một điệu nhạc tươi vui của bài “Ngày Dài Nhất” trong bộ phim “Cầu Sông Kwaii”. Con chó nhỏ quay sang nhìn ông, chành hai mép ra tới mang tai, khoe hàm răng trắng bóc và nhọn hoắc cứ như đang cười toe toét. Ông Rồng ngưng huýt sáo, mỉm cười lại với nó...

Khoảng ba tiếng đồng hồ sau, tư dinh rộng lớn của người bạn cũ hiện ra trước mắt ông Rồng. Ông nhảy xuống xe đạp, cầm tay lái dẫn bộ chiếc xe qua cánh cổng tre đang mở ngõ. Thấy người lạ, một con chó lớn từ trong chạy xồ ra, cất tiếng sủa inh ỏi. Nghe tiếng chó, chủ nhà lật đật đi ra đón khách. Hai người bạn già tóc bạc mừng rỡ chào hỏi nhau rồi quàng vai nhau đi vào bên trong uống nước.

À, trước khi đi vào trong để gặp bà chủ nhà, ông Rồng thả con chó nhỏ xuống đất và dặn dò nó phải thật ngoan ngoãn. Nó gục gặc đầu lia lịa. Ông Rồng hài lòng, vuốt ve đầu nó vài ba cái rồi mới yên tâm quay lưng bỏ đi.

Con Chuối phụng phịu nói với con chó lớn:

-Anh làm gì mà sủa ông nội tui dữ vậy? Anh làm tui sợ muốn chết nè.

Con chó lớn khịt khịt mũi:

-Nhiệm vụ của tui là giữ nhà cho chủ. Thấy người lạ tới, tui phải sủa to lên báo động cho chủ biết chớ.

-Ông nội tui là bạn của chủ anh chớ bộ...

-Ờ thôi, xin lỗi nha... À quên, tui tên Bông Cỏ, còn nhóc tên gì vậy?

-Tui tên Chuối.

-Trời đất, tui thấy tên tui đã ngộ rồi, tên của nhóc còn ngộ hơn. Ai đời tui là chó đực mà chủ lại đặt tên là Bông Cỏ. Hàng xóm chung quanh ai cũng hỏi ổng Bông Cỏ là cái quái gì. Ổng nói nhìn màu lông tui ngon như một ly bông cỏ nước dừa, chỉ cần thêm chút hột lựu màu đỏ đỏ vô là... muốn ực liền. Hêhêhê. Còn nhóc? Tui đâu thấy nhóc giống trái chuối đâu?

-Tại tui thích ăn chuối mà... Thôi anh dẫn tui đi chơi đi.

-Đi đâu?

-Lại chỗ bầy vịt kia kìa. Tui thích mấy chị vịt mập mạp đó quá hà.

-Ừa. Tui dẫn nhóc lại chỗ đó, giới thiệu nhóc với họ, rồi tui quay trở lại đây canh chừng nhà hén. Nhiệm vụ của tui là giữ nhà cho chủ mà.

-Dạ. Cảm ơn anh trước.

-Chèn. Khách sáo quá đi.

Mười phút sau, con chó nhỏ trở thành người bạn thân thiết của bầy vịt mái đang nằm rỉa lông bên bờ ao. Cả bầy liên tục “cạp cạp” hỏi chuyện nó. Nó niềm nỡ trả lời không sót một câu nào. Một chị vịt đứng giơ chân lên săm soi từng móng nhọn hoắc – được quét lớp sơn bóng màu xanh rêu – hỏi bằng giọng hờ hững:

-Nghe nói trên thành phố đèn đường sáng lắm phải hông?

-Dạ phải. Đèn đường bật sáng suốt đêm. Đến khi mặt trời sắp lên mới tắt.

-Vậy sao ngủ được hè?

Con chó nhỏ bật cười:

-Hihihi... Trên thành phố, hầu như người ta thức suốt đêm hay sao đó... Tui thấy trên đường lúc nào cũng có xe chạy... Ừm, chắc là họ ra đường chơi suốt đêm...

Chị vịt khác điệu đàng hất chỏm lông xoăn tít trên đầu, hỏi chen vào:

-Phụ nữ trên thành phố thế nào? Chắc đẹp hơn phụ nữ ở đây hén?

Con chó nhỏ gục gặc đầu:

-Đẹp hơn nhiều. Họ son phấn dữ lắm. Mà móng chân móng tay của họ màu đỏ chót chớ đâu có xanh lè như màu của mấy chị.

-Thì... tụi này dùng màu rêu xanh trên mặt ao mà nhóc! Cây nhà lá vườn mà! Với lại, quanh đây chẳng có ai nhìn ngắm tụi này hết, sơn phết nhiều cũng vậy thôi. Tụi này sợ bị ung thư lắm đó, trang điểm thường xuyên rất nguy hiểm!

Con chó nhỏ chành mép ra hai bên mang tai, cười toe toét:

-Trời... Hihihi... Đâu có sao đâu nè...

Nó định nói câu gì đó nhưng rồi im bặt, sợ bầy vịt mất lòng. Đúng rồi, nó định nói cuộc đời vịt đâu có kéo dài bao lâu, việc gì phải sợ ung thư ung thiếc cho mệt đầu. Nó định nói nếu còn sống được ngày nào thì cứ tận hưởng ngày đó. Nó còn định nói nếu mấy chị muốn biểu lộ lời yêu thương với ai đó vào hôm nay thì cứ biểu lộ ra đi, kẻo ngày mai sẽ không bao giờ đến... Tomorrow never comes... Hihihi. Đó là những điều nó nghe lỏm được từ các phóng viên của tòa soạn báo Pháp Lý. Họ thường xúm lại trước các trang web và bàn luận om sòm với nhau...

Câu chuyện bắt đầu vãn dần. Bầy vịt cảm thấy nóng nực bèn rủ nhau xuống ao bơi lội, bỏ mặc con chó nhỏ đứng một mình ngó mông buồn hiu. Nó đứng ve vẩy đuôi, nhìn theo bầy vịt trôi nhẹ trên mặt nước, như những con thuyền lênh đênh lênh đênh... Sau đó nó lững thững đi dọc theo hàng rào thưa, dõi mắt quan sát một con bướm có đôi cánh màu vàng rực đang chập chờn trên những luống hoa vạn thọ. Nó lên tiếng làm quen:

-Chào chị bướm. Chị tên gì vậy?

Bướm vàng ngoảnh đầu sang, trả lời nó bằng giọng điệu rất chảnh:

-Ta là Nữ Hoàng. Những luống hoa này là của ta. Khu vườn này là của ta. Toàn bộ không gian này là của ta. Mi ở đâu tới đây vậy?

Con chó nhỏ dừng lại, giơ chân lên gãi gãi tai:

-Tui với ông nội tui ở thành phố, tới đây chơi nghỉ lễ vài ngày.

-À...

-Mà nè chị ơi...

Bướm vàng vụt bay lên cao, lượn tròn vài vòng rồi sà thấp xuống, chập chờn trên những luống ớt luống cà xanh rì khác. Con chó nhỏ định đi theo bướm vàng nhưng nghe tiếng ông Rồng gọi, nó co chân phóng hết ga về phía hàng hiên đầy bóng mát, nơi ông Rồng và gia đình chủ nhà đang đứng đợi nó.

Ông Rồng cười khà khà khi vuốt ve bộ lông xoăn dày và mềm mại của con chó nhỏ. Ông nói bằng giọng tự hào nhất mà không phải ai cũng có được:

-Nó đó. Con chó thông minh và khôn ngoan nhất thành phố đó. Biết bao nhiêu phóng viên nhà báo tới thử thách nó, chụp hình nó, khen ngợi nó. Cháu nội của tui đó. Đâu, mày tới chỉ ông Thìn cho tao coi.

Con chó nhỏ đi lại gần, đặt một bàn chân lên chiếc dép của ông Thìn.

-Đâu, mày tới chỉ bà vợ của ông Thìn cho tao coi.

Con chó nhỏ đi lại gần, đặt một bàn chân lên chiếc dép của bà Thìn.

-Đâu, mày tới chỉ đứa cháu nội gái của ông Thìn cho tao coi.

Con chó nhỏ đi lại gần, đặt một bàn chân lên chiếc dép của đứa con gái khoảng bốn năm tuổi.

-Đâu, mày tới chỉ đứa cháu nội trai của ông Thìn cho tao coi.

Con chó nhỏ đi lại gần, đặt một bàn chân lên chiếc dép của đứa con trai khoảng sáu bảy tuổi.

Ông Rồng hào hứng nói to:

-Mọi người vỗ tay khen ngợi nó đi chớ! Thấy nó thông minh ghê hông?

Cả nhà ông Thìn vỗ tay lốp bốp lốp bốp. Rồi thì cả ông chồng lẫn bà vợ giành nhau nói, nhiệt tình khen ngợi cho chó nhỏ. Nào là “Giỏi dữ há. Biết tên người này, biết tên người kia hết ráo há!” “Phân biệt được con trai với con gái nữa kìa!” “Mới có chút xíu mà khôn giàn trời mây luôn!” “Giống chó này giữ này là số dzách hén!” “Cho nó đi làm xiếc kiếm được bộn tiền đó cha nội!”

Ông Rồng trợn mắt:

-Còn khuya tui mới cho nó đi làm xiếc! Cháu nội của tui chớ bộ đồ sở thú sao ông! Tui chưa túng thiếu đến nỗi phải bắt cháu nội tui đi làm xiếc kiếm tiền nghen!

Ông Thìn cười hề hề:

-Nói giỡn mà làm gì tự ái dữ vậy cha nội! Tui biết ông cưng nó rồi mà! Thôi mình vô trỏng ngồi lai rai chút xíu rồi bả dọn cơm trưa lên ăn luôn!

Nhờ ông Rồng dặn dò trước nên bữa cơm nào bà Thìn cũng dọn cho con chó nhỏ một tô cơm ngon lành và tươm tất như một thành viên chính thức trong gia đình. Cái đặc biệt của nó là không bao giờ ăn xương gà hoặc xương cá quăng bừa bãi trên nền đất. Nó luôn lúc lắc đầu hổng chịu ăn phần cơm thừa cơm mứa của bất cứ ai. Ăn xong, nó chẳng hề có kiểu ngồi chồm hổm dòm miệng từng người – như lũ chó nuôi khác vẫn thường làm! Ăn xong là nó lững thững đi ra ngoài hiên ngồi nhìn trời nhìn đất, ánh mắt buồn bã mênh mông...

Thoáng chốc những ngày nghỉ lễ trôi qua một cái vèo. Trưa nay ông Rồng ăn bữa cơm chia tay với gia đình ông Thìn để rồi còn đạp xe về thành phố cho sớm sủa nữa. Trong lúc hai người bạn già cùng con chó nhỏ đi rảo một vòng thăm hỏi vài người bạn học cũ khác thì bà Thìn tất bật chuyện cơm nước. Bà xách rổ ra vườn, hái nào rau húng quế, nào rau thơm, nào rau răm, nào ngò gai, nào cần tây, nào sà lách... để làm hương làm hoa cho món nhậu đặc biệt của hai ông. Bà cũng hái thêm một giỏ đầy những mận xanh mận trắng, ổi lê ổi lựu, và một cặp bưởi có màu vỏ rám nắng nhìn thấy thương luôn... để làm quà cho ông Rồng mang về thành phố! Tính bà chu đáo thật!

Trước ngọ một chút, hai người bạn già cùng con chó nhỏ bước vào nhà chuẩn bị ăn cơm trưa chia tay nhau. Chà, trên chiếc bàn ăn, dĩa nọ dĩa kia được bà Thìn bày biện la liệt. Mùi thơm của thức ăn tỏa lên thơm nức mũi. Ái dà, nhìn kìa. Thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng. Thịt vịt kho đậu tương. Thịt vịt ướp gia vị quay dòn. Ba bốn cái bánh tráng mè nướng vàng rụm. Và tất nhiên không thể thiếu một chai “nước mắt quê hương” trong vắt và nồng nàn đặt ngay trước mặt ông Thìn!

Mấy người con trai của ông Thìn luôn miệng hối thúc “Dzô đi ba! Dzô đi ba!”, rồi họ cằn nhằn cửi nhửi “Tụi con đói bụng quá chừng! Tụi con chờ ba với bác Rồng gần chết nè!” Hai người bạn già chỉ biết nhìn họ cười hahaha thôi... Tất cả mọi người cầm đũa lên, mời mọc nhau, và bữa cơm trưa sôm tụ bắt đầu!

Con chó nhỏ được bà Thìn bới cho một tô cơm nóng sốt với miếng thịt vịt luộc nhiều nạc, miếng thịt vịt kho đậu tương và một mẩu bánh tráng nướng nho nhỏ. Nó sung sướng định chúi đầu xuống tô cơm ăn, nhưng rồi chẳng biết suy nghĩ gì mà nó khựng ngang, liếc mắt nhìn bà Thìn thật nhanh và chạy vọt ra ngoài. Hành động bất thường của nó chỉ có một mình ông Thìn để ý.

Con chó nhỏ phóng ào ào ra bờ ao, gặp bầy vịt mái đang nằm chúm chụm vào nhau dưới bóng mát, những đôi mắt lim dim buồn ngủ và những cái mỏ dài lập bập trò chuyện khe khẽ. Nó nhìn quanh tìm kiếm rồi hỏi chị vịt đang nằm ngoài bìa:

-Chị Móng Xanh và chị Đầu Quăn đâu rồi?

Chị ta mở hí mắt ra nhìn nó, trả lời bằng giọng nhão nhẹt:

-Hả? – ngoác mỏ ngáp dài – Ai biết nè!

Nó đi loanh quanh hỏi thăm hết chị vịt này sang chị vịt kia nhưng chẳng ai biết Móng Xanh và Đầu Quăn đang ở đâu. Thậm chí nó hỏi thăm cả con chó lớn đang nằm thè lưỡi thở hồng hộc gần bờ rào. Con chó lớn gợi ý:

-Chắc hai chị vịt ta chết đuối rồi!

-Trời, vịt mà chết đuối hả pa?

Con chó lớn giơ chân lên gãi đầu gãi tai nghe sồn sột:

-Hổng chết đuối thì vô nồi! Chỉ có vậy thôi! Nhóc lại hố rác coi thử có đám lông của mấy bả hông? Nếu có thì mấy bả đang ở trong nồi cháo bốc khói thơm lừng đó! Tao nghe bà chủ nói bả nấu nồi cháo vịt thiệt bự, để cả nhà ăn tới tối luôn!

-Cảm ơn anh. Để tui đến đó thử coi.

Con chó nhỏ hộc tốc chạy tới hố rác được đào quanh một gốc đu đủ đang ra trái rất sai. Mấy chục trái đu đủ non bu quanh ngọn cây, hứa hẹn chừng mười ngày nữa thôi, chủ nhà sẽ có món đu đủ tráng miệng thơm, mát, bổ, khỏe. Khi hố rác này đầy, ông Thìn sẽ lấy đất lấp lại, và đào tiếp hố rác nữa quanh một gốc cây khác. Ông Thìn lấy rác làm phân bón mà. Nhất cử lưỡng tiện! Con cho nhỏ đứng bên miệng hố nhìn xuống. Rụng rời chân tay. Trong hố rác, bên gốc cây là một đống lông vịt xam xám đã xỉn màu lại, quấn vào nhau thành một đống rối nùi! Trời đất! Đúng là lông của Móng Xanh và Đầu Quăn rồi!

Con nhó nhỏ lững thững đi vào trong nhà, nhìn vào mắt ông Rồng, lúc lắc cái đầu tỏ ý hổng muốn ăn cơm. Ông Rồng đặt ly rượu đế xuống bàn, ngồi xổm trước tô cơm ngon lành của nó, dịu dàng hỏi:

-Sao? Nãy giờ mày đi đâu? Sao hổng chịu ăn cơm? Hả?

Con chó nhỏ dùng một móng chân chỉ vào miếng thịt vịt, lúc lắc đầu. Rồi cũng cái móng chân đó, nó chỉ vào phần cơm trắng, gục gặc đầu. Ông Rồng hiểu ý, nói thì thào cho một mình nó nghe:

-Tao biết rồi. Mày hổng muốn ăn thịt vịt vì con vịt đó là bạn của mày phải hông?

Con chó nhỏ gục gặc đầu. Ông Rồng nói tiếp:

-Vậy để tao ăn dùm mày hai miếng thịt vịt hén? Bỏ thừa hai miếng thịt thơm phức đó là có tội, đúng hông nhóc?

Con chó nhỏ gục gặc đầu.

Ông Rồng gắp hai miếng thịt vịt đi, rồi chan ít nước đậu tương vào trên lớp cơm trắng nõn trong tô của nó. Nó chúi mõm vào trong tô, tợp tợp từng bụm cơm và nhai nuốt ngon lành. Ông Rồng mỉm cười hài lòng. Hình như ở nhà quê nó ăn được cơm hơn những ngày ở thành phố. Không khí thoáng mát trong lành, sân chơi rộng rãi, vườn tược bao la, lại có một bầy vịt mái đông đúc làm bạn suốt ngày nữa. Thích quá đi chớ. Ừm. Con Chuối này có vẻ thích hợp với môi trường nhà quê đó. Giá tuần nào ông cũng rảnh rang chở nó về đây chơi hén...

Nghe vậy ông Thìn ngỏ lời xin giữ con chó nhỏ lại, nhưng ông Rồng chỉ nhe răng cười. Trời đất! Cho sao được mà cho! Cháu nội của người ta mà, người ta cưng gần chết, bộ điên khùng sao lại đem cho!



CÒN TIẾP ...





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự chấp thuận của Tác Giả và Newvietart - Việt Văn Mới .

REF:NVA.TDTN100711.1BN.



TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC