TÁC GIẢ
TÁC PHẨM




. Sinh 1961
. Hiện ở tại Nhơn Phú, Qui Nhơn, Bình Định
. Hội viên Hội VHNT Bình Định

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

. Mỗi tháng có một rằm- Tập truyện ngắn- NXB Hội nhà văn- 200 . . Những thời gian hoang phế- Tập truyện ngắn- NXB Thuận hoá- 2005 . Truyện tham gia trong các tuyển tập:
. Truyện ký Bình Định
. Truyện ngắn hay và đoạt giải 40 năm Văn nghệ Quân đội( 1957- 2002 )
. Truyện ngắn hay dành cho bạn đọc trẻ
. Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX
. Những truyện ngắn lạ Việt Nam…

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC :

. Giải thưởng thơ Văn nghệ nghĩa Bình năm 1983
. Giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ Bình Định 1993
. Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1996
. Giải thưởng Xuân Diệu Đào Tấn lần thứ II ( 1995- 2000 ).









Tranh của họa sĩ Nguyễn Thế Cương








PHẬN NGƯỜI GIÓ BAY

N ghè Tốn con mõ Tỉnh còn cháu ai thì ông không biết. Vì chính mõ Tỉnh cũng nào biết cha mình là ai. Bà Tầm lỡ thì sáng ấy ra giếng làng thấy một bọc vải rục rịch giở ra coi thì hay một đứa bé mới đẻ. Bé trai. Nó kiệt sức không còn khóc được nữa. Bà Tầm mừng hơn được vàng, bưng về nuôi. Vú thì có nhưng sữa đâu, bà đổ nước cơm pha đường thằng nhỏ tỉnh dần. Bà gọi nó là thằng Lượm tức là xí được chớ không phải đẻ. Ngày đầy tháng bà làm con gà mái cúng, nhờ ông ba Tòng có chữ nghĩa đặt tên. Ông chữ nghĩa bảo được nó bên giếng chữ nho giếng là tỉnh. Nó thành thằng Tỉnh. Tỉnh lớn cùi cụi cùng mẹ. Khoẻ mạnh vâm váp, phải cái lờ khờ. Gái làng nói chuyện với Tỉnh ba câu là bụm miệng cười rúc rích rồi chào. Ngoài hai mươi vẫn lơ ngơ như cờ không gió. Bà Tầm nhắm nhe nhiều đám cũng công cốc. Đã gần đất xa trời mà không có cháu bế, bà buồn bã luôn ca cẩm với hàng xóm. Nào ai giúp gì bà được. Bữa chợ phiên hôm đó bà về cùng một cô gái mầm mập và nhem nhuốc. Bà đưa bộ đồ đẹp nhứt của mình bảo cô gái đi tắm. Thì ra cô trắng trẻo dễ coi. Bữa ăn chỉ có bà mẹ vui vẻ hơi quá còn Tỉnh và Phiên- tên cô gái, e ấp ngường ngượng. Phiên là tên tác giả tự đặt cho cô từ phiên chợ vì người kể chuyện cam đoan rằng không nhớ tên cô gái.

Dẫu sao sự cố gắng của bà mẹ cũng khiến hai người nhanh chóng thành đôi. Năm tháng sau Phiên sinh thằng cu. Mừng ơi! Nội Tầm mừng quá quên ý nghĩa ông có chữ giảng, bảo đặt tên cháu là Táo. Tỉnh táo. Sau này khi đi học thầy mới bảo kêu thằng Táo là phạm thượng chữa lại thành Tốn vì học trò mạng Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, Chấn Tốn thuộc Mộc. Nhưng đó là sau này.

Mẹ nhắc vợ sinh con so phải sáu tháng mới ngủ chung. Tỉnh bức bối quá cứ đêm đêm ra vườn cuốc đi cuốc lại khoảnh đất mà không gieo trồng gì. Một đêm chưa tới sáu tháng, đang quẳng cuốc ngồi thở dốc, bất ngờ lưng Tỉnh chợt ấm mềm mùi dầu khuynh diệp. Dưới trời sao, trên đất vườn tơi xốp một cuộc quần thảo long trời lở đất vô hồi kỳ trận xảy ra. Sáng ngày, khi thằng Táo khóc ngằn ngặt Tỉnh chạy vô coi thử thì không thấy vợ. Ra vườn rồi dọc theo hàng tre xem thử có đau bụng ỉa chảy gì không. Rồi qua hàng xóm hỏi thăm. Bà Tầm cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Không ai biết. Người kể chuyện bảo thuồng luồng không chịu ở cạn. Tác giả cho rằng nàng ớn anh chồng khờ và gọi cái đêm trên đất dưới trời sao là đêm nhân bản. Tỉnh khóc đúng sáu tháng. Rồi thôi. Phải lo nuôi con. Bà nội Tầm tuy chưa đẻ nhưng có kinh nghiệm nuôi con ngoài sữa. Cũng năm đó Tỉnh được thầy lý sai làm mõ. Ông lý có con mắt tinh đời, Tỉnh tuy lờ khờ nhưng có sức khoẻ và chu đáo với công việc. Ngày làm thuê làm mướn đêm ra điếm canh, mõ Tỉnh sướng lắm. Gì thì cũng là người nhà nước. Ngày hùng hục, tối nhiệt thành, mõ Tỉnh cứ nhớ lại cái đêm cuối cùng trên đất rồi tìm cách tự thỏa mãn. Thằng Táo đã lên năm. Bà cháu ngày đêm quấn quýt.

Đêm tháng chạp rây rây mưa lạnh. Người cùng gác không tới. Mõ Tỉnh nằm chèo queo điếm canh. Nghe tiếng lịch kịch, mõ Tỉnh ngó ra thì thấy chiếc kiệu dừng lại, bước ra một bà, bà bảo mưa ướt cho bay về, mai ra đón tao. Lính kiệu rập đầu cám ơn bà Tuần. Tỉnh hoảng hồn vội ra cúi chào. Làng lâu nay vinh dự có người vợ quan tuần phủ, mõ biết. Đôi lần thấy bà về giỗ chạp. Bà phốp pháp và còn trẻ. Có lần bà còn vỗ vỗ vai mõ lúc mõ cúi chào.

Mõ Tỉnh run: "Thưa bà, ở đây lạnh lắm, để con kiếm củi đốt lửa cho bà sưởi?"

Bà Tuần nói: "Không sao, tôi chỉ đau lưng chút thôi, mấy đứa khiêng kiệu chạy vội xóc quá, anh đấm lưng cho tôi. Nghe thằng lý bảo anh có nghề này khá lắm."

Mõ Tỉnh run hơn: "Dạ… con không… dá…m…"

Bà tuần vén áo nằm sấp trên chiếu rách động viên: "Anh cứ làm sẽ có thưởng."

Mõ vâng lời mà tay chân cứ lóng ngóng. Phần sợ đã đành, phần vì mấy năm chưa hề đụng tới da thịt đàn bà. Cái mùi. Trời ơi, đích thị cái mùi.

"Này anh cứ ngồi lên nhổ cho kêu!"

"Dạ… bà… cho phép…?"

"Ngồi lên đi… không sao đâu…"

Mõ ngồi lên sau mông êm. Vừa chồm tới tay lận theo xương sống người đàn bà cùng lúc vật giữa háng thức tỉnh không sao cưỡng được. Nó hăng hái thúc vào. Mõ chỉ có quần đùi. Mõ kêu lên tuyệt vọng khi bàn tay đang xuôi theo thân mình kia bỗng ngoặc lên cầm lấy vật cứng. Bà tuần tự lật ngửa lúc nào mõ không biết và với sự trợ giúp của bà chuyện đã xảy ra. Chuyện xảy ra náo nức rồi đậm đà. Đậm đà đến mức bà tuần thường xuyên về thăm quê. Lão tuần già liệt dương cứ động viên bà đi cho khuây khoả…

Cho tiền mõ Tỉnh không lấy, cuối cùng điều cầu xin của mõ khiến người kể chuyện sửng sốt: xin cho thằng Táo đi học. Cuối cùng thì mõ không khờ hoàn toàn, người kể chuyện đoan chắc như thế. Chỗ này thì tác giả không bình bán gì thêm. Thằng Táo lên tỉnh đi học với danh nghĩa cháu bà tuần. Từ đây nó là thằng Tốn. Tiền bạc bà tuần chu cấp, kêu thằng cháu dưới quê. Trò Tốn sáng dạ học một biết mười miệt mài đèn sách nên hầu như không về thăm quê. Nhớ con đôi lần mõ Tỉnh khăn gói lên tỉnh, nó cau có khó chịu đuổi xua bảo đang mắc học rồi cầm cuốn sách. Mõ Tỉnh rụt rè ngồi nhìn con suốt buổi rồi se sẽ ra về, lòng vui buồn lẫn lộn, vui là chính, thằng nhỏ đọc được những trang chữ dày còn buồn thì ít, mõ vồn khờ. Tốn chỉ xưng với chúng bạn cháu bà tuần còn gốc gác cái làng quê tăm tối với những lời đồn đại chẳng mấy đàng hoàng về thân phận thì lờ tịt. Sau khi đỗ trong khoá cuối cùng của Trường Thi Bình Định, tân nghè được xã cấp cho mảnh đất làng bên, mõ Tỉnh hăng hái lên rừng chặt cây về dựng ngôi nhà khang trang cho con, bà nội Tầm chỉ biết khoe với hàng xóm thầy nghè lên Kinh. Thực ra nghè Tốn chỉ né mặt lên chơi với đám bạn học lêu lổng, chờ bổ nhiệm công việc- từ lâu bọn này trợ cấp tiền cho "cháu bà tuần": duyên phận điếm canh đã vãn vào tuổi ngoài năm mươi biếng thăm quê của người đàn bà. Có lần Tốn tìm tới phủ xưng tên, lát sau anh lính ra bảo bà tuần nói không quen biết. Đến Bảo Đại nguyên niên mới thấy nghè Tốn về làng cùng người vợ nói giọng trọ trẹ. Bà Tầm đã chết trong mỏi mòn chờ tin từ Kinh. Mõ Tỉnh thất sủng công việc điếm canh, nguồn sống tuổi già bằng việc đan giỏ tre, thúng mủng bán dạo quanh làng, thường thì rượu thay cơm, vài ngày ghé nhà con quét tước. Ông lè nhè với người làng con mình đi làm quan xa. Người kể chuyện khẳng định trong lý lịch kê khai sau Cách Mạng Tháng Tám, lúc được mời làm thành phần nhân sĩ trong mặt trận huyện, nghè Tốn ghi thành phần gia đình bần cố nông và quãng mười năm ấy có tham gia các phong trào chống sưu cao thuế nặng ở các tỉnh Trung kỳ và là người của Duy Tân, bằng chứng là ngày ông về làng không còn búi tó.

Vậy là nghè Tốn đã về cùng người vợ trọ trẹ và dạy chữ Nho cho con cái hạng phú gia của xã tại nhà. Thầy cũng mang về bộ áo dài the khăn đóng có in các chữ triện, cái dù đen đã cũ. Học trò kính cẩn nhìn lên ô gỗ nhỏ trên cao như trang ông táo xếp ngay ngắn mấy bộ sách thánh hiền, bên trên lợp mái xuôi chống chuột, phía dười treo cái dù, thỉnh thoảng thầy đi dạo mới được thấy nó xoà ra đẹp tăm tắp. Mõ Tỉnh chỉ dám từ xa ngắm con. Mỗi tháng một kỳ, ông nhận vài ký gạo nghè Tốn gởi, mừng phát khóc, dạo làng bán giỏ và khoe con. Một sự trùng hợp rất lạ, tuy không nhớ chính xác năm nào nhưng người kể chuyện bảo một sáng người ta thấy ông chết bên giếng làng. Ngôi nhà rách trong bờ tre nhanh chóng đổ sụp và cái vườn hoang này thường được chọn làm nơi hội họp bí mật của nông hội đỏ.

Học trò rồi thưa dần dù nghè Tốn những năm sau đã chuyển sang dạy chữ quốc ngữ. Dĩ thực vi tiên, không có miếng ăn thì chữ ích gì. Làng xóm rậm rịch hoạt động của Việt minh. Mõ làng ông ổng đêm đen. Những tin đồn ma vương quỷ sứ về làng rợn người. Vài người trai cày trong xóm đến nhà mời ông nghè tham gia công cuộc cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc. Ông cười lắc đầu: "Bằng cuốc cày gậy gộc ư?" Nhưng ông nói với bà nghè bằng giọng dè bỉu: "Bọn vai u thịt bắp vô học này thì làm được trò gì?" Ngày ngày bà nghè cuốc đất trồng khoai, trồng rau , ông xếp bằng đọc sách, ngâm ngợi. Aùo rách cũng giữ lấy lề, mỗi chiều đi dạo theo đường làng ra bến sông, nghè Tốn cũng áo khăn che dù chỉnh tề, gật đầu nghiêm trang đáp lễ những lời chào hỏi cung kính của mọi người. Aùo dù quá cũ đã bị sờn mấy chỗ được bà nghè chằm lại rất công phu nên trông cũng còn tinh tươm lắm. Nghè Tốn tuy đã lâu không còn học trò nhưng người làng vẫn rất trọng vọng người chữ nghĩa; nhiều học trò cũ đã lớn thỉnh thoảng còn đến biếu thầy món quà, tấm bánh. Ông cau mặt quở trách nhưng cũng nhận.

Chiều nay ông nghè lại lững thững ra bến sông hóng gió. Hôm trước tình cờ nghe người học trò làm ăn xa về báo tin ngoài bắc đói to, người chết lăn lóc đầy đường. Người Nhật bắt phá lúa trồng đay, dân tình điêu đứng tang thương, thầy nghĩ xem chẳng lẽ khoanh tay chờ chết. Làng mình thì chưa ai chết nhưng củ năng, củ lác, đọt dứa dại cũng không còn. Trẻ nhỏ ra đồng nhá hạt cỏ may… Cái năm Dậu này… Ông độn ra quẻ TỴ, là gần vào, giúp vào, con người phải gần nhau, giúp nhau đồng lòng rồi sau mới yên. Hào tư Ngoại tỵ chi, trinh cát, lời tượng nói rằng Ngoại tỵ ư hiền, dĩ tòng thượng dã, bên ngoài gần liền nghĩa là theo hào năm, hào năm là dương, một người hiền cương minh trung chính, lại ở ngôi vua; tức là liền gần người hiền lại theo người trên nữa, vì vậy mới tốt. Ông nghè nghĩ không ra, triều đình bù nhìn, vua chỉ long rong vui thú. Điềm báo một ông vua mới! Nhưng liền nhau với ai? Những người đói khổ thất học, chết đầy đường, những trai cày quanh mình ư? Vua của họ là ai? Chưa bao giờ ông lâm vào thế bế tắc như bây giờ. Người học trò đã cúi chào ra về. Những vạch đứt vạch liền nhảy múa trong đầu, mắt hoa lên. Chắc tại mình quá đói. Đói lâu rồi, chỉ vài ngọn rau cỏ mỗi bữa…

Ông đi nhẹ tênh như mộng du, người làng nhập nhoà trôi qua, dẫu sao vẫn là nghè Tốn với áo dài khăn đóng, đội dù. Đầu tháng bảy rồi vẫn chưa có giọt mưa, bãi cát bến sông còn ngút ngát. Rẻo nước phía xa đầy người mò hến, úp, nhủi, hy vọng kiếm được chút gì. Làng xơ xác không còn cây chuối, đu đủ…

Bến sông bập bênh những người hóng gió như ông. Bến sông đã từ lâu không còn cái chợ xổm, làng có gì để bán để mua? Những người hóng gió còm nhom rách rưới. Vài gã hào lý béo tốt cái nghề cầm cố. Người mất đất mất nhà dạt ra đây che tạm dưới bóng tre, không còn chợ bến cũng đông.

Nghè Tốn quay lại choáng váng trước cái mùi quen thuộc cách đây mấy tháng. Bà nghè đã bới những củ lang non cuối cùng luộc cho chồng trước khi bỏ đi. Cứ ngắt lá ăn dần, rễ củ chỉ bằng ngón tay, chiếc đũa. Đã lâu rồi, cái mùi bột… Bà nghè đã mang đi. Bà đã không thể nuôi nổi ông từ khoảnh vườn nhỏ còn đi xa làm thuê thì ông sĩ diện. Nắm lang luộc rưng rưng trên đôi tay gầy mảnh- cái miếng ăn, trời ơi, mớ chữ nghĩa thánh hiền chao chát đổ phịch xuống mấy chữ nguệch ngoạc: "Em xin lỗi thầy bảo trọng". Những dây lang bà nghè vùi lại cũng nhọc nhằn xanh lốm đốm. Nhiều lúc moi thử thấy rễ chưa mẩy bột ông nằm khóc lặng trong vườn thương trách thân.

Người đàn bà làng bên đã bày hai mẹt củ được ủ kỹ trong lá chuối nên còn bốc hơi. Những củ ngón tay vàng ngà bốc hơi. Ông nghè nhắm mắt nhưng cái mẹt củ cứ chòng chành, cái mùi bột tứa đầy trong miệng. Ông nuốt ực và nghẹn cứng trong cổ, đau choáng người. Ông lảo đảo mấy bước về phía mẹt củ, chị hàng chưa kịp mời chào thì tay ông đã chộp lấy một củ bỏ vào miệng, cái dù rơi tự lúc nào, tay còn lại cũng vội vàng lập công với củ thứ hai. Chị hàng thoáng sửng sốt rồi lập tức chợt hiểu, chồm tới, hai tay chẹn cổ ông bóp chặt. Củ thứ hai chưa kịp nuốt trào ra cùng nước dãi, rơi xuống cát . Không một tiếng vang. Nhìn sâu vào họng thấy chẳng còn gì, chị hàng đẩy mạnh ông ra cùng với léo nhéo tràng chửi. Chị vừa chửi vừa gạt sạch lớp cát, nước dãi một cách kỹ lưỡng rồi cẩn thận đặt lại củ ngón tay vàng ngà hơi giập lên mẹt. Nghè Tốn nằm giãy đành đạch trên cát, miệng chỉ kêu lên hai tiếng: trời ơi, trời ơi… Phía xa, cái dù bị gió cuốn lăn lông lốc.

Suối Trầu, tháng 3 năm Ất Dậu






© Tác Giả Giữ Bản Quyền.




TRANG CHÍNH TRANG THƠ CHUYỂN NGỮ BIÊN DỊCH NHẬN ĐỊNH ÂM NHẠC