TÁC GIẢ
TÁC PHẨM




Sinh: 17.7.1960 (24.6 Canh Tý)
Tại : Trần Xá, Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình
Hiên ở tại : Phường Phú Khánh- TP Thái Bình - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Các giải thưởng:
- Giải Nhì cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1989- 1990
- Giải C của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học nghệ thuật, 1993 cho tập thơ: Con chim thiêng vẫn bay
- Giải Nhì của Uỷ ban Trung ương liên hiệp Văn học- nghệ thuật, năm 2002 tập truyện ngắn Ma Ngôn
- Giải nhì cuộc thơ do nhóm thơ Thanh Xuân Hà Nội tổ chức năm 1992
- Giải khuyến khích cuộc thi âm nhạc trẻ do nhà hát tuổi trẻ tổ chức năm 1992.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

- Con chim thiêng vẫn bay (thơ),1992
- Tháng mười thương mến (Thơ), 1994
- Trước ngôi mộ thời gian (Thơ),1995
- Gọi làng (Thơ),1999
- Cầm thu (Thơ), 2002
- Ma ngôn(truyện ngắn), 2002
- Khúc thương đau (Thơ), 2006
- Thơ hay- một cách nhìn (Bình thơ- sắp xuất bản)


THƠ

DU CA
ÁNH TRĂNG
HY VỌNG



BIÊN LUẬN

THƠ HAY - MỘT CÁCH NHÌN - TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA



TRUYỆN

QUYỀN VÀ ĐỨC
CỔ TÍCH XƯA VÀ NAY
HÀNH TRẠNG TÂM LINH - Phần thứ 1
HÀNH TRẠNG TÂM LINH - Phần Kết
TÂM Y BẢO NGỌC
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - Phần thứ Nhất
CÂU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG - Phần Kết
ĐÔI NẬM CỔ GIA TRUYỀN












Tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ.






ĐÔI NẬM CỔ GIA TRUYỀN

1.

"Meo. Meo...". Bà hàng xóm cả ngày nay đi khắp xóm tìm gọi con mèo. Con mèo nhỏ bà vừa mua đuôi rất ngắn. Người ta bảo giống mèo đuôi ngắn của Tầu không hay chuột. Vậy mà giá mua những tám mươi ngàn, bằng giá tiền nửa tạ thóc hai linh ba. Mẹ tôi bảo: "Rồi nhà ta cũng phaỉ bớt cái ăn cái tiêu mua lấy một con. Không đến chết với chuột...".

2.

Nhớ xưa, dịp đi Hà Nội bố tôi mua về một con mèo tam thể khá đẹp. Con mèo nết ngoan và hay chuột lắm.

Nhà tôi thanh bạch, tiện nghi vật dụng đơn sơ chả có gì đáng kể ngoài một thứ được coi là "quý", đó là đôi nậm sứ lưu truyền từ thời cụ thượng tổ bẩy đời. Đôi nậm thường chỉ được dùng vào việc chế rượu thờ.

Con mèo tam thể có lệ ngồi khoanh tròn, đuôi ve vẩy rồi xoa mặt vuốt râu trước hiên. Mẹ tôi đùa: "Người nào vật ấy". Nghe, bố tôi mỉm cười.

Một đêm tôi chợt tỉnh giấc. Một cảm giác tâm linh lạnh thấu căn nhà. Chiếc nậm bị con mèo tam thể săn chuột đụng đổ lăn mấy vòng trên bàn thờ rơi xuống. May chiếc nậm cổ rơi đúng vào thúng thóc mẹ tôi để hồi chiều. Bố tôi soi chiếc nậm trước ánh đèn pin, lâu sau ông buông tiếng thở phào nhẹ nhõm. Cả nhà như cất đi gánh nặng. Mẹ tôi thắp hương, khấn: "Ơn tổ nghiệp che chở! Rồi quay ra nói với anh em tôi, tao có để thóc cạnh ban thờ bao giờ đâu...".

Ngày sau bố tôi gọi người buôn mèo đến bán con tam thể. Tôi lựa lời ngăn: "Có nên thế không bố?" Bố tôi dằn giọng: "Phải thế thôi!" Tiếc mèo tôi thêm căm ghét con chuột lông xám tinh quái, chỉ nó là hay leo lên ban thờ. Anh trai lớn của tôi, tên Trần, thề độc phaỉ giết bằng được con chuột lông xám ấy.

3.

Sau chừng một năm việc buôn bán mèo lan đến làng thì lượng mèo vơi đi già nửa. Sau hai năm làng coi như tiệt giống mèo. Cũng từ đấy, làng tôi nhà nào nhà nấy thường xuyên có gói thuốc bả chuột. Thuốc diệt chuột của Tầu tràn khắp khiến người muốn nuôi lại mèo cũng ngại. Cả làng duy nhất còn con mèo nhà cụ Hậu.

Cụ Hậu sống một mình, không chồng con. Nhà cụ kề bên nhà tôi. Cụ nuôi mèo chăm như người ta chăm con thơ. Sợ "đứa con" mình ăn phaỉ chuột chết vì bả thuốc Tầu, cụ Hậu lấy dây làm tròng xích cổ. Ban ngày đi đâu cụ bế mèo theo. Đêm ngủ cụ cột mèo vào chân giường. Gậm giường cụ để một sề tro khi con mướp muốn "ti" thì ti vào đấy. Tôi chọc cụ: "Mèo không bắt chuột còn đâu là mèo". Cụ Hậu cười móm mém: "Đe hình, dọa tiếng ấy mà". Thuốc Tầu cùng các loại bẫy diệt chuột dần không còn mấy hiệu quả. Chuột sinh sôi nẩy nở vô vàn. Mùa màng thất bát do chuột phá thiệt hại không nhỏ. Riêng nhà cụ Hậu như một "góc yên bình" chuột ít bén mảng tới thật. Mẹ tôi có bao thóc giống phaỉ đem gửi nhờ nhà cụ. Tôi với đứa em út tranh nhau sang ngủ đêm bên cụ. Ngủ nhà không yên giấc vì chuột.

4.

"Góc bình yên" tồn tại cũng chả bao lâu. Thật buồn. Con mèo mướp của cụ Hậu bị người cháu họ bắt trộm bán lấy tiền uống rượu. Cụ Hậu khóc như khóc con. Người cháu cười hềnh hệch, giọng rượu bả lả hát: "Bai bai cái chốn bình yên của làng...". Đứa em út tôi lại thu đèn sách về nhà, đêm nó hay phụng phịu kêu khó ngủ, lực học kém đi. Anh Trần vẫn rình mà diệt chẳng được con chuột lông xám tinh quái. Con chuột ấy vẫn thi thoảng leo lên ban thờ gặm cả chân nhang.

Bố tôi mất. Tuần bốn chín ngày, đêm ấy run rẩy thế nào con chuột lông xám lại dẫn thêm một con nữa leo lên ban thờ ăn xôi, chuối cúng. Anh Trần uất lắm, tay lăm lăm gậy rình dưới chân ban thờ. Rình cả tiếng đồng hồ không thấy nó xuống, anh kê ghế đứng nhìn lên, hai con chuột đang thản nhiên ăn đồ cúng. Anh chộp, chuột chạy. Bàn thờ như có loạn. Một chiếc nậm cổ bị xô đổ lăn xuống nền nhà vỡ tan. Đồ gia truyền vỡ, anh Trần tôi buồn lắm. Qua bốn chín ngày cúng bố, anh xin phép mẹ cho vào Nam làm ăn. Mắt mẹ tôi mọng lệ. Mẹ bảo: "Lớn rồi. Tùy con."

5.

Còn lại một chiếc nậm sứ gia truyền, mẹ tôi bỏ vào trong chiếc hũ sành nhỏ rồi chôn xuống nền nhà bảo: "Khi nhà hết chuột mới đem thờ được". Một đêm tôi mơ chiếc nậm cổ hóa thành con mèo tam thể. Kể với mẹ, mẹ bảo: "Tao lại mơ thấy con mèo tam thể về, nó tha chiếc nậm cổ như tha chuột". Nói rồi nhớ bố tôi, mẹ khóc.

30/4 Mậu Dần



REF: NVA.TN100717-DTK1.


© Tác Giả và Việt Văn Mới Giữ Bản Quyền.

TRANG CHÍNH TRANG THƠ CHUYỂN NGỮ BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC